23-Dưới Bóng Cổ Thụ (Truyện Ngắn) Nữ Nhà Văn Điệp Mỹ Linh (USA)

Nữ Nhà Văn Điệp Mỹ Linh

 

Lưu ý ! Quý vị nào có nhu cầu về những quyển sách truyện ngắn và truyện dài của Nhà Văn Điệp Mỹ Linh xin liên hệ trực tiếp qua E.Mail diepmylinh@rocketmail.com thành thật cảm ơn ĐML

 

 

Trích trong tập truyện ngắn "Tìm Vết Chân Xưa "

 

 

 

 

Dưới Bóng Cổ Thụ

 

Từ khách sạn bước ra, Ninh, hướng dẫn viên du lịch, phát ngôn bằng Anh ngữ:

- Xin quý vị vui lòng đợi thêm giây lát.

Không ai đáp lời Ninh. Ninh trở lại khách sạn. Nhìn theo Ninh, Bảo-Trân mới để ý đến một hàng bán bánh cuốn ngay trên lề đường, cách khách sạn một căn nhà ngói, mái đã chùng xuống thật thấp. Phía bên kia khách sạn là một tiệm ăn lụp xụp. Bên trong chỉ vài chiếc bàn gỗ cũ kỹ và mấy cái ghế đẩu bằng nhựa, thấp lè tè. Vì trước tiệm không có bảng hiệu, Bảo-Trân không biết tiệm ấy bán những gì. Bất ngờ, từ trong tiệm, một người đàn bà đứng tuổi, mình khoác chiếc áo len màu nâu sậm, đầu chít khăn mỏ quạ, bưng một xô nước đổ tạt ra lề đường rồi quày quả đi vào. Sau khi nước chảy xuống lề đường, Bảo-Trân thấy mấy cọng phở vụn nằm chơ hơ trên vỉa hè. Lúc này Bảo-Trân mới thấy, dọc lề đường, lẫn với rác rến, là một dòng nước đen ngòm, trông có vẻ sền sệt.

Người đàn bà lúc nãy trở ra, tay cầm cái chổi nhỏ, hơi khom người, quét nhè nhẹ trong dòng nước sền sệt. Từ nãy giờ dòng nước đọng nên không bốc mùi. Bây giờ, trong khi người đàn bà quét, lùa rác đến ranh giới giữa tiệm phở và mini khách sạn thì những người trên xe kín đáo bịt mũi và miệng để tránh bớt mùi hôi do dòng nước bẩn bị khuấy động, bốc lên. Vài người ngoại quốc đề nghị anh tài xế đóng cửa xe lại, mở máy lạnh; nhưng anh không hiểu nên chỉ cười. Bảo-Trân muốn phiên dịch giùm, nhưng ngại, nên thôi.

Ninh trở ra với nhóm nhỏ người ngoại quốc. Chủ khách sạn bước theo, nói với Ninh những câu khôi hài có tính cách nịnh bợ. Bất ngờ chủ khách sạn nhìn về hướng tiệm phở, giọng hách dịch:

- Này! Ðã bảo mãi mà tại sao sáng nào cũng quét rác tấp sang đây, hả?

Người đàn bà đứng tuổi cũng không vừa:

- Bảo ai mà bảo mãi? Rác trước nhà tôi, tôi quét, anh làm gì được tôi nào?

Dựa vào chức vụ của ông bố, chủ khách sạn nói hơi lớn, với mục dích cho Ninh và mấy người trong tiệm phở cùng nghe:

- Làm gì hay không rồi sẽ biết. Chua ngoa thế đấy mà hễ thấy ông cụ tôi đến là miệng lưỡi dẽo queo, bẩm thượng tá này, bẩm thượng tá nọ.

Nói xong chủ khách sạn quay sang Ninh, cười hềnh hệch. Giọng lanh lảnh của người đàn bà đáp lời chủ khách sạn vang lên, Bảo-Trân chưa kịp nghe thì đã thấy một người đàn bà khác nơi hàng bún chả, sát vách với tiệm phở, cũng đang lum khum quét trong dòng nước tanh hôi. Bảo-Trân nhìn sang bên kia đường, cũng thấy cảnh quét lề đường diễn ra trước mỗi hàng ăn. Lúc này Bảo-Trân mới hiểu xuất xứ của những khóm rác nho nhỏ bên tất cả mọi lề đường ở Hà-Nội.

Xe chạy trên những con đường bẩn và hẹp của một Hà-Nội đang hồi sinh. Xe qua phố Hàng-Da, đến phố Hàng-Ðào qua Bác-Sứ, v. v... Lúc này Bảo-Trân mới nghiệm ra rằng “phố” không có nghĩa là một khu vực nhỏ, như Saigon có Thủ-Thiêm, Chợ-Lớn, Bà-Quẹo, v. v... mà ở đây, “phố” chỉ là một con đường. Dọc theo hè phố, số lượng quán cốc và hàng ăn tương đương với những khóm rác nhỏ trong dòng nước tanh hôi.

Nhìn vẻ xô bồ nhưng không nhộn nhịp của Hà-Nội vào một sáng trời trong và mát, Bảo-Trân cảm thấy dễ chịu hơn là không khí ngột ngạt và tiếng động cơ cùng mùi dầu cặn thoát ra từ “rừng” xe gắn máy ở Saigon. Tại Hà-Nội, thỉnh thoảng, trong từng đoàn xe đạp tiếp nối nhau, Bảo-Trân mới thấy vài chiếc xe gắn máy. Ðàn bà ở đây cũng đi xe gắn máy và xe đạp; nhưng rất ít bà mang bao tay quá khuỷu tay như đàn bà Saigon. Ngoài sự khác biệt đó, Bảo-Trân còn thấy như thiếu vắng một cái gì. A, phải rồi, thiếu bóng dáng của những người ăn xin và cũng không có thương phế binh đi khất thực trước mỗi hàng ăn hoặc quanh khu vực thương mại. Thay vào hình ảnh khốn khổ ấy là từng nhóm trẻ em tung tăng đến trường. Nhiều em còn mặc quần Jeans, áo loại baggy rộng thùng thình, hai tay áo dài lòng thòng. Sau lưng mỗi em là một cái ba-lô nhỏ, bằng ny-lông màu, loại bán tại K-Mart, Target hoặc Walmart. Nếu không có vô số xe đạp, xe xích lô, xe gắn máy và những khóm rác dọc theo dòng nước đọng, có lẽ Bảo-Trân tưởng nàng đang nhìn mấy em học sinh Á-Ðông tại Hoa-Kỳ.

Sau khi lòn lách qua không biết bao nhiêu là xe đạp và xe gắn máy, cuối cùng chiếc xe buýt cũng ra đến được ngoại ô Hà-Nội. Theo đà dằn xóc của chiếc xe, bụi đất bắt đầu bốc lên cuồn cuộn, nhưng vẫn không làm mờ được những tấm bảng hiệu sặc sỡ của mấy quán thịt chó. Vài quán còn viết rành rẽ quán-cầy-tơ chứ không cần phải nói lái như người trong Nam.

Xe chạy dọc theo bờ đê mà, ở những đoạn bờ đê thấp hoặc bị vỡ, Bảo-Trân nhìn vào, không thấy nước trong lòng sông, chỉ thấy cây bắp và vài loại rau cải. Bảo-Trân khoèo vai Ninh, hỏi nhỏ:

- Ðây là sông gì, Ninh?

- Dạ, đây là sông Hồng.

Thốt nhiên Bảo-Trân cảm thấy xúc động một cách nhẹ nhàng. Thì ra dòng sông đã gieo cảm hứng cho không biết bao nhiêu nghệ sĩ di cư là dòng sông này! Bảo-Trân chỉ ra bờ đê:

- Tại sao người ta lại trồng hoa màu trong lòng sông, nhỡ nước lên thì sao? 

- Dạ, ở đây đất hiếm và dân nghèo lắm. Họ trồng theo mùa. Họ phải tính làm sao khi vừa thu hoặch hoa màu xong thì đúng vào mùa nước lớn.

- Nếu vậy, sang năm, đến khi nước ròng, làm sao họ biết được khu vực nào thuộc về họ?

- Dạ, họ cắm sào, đánh dấu cả đấy.

Bảo-Trân im lặng, cảm thương cho cảnh nghèo của những người đã một thời được tuyên truyền để tin tưởng rằng sau khi “giải phóng” được miền Nam, cuộc sống sẽ khá hơn, vì xã hội sẽ không còn giai cấp nữa!

Xe qua một “ổ gà” lớn bằng cái nia. Hầu như mọi người trong xe đều bị hất mạnh lên rồi bị rơi lại ngay lòng ghế. Ninh vịn thành ghế cho thân người bớt chao đảo rồi nhìn Bảo-Trân, cười. Bảo-Trân hỏi:

- Nếu cô muốn đi xem năm cửa ô thì phải đi tours nào, Ninh?

- Dạ, đâu còn gì nữa mà xem, cô.

- Tại sao? Cô nghĩ đó là di tích lịch sử mà.

- Dạ, chỉ còn ô Quang-Chưởng thôi; còn mấy ô khác đều bị đập phá để xây cao ốc.

Bảo-Trân im lặng, cảm thấy bất bình, nhưng không biết vì cái gì và vì ai!

Ðến một đoạn đường rất hẹp, chỉ vừa cho hai chiếc xe nhỏ tránh nhau, xe phải dừng lại, vì phía trước, cả một đoàn xe không di động. Ninh xuống xe, bước về phía trước. Một lúc sau Ninh trở lại, cho biết những xe nhỏ có thể vòng vào làng, đi đường tắt, đường chính bị hư hại nặng, không xử dụng được.

Xe chạy rất chậm trên con đường làng bằng đất. Bụi tung mịt mù. Khi xe chạy ngang ngôi chợ nhỏ đầy ruồi và rác, bụi cũng vẫn quây kín lấy xe, Bảo-Trân thấy những hàng thức ăn hay hàng bán thịt được người bán vội vàng cầm chiếc nón quạt thật nhanh như muốn bảo vệ tý thực phẩm bớt phần ô nhiễm. Chiếc xe len lỏi trên con đường quanh co, giữa những mái tranh thấp lè tè. Trẻ em đứng trên thềm nhà bằng đất, vừa chỉ chỏ ra xe vừa reo cười. Trước sân và bên hè của mỗi căn nhà, Bảo-Trân thấy những luống rau èo uột. Cải tần ô và cải bẹ xanh có cây đang trổ ngồng, có cây khoe những cành hoa nhỏ tý, màu vàng nhạt. Vài bé gái bồng em, đứng bên mấy luống rau, cũng vừa chỉ theo chiếc xe vừa trầm trồ.

Hình ảnh mấy em bé gái rụt rè bên mấy luống rau cải bất chợt gợi nơi lòng Bảo-Trân những ngày xa xăm nơi làng Sơn-Tịnh; chỉ khác một điều, mấy em bé này trầm trồ khi thấy chiếc xe hơi, còn ngày xưa bé Bảo-Trân lại lấy làm lạ khi thấy con bò và chiếc xe bò!

Xe qua khỏi ngôi làng, sắp vào đường chính. Bảo-Trân thấy vài người đàn bà, trong khi lui cui bên ao rau muống hoặc bên vườn khoai môn, khoai mì, khoai lang, đều đeo con trước ngực hoặc sau lưng bằng tấm vải cũ. Bảo-Trân thở dài. Cuối thế kỷ hai mươi rồi mà thân phận người phụ nữ Việt-Nam vẫn cứ mãi như vậy sao!

Dọc con đường chỉ còn trơ đá và đất bủn, thỉnh thoảng Bảo-Trân thấy từng đụn đá, loại dùng để làm đường, nằm chơ vơ bên lề đường. Bảo-Trân hơi chồm lên ghế trước, khẽ hỏi:

- Ninh ơi! Ðá đổ ven đường mà tại sao đường không được sửa ?

- Cô nhìn vào nhà dân mà xem. Nhà nào cũng lấy đá vào làm sân, làm nền nhà nên đá không đủ để làm đường.

- Ăn cắp của công không bị rắc rối à?

- Rắc rối gì, cô. Người ăn cắp là dân địa phương. Công an cũng dân địa phương, chỉ một chầu nhậu là xong tuốt.

Bảo-Trân cười thầm. Người mình ở đâu cũng vậy cả.

Xe vào một ngôi làng cạnh con sông nhỏ rồi dừng lại bên bờ sông. Bờ sông là hai bờ đê cao, che khuất cả những thuở ruộng dọc hai bên dòng sông. Bờ bên phải là một khách sạn nhiều tầng, do công đoàn quản lý. Bờ bên trái là mini khách sạn của tư nhân. Sau khi mọi người rời xe, Ninh dõng dạc, bằng Anh ngữ:

- Thưa quý bà, quý ông, đây là Bến-Ðục, cũng được gọi là Bến-Xuồng-Sắt. Xin mời quý vị đến bờ sông, cứ ba người ngồi một xuồng.

Thấy mỗi chiếc xuồng nhỏ xíu - Bảo-Trân thích gọi là thuyền cho có vẻ nên thơ - được hàn lại bằng ba mảnh sắt và do một em bé gái trạc mười bảy, mười tám tuổi ngồi cạnh mái chèo, nhiều du khách ngoại quốc nhìn nhau, dáng e ngại. Nhưng khi nhìn dòng sông cạn dày đặc cỏ tóc tiên, mọi người có vẻ bớt lo, lẳng lặng bước xuống. Vài chiếc thuyền đủ khách, bắt đầu rời bến. Bất ngờ Bảo-Trân nghe tiếng Ninh từ bờ sông:

- Cô ơi, cô! Cô làm ơn nói cho người này biết cô là người Việt đi.

Trước khi xuống thuyền, Bảo-Trân thấy tấm bảng ghi giá vé dành cho mỗi du khách ngoại quốc, hoặc người Việt từ nước ngoài về, là bảy mươi lăm ngàn và giá cho mỗi người Việt trong nước là mười lăm ngàn. Biết Ninh khai gian, nhưng mặc, Bảo-Trân vẫy tay:

- Tôi là người Việt đây.

Bảo-Trân không nghe được gì nữa, vì chiếc thuyền chở nàng đã rời bến được một đoạn khá xa. Hai thanh niên ngoại quốc ngồi cùng thuyền với Bảo-Trân nhìn nàng, mỉm cười. Bảo-Trân cũng mỉm cười, nói “Hi.”

Lúc này Bảo-Trân mới để ý, phía sau thuyền, ngoài cô lái đò còn có một bé trai khoảng hơn mười tuổi, gương mặt rất kháu khỉnh. Bảo-Trân gợi chuyện với bé trai:

- Này, em. Em tên chi?

- Dạ, cháu tên Nuận.

- Nuận cũng đi chùa Hương à?

- Dạ, cháu tên Nuận ạ.

- Vâng, thì cô gọi em là Nuận mà.

Cậu bé cười ngặc ngoẽo:

- Dạ không phải Nuận. Tên cháu nà Nuận như ný nuận đấy.

- Ô, cô xin lỗi. Tên em là Luận, đúng không?

- Dạ, đúng ạ.

Luận chỉ vào bình ny-lông nhỏ, tiếp:

- Thưa cô, cháu đi chùa Hương; nhưng không phải đi để ngoạn cảnh mà đi để bán mấy thứ này này. Cô mua hộ cháu một lon, nhá.

- Ðể tý nữa cô mua. Bây giờ cô chưa khát.

- Cô nhớ mua của cháu chứ đừng mua của mấy đứa kia, nhá.

Vừa nói Luận vừa khoát tay về mấy chiếc thuyền chung quanh. Nhìn theo tay Luận Bảo-Trân mới thấy hầu như trên mỗi chiếc thuyền đều có một cậu bé bán nước giải khát.

Tiếng mấy cậu bé dưới thuyền gọi vọng lên và mấy cô cậu bé đang chạy dọc bờ đê đáp lại nghe như mơ hồ, như lạc lõng trong không gian đậm đặc hơi nước. Theo từng gợn sóng nhẹ, do mái chèo khuấy nước tạo nên, hình ảnh mấy cô cậu bé đang chạy trên bờ đê phản chiếu trên mặt nước, trở nên lung linh, chập chờn trong màu xanh biếc của cỏ tóc tiên.

Xa xa, vài chiếc thuyền nan trôi chầm chậm. Trên mỗi chiếc thuyền, Bảo-Trân thấy hai bé gái, một cô giữ mái chèo, cô kia dùng cặp cây dài khuấy vào lòng nước, lâu lâu vớt lên một mớ thực vật màu xanh. Bảo-Trân chỉ mấy chiếc thuyền ấy, hỏi Luận:

- Luận à! Mấy cô ấy đang làm gì vậy, em?

- Dạ, họ vớt tóc tiên về cho heo ăn.

Thấy Luận nói năng lễ phép, Bảo-Trân làm thân:

- Luận có đi học không?

- Dạ, hồi lâu rồi cháu có đi học. Bây giờ thì không.

- Tại sao vậy? Luận ở nhà buôn bán, phụ giúp bố mẹ, phải không?

Cô lái đò cười thành tiếng, chen vào câu chuyện:

- Thằng ấy mà phụ ai, cô. Nó phá như quỷ đấy.

Biết cô gái đùa, Bảo-Trân cười, nhìn cô:

- Còn em? Cỡ tuổi em có lẽ em đang học trung học, phải không?

Cô gái có vẻ ngường ngượng, buồn buồn:

- Ở đây làm gì có trường trung học mà học, cô.

- Nếu có, em có được học tiếp không?

- Dạ, chắc không đâu, cô. Hồi đó bố mẹ em làm nghề nông; rồi bố em tham gia đánh Mỹ kíu nước. Sau đó bố em phục viên, trở lại nghề nông; mà nghề nông làm sao gia đình đông anh em sống nổi, nên em phải đi làm giúp bố mẹ.

Bảo-Trân nhìn sang Luận:

- Còn Luận thì sao?

- Dạ, dạo trước cháu học lớp năm. Nhưng trường ốc mục nát, không ai sửa chữa. Cách nay mấy tháng trường sập, đè chết mấy đứa học sinh nên bố mẹ cháu và bố mẹ mấy đứa đó - Luận chỉ nhóm trẻ em trên bờ đê và mấy cậu bé trên mấy chiếc thuyền chung quanh - sợ, bắt chúng cháu ở nhà.

- Nếu vậy, khi nào trường sửa xong Luận đi học lại chứ?

- Dạ thôi. Bố mẹ cháu bảo học cho lắm như mấy anh chị ở Hà-Nội rồi cũng chả làm nên trò trống gì; học thêm vài năm nữa ích lợi gì đâu.

Trong khi Bảo-Trân thầm xót xa cho mấy em bé dễ thương này thì Luận và cô lái đò lại không tỏ ra một chút tiếc nuối nào cho sự đứt đoạn học vấn cả. Bảo-Trân nhìn Luận:

- Em bán như thế này mỗi ngày em lời được bao nhiêu, Luận?

- Dạ, khoảng mười, mười mấy nghìn, tùy theo thời tiết.

Bảo-Trân quay sang cô lái đò:

- Còn em, mỗi ngày em được trả bao nhiêu?

- Dạ, sáng, em chèo vào trong ấy, ở đấy chờ; chiều em chèo ra. Mỗi ngày em được trả mười nghìn.

Một tích tắc tính nhẩm, Bảo-Trân biết mười nghìn tiền Việt chỉ tương đương khoảng mười xu (cents) tiền Mỹ. Bảo-Trân đâm ra hoài nghi, không nghĩ rằng nàng đã nghe đúng nên nhìn cô lái đò:

- Mười ngàn tiền Việt-Nam, phải không, em?

- Ối giời! Chúng em chỉ biết tiền mình thôi chứ làm sao biết được tiền nước khác, cô.

Trong khi Bảo-Trân hơi ngượng cho sự vô ý của nàng thì cô lái đò cho chiếc thuyền chuyển hướng thật nhanh rồi tấp vào bờ. Bảo-Trân ngạc nhiên khi thấy những thuyền khác cũng tấp vào và nhiều du khách đang rời thuyền. Bảo-Trân chưa kịp hỏi, Luận đã cầm tay nàng:

- Chờ hai thằng Tây này xuống rồi mình đi, cô.

Nhìn nơi thuyền cập bến, chỉ thấy vài cây cổ thụ và một ngôi chùa nhỏ, Bảo-Trân thất vọng:

- Trời ơi! Chùa Hương đây sao!

Luận và cô lái đò đều cười. Luận nhảy lên bờ, đưa tay cho Bảo-Trân vịn rồi đáp:

- Dạ không. Ðây là đền Chình.

Bảo-Trân tỏ vẻ không hiểu, Luận tiếp:

- Trước khi vào Chùa Hương, mình phải ghé đây... chình.

Lúc này Bảo-Trân mới hiểu đây là đền Trình. Ði vòng quanh đền, thấy hai thanh niên lúc nãy ngồi cùng thuyền, Bảo-Trân mỉm cười. Một anh hỏi bằng Anh ngữ:

- Xin lỗi, bà nói tiếng Anh được không?

Bảo-Trân gật đầu “Yes”. Thanh niên ấy tiếp:

- Tôi cần một tý nước để uống thuốc. Bà làm ơn hỏi hộ xem quanh đây có ai bán nước giải khát không?

Bảo-Trân chỉ ngay vào thùng ny-lông của Luận. Sau khi bán được hai lon Cokes cho hai thanh niên ngoại quốc với giá đắt gấp mấy lần bán cho người cùng xứ, Luận vui lắm, nắm tay Bảo-Trân: “Ði, cô”. Bảo-Trân bảo:

- Ở đây nhiều bóng mát, ngồi nghỉ một tý đi, Luận. À, hai anh chàng ngồi cùng thuyền đâu phải người Pháp, sao em gọi họ là Tây?

- Dạ, ở đây ai cũng gọi bọn da trắng tóc màu là Tây cả.

Bảo-Trân cười, nhìn quanh cánh đồng loáng thoáng màu mạ non. Bảo-Trân không thấy một cánh chim, một mái nhà hay một loại cây ăn trái nào cả. Ngay như loài thú thân cận nhất với nhà nông là trâu bò mà Bảo-Trân cũng không thấy. Quanh đây, tất cả đều mang một vẻ u tịch như một cơ thể, sau thời gian dài hôn mê, đang chậm chạp có những phản ứng vô thức. Bảo-Trân cảm thấy lòng nàng mềm đi cho chút tình cảm vấn vương chỗi dậy. Chút tình cảm này so ra cũng đâu khác gì tấm lòng nàng đã dành cho làng Sơn-Tịnh và cho vùng kinh- tế-mới xa xôi, nơi đàn em của nàng nương náu hơn hai mươi năm dài!

Rời đền Trình, dòng sông, được mang tên là Suối-Yến, không còn bị gò bó giữa hai bờ đê nữa mà lại lan ra, lan ra mãi đến tận hai sườn núi đá. Dọc theo chân núi đá, hướng tay phải, thỉnh thoảng Bảo-Trân mới thấy vài căn nhà tranh lẻ loi trên những vuông đất hẹp. Nơi những thuở đất hiếm hoi ấy, đôi khi Bảo-Trân cũng thấy vài ngôi mộ được xây bằng xi-măng, nằm sát mí nước, cạnh vườn khoai môn và cách căn chòi tranh chỉ vài thước. Cô lái đò giới thiệu về quê hương của cô:

- Cô ạ, bên phải của dòng sông là đền Ngũ-Nhạc và hang Sơn-Thủy Hữu-Tình; bên trái là Thanh-Sơn Hương-Ðài với tượng Tôn-Ngộ-Không và hai chim đại bàng bằng đá. Tiếc rằng từ đây cô không thể thấy được.

Bảo-Trân không thể thấy được những cảnh sắc thiên nhiên bất động; nhưng, về hướng trái, khoảng cách khá xa, Bảo-Trân lại thấy lác đác từng thân người nhỏ nhắn, đầu đội nón lá, đang lom khom trong dòng nước cạn, cạnh những bờ đất hay vườn khoai môn. Vùng sông này khoảng tháng Ba nước mới rút; lúc ấy nhà nông mới có thể trồng lúa được. Bây giờ họ chỉ chăm sóc vườn khoai môn. Trong khoảng không gian ngập nước giữa những vườn khoai môn, thỉng thoảng Bảo-Trân thấy vài chiếc thuyền nan di động chậm chạp. Trên thuyền, một người đứng, hai tay cầm một cây sào nhỏ, dí dí vào dòng nước. Luận giải thích rằng người ta dùng dòng điện nhẹ để bắt cá. Mỗi ngày, nếu may mắn, một người có thể bắt khoảng vài mươi con cá; con lớn nhất bằng ba ngón tay ghép lại.

Cô lái đò vẫn đều tay chèo. Chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước loáng thoáng màu xanh của rong rêu và cỏ tóc tiên, giữa sự vây bọc của hai triền núi mang hình tượng những chú voi già. Trong khung cảnh yên bình, tươi mát này, Bảo-Trân cảm thấy lòng nàng lắng xuống cùng với sự tĩnh lặng của vạn vật chung quanh.

Ðang đắm hồn cùng với thiên nhiên, Bảo-Trân bỗng cảm biết chiếc thuyền dường như trôi nhanh hơn và tiếng mái chèo khuấy nước nghe mạnh và rõ hơn. Nhìn ra sau Bảo-Trân bắt gặp Luận đang chèo nhanh, bằng cả hai mái chèo hai bên thuyền. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của Bảo-Trân, cô lái đò cười:

- Chúng nó đua đấy, cô.

Nhìn quanh mấy thuyền khác, Bảo-Trân cũng thấy mấy cậu bé đã dành lấy tay chèo và đang ra sức chèo. Không biết vào những ngày Hội khoảng sông này vui như thế nào; nhưng bây giờ, nhìn hơn hai mươi chiếc thuyền đua nhau trên dòng sông vắng lặng, lòng Bảo-Trân cũng thấy vui vui. Chỉ một lúc sau, Bảo-Trân thấy xa thật xa, màu ngói đỏ của mái chùa Sư-Nữ nổi bật giữa màu xanh thẫm của một hốc núi im lìm.

Tất cả thuyền đều ủi bãi ngay trước hai quán cốc. Mọi người bắt đầu cuộc leo núi để đến Chùa Hương. Bảo-Trân lặng lẽ theo Luận, bước trên đoạn đường khúc khuỷu, được lát bằng những phiến đá không cùng màu, không đồng dạng. Thời gian và bước chân người vô tình đẽo gọt những góc cạnh của đá, chỉ để lại những diện tích nhẵn thín.

Con đường lát đá cứ theo triền núi lên cao dần, cao dần. Từ triền núi nhìn xuống Bảo-Trân chỉ thấy màu đá thẫm chen chúc trong màu xanh biếc của cây rừng. Nhìn sang triền núi đối diện, Bảo-Trân thấy một ngôi chùa nhỏ nằm cheo leo. Tiếng người gọi nhau từ bên ấy vọng sang hòa với tiếng chim lạc đàn nghe xa vắng, nao nao, buồn buồn.

Theo từng bước chân, độ cao tăng dần, tăng dần cùng với hơi thở nặng nhọc thoát ra từ lồng ngực của Bảo-Trân. Hơi mát thoát ra từ lòng núi không đủ làm khô những giọt mồ hôi dưới lằn áo T-shirt. Ðến một lúc, độ cao làm cho Bảo-Trân cảm thấy khó chịu, buồn nôn. Ðang cố cưỡng lại cảm giác ngầy ngật, tự dưng Bảo-Trân nôn nao nhớ đến những chuyến vượt đèo thăm nuôi Hoan, chồng nàng, khi Hoan bị chuyển lên Lạng-Sơn.

Những lần đó, từ trên cao nhìn xuống thung lũng, thấy đoàn người đang chặt nứa hoặc cưa cây, Bảo-Trân chưa kịp nghĩ đến những người tù đang bị đày ải kia thì độ cao đã làm cho nàng chóng mặt, buồn nôn. Cảm giác này cứ kéo dài mãi cho đến khi Bảo-Trân thấy nhân dáng tàn tạ của Hoan từ từ bước về hướng nhà thăm nuôi. Bây giờ, giữa khung cảnh này và phản ứng bất lợi của cơ thể, Bảo-Trân bỗng nhớ thương Hoan và trong lòng nàng dường như không còn chút trách cứ nào về những tệ bạc, phũ phàng mà ngày trước Hoan đã dành cho nàng!

Ðang bị tình cảm chi phối, Bảo-Trân bỗng giật mình vì tiếng Ninh từ một mỏm đá cao:

- Ráng lên, cô. Sắp đến rồi .

Bảo-Trân ngẩng lên nhìn Ninh, cười. Ninh nhảy qua mấy phiến đá thấp, đến cạnh Bảo-Trân, cũng vừa lúc hai thanh niên ngoại quốc ngồi cùng thuyền với Bảo-Trân trờ tới. Một anh vỗ vai Ninh, chỉ xuống thung lũng dưới xa:

- Nhìn kìa. Họ đang làm gì vậy?

Nhìn theo ngón tay trỏ của thanh niên ngoại quốc, Bảo-Trân điều tiết mắt thật kỹ mới thấy được vài người đội nón lá đang lui cui bên khoảnh đất hẹp. Ninh chưa kịp đáp lời thanh niên ngoại quốc, Bảo-Trân đã hỏi, bằng Anh ngữ, để tỏ ra không thiếu phép lích sự đối với hai thanh ngoại quốc:

- Có phải đó là những người tù cải tạo không, Ninh?

Ninh cười, lắc đầu, đáp bằng Anh ngữ:

- Không. Ðó là những người từ ngoài làng vào đào khoai mì.

Bảo-Trân ngạc nhiên:

- Từ ngoài làng vào đây trồng khoai mì? Nhưng đây là núi đá, đâu có đất.

- Tuy là núi đá nhưng dưới xa có vài chỗ có cát chứ ngoài làng làm gì còn đất mà trồng, cô. Ở đây người ta gọi khoai mì là cây cứu đói. Với khoảnh đất tý tẹo ấy mà họ khai thác mỗi năm được hai mùa đó, cô.

- Mỗi mùa họ bán được khoảng bao nhiêu tiền?

- Tùy theo diện tích canh tác của mỗi người. Trung bình họ kiếm khoảng trên mười nghìn một mùa.

Bảo-Trân tròn mắt:

- Lợi nhuận rẻ hơn giá vé người Việt trong nước đi thuyền từ Bến-Ðục vào Chùa Hương; vậy mà họ phải leo qua bao nhiêu núi non rồi xuống vực sâu để trồng trọt; mấy tháng sau lại phải qua những đoạn đường ấy để đào khoai lên, đem đi bán! Trời!...

Nhờ cả hai đối đáp bằng Anh ngữ, hai thanh niên ngoại quốc hiểu được nên nhìn Bảo-Trân, lắc đầu ra vẻ thán phục sự chịu đựng bền bỉ của người dân miền này trong điều kiện địa lý quá khắc nghiệt. Ninh bước đi, đưa tay ra sau ngoắc ngoắc:

- Ði. Sắp đến rồi. Chỉ qua một cái dốc nữa thôi.

Nghe bảo sắp đến, Bảo-Trân hăng hái nắm tay Luận, bước nhanh. Vượt qua nhiều dãy bậc cấp liên tiếp, Bảo-Trân thở một hơi dài khi dừng trước cổng Chùa Hương. Nhìn lại đoạn đường đã đi qua, Bảo-Trân chỉ thấy từng dãy núi chập chùng trong vùng không gian bát ngát, lặng lẽ và yên bình. Nơi thung lũng dưới xa, màu xanh thẫm của cây rừng đã trở nên nhạt dần nhờ ánh sáng dìu dịu của một sáng chớm Ðông. Nhìn vào cổng chùa, Bảo-Trân hơi khựng lại vì chiều sâu, bóng tối và độ ẩm.

Bảo-Trân vịn vai Luận, bước từng bước theo những bậc cấp tối om để xuống vực sâu, tìm đến sự kỳ bí của thiên nhiên. Nhìn ngược lên cổng chùa Bảo-Trân mới nhận biết được rằng cổng chùa được xây trên đỉnh núi cao. Càng xuống sâu bóng tối càng dày và độ ẩm càng tăng. Ðộ ẩm tạo nên một màn sương mỏng phủ lên đôi kính cận khiến mọi vật đều trở nên nhạt nhòa trước mắt Bảo-Trân. Bảo-Trân lấy kính ra lau kỹ, nhưng khi vừa mang vào thì màn sương mỏng lại xuất hiện.

Tuy chỉ thấy lờ mờ nhưng khi được Luận đưa đến bên Hòn-Sữa-Mẹ, Bảo-Trân cũng nhận ra được dòng nước long lanh đang tươm ra từ khối thạch nhũ có hình dáng như phần cuối cùng nơi nhũ hoa của người đàn bà. Từ đây Bảo-Trân nghe tiếng Ninh dẫn giải cho du khách hòa với lời niệm kinh trầm trầm.

Bảo-Trân theo Luận bước xuống mấy bậc cấp thoai thoải để vào sâu trong động. Nơi đây cảnh sắc thâm u. Ngoại trừ những đóm nhang lập lòe trước mỗi bàn thờ, Bảo-Trân không thấy một ánh đèn nào cả, chỉ có màu xám của khói hương chờn vờn. Mùi trầm hương thơm ngát. Nhưng vì bị ứ đọng trong một diện tích nhỏ nhắn và độ ẩm cao, mùi thơm ấy đã tạo nên phản ứng bất lợi cho căn bệnh dị ứng của Bảo-Trân.

Dù bị bệnh dị ứng hành hạ, khi ngồi nghỉ mệt nơi bậc cấp ngoài cửa động, dưới gốc đa già, lòng Bảo-Trân cũng lắng xuống trong vùng không gian êm ả đến độ có thể nghe được tiếng chim chuyền cành. Ngày xưa, khi đến đây, không hiểu Nguyễn-Nhược-Pháp nghĩ gì mà để lại cho đời những dòng thơ trác tuyệt. Nhưng ngày nay, trước sự u tịch đến huyền nhiệm của thiên nhiên, ý nghĩ từ giã cõi phàm để tìm về Ðạo-Pháp lại chỗi dậy trong lòng Bảo-Trân.

Giữa lúc tình cảm đang dằn vặt, Bảo-Trân chợt thấy một cụ bà mặc bộ bà ba trắng, từ trong động chậm chạp bước ra. Màu tóc của cụ giống như màu khói hương. Vừa đi cụ vừa đưa tay áo chậm vào mắt. Bảo-Trân tưởng cụ bị dị ứng như nàng. Nhưng khi cụ đến gần Bảo-Trân mới biết rằng cụ khóc. Cụ không than van bằng lời nhưng nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rơi, cụ chậm hoài không hết. Luận kín đáo thì thầm với Bảo-Trân:

- Cô ạ! Cô thấy bà cụ kia không?

Bảo-Trân gật đầu. Luận tiếp:

-Tội nghiệp cụ ấy lắm, cô ơi. Cụ già thế mà cứ rằm, mồng một hoặc các ngày vía lớn là cụ đi Chùa Hương viếng bài vị của người con trai.

- Tội vậy à! Cô mới đi một lần mà cô muốn... chết rồi, làm sao cụ đi hoài, hay vậy?

- Tình thương mà, cô. Khi lòng cô thương ai, cô làm hết mọi thứ trên đời cho người ấy.

Bảo-Trân thoáng giật mình, không ngờ Luận có ý nghĩ sắc bén đến như vậy. Bảo-Trân hỏi, không phải vì tò mò mà chỉ với mục đích kéo dài câu chuyện cho qua khoảng thời gian chờ đợi Ninh cùng nhóm du khách còn viếng cảnh trong động.

- Tại sao người con của cụ chết, Luận biết không?

- Thảm lắm cô ơi! Ở đây ai cũng biết cả, vì bác ấy cùng đơn vị với bố của cô lái đò.

- Vậy chắc ông ấy chết trong Nam, đúng không?

- Cái chết của bác ấy thảm thiết quá, làm cho cả đơn vị mất tinh thần.

Bảo-Trân đâm ra tò mò, nhìn Luận như chờ đợi. Như ngại ai nghe được, Luận nghiêng người gần Bảo-Trân:

- Tổ của bác ấy gồm ba người. Người ta xích tổ của bác ấy ở trên cây để bắn hạ máy bay Ngụy. Hai người kia đều bị máy bay bắn, chết nhanh chóng. Bác ấy bị thương, tuột khỏi thân cây, nhưng một chân vẫn bị xích vào cành cây. Cô thử tưởng tượng, ba thân người bị treo ngược mà một người còn sống, cứ gào thét, van xin, nhưng cả đơn vị quanh đấy không ai làm gì được thì thử hỏi lòng dạ nào chịu cho nổi!

Nghe đến đây, Bảo-Trân gục mặt vào lòng bàn tay:

- Thôi, đừng kể nữa, Luận.

Phản ứng của Bảo-Trân bây giờ chẳng khác chi lúc nàng hay tin Kính, bạn học của nàng, chết ở Lai-Khê. Kính bị đối phương bắt sống. Họ không bắn cho Kính chết nhanh chóng, vì Kính là sĩ quan Nhảy-Dù, một binh chủng thường gây rất nhiều khó khăn cho họ trong các cuộc tiến quân. Họ trói gô Kính vào thân cây, rồi họ dùng cây nứa vót nhọn, thong thả đâm từng nhát vào thân người của Kính. Anh “tà lọt” của Kính bị thương, nằm gần đó nhưng không thể làm gì và cũng không dám làm gì, chỉ biết trân mình giả chết để khỏi bị đối phương bắn bồi và cũng để tiếng kêu la thảm thiết của Kính không làm tê liệt khối óc và trái tim của anh ta.

Qua cơn xúc động, Bảo-Trân ngẩng lên và thấy Luận đang ngồi cạnh cụ bà, cách Bảo-Trân vài viên gạch rong rêu. Cụ bà vẫn lặng lẽ chậm nước mắt bằng ống tay áo. Cử chỉ của cụ tại sao Bảo-Trân lại cảm thấy quen quen. Ô, phải rồi, dạo Phiêu, em kế của Bảo-Trân, mất tích ở Ðức-Lập, mỗi chiều, sau khi thắp nhang nơi bàn Phật và phóng sanh vài chú chim non, bà Dư, mẹ của Bảo-Trân và Phiêu, thường ngồi trước hiên nhà, lơ đãng nhìn những chuyến xe đò vùn vụt chạy ngang. Vừa vén tay áo chậm nước mắt bà Dư vừa thầm mong một chiếc xe đò ngừng lại và đứa con trai thân yêu của bà sẽ bước xuống.

Hình ảnh rũ rượi của bà Dư lúc nào cũng đậm nét trong tâm cảm Bảo-Trân. Bây giờ, trước một hình ảnh tương tự, Bảo-Trân có thiện cảm ngay với hình ảnh đó. Bảo-Trân tính lên tiếng làm quen nhưng cụ bà và Luận đều đã đứng lên. Luận xoay sang Bảo-Trân:

- Cô trông hộ cháu cái bình nhựa, nhá. Cháu dìu cụ lên đến cổng rồi cháu trở lại.

Bảo-Trân muốn đi theo, nhưng không hiểu tại sao nàng lại không đứng lên, chỉ ngồi yên, gật đầu. Nhìn dáng cụ bà thất thểu đi bên Luận tự dưng Bảo-Trân cảm nghe rưng rức trong lòng. Hình ảnh ấy đâu khác chi hình ảnh Mẹ của Kính, vào những dịp đứa em của Kính đưa bà đi thăm mộ Kính. Những lần đó, theo hai hàng nước mắt đầm đìa, bà tưởng như bà có thể nghe rõ âm điệu bản Tiếng Xưa của Dương-Thiệu-Tước; vì đó là bản “ruột” của Kính mỗi khi Kính trình tấu hạ-uy-cầm.

Bảo-Trân không hiểu, lúc sinh thời, người con trai của cụ bà có tài hoa như Kính hay không; nhưng điều Bảo-Trân vừa nhận biết là Bảo-Trân đã sai lầm trong suốt bao nhiêu năm qua khi nghĩ rằng tất cả người dân miền Bắc đều hiếu chiến, đều có trái tim thiếu hẳn tình người. Giờ đây, nghe câu chuyện của người đàn ông “sinh Bắc tử Nam” và thấy những giọt nước mắt trên gương mặt già nua của cụ bà, lòng Bảo-Trân chùng xuống ở độ thấp nhất; vì đây là lần đầu tiên Bảo-Trân cảm nhận được nỗi đau của những bà Mẹ miền Bắc.

Những giọt nước mắt của bà Mẹ miền Bắc có khác chi những giọt nước mắt của những bà Mẹ miền Nam Việt-Nam và của những bà Mẹ khác chủng tộc, thường đến Hoa-Thịnh-Ðốn để thẫn thờ trước Ðài-Tưởng-Niệm chiến binh Hoa-Kỳ tử trận tại Việt-Nam! Bảo-Trân thầm nghĩ, tủi nhục nào rồi cũng phôi phai; hận thù nào rồi cũng lắng dịu; lỗi lầm nào cũng bị lãng quên; chiến thắng nào rồi cũng tàn lụn; chỉ có nỗi đau thương của những người Mẹ mất con trong cuộc chiến thì lúc nào cũng âm ỉ gậm nhắm những trái tim héo mòn!

 

 

Tác Giả Điệp Mỹ Linh

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền