Quán Nhỏ Bên Lề . Đứa Con Út (Truyện Ngắn 33, 34) Thủy Điền

 

 

 

THỦY ĐIỀN

 Quán nhỏ bên lề

 

           Vừa đến Đảo vào buổi chiều, nhân viên sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở xong xuôi. Sáng ngày hôm sau hai vợ chồng ghé vào quán cóc vệ đường gọi hai tô Mì nóng ăn, Vì cả tháng nay kể từ ngày đi vượt biên toàn ăn đồ vớ vẩn. Vừa ăn, vừa hít hà khen ngon định gọi thêm tô nữa. Chưa kịp gọi thì ông Chủ quán xề lại hỏi han đủ thứ chuyện trên đời và gạn sang cái quán ông đanh hành nghề, nên mất hứng.

    Tám giờ sáng một ngày tháng tám năm 1980. Bảy chiếc thuyền Bầu chở gần ba trăm thuyền nhân thuộc tàu Cap Anamur của Đức từ Singapore chuyển sang Đảo Poulo Galang Indonesia tạm cư. Vì hiện tại trại tỵ nạn Singapore không còn chỗ trống. Những chiếc thuyền Bầu len lỏi theo những con Sông và Rạch nhỏ suốt sáu tiếng đồng hồ từ Singapore-Indonesia. Trên quãng đường đi ai ai cũng rất vui thú, vì lần đầu tiên được ngắm nhìn toàn những thắng cảnh thiên nhiên, mà từ nhỏ đến giờ chưa một lần thấy nó. Chiếc thuyền cứ tành tạch với vận tốc vừa phải, thế mà mấy chốc đã đến nơi.

    Đúng mười bốn giờ trưa cùng ngày, nắng ngoài trời chói chang, cũng là lúc con thuyền vừa cập bến. Như có sự báo trước, trên bờ có hành trăm người đứng chờ sẵn, xem trong những chiếc thuyền nầy có ai là thân nhân của mình không. Thật như lời dự đoán, người khác thì không biết, nhưng riêng vợ chồng chúng tôi có hai cô cháu vợ ra đón. Vì hai cô nầy đã đi trước chúng tôi hơn sáu tháng và hiện còn nằm trên Đảo chờ ngày đi định cư sang Pháp theo diện đoàn tụ gia đình. Cuộc hội ngộ không hẹn mà đến, ba Dì cháu ôm nhau khóc ùa như cách xa nhau hàng mấy chục năm có lẽ. Vừa mừng, vừa nghe Loa Cao ủy phải trật tự, điểm danh mất khoảng một giờ . Bỗng dưng cơn mưa rào từ đâu đổ ầm xuống như chào đón. Ai cũng bảo đây là điềm hên, rồi mọi người hè nhau chạy nhanh vào căn nhà không vách gần bên để trú mưa.

   Sau cơn mưa, tất cả trở lại bình thường và trình tự được xe Cao ủy chở vể khu nhà ở. Và chúng tôi được đưa đến Barak 182 trên ngọn đồi xa tít. Từ ngọn đồi nầy muốn xuống tới khu chợ phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, đường đi rất cong queo và vất vả. Hơn nữa thời gian ấy lại là mùa mưa như ở Việt nam nên đường đồi rất là trơn trợt. Trong Barak người ta đã chuẩn bị sẵn sàng đâu những ngày trước gần hai trăm cái giường san sát nhau và chia đều cho mỗi hộ. Chúng tôi ổn định xong trong chiều đó và ngủ một giấc rất ngon lành cho đến sáng, vì cả ngày nay đi đường quá mệt mỏi.

   Trong lúc ngủ tôi nghe dăng dẳng bên tai tiếng một phụ nữ nói liên tục, không ngớt miệng. Nào Úc, nào Mỹ, nào Canada. Tôi bực bội muốn đứng dậy bảo sao không nói nào Việt nam. Nhưng thôi, có lẽ vì họ đang mơ mộng quá. Và thầm nghĩ, cuộc hành trình gian khó đã đến đây là may mắn lắm rồi. Tương lai, ngày mai từ từ sẽ rõ.

   Sáng hôm sau hai vợ chồng bàng nhau, thôi mình đi tìm cái ăn cho đả thèm. Đi qua, đi lại chúng tôi nhìn thấy một cái quán cóc ghi mấy hàng chữ „ Tại đây có bán Mì ăn liền nấu sẵn„ Nên ghé vào và gọi hai tô Mì. Ông Chủ quán nấu xong, bưng ra tiếp khách rất tử tế. Vừa ăn, vừa khen ngon vô tình để lộ sự thèm khát nên ông đoán chắc là chúng tôi những người vừa mới đến. Ăn xong, chúng tôi định gọi thêm hai tô nữa ăn cho đả miệng, thì ông xách cái ghế khác xề đến gần bên hỏi han? Chúng tôi chẳng có gì giấu giếm và trả lời một cách chân thật. Ông hỏi?

   Hai anh chị có muốn sang quán chúng tôi Không? Tôi trả lời, mới đến chân ướt, chân ráo mà biết gì sang quán, hơn nữa đâu biết mình ở đây bao lâu mà sang. Mà dẫu muốn sang lấy tiền đâu mà sang bây giờ. Ông bảo chỉ có một Chỉ vàng thôi, còn thời gian ở thì chắc lâu lắm. Tôi hỏi? Ông ở đây lâu chưa. Ông Ta bảo, hơn một năm rồi. Tôi ngồi trầm ngâm một hồi và suy nghĩ, có lẽ mình cũng như thế. Cuối cùng mọi chuyện chẳng đâu vào đâu, chúng tôi ăn xong, trả tiền rồi từ giã ra về.

   Ở Đảo gần hai tuần, ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn cảnh an nhàn bắt đầu sanh chán.Tôi nói vợ tôi ở nhà còn tôi đi tìm việc gì làm vừa kiếm tiền, vừa thoải mái tinh thần. Tôi đi vòng quanh hỏi ra thì người ta có mướn làm công tại trại Galang 2, công việc dọn dẹp những vật liệu xây dựng cho gọn gàng với mức lương 1500 Rupiah tiền Indo một ngày, hồi ấy tương đương với năm Đô la. Mừng quá, về bảo vợ là ngày mai anh đi làm, em chuẩn bị cho anh chút ít gì để mai đi.

   Sáng đến tụ điểm để xe chở vào nơi làm việc, tôi thấy người ta đông chật, họ cũng đi làm như tôi. Khi xe vừa thắng cái két, bao thiên hạ phóng ào ào lên, vì lịch sự tôi nhường và định lên sau. Ai ngờ ! Xe chỉ dừng một phút rồi chạy mất, thế thì đành xách gào mên cơm đem về.

   Về đến nhà vợ tôi hỏi? Sao anh lại về, người ta không nhận làm à. Tôi bảo nhẩy lên xe không kịp. Vợ tôi cười, nguy hiểm quá thôi ở nhà cho rồi. Tôi nói, đâu có đơn giản thế em, thua keo nầy ta gầy keo khác. Sáng hôm sau tôi nói vợ tôi nấu gào mên cơm khác và đi tiếp.

    Cũng ngay điểm hẹn, tôi đứng sát lề đường, xe vừa thắng cái két là tôi nhẩy nhanh lên ngay và từ từ những người khác cùng lên. Ngồi trên xe một quãng đường khá xa, lòng tôi miên man không biết chặn tới sẽ như thế nào. Đúng như dự tính, cuộc đối chọi kỳ hai bắt đầu. Những Ca trưởng không phải là người Indo mà là những thanh niên Việt nam ở lâu năm trên Đảo làm đầu gấu. Chúng điểm danh những người thân, quen chúng trước nếu còn thiếu chỗ hoặc nơi nào nặng nhọc thì  chúng mới giao cho mình. Trước khi ra hiện trường chúng tập hợp những thứ gì mang theo lại một chỗ và đi làm tay không, đến trưa giờ giải lao mới tụ lại ăn chung. Ngày đầu chúng đưa tôi đến nên sình lầy làm việc và khi trưa về thì gào mên cơm của tôi trống rổng. Tôi đành nhịn đói và nhìn chúng ăn một cách ngon lành.

    Chiều về đến nhà tôi mệt lã vì cả ngày không ăn, không uống. Vợ tôi hỏi? Ăn cơm có ngon không. Tôi nói, có ăn đâu mà ngon. Tôi bảo vợ tôi ngày mai làm thức ăn khô bỏ vào bọc mũ và một gào mên trống không mang theo.

    Cũng như mọi ngày, vừa xuống xe tôi quăng bịch đồ ăn vào gốc cây Chuối và nạp gào mên cơm vào đống thức ăn tập thể, khi trưa trên đường giải lao về tôi ghé lại gốc Chuối lấy bịch cơm cho vào túi áo và tìm nơi khác ngồi ăn. Ròng rã gần một tháng làm việc, người mới , người mới tiến vào và dần dần quen mặt, chúng cho tôi làm những công việc nhẹ và khô ráo hơn. Nơi đây tôi đã nhìn rõ những bộ mặt thật và giả, nhưng chẳng dám hé môi.

     Kiếm trong tay được ít tiền, nhìn cảnh đời hai mặt, ngày đi có lẽ cận kề, nên tôi quyết định nghỉ và ở nhà tìm công việc khác. Thú thật đến giờ nầy tôi không sao hiểu nổi sự tài tình của con người. Đảo Galang là một Đảo hoang, kể từ năm 1976 khi có làn sóng người đi đăng ký, bán đăng ký, vượt biên đến. Không biết họ làm cách nào mà mấy năm sau sự sinh hoạt y như một Thị trấn nhỏ không hơn, không kém. Thí dụ: Rạp chiếu bóng, tiệm Vàng, tiệm Vãi, tiệm May, tiệm Đồng hồ, chợ Cá tươi, Gà, Vịt, quán Cà-phê, Phòng trà, Hủ tiếu hay nói cách khác có đủ hết không thiếu món chi. Hay thật là hay.( Xin nói thêm một điều là trên Đảo Galang hồi ấy tất cả các Chủ quán, tiệm đều là của người Việt nam, chỉ riêng Giám đốc Bệnh viện và Trạm Cảnh sát bảo vệ là người Indo mà thôi).

     Một đêm tháng 10 năm 1980 chúng tôi đi xem phim Hồng kông „ Mãnh Long hóa giang „ Vào cửa mỗi người 150 Rupiah tiền Indo một vé, rạp hát được bao quanh bằng những tấm Tôn lộp nhà, không nóc. Nếu trời nắng thì xem được trọn phim, còn mưa xem như tiền tặng ông Chủ rạp. Không may, đêm tôi đi xem chiếu bóng bị mưa hai phần ba nên phải đành ra về. Vừa mất tiền, vừa lặn lội lên đồi về Barak mất gần nửa giờ đồng hồ thật là thê thảm.

     Mỗi người một số, không biết mình như thế nào sao cứ loanh quanh đi tìm cái vất vả, trong khi mọi người khác nằm nhà, hể đúng thứ ba là đi lãnh đồ Cao ủy về ăn, rồi ngủ có sướng hơn không?

     Thời gian rảnh rỗi, ngày nào cũng đi dạo ngang qua tiệm Mì, nếu ông Chủ không thấy thì thôi, còn thấy là gọi vào cho bằng được. Rồi cuối cùng cũng bị ông dụ và sang một cái quán với giá một Chỉ vàng. Khi sang quán xong, tu sửa lại chút đỉnh và bán tiếp. Quán bây giờ sinh động hơn xưa, nhờ có mấy đứa cháu vợ đến phụ giúp và ở luôn tại đó nên rất là vui. Kẻ ra người vào y như ở quê nhà, lắm lúc quên rằng mình đang đi tỵ nạn và đang sống nơi xứ người xa lạ.

    Ngày ông Chủ cũ lên đường đi định cư tại Hoa kỳ có đến từ giã gia đình tôi. Tình cờ trong lúc hàng vắng khách, ông thấy tôi ngồi làm thơ, ông xin đọc và tôi đã tặng ông bài thơ ấy.

 

Quán nhỏ bên lề (Bài thơ cũ)

 

Ông đi, tôi thế

Một Chỉ đi, về

Tôi đi, người kế

Cứ thế rủ rê

 

Quán nhỏ bên lề

Trải qua hàng Chủ

Người mới, người cũ

Thay nhau liên tục

 

Đến ngày chấm dứt

Không còn tỵ nạn

Quán trả cho làng

Chỉ vàng bay mất.

 

                                                      

    Tưởng rằng sẽ ở Đảo lâu hơn, nên mới sang cái quán bán cho vui trong những ngày tỵ nạn. Ai ngờ ! Vừa bán được gần một tháng thì Cao ủy gọi khám sức khỏe chờ ngày đi định cư. Nên tôi vội tìm cách sang cái quán cho người khác. Tôi không làm như ông Dược sỹ là gạn hỏi từng người, mà tôi treo một tấm Bảng thật lớn „ Cần sang quán gấp „ Rất may, đúng hai ngày sau có người đến hỏi mua. Tôi nói giá, họ ưng ngay không vòng vo, mặc cả gì hết.

    Ba tuần lễ sau khi khám sức khỏe xong, gia đình tôi và những người đồng hành thuộc tàu Cap Anamur 12 được vớt phải sang Thủ đô JAKARTA rồi đến toà Đại sứ Đức làm Hộ chiếu và đúng ngày 16 tháng 12 năm 1980 lúc 6 giờ 30 sáng là chúng tôi đã có măt tại phi trường Frankfurt cho đến hôm nay.

 

CHLB Đức tháng 11, năm 2015 (Kỷ niệm 35 năm xa quê)

 

Thủy Điền

 

 

 

 

 Đứa con Út

 

      Cả ba tuần nay, tối nào thằng Nhân cũng lục đục, cọt kẹt không ngủ được. Bởi chiếc chiếu lót ván bị thủng nhiều lỗ và chiếc mền quá mỏng. Bà Tám má nó nằm gần bên không chịu nổi, cứ rầy rà liên tục. Nhưng nó vẫn ngậm thinh và chờ khi mỏi mệt rồi ngủ tiếp.

       Kể từ sau ngày giải phóng, nhà bà Tám rất chật vật, không còn buôn bán ngoài chợ như trước nữa, vì nhà nước đã thu hồi chỗ bán của bà và phân thành những lô hàng khác. Mặc dù bà có đăng ký xin lô mới, nhưng người ta bảo đã đủ hết rồi, thế thì bà đành thất nghiệp. Ông Tám sau khi rã ngũ, trở về nhà thì cũng chẳng có nghề nghiệp gì cứ lây quây bên miếng vườn nhỏ, bốn anh em thằng Nhân đứa lên ba, lên bốn còn lẩn quẩn bên chân bà, công việc thì không có, miệng ăn càng ngày càng lớn ra, trông ông bà thật là cơ cực.

      Cũng may, năm 1989 bà có đứa cháu đi xuất ngoại, nghe bà quá khổ nên gởi ít tiền về giúp bà, bà mừng vô hạn. Cơn gió lòng đã đến, bà bàn với ông Tám là phải làm cái gì để sống chứ ngồi không ăn miết rồi cũng hết. Bà nghĩ đến buôn bán, mà bán cái gì ? Chỗ thì không còn, hơn nữa thời buổi khó khăn làm cái gì nhà nước cũng cấm và dòm ngó. Ông bà tính nát đầu, nát óc mới nghĩ ra là nhà mình có cái sân rộng, che tạm cái mái và sắm một bàn Bi da cho thiên hạ chơi, rồi thâu tiền giờ. Lối kinh doanh nhỏ trong xóm chắc không ai để ý nhiều, tuy không thâu lợi bao nhiêu, nhưng ngày nào cũng có đồng ra, đồng vào gia đình mình đỡ vất vả hơn. Cuối cùng ông bà quyết định lên tỉnh mua bộ côm lét bàn Bi da trị giá là hai triệu sáu. Mua bàn Bi da xong bà còn lại một ít bỏ túi phòng khi giá lạnh.

     Thật đúng như ý nghĩ ban đầu, khi bàn Bi da vừa mang về, nhờ người đến lấp ráp cho hoàn chỉnh và chờ ngày tốt khai trương. Buổi khai trương bà cúng mâm hoa quả, vái cúng ông Địa, Thần Tài đủ thứ. Quả thật hôm sau, có vài ba cập thanh niên kéo đến, ngày thâu nhập đầu tiên bà kiếm gần ba chục ngàn, bà sung sướng vô cùng. Chẳng hơn những ngày khác không có một Xu, dữ lắm là năm ngàn bạc thâu được của cả thúng lá chuối sau nhà. Rồi càng lúc tiếng đồn đại càng lan rộng ra, thiên hạ càng lúc càng đến chơi nhiều. Bà Tám bây giờ bắt đầu khấm khá hơn.

      Ông bà ở với nhau mười mấy năm nay có bốn mặt con, đứa nào bà cũng cưng và thương yêu cả và bây giờ bà coi bàn Bi da là đứa con thứ năm, đứa con út nầy bà cưng và thương yêu gấp bội, bà ôm ấp, chải chuốt, giữ gìn nó còn hơn cả bản thân mình. Ở nhà có chiếc chiếu và chiếc mền mới  bà mang ra đấp cho nó trong những lúc đêm về và khi vắng khách. Còn bốn anh em thằng Nhân có gì nằm nấy, có gì đấp nấy cả ông và bà đều cũng thế, là gì bà mãi sợ cái bàn Bi da bị hư hỏng hay dơ bẩn thì khách sẽ không đến nữa, gia đình bà sẽ lâm vào cảnh bi đát như xưa.

         Ba tuần nay khi bà đem cái bàn Bi da về, riêng ông bà thì mừng ra mặt. Đồng ra, đồng vào bà trang trải được mọi thứ. Còn anh em thằng Nhân thì buồn mà không dám hở môi. Chúng nó đêm nào cũng cóng lạnh, vì chiếc mền mỏng rách và ngứa ngái thân mình bởi những cọng lát đâm chọt vào lưng.

 

THỦY ĐIỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền