52-Đổi Ngược (Truyện Ngắn) Thủy Điền (GER)

 

 

THỦY ĐIỀN

 

 

ADĐDCHL

 

 Đổi ngược

 

   Những tiếng lộp độp trên mái nhà, những dòng nước chảy từ máng xối ào ạt vào hồ, trận mưa rào vào buổi chiều tháng bảy. Quang và Linh đang ngồi ăn bữa cơm chiều, vừa ăn, vừa nhìn ra ngoài ngõ. Linh cứ than thở .Tất cả đều là tại mình cả.

   Sau vài năm. Đất nước hòa bình Quang đưa vợ con từ Sài gòn về quê nhà sinh sống, chàng ngỡ rằng về quê bám lấy thửa ruộng, miếng vườn của cha mẹ để lại cuộc sống sẽ an nhàn và khấm khá hơn so với những năm làm công nơi thị thành xa lạ. Ai ngờ! Về quê gần hai năm nay, cuộc sống càng ngày càng bị lụn bại và cơ cực hơn nhiều. Nhiều lúc Quang muốn quây lại Sài gòn, nhưng quá trễ. Sài gòn bây giờ không dễ như xưa, muốn ra khỏi thì dễ, muốn vào thì khó lắm. Hơn nữa tiền túi của Quang đã cạn sạch cả rồi.

    Ngoài đường thiên hạ khe khẽ nhau chuyện người bị bắt, chuyện người đi lọt, chuyện người vượt biên, tiếng to, tiếng nhỏ dần hồi trở thành quen thuộc. Quang nhiều đêm suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, chàng moi trong trí và tìm cách vượt biên, có như thế mới hầu thoát khỏi cảnh u tối nầy.

   Nhân dịp cùng vài ba người thân lên Tỉnh dự đám cưới đứa cháu gái, Quang gặp một người chị họ. Họ cũng có ý định như Quang. Lời qua, tiếng lại hai người đã thuận ý, người có của, kẻ giúp công. Quang về bàn với Linh và hai vợ chồng nhất trí.

    Vài hôm sau, chàng trở lại Tỉnh và tiến hành công việc. Một đêm u tối chiếc tàu của Quang và những người đồng hành đã âm thầm vượt ra biển khơi, hai ngày, hai đêm là Quang đã đến Indonesia một cách an toàn như giấc mộng. Chàng thở phào và cảm ơn trời đất, vì chàng vừa thoát khỏi cảnh nghèo nàn, vất vả.

    Ở Đảo gần một năm, gia đình Quang được chính phủ Đức đón nhận trên tinh thần nhân đạo. Một ngày cuối tháng mười một 1981 gia đình Quang đã có mặt tại Frankfurt - Đức rồi lần lượt đưa từ các trại tỵ nạn nầy, đến trại tỵ nạn khác và cuối cùng gia đình Quang được định cư chính thức tại một thành phố lớn của Tiểu bang Niedersachsen. Sau chín tháng học tiếng Đức Quang xin vào một Xí nghiệp chế biến Thực phẩm và làm việc cho đến hôm nay.Vợ Quang ngoài việc chăm sóc gia đình, nàng cũng làm thêm vài công việc phụ, để phụ đấp thêm phần kinh tế gia đình.

   Sau mười năm làm việc, hai người đã dành dụm được số tiền Quang và Linh có ý định trở về Việt nam thăm gia đình một chuyến, vì hiện tại các con đã lớn cả. Chúng có thể tự lo cho mình trong vòng một tháng mà không cần đến mẹ cha.

     Mùa Hè năm 1991 hai người trở lại Việt nam.Về đến ngõ quê Quang nửa vui, nửa buồn.Vui vì được gặp lại tất cả người thân, buồn vì quê mình còn nghèo quá, nghèo đến nỗi các cháu muốn đến trường mà cha mẹ không có tiền mua sách vở và quần áo mặc. Kinh tế gia đình thì thiếu thốn mọi bề, cửa nhà thì rụi dần theo thời gian không cách nào sửa chữa được.

   Một tháng về thăm quê trong chớp mắt. Quang trở lại Đức, chàng suy nghĩ đến những đứa cháu đang lớn, không tương lai. Những suy nghĩ cứ dằn vặt trong tâm trí hết ngày nầy, sang ngày khác.Cuối cùng chàng quyết định bỏ một ít tiền nhờ người về cưới hộ đứa cháu gái của mình vừa tròn hai mươi tuổi. Trước tiên là giúp đỡ gia đình được rảnh tay và tương lai của cháu mai sau. May ra, đời cháu sau nầy sẽ được xán lạn hơn. Chàng vừa đi làm, vừa hỏi quanh bạn bè đây đó cuối cùng cũng có người ưng thuận. Chàng mừng quá, về bàn với vợ và Linh cũng thuận lòng.

   Gần một năm rưởi vừa làm giấy tờ, vừa chờ đợi. Đứa cháu gái của Quang đã được đến Đức với diện đoàn tụ vợ chồng.Tiền bạc sòng phẳng như đã giao kèo. Đúng ba năm sau. Đứa cháu của Quang ly dị chồng và về sống chung với gia đình Quang. Quang xem cháu từ lúc qua Đức cho đến nay như con ruột trong gia đình, hai bên chưa một lời to tiếng. Cuộc sống gia đình Quang vẫn bình thường như xưa nay, chỉ có điều là tăng thêm hộ khẩu. Còn cháu gái bây giờ đã xin vào được một hãng làm bánh kẹo, lương bổng không cao lắm, nhưng một mình cháu sống rất dễ chịu và hàng tháng còn gởi ít tiền và quà cáp về gia đình giúp cha mẹ, anh em. Thấy cháu làm được chuyện Quang mừng ra mặt vì chàng đã cứu sinh được những con người khốn khổ.

   Kể từ năm 2000 trở về sau, gia đình Quang và cháu gái thường hay trở về Việt nam thăm quê. Càng về nhiều lần nhìn thấy cảnh xã hội càng ngày càng phát triển cộng với năm tháng sống nơi phương trời Âu lạnh lẽo, tâm trí Quang dần dà hướng về cố quốc. Mỗi lần về, rồi lại ra Quang thường hay bàn bạc với Linh, các con lớn cả, có gia đình hết rồi thôi mình dành dụm ít tiền, thu góp hành trang trở về Việt nam sống trong những ngày còn lại. Thoạt đầu Linh không đồng ý, chống cự quyết liệt. Nhưng chàng cứ thỏ thẻ hết ngày nầy, sang ngày khác và cuối cùng Linh đành phải xuôi lòng.

   Năm 2007 chàng trở lại Việt nam và quyết định mua miếng đất đối diện nhà cô em gái và dự định ít năm nữa sẽ về và cất một căn nhà ở luôn. Vì hiện tại Quang đã sáu mươi mốt tuổi chỉ còn hai năm nữa là chính phủ Đức sẽ cho Quang về hưu theo luật định hiện hành.

   Đúng sáu mươi ba tuổi, Quang cầm trong tay tờ giấy báo hưu trí, Quang mừng quá và bảo vợ chuẩn bị lên đường, tất cả những gì còn lại bên Đức Quang bàn giao hết cho đứa cháu gái của mình. Về Việt nam Quang cất một ngôi nhà thật lớn, tiện nghi đầy đủ như ở phương Tây không thiếu món gì, ngày ngày chỉ

biết ngủ, ăn và đi dạo mát. Hai vợ chồng bây giờ sống như một ông vua nho nhỏ trong làng.

   Ngỡ rằng mọi việc đã yên, về Việt nam sống gần cô em gái trong những lúc tuổi già. Ai ngờ! Hai tháng sau đứa cháu gái đã lãnh mẹ của nó sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình ( mẹ con), mà trước đó nó chẳng thèm nói một lời nào với Quang và Linh. Vì hiện tại đứa cháu gái đã đủ đìều kiện nuôi mẹ như: Nhà ở và có công việc làm vững chắc.

   Trước khi lên đường định cư tại Đức cô em gái Quang có ghé sang từ giã và nhờ anh chị trông hộ ngôi nhà giùm em, thỉnh thoảng em về quê thăm anh chị ,chúc anh chị ở lại vui vẻ. Linh vừa nghe nói xong nàng ngã ra xỉu và chẳng nói được lời nào.Quang vừa nâng vợ ngồi dậy và ôm đầu Tất cả đều tại Tôi……!

 

THỦY ĐIỀN

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền