Tuyệt Vọng (Truyện Ngắn 28) Thủy Điền

 

Thủy Điền


 

Tuyệt vọng

 

   Từ lộ nhựa liên xã Tân Lý Đông – Phú Mỹ, rẽ trái, rồi đi tiếp theo một đoạn đường được trải bằng nửa đá, nửa đất lõm chõm khoảng ba cây số, qua cây cầu ván, có một con đường nhỏ khác được trải bằng đất đỏ. Con đường nầy dài hơn mười cây số, chiều cao ba mét và chiều ngang một mét. Nó vừa là đường giao thông và là con Đê ngăn phèn giữa cánh đồng Tháp mười thuộc hai Huyện Tân Phước và Châu thành. Qua ba năm xây dựng nó bị sạt lỡ,  teo dần bởi những cơn mưa lớn và bây giờ chỉ còn nửa mét bề ngang. Con đường nầy xe gắn máy hai bánh và xe đạp chỉ chạy được vào mùa khô, còn mùa mưa hoàn toàn là đi bộ.

   

   Cách đây năm năm, vào tháng bảy, nhân dịp các con nghỉ hè, cả gia đình cùng nhau về Việt Nam thăm quê. Tình cờ có một Nông dân sống cạnh con đường nầy bị hư cái tủ lạnh. Ông gọi điện thoại cho thằng Tý cháu tôi vào sửa, vì nó là thợ sửa tủ lạnh và có tiệm ngoài xã.

Tý thấy tôi về Việt Nam du lịch, ngoài những lúc đi đây, đi đó, số thời gian còn lại chỉ nằm nhà, buồn. Nên rủ tôi đi cùng cho vui. Hồi đầu thấy mưa gió, sình lầy tôi ngại, nên từ chối. Nó cứ kèo nèo, Cậu đi chơi cho vui, hơn nữa Cậu sẽ thấy cánh đồng trồng Khốm trong nầy rất lớn và đẹp vô cùng. Nghe nó quảng cáo cảnh thiên nhiên hữu tình xứ mình quá tuyệt, nên thay đồ đi theo. Bởi, trước những năm còn ở quê nhà chỉ nghe thoang thoáng đồng Tháp mười, chớ chẳng biết nó xuất phát từ đâu và nghe đồn đại chỉ có Tràm, Bàng, Le le, Vịt nước, cá Lia thia nhưng chưa bao giờ nghe tiếng Khốm.

   

    Hai Cậu cháu đèo nhau trên chiếc xe Hon-da qua hai ba đoạn đường, cầu ván rồi đến con đường đất đỏ để dẫn đến nhà ông Nông dân cần sửa tủ lạnh. Nhà ông nằm giữa đoạn đường, tính ra từ đầu cầu đến đó khoảng bảy, tám cây số. Thằng Tý lái hay thật, không bị ngã xe, tôi ngồi ôm nó thật chặt và run. Miệng lập bập !

-          Khéo khéo một chút nha Tý, bằng không hay Cậu cháu mình rơi xuống đây là khổ lắm. Nó bảo.

-          Cậu an tâm đi, không có sao đâu, nó nói thêm, ở đây vào mùa nầy nhà nước khuyên đừng đi xe gắn máy vào đây dễ gây nguy hiểm, cháu đi đại, chẳng lẽ từ chợ vào đây mười lăm cây số đi bộ sửa tủ lạnh sao, hơn nữa ông ta là khách quen, lúc trước ông ta mua tủ lạnh của tiệm cháu nên cháu dị bụng và muốn giữ khách hàng.

     Nghe nó nói « Cháu đi đại « Cộng nhìn thấy con đường, trời đang mưa, trơn trợt mà nghe ớn lạnh. Nó còn đùa.

-          Có rơi, chẳng lẽ rơi mình Cậu, còn con được tha sao.

-          Để trấn an, tôi cũng đùa, ngày mai cháu có rủ Cậu đi chắc Cậu phải nói Mợ cháu soạn thêm cho Cậu cái quần phòng hờ thì mới an tâm hơn. Nó hỏi ?

-          Chi vậy? Cậu sợ mưa ướt, rồi thay à, đi một chút lỡ có mưa cháu có sẵn áo mưa đây.

-          Không phải vậy, Cậu sợ té đái đó cháu.

  

    Hai Cậu cháu vừa chạy, vừa run, vừa ôm bụng cười. Nhờ tiếu lâm mấy câu qua lại, Vậy mà hai Cậu cháu mò đến nhà ông khách hàng hồi nào không hay.

   

   Nó thì cậm cụi sửa, tôi uống ly nước và đi vòng quanh khu vườn ngắm nghía, tò mò một chút. Ôi ! Thật tuyệt, cả một vùng trồng toàn là Khốm, vàng có, nửa vàng, nửa xanh, xanh và mới trồng cây con cũng có. Tất cả hiện lên như một tấm thảm xanh, dầy, mướt rượt. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi ?

-Thưa bác, bác là người quê quán ở đây hay từ nơi khác đến lập nghiệp. Ông trả lời,

- Một dãy nhà mấy trăm cái từ đầu cầu ván trở vào đây là những người tứ xứ đến lập nghiệp, trước đây mười năm, vùng nầy chẳng có ngoe nào mà là một khoảnh đất hoang, toàn Năng mọc và nước phèn.

-Các bác tự phát hoang làm nên hay Chính phủ phụ giúp ?

-Tự hết chú ơi, nhà nước chỉ giúp gạo ăn đúng một năm.

-Các bác tài thật, biến đồng hoang trở thành đồng Khốm rợp trời.

-Nghèo quá, phải ráng chớ biết làm sao.

-Bây giờ tất cả thành hình, giờ chỉ còn bán lấy tiền phải không ?

- Bác Nông dân cười cười, coi vậy chớ không phải vậy đâu chú ơi.

-Tại sao ?

-Chú thấy đó, trên đoạn đường chú vào đây, trước nhà nào cũng có một đống Khốm vừa thu hoạch to tát gần ba trăm trái, đang chờ Ghe ngoài chợ Tân Phước vào mua. Nếu Ghe đi từ đầu chợ vào, đoạn nhà phía trên không có Khốm, Ghe sẽ lần tới đây thì chúng tôi bán được. Còn đoạn nhà phía trên có Khốm, Ghe chở đầy, quây ngược trở về chợ, ngày hôm ấy chúng tôi coi như đổ xuống sông, có mang cho, cũng chẳng ai thèm lấy, vì ai đều cũng như mình.

 

    Tôi vừa nghe xong, hơi phân vân, ông Nông dân nầy nói thế nào. Hay là ông ta thấy mình lạ rồi muốn nói sau thì nói.

 

    Đúng gần một tiếng, Thằng Tý sửa xong cái tủ lạnh, khách hàng trả tiền và hai Cậu cháu lên xe đi về. Giữa đường tình cờ  tôi gặp bà Mợ, tôi hỏi ?

-          Sao? Nhà Mợ ở gần đây. Mợ bảo,

-           Mợ ở xã khác, nhưng cũng gần đây. Mợ sang nhà con gái Mợ cách đây hai nhà, hai cháu vào chơi một lát rồi về.

-          Da, chúng cháu vào cùng Mợ.

  

    Trước khi bước vào nhà, tôi cũng thấy nhà con Thủy con Mợ ba cũng có một đống Khốm to lớn. Vào nhà uống nước, tâm sự một lúc, tôi hỏi ?

-Thủy, Khốm trước nhà là Khốm của em bán hay em mua vậy ? Thủy trả lời.

-Khốm của em vừa thu hoạch, đang chờ Ghe trên chợ Tân Phước tới mua, mà chờ từ sáng tới giờ sau chẳng thấy. Bây giờ là mười hai giờ trưa họ không đến, coi như lỗ rồi anh ơi. Anh thấy mấy nhà phía trên còn đống Khốm nào trước cổng không ?

-Anh thấy nhà nào cũng có cả.

-Vậy là họ cùng số phận như em.

-Nếu bán không được em phải làm sao ?

-Thì bưng qua con Đê có con Sông rồi đổ xuống đó.

-Uổng vậy ?

-Biết làm sao bây giờ hỡi anh. Miệng Thủy vừa nói, tay vừa bỏ Khốm vào bao Ny-lon tặng tôi và Tý mười trái.

-Thủy nầy, sao em không tìm cách khác, cứ đổ hoài như vậy rồi vốn đâu trồng nữa ?

-Anh nói đúng, em định hết mùa mưa nầy, em không trồng nữa và sẽ lên Thành phố tìm việc làm, chứ đeo đuổi cái nghề nầy khó sống quá anh ơi.

 

    Trên đoạn đường về nhà, tôi nói với Tý. Nếu sự thật như mọi người đã kể thì thật là đáng tiếc. Tý nói, Họ nói thật đó Cậu hai, con ở đây con biết. Tội nghiệp họ lắm, họ là những người, cực khổ, chịu đựng, chờ đợi- chờ những chiếc ghe đến mua, chờ hết ngày nầy, sang ngày khác và có người chờ đến tuyệt vọng đấy Cậu.

 

Thủy Điền

Ngày 16, tháng 6, năm 2016

 

http://www.thuy-dien-thivanviet.de/

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền