2-Ngộ Chiêu (Truyện Ngắn) Nhà Văn Ý Nga (USA)

 


by 

NGỘ CHIÊU

Ý Nga và Anh
 
yngaBao nhiêu năm qua ông “dạy” vợ từ “nhất chiêu” đến “thập chiêu” mà vợ vẫn luôn làm ông phật ý.
Hôm nay mới sáng sớm ông đã phải xuất chiêu “La”… om sòm, làm bà có cảm tưởng như nhà cửa đang rung rinh trong cơn động đất. Mắc cái chứng chi mà người-muốn-hét chưa nổi cơn thịnh nộ thì thôi ngày ngày lại còn phải nghe mãi thứ âm thanh độc chiêu chói tai này? Chẳng lẽ muốn hãm thanh “La” thì phải trổ các quái chiêu “Mi Đồ Rế Xí” như hàng xóm cho bị đòn hay sao? Mà người nọ đã hét Tenor (giọng kim, cao), người kia có đem Contralto, Soprano hay Bass (giọng trầm) ra đáp trả thì cũng chỉ “xấu chàng hổ thiếp” lây thôi. Nhà này mà nói về “bằng cãi nhau” thì bà thuộc loại “vàng”: tốt nghiệp đậu… vớt, hạng… không rớt, thì cãi chi lại ông “luật sư” này
Buồn! Bà cứ một tuyệt chiêu: mỉm cười an nhiên, nhắm mắt làm lơ và niệm thầm tỉnh tâm:
-“Nam mô A Di Đà Phật”.
Ông la mãi không ai trả lời, sợ có người lảng tai nghe không rõ, ông bèn xăm xăm hùng hổ đến trước mặt, la văng cả nước bọt vào mặt bà, ai ngờ ông thấy bà đang… lần tràng hạt. Xâu tràng hạt đeo tay màu nâu đỏ này ông đã mua tặng bà nhân dịp chùa gây quỹ giúp nạn nhân bị cơn sóng thần Tsunami năm nào, không biết những hạt sần sùi ấy đã được bàn tay bà lần chạm vào bao nhiêu lần mà lên nước bóng loáng?
Thiên hạ bảo “Trời đánh tránh bữa ăn” nhưng ông mà đã lên cơn tức thì bữa ăn, giấc ngủ gì ông cũng không tránh, trừ phi bà đang ngồi thiền, vì ông sợ bà “tẩu hỏa nhập ma” thì lại mất công người sống với… ma, hay người la cho… ma nghe thì phiền (đời quân ngũ “Xông pha lắm cũng gặp ma” mà đạn hay ma còn phải tránh ông, không lẽ tuổi chưa già lại muốn gặp… ma sớm?). Ngoài ra, vì bà không theo Thiên Chúa giáo của ông nên khi thấy bà đang thắp nhang khấn vái cho những người thân trong gia đình hai bên (đã chẳng may chết trong tù ngục VC hay trên biển Đông) thì giận mấy ông cũng im vì ông rất… thất lễ chuyện này, từ bao nhiêu năm nay ông chỉ tưởng nhớ… trong lòng, mọi việc đều một tay bà chu đáo hương khói cho người vô phúc.
Trời xui đất khiến sao hôm nay vừa la hét khản cả cổ mà nhìn mấy giọt nước miếng văng lấp lánh trên đôi gò má gầy gò của bà, rồi nhìn thân hình bé bỏng ngồi ở góc phòng lần tràng hạt ông lại thấy mắc cở quá! Ông bỏ ra phòng khách ngồi chờ, định bụng khi bà xong ông sẽ nhỏ nhẹ phân tích những lỗi lầm mà bà đã làm ông nổi điên sáng nay.
Đọc báo mãi, đến trưa vẫn chưa thấy bà ra sửa soạn cơm, lúc bụng đói, ông mới nhớ tới bà, nhè nhẹ vào phòng xem động tỉnh thế nào để nhắc chừng cơm nước “giùm” bà thì thấy bà đã ngoẹo đầu sang một bên ngủ ngon lành rồi. Ông tự nhiên thấy hối hận vô kể! Lòng thương vợ khiến ông nghĩ nên nấu trước nồi cơm điện “giùm” bà.
*
 
C ơm sôi, cơm cạn, xới cơm xong, lại chờ thêm một lúc khá lâu mà cô nương của ông vẫn chưa thức. Muốn dành cho vợ một sự ngạc nhiên nên ông xắt hành, phi thơm, làm món trứng chiên. Thấy rổ cải bẹ xanh đã được người nông dân không chuyên nghiệp hái và rửa sạch ông bèn luộc rau, và dầm vào nước rau một trái cà chua, vắt thêm nửa trái chanh làm món canh luôn. Cơm vừa chín tới thì dĩa rau, trứng chiên và canh cũng được dọn ra bàn đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng với chén, đũa sẵn sàng mà bà vẫn còn ngủ nên ông lẳng lặng rửa sạch mớ chén bát “giùm” bà.
Rửa xong, vào thăm chừng, người đẹp vẫn say giấc, ông trở ra, thấy cái bếp bề bộn dưới “tài” nấu nướng của hỏa đầu quân… nhà binh nên ông lau “giùm” bà cái bếp cho sạch sẽ, cất “giùm” số trứng còn dư vào tủ lạnh, rồi tiện tay cho hết thớt, dao chén bát vừa rửa xong vào tủ cất luôn “giùm” cho gọn gàng, dù chúng còn ướt nhẹp nước và chúng đã đặt sai vị trí, thế nào mai đầu bếp chính cũng đi tìm khùng luôn cho mà xem.
Rồi! 
Lại… chờ!
Càng chờ càng sốt ruột mà nhìn xuống sàn bê bết những nước, dầu, vỏ củ hành, rau, muối, tiêu.v.v… đã vung vải thấy bắt… ghét nên ông quét nhà và lau “giùm” cô công chúa cái sàn. Bây giờ ông đem phơi mớ giẻ lau ngoài vườn xong sẽ vào thỉnh hoàng hậu dậy ăn cơm, chứ để nàng nằm lâu thế kia thì đêm nay nàng sẽ mất ngủ, vả lại, mùi thơm của trứng chiên làm ông cũng cồn cào cả bụng rồi.
Phơi khăn xong, thấy “con dao bổ cau” bén ngót của bà lẫn lộn trong luống cải bẹ xanh nguy hiểm quá, ông cúi nhặt, tiện tay nhổ mớ cỏ dại quanh đó. Tiện mắt, thấy cái vỏ cam, ông mới nhớ bà đã nhờ ông đào giùm hố chôn vỏ trái cây mấy tuần rồi mà ông chưa làm, ông bèn thảy con dao trở xuống mà đào “giùm” bà. Xong việc, tiện cuốc, hứng chí, ông bèn bứng “giùm” bụi rau húng èo uột ở góc đất xấu xa, ra nơi đất tốt mà bà ước ao.
Và cứ thế, tiện cuốc, tiện xẻng, tiện người, tiện tâm muốn chuộc lỗi ông cứ lan man “giùm” nọ sang “giùm” kia cả mấy tiếng đồng hồ hồi nào ông không hay, khi bụng kêu ọt ọt ồn ào ông mới thắc mắc: sao hôm nay bà ấy ngủ li bì vậy? Hay bà bị gì rồi? Nghĩ thế, ông thảy cuốc, xẻng xuống, chạy băng băng trở vô, quýnh quáng làm sao chân ông lại xóc vào con dao lúc nãy nghe đau điếng nhưng ông cứ tuôn vào nhà mà không biết máu me đã chảy đầy chân.
Bà nằm yên, một sự yên lặng bất bình thường chứ không như những lúc ông la ỏm tỏi, ỏm hành mấy tiếng đồng hồ. Nhìn bà vẫn ngoẹo đầu như lúc nãy mà ông thấy thương quá! Mấy tiếng như thế thì không chừng sẽ trật cổ mất thôi. Ông nhẹ lật ngửa khuôn mặt bà ra, định hôn bà một cái cầu hòa trước bữa cơm chuộc lỗi “tươm tất” do chính ông nấu nhưng ai ngờ bà đã… cứng đơ, ông tức tốc ẳm bệnh nhân lên xe và vừa bấm kèn xe vừa phóng hết tốc lực thẳng ra bệnh viện ngay.
Khu cấp cứu hôm nay không đông người nên các bác sĩ làm việc rất nhanh. Cũng may là còn kịp! Áp huyết bà xuống quá thấp mà bà lại dang (giang?) nắng làm vườn liên tục trong mấy ngày khí hậu nóng bức. Thế là một công hai việc, các bác sĩ vừa chữa cho bà vừa băng bó vết thương chân cho ông luôn.
*
 
M ở mắt nhìn lên trần nhà, bà ngạc nhiên thấy khung cảnh sao mà lạ hoắc, nhìn xuống, thấy chồng đang ngồi ngủ gà, ngủ gật bên cạnh giường, bàn tay ấm áp lại đang nắm tay bà, bà ngơ ngác giật giật tay ông, ông mở mắt, mừng rỡ giải thích từ từ mọi chuyện. Khác với ở nhà, ônchỉ nói nho nhỏ vừa đủ nghe, còn bà cười cười thì thầm đáp trả vài câu.
Cả ngày ông phải uốn lưỡi muốn sái quai hàm với những danh từ y khoa chuyên môn, mà ông dốt đặc, để giải thích về bệnh sử của bà cho các bác sĩ, y tá Canadian nghe, bây giờ ông mới nghe lại được tiếng Mẹ với một âm thanh dịu dàng quen thuộc từ lâu đã bị ông lảng quên. Khi ông hỏi:
-Em có giận anh không?
Bà trả lời:
-Anh nè! Tai của em thính giác còn nghe được, răng anh còn đầy đủ, sao anh không nói những lời ngọt ngào cho em nghe? Mai mốt em nghe không được nữa, răng anh rụng hết, móm mém, nói gì cũng trọ trẹ khó nghe thì lúc ấy hãy tha hồ mà ra vườn la hét, phun nước miếng tưới cây; còn bây giờ anh cần chi thực tập sớm mà phun lên mặt em vậy cho mau già? May là anh chỉ bị dao khứa chân nhè nhẹ chứ rủi mà lúc nãy té gãy hết hàm răng thì không chừng hôm nay anh đã có thể… phun nước miếng phèo phèo… tưới rau rồi, biết đâu mình… tiết kiệm được mớ tiền nước mùa hè này cho chính phủ.
Câu nói dí dỏm bất ngờ làm ông bật cười to. Đây là lần đầu tiên trong 36 năm chung sống ông đã nghe hết một câu nói trọn vẹn của bà mà không ngắt lời nửa chừng
Bà trố mắt nhìn ông, ở nhà ông hét to có một mình bà nghe, vô đây ông đâu có muốn ai nghe mà sao ông lại cười to thế? Hóa ra cười thì muốn… mọi người nghe, còn… hét thì chỉ muốn mình… vợ nghe thôi, thảo nào tai của vợ ngày càng có vẽ mất… thính giác!
 
Ông mân mê chiếc vòng tràng hạt trên cổ tay bà một lúc rồi chồm người hôn lên trán bà một cái thật âu yếm và đùa:
-Mô Phật! Lạy Chúa tôi!
Rồi ông tháo vòng tràng hạt của bà ra và vừa lần tràng hạt ông vừa lẩm nhẩm đọc lời đa tạ Ơn Trên đã cho ông còn có bà trong cuộc sống.
Bà nằm yên nghe ông cầu nguyện, được một lúc lại ngủ thiếp đi, ông ngồi đăm chiêu nhìn người bệnh. Thấy mà thương!
*
 
C ú “hậu chiêu” vừa rồi đã trở thành “tàn chiêu” hôm nay. Không ngờ “liên hoàn chiêu” của ông trong ngần ấy năm tu luyện đã chỉ là “hư chiêu” vô tích sự trước một “hữu chiêu” im lặng dạy ông bài học quá lớn trong đời về chữ NHẪN của vợ.
Thôi!
Từ nay cần chi tới “thuận chiêu” hay “đảo chiêu”cho mệt!
Chắc là ông đành phải lên núi mà “mai danh, ẩn tích” mất thôi! Ông tự hứa:
-Kiếp sau không dám lấy vợ con nhà võ nữa!
Suốt hai năm bị thử rể, ba vợ ông đã cảnh cáo ông một “dị chiêu” rồi:
-“Chú” phải biết rằng ngoài gia đình, họ hàng, láng giềng và bạn bè hai bên ra, còn có Trời Phật lo cho hai “chú” nữa. Liệu mà để lại âm đức!
(Ba gọi ai cũng bằng “chú”, dù là phái nữ, kể cả đám con cháu trong nhà)
 
Dưng không ông… ngộ ra rằng hạnh phúc vợ chồng chỉ đơn giản là sự chia sẻ trách nhiệm chung, hiểu nhau và thông cảm cho nhau trước những lỗi lầm.
Ông tự hứa lòng: chiều về sẽ tìm đọc cuốn “Ngộ” của một vị chân sư đã tặng lâu rồi mà ông chưa hề lật đến một trang nào.
 
Ý Nga và Anh, 8-7-2015
vhnc 23-7-16

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền