18-Quà Cho Cha (Truyện Ngắn) Nhà Văn Điệp Mỹ Linh (USA)

Nhà Văn Điệp Mỹ Linh


 Lưu ý ! Quý vị nào có nhu cầu về những quyển sách truyện ngắn và truyện dài của Nhà Văn Điệp Mỹ Linh xin liên hệ trực tiếp qua E.Mail diepmylinh@rocketmail.com thành thật cảm ơn ĐML

Quà Cho Cha

Trích trong tập truyện ngắn "Trăng Lạnh "

 

Nhờ “di tản” sớm, không bị kẹt xe, Hồng cứ từ từ lái với vận tốc trung bình và lắng nghe tin tức từ radio. Sau mỗi phần tin tức cho biết cường độ của trận bão và quảng cáo, Hồng lại nghe tiếng kèn, tiếng Piano, tiếng Guitar của những nghệ sĩ Hồng yêu thích. Ô, nhưng tại sao suốt mấy tiếng đồng hồ qua Hồng không nghe được tiếng Saxophone của cố nhạc sĩ John Coltrane? Chưa bao giờ được thấy John Coltrane nhưng mỗi khi nghe tiếng Saxo. Alto của John Coltrane ngân dài ở note La, Hồng cứ tưởng như những biến động quanh nàng đều ngưng đọng để những rung động trong hồn nàng dâng lên, dâng lên mãi cho đến khi Coltrane chuyển sang note khác, thấp hơn.

Trong khi Hồng cảm thấy buồn buồn vì chương trình radio sáng nay như thiếu mất phần đặc biệt thì tiếng Guitar của John Mayer bập bùng, chập chùng, văng vẳng rồi rõ dần và vang xa. Theo tiếng đàn, Hồng lắc nhè nhẹ đôi vai, lòng vui tươi như màu xanh mượt mà của cỏ cây dọc hai bên xa lộ.

Ðang vui, tự dưng Hồng cảm thấy buồn và xốn xang trong lòng khi tiếng Clarinette nghẹn ngào, đầy u-ẩn của Kenny G. vang lên cùng với tiếng Piano văng vẳng, rời rạc, xa xa. Trong khi lắng nghe dòng nhạc, Hồng ngạc nhiên, không thể hiểu được tại sao nàng lại khóc; và khóc từ lúc nào! Niềm xúc động trong Hồng mãnh liệt cho đến độ nàng phải giảm tốc độ, cho xe vào lề bên phải và dừng lại. Một lúc sau Hồng mới nhận ra Kenny G. đang trình bày nhạc phẩm Summertime - nhạc khúc mà nàng đã vô tình nghe một nhạc công tài hoa người Việt độc tấu Saxophone Tenor tại vũ trường Maxim’s Saigon, vào buổi tối trời mưa, nàng đi tìm Luyến - chồng của nàng.

Buổi tối năm xưa Luyến không hề biết Hồng đang đứng tựa vào tường – Hồng tựa vào tường để khỏi quỵ ngã – với toàn thân run rẩy và nước mắt ràng rụa. Luyến và tình nhân cứ mê đắm, ôm sát nhau. Tình nhân tựa đầu lên vai Luyến và Luyến nghiêng mặt để một bên má tựa lên tóc của người tình. Cả hai thân người chỉ lắc nhè nhẹ theo điệu nhạc, hai đôi chân đan vào nhau, không rời.

Trong khi cảnh tượng trước mắt khiến Hồng đứt từng đoạn ruột thì tiếng Saxo. Tenor cứ xoáy sâu vào từng tế bào khiến Hồng khó thở và người cứ bềnh bồng như trong mơ! Một người bạn của Luyến vô tình nhận ra Hồng, vội đến an ủi và đưa nàng ra cửa. Khi đến cầu thang, Hồng tưởng như nàng sắp ngã vào vòng tay người bạn của Luyến - đề khóc cho vơi sầu - thì tiếng Saxo. Tenor chuyển sang tình khúc Hạ Trắng của Trịnh-Công-Sơn, cũng một dòng Blue ray rức!

Bây giờ,  lúc tiếng Clarinette của Kenny G. ngân dài để chấm dứt dòng Blue da diết của bản  Summertime cũng là lúc Hồng nhận biết được sự “vô duyên” của mình, cho nên Hồng lau nhanh nước mắt, nhập vào xa lộ, lái xe đến thành phố mà Quốc, người con trai duy nhất của nàng và Luyến, cư ngụ.

Vì được báo trước, Quốc vui hẳn lên khi đón Mẹ ngay tại driveway. Vừa phụ đem va-ly của Mẹ vào, Quốc vừa hỏi:

- Má okay chứ? Má ăn trưa chưa?

Thấy con, Hồng quên bẳng nỗi buồn lúc nãy, vội vói tay, vì Quốc cao hơn Mẹ, vỗ vỗ vào vai Quốc:

- Má ăn rồi. Con ăn chưa?

- Da chưa. Tý nữa con ăn.

Vào đến nhà, Hồng xuýt xoa:

- Chu cha, nhà mới của con lớn và đẹp quá.

Nhìn quanh, không thấy Lan, vợ của Quốc, đâu cả Hồng tiếp:

- Ủa, Lan đâu, con?

- Dạ, Lan sang chăm sóc bà Mẹ.

Hồng biết, gia đình Lan gồm bảy anh chị em và một bà Mẹ. Bà Mẹ bị bệnh trầm uất; vì lúc trẻ Bà thường bị chồng và gia đình chồng đày đọa tinh thần và thể chất. Sau khi Cha chết, các con tưởng những u uất trong lòng bà Mẹ cũng sẽ được người Cha mang theo; không ngờ, lúc đó mới là thời gian cho những uất ức mà bà Mẹ vùi chôn trong lòng suốt mấy mươi năm qua được bộc phát. Khi nào lên cơn, các con nấu gì Bà cũng chê, không thèm ăn; đến khi đói lã bà Mẹ lại chửi mắng các con, bảo đồ con bất hiếu, bỏ Bà đói cho Bà chết, giống như ngày xưa Mẹ chồng và anh em nhà chồng thường bịa chuyện để đổ tội cho Bà. Chị em của Lan nhiều lần quyết định đưa Mẹ vào viện dưỡng lão, nhưng chợt nhớ lời hứa của mấy chị em trước khi Cha qua đời nên thôi. Vì vậy, bà Mẹ sống với người con lớn; những người con khác, mỗi tuần một ngày, phải đến chăm sóc Mẹ. Lan làm việc toàn thời gian cho nên nàng chọn ngày thứ bảy.

Nghĩ rằng Lan là một người con hiếu thảo, Hồng hỏi:

- Sao con không đi với Lan cho vui? Vợ chồng, cả tuần làm việc, cuối tuần nên đi với nhau cho có bạn.

- Thôi, qua đó gặp lúc bà ấy lên cơn, nản lắm. Hơn nữa con có nhiều chuyện phải làm.

Nhìn ra vườn sau, thấy đường đi quanh co theo các luống hoa được rải sỏi trông rất xinh xắn, Hồng ngạc nhiên:

- Ô, sân sau của con đẹp quá, dễ thương quá. Con thuê Mễ hay ai làm mà đẹp vậy?

Quốc chỉ vào ngực mình, pha trò:

- Thằng Mễ của Má nè chứ ai.

Hồng hơi sửng sốt. Quốc là con một nên được cưng chìu từ nhỏ. Quốc rất sợ dơ. Dạo Quốc còn sống với Cha Mẹ, không bao giờ Hồng để cho Quốc phải làm những việc cực nhọc, vậy mà bây giờ... Hồng không dám lộ vẻ bất bình, vội trấn tĩnh, an ủi con:

- Con làm vườn cũng như tập thể dục vậy, tốt đó, con.

Thấy mấy cuốn chả giò cạnh bếp, Hồng bước đến:

- Quốc ơi! Hình như mấy cuốn chả giò này cũ rồi, phải không con? Má vất, nghe?

- Má để đó đi. Má lên lầu tắm, thay đồ cho khỏe.

Khi đem va-ly lên lầu, đi ngang phòng ăn, Hồng thấy nhiều hộp đá mài, bao xi-măng và dụng cụ để lót nền nhà được dồn vào một góc gọn ghẽ. Sau khi tắm, thay đồ xong, Hồng trở xuống bếp, thấy Quốc đang ngồm ngoàm nhai. Hồng tò mò:

- Chả giò con chiên hồi nào mà con ăn vậy?

- Dạ, tối hôm qua tụi con đi ăn, còn thừa, đem về.

- Ðể Má chiên lại rồi hãy ăn. Mà lúc nãy Má thấy chả giò đâu có được đậy, được bọc lại đâu mà bây giờ con ăn?

- Không sao đâu, Má. Con quen rồi.

Hồng nhìn hai bàn tay với những ngón thon, dài của Quốc rồi nhìn Quốc với vẻ bất bình. Nuôi một thằng con ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm tốt, lương cao, để rồi lấy vợ, thằng con đó phải làm những việc mà, với đồng lương của nó, nó thừa điều kiện để thuê người. Hồng chỉ tay về góc chỗ chân cầu thang, hỏi:

- Ðá mài với xi-măng để làm gì vậy, con?

- Dạ, để con thay lớp gạch trong nhà tắm.

- Con biết lót gạch hoa à?

- Dễ mà, Má, chỉ đọc cách hướng đẫn là làm được.

- Nhưng nhà mới mà tại sao phải thay?

- Lan không thích màu đó.

- Ủa, sao hồi đó con không nói họ up grade?

- Dạ, chúng con đã nghĩ đến, nhưng họ đòi nhiều tiền quá!

Hồng cảm thấy xót ruột cho đứa con cưng, nhưng không biết phải nói gì, đành mở cửa sau, bước ra. Ðang ngắm cây Magnolia cho đỡ buồn, Hồng nghe tiếng cửa nhà xe tự động kéo lên và thấy chiếc BMW hai cửa, màu xám nhạt, chạy vào.

Từ nhà xe bước ra, chiếc ví trên vai, tay mang một bao ny-lông nhỏ, Lan nói, giọng không được vồn vả:

- Hi, Má!

Hồng chưa kịp nói: “Hi, con! Con khỏe không?” thì Lan đã khuất vào cửa bếp.

Ðã quen với thái độ kém thân thiện của Lan, Hồng chẳng thấy buồn. Ði quanh quẩn sân sau một chốc, Hồng trở vào nhà vừa khi Quốc bưng tô phở vừa hâm nóng xong, vào phòng ngủ, cho Lan.

Hồng không ngạc nhiên tý nào cả. Những lần Quốc và Lan về thăm Hồng, Hồng đã thấy, mỗi sáng, Quốc đi mua thức ăn đem về. Phần của Hồng, Hồng tự lấy ra, hâm nóng rồi ăn. Phần của Lan, Quốc phải lấy ra, cho vào tô hoặc dĩa, hâm nóng rồi bưng lên phòng TV – nếu Lan đang xem TV – hoặc phòng ngủ cho Lan rồi Quốc mới lo đến phần của Quốc. Ăn xong, Lan để tô hoặc dĩa trên thảm; Quốc ăn xong, đem nước đến cho Lan rồi lấy dĩa hoặc tô dơ đem xuống bếp.

Hôm nay, không thấy thức ăn cho Quốc, Hồng không giấu được vẻ bất bình khi Quốc trở ra bếp:

- Ủa, còn con ăn cái gì?

Quốc chưa kịp đáp, Hồng đã nghe tiếng Lan, bằng Anh ngữ, ngay sau lưng Hồng:

- Anh ấy là một người đàn ông trẻ. Anh ấy tự lo cho anh ấy được. Má không cần phải lo cái ăn cái uống cho anh ấy.

Hồng cũng đáp bằng Anh ngữ, vì muốn cho Lan hiểu thật rõ ràng:

- Nếu con nghĩ như vậy thì con cũng là một người đàn bà trẻ, tại sao con không tự lo miếng ăn miếng uống cho con mà Quốc phải bưng vào tận giường cho con?

- Ðó là chuyện của vợ chồng con. Con nghĩ Má không nên xen vào.

Hồng giật mình. Ngày xưa, mỗi khi trong nhà thiếu hụt mà Luyến lại đưa tiền cho Cha Mẹ và chị em của Luyến tự do cờ bạc, hoang phí, Hồng cằn nhằn, Luyến sừng sộ: “Cô nên nhớ, tôi làm ra tiền chứ không phải cô. Và tôi là chồng của cô chứ tôi không phải là con của cô. Chuyện giữa tôi và gia đình tôi cô không được xen vào.” Bây giờ chuyện xảy ra trong gia đình con của nàng, Hồng cũng bị ngăn, không cho xen vào. Như vậy thì vai trò của Hồng là gì?

Giữa lúc Quốc chưa biết phải hành động như thế nào để ngăn chận một sự “đụng độ” giữa Mẹ và vợ có thể xảy ra thì tiếng chuông cửa reng. Quốc mừng như vừa thoát khỏi một trường hợp gay cấn, vội đi ra cửa. Quốc quay vào, nói:

- Ba lên tới rồi, Má.

Lan quay vào phòng. Hồng ngồi xuống xô-pha, lòng không vui mà cũng chẳng buồn. Vừa thấy Hồng, Luyến vồn vả:

- Em lên hồi nào? Anh gọi em mấy lần, tính nhắc em di chuyển tránh bão mà không ai trả lời.

Không lạ gì tính đãi bôi của Luyến, Hồng chỉ cười mỉm, thầm nghĩ, ngày tôi còn là vợ của anh, có bao giờ anh lo lắng, chăm sóc cho tôi. Anh chỉ chuyên bịa những chuyện tốt lành để anh tự đề cao anh và anh bịa những chuyện “tày trời” để đổ vạ cho tôi. Bây giờ anh bảo anh gọi tôi đi tránh bão, anh gọi hồi nào, tại sao máy của tôi không ghi nhận số điện thoại của anh? Anh tử tế như vậy tại sao anh không để lại lời nhắn trong máy điện thoại của tôi?

Có lẽ cả Luyến và Quốc cùng hiểu ý nghĩa nụ cười của Hồng cho nên Quốc đưa Luyến thẳng lên lầu.

Tắm và thay đồ xong, Luyến trở xuống. Hồng vẫn ngồi nguyên vị trí, mắt lơ để nhìn mấy chú cá bơi lội trong hồ. Luyến ngồi đối diện, nhìn Hồng:

- Sao, dạo này em có gì lạ không?

- Cảm ơn. Cũng thường.

- Sắp đến sinh nhật của em rồi đó. Em tính về hưu “non” không? Anh mới về hưu chỉ mấy tháng mà thấy buồn quá.

- Rồi cũng quen.

- Nhìn em đâu ai biết em ngoài sáu mươi.

Hồng lại cười, nghĩ, ngày còn là vợ chồng, anh xem tôi đâu ra gì. Thời tôi ba mươi tuổi, khi nói chuyện với bạn bè, anh gọi tôi là “vợ già”. Anh tìm những lời nào cay nhất, độc nhất, hạ cấp nhất anh “tặng” tôi; còn những lời ngon ngọt, đẹp đẽ, để anh nịnh vợ người khác. Tôi dại khờ, tin anh năm tôi hơn mười sáu tuổi; nay tôi hơn sáu mươi, không lẽ tôi lại bị anh lừa nữa hay sao? Hồng nói mỉa:

- Nhìn anh cũng đâu ai biết anh gần bảy mươi.

- Ðâu mà dữ vậy. Anh mới sáu bảy thôi.

- Sáu bảy hay gần bảy mươi cũng chẳng sao, miễn anh mang nhãn hiệu Việt-Kiều về Việt-Nam thì con gái mười tám tuổi cũng theo anh từng đàn. 

Hồng nói thật ý nghĩ của nàng nhưng Luyến lại nghĩ Hồng mỉa mai chàng về việc chàng về Việt-Nam cưới vợ, bị lừa!

Câu chuyện Luyến bị lừa tình khởi đầu từ Liên, em của Luyến. Liên chuyên lo “dịch vụ” giới thiệu phụ nữ cho Việt-Kiều. Giá mỗi “dịch vụ” người phụ nữ phải trả cho Liên và “tổ chức” của Liên rất cao. Liên giới thiệu Bích cho Luyến. Trong e-mail gửi cho Luyến, Liên bịa để nâng giá “món hàng”: Bích đang học năm thứ ba đại học ngành kế toán ngân hàng, không những không có con mà lại còn “nguyên xi” nữa.

Là một người lúc nào cũng dối trá nhưng Luyến lại tin vào lời của Liên, đứa em gái út mà ngày Luyến cùng vợ và con vượt biên, Liên chỉ là đứa trẻ hơn mười tuổi.

Sau khi liên lạc với Bích và thấy ảnh Bích trên màn ảnh Computer, Luyến si mê ngay. Vậy là Luyến bắt đầu gửi tiền về cho Bích mua xe gắn máy để đi học; mua máy vi tính để Bích làm bài cho nhanh và liên lạc với Luyến cho tiện; mua điện thoại di động đắt tiền, và điều căn bản là mỗi tháng Luyến phải gửi về hai trăm đô-la để Bích chi dụng cho cuộc sống “tiểu thơ” mà Bích đã quen.

Luyến rất vui và hãnh diện khi gửi tiền về cho Bích. Nhưng Luyến lại bực mình vì mấy lần chàng về Việt-Nam tiến hành thủ tục bảo lãnh Bích sang Mỹ, Bích cũng vẫn không cho Luyến “làm gì” cả, cùng lắm là một nụ hôn nhẹ lên gò má. Luyến, nửa đùa nửa thật, than phiền với Liên. Liên hơi ngạc nhiên, nhưng vì sợ mất mối lợi, lại khuyên Luyến gắng chờ.

Sự chờ đợi đôi khi cũng mang chút thú vị. Do đó, trong khi ngồi đợi Bích tại phi trường, Luyến có vẻ hồi hộp, nôn nóng, vì trong trí chàng đang vẽ ra những cảnh yêu đương nóng bỏng mà chàng thấy trong Play Boy. Rồi Luyến nghĩ đến Viagra và tiếc. Phải chi chàng không bị bệnh thì chỉ vài viên Viagra là... đã đời!

Ðợi hoài không thấy Bích, Luyến nôn nóng đến quày vé có nhân viên hãng hàng không Continental, nói rõ số chuyến bay và hỏi nguyên nhân sự chậm trễ. Sau vài phút tìm trên màn ảnh Computer, nhân viên cho Luyến biết chuyến bay chuyển tiếp từ Los Angeles sang đã đến phi trường khoảng gần hai tiếng đồng hồ rồi. Và hiện tại chuyến bay đó đang trên đường bay đến một thành phố khác. Họ hứa sẽ tìm và sẽ thông báo cho chàng trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Hôm sau, nhân viên hãng Continental báo cho Luyến biết rằng: Căn cứ vào hình ảnh được Video thâu nhận tại phi trường Los Angeles thì bà Bích Nguyễn đã rời phi cơ của hãng China Airlines tại Los Angeles. Lúc ra đến cửa, thay vì quẹo phải, sang khu vực các chuyến bay nội địa, bà Bích Nguyễn đã dừng lại ngay cửa và được một người đàn ông và một người đàn bà Á-Ðông  tươi cười đón tiếp.

Vì mặc cảm, Luyến cố giấu câu chuyện nhưng không hiểu tại sao nhiều người lại biết. Bạn bè, ai cũng khuyên Luyến nên đưa vấn đề lên Sở Di Trúù để Sở Di Trú trục xuất Bích trở về Việt-Nam. Luyến chỉ cười cười, thầm nghĩ, mình đã dại, tốn không biết bao nhiêu tiền để bị lừa, bây giờ không lẽ lại dại thêm một lần nữa, tốn thêm tiền để lo “tống cổ” nó về Việt-Nam. Thôi, “kệ mẹ” nó! Sự thật là như vậy, nhưng Luyến vẫn nói “ngon”:

- Anh biết điều đó chứ, nhưng “na” một bịch thịt sang đây, không có tình thương yêu thì để làm gì, chỉ tổn đức thôi.

Chưa quên được cá tính dang dối của Luyến, Hồng chỉ cười mỉm, bỏ đi lên lầu.

Luyến đến bên Quốc trong khi Quốc đang trộn xi-măng màu. Chăm chú nhìn một lúc, Luyến hỏi dò:

- Tình trạng giữa con và Lan có khá hơn không?

- Dạ không. Con nghĩ Lan bị tress nhiều vì bà già của Lan.

- Con nghĩ con chịu đựng được đến bao lâu nữa?

- Dạ, con cũng không biết. Thôi, tới đâu hay đó.

- Con nên nhớ, ông bà Nội chỉ có một mình Ba là con trai. Ba lại chỉ có một mình con. Gia đình cần một đứa cháu đích tôn để nối giòng! Con nghĩ đi, bà Nội già quá rồi và Ba cũng lớn tuổi rồi, bà Nội mong có được đứa cháu đích tôn trước khi bà Nội qua đời.

Quốc thở dài, cảm thấy khó chịu. Ðây không biết là lần thứ bao nhiêu Quốc phải nghe Luyến đem cái chết sắp cận kề của bà Nội ra làm áp lực khiến cho Quốc áy náy. Giọng của Quốc không vui:

- Chuyện con cái là chuyện của tụi con; bà Nội với Ba thúc hối làm chi, Lan không thích đâu.

- Lan không thích nhưng biết bao cô gái khác thích. Ba thấy đàn bà, con gái ở đây sao khó khăn quá, giống như Má con với Lan đó! Bên Việt-Nam thiếu gì con gái trẻ, đẹp, họ chăm sóc, chìu chuộng mình từng ly từng tý. Cỡ như con, học cao, đẹp trai, việc làm tốt, về bên đó tha hồ mà lựa. Con nghĩ lại đi. Con cũng lớn rồi.

Quốc im lặng. Không phải Quốc không nghĩ đến những vấn đề do Luyến nêu ra; nhưng Quốc cũng thấy được những khó khăn của Lan. Nếu Quốc muốn làm vui lòng bà Nội và Luyến thì Lan cũng muốn báo hiếu cho Mẹ và giữ lời hứa với Cha. Trong tình cảnh này, nếu sinh con, Lan có gánh vác nổi không? Gần đây, vì Lan vắng nhà thường xuyên, những lúc buồn, cô đơn, Quốc vào web tán gẩu với vài cô bên Việt-Nam. Và Quốc trở nên thân với một cô tên Tuyết.

Theo những gì Tuyết e-mail cho Quốc thì Tuyết thuộc gia đình gia giáo, Cha là dược sĩ có tiệm thuốc Tây và Tuyết đang theo học đại học. Nhưng kể từ hôm Luyến lấy vợ Việt-Nam bị lừa đến nay Quốc ngại, trở nên ít liên lạc với Tuyết – dù Tuyết cứ tiếp tục gửi “thông điệp tình yêu” đến cho Quốc. Bây giờ nghe Luyến đề cập đến những cô gái bên Việt-Nam, Quốc lại nghĩ đến Tuyết, nhưng không dám nói. Vừa khi đó Hồng đến cạnh:

- Quốc à, con nghỉ tay, đi tắm, Má đi mua thức ăn về ăn, sắp tối rồi, con.

- Dạ, để Lan nghỉ một tý rồi con rủ Lan đi ăn luôn.

- Lúc nãy con đem thức ăn vào cho Lan, Lan ăn rồi mà.

- Lúc nãy Lan ăn là vì trưa Lan không ăn. Bà già bên đó ở dơ lắm, Lan gớm, không dám ăn ở bên đó.

Luyến xen vào:

- Con vẫn còn bưng thức ăn vào phòng cho Lan à?

Quốc im lặng. Vì ngán cảnh ngày trước bị gia đình Luyến bịa chuyện, đâm thọc và thêu dệt những điều không thật để làm Luyến và Hồng gấu ó nhau, Hồng nhìn Luyến, đáp thay cho Quốc:

- Chuyện vợ chồng của nó, để nó lo, ông không nên xen vào.

- Xen gì đâu.

Luyến bước về phía cầu thang. Trước khi đặt chân lên cầu thang, Luyến quay lại:

- Quốc, nhớ nghe, con.

Quốc “dạ”. Vì biết tính Luyến thường thuyết phục đàn ông đi theo con đường sa đọa như chàng để chàng đỡ cảm thấy mình là người đàn ông tội lỗi, Hồng linh cảm điều gì đó không tốt, vội hỏi:

- Ông dặn con những gì vậy?

- Có gì đâu. Anh chỉ dặn con lo làm ăn, lo chăm sóc gia đình.

- Thiệt không đó, ông?

- Thiệt mà. Em đa nghi như Tào-Tháo. Không tin hỏi nó đi.

Quốc cảm thấy khó xử, vội đi xuống bếp.

 

*       *

*

Vừa cùng Quốc và Tuyết rời chiếc xe thuê, Luyến nghe có tiếng gọi tên chàng:

- Anh Luyến. Xin lỗi phải anh Luyến không?

Luyến quay lui, nhận ra khuôn mặt quen quen:

- Ờ, Luyến đây. Còn...

- Trời! Hơn ba mươi năm mới gặp lại! Em là Ðoan, hồi đó làm sĩ quan quân lương...

Ðoan chưa nói dứt câu Luyến đã nhớ ra, vồn vã bắt tay:

- Bây giờ toa ở đâu? Làm gì?

- Dạ, em ở trong hẽm, sau nhà thuốc tây nè. Con Tuyết biết nhà em mà.

Thấy Luyến và Ðoan có vẻ quen biết nhau rồi lại bị Ðoan nhắc đến tên, Tuyết hơi mất bình tĩnh, đi vội vào nhà. Quốc đứng lại chờ Luyến. Luyến hỏi Ðoan:

- Ủa, sao không đi Mỹ?

- Trời, có biết đâu! Em đi tù, vợ em lo quá, hối lộ cho cha con nó sao đó nên em được tha về sớm, thành ra không đủ điều kiện đi theo diện H.O. Mà anh về hồi nào? Chị với các cháu ra sao?

- Biết moa ở đâu không mà hỏi về hồi nào?

- Nhìn anh, biết là Việt-Kiều liền; nhưng Việt-Kiều từ nước nào thì em không biết, thiệt.

Luyến ngoắc tay gọi Quốc:

- Ðến chào chú đi, con.

Quốc đưa tay bắt tay Ðoan, Luyến ngăn:

- Con không được bắt tay chú.

Giữa khi Quốc ngẩn ngơ, không hiểu tại sao chàng không được bắt tay Ðoan thì Ðoan chỉ Quốc, cười rồi ôm chầm lấy Quốc:

- Trời, thằng cu Quốc đây sao? Hồi đó nó có chút xíu mà bây giờ... chần dần, cao, to như Mỹ vậy.

Ðược dịp “dựa hơi”, Luyến hỏi một câu gián tiếp tự đề cao chàng:

- Con nhà Tông mà. Nó giống moa, phải không?

Ðoan thả Quốc ra rồi nhìn từ đầu xuống chân của Quốc:

- Giỡn hoài. Nó cao, to, đẹp trai hơn anh nhiều. Còn chị với mấy cháu khác đâu, anh?

Ngày xưa Ðoan mang cấp bậc thấp hơn Luyến và bây giờ không được Ðoan khen, Luyến cảm thấy không muốn tiếp tục nói chuyện nữa:

- Sinh được có mình nó là bả “tịt ngòi” đâu đẻ gì được nữa. Bả không về. Thôi, moa phải đi.

Ðoan nắm tay Luyến kéo lại rồi nhìn Quốc:

- Lâu quá mới gặp lại, cho hỏi thăm chút mà, anh. Cháu chắc là học hành, đỗ đạc rồi, mà lập gia đình chưa vậy, cháu?

Quốc chưa kịp đáp Luyến đã nói:

- Nó có bằng tiến sĩ hóa học, đang dạy tại một trường đại học của tiểu bang; vợ con thì chưa. Chuyến này về lo cưới vợ cho nó đó.

Quốc thoáng giật mình. Là một người trẻ có văn hóa và chọn sự chân thật để sống, Quốc không thể hiểu được tại sao Luyến lại bịa ra những điều kỳ quái như vậy. Quốc muốn đính chính rằng Quốc chỉ có bằng kỹ sư Công-Chánh và hiện đang làm việc cho Tòa Tỉnh; nhưng ngại làm bẻ mặt Luyến nên im lặng.

Ðoan hơi ngạc nhiên. Những người về Việt-Nam cưới vợ thường thuộc vào thành phần ít học, không thành công trong xã hội Hoa-Kỳ hoặc lớn tuổi, gia đình tan rã; cũng có một số ít Việt-Kiều trí thức về Việt-Nam cưới vợ hoặc lấy chồng, nhưng họ cũng chọn những “đối tượng” khá hoặc tương đương với họ chứ ai lại chọn... Ðoan tỏ vẻ nghi ngờ:

- Anh bà con quen biết ra sao với con Tuyết vậy?

- Không. Không bà con gì hết. Toa biết Tuyết nhiều không?

- Trời! Quanh đây ai cũng “rành sáu câu” về chuyện con Tuyết. Ô, quên nữa, con Tuyết là con của trung sĩ Bền đó. Anh nhớ trung sĩ Bền không?

- Ủa, toa nhầm không? Mấy lần tiếp xúc với Cha Mẹ của Tuyết  và Tuyết, moa thấy họ đều là những người tốt, thuộc thành phần trí thức chứ có dính dáng gì tới thằng Bền đâu.

- Trời đất! Con Tuyết không phải là con trung sĩ Bền thì ai là Cha Mẹ của nó vậy, anh?

- Thì vợ chồng dược sĩ Chấn chứ ai.

- Thôi. Thôi. Em xin anh, đừng có nghe con Tuyết nó “phịa” mà hại đời cháu Quốc. Anh với Quốc vô nhà em, em kể hết cho mà nghe.

Nếu Ðoan là một phụ nữ sang trọng hoặc là một người nào có tiền, có chức phận - dù thuộc chế độ cũ hay chế độ Cộng-Sản - Luyến cũng sẽ hãnh diện theo về nhà, kết thân, chụp ảnh để về Mỹ còn khoe. Ðằng này Ðoan chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, bây giờ nghèo, sống trong con hẽm lầy lội, Luyến theo vào để làm gì! Bản tính của Luyến là như vậy. Còn những gì Ðoan nói về Tuyết, Luyến cho rằng Ðoan bịa chuyện, muốn môi giới ai đó cho Quốc để kiếm lợi. Luyến thẳng thắn từ chối:

- Thôi, để kỳ khác. Lần này moa bận lắm. Moa phải lo xong công việc để còn phải trở về Mỹ lo vụ thuế khóa cuối năm cho công ty của moa.

Lại một lần nữa Quốc ngạc nhiên. Luyến chỉ là nhân viên hồi hưu của một hãng điện tử, vậy thì công ty nào là công ty của Luyến? Từ hai tuần qua, nghe Luyến nói chuyện với ông bà Chấn và Tuyết, Quốc đâm ra nghi ngờ về số vốn Việt ngữ của chàng!

Sau khi Ðoan buồn bả bắt tay từ giã, Quốc hỏi lại Luyến những điều Luyến vừa nói. Luyến chỉ cười:

- Ba nói gì kệ Ba. Con cứ im lặng là được.

Trong khi Luyến và Quốc bận nói chuyện với Ðoan, ngoài ngõ thì, trong căn phòng trên lầu, do Tuyết thuê của ông bà Chấn từ mấy năm qua, Tuyết cố nài nỉ bà Chấn:

- Tui nói thiệt mà má Chấn không chịu tin. Má Chấn cầm tạm hai ngàn đô kỳ này đi, vài hôm nữa có tiền, tui đưa đủ mà.

- Mày nói mày chỉ có hai ngàn đô, vậy tiền ở đâu mày đưa cho Má mày cả mấy ngàn đô? Mày không qua mặt tao được đâu, con quỹ sống.

Tuyết than thầm. Cũng vợ chồng “cái thằng ông nội” Ðoan mách lại mụ Chấn chứ không ai hết! Tại sao “thằng ông nội” Ðoan lại quen biết được với cha con “lão” Luyến? Ðây rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Tuyết có vẻ lo nhưng lại phải trực diện với hiện tại:

- Má nghĩ coi, bề gì bả cũng đẻ tui ra, là Mẹ của tui. Lâu lâu bả mới từ Cao-Lãnh lên đây xin tiền; nếu tui không cho bả thì ông Trời vặn cổ tui chết sao?

- Ờ, mày nói phải. Nhưng tao kỳ hẹn với mày, trong hai ngày nữa, nếu mày không đưa thêm cho tao ba ngàn đô nữa cho đủ số tiền mày đã hứa thì tao sẽ nói huỵch toẹt về “cuộc đời và sự nghiệp” của mày cho cha con lão Luyến nghe.

Tuyết gục đầu vào giữa hai đầu gối, giọng nghèn nghẹn:

- Anh Quốc ảnh nói hiện tại vợ ảnh đang tiến hành thủ tục ly dị ảnh cho nên tiền bạc còn kẹt.

- Trời! Tao mà đi tin cái miệng của mày hả? Người ta đĩ “miệng dưới” cũng đủ cho đời nguyền rủa; còn mày thì đĩ cả “miệng dưới” lẫn “miệng trên”. Thằng nào “đụng” vô mày cũng tiêu đời. Chỉ có thằng Nam sao khôn quá, “tặng” mày cái “bầu” rồi về bển điện thoại qua, hủy bỏ hồ sơ bảo lãnh, làm mày phải vô xưởng đẻ, “nạo” nó ra!

Tuyết lại than thầm. Nếu không có cha con “lão” Luyến đứng trước nhà thì Tuyết sẽ không ngại ngùng gì mà không chửi lại bà Chấn, như những lần trước. Cứ sau mỗi lần bị Tuyết chửi lại, bà Chấn lại cấm, không cho Tuyết gọi vợ chồng bà là Ba Má; vì ông bà Chấn biết dụng tâm của Tuyết khi gọi ông bà bằng Ba Má là để “dựa hơi”, để người đời nhầm, tưởng Cha của Tuyết là dược sĩ. Sở dĩ ông bà Chấn âm thầm để Tuyết “lợi dụng danh nghĩa” là vì Tuyết rất dễ giải trong vấn đề tăng tiền thuê phòng, vì Tuyết làm ra tiền rất dễ dàng.

Trong khi bà Chấn nguyền rủa, Tuyết im lặng, thầm nhủ, thôi, ráng nhịn nhục mộït thời gian ngắn nữa rồi Quốc sẽ đưa nàng ra khỏi vùng đất mà nàng không còn gì thương mến, ngoài người Mẹ quê mùa và phần mộ của người Cha. Tuyết xuống giọng năn nỉ:

 

- Thì Má Chấn ráng tin tui một lần đi.

 

- Tin mày như hồi mày mới tới thuê phòng, mày nói Ba mày là đại tá, má mày là chủ hãng xe ngoài Nhatrang, mày vô đây học đại học đó phải không?

 

Tuyết ngẫng lên, lén nguýt bà Chấn rồi lại cúi xuống. Trước năm 1975, lúc Tuyết vừa ra đời, Ba của Tuyết là trung sĩ Bền, trong ban quân lương, cùng đơn vị với Ðoan. Không thể nào Tuyết nhớ được Ðoan. Nhưng, một lần, lúc Tuyết còn làm cho quán bia ôm Bốn-Phương, Ðoan cùng vài người bạn Việt-Kiều đến...nhậu. Sau khi “xỉn”, không còn biết sợ, các ông trong bàn đã tự khai rõ - và còn thêm thắt nhiều chi tiết cho...oai, vì có mấy cô gái trẻ đang ngồi trong lòng các ông - lý lịch của mình. Và họ nhắc tên ông trung sĩ già thường “nhậu đến quắt cần câu”, tên Bền, quê ở Cao-Lãnh, là Cha của Tuyết. Nhờ vậy Tuyết mới quen với Ðoan. Và vợ chồng Ðoan cho Mẹ của Tuyết tá túc mỗi khi Bà từ Cao-Lãnh lên xin tiền đứa con gái mà Bà tưởng rằng nó lên Saigon để làm người mẫu, y như lời Tuyết khoe với bà con xóm nghèo!

*      *

*

Vừa bước vào cửa, Quốc nói nhỏ với Luyến:

- Ba vô lấy bàn trước đi. Con vô phòng vệ sinh.

Nhìn quanh không thấy Tuyết, Luyến hỏi:

- Còn Tuyết đâu?

- Dạ Tuyết vào phòng vệ sinh phụ nữ.

Giữa khi Luyến còn chóa mắt vì chưa quen với bóng tối của phòng trà ca nhạc thì hai cô gái trẻ nhanh nhẹn bước đến, ôm chầm lấy Luyến. Một cô kề sát vào mặt Luyến:

- Trời, anh! Sao hôm nay anh mới trở lại? Mấy hôm nay em nhớ anh quá, em ngủ không được.

Cô kia chen vào:

- Anh biết gì hôn? Mấy hôm nay, tối nào em cũng nhìn ra cửa, thấp tha thấp thỏm mong anh trở lại mà không thấy. Em buồn quá, cứ như kẻ mất hồn.

Là một người ăn chơi và dối trá ít ai bằng, vậy mà Luyến lại rất tin lời đàn bà; ngoại trừ Hồng, người đàn bà đã thương yêu Luyến từ khi chàng còn là chuẩn úy, mới ra trưởng và sống với chàng cho đến khi chịu đựng không nổi những lời cay độc và tư cách thấp kém của Luyến!

Ðược hai cô gái tâng bốc, Luyến cảm thấy rất hãnh diện. Và Luyến nghĩ, quả thật chàng cũng còn nhiều ưu điểm lắm cho nên mới chinh phục được các cô gái trẻ này.

Khi thấy Quốc đến ngồi cạnh, gọi Luyến bằng Ba, hai cô có vẻ ngường ngượng và thầm tiếc, phải chi gặp Quốc trước khi gặp Luyến thì đời sẽ đẹp biết bao nhiêu! Một cô gái khác tiến đến, tay phải bắt tay Quốc, tay trái xoa xoa lên vai Quốc:

- Anh cho phép em hầu anh tối nay, nha.

Quốc chưa kịp đáp, Tuyết đã xuất hiện. Tuyết làm mặt nghiêm, liếc cô gái một cái rồi ngếch mặt lên, ngồi cạnh Quốc, choàng tay qua lưng rồi tựa đầu lên vai Quốc. Cô gái nhận ra Tuyết:

- Ê, Tuyết “lẳng”! Của mày hả? Tao đâu có biết. Xin lỗi nhen.

Cô gái bỏ đi. Quốc nhìn theo cô gái rồi nhìn Tuyết:

- Bạn của em, phải không?

Tuyết nói dối tài tình, không thua gì Luyến:

- Dạ, nó cùng học với em. Nhà nó nghèo cho nên ban đêm nó phải đi làm.

Quốc im lặng. Tuyết cũng im lặng, thầm lo. Mấy hôm nay Luyến cứ muốn đến đây nhưng Tuyết tìm mọi lý do để ngăn cản. Tuyết ngại mấy cô gái làm ở đây sẽ vô tình có những lời nói hoặc cử chỉ bất lợi cho nàng; vì có vài cô đã từng làm tại quán bia ôm Bốn-Phương với Tuyết và sau này Tuyết lại thường đến đây với nhiều chàng Việt-Kiều khác nhau. Vì vậy, hôm đầu tiên Luyến đến đây với mấy ông bạn, Tuyết nài nỉ Quốc đi xem xi-nê, đừng đi theo Luyến. Hôm nay Luyến thuyết phục được Quốc cùng đến phòng trà này, Tuyết cản không được, đành phải đi theo.

Trong khi Luyến như đứa trẻ thơ vui đùa với hai cô gái giữ em thì Quốc trầm ngâm với nhiều nỗi hoài nghi.

Khuya đó, sau khi trả Tuyết lại nhà, trở về khách sạn, Quốc hỏi:

- Ba, trong tiếng Việt, chữ “lẳng” có nghiã là gì?

Lúc cô gái gọi Tuyết là Tuyết-lẳng chính là lúc Luyến đang vui thú với hai cô gái cho nên Luyến không nghe. Bây giờ nghe Quốc hỏi, Luyến vô tình giải thích một cách cụ thể và rõ ràng. Quốc nhíu mày:

- Con nghĩ là chuyện Tuyết với con không thành đâu.

- Tại sao? Con Tuyết cao, đẹp gái, con nhà danh giá, có học, con chê cái gì? Dĩ nhiên nó không học bằng con Lan, nhưng nó biết lo cho con. Mấy tuần qua con thấy đó, nó gắp vào dĩa cho con từng miếng ăn, giặt cho con từng cái áo, cái quần, rồi nó cũng đích thân ủi đồ cho con. Con thấy con Lan có bao giờ làm những việc như vậy không? Lấy vợ là lấy một người về chăm sóc cho mình chứ không phải lấy về để nó làm...bà nội mình!

Nhờ có được sự nhạy cảm rất mạnh, giống Hồng, Quốc nhận biết có điều gì không ổn, nhưng Quốc không thể đơn cử được điều cụ thể.

- Ba nghĩ Tuyết là người có học vấn hay không?

Vì trình độ học vấn của Luyến cũng không bao nhiêu, lại không chịu đọc sách, không chịu học hỏi, và cũng vì tính “dại gái” Luyến tin những điều Tuyết nói; thêm nữa, những lời “đẩy đưa” cũng như nụ cười đưa tình và ánh mắt lả lơi của “bà dược sĩ” Chấn cũng khiến Luyến khẳng định:

- Cha nó là dược sĩ, vô lẻ để nó dốt à?

- Con không nói Tuyết dốt. Nhưng con không tin Tuyết có trình độ đại học.

- Chắc con thấy nó không biết ngoại ngữ chứ gì?

- Vấn đề ngoại ngữ con có thể hiểu. Nhưng những nhân vật mà cả thế giới đều biết như Pasteur, Napoléon, Victor Hugo, Hemingway... Tuyết cũng không biết.

- Nhiều khi sinh ngữ nó kém, nó không muốn đọc sách ngoại quốc.

- Tuyết không đọc sách ngoại quốc, con cũng tạm chấp nhận. Nhưng khi con bảo Tuyết đưa con đến một tiệm sách lớn để con mua sách viết về danh nhân Việt-Nam đem về biếu Má, vì Má dặn, thì Tuyết hỏi: “Anh mua sách danh nhân Việt-Nam là sách gì?” Con tưởng Tuyết đùa nên đáp: “Như sách viết về Nguyễn-Công-Trứ...” Con chưa nói hết câu, Tuyết đã cười dòn: “Anh này ngộ ghê, lớn lên ở Mỹ, hèn gì. Nguyễn-Công-Trứ là tên con đường chứ đâu phải tên cuốn sách!”

Trong tình trường không biết bao nhiêu lần Luyến bị đàn bà lợi dụng, gạc gẫm để đem nợ nần, bệnh hoạn và sầu khổ về cho Hồng. Nhưng không hiểu tại sao Luyến cũng vẫn không sợ và vẫn tin lời đàn bà, nhất là những người đàn bà đỏm dáng, chưng diện lòe loẹt.

- Ba nghĩ nhiều khi con Tuyết nó muốn làm cho con cười chơi.

 

- Hôm trước hai đứa con xem TV, thấy Indonesia bị động đất liên tiếp, gây thiệt hại nhân mạng quá cao, con dịch cho Tuyết nghe rồi con bảo tội nghiệp quá, nước đó nghèo mà còn bị thiên tai hoài. Tuyết bảo: “Nước Indonesia đông dân vào hàng thứ tư trên thế giới, chết bao nhiêu đó mà nhằm nhò gì.” Con ngạc nhiên: “Em biết nước Indonesia bao lớn, nằm ở đâu không mà em dám nói nước đó đông dân vào hàng thứ tư trên thế giới?”Tuyết im. Con nhận thấy Tuyết sống không thật. Tuyết thích phô trương một cách lố bịch để lòi cái dốt của Tuyết ra.

- Kệ nó, con. Nó thua con, con về con dạy nó mấy hồi. Con thấy, những người có ăn học như Má với Lan...khó trị lắm.

- Con muốn gặp lại chú Ðoan. Con nghĩ chú biết nhiều về Tuyết.

- Ôi, cái thằng nhậu vô là “sứa” đó mà tin nó làm gì, con.

- Con không lường gạc ai mà con cũng không muốn bị ai lường gạc.

- Có gì đâu mà lường gạc. Con nghe lời Ba. Không lẽ Ba hại con? Con cứ tiến hành mọi điều như đã dự định. Về bên đó Ba sẽ dạy con Tuyết. Ðàn bà, nó dốt, nó thua mình, nó mới nể sợ mình; còn nó bằng hoặc hơn mình, nó xem thường mình.

 

*       *

*

Quốc đi ra bãi đậu xe. Luyến chạy theo, gọi khẽ: “Quốc. Quốc.” Quốc dừng lại, chờ. Luyến đến cạnh:

- Con có tiền lẻ cho ba một trăm, con.

Quốc ngạc nhiên:

- Ủa, tiền hưu của Ba, Ba làm gì mà Ba cứ xin tiền con hoài vậy?

- Ba nuôi con lớn, cho con ăn học thành tài, lâu lâu Ba mới xin con một trăm mà con cũng tra hỏi.

Quốc im lặng. Quốc không quên thời còn bé, chàng và Hồng cứ thui thủi trong cảnh nghèo ở trại gia binh. Thỉnh thoảng Luyến về thì Luyến say sưa, ói mửa, nặng lời và nhiều khi đánh đập Hồng, vì Hồng vay tiền không được để trả nợ cho Luyến. Sang Mỹ, Luyến thích ra quán cà-phê ngồi tán gẩu suốt hai ngày cuối tuần. Và Luyến vẫn thích chạy theo những người đàn bà ỏng ẹo. Hồng chịu đựng mãi cho đến khi Quốc ra trường, Hồng trả tự do cho Luyến. Như vậy thì ai là người đã hy sinh, đã nuôi Quốc? Tuy nghĩ như vậy, nhưng Quốc vẫn thương Luyến:

- Ba hỏi tiền con hoài chứ đâu phải lâu lâu. Con chỉ muốn biết, Ba sống chung với tụi con, tiền nhà và mọi thứ khác Ba không tốn, vậy năm sáu trăm đồng tiền hưu mỗi tháng Ba làm gì?

- Ba trả bảo hiểm xe cũng hết mấy trăm.

- Mấy trăm cho cả ba tháng, sáu tháng hoặc một năm chứ phải cho mỗi tháng đâu.

- Con cho hay không thì nói đi, “cù nhày” Ba mệt quá. Ba để dành được đồng nào thì khi Ba chết Ba cũng để lại cho con chứ Ba để lại cho ai?

Lần nào xin tiền Quốc, Luyến cũng nhắc đến cái chết để làm Quốc áy náy. Như bao nhiêu lần trước, cuối cùng Quốc cũng cười, trao tiền cho Luyến.

Từ ngày đem Tuyết sang, Luyến xin về ở tạm với Quốc và Tuyết; vì Luyến về Việt-Nam tiêu hoang, bao nhiêu credit cards cũng charged, về lại Mỹ không trả được. Gặp lúc hợp đồng thuê chung cư hết hạn, họ sưu tra lại credit history, khám phá ra Luyến thâm nợ nhiều mà không trả, họ không cho thuê nữa. Quốc và Tuyết vui vẻ đón nhận Luyến. Quốc nghĩ, Tuyết không biết Anh ngữ, chưa học lái xe, đi chợ, đi bác sĩ Quốc phải nghỉ làm, về đưa đi, rất bất tiện. Có Luyến, Luyến sẽ giúp Tuyết những vấn đề lặt vặt đó. Và điều quan trọng là Luyến sẽ dạy Tuyết Anh văn và thi lấy bằng lái xe.

Luyến dúi tờ giấy một trăm vào túi, lòng hớn hở bước vào chung cư. Tuyết, dường như đã chờ sẵn từ lâu, vội mở cửa, giọng õng ẹo:

- Làm gì ở ngoải lâu dữ “dị”?

- Ờ, thì hỏi coi chiều Quốc muốn ăn món gì mình mua.

Khi nói chuyện với Tuyết, mà không có sự hiện diện của Quốc, Luyến chỉ nói trống không, hoặïc xưng “mình” chứ không xưng “ba”. Và nếu vắng mặt Quốc, Tuyết cũng không xưng “ba, con” mà chỉ nói trống, không có chủ từø.

Một điều cả Quốc và Luyến đều không ngờ là, sau khi sang Mỹ, Tuyết bảo Tuyết đã quen cuộc sống tiểu thơ nên không biết nấu ăn! Mỗi ngày Luyến và Tuyết đi mua. Hôm nào hai người không đi được, Quốc diện thoại đặt thức ăn, chiều, trên đường đi làm về, ghé nhà hàng lấy. Nhiều khi mưa, tuyết hoặc giông gió, thấy Quốc ước loi ngoi mà tay khệ nệ xách thức ăn, Luyến cũng xót ruột nhưng không biết phải làm gì!

Riêng Tuyết, Tuyết rất bất bình về hoàn cảnh của nàng. Tuyết cứ đinh ninh rằng, với chức vụ của Quốc, sang đến Mỹ, Tuyết sẽ được sống trong ngôi biệt thự đồ sộ - hoặc ít ra thì cũng một ngôi nhà hai tầng, và lái chiếc Lexus, như hình ảnh mấy cô gái Việt-Nam lấy Việt-Kiều thường gửi về khoe - chứ ai ngờ lại phải sống trong chung cư! Quốc bảo muốn mua nhà thì cũng từ từ, để luật sư của Lan và luật sư của Quốc tranh chấp nhau xong đã. Tuyết xin Quốc mua cho nàng một chiếc xe mới và một điện thoại di động có máy chụp hình, Quốc bảo không cần thiết và Quốc chỉ mua cho nàng một điện thoại di động loại bình thường. Tuyết muốn đi học làm móng tay, kiếm tiền nhiều và nhanh. Quốc bảo Tuyết chưa biết Anh ngữ, chưa có bằng lái xe, làm sao đi học. Tuyết bảo, có người cho biết mình có thể thuê người đi thi bằng “neo” giùm. Quốc bảo không nên làm điều phạm luật. Tuyết lại bảo, nghe có tiểu bang nào cho thi bằng tiếng Việt, Tuyết muốn Quốc đổi về đó để Tuyết đi học và thi. Quốc bảo có thể có, nhưng việc làm của Quốc ở đây thâm niên, nhiều lợi nhuận, sang tiểu bang khác chưa chắc Quốc xin được việc làm như ý Quốc muốn. Tuyết thích chưng diện, mua sắm áo quần, giày dép loại sang, dầu thơm và mỹ phẩm hảo hạng. Quốc chỉ đưa Tuyết vào Walmart và Sears.

Trong khi Quốc rất thực tế trong đời sống thì Luyến, bản tính dại gái và lúc nào cũng rất hãnh diện làm tôi mọi cho vợ người khác, lại chìu Tuyết, lấy tiền hưu hằng tháng và tiền IRAs của Luyến cho Tuyết mua sắm phủ phê; đến khi hết tiền và tiền hưu chưa về kịp, Luyến phải lén Tuyết, xin Quốc. Vì vậy Tuyết thường làm nũng với Luyến:

- Tối ngày cái gì cũng Quốc, Quốc. Bộ thương một mình Quốc thôi hả? “Dị” thì thôi,... “dìa” lại “Diệt”-Nam ở “dới” Ba Má Chấn sướng hơn.

Luyến cười giả lả:

- Hở cái là đòi về. Khổ quá!

- Ở đây hỏng ai thương thì ở làm chi!

- Nói bậy nữa rồi. Sao lại không ai thương. Thôi, lo ăn sáng, thay đồ, mình đi mall xem có gì thích thì mua.

Tuyết dậm chân, thụng môi, làm nũng:

- Ai thương đâu, chỉ coi?

Luyến im lặng, nhìn Tuyết, cười. Tuyết tiếp:

- Chỉ hôn? Hỏng chỉ...hỏng thèm ăn sáng đó.

Trước mặt phụ nữ Luyến chỉ như đứa bé con cho nên Luyến cũng chả chớt, ngọng nghịu:

- Thoi mà..., ai thuông thì biết ròi. Giả bộ woài. Làm hột gà ốp-la ăn, nhen.

Tuyết ngồi bệt xuống thảm:

- Lạnh cẳng thấy mồ. Ðôi dép bỏ quên chỗ bếp, lấy đem lên đây giùm đi.

Từ ngày quen rồi yêu nhau cho đến ngày xa nhau, chưa bao giờ Hồng dám nhờ Luyến những việc như vậy. Và cũng chưa bao giờ Luyến cười hớn hở, cầm đôi dép lên, âu yếm mang vào chân cho Hồng như Luyến đang mang vào chân cho Tuyết.

Tuyết và Luyến đang dùng điểm tâm thì Quốc về. Luyến ngạc nhiên:

- Ủa, sao về sớm vậy, Quốc?

- Dạ, con về lấy quần áo để đi công tác.

Luyến bảo Tuyết vào sắp quần áo vô va-ly cho Quốc. Quốc cản:

- Em  ăn đi. Anh tự lo được mà.

- Anh đi bao lâu mới về?

- Xong công việc thì anh về, khoảng hai hay ba ngày.

- Nhớ coi có gì lạ lạ mua cho em, nhen. Tháng này anh chưa tặng em món quà nào hết đó, nhen.

Nửa đùa nửa thật, Quốc hỏi:

- Sao lúc nào em cũng đòi quà hết vậy? Còn quà em cho anh đâu?

- Em cho anh trọn cuộc đời của em nè, còn gì nữa?

Quốc cười, bẹo má Tuyết.

Trên đường trở lại Tòa Tỉnh, Quốc bị kẹt xe trên xa lộ rất lâu. Quốc gọi vào, thông báo cho cấp trên biết rằng Quốc không thể khởi hành chuyến công tác đúng thời điểm đã dự định. Mấy phút sau, văn phòng gọi lại, cho Quốc biết rằng Quốc có thể dời chuyến công tác vào ngày mai. Và như vậy, văn phòng sẽ dàn xếp, lấy vé máy bay cho Quốc.

Ðến văn phòng, bận công việc, Quốc quên gọi cho Luyến và Tuyết biết về sự thay đổi này.

Chiều, trên đường về, Quốc nghe từ radio một bản nhạc quen mà ngày xưa Hồng thường nghe. Quốc gật gật nhè nhẹ, lắc lắc đôi vai và lòng cảm thấy nhớ Mẹ. Thời gian đầu, Hồng cực lực phản đối cuộc hôn nhân giữa Quốc và Tuyết. Hồng bảo Tuyết chỉ lợi dụng Quốc. Và hôn nhân không có tình yêu không thể nào bền vững được. Quốc cười, Ba Má yêu thương nhau, Lan và con yêu thương nhau, rồi cũng đâu bền vững. Hồng khuyên Lan và Quốc nên kiên nhẫn, chờ đến sau khi Mẹ của Lan mãn phần rồi Quốc và Lan thẳng thắn nói chuyện và giàn xếp gia đình. Nhưng Lan cương quyết ly dị, vì Lan biết được sự liên hệ tình cảm bằng e-mail giữa Quốc và Tuyết.

Ðối với Quốc, Tuyết cũng okay. Nhưng thỉnh thoảng niềm hoài nghi lại lóe lên trong lòng chàng; nhất là sau khi Quốc gặp lại Nam hôm Quốc tham dự ngày họp bạn toàn trường thằng năm.

Nam có khuyết tật, thường bị bạn bè chọc phá. Quốc là người thường bênh vực Nam. Nam hiện làm việc tại tiểu bang Nevada. Gặp lại, hỏi thăm nhau, Quốc mới biết, vì khuyết tật, khó tìm người yêu, Nam về Việt-Nam cưới cô vợ nhà quê. Tính tình và nhân dáng cô vợ rất dễ thương, nhưng Nam không thể tìm được nơi vợ một sự đồng cảm, một sự chia xẻ hoặc một sự hiểu biết nào cả; vì trình độ học vấn giữa hai người quá chênh lệch. Và, gia đình vợ, nay người này bệnh, mai người kia bị tai nạn, vô nhà thương khẩn cấp, mốt người nọ bị giật hụi, không có tiền trả thì phải ở tù, rồi phải dời mộ Ông Bà, đám cưới đứa em, v. v. Nam cho một trăm đô-la thì cô vợ buồn thiu, than “Có chồng là ông kia ông nọ mà cho một trăm, làng xóm cười cho thúi đầu.” Nam chỉ làm đám cưới với một cô gái quê; nhưng nay Nam có cảm tưởng như Nam đã làm đám cưới với...cả làng!

Quốc cũng kể qua loa về tình cảnh gia đình của Quốc. Nam ngạc nhiên: “Con Lan hồi đó nó theo mày lắm mà, cả trường đứa nào cũng biết.” Quốc cười buồn: “Lỗi tại tao.” Khi nghe Quốc bảo đã lấy vợ khác, tên Tuyết, từ Saigon, Nam bắt tay Quốc, cười, chúc lành cho bạn và hỏi về gia cảnh của Tuyết. Nghe qua gia cảnh của Tuyết, Nam ngạc nhiên, hỏi: “Phải con Tuyết cao cao, có nốt ruồi bên vai trái và nó thuê phòng trên lầu của tiệm thuốc tây Tân-Cảnh không?” Quốc cũng ngạc nhiên: “Ðâu phải nó thuê. Nó là con của ông bà chủ tiệm thuốc tây Tân-Cảnh mà. Nhưng tại sao mày biết rành vậy?” Nam ấp úng, không biết phải nói sao, chợt thấy một người Mỹ vừa bước vào, Nam bảo: “Hey, để tao tới hỏi xem thằng khỉ này đi đâu mà mấy lần họp mặt rồi tao không thấy nó. Tao sẽ trở lại.” Nam nói như vậy nhưng sau đó Quốc không thấy Nam đâu cả. Và từ đó Quốc cũng không bao giờ gặp lại Nam để kiểm chứng.

Mãi nghĩ ngợi miên man, Quốc lại quên điện thoại hỏi xem Luyến và Tuyết đã mua thức ăn chưa để chàng mua thêm phần ăn cho chàng. Rồi Quốc nghĩ, thôi, nếu không thì ba bố con đi ăn ngoài một bữa cũng vui.

Nhẹ nhàng mở khóa, Quốc đẩy cửa và chợt giật mình, đứng sựng lại.

Không phải một mình Quốc kinh ngạc đến sửng người mà cả Luyến và Tuyết - đang ngồi trong lòng Luyến, trên xô-pha, và hàng nút áo ở ngực mở toanh ra - cũng đều kinh ngạc, há mồm nhìn Quốc. Phải vài tích tắc sau Quốc mới nói được:

- Trời ơi, Trời! Ba làm cái gì vậy? Nó là vợ của con mà.

Tuyết đứng lên, vừa gài nút áo vừa đi vào trong. Luyến cũng đứng lên, nét mặt tỉnh bơ như Luyến chưa hề thực hiện một hành động tội lỗi nào cả:

- Ba đâu có làm gì đâu.

Lúc này Quốc mới nhớ những lần Cha Mẹ cắn đắn nhau, chàng khuyên Mẹ, Hồng chỉ lắc đầu: “Người nào có sống với Ba con thì người đó mới hiểu được bản tính của Ba con. Không sống với Ba con thì ai cũng nghĩ ông ấy là một người tốt nhất trên hành tin này; mà Ba con tốt thật, tốt với người ngoài chứ không phải tốt với Mẹ con mình. Ba con có biệt tài làm những việc tày Trời rồi chối phăng mà nét mặt của Ba vẫn tỉnh bơ, không thoáng một chút ngượng ngùng.” Quốc uất quá nói lớn:

- Áo của vợ con phạch ngực, Ba ôm vợ của con trong lòng, mà Ba nói Ba không làm gì cả?

- Thì... chỉ chơi, “nựng” vậy thôi chứ tuổi tác cỡ này đâu làm được mấy “chuyện đó” mà lo.

Quốc ngẫng nhìn trần nhà, hai tay dang rộng, dơ cao, như muốn phân trần với Trời Ðất về ý nghĩ quái dị của Luyến. Quốc bước về phía cửa phòng:

- Cô ra đây.

Tuyết vẫn trốn trong nhà tắm. Quốc nạt:

- Cô muốn ra đây nói chuyện với tôi hay là cô muốn tôi gọi cảnh sát để họ tống cô về Việt-Nam?

Tuyết sợ lắm nhưng vẫn chưa dám ra. Luyến vội đến bên Quốc:

- Ðừng. Ðừng, Quốc. Chuyện có gì đâu mà Quốc tống Tuyết về Việt-Nam. Tuyết mà bị tống về Việt-Nam thì ông bà dược sĩ và Tuyết sẽ nhục nhả với xóm làng, làm sao họ sống, Quốc?

- Má nói thật đúng. Lúc nào Ba cũng chỉ muốn làm đẹp lòng người ngoài, còn Má và con, Ba vất đi. Ba chỉ ngại làm người khác buồn lòng, người khác mất mặt, còn cái mặt của con Ba để ở đâu? Thôi, được. Ba bảo con Tuyết lấy hết đồ đạc quần áo của nó rồi nó ra khỏi đây ngay bây giờ.

- Tuyết “cô thân độc mã” ở đây, tiếng Anh không biết, đuổi Tuyết đi rồi Tuyết sống ở đâu?

- Con đã nghi nó từ lâu rồi mà con nói Ba không tin. Bây giờ, một là nó đi, hai là con đi. Cho Ba chọn đó.

Luyến đổi cách xưng hô:

- Vậy là con nhất quyết không lấy Tuyết nữa?

- Con không thể lấy một người như nó làm vợ.

Biết Quốc có tính cương quyết giống như Hồng, Luyến hiểu chàng không thể nào năn nỉ Quốc được, đành im. Quốc nhìn Luyến:

- Sao? Ba chọn đứa nào, Ba nói đi?

- Nghĩa là con nhất định bỏ Tuyết?

- Dạ, con bỏ nó.

Ngần ngừ một lúc, Luyến ấp úng:

- Con bỏ Tuyết thì... cho Ba xin...

Quốc phá lên cười như những lúc Quốc xem phim hài hước mà danh hài diễu hay quá mứt!

Thấy Quốc thay đổi thái độ đột ngột, Luyến có vẻ sợ, đứng nép vào tường.

Quốc cười xong, thong thả đi vào phòng, lấy quần áo và những gì cần thiết, cho vào va-ly. Khi ra đến cửa, Quốc quay lại, lấy chìa khóa chung cư để lên bàn rồi nói với Luyến:

Bây giờ thì con biết, Ba để giành được đồng nào, sau khi Ba chết, đồng đó sẽ thuộc về ai!

 

Tác Giả Điệp Mỹ Linh

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền