33- Qua Làng Sơn Tịnh (Truyện Ngắn) Nhà Văn Điệp Mỹ Linh (USA)

Nhà Văn Điệp Mỹ Linh

 

Lưu ý ! Quý vị nào có nhu cầu về những quyển sách truyện ngắn và truyện dài của Nhà Văn Điệp Mỹ Linh xin liên hệ trực tiếp qua E.Mail diepmylinh@rocketmail.com thành thật cảm ơn ĐML  

 

 

 

Qua Làng Sơn-Tịnh

 

Duới ánh trăng, con tàu băng mình về phương Bắc. Tiếng xình xịch của máy tàu hòa với âm thanh của gió rít bên khung kính cùng tiếng bánh sắt cạ lên đường rầy tạo nên chuỗi âm thanh dồn dập, vội vã, rộn ràng. Những lúc bánh sắt chạm vào chỗ nối của hai đoạn đường rầy, âm thanh nghe sắc và mạnh hơn. Có lẽ các đoạn đường rầy đều có chiều dài bằng nhau cho nên âm thanh ấy rơi rất đều vào một khoảng thời gian nhất định.

Tỳ tay lên chiếc kệ nhỏ nơi cửa sổ toa xe, Bảo-Trân nhìn ra cánh đồng mờ nhạt ánh trăng. Bảo-Trân thấy dường như ánh trăng lóng lánh hơn nơi ao nước hay nơi ruộng sâu. Xa thật xa, vài ánh đèn leo lét trông đến thê lương. Những lùm cây thấp hoặc cổ thụ hay lũy tre dài, dưới ánh trăng trong, biến thành màu xám đậm. Và, trong tầm mắt của Bảo-Trân, hình thể của lũy tre cũng như những khóm cây và cổ thụ biến thể tùy theo vị thế di chuyển của con tàu.

Lớn lên từ phố thị và đã sống dưới vòm trời Âu Mỹ suốt bao nhiêu năm dài, nhưng khi thấy khung cảnh này, không hiểu tại sao Bảo-Trân lại cảm thấy quen thuộc và gần gũi vô cùng.

Bất chợt còi tàu huýt lên não nùng rồi từng thân sắt lớn, loại thân sắt để làm nhịp cầu, vượt nhanh qua khung cửa sổ trong khi tiếng gió rít mạnh như thét gào. Âm thanh gió rít, chiếc cầu sắt và cánh đồng ngập ánh trăng gợi nơi tiềm thức Bảo-Trân hình ảnh những chuyến tàu đêm của một thời xa xưa.

Trong khi những tế bào óc đang âm thầm mò mẫm trong vùng “a-lại-gia-thức” của Bảo-Trân thì tự dưng một điệu Valse vang lên từ tâm cảm và Bảo-Trân vô tình “lá la lá là”theo. Bảo-Trân cứ nhìn cánh đồng ngập trăng và “là la lá la lá . . .” mãi như vậy cho đến khi con tàu chậm lại và ngừng hẳn.

Dưới ánh đèn vàng nhạt, ba chữ ga Quảng-Ngãi màu đỏ hiện ra sau mấy tàu dừa. Trong tầm mắt Bảo-Trân, thay vì hiện ra một nhà ga khang trang, sân ga im vắng - như một thực thể - thì Bảo-Trân mơ hồ, tưởng như thấy lại một nhà ga đổ nát vì bị máy bay Pháp bắn phá, chỉ còn nền xi-măng vỡ vụn. Trên nền xi-măng ấy, dưới ánh sáng hiu hắt của những ngọn đèn lồng, nhiều đứa trẻ ăn mặc rách rưới đang ngồi co ro, nhìn chầm chập vào mấy gánh bán quà vặt bằng ánh mắt rất thèm thuồng. Nơi mỗi gánh bán quà vặt, Bảo-Trân thấy một người đàn bà lam lũ ngồi trên cây đòn gánh lật ngửa, giữa đôi gióng. Trong mỗi chiếc gióng thường có một cái thúng, bên trên là cái trẹt đựng kẹo thèo lèo, kẹo đậu phọng, bánh thuẫn, bánh in, thuốc rê, bắp, khoai, v. v... để bán cho khách của những chuyến xe gòn ban đêm. Thỉnh thoảng hành khách cũng thấy một đứa bé nằm ngủ cong queo trong một cái thúng trống. Nhiều đứa bé trai tay xách ấm nước trà, nách kẹp vài cái ly, miệng rao trầm trầm:

- Nước đây. Nước trà đây.

Nhiều người trên xe gòn nghịch ngợm:

- Sao mày dám “bán nước”, mày?

Mấy đứa bé “bán nước” có vẻ sợ, lắc đầu:

- Ðâu có, tui đổi nước mà.

Bảo-Trân thấy gần gũi và thương yêu hình ảnh những đứa trẻ khốn khổ, ban ngày phải đi mót lúa, mót khoai, lượm củi hoặc chăn trâu, chăn bò; ban đêm phụ mẹ bán hàng hoặc “bán nước” ở ga xe lửa Quảng-Ngãi.

Gọi là ga xe lửa nhưng vào thời điểm cuối thập niên 40, những chuyến tàu đến ga Quảng-Ngãi chỉ là những chuyến xe gòn. Xe gòn gồm một hay vài toa xe lửa cũ được nối vào nhau, do sức người đẩy từ phía sau và xe chạy trên những đoạn đường rầy chưa bị phá hủy theo chính sách “tiêu thổ kháng chiến”. Khi nào xe xuống dốc, những người đẩy xe gòn đu thân người lên toa xe, để xe tự do tuột dốc. Khi tốc độ xe giảm nhiều, những người ấy nhảy xuống, đẩy tiếp. Xe gòn chỉ dám chạy ban đêm vì ban ngày sợ phi cơ Pháp oanh tạc.

Nếu ai đã từng sống ở “vùng giải phóng” mới cảm nhận được nỗi hãi hùng mỗi khi nghe tiếng phi cơ. Vì vậy người dân ở đây thường đào hầm tròn trong sân hoặc hầm dài dọc theo lũy tre để trốn máy bay. Nơi công sở, ngoài hầm tròn, hầm dài còn có hầm ngang, miệng hầm xoay ra hầm dài. Mỗi khi đi đâu ai cũng mặc quần áo màu sậm và không đội nón lá, sợ màu sáng phi cơ dễ thấy, và họ thường cầm theo một nhánh cây tươi. Hễ nghe tiếng máy bay, họ lập tức nằm rạp xuống, phủ nhánh cây lên người để ngụy trang.

Cách ngụy trang đó chỉ áp dụng vào những lúc đi trên đồng trống; còn như đi từ ga Quảng-Ngãi về sông Trà-Khúc, rẽ tay trái rồi đi dọc theo bờ sông để về làng Sơn-Tịnh thì khỏi phải ngụy trang; vì dọc bờ sông Trà-Khúc là sự tiếp nối của những lũy tre dài hun hút và nhiều vườn dừa rợp bóng.

Những buổi trưa nắng hạn, dưới bóng mát êm đềm bên bờ sông Trà Khúc, nhiều bác nông phu núp nắng, ăn trưa. Ăn xong, có bác tựa gốc dừa, lấy nón cời (nón rách) che mặt, “đánh” một giấc; có bác ngồi phe phẩy chiếc nón cời, vừa phì phèo điếu thuốc rê được vấn bằng lá chuối non vừa nghe tiếng reo hò của lũ trẻ đang nghịch nước dưới bến sông; cũng có bác trở ra đồng, ngán ngẩm nhìn những đường nứt nẻ, dấu tích khắc nghiệt của mùa Hè, trên thuở ruộng đất cứng như nung.

Ðể giúp ruộng lúa bớt cằn cỗi, những bánh xe nước dọc bờ sông Trà-Khúc vẫn quay đều để lấy nước vào ruộng; nhưng vào mùa Hạ nước vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu của nhà nông. Vì vậy, những buổi sáng sớm, Bảo-Trân thấy nhiều người đàn bà bọc con sau lưng hoặc trước ngực bằng tấm vải cột thắt vào người rồi đi ra đồng đứng tát nước nơi một góc ruộng.

Phương tiện tát nước, đôi khi là chiếc gàu sòng có bốn sợi giây dừa, do hai người đứng hai bên ao nước kéo lên và thả xuống một cách nhịp nhàng, đều đặn; cũng có khi chỉ gồm ba thanh tre được cắm vào ba góc nơi có nước rồi cột ba đọt tre vào với nhau. Ngay chỗ ba đọt tre chụm vào người ta cột thêm một sợi giây có gắn cái gàu đã được trét dầu hắc cho nước khỏi chảy. Miệng gàu được xoay về hướng mà người tát nước muốn nước chảy vào; phía sau cái gàu người ta cột một thanh tre ngắn. Người tát nước chỉ việc kéo thanh tre này ra sau, dúi cái gàu xuống nước, xúc mạnh lên rồi đẩy ra phía trước. Nước từ cái gàu sẽ tuôn vào thuở ruộng mà người tát nước muốn.

Trong khi người trẻ lo tát nước, gieo mạ hoặc đi rẫy thì trẻ con lùa trâu bò ra đồng hoặc đi mót củi, đào khoai và các cụ già miệng móm, lưng còng lum khum bên đàn gà hoặc bên máng cám heo. Dĩ nhiên mọi cử động của các cụ rất chậm chạp, như những bước đi của các cụ.

Trong tất cả hình ảnh vừa chỗi dậy từ tâm thức, Bảo-Trân bỗng thấy hiện lên hình ảnh đứa bé gái tóc cắt bum-bê, mỗi sáng được Mẹ chải đầu, chia mớ tóc phía sau ra làm hai rồi thắt lại bằng hai nơ đỏ. Ðứa bé gái thường mặc áo tay phồng cổ Hồng-Kông, do Mẹ tỷ mỷ may tay.

Cổ áo Hồng-Kông chỉ là một đoạn vải dài, đoạn giữa nhỏ. Xuôi về phía hai đầu phần vải được cắt rộng ra. Cuối hai đầu vải được cắt xéo khoảng 135 độ rồi may bề trái lại. May xong lộn ngược ra. Ðoạn nhỏ ở khoảng giữa được may dính liền vào cổ áo. Hai đoạn vải rộng để dài, khi nào mặc áo xong thì thắt hai đoạn ấy lại thành cái nơ ngay nơi cổ. Quanh cổ áo cũng như dọc bâu áo và lai áo, Mẹ “đột” từng mũi kim đều nhau, mới nhìn qua nhiều người tưởng là may máy.

Ðàn bà, con gái trong làng Sơn-Tịnh nhỏ bé này ai cũng mặc áo cổ kiềng hay cổ bà-lai hoặc tân thời lắm là áo cổ bẻ chứ ít ai biết áo cổ Hồng-Kông như thế nào. Từ ngày gia đình đứa bé gái về đây, cổ áo Hồng-Kông bắt đầu thịnh hành. Ngoài kiểu áo tay phồng cổ Hồng-Kông và hai nơ đỏ trên mái tóc, đứa bé ấy còn có cái tên rất lạ. Ở làng Sơn-Tịnh, thường thường con gái chỉ mang những tên đơn, mộc mạc như Mận, Lượm, Gái, v. v...hoặc những tên có tích cách văn hoa như Lan, Mai, Cúc...Ðằng này đứa bé lại có tên kép: Bảo-Trân.

Bảo-Trân không những lạ ở cái tên mà còn trông khác hẳn những đứa bé trong làng vì làn da trắng mịn, sóng mũi cao và đôi mắt cùng mái tóc màu nâu sậm. Chính mái tóc, đôi mắt và sóng mũi khiến nhiều người gọi bé Bảo-Trân là Tây lai.

Danh từ Tây lai không phải bây giờ ông bà Dư - cha mẹ ruột của Bảo-Trân - mới nghe nhiều người gọi Bảo-Trân, mà từ dạo còn ở “vùng tạm chiếm” ông bà Dư cũng thường nghe thiên hạ xầm xì mỗi khi Ông Bà đẩy xe đưa Bảo-Trân đi dạo quanh chợ Hòa-Bình hoặc Hồ-Xuân-Hương.

Thời điểm đó những gia đình danh giá, giàu sang không bao giờ muốn ai nghĩ rằng con hay cháu của họ có máu lai, vì đó là điều xấu hổ, nhục nhã. Vì vậy, Ngoại của Bảo-Trân cứ cạo tóc Bảo-Trân hoài, với hy vọng khi tóc mọc ra sẽ trở thành đen. Nhưng tóc của Bảo-Trân chưa bao giờ trở thành đen như ý Ngoại muốn.

Bảo-Trân có nhiều đặc điểm khác biệt như vậy cho nên trẻ con trong làng thích xúm xít bên Bảo-Trân, nhất là những lúc Bảo-Trân học Pháp văn hoặc tập đàn mandoline.

Những lúc tập đàn, Bảo-Trân tỳ phần dưới của thùng đàn lên vế phải, bàn chân trái giữ nhịp. Khi nào Bảo-Trân lỗi nhịp, ông Dư bảo ngưng, bắt đầu lại. Bảo-Trân vừa nhìn vào bản Valse vừa lắng nghe tiếng ông Dư “chát chát chình, chát chát chinh” rồi vừa liếc chừng bàn tay đánh nhịp của ông Dư. Những đoạn nghỉ dài, Bảo-Trân phải trémolo thật đều. Khi thấy bàn tay ông Dư gặt mạnh xuống và tiếng “chình” hoặc “chinh” phát ra, Bảo-Trân hiểu ngay đó là thì mạnh (temps fort), phải “vào” ngay thì mới đúng nhịp.

Những buổi trưa im vắng, Bảo-Trân thích ra gốc chuối sau hè bắt chước điệu bộ y hệt ông Dư và miệng cũng nói “chát chình, chát chinh” nếu bản nhạc thuộc thể loại 2/4. Thỉnh thoảng Bảo-Trân vừa hát vừa làm điệu bộ như mấy người lớn đứng hát trên sân khấu lộ thiên. Nhóm trẻ con trong làng không hiểu quê quán Bảo-Trân ở đâu; nhưng mỗi khi rình nghe và thấy Bảo-Trân vừa làm duyên vừa hát: “Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây, đàn chim riu rít ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, đợi chồng con mắt trông về phía trời xa. Sáo diều êm nào khác lời thơ. Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô. Ôi! Chiều quê, chiều sao xiết êm đềm, nhìn theo tơ khói vương, chờ giây phút mến thương...” (1) thì hầu như cả nhóm bạn đều cảm thấy buồn buồn về những gì mà người bạn nhỏ phải bỏ lại nơi cuối trời thương nhớ.

Một lần Bảo-Trân đang giả vờ mơ màng cất tiếng hát: “Chùa Hương với dòng nước xanh biết bao êm đềm...” (2) thì nghe tiếng cậu con trai hàng xóm nhại theo: “Chùa Hương có thằng chết trôi, vớt lên thúi ình...” Bảo-Trân “giận cành hông”, nguýt về hướng nhà cậu ta một cái thật dài rồi ngoe nguẩy đi vào nhà, định bụng sẽ “nghỉ” cậu ta ra, không thèm chơi với cậu ta nữa.

Nhưng hôm sau, hai chiếc phi cơ bất ngờ xuất hiện và cùng một lúc, bắn phá, thả bom ngay vào làng. Bảo-Trân hãi quá, chẳng biết làm chi, chỉ ôm Phiêu, đứa em kế của Bảo-Trân, ngồi ngay giữa sân, khóc!

Khi hai chiếc máy bay vút lên cao sau một đợt dội bom, từ hầm tròn, cậu bé hàng xóm ló đầu lên nhìn, muốn tìm xem máy bay oanh tạc chỗ nào. Chính lúc đó cậu bé thấy chị em Bảo-Trân ôm nhau ngồi khóc. Cậu bé nhảy lên, nhanh nhẹn ẵm Phiêu và kéo Bảo-Trân xuống hầm. Từ đó Bảo-Trân hết giận cậu ta. Và những khi rảnh rỗi, Bảo-Trân thích xin bà Dư cho theo cậu ta và các bạn khác đi tát cá.

Trong tất cả phần việc mà trẻ con thời đó có thể giúp cha mẹ, Bảo-Trân thích đi tát cá nhất; vì bé thích vọc đất sét. Ðất sét ở ruộng sạch, nhuyển và mịn như những thỏi bột nếp bà Dư thường nhồi để nấu chè trôi nước, bán; chỉ khác nhau ở chỗ bột nếp màu trắng, ăn được, còn đất sét màu nâu đậm và ăn không được. Thỉnh thoảng Bảo-Trân vốc đất sét, ngồi bệt lên bờ ruộng khô, tỉ mỉ nắn thành hình con trâu, con bò rồi phơi nắng, để dành đem về cho Phiêu chơi.

Bảo-Trân chỉ thích những niềm vui nho nhỏ vậy thôi. Nhưng các bạn lại thường đem đến cho Bảo-Trân những niềm vui lớn, những chuỗi cười dòn khi các bạn tạt nước, tạt bùn lên nhau, mặt mũi, áo quần ai cũng lấm lem. Vui đùa phá phách cho đã rồi cả đám mới hốt bùn đắp bờ ngăn nước, tát nước. Khi nước cạn, bé nào cũng tranh nhau bắt cá xâu vào sợi giây lạc; chỉ có Bảo-Trân đứng yên, không chịu bắt, khi thấy những con cá cố nhủi vào bùn để lẩn trốn. Bảo-Trân không thích nhìn bất cứ sinh vật nào bị hành hạ hoặc bị dồn đến đường cùng. Một lần, thấy vật gì đen đen, mềm mềm dính vào chân, rảy hoài không rớt, Bảo-Trân chỉ cho bạn xem. Bạn bảo “Mày bị đỉa đeo”, Bảo-Trân la hoảng lên. Cậu bé hàng xóm phải chạy đi xin tý vôi xức vào con đỉa mới chịu nhả ra.

Từ đó Bảo-Trân không dám đi tát cá nữa mà lại theo phụ các bạn đi hái lá dâu về cho gia đình bạn nuôi tằm. Hái lá dâu thật vui. Nhưng khi về nhà bạn, thấy từng nong tằm, Bảo-Trân bụm mặt thét lên. Trời ơi! Ðây là sâu! Những con sâu đen ngòm đang vươn cao dưới lớp lá dâu dày. Bảo-Trân tưởng như nghe được tiếng “rào rào” do đàn tằm ăn lá dâu. Từ đó Bảo-Trân chẳng bao giờ dám hái lá dâu và đến mấy nhà nuôi tằm nữa. Tuy nhiên, nghe lời bạn dặn, khi nào phải đi đâu vào lúc chiều tối, Bảo-Trân không quên cầm theo một roi dâu để...ma sợ, không dám dẫn bé đi lạc!

Ngoài những giờ vui với bạn, Bảo-Trân còn có thêm một thú vui riêng. Ðó là gieo, trồng mấy luống rau cải và làm giàn cho mấy cây cà chua. Dạo đó, theo chỉ thị của cán bộ, gia đình nào cũng phải tăng gia sản xuất ngay trên phần đất quanh nơi cư ngụ. Ðể tăng năng xuất thu hoặch, cán bộ khuyến khích mọi người phải dùng nước tiểu pha loãng để tưới rau; nhưng gia đình Bảo-Trân không bao giờ thi hành, vì thấy không hợp vệ sinh.

Mỗi chiều Bảo-Trân lén múc nước dưới ao cho vào cái bình bằng nhôm, có quai cầm và cái vòi dài. Ðầu vòi xòe ra như hình cái phễu. Một miếng nhôm có nhiều lổ nhỏ ly ty được hàn ngay nơi phần xòe ra của cái vòi. Khi Bảo-Trân nghiêng bình, nước từ trong bình theo mấy lỗ nhỏ phun nhè nhẹ từng “sợi” trong suốt, mềm mại. Hôm nào tưới nước sớm, khi mặt trời còn cao, Bảo-Trân thấy một cầu vòng nhỏ xíu quanh những “sợi nước” long lanh, do ánh mặt trời phản chiếu, tạo nên. Nếu âm thanh rì rào của những “sợi nước” rơi đều trên từng chiếc lá xanh quyến rũ thính giác Bảo-Trân bao nhiêu thì màu vàng tươi của hoa cải, hoa tần ô, hoa cà chua cũng quyến rũ đàn bướm và lũ ong bầu bấy nhiêu.

Có những chiều, sau khi tưới nước, Bảo-Trân đang nhìn bướm lượn hoặc đang xua đuổi lũ ong bầu để cho ong khỏi chích mấy trái cà chua đang ửng chín thì tiếng “dí, thá” của mấy chú chăn bò vang lên xa xa. Bảo-Trân biết thế nào tý nữa cũng nghe tiếng xe bò chậm rãi đi qua trước nhà.

Lúc mới tản cưa ra “vùng giải phóng”, Bảo-Trân lấy làm lạ khi thấy con bò và chiếc xe bò. Chiếc xe bò gồm hai cái ách (jug) phía trước để máng vào cổ hai chú bò. Hai cái ách được nối vào thân xe bằng bốn thân cây nằm song song theo cơ thể hai chú bò. Hai bên thùng xe là hai bánh xe bằng gỗ; chung quanh bánh xe được niềng bằng một vòng sắt. Khi chú bò chậm rãi bước, tiếng bánh sắt lăn trên đường đất tạo nên âm thanh rào rạc, trầm trầm, đều đặn. Thỉnh thoảng, người đánh xe bò hét “dí, thá” rồi dùng roi mây quất trót trót lên lưng bò. Khi nào bị đánh đau quá, chú bò ngẩng lên, kêu “B...ò...ò...”. Tiếng kêu kéo dài, vang xa, nghe bi thương lạ lùng! Bảo-Trân không hiểu tại sao khi tiếng kêu ấy thoát ra vào lúc xâm xẩm tối thì lại nghe não nùng hơn! Vì vậy, Bảo-Trân thường cố hoàn tất việc tưới rau trước khi trời chạng vạng rồi vào nhà sớm để khỏi bị bứt rứt trong lòng vì tiếng kêu ai oán của mấy chú bò.

Nơi thôn dã, nếu chiều là khoảng thời gian lắng đọng nhất của một ngày thì đêm là sự trầm mặc trong từng chuỗi âm thanh êm ả của muôn loại côn trùng. Trên bờ ruộng khô, theo tổng hợp âm thanh quen thuộc của lũ côn trùng, ông Dư thường đạp xe đạp vào Sở quân-giới liên-khu V, nơi ông Dư phục vụ, để kiểm soát ban văn nghệ xem họ tập dượt như thế nào; và bà Dư ra chợ Sơn-Tịnh bán mắm nêm, vì gia đình ông bà Dư không thể sống với phụ cấp mười tám ký gạo một tháng theo tiêu chuẩn “nhà nước” cấp cho ông Dư.

Vào những hôm chợ phiên, bà Dư thường cho Bảo-Trân đi theo để “tập mua bán giống như con người ta chứ con nhỏ thiệt thà quá!”. Ðó là lời bà Dư thường nói với ông Dư.

Một hôm, trời mưa, đường trơn trượt. Bà Dư quảy đôi thúng nhỏ, bên trong là hai hủ mắm nêm, một cái vá nhỏ bằng vỏ dừa khô dùng để múc mắm và một xấp lá môn tươi dùng để gói mắm. Bảo-Trân xách đèn lồng đi theo. Hai Mẹ con đội nón lá, mặc hai cái áo mưa được chầm bằng lá dừa. Vì chầm bằng lá dừa cho nên áo cứng, không thể uốn theo những động tác của thân người mà áo chỉ được cột nơi cổ rồi suông đuột từ vai cho đến đầu gối, chỉ hở một đường dài trước ngực.

Khi đến bên gò mối, bà Dư trượt chân té nhào, quang gánh cũng lăn theo. Bảo-Trân vội vàng đỡ Mẹ lên. Bà Dư đau ê ẩm một bên hông nhưng không nghĩ đến cái đau của mình, chỉ hối Bảo-Trân:

- Hốt mắm nêm vô hũ đi, con. Hốt lẹ không thôi mưa cuốn trôi hết chừ.

Bảo-Trân ngạc nhiên nhìn Mẹ:

- Bùn không hà, Má ơi.

Bà Dư không còn thì giờ giải thích cho con. Bà nén đau, đi cà nhắc đến bên hai hũ mắm, khum xuống lật ngửa hai hũ mắm ra rồi vội vã hốt hợp chất đen đen nhầy nhầy chung quanh mà bà nghĩ rằng đã trào ra từ hũ mắm. Bảo-Trân thấy Mẹ làm thì cũng làm theo như vậy. Hốt được một lúc, Bảo-Trân nhìn bà Dư:

- Má à! Mắm trộn với bùn, bán cho người ta ăn mình mang tội chết đó, Má.

Bà Dư đau nhói trong lòng. Ðó chính là những điều ông bà Dư đã giáo dục các con. Nhưng trong hoàn cảnh này, nếu không bán “mắm bùn”, làm sao bà có được tiền để về trả vốn lại cho chủ vựa và có tý tiền mua cua đồng về giã nát, lọc lấy nước nấu với khoai sọ cho con ăn có chút bổ dưỡng! Bà Dư đưa cánh tay quẹt ngang mắt, Bảo-Trân ngước nhìn Mẹ, không hiểu Mẹ gạt nước mắt hay nước mưa. Bà Dư gánh đôi thúng lên vai phải rồi đưa tay trái khoèo tay Bảo-Trân:

- Ði, con.

Hai mẹ con đi được một đoạn khá xa thì cơn mưa cũng vừa dứt. Từ xa Bảo-Trân thấy một vùng ánh sáng nhạt nhòa của nhiều và rất nhiều đèn lồng gom lại nơi chợ Sơn-Tịnh.

Khối ánh sáng nhạt nhòa ấy khiến Bảo-Trân nhớ lại những lần ông Dư đưa Bảo-Trân theo ban văn nghệ của Sở quân-giới liên-khu V trình diễn ngoài trời. Những lần đó Bảo-Trân thường hát solo (danh từ thời ấy thường dùng) Về Miền Trung, Cô Gánh Gạo, Quê Nghèo, v. v... của Phạm-Duy.

Quê Nghèo chỉ là một ca khúc ngắn, lời ca diễn đạt được tất cả sự bần hàn, cơ cực của người dân làng Sơn-Tịnh. Câu điệp khúc “Bao giờ anh lấy được đồn Tây, anh ơi!...” được Phạm-Duy đổi lại là: “Bao giờ cho lúa được muà luôn, lúa ơi!...” sau khi Phạm-Duy về Thành. Ông Dư soạn hòa âm đoạn điệp khúc thành nhiều bè để nhiều người cùng hợp xướng từ sau hậu trường vào lúc Bảo-Trân hát đến đoạn này. Âm thanh vang vọng ấy khiến người nghe có cảm giác nôn nao, xao xuyến như nghe được tiếng non sông vọng về.

Trong tất cả những buổi trình diễn văn nghệ, có lẽ chỉ có kỳ Ðại Hội văn nghệ liên-khu V mới đủ tầm cỡ để ban văn nghệ của Sở quân-giới liên-khu V thi thố tài năng.

Vào buổi chiều trước hôm trình diễn, một toán tù binh người Pháp và Ðức, trên đường bị áp giải từ Trung ra Bắc, đã ghé lại Sơn-Tịnh, nhân thể tham dự Ðại Hội văn nghệ.

Trong toán áp giải tù binh, ngoài một số cán bộ người Việt còn có vài người Ðức và Pháp đã rời hàng ngũ của họ, đi theo Việt-Minh. Lâu ngày không được nói tiếng Pháp, ông Dư rất thích thú khi được cấp trên chỉ định liên lạc với nhóm tù binh. Một người trong nhóm tù binh tên Alain, rất có cảm tình với ông Dư; vì chỉ qua vài câu xã giao, Alain biết trình độ Pháp văn cũng như nhạc lý của ông Dư không phải tầm thường. Lúc đầu, cả hai ông nói về nhạc, lan man đến chuyện gia đình rồi sang đến chuyện kháng chiến. Khi biết ông Dư từ trong Nam thoát ly ra, Alain bảo:

- Khi còn ở “vùng bị chiếm”, chúng tôi được tuyên truyền nên tin tưởng rằng chỉ ngoài này mới có tự do. Vì vậy, tôi cũng như anh và Pièrre, bạn tôi, đã thoát ly. Pière đã làm một bài thơ, nói lên tâm trạng thơ thới của một thanh niên khi nghĩ rằng mình đã tìm thấy lý tưởng. Bài thơ ấy rất dài, tôi chỉ nhớ hai câu cuối: “De l'autre côté, c'est la liberté”. Nhưng từ khi áp giải toán tù binh, thấy cán bộ người Việt hành xử quá tàn nhẫn đối với tù binh chiến tranh, tôi bất nhẫn vô cùng.

Ông Dư dè dặt:

- Anh có để lộ sự bất mãn của anh cho họ biết không?

- Tôi không dại.

- Vậy mà anh dám tâm sự với tôi. Tại sao?

- Tôi không hiểu. Nhưng dường như tôi tin tưởng anh. Vì anh là một nghệ sĩ; và tâm hồn của nghệ sĩ thường vượt xa những sự nhỏ nhen trên đời.

Ông Dư cảm mến Alain thật sự:

- Xin cảm ơn anh đã nghĩ như vậy về tôi. Thật tình mà nói, tôi thoát ly ra “bưng” chỉ vì cái lãng mạn nhất thời của một nghệ sĩ. Tôi muốn đi tìm nguồn sáng tác.

- Vậy anh sáng tác được bao nhiêu nhạc khúc rồi?

- Những bản nhạc tôi sáng tác theo sự rung cảm của tâm hồn, bạn bè ai biết thì đàn, hát, không thì thôi, tôi không dám phổ biến rộng rãi, vì sợ bị kiểm thảo tư tưởng nặng nề. Còn bảo tôi sáng tác theo lệnh, tôi không làm được. Vì vậy họ chỉ cho tôi phụ trách phần trình diễn thôi.

Alain nhìn thẳng vào mắt ông Dư:

- Có bao giờ ý nghĩ trở về thoáng qua trong trí anh không?

Ông Dư giật mình. Thật ra ý tưởng trở về đã nhiều lần lởn vởn trong trí ông Dư, nhưng ông không biết phải thực hiện bằng cách nào. Ông Dư chưa bao giờ thố lộ ý tưởng này với bất cứ ai, ngay cả với bà Dư. Vậy tại sao Alain lại đột ngột hỏi? Sau một thoáng lo sợ, ông Dư trấn tỉnh, cười:

- Nếu tôi hỏi anh câu ấy, anh sẽ trả lời như thế nào?

Bây giờ lại đến phiên Alain ngại ngùng. Dù không nghi ngờ ông Dư sẽ phản bội mình, Alain cũng không muốn xác định lập trường của chàng với bất cứ ai. Alain nghĩ, nếu chỉ nói ra niềm bất mãn của chàng, rủi bị lộ cũng không đến nỗi nào, nên đáp:

- Trường hợp của anh và tôi xem vậy mà không đến nỗi nào. Chỉ tội nghiệp toán tù binh này. Dù gì đi nữa họ cũng là đồng chủng của tôi. Có thể lý tưởng giữa những người tù này và của tôi khác nhau, nhưng người Tây Phương chúng tôi tôn trọng con người và quý mạng sống con người. Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh quy ước quốc tế về tù binh chiến tranh.

Ông Dư bị tự ái dân tộc:

- Anh nghĩ người Việt-Nam chúng tôi không tôn trọng con người, không quý mạng sống con người và xem thường quy ước quốc tế hay sao?

Alain im lặng, lắc đầu. Một lúc sau, Alain khẽ đáp:

- Anh hiểu tôi muốn nói ai rồi. Họ đã giết những hàng binh và dọc đường họ giết cả những tù binh bị thương hoặc đau yếu, không đi bộ theo kịp. Pière là một trong những nạn nhân của họ.

Ông Dư xúc động, cúi mặt. Trong đầu hiện ra không biết bao nhiêu ý tưởng nhưng ông Dư không dám nói chi cả. Khi trưa, lúc ăn cơm, toán tù binh được cho ăn bánh mì với chuối. Bánh mì chỉ làm bằng bột gạo cho nên rất cứng; vậy mà Alain ăn rất ngon và bảo rằng đó là bữa ăn ngon nhất sau gần hai tuần phải cùng toán tù binh và cán bộ áp giải ăn cơm khô trong ruột tượng và uống nước hố bom. Lúc đó ông Dư ít quan tâm đến Alain cho nên ông chẳng bận lòng. Bây giờ tình cảm đã nảy sinh, ông Dư thành thật khuyên Alain:

- Dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng khuyên Alain nên cố giữ gìn sức khỏe và gắng chịu đựng để khỏi xảy ra điều đáng tiếc như Pièrre.

Alain thở hắt ra:

- Cảm ơn anh. Hy vọng từ đây ra đến Hà-Nội tôi sẽ đủ kiên nhẫn để không có những hành động ngu xuẩn.           

    Vừa khi ấy một thanh niên người Ðức, lúc nào cũng mang trên vai chiếc Accordéonmàu trắng ngà, nắm tay Bảo-Trân tiến đến bên ông Dư:

- Cô bé này làm tôi nhớ đứa cháu gái của tôi kinh khủng.

Ông Dư cười, nói cảm ơn. Alain nói với thanh niên người Ðức rằng Bảo-Trân biết âm nhạc. Thanh niên người Ðức vừa chỉ Accordéon vừa hỏi, ông Dư dịch cho Bảo-Trân:

- Ông ấy hỏi con thích học Accordéon không, ông ấy dạy cho?

Bảo-Trân lắc đầu:

- Dạ, thích. Nhưng cây đàn ấy lớn và nặng lắm. Con thích đàn mandoline của con hơn.

Tối đến, những người ngoại quốc này cứ tưởng sẽ thấy Bảo-Trân xuất hiện trên sân khấu với chiếc mandoline nhỏ nhắn; nhưng không, Bảo-Trân xuất hiện trong vở kịch Ðói! Vở kịch này diễn lại cảnh đói năm 1945 do Nhật gây nên cho đồng bào miền Bắc.

Trên sân khấu, ánh sáng hơi nhạt, chỉ đủ cho khán giả thấy đôi lưỡng quyền nhô cao, hai gò má trũng sâu cùng đôi mắt lạc thần của các diễn viên đang run rẩy lê bước. Văng vẳng sau hậu trường, ban đàn giây hoà tấu nhạc khúc Ðói Lạnh. Vở kịch kéo dài bằng những lời đối thoại gay gắt, lên án sự tàn bạo, dã man của chế độ Phát-Xít.

Ðến màn cuối, giữa khi tinh thần khán giả hoàn toàn bị khung cảnh và âm thanh chi phối, Bảo-Trân, đã được hóa trang thành một bé gái đói hom hem và rách tả tơi, gượng đứng lên giữa đoàn người đi xin ăn, cất giọng run run như khóc, hát ca khúc Ðói Lạnh. Ðến đoạn điệp khúc, Bảo-Trân cong người, ôm bụng, gương mặt nhăn nhó như cơn đói đang hành hạ rồi hát lên: “...Vì đâu, từ ba bốn hôm nay không ăn? Nhà không có, áo quần nay không còn...Trời ơi! Ðói quá đi thôi! Rét quá đi thôi!...”(3) Tám tiếng sau cùng được một tập hợp âm thanh nhiều bè hát theo từ sau hậu trường, nghe rền rền như vang lên từ cõi chết!

Một tù binh Pháp xúc động quá, sẵn đang cầm mẫu bánh mì nguội trong tay, anh ta thảy lên sân khấu. Bảo-Trân đột ngột ngưng hát, lượm ngay miếng bánh mì, ăn ngấu nghiến như một đứa bé thật sự sắp chết đói!

Trước diễn biến bất ngờ này, ông Dư chẳng biết làm chi khác hơn là ra dấu, hạ lệnh: “Hạ màn! Hạ màn!” Màn được từ từ buông xuống. Phải một lúc sau tiếng vỗ tay mới vang lên thật lâu, thật dài. Ông Dư hé cánh liếp nhìn ra khán giả, thấy nhiều người còn đưa tay quẹt nước mắt.

Trong khi khán giả ai cũng khen vở kịch kết thúc một cách bất ngờ, đầy cảm động và Bảo-Trân đã diễn xuất sống động như một diễn viên nhà nghề thì ông Dư thở một hơi mạnh như trút được gánh nặng rồi quay sang bà Dư:

- Thiệt! Cái con nhỏ! May mà không ai biết mình “bể dĩa”!

Gương mặt bà Dư buồn xo:

- Tội nghiệp con, anh à! Anh biết bao lâu rồi con nó không nhìn thấy miếng bánh mì không?

Lúc này ông Dư mới chợt nhớ đến cảnh sống hiện tại của vợ con. Ông Dư cúi mặt, nhưng bà Dư vẫn thấy được nét mặt buồn vô hạn của ông!

Sau buổi trình diễn đó nhiều cơ quan lân cận mời ban văn nghệ của Sở quân-giới liên-khu V đến trình diễn vở kịch Ðói! Vậy là Bảo-Trân được nhiều dịp đi xe gòn từ ga Quảng-Ngãi.

Vào những đêm trăng, trong khi chuyến xe gòn âm thầm lăn bánh thì tiếng harmonicacủa ông Dư rộn rã trong điệu Valse. Khi xe gòn chạy ngang sông Trà-Khúc, âm thanh gió rít qua cửa sổ mạnh hơn và tiếng harmonica của ông Dư cũng dồn dập hơn ở đoạn điệp khúc. Những lúc ấy Bảo-Trân cao hứng hát theo:“...Tuôn màu khói trắng, ôi tàu ngát men đời. Cây rừng chếnh choáng dịu dàng gió cuốn trôi. Lạnh lùng tung phím diệu cung trìu mến nối lời than. Dặm trường mờ xa, tàu đi rồi thôi không tiếng vang. Chìm trong trăng gió, tàu lao mình cuốn lớp ngàn cây. Ðường đời ngập sương, tàu đi rồi thôi không tình thương. Nặng oán hờn, còi rít lên. Tàu ngất ngây vì nhớ thương. Lặng phím đôi. Người lắng nghe, hồn tái tê lệ sầu vương!...” (4)

Giòng ý tưởng của Bảo-Trân vừa đến đây, nàng chợt nhớ ra bản Valse mà nàng “la lá là”từ nãy giờ chính là bản Chuyến Tàu Trăng mà ông Dư thường thổi harmonica trên những chuyến xe gòn của nửa thế kỷ trước.

Đêm nay, nửa thế kỷ sau, còi tàu huýt vang, báo hiệu chuyến tàu tốc hành sắp lăn bánh, tiếp tục cuộc hành trình về phương Bắc. Bảo-Trân hơi hốt hoảng, bối rối như nàng vừa đánh mất vật gì quý hoá lắm. Bảo-Trân xót xa nhìn về hướng làng Sơn-Tịnh, lòng nghĩ đến người Cha già đã vì cái lãng mạn nhất thời của một nghệ sĩ mà hoang phí tuổi thanh xuân! Để rồi, sau tháng Tư năm 1975, người Cha già khốn khổ đó phải nhận chịu không biết bao nhiêu khổ nhục và đọa đày do những “đồng chí cũ” của Ông đã dành cho Ông và năm người con trai của Ông suốt bao nhiêu năm dài trong các trại cải tạo!

Khi cầu Trà-Khúc mờ hẳn trong tầm mắt, Bảo-Trân thở dài, tự hỏi: “Không hiểu sau tháng Tư 75, lúc Ba bị các 'đồng chí cũ' của Ba giải ra Bắc bằng xe lửa, khi xe chạy ngang cầu Trà-Khúc, nhìn về hướng làng Sơn-Tịnh, Ba nghĩ gì?”

Dù lúc ấy ông Dư nghĩ gì đi nữa, bây giờ Bảo-Trân cũng chỉ mong những oán hờn, những uất hận trong lòng ông Dư chóng vơi. Bởi vì, Phật đã dạy, hận thù chỉ đưa tâm hồn con người đến với phiền não; chỉ có lòng vị tha mới đem đến cho con người cuộc sống thanh thản, êm đềm.

 

1.- Chiều Quê của Hoàng-Quý

2.- Chùa Hương của Hoàng-Quý

3.- Đói Lạnh, không nhớ tên tác giả

4.- Chuyến Tàu Trăng của Trương-Quang-Lục  

 

Tác Giả Điệp Mỹ Linh

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền