1-Qua Đầm An Khê (Thơ) Tác Giả Đức Huỳnh (USA)

QUA ĐẦM AN KHÊ - Đức Huỳnh

Minh họa : Xuân Lộc

Minh họa : Xuân Lộc

by XL-Đầm An Khê vẽ lại từ Photo Ghim Hồ

 

QUA ĐẦM AN KHÊ - Đức Huỳnh

 

Nắng trải mùa khô đầm nước lợ

Mưa qua Đức Phổ ngọt An Khê

Trường Sơn một dãi mây liền núi

Quãng Ngãi chiều sương tiếng cuốc kêu

Tôm cá một thời nuôi dân sống

Mưa về muôn giống đợi tái sinh

Phổ Thạnh nhìn sang bờ Phổ Khánh

Dài bao nhiêu dặm bấy nhiêu tình

Đặc sản chỉ còn trong ký ức

Trên vùng sinh thái thuở xa xưa

Cạn nước đò chơ vơ cắm cọc

Buồn hiu trông bờ cỏ gió đùa

Khách đến ngẫn ngơ ngày vắng lặng

Đâu còn đông đúc cuộc mưu sinh

Khuyên tai mã não thời tiền sử

Bâng khuâng di vật đất Sa Huỳnh

Mây trắng nghìn năm trên đầu núi

Về đâu nhân thế kiếp đi – về

Đợi mưa gột rữa đời tro bụi

Cuộc sống hồi sinh đầm An Khê

                          DH 05-2014

 

Notes : Đầm An Khê 

 

Đầm An Khê - Bài viết sưu tầm On Cloud

 

Thuộc địa phận xã Phổ Khánh (huyện Đức Phổ). Theo báo cáo khoa học điều tra nhiễm mặn vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, do đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ thực hiện năm 1998 cho thấy vào mùa mưa nước trong đầm có độ mặn không đáng kể, nhưng về mùa khô là một đầm nước lợ, độ mặn từ 0,3- 10‰. Đầm nước lợ An Khê có diện tích trên 320ha, nằm giáp ranh giữa địa bàn hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (Đức Phổ). Đây là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân ven đầm bằng việc chài lưới, nuôi cá, thả đăng quà (nò)… Những năm trước, ngành thủy sản Quảng Ngãi đã nhiều lần tổ chức thả cá giống tái sinh tại đầm với số lượng mỗi lần lên đến hàng vạn con. Tuy nhiên, lượng cá trong đầm ngày càng suy kiệt nghiêm trọng, nhiều loài cá được xem là đặc sản giờ chỉ còn trong ký ức của người dân địa phương. Sa Huỳnh là một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, cực nam tỉnh Quảng Ngãi và cũng là tên một địa điểm khảo cổ học, nơi người ta đã tìm thấy các dấu vết của văn hóa Sa Huỳnh lần đầu được tìm thấy vào năm 1909 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Vinet. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc lái lại thành Sa Huỳnh. Từ vạn năm trước người xưa làm đẹp Từ những chiếc gương soi bằng vàng, bạc, đồng trong bộ sưu tập của các nhà chơi cổ ngoạn, đến hàng vạn khuyên tai, vòng đeo, đồ trang sức... của người xưa được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ tiền sử, cho ta thấy, từ hàng vạn năm trước, con người đã biết làm mình đẹp hơn trong mắt đồng loại.Những chiếc gương thời Xuân thu - Chiến quốc

 

Luật sư Hồ Anh Tuấn - Đà Nẵng hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập khá phong phú về những chiếc gương cổ. Anh bảo, qua những chiếc gương này mới thấy "nghệ thuật làm đẹp" của người xưa đã rất cầu kỳ, chứ không phải chờ cho đến ngày nay, khi đời sống con người văn minh hơn thì mới sinh "phú quý". Gia tộc anh, qua ba thế hệ, ông cha và hiện nay là anh cùng sưu tập một chuyên đề cổ vật, "tài sản" của anh bây giờ đã đến con số hơn 60 chiếc gương được chế tác bằng vàng, bạc, đồng và nhiều loại hợp kim khác... có xuất xứ từ phương Bắc.

Căn cứ trên các họa tiết được khắc họa cực kỳ tinh xảo trên hiện vật, các chuyên gia đoán định hầu hết bộ sưu tập đều được chế tác từ thời Xuân thu - Chiến quốc (thế kỷ 6-3 TCN), cá biệt có chiếc gương đồng dạng lá, đúc nổi hình chim cú, được tìm thấy ở Quảng Khê, Quảng Bình có niên đại tận đời nhà Thương (1711-770 TCN).

 

Chung quanh những chiếc gương cổ đều gắn với nhiều huyền thoại. Sách "Cổ kinh ký" còn kể chuyện Đường Thái Tông đã tặng cô công chúa yêu chiếc gương "thần" khi cô rời cung lấy chồng xa kinh kỳ 600 dặm. Chiếc gương này theo sách nói có thể nhìn thấy được cảnh sinh hoạt của Tràng An, khi cô nhớ nhà. Thực hư không rõ, nhưng hiện nay một bảo tàng tại Nhật còn lưu giữ chiếc gương (niên đại TK 5 SCN) chế tạo bằng loại hợp kim chưa xác định được, nhưng khi chiếu ánh sáng mạnh ở mặt soi thì các chi tiết, hình họa mặt sau gương hiện lên tường không sót chi tiết nào.

 

Chủ bộ sưu tập, Hồ Anh Tuấn kể: Những chiếc gương với các hình điêu khắc, đúc dựng tinh xảo dùng cho việc soi, ngắm, trang điểm... thì còn có thể tìm trong đó cả một kho tàng kiến thức về Hán học, dịch học, phong thủy, Lão giáo và cả hóa học, vật lý... có liên quan đến những bí ẩn của quy luật vũ trụ và đời sống hàng ngày. Ví dụ, chiếc gương đồng thời Chiến quốc tròn, mặt sau có hình "Hậu thiên bát quái (8 quẻ)" của văn Vương để chỉ tám hướng. Bên trong đó có hình 4 con vật rùa, rồng, hổ, chim chỉ 4 hướng khảm, chấn, đoài, ly ... dùng cho thuật phong thủy...

 

Đặc điểm độc đáo của những chiếc gương thời Xuân thu-Chiến quốc là xuất xứ ở Trung Hoa, nhưng tất cả đều tìm thấy ở các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đồng niên đại hay Chămpa muộn hơn trên đất miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam, không gian cách nhau hàng vạn dặm. Bằng con đường nào các vật phục vụ cho chuyện làm đẹp lại hiện diện tận trời Nam này ? Đường bộ, đường thủy; do các thương nhân hay tha nhân mang đến... thì một điều cũng được minh định rằng, từ cách đây vài ngàn năm, con người dù (có thể) đời sống còn sơ khai nhưng đã có mối giao lưu kinh tế, xã hội rất mạnh mẽ.

 

Báu vật gò Ma Vương

 

Năm 1909, trong một chuyến điền dã, ông quan Tây "nhà dây thép" Quảng Ngãi M. Vinet (người Pháp) tình cờ tìm thấy bên đầm An Khê, vùng Sa Huỳnh, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi một số khuyên đeo tai bằng đá quý không phải của người thời nay làm ra. Vốn say mê ngành khảo cổ, ông huy động quân lính sở tại mở rộng cuộc tìm kiếm và bất ngờ, trên một chu vi chưa đầy một km, bên cạnh Gò Ma Vương, Vinet tìm được đến gần 200 chiếc chum gốm của người tiền sử chôn sâu dưới đất. Phía trong chum có than củi, xương người và hàng vạn hạt mã não, cườm thủy tinh, vòng đeo tay và khuyên đeo tai được chế tác rất tinh xảo...

 

Một số đồ trang sức của người xưa.

 

Gửi di vật về Pháp kiểm tra. Bằng phương pháp khoa học lúc bấy giờ, các nhà nghiên cứu xác định toàn bộ số hiện vật Vinet tìm được, thuộc về một chủng người chưa từng được biết đến và sống cách thế giới chúng ta đến hơn... năm ngàn năm. Vì tìm thấy ở Sa Huỳnh, nên các nhà nghiên cứu, khảo cổ Viện Viễn Đông bác cổ Pháp định danh thời kỳ này là Văn hóa Sa Huỳnh. Các cuộc khai quật tiếp tục vào nhiều năm sau đó tại một số điểm lân cận, phát hiện ngày càng nhiều dấu vết của con người tiền sử, đã đem lại những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển loài người sinh sống trong thời kỳ này trên vùng đất duyên hải miền Trung.

Cùng thời gian này, nhiều di chỉ cư trú thời đại đồ sắt như Phùng Nguyên, Đông Sơn... ở miền Bắc, Óc Eo, Giồng Cá Vồ... ở miền Nam, lần lượt được các chuyên gia khảo cổ Pháp phát hiện ra, có niên đại ước tương đương với VH Sa Huỳnh. Điều thú vị mà các nhà khoa học tìm thấy ở đây, ngoài các giá trị lịch sử, thì một nhận định bằng mắt thường có thể kết luận ngay - Từ vài ngàn năm trước người tiền sử đã biết làm mình đẹp lên bằng vật trang sức. Sống trong thời kỳ này họ đã biết khai thác những khoáng vật sẵn có trong thiên nhiên như mã não, thủy tinh, đá quý, vàng... sau đó chế tác làm dây đeo, vòng hay khuyên trang trí trên thân mình...

 

Trong thời điểm tranh tối, tranh sáng, một số lượng di vật lớn, trong đó rất nhiều đồ trang sức vô giá của người tiền sử trên đất Việt được bán đi, thất lạc hoặc mang về "nước mẹ" để cất giữ ở các bảo tàng. Gần đây, những phiên đấu xảo di vật tiền sử Châu Á liên tục được các nhà đấu giá quốc tế tổ chức. Điển hình, gần đây nhất, tháng 11.2010, phiên đấu giá do nhà tổ chức Cornette de Saint Cyr mang tên Việt Nam - 3000 năm nghệ thuật tại Drouot Richelieu - Salle 7 (số 9 đường Drouot, Quận 9, Paris, Pháp đã đưa ra những vật trang sức tiền sử đẹp đến làm ngẩn ngơ người dự khán. Giới chuyên môn đánh giá, đây là phiên đấu giá cổ vật (và nghệ thuật phẩm) Việt Nam lớn nhất, thành công nhất được tổ chức ở Pháp trong 5 năm trở lại đây.

Đã có một nhà văn nhận định: Từ thuở khai thiên lập địa, nơi nào có hai sinh vật được sinh ra, thì nơi đó bắt đầu có một cuộc đấu tranh sinh tồn. Và những cuộc tranh chấp sống còn triền miên đó cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác... từ thế kỷ này đến thế kỷ kia và đến nay vẫn chưa chấm dứt... Phải chăng để "mềm hóa" các mâu thuẫn mà con người từ nghìn xưa đã biết tự làm đẹp mình lên trước mắt đồng loại. Nói một cách hoa mỹ hơn, dường như họ cũng đã biết lấy cái đẹp để "cứu vãn thế giới".

 

NLSĐTBT

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền