19-Tìm Vết Chân Xưa (Truyện Ngắn) Nhà Văn Điệp Mỹ Linh (USA)

Nhà Văn Điệp Mỹ Linh


 Lưu ý ! Quý vị nào có nhu cầu về những quyển sách truyện ngắn và truyện dài của Nhà Văn Điệp Mỹ Linh xin liên hệ trực tiếp qua E.Mail diepmylinh@rocketmail.com thành thật cảm ơn ĐML

 

 

Tìm Vết Chân Xưa

 Trích trong tập truyện ngắn "Tìm Vết Chân Xưa "

 

Còn đang bỡ ngỡ trước khoảng sân có nhiều chậu hoa sứ Thái-Lan, nhiều cây lựu và cây bông điệp, Bảo-Trân thấy một cụ bà từ bên gốc ổi đang chầm chậm bước về hướng bậc cấp..Đôi tay cụ run run, quơ nhè nhẹ trong không gian như muốn tránh bất cứ vật thể nào bất ngờ xuất hiện trên lối đi quen thuộc của cụ. Bảo-Trân vội lên tiếng:

- Cụ ơi, cụ! Cụ có phải là cô Năm không, cụ?

Cụ bà dừng lại, hơi nghễnh một bên tai về hướng Bảo-Trân: “Hả?” Bảo-Trân bước nhanh đến, lập lại câu hỏi. Cụ bà lại ngẫng một bên tai lên, chưa kịp hỏi thêm một tiếng“Hả?” nữa thì một người đàn bà từ trong nhà vừa bước nhanh ra vừa đáp:

- Vâng, cô Năm đó; mà cô là ai vậy?

Lúc này không hiểu nhờ câu xác định của người đàn bà hay không nhưng Bảo-Trân chợt nhận ra khuôn mặt của cụ bà giống hệt khuôn mặt của bà Nội mà ngày trước Bảo-Trân thường thấy trong tấm ảnh trên bàn thờ nơi nhà từ đường. Có khác chăng là trong ảnh bà Nội búi tóc, mặc áo dài gấm, mang hài. Trên cườm tay Nội đầy xuyến vàng. Trên cổ Nội đeo nhiều xâu chuỗi mà mỗi xâu được kết lại bằng từng hạt vàng ròng, hình tròn, nhỏ hơn hạt bắp một tí. Còn cô Năm bây giờ mặc bộ quần áo vải nâu, tóc cạo nhẵn và quanh cổ cũng như cườm tay chỉ có da đùn từng vòng.

Thấy Bảo-Trân cứ chăm chăm nhìn bà Năm chứ chưa trả lời câu hỏi của mình, người đàn bà lại hỏi:

- Cô từ đâu tới? Sao cô biết Má tôi thứ năm?

Bảo-Trân hơi giật mình sau khi người đàn bà xác định sự liên hệ giữa bà và cô Năm. Nhìn người đàn bà một thoáng, Bảo-Trân nhận ra ngay:

- Chị là chị Thoa, phải không? Em là Bảo-Trân, con cậu Dư nè.

Thoa thảng thốt:

- Trời đất! Em Bảo-Trân đó hả?

Bảo-Trân xúc động, chớp mắt nhiều lần, đầu gật gật, vừa tính bước đến ôm choàng lấy Thoa, như thói quen biểu lộ tình cảm của người Tây-Phương và của những người sống lâu bên Âu-Mỹ, nhưng Thoa xoay sang bà Năm, nói thật lớn vào tai bà:

- Con Bảo-Trân, con của cậu Dư.

Bà Năm nhìn Bảo-Trân một giây rồi nước mắt tuôn dài, bờ môi run run. Bà Năm vừa lựng chựng bước về phía Bảo-Trân vừa thốt lên, bằng giọng khàn khàn, một tiếng duy nhất: “Mày!” Bảo-Trân đón nhận đôi tay khẳng khiu của bà Năm rồi ôm chầm lấy vai Bà, tựa một bên má lên đầu Bà. Bảo-Trân cảm nhận được những chân tóc mới nhú của bà Năm đang tạo cảm giác không êm ái chút nào cả trên làn da không còn tươi thắm của nàng. Cảm giác này bỗng trở thành xót xa khi Bảo-Trân nhớ ngày xưa bà Năm là một trong những người cô có vóc dáng cao sang, đài các; vậy mà bây giờ cô “co” lại, thấp đến độ Bảo-Trân có thể tựa đầu lên tóc cô.

Sự khác biệt về chiều cao giữa hai cô cháu khiến Bảo-Trân nhớ đến ý tưởng ngồ ngộ của nàng cách nay hơn bốn mươi năm, lúc bà Năm đến đón gia đình nàng, vừa hồi cư từ vùng giải phóng, tại trại tiếp cư ở Xóm-Mới.

Lúc đó, mỗi khi trả lời cô Năm, bé Bảo-Trân cứ thầm ước được chóng lớn để khỏi phải ngẫng mặt nhìn người đối diện mỗi khi thưa chuyện. Lý do Bảo-Trân phải ngẫng mặt nhìn người đối thoại là vì ông Dư dạy nàng khi nói với người nào phải nhìn thẳng người đó để quan sát và xét đoán; đồng thời cũng để người đó cảm nhận được sự ngay thẳng, lương thiện được bộc lộ trên khuôn mặt và ánh mắt của mình.

Bảo-Trân nhớ rất rõ, lần đó, vừa thấy lại Bảo-Trân sau nhiều năm xa cách, cô Năm thốt lên một tiếng “Mày!” rồi ôm chầm lấy Bảo-Trân, siết nhẹ. Bây giờ, hơn bốn mươi năm sau, cũng chỉ một tiếng “Mày” để tỏ lòng thương yêu của cô đối với đứa cháu gái mà cô thường bảo “giống cha nó như đúc.”

Sau khi được dìu vào nhà và niềm xúc động lắng xuống, bà Năm hỏi:

- Ba Má mày bên đó khỏe không?

- Dạ, cảm ơn Cô, Ba Má con cũng thường.

- Hồi đó tao có hay tin Ba Má mày được đi Mỹ. Nhưng trước khi đi Ba Má mày không có từ giã tao.

Bảo-Trân hiểu lý do nào ông bà Dư không giã biệt bà Năm, nhưng nàng chẳng biết nói sao, chỉ “dạ” thôi. Bà Năm tiếp, cũng với giọng khàn khàn:

- Bây giờ chỉ còn có ba chị em; Bác mày nay đau mai bệnh; Ba mày ở tuốt bên Mỹ, không biết kiếp này chị em có còn gặp nhau được nữa hay không!

Thoa và Bảo-Trân nhìn nhau, không thể trả lời câu tự thán của bà Năm. Bảo-Trân chợt tìm được lý do tốt để chuyển đề tài:

- Thưa Cô, cho con thắp nhang nơi bàn thờ.

Bà Năm đứng lên, vừa lựng chựng bước vào trong vừa bảo “Khoan!” Bây giờ Thoa mới nắm tay Bảo-Trân:

- Hơn ba mươi năm rồi mà em còn nhớ cô Năm và ghé thăm, tội nghiệp em.

Bảo-Trân lặng thinh, nhìn ra sân, ánh mắt dừng lại nơi mấy đóa hoa lựu đỏ tươi dưới ánh nắng dìu dịu của một sáng chớm Đông. Màu đỏ của hoa lựu khiến Bảo-Trân nghĩ đến màu đỏ của hoa phượng. Ngày xưa, trước khi vào Hạ, Bảo-Trân thích kẹp cuốn Lưu Bút Ngày Xanh của bạn rồi leo lên chỗ chán ba của cây phượng trước nhà cô Năm, ngồi suy tư, tìm nguồn ý để viết những câu văn thật bóng bẩy, thật sáo. Nhiều lúc Bảo-Trân đang viết thảo trên tờ giấy nháp, Thoa chạy ra, rủ Bảo-Trân chơi “đá gà”. Vậy là Bảo-Trân xếp Lưu-Bút lại, cùng với Thoa lần ra những nhánh nhỏ, hái hoa búp, rồi tuột xuống đất.

Hai chị em lột vỏ hoa búp, gỡ đài hoa ra. Khi gỡ đến đài hoa lớn nhất, và đặc biệt chỉ có một đài hoa lớn này mới có những đóm trắng điểm trên màu đỏ thẫm, Bảo-Trân thích nhai đài hoa này để cảm nhận vị chát chát, chua chua. Sau đó hai chị em lấy ra chùm tim hoa. Mỗi chùm tim hoa gồm nhiều cọng nhỏ xíu, ngắn, màu đỏ. Mỗi cọng màu đỏ này được nối liền với một phần nho nhỏ hình bầu dục, cũng màu đỏ, phớt tý nhụy vàng.

Trước khi bắt đầu “đá”, Bảo-Trân thường đưa tim hoa lên, nói với Thoa: “Chị coi nè, giống nốt nhạc ghê, phải không, chị?” Cả hai cùng cười và bắt đầu cuộc chơi. Mỗi người nhón nơi đầu ngón tay một tim hoa rồi cả hai mắc hai phần nhỏ hình bầu dục, như nốt nhạc, vào với nhau, giật mạnh. Phần nhỏ hình bầu dục trên tim hoa của người nào rụng trước, người ấy thua. Trò chơi chỉ có như vậy, nhưng Bảo-Trân và Thoa chơi hoài không biết chán.

Đôi khi hai chị em đang chơi, cô Năm gọi Thoa vào, bảo Thoa đem hoa quả đến Khuông Cấp-Cô-Độc để cúng. Thoa đi rồi, cô Năm hỏi Bảo-Trân có muốn nhổ tóc ngứa cho cô không? Úi chao! Cái chi chứ nhổ tóc bạc cho cô Năm, trong khi cô nằm võng đọc sách, Bảo-Trân thích vô cùng, vì cô Năm trả công một đồng cho mười sợi tóc bạc.

Khởi đầu, Bảo-Trân nhổ mười sợi tóc trắng, đưa ra trước, trình cho cô Năm xem đàng hoàng rồi giả vờ liệng đi, nhưng lại len lén để sang một bên. Bảo-Trân mân mê mái tóc óng mượt của cô Năm một lúc rồi lén lấy mấy sợi tóc lúc nãy ra trình lại với cô. Vì ham đọc sách và cũng vì tin tưởng đứa cháu cưng, lúc nào cô Năm cũng “ừ” đại chứ không thèm nhìn. Vì vậy Bảo-Trân cứ tha hồ đếm và số tiền công của Bảo-Trân cứ tăng nhanh, mà bé không phải nhổ thêm sợi tóc nào nữa cả.

Mấy mươi năm qua, ngoài Bảo-Trân, không ai, kể cả cô Năm, biết được sự “gian lận” đó. Mỗi khi nhớ đến sự “gian lận” này, Bảo-Trân thấy thương cô Năm và nuối tiếc những ngày bé thơ với nhiều tội lỗi ngây ngô. Bảo-Trân nhìn ra hàng hiên, nơi cô Năm thường treo chiếc võng được bện bằng giây gai, và nàng chợt nhận ra sự thiếu vắng nào đó trong khoảng sân rộng. Bảo-Trân không đáp lời Thoa mà lại hỏi lạc đề:

- Dường như ngày xưa trước ngõ có cây phượng, phải không, chị ?

- Đúng đó, em. Trước khi “giải phóng” vào, nghe đồn nhà ai rộng sẽ bị trưng dụng làm trụ sở hoặc là để cán bộ sống chung, dượng Năm sợ quá, bán đổ bán tháo mấy căn nhà bên cạnh. Về sau, chủ mới chặt cây phượng để rộng chỗ mở quán ăn. Bây giờ, nhờ có người thân đi lao động bên Đông-Đức và Cu-Ba, họ giàu, dẹp quán ăn, lên nhà lầu

- Khi Ba em viết thư sang, báo tin dượng Năm mất, em không ngờ. Dượng cao lớn, khoẻ mạnh, tại sao Dượng mất sớm vậy, chị ?

- Trong khi con trai và con rể đều bị đi học tập cải tạo thì Dượng bị khánh tận vào đợt nhà nước ra lệnh đánh mại bản lần thứ hai. Dượng chịu không nổi!

Bảo-Trân chưa kịp bộc lộ tình cảm của nàng về cảnh sa sút của gia đình Thoa thì bà Năm vừa bước ra vừa cài hạt nút cuối cùng của chiếc áo cà-sa màu xám tro.

Bảo-Trân đốt nhang. Bà Năm gióng mấy hồi chuông trong khi Bảo-Trân lâm râm khấn vái trước bàn thờ Phật. Lúc Bảo-Trân nhích sang bàn thờ Ông Bà, bà Năm đến ngồi bên Thoa .

Khấn vái xong, Bảo-Trân đứng lặng nhìn bức ảnh quen thuộc của bà Nội được đặt cạnh ảnh ông Nội, người có đôi mắt tinh anh, đôi chân mày quắc thước và vừng trán rộng núp dưới vành khăn đóng màu đen. Sóng mũi của ông Nội cao, thẳng, giống hệt mũi của ông Dư. Ông Nội mặc áo dài the đen, quần trắng, mang giày da bóng loáng. Càng nhìn ảnh ông Nội Bảo-Trân càng thấy ông Dư giống ông Nội rất nhiều; có khác chăng là ông Dư chưa hề mặc áo dài, chưa hề đội khăn đóng. Bảo-Trân lạy tạ Ông Bà rồi đến ngồi cạnh bà Năm và Thoa để nghe thêm một tin buồn về người cô luống tuổi:

- Bảo-Trân à! Cô Năm yếu lắm rồi, em. Cô không nghe và không thấy rõ.

Bảo-Trân lặng lẽ cầm tay bà Năm, thở dài. Khối óc năng động của Bảo-Trân bắt đầu nghĩ ngợi. Bốn mươi năm của một đời người biết bao nhiêu biến động. Nhưng ngồi bên người cô mà ngày xưa Bảo-Trân thường nhõng nhẻo, thường quấy rầy, thường “ăn gian” và phá phách, Bảo-Trân cảm thấy như nàng là một người nào khác; còn đứa cháu ngày xưa của cô Năm dường như đang lởn vởn trong tâm cảm nàng. Bảo-Trân phân vân, không hiểu được đời nàng đã thật sự trải qua khoảng thời gian dài dằng dặc ấy hay không? Nếu không thì cụ bà trước mặt nàng là ai? Và cô Năm ngày trước bây giờ ở đâu? Còn nếu nàng đã sống qua chuỗi thời gian ấy thì nàng đã chia xẻ được tý nào trong muôn vàn nỗi bất hạnh mà người thân của nàng đã từng gánh chịu suốt cuộc chiến và sau cuộc chiến? Bảo-Trân bị mặc cảm dày vò dữ dội .

Sự dày vò này cũng đã nhiều lần dấy lên, xoáy sâu trong hồn Bảo-Trân vào hôm nàng đến kinh tế mới thăm các em sau hai mươi năm xa cách.

Hôm đó Bảo-Trân bàng hoàng đến tái tê khi theo các em vào thăm nhà của từng đứa. Trong đời Bảo-Trân, ngoại trừ thời gian còn là đứa bé con theo cha mẹ tản cư ra “vùng giải phóng” và sống dưới những túp lều tranh mục nát, vách trét bằng đất sét nhào với rạ khô và nền nhà là đất sét nện cứng, chưa bao giờ Bảo-Trân có thể tưởng tượng được gia đình nàng lại phải sống trong những chòi tranh tồi tệ đến như vậy! Nhìn quanh bất cứ nhà nào Bảo-Trân cũng không thấy giường chiếu hoặc bàn ghế mà chỉ thấy vài chiếc ghế đẩu nhỏ, thấp, bằng nhựa và nhiều tờ lịch khổ lớn dán rời rạc lên bờ vách bằng ván được gở ra từ thùng đạn pháo binh của thời V.N.C.H. Bảo-Trân tò mò: “Tại sao nhà người nào cũng đem ảnh mấy cô xẩm dán đầy hết vậy ?” Một tràng cười ồ lên. Bảo-Trân nhìn quanh, ngạc nhiên, không hiểu câu hỏi của nàng có chữ nào mang tính cách hài hước. Phiêu, em kế Bảo-Trân và cũng là người từ chối sang Mỹ theo diện H. O., bước đến, gỡ nhẹ một tờ lịch xuống, để lộ ra một khe hở dài trên vách ván, rồi cười:“Mùa Đông đến rồi, không dán lại, để gió lùa vào tụi em chết cóng hết sao, chị!” Giữa sự nghèo nàn của vùng kinh-tế-mới Bảo-Trân bỗng để ý đến mấy ngôi nhà đồ sộ được xây bằng bê-tông cốt sắt và sơn màu chói chang. Sau khi được giải thích đó là những ngôi nhà của Việt-Kiều, Bảo-Trân thầm nghĩ, không hiểu những Việt-Kiều đó thuộc loại khai man để nhận trợ cấp xã hội của Mỹ rồi đi làm lãnh tiền mặt hay là loại chuyên-viên-dàn-dựng-những-vụ-đụng-xe để đòi bảo hiểm bồi thường. Phiêu lại lên tiếng: “Hồi trước Việt-Kiều có giá, mấy người đó về đây vênh lắm, chị ơi! Sau này người mình mới biết, chỉ một số Việt-Kiều “xịn” thôi; còn toàn là thứ vợ bỏ, quỵt nợ, lường gạt hoặc làm ăn thất bại mới xênh xang khi về xứ. Bây giờ lại có Tây-ba-lô nữa, chị ạ.” Bảo-Trân nhíu mày: “Tây-ba-lô là tây gì?” Phiêu giải thích: “Là mấy thằng Việt-Kiều dỏm, ăn mặc chải chuốt, trong túi không có một đồng, trên lưng đeo cái xắc nhỏ, bên trong đựng vài bộ quần áo, đi hết tỉnh này đến tỉnh khác, đem cái mã Việt-Kiều ra để gạt gái tơ và đồng bào.” Bảo-Trân lắc đầu, không thể hiểu được tại sao lại có những người đủ can đảm làm được những việc như vậy. Riêng Bảo-Trân, từ hôm về quê nhà đến nay, chưa có bữa ăn nào Bảo-Trân cảm thấy ngon miệng và cũng chưa có đêm nào Bảo-Trân ngủ được một giấc an lành, chỉ vì nàng thấy được cảnh sống cùng cực và nghe nhiều thảm cảnh của người thân!Một đứa cháu khoèo tay Bảo-Trân, thố lộ điều khám phá quan trọng của cháu: “Cô Hai! Cô Hai! Mấy nhà Việt-Kiều đó đều có nhà cầu hết đó, cô Hai”. Bảo-Trân cười, trìu mến nhìn đứa cháu trai còm cõi nhưng có nụ cười hóm hỉnh: “Nhà nào lại không có nhà cầu, con.” Cả đàn em và cháu lại cười ồ lên. Bảo-Trân lại ngơ ngác, không hiểu tại sao một câu nói như vậy lại bị mọi người cười. Phiêu lại giải thích: “Ở kinh-tế-mới người ta ‘làm việc đó’ ngoài bụi, ngoài đồng hay trong rừng.” Bảo-Trân giật mình. Hơn bốn mươi năm trước, nơi “vùng giải phóng”, chính Bảo-Trân cũng thực hiện vấn đề vệ sinh cá nhân trong những điều kiện như vậy; có khi còn “đi” ngay trên luống khoai lang hay trong rẫy khoai mì! Rồi “giải phóng” về, cũng chỉ đem theo được ngần ấy điều tốt đẹp thôi sao! Thấy vẻ trầm tư của Bảo-Trân, Phiêu vỗ nhẹ vai nàng: “Hiện nay trên giải đất hình chữ S này mọi người đều chủ trương sống cái đã, vệ sinh và chính trị tính sau.” Bảo-Trân ngầm đồng ý với Phiêu. Mấy hôm nay, bất cứ nơi đâu, kể cả vùng kinh-tế-mới, Bảo-Trân cũng thấy một sức sống, mà Bảo-Trân chưa thể xác nhận được là sức sống lành mạnh hay là sức sống bệnh hoạn, đang vươn lên khắp mọi nẻo đường, dưới hình thức quán ăn, quán bia ôm, quán cà-phê, giải khát. Điều Bảo-Trân chưa thể quen mắt được là tại sao trong giờ làm việc của những ngày trong tuần mà hàng quán nào cũng đông nghẹt người!

Ngoài hiện tượng ăn nhậu suốt ngày của người mình, Bảo-Trân còn thắc mắc một điều nữa là tại sao trời vừa lập Đông, mát mẻ thế này mà ai cũng mặc áo lạnh. Tệ hơn nữa, nhiều bà còn mặc áo lông, loại mua ở K-Mart, Wal-Mart hoặc Target bên Mỹ, mang bao tay bằng len; nhiều ông đạp xe đạp hoặc chạy xe gắn máy mà một tay cứ khư khư ép cái điện thoại cầm tay vào tai và đầu đội luôn cái nón nỉ rất dày, có hai mảnh để che tai. Bảo-Trân nhận ra kiểu nón này dành cho những người sống ở vùng Bắc Mỹ.

Trong khi Bảo-Trân nhìn những người đội nón vùng Bắc Mỹ và mấy bà mặc áo lông bằng ánh nhìn khó hiểu thì những người này cũng xoi bói nhìn Bảo-Trân như thầm hỏi: Dân ở đâu tới mà trời này lại mặc áo T-shirt ngắn tay, đi ngơ ngơ, không biết lạnh?

Như nhận được “thông điệp” từ những người chung quanh, Bảo-Trân nhìn y phục mình và thấy quả thật nàng không giống ai giữa thành phố này. Bất giác tim Bảo-Trân se lại. Từ hôm qua đến nay, lang thang trên những con đường đã đổi tên, Bảo-Trân cảm nhận được sự lạc lõng của nàng giữa lòng quê Nội thân yêu! Những ngôi nhà nhiều tầng đã xóa đi tất cả nét xinh xắn, hiền hòa, nhưng lại không che dấu được sự nghèo nàn của người dân và cũng không làm mờ được sự chênh lệch quá kịch cỡm trong cuộc sống nơi một thành phố được phát triển không có mô thức.

Khi đến thăm trường cũ, Bảo-Trân xúc động, bùi ngùi. Nhìn từ xa ngôi trường không khác xưa, chỉ bẩn đi nhiều. Nhưng khi đến gần, ngẩng lên nhìn cổng trường, bản Trường Trung-học Võ-Tánh đã được thay bằng Trường Cơ-sở Lý-Tự-Trọng, Bảo-Trân cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ và nước mắt làm hoen đôi kính cận.

Ngày xưa, mỗi chiều, giờ ra chơi, Bảo-Trân và Nguyên, cô bạn gái duy nhất cùng lớp B4 với Bảo-Trân, thường đứng tựa lan can nhìn xuống sân trường. Thời đó, làm thân con gái mà có người yêu là bị đàm tiếu, bị kết tội thiếu đoan trang, mất nết, hư thân. Vì vậy Bảo-Trân phải nói dối mọi người rằng Hoan, người yêu của nàng, là cậu của nàng. Do đó, khi thấy Hoan lượn Vespa chầm chậm, ngẩng mặt nhìn lên lầu, Bảo-Trân biết Hoan tìm nàng; nhưng Nguyên không biết cho nên hất khuỷu tay Bảo-Trân: “Ê, Bảo-Trân, cậu nhà ngươi kia kìa”. Bảo-Trân cười thầm, không biết phải đáp như thế nào. Nguyên tiếp: “Ối giời, cậu nhà ngươi mết con bé nào mà lượn kỹ thế?” Bảo-Trân cứ tủm tỉm cười, mắt dõi theo dáng Hoan.

Nhớ đến đây Bảo-Trân chợt giật mình, dường như từ ngày yêu nhau cho đến nay Bảo-Trân chỉ biết dõi theo và mong đợi Hoan chứ chưa bao giờ nàng được sống với Hoan trọn vẹn một tuần! Bây giờ, trước ngôi trường cũ và kỷ niệm xưa, Bảo-Trân lại trở về trạng thái cô đơn, lạc lõng giống như hôm chiếc xe thuê đưa nàng ngang trường Luật-Khoa Saigon!

Hôm ấy, nhìn suốt con đường Duy-Tân thẳng tắp, niềm ước mơ duy nhất trong lòng Bảo-Trân là được thấy lại Hoan, sau nhiều ngày biền biệt với lửa đạn, dừng xe lại, mở cửa xe, đón nàng về. Ngày xưa, cứ mỗi lần Hoan đến đón, Bảo-Trân nghe không biết bao nhiêu tiếng còi xe gắn máy của các bạn chọc phá nàng. Và hôm sau thế nào mấy cô bạn cũng hỏi Bảo-Trân về “người cậu phong sương” của nàng. Nếu bây giờ bạn bè hỏi về “người cậu phong sương” ấy, chắc chắn Bảo-Trân sẽ kể cho các bạn nghe một chuyện tình buồn. Nhưng hiện tại, quanh nàng không còn ai nữa; có còn chăng là niềm tiếc nhớ đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng!

Khối tình cảm này cũng đã chổi dậy và dày vò Bảo-Trân dữ dội lúc nàng đến thăm ngôi nhà cũ, ngay sau khi rời trường Luật.

Với nét mặt đăm chiêu, Bảo-Trân đứng trước ngôi nhà cũ để chú tài xế bấm hộ mấy tấm ảnh kỷ niệm. Bỗng Bảo-Trân cảm thấy khó chịu như bị ai nhìn lén từ phía sau. Quay mặt nhìn nhanh vào nhà, Bảo-Trân thấy, sau khung cửa lá sách ở lầu hai, một cặp mắt đang nhìn xuống. Bảo-Trân hốt hoảng thu máy ảnh và thúc chú tài xế lên xe. Chú tài xế chưa kịp cho máy nổ Bảo-Trân đã thấy nhiều người kéo đến, âm thanh rù rì: “Bà Trưởng về.”Một người đàn bà ló mặt vào cửa sổ xe: “Cô Hai! Mấy em có về không, cô Hai?” Nhận ra giọng người giúp việc cũ, Bảo-Trân ngạc nhiên: “Dung, phải không?” Người đàn bà quẹt nước mắt: “Dạ, em, cô Hai.” Bảo-Trân lấy ít tiền, dúi vào tay Dung: “Cô phải đi ngay. Người ta nhìn cô từ trên lầu kìa. Cho cô gửi lời thăm mọi người.” Dung bật khóc: “Trời ơi! Sao thảm vầy, cô? Nhà cửa của cô, cô không ở được, nay cô về thăm lại phải lén lút như kẻ trộm!” Chú tài xế chen vào: “Sao cái nhà đẹp vậy mà họ không sơn phết gì hết, để dơ dáy quá!” Dung đáp: “Đáng lẽ họ sơn mấy lần rồi đó; nhưng vì nghe tin nhà nước sắp trả lại nhà cho Việt-Kiều nên họ nói sơn chi cho mất công. Kỳ này về cô tính lấy nhà lại, phải không, cô Hai?” Bảo-Trân lắc đầu, kín đáo dục chú tài xế: “Đi!” Chiếc xe du lịch đã chạy xa nhưng Bảo-Trân vẫn cố ngoái lại nhìn lên lầu ba. Khoảng sân thượng là nơi mẹ con nàng thường nhìn về phía xa, mong ngóng tin Hoan vào những ngày cuối tháng Tư năm 75.

Tháng Tư năm 1975, bên cạnh có các con nhưng sao Bảo-Trân vẫn thấy bơ vơ trống vắng lạ lùng. Bây giờ, một mình trở lại trường Võ-Tánh, tình cảm Bảo-Trân lại cũng rơi vào trạng thái xưa!

Như muốn xoa dịu niềm ray rức, Bảo-Trân đón chiếc xích-lô, nhưng chưa biết phải đi đâu. Khi bác xích-lô đạp xe đến Ngã Sáu, Bảo-Trân mới nảy ra ý định lên Phú-Vinh thăm thầy Lê-Văn-Đào, giáo sư Anh văn, và cũng là bạn thân của ông Dư.

Chiếc xích-lô vừa qua khỏi ga xe lửa một đoạn ngắn, Bảo-Trân đã chóa ngợp trước hai dãy nhà lầu dọc theo quốc lộ Một. Ngày trước, mỗi lần cùng các bạn đạp xe đạp hoặc đi xe lam lên chùa Hải-Đức, Chợ-Mới hoặc Thành, Bảo-Trân có thể thấy, bên trái quốc lộ, đường xe lửa chạy song song với đường nhựa, chỉ cách nhau một trủng sâu đầy bèo và rau muống, dài từ Mã-Vòng đến Chợ-Mới; và bên phải là đầm sen với hàng dừa lã bóng. Ẩn sau hàng dừa là trường tiểu học Bồ-Đề, rồi trường trung học Bồ-Đề và chùa Phật-Học. Bây giờ đầm sen đã bị lấp, trường Bồ-Đề đã bị khuất, chỉ còn chùa Phật-Học ló dạng trên mấy tầng cấp cao. Hai hàng khuynh diệp trước chùa Phật-học vẫn còn, nhưng hai hàng cây muồn dọc quốc lộ Một không còn nữa.

Sự thiếu vắng hai hàng cây muồn khiến Bảo-Trân tiếc ngẩn tiếc ngơ như tiếc nỗi rộn ràng của một đứa bé gái trên chuyến xe lửa trở về quê Nội sau bao nhiêu năm dài theo gia đình tản cư!

Ngày đó, xe lửa vừa qua khỏi vườn dừa ở Chợ-Mới, ông Dư đã chỉ cho Bảo-Trân khoảng không gian êm ả bên trái con tàu: “Tới Nhatrang rồi đó, con. Đây là Mã-Vòng. Qua khỏi Mã-Vòng là nhà ga.” Bà Dư tiếp lời chồng: “Hồi con mới biết đi, Ba Má đem con từ Dalat về thăm Nội. Khi xe lửa vừa vào ga, máy bay Nhật ào đến thả bom. Nhà ga sập, không biết bao nhiêu là người chết!” Giọng ông bà Dư đượm chút bùi ngùi, nhưng vì còn nhỏ, Bảo-Trân không nhận biết được nên lòng bé chỉ thấy xôn xao vui thích khi nhìn những đóa hoa vàng nở rộ trên hai hàng cây muồn khẳng khiu.

Phải hơn bốn mươi năm sau, nhân chuyến từ bên kia địa cầu trở về quê Nội, Bảo-Trân mới hiểu được tại sao ngày đó, trên chuyến xe lửa từ Ninh-Hòa vô Nhatrang, và suốt những ngày sống trong trại tạm cư ở Xóm-Mới, lúc nào gương mặt ông bà Dư cũng buồn buồn và giọng nói thường đượm nhiều xót xa . Đến khi ông Dư đưa gia đình trở về Dalat, gặp lại ông bà Ngoại, Bảo-Trân mới nhận biết niềm u buồn cùng nỗi xót xa phai dần trong mắt và trong giọng nói của ông bà Dư.

Bây giờ nhớ lại chuỗi ngày mới hồi cư từ “vùng giải phóng”, lòng Bảo-Trân cũng nặng chĩu xót xa. Chiếc xích-lô thong thả qua khỏi Mã-Vòng. Bảo-Trân đinh ninh sẽ thấy lại vườn dừa sai trái chỗ khúc quanh; nhưng không. Vườn dừa bị đẩy lùi vào trong xa. Quốc lộ Một “nở” rộng ra như con sông vào mùa nước lũ, cuốn theo hai hàng cây bàng, cây sao và những kiến trúc xa xưa của hai dãy nhà dọc theo con lộ chính ở Phú-Vinh.

Nhìn ngôi nhà thầy Lê bị đập sập hết một phần ba, Bảo-Trân phân vân, không biết đúng nhà hay không. Giữa lúc đó, từ phía nhà sau, một người đàn ông đứng tuổi bước ra sân, khom xuống sắp mớ rui mè lại cho ngay ngắn. Nhận ra thầy Lê, nhờ vầng trán rộng và cao của thầy, Bảo-Trân bước nhanh đến:

- Dạ, thưa thầy.

Quá bất ngờ, thầy Lê đứng thẳng lên, nhìn Bảo-Trân không chớp mắt. Bảo-Trân cười, tiếp:

- Thầy không nhận ra con sao?

Thầy Lê đưa ngón tay trỏ gõ gõ lên trán:

- Nhận ra chứ, nhưng không nhớ tên. Con “thằng” Dư, phải không?

Ngày xưa, mỗi khi thầy Lê đến nhà thăm ông Dư, Bảo-Trân bưng nước mời và gọi thầy Lê bằng Bác. Bây giờ nghe thầy Lê nhắc đến ông Dư một cách trìu mến, Bảo-Trân trở lại cách xưng hô trong gia đình:

- Dạ, Bác vẫn còn nhớ Ba con. Con tên là Bảo-Trân.

- Đúng rồi. Vô đây, con.

Suốt cuộc viếng thăm, thầy Lê và Bảo-Trân nhắc lại những ngày gia đình ông Dư mới hồi cư, đến những người cháu của thầy ngày xưa cùng học với Bảo-Trân, cùng những người bạn của thầy và của ông Dư mà Bảo-Trân biết như chú Gia (nguyên đại tá Q.L.V.N.C.H.), thầy Như và thầy Dưỡng. Thầy Dưỡng đã chết trong trại tù Nghĩa-Phú. Giọng Bảo-Trân bùi ngùi:

- Con có đi ngang nhà thầy Dưỡng, trên đường Hoàng-Tử-Cảnh.

Thầy Lê cười buồn:

- Nay đổi là đường Hoàng-Văn-Thụ.

- Dạ. Từ hôm con về đến nay con cảm thấy hoàn toàn xa lạ và lạc lõng ngay chính trên phần đất mà con đã lớn lên. Vì vậy con mới cảm thông được tâm trạng của nhân vật George Webber trong cuốn truyện You Can't Go Home Again của Thomas Wolfe.

- Bác không muốn con mang tâm trạng của George; bởi vì cuối cùng George quay lưng lại với mảnh đất xưa. Còn con, bác mong con trở về, vì đây chính là nhà. Con nhớ không? Ba con, sau bao nhiêu năm lưu lạc, vẫn tìm về nhà; bây giờ lẽ nào con chỉ tìm thấy những điều tốt đẹp trên mảnh đất tạm dung?

- Nhưng thưa Bác, sự trở về của Ba con ngày đó và của con ngày nay hoàn toàn không mang cùng ý niệm.

- Bác hiểu con muốn đề cập đến điều chi rồi, Bảo-Trân ạ! Con đã tiêm nhiễm ít nhiều triết lý Phật-Giáo, con nghĩ “họ” có thoát khỏi lẽ vô thường hay không?

Nếu tin vào quả báo thì tại sao sự ác cứ chập chùng vung vãi mãi trên mảnh đất tội nghiệp này? Nếu lẽ vô thường ứng đúng với mọi loài thì tại sao, suốt nửa thế kỷ qua, khối dân tộc này vẫn triền miên trong khốn khó? Không biết bao nhiêu lần Bảo-Trân tự hỏi mình những câu hỏi tương tự. Bây giờ bị thầy Lê đặt câu hỏi trực tiếp, Bảo-Trân hoang mang. Thầy Lê tiếp:

- Bác nghĩ rằng không. Tất cả rồi sẽ bị đào thải, chỉ còn mảnh đất này, dân tộc này và vùng trời này là vĩnh cửu.

- Con cũng nghĩ như vậy cho nên con buộc các cháu bên ấy nói tiếng Việt, ăn cơm Việt và thành hôn với người Việt.

Thầy Lê chưa kịp khen cô học trò cũ thì cô Lê bước vào với cái giỏ bằng ny-lông đựng rau cải. Thầy Lê hất mặt về phía cô:

- Em biết ai đây không?

Xoay sang Bảo-Trân, thầy Lê tiếp:

- Cô mới đi chợ về.

Vượt quá sự dự đoán của Bảo-Trân và thầy Lê, cô Lê nhận ra Bảo-Trân ngay. Sau khi chào hỏi, cô Lê vừa đi xuống bếp cất thức ăn vừa than:

- Xin lỗi Bảo-Trân nghe. Nhà cửa dơ dáy, bề bộn quá, vì nhà nước ra lệnh phải đập phía trước để họ mở đường.

Bảo-Trân nhìn thầy Lê:

- Họ có bồi thường cho dân không, thưa Bác?

- Có, mà không bao nhiêu.

Quen lối suy luận bên Mỹ, Bảo-Trân tròn mắt:

- Nếu không bao nhiêu tại sao dân đồng ý?

- Không đồng ý cũng không được, con ạ. Bác nói thật, chỉ có “ho” mới dám làm như vậy chứ chính phủ mình đời nào dám.

Hai bác cháu cùng cười và đi theo cô Lê ra nhà sau. Ngang mái hiên gần cái giếng, Bảo-Trân thấy một bảng đen nhỏ treo trên vách. Trên bảng đen, nét phấn trắng nổi bật: Such is life. Chỉ ba chữ vô nghĩa ấy thôi nhưng sao Bảo-Trân cảm thấy bồi hồi như cụm từ ấy biết tỉ tê! Phải một lúc sau Bảo-Trân mới nhớ ra rằng, dạo nàng học đệ ngũ, thầy Lê dạy theo cuốn Cinquième Bleu; trong ấy có một bài học về các loài chim. Thầy Lê dịch chim Nightingale là chim Minh-Nguyệt. Sau khi giới thiệu về các loài chim, tác giả diễn tả cảnh chim mẹ mớm mồi nuôi con và tập cho chim con bay. Cuối bài, tác giả kết luận: Những con chim non rồi sẽ vỗ cánh bay xa, vì đời là thế. Such is life.

Ngày đó, khi đọc đến đoạn này, Bảo-Trân buồn vô cùng và thường tự hỏi không biết lũ chim non, sau khi vỗ cánh bay xa, có nhớ tổ mà bay về hay không? Giờ đây, hơn ba mươi năm sau, Bảo-Trân cũng chưa biết loài chim non có bay về tổ cũ hay không. Và nếu có trở về tổ xưa, loài chim sẽ nghĩ gì và cảm nhận được gì?

Riêng Bảo-Trân, từ hôm trở về quê Nội đến nay, trong muôn vàn kỷ niệm của tuổi thơ, không thể nào Bảo-Trân không nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa Dũng, một sinh viên Quân-Y, và nàng, tại cửa hàng của gia đình Dũng. Sau lần gặp gỡ bất ngờ đó, vào những ngày Tết hoặc Hè, Dũng thường đến nhà nghe Bảo-Trân đàn. Dũng cũng gửi cho nàng những lá thư hết sức thiết tha nhưng Bảo-Trân giả vờ như không biết, vì trong lòng nàng đã có hình bóng của Hoan.

Một buổi chiều, đang cùng mấy cô em của Dũng tung tăng trên bãi cát, sát mí nước, Bảo-Trân chợt nghe tiếng Dũng: “Lớn rồi, đừng nghịch nữa.” Bảo-Trân vội dừng chân. Mấy cô em của Dũng lẻn đi mất. Dũng đến gần, hỏi: “Tại sao đi biển mà lại xách guốc để chân bị ướt hết vậy?” Bảo-Trân bẽn lẽn: “Dạ, tại vì Bảo-Trân thích nhìn sóng xóa dấu chân mình.” Dũng hỏi: “Thế có bao giờ Bảo-Trân muốn tìm lại vết chân của mình không?” Bảo-Trân chưa kịp đáp thì một lượn sóng tràn vào. Tính nghịch ngợm nổi lên, Bảo-Trân bước nhanh vào vùng cát phẳng phiu mà sóng vừa trườn mình qua. Nhìn lượn sóng từ từ lùi khỏi bờ cát, xóa tan vết chân của Bảo-Trân, Dũng cười: “Bây giờ thì thích nhìn sóng xóa dấu chân mình; nhưng một ngày nào đó em sẽ muốn tìm lại vết chân xưa đó, Bảo-Trân ạ.”

Ngày đó, câu nói mang nhiều ý nghĩa của Dũng không gây được tý ấn tượng nào trong lòng cô bé mới lớn, vừa biết yêu lần đầu. Nhưng bây giờ, sau không biết bao nhiêu lần nếm mùi vị đắng cay của mối tình đầu bồng bột, Bảo-Trân nghĩ về câu nói của Dũng với tất cả xót xa, ngậm ngùi!

 

 

Tác Giả Điệp Mỹ Linh

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền