Hai Lần Chết (Truyện ngắn 24) Thủy Điền

 

 

 

Thủy Điền

 

Trao trả tù binh

 

 

 

Hai lần chết

 

    Giữa đêm khuya, bổng dưng nghe tiếng la ơi ới bên phòng mẹ. Quang mở cửa phòng chạy vào xem mẹ mình có chuyện gì mà nghe khủng khiếp thế. Quang hỏi ?

-Có gì mà mẹ la to thế ?

-Không có gì đâu con, về phòng ngủ đi, mẹ nằm mộng vậy mà.

 

    Quang lấy tay xoa lên vầng trán mẹ và lấy khăn lau cho bà vì vầng trán sau cơn mộng chảy ướt đầm đìa. Chàng hỏi ? Mà chuyện gì vừa xảy ra, mẹ kể cho con nghe nào, xem có giúp mẹ được gì không. Sao con thấy có vẻ khủng khiếp thế. Mẹ đã nói khuya rồi, con hãy về ngủ đi, mai mẹ sẽ kể hết cho con nghe.

-Dạ, thôi được, con về phòng đây.

 

    Về bên phòng Quang không sao ngủ được, cứ sợ mẹ mình đang bị ám ảnh việc gì rồi xảy ra những cơn mộng khác, ảnh hưởng đến tinh thần. Chàng cứ trăn trở cho đến sáng.

   Sáng dậy, hai mẹ con ngồi bên ly trà, vừa nhâm nhi, vừa kể cho Quang nghe hết cơn mộng đêm qua. Bà nói :

 

    Đêm qua mẹ thấy bà nội con về báo mộng. Rằng, cha con chưa chết Quang à, cha con còn sống và ở tận mút xa, bà bảo mẹ con mình hãy chuẩn bị mà đi đón cha về, mẹ mừng quá và ôm bà chầm chập và một lúc sau mẹ gặp lại cha con ngay một bến đò, mẹ nhào tới ôm cha, cha vang rộng vòng tay đón mẹ rồi đứng khóc sướt mướt như đứa trẻ lên năm. Khi con sang phòng mẹ mở cửa là lúc cha con biến mất và mẹ tỉnh dậy, nhưng mệt mỏi vô cùng.

  

    Cha Quang là một Sĩ quan trong QLVNCH cũ bị mất tích vào đầu xuân năm 1965 tại Bà Rịa- Vũng Tàu trong một đêm bị tấn công bất ngờ, Kể từ ngày đó mẹ Quang hay đến đơn vị hỏi xem có tin tức gì về ông ta không ? Thì đơn vị bảo rằng cha Quang đã chết. Dù biết vậy, nhưng mẹ Quang vẫn cứ nuôi hy vọng, bà luôn nghe ngóng đi xem bói hết ông thầy nầy, đến bà thầy nọ, thậm chí tìm đến những nơi rất xa. Ai ai cũng bảo là cha Quang đã chết lâu rồi, hãy về lập bàn thờ mà cúng vái. Nghe lời thầy bói cũng như những lời đơn vị báo nên về nhà bà lập bàn thờ, thờ ông.

  

    Cuối năm 1972, tự dưng giữa đêm khuya bà nằm mộng thấy bà mẹ chồng về mách. Rằng, chồng mình chưa chết, sáng thức dậy bà nửa tin, nửa ngờ vực vì chuyện nầy đã xảy ra ngần tám năm nay chứ đâu phải mới đây đâu. Rồi ngày tháng vì bận bịu công việc bà bỏ qua và quên dần đi.

  

    Thật chuyện đời cái gì cũng có thể xảy ra cả, câu chuyện khó tin, nhưng có thật. Ngày 18, tháng 3, năm 1973, giữa trưa nắng oi bức bà nhận được giấy báo của cơ quan quân đội báo về. Rằng, chồng bà đã được trao trả tù binh (*) và hiện đang ở tại trại an dưỡng Biên Hòa. Giấy báo ghi rõ tên họ và đơn vị phục vụ trước đây và gia đình hãy nhanh đến liên lạc với cơ quan hữu trách để làm thủ tục lãnh người thân về.

  

   Cầm tờ giấy báo trong tay, bà như chết đi, sống lại rung rẩy cà người, lính quýnh chẳng phải biết toan tính thế nào. Bao người xung quanh thấy vậy nên động viên, chúc mừng và tìm mọi cách giúp đỡ bà trong cơn khủng hoảng nầy.

  

   Sau ngày đó mọi người mướn xe đi Biên Hòa theo địa chỉ đã ghi rõ trong thư. Quả thật, khi đến nơi bà liền nhận ra ông ngay. Sự hội ngộ sau tám năm xa cách, chỉ biết ôm nhau, dâng tràn nước mắt mà chẳng nói thành lời. Nhưng ông giờ già quá và gầy yếu hơn xưa rất nhiều, thậm chí hai chân bị liệt và phải ngồi xa lăn. Bao nhiêu người thân đi theo cùng, mừng quá chỉ biết khóc, cứ khóc, không dừng nỗi những dòng lệ xúc động.

 

    Khi gặp nhau xong, người ta chưa cho về nhà ngay, mà phải ở lại ba tuần nữa để khám sức khỏe và nghỉ an dưỡng cho thật bình phục mới được xuất trại.

  

    Đúng ba tuần sau như quy định, bà và gia đình cùng nhau lên đón ông về, khi đến thì thấy ông tươi tỉnh hơn trước nhiều , ai ai cũng mừng ra mặt. Về đến nhà gặp lại vợ con, người thân ông vui hẳn ra, thí điều muốn đứng dậy khỏi xe lăn mà đi dăm bước để nhìn lại cảnh cũ sau bao ngày xa cách. Cơn vui chưa tàn, nỗi buồn chưa vơi, ngày hội tụ chưa  hoàn toàn, không rõ vì mừng quá xúc động hay sức khỏe không tốt, ông trở bệnh lại và qua đời sau đúng một tháng trở lại quê nhà, gặp lại vợ con và người thân thuộc.

   Khi đám tang ông xong. Lẽ ra, bà phải buồn nhiều, nhưng ngược lại bà vẫn bình thản. Bà con họ hàng ai cũng lấy làm nuối tiếc. Nếu có ai hỏi ? Bà bảo bà đã thỏa nguyện lắm rồi, khi bà và các con đã được gần và nhìn ông lần cuối.

   Cái bàn thờ kia, sau tám năm vừa mới được dọn xuống và bây giờ lại bắt đầu dọn lên ngay chỗ cũ.

 

(*) Ngày trao trả tù binh tại Lộc Ninh 13, tháng 3, năm 1973

 

THỦY ĐIỀN

Ngày 07, tháng 6, năm 2016

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền