Bài viết Thử bàn về chữ "Níu" Trong bài thơ "Nếu anh còn trẻ của NT Hoàng Cầm" (thơ 3) Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

 Nhà thơ Hoàng Cầm.

 

Ảnh Báo Giảitrí.Vnexpress.vn

 

 

Nhà Thơ

Phạm Đức Nhì

 

 

 

 

 

THỬ BÀN VỀ CHỮ “NÍU” TRONG BÀI THƠ

                 NẾU ANH CÒN TRẺ CỦA HOÀNG CẦM

 

 

Hôm nọ dự họp mặt hội Cựu Học Sinh Trung Học Ban Mê Thuột, trong lúc hàn huyên, tán gẫu, các đàn anh lớp trước của tôi (đều đã xấp xỉ 7 bó) có lẽ thấm cái nỗi buồn bạc tóc của mình, bỗng cùng nhau ngâm nga 4 câu đầu trong bài thơ Nếu Anh Còn Trẻ của Hoàng Cầm:

 

                        Nếu anh còn trẻ như năm ấy (1)

                        Quyết đón em về sống với anh

                        Những khoảng chiều buồn (2) phơ phất lại

                        Anh đàn em hát níu xuân xanh

 

Ai cũng mắt lim dim như đang thả hồn vào một giấc mơ tình thơ mộng. Có người còn cao giọng:

            Mẹ cha nó! Lão Hoàng Cầm đưa chữ “níu” vào bài thơ hết sẩy.

Tôi định cãi nhưng sợ các ông anh mất hứng nên lại thôi.

Về nhà, tôi vào google tìm đọc trọn bài thơ để sau này nếu đụng chuyện có thể “nói có sách, mách có chứng”. Có khá nhiều bài viết liên quan đến bài thơ, phần nhiều là ngợi khen thi tài của tác giả Bên Kia Sông Đuống. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng chọn đoạn đầu của bài thơ, bỏ hai đoạn sau, tự chế ra ba đoạn khác phổ thành bản nhạc Tình Cầm rất được lứa tuổi “về chiều” ưa thích. May mắn tôi cũng gặp một bài phê bình của Bác Sĩ Phạm Anh Dũng trong trang web Hồn Quê. Bài viết công phu, phân tích chi li, bình phẩm bằng con mắt của người yêu thơ, hiểu biết về thơ một cách khá sâu sắc.

 

Nếu anh còn trẻ như năm ấy

Quyết đón em về sống với anh

Những khoảng chiều buồn phơ phất lại

Anh đàn em hát níu xuân xanh

 

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận

Anh lụy đời quên bến khói sương

Năm tháng…năm cung mờ cách biệt

Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?

 

Nếu có ngày mai anh trở gót

Quay về lãng đãng bến sông xa

Thì em còn đấy hay đâu mất?

Cuối xóm buồn teo một tiếng gà.

    (Nếu Anh Còn Trẻ, Hoàng Cầm)

 

Trên đời này có biết bao nhiêu người gặp nhau, gặp lại nhau, yêu nhau muộn màng lúc đã…già. Muộn màng.

Bài thơ lãng mạn do thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1941 diễn tả về cuộc tình dở dang của một người không còn…trẻ nữa. Có nhiều chữ, nhiều câu thật tuyệt vời. Lấy vài thí dụ trong bài để xem tài làm thơ của Hoàng Cầm.

Mở đầu bài thơ, chữ Nếu cho thấy đây là chuyện mong ước, giả dụ. Đọc tiếp cho đến hết câu đầu,anh còn trẻ như năm ấy, sẽ thấy rõ đó là chuyện không thể có thực.

Nhưng chữ Quyết ở đầu câu hai cho thấy dù chỉ là chuyện giả tưởng, ý tưởng người đàn ông vẫn mạnh mẽ khi có ý đón em về sống.

Có một chữ hơi lạ là chữ khoảng của câu thứ ba. Thường người ta sẽ viết là buổi. Nhưng đọckhoảng chiều thấm thía hơn buổi chiều. Cái cảm giác khi đọc khoảng chiều sẽ là những lúc hoàng hôn về, không được trọn vẹn thành cả buổi chiều, mà chỉ có những khoảng thời gian của những buổi chiều mà thôi. Kết quả là cả câ thơ buồn hơn, hay hơn.

Chữ “níu” ở trong “níu xuân xanh” phải nói là rất hay, cho thấy tình trạng gần như tuyệt vọng của mối tình …già, dù đây vẫn chỉ là nói chuyện giả tưởng. Mặc dù chuyện đón người yêu về chỉ là chuyện không có thực, mà tình yêu đã mong manh như vậy rồi.(trích)        

………..

Trên đây là những lời bình của BS Phạm Anh Dũng. Cá nhân tôi,  chỉ riêng về chữ “níu” lại có cảm nhận hoàn toàn khác.

Níu: cố giữ lại cái gì sắp vuột mất. Níu xuân xanh có nghĩa là: tuổi cao rồi, đèn sắp cạn dầu rồi, gắng tận huởng những ngày xuân ít ỏi còn lại của cuộc đời kẻo sau này lại hối tiếc. Nhưng xem kỹ chữ “níu” trong bài thơ, theo tôi, tác giả đã sử dụng nó với ý nghĩa hoàn toàn sai lạc. Tôi xin phép được thay mấy chữ trong đoạn thơ chỉ với mục đích làm rõ điều muốn nói (khi viết bài này) chứ không có ý phạm thượng sửa thơ của tiền bối.

 

                        Nếu anh gặp lại em, người cũ

 

Vâng! Ở cái tuổi xế chiều, nếu gặp lại người yêu cũ mà vì một lý do nào đó, hoàn cảnh nào đó, lúc trẻ không đến với nhau được, và nếu không bị ràng buộc, vướng bận gì thì:

 

                        Quyết đón em về sống với anh

để rồi

                        Những khoảng chiều buồn phơ phất lại

                        Anh đàn em hát níu xuân xanh

 

Như thế là hợp tình, hợp cảnh. Chữ “níu” vừa tượng hình, vừa độc đáo lại ở vị trí “đắc địa” nên đã thể hiện tâm trạng vừa sốt ruột, vừa “tiếc của giời” của tác giả một cách thành công.

Nhưng đàng này lại là:

 

                        Nếu anh còn trẻ như năm ấy

 

nghĩa là “xuân xanh” còn dài thườn thượt, đèn còn đầy cả bình dầu, thì cứ thong thả mà thụ hưởng chứ việc gì phải níu với kéo. Chữ “níu” ở đây không những không hợp, không hay mà còn sai bét nữa. Nó đã làm hỏng đoạn thơ chính và do đó, theo tôi, đã làm hỏng bài thơ.

 

Trong Thơ ĐếnTừ Đâu khi nhắc đến đoạn thơ trên, Nguyễn Đức Tùng có hỏi “khó” thi sĩ:

Anh viết bài thơ ấy năm 1941, tức là lúc anh còn trẻ lắm, chứ đâu đã già?

Thi sĩ trả lời:

Đúng là lúc ấy tôi chưa già nhưng có cái tâm trạng không còn trẻ nữa. Mà nhiều khi chuyện làm thơ, chúng mình hay có những linh cảm, dự báo như thế. Đến nay đọc lại nhiều khi cũng thấy cảm động. (sic!!)

 

Thật khó mà đồng ý và chia sẻ với nhà thơ những lời tâm tình ấy. Hoàng Cầm sinh năm1922; khi viết bài thơ ông chỉ mới 19 tuổi. Còn ở cái tuổi teen (chưa đến 20) thì làm sao có trải nghiệm, cảm xúc để thể hiện chân thật tâm sự của người sắp hết xuân xanh, đèn sắp cạn dầu được? Có thể ông đặt mình vào hoàn cảnh của một người “già” nào đó, nói hộ tâm sự của họ, hoặc cho trí tưởng tượng của mình bay về một tương lai xa tít mù khơi (hơn 40 năm sau) để yêu thương, tiếc nhớ. Trong cả hai trường hợp, tôi không muốn nói là ông đã thương vay, khóc mướn, nhưng những điều ông viết không phải là lời tâm sự, là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim.

 

Một lần tôi tình cờ ngồi gần một bà cụ trong lúc ăn bánh xèo ở chợ An Đông. Bà cụ trải một lá rau xà lách xuống đĩa; trên lá rau nằm chình ình một con sâu to bằng nửa ngón tay út. Tôi chưa kịp phản ứng thì bà cụ đã thản nhiên xé một miếng bánh xèo đặt lên lá rau rồi cuộn lại, chấm nước mắm cắn ăn ngon lành, vừa nhồm nhoàm nhai vừa gật gù ra vẻ khoái trá. Trên đường về tôi cứ áy náy mãi vì sự thiếu quyết đoán và tính cả nể của mình. Tôi sợ nếu lên tiếng đánh động sự có mặt của con sâu sẽ làm hỏng bữa ăn ngon của bà cụ và…mất lòng chủ quán. Nhưng nếu cứ ngồi yên để mặc bà cụ vừa nhai con sâu vừa khen ngon thì có vẻ …hiểm ác quá. Hơn nữa, việc chỉ cho bà cụ (và mọi người) thấy con sâu sẽ khiến chủ quán cẩn thận hơn trong những lần rửa rau sau đó, và khách ăn hàng, nếu còn quyến luyến thương hiệu của quán, sẽ để ý đến lá rau kỹ hơn trước khi cuốn bánh xèo.

 

Tôi biết mình khi đọc thơ không có được sự độ lượng và dễ dãi như Phạm Duy, như BS Phạm Anh Dũng, như những ông anh lớp trước ở trường Trung Học Ban Mê Thuột (và một số người yêu thơ khác). Ai có trách cứ cũng xin đành chịu vậy.

Chỉ biết là những lần ăn bánh xèo sau này, thấy tôi cứ đưa từng lá rau lên xem xét tỉ mỉ, vợ tôi vừa cười vừa nói chọc: “Anh cứ có cái tật vạch lá tìm sâu.”

 

Chú thích

  1. Có bản ghi là năm  hoặc năm trước

  2. Có bản ghi là chiều vàng

     

     

    NT Phạm Đức Nhì

     

      Nếu có ý kiến, bình phẩm xin gởi về nhidpham@gmail.com

     

    Phần Viết Thêm

Tôi đã tốn khá nhiều thời gian để trả lời bạn đọc về chữ “níu” này. Hôm nay tình cờ đọc được bài thơ của Xuân Quỳnh cũng nói đến cái ý đó nên nhân tiện bàn thêm vài lời. Chúng ta hãy nghe nữ sĩ Xuân Quỳnh tâm sự:

Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc

Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa

Chi chút thời gian từng phút từng giờ

Như kẻ khó, tính từng hào keo kiệt

(Có Một Thời Như Thế, thivien.net)

Khi “mái tóc xanh bắt đầu pha sợ bạc”, quỹ thời gian không còn nhiều nữa thì việc “chi chút thời gian từng phút từng giờ/ Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt” là cần thiết; “níu xuân xanh” đưa vào hoàn cảnh ấy là hợp tình hợp lý, người đọc ai cũng có thể thông cảm và chấp nhận dễ dàng. Còn như Hoàng Cầm, mới 19 tuổi đã viết:

“Nếu anh còn trẻ như năm cũ”

nghĩa là xuân xanh còn dài đằng đẵng, không chịu ung dung hưởng thụ mà lại:

“Anh đàn em hát níu xuân xanh”

thì đúng là tính khí của anh nhà giầu keo kiệt - tiền đầy túi mà chi li từng xu, từng hào. Cách ứng xử ấy chẳng nên thơ tí nào nếu không muốn nói là rất xấu. Chữ “níu” không những không hay mà lại còn không đúng nữa.

 

Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

Gởi từ Hoa Kỳ ngày 18, tháng 4, năm 2016

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền