1-Nụ Hôn Muộn (Truyện Ngắn) Tác Giả Khải Nguyên (USA)

 

NỤ HÔN MUỘN
Truyện Ngắn Khải Nguyên

love 1– Cha cháu mắng oan cháu, lại còn dọa sẽ nhốt trong phòng, mà bà chẳng nói đỡ…
– Cháu hay đi chơi muộn với bạn trai buổi tối, bà biết nói đỡ thế nào?
– Sao bà vẫn bảo: làm hoa cho người ta hái, làm con gái cho ngườì ta ve?
– Ờ, đã là con gái thì con trai họ nhìn, họ theo, thậm chí họ có chòng tí chút cũng là chuyện bình thường. Mình cứ giữ nết thì họ phải nể, phải trọng, họ mới mến, mới thương. Chứ các cháu bây giờ, con gái mà cứ bám lấy con trai thì khác nào “cọc đi tìm trâu”.
– Bà lại nói chuyện đời xưa rồi. Đúng là bà không biết yêu nên mới thế.
– Bà mà không biết yêu thì làm sao chăm bẵm mày từ lúc lọt lòng, hả cháu!
– Là cháu nói “yêu” kia cơ, yêu… hai người ấy. Hồi trẻ, bà có hò hẹn, nhớ nhung ai không?
– Mồ tổ chị… Mười lăm tuổi, bà được gả chồng, còn hò với hẹn ai nữa.
– Eo ơi! Đến nửa thế kỉ phẳng lặng…
– Chẳng phẳng lặng đâu cháu ạ, cũng rắc rối tơ lắm.
– Vậy ư? Bà kể cho cháu nghe được không bà?
– Chuyện bà, bà chẳng kể lại với ai, kể cả với cha cháu. Từ ngày ông cháu mất đi… Dạo này, thỉnh thoảng bà lại thấy ông cháu về trong giấc ngủ. Có khi ông sắp đón bà đi.
258

– Tại bà quá nhớ ông đấy thôi. A! Vậy là bà rất yêu ông. Thế mà cháu cứ tưởng các cụ ngày trước chỉ yêu qua loa. Hẳn là ông cũng yêu bà lắm đấy nhỉ. Ông bà cưới nhau đang tuổi nhí mà yêu “kĩ ” vậy, siêu cực!
– Yêu với đương gì! Ông mày cũng oái ăm lắm.
– Thế nào cơ? Hoan hô! Bà kể đi bà!
– Cháu tò mò quá đấy.
– Cháu mà không thấu chuyện ông bà là cháu hư chứ bà?
– Cháu chỉ nên biết rằng, tình yêu cũng như hạnh phúc chẳng tự đến, và phải từ hai phía.
*
* *
Chuyện bà nội có thể chia làm hai hồi, mà có dễ đến ba hồi. Không! Phải bốn hồi cơ. Nhưng tới hồi bốn thì tương đối suôn sẻ rồi, bà có thể kể thoải mái, và hầu như ai cũng đã biết. Ba hồi đầu, mãi bà mới quyết định kể, mà cũng “trích” thôi, còn “toàn cảnh” thì “đại khái” như sau:
259

Hồi một. Cô Na làng Trung gả cho cậu Lương làng Đông, cái tin ấy làm xôn xao đám trai mấy làng trong vùng. Cô gái có nét mặt ưa nhìn, dáng người nhẹ nhõm, tính nết dịu dàng, con nhà gia giáo, có một ít chữ nghĩa,… Các chàng chép miệng tiếc rẻ. Có chàng dè bỉu chú rể tương lai, nhưng xem ra chẳng có cớ gì đắt. Lương hơn Na hai tuổi, đang đi học trường sư phạm tỉnh, chẳng có điều tiếng gì ở làng, nhà vào loại trung lưu được nể vì. Có chăng cái lí này nghe được: “Sao mà nóng lấy chồng vậy?”. Nhưng lỗi đâu tự cô Na. Cha mẹ đặt đâu thì cô ngồi đấy (!). Nói cho đúng tình thực, cô hơi thinh thích cái anh chàng học trò – thầy giáo “sắp sửa”, biết tiếng hơn là tỏ mặt nhau; tuy cô cũng hơi ngại cái chuyện lấy chồng, làm dâu. Tự dưng đến sống ở một nhà lạ, eo ôi! Ngượng ngượng là, và cũng đáng run nữa. Dưng mà… con gái ai chẳng phải trải qua một lần. Còn chú rể “hậu bổ” thì sao? Dứt khoát là cậu không ưng. Cậu chưa ưng lấy vợ, bọn bạn học chúng mà chế thì chỉ có mà chui vào hộc bàn. Thêm nữa, lớp cậu có mấy cô “thị thành” duyên dáng chứ có đâu… Chẳng mấy ai có được biệt nhỡn đối với các cô gái nông thôn. Các chàng trai “chân quê” khi đã bén mùi phố xá thường lại nhìn khắt khe hơn trai gốc hàng phố chính cống. Bọn này có khi còn biết chuộng hương đồng nội.
Chưa ưng lấy vợ, Lương vẫn phải lấy vợ. Không ưng Na, cậu vẫn phải cưới Na. Tối tân hôn, cậu lánh sang nhà bạn. Ở ta, chuyện “động phòng” tối hôm cưới chưa bao giờ là một “thủ tục” bắt buộc, nhất là ở nơi thôn quê. Song, ông bố Lương muốn tác thành cho con theo phương châm “lửa gần rơm…” nên ép cậu từ tối hôm sau phải vào buồng riêng dành cho hai vợ chồng. Ông chỉ “hội ý” riêng với cu cậu thôi. Tối đó, Lương những mong có khách đến chơi thật khuya, thâu đêm càng tốt. Những mong mỏi kiểu ấy bao giờ cũng bị nhỡ. Khi không thể nán hơn nữa, anh chàng mới lê bước vào buồng “hạnh phúc”. Nàng dâu mới đắp chăn nằm thu mình sát vách, ngoảnh mặt vào trong thấp thỏm chờ cái đụng chạm đầu tiên, sau tiếng cửa phòng đóng và tiếng giường cót két khẽ. Chú rể trèo lên giường ngồi thu lu một góc, gục đầu vào hai cánh tay khoanh trên đầu gối. Đêm về khuya, lạnh. Mỏi mệt, cậu nằm ghé mé giường phía ngoài, co người như con tôm luộc. Trong ánh đèn dầu mờ tỏ, nom tội nghiệp và kì khôi. Cô vợ sẽ sàng cất đầu, lé mắt nhìn, thấy vậy, bỏ chăn đẩy ra khoảng trống giữa hai người cho chăn áp vào lưng người con trai. Anh chàng không cụ cựa, chừng như đã ngủ. Na thao thức gần trắng đêm. Vừa chợp mắt, gà đã gáy sáng. Nhớ lời mẹ dặn, cô gượng tỉnh ngủ bò dậy, rón rén bước xuống giường để khỏi kinh động giấc ngủ của “người ta”.
260

Hàng đêm, Lương vẫn chung giường với vợ song “chẳng có chuyện gì xảy ra”. Một tuần sau, cậu vù về trường để “ôn tập chuẩn bị cho năm học mới”. Từ đó, chỉ khi cần xin tiền cha mẹ cậu mới mò về. “Thằng này khá, không đắm đuối vì vợ”, người cha hởi lòng khoe với mọi người. Chồng về thì về, với vợ vẫn “chiến tranh lạnh”. Họ khéo giữ, nói đúng hơn, họ vẫn “như thường” với nhau, nghĩa là chẳng hề mặt nặng, mày nhẹ, hai bên cha mẹ vẫn tưởng là cặp vợ chồng này khăng khít lắm. Thật tình, Na chưa thấy “tầm quan trọng” của chuyện “chăn gối”.
Hồi hai. Thời gian cứ kéo lê cảnh vợ hờ của Na. Hẳn là cô cũng nghĩ ngợi; hẳn là cô cũng buồn, cũng tủi. Song cô còn nhỏ quá nên sự buồn tủi đang dừng ở mức mưa bay gió nhẹ chăng? Rồi một hôm, Lương về nhà tỉ tê xin cha mẹ cho vợ chồng mình ra “ăn riêng”. Ăn riêng có nghĩa là được giao hẳn cho gian nhà ngang cùng một ít vật dụng, thổi nấu bếp riêng. Ăn riêng cũng có nghĩa là nhận một ít đất, ít vốn, tự làm tự lo.Chuyện này quá là nặng đối với đôi vai một cô gái chưa đến mười sáu tuổi. Nhưng cô le lói mừng là hẳn chồng đã biết nghĩ. Cô đã nhầm.
Ở trường Sư phạm, Lương được một thầy giáo đứng tuổi, có uy tín quí. Biết nỗi “khổ tâm và khó xử” của Lương, thầy khuyên nên cố mà gắn bó với vợ, khỏi làm nhỡ nhàng người ta. Mãi mà Lương chẳng “cố” được. Trong một lần nghe cậu học trò “ruột” tâm sự bằng giọng khổ não, thầy ngẫm ngợi một lát rồi bảo: “Con gái có thì, giam hãm mãi người ta trong cảnh vợ chồng hờ, rất không nên. Mà bỏ thì chắc cha mẹ trò chẳng thuận. Thôi thì cậu về xin ra ở riêng. Cô ta không chịu nổi thử thách này hẳn sẽ tự bỏ đi. Tôi bày cho trò mẹo này thì thất đức đây, nhưng đã không thắt được thì nên sớm cởi đi thôi”.
261

Na đâu biết mẹo thầy gà cho trò, yên phận làm theo. Chẳng biết cô lấy đâu ra sức vóc và nghị lực để “đứng” được. Người chồng đã học xong, và đã “xung phong” đi dạy học ở nơi xa. Cha chồng sau một lần bị ngã, ốm nằm một nơi. Bà chị chồng làm y sĩ quân đội lấy bạn đồng ngũ chẳng mấy khi về quê mẹ. Na phải một mình giúp mẹ chồng chăm nom người bệnh.
Thế rồi cải cách ruộng đất, nhà chồng bị qui là địa chủ. Ngôi nhà lớn bị trưng mua. Vợ chồng già được để lại cho căn bếp làm chỗ trú ngụ. Ông mất vào dịp đó. Trước lúc nhắm mắt mãi mãi, ông cầm tay bà dồn sức nói lời cuối cùng: “Tôi sống làm khổ bà và con dâu. Tôi những muốn chờ cho yên hàn, các con về được đủ mặt; trời không cho, đành vậy…”. Đám ma chỉ do hai mẹ con lo liệu, và vài ba người cùng cảnh ngộ đào giúp huyệt và đưa người chết đi. Na ăn riêng nên được cho giữ cái nhà ngang để ở. Hai người, mẹ chồng và nàng dâu, “ngự” hai nơi cách nhau một khoảng sân sau, dựa vào nhau để sống những ngày khó khăn nhất.
262

Hồi ba. Sẩm tối ngày ba mươi Tết, Lương mới về đến trước nhà. Anh được nghỉ Tết một tuần, nhờ sự thông cảm của các đồng nghiệp. Ngày Tết, việc đi lại khỏi nói sự gian truân. Người ta phải điều cả xe tải. Hành khách chỉ có ngồi bệt xuống sàn xe. (Vậy nên mới có câu: “Nhớ em, đánh nước mã hồi / Lên xe chở lợn anh ngồi anh mơ”). Anh lên xe từ chiều hôm trước, mãi quá trưa hôm sau mới về tới bến xe tỉnh nhà. Tiếp đó là chặng đường cuốc bộ. Về tới làng còn phải trình giấy tờ. Nông thôn ngày Tết có cái không khí linh thiêng riêng khác với thị thành. Hồi đó, rất hiếm nhà đốt pháo. Đường làng vắng ngắt. Song, trong nhiều nhà, bếp đỏ lửa, phần để nấu cỗ cúng đêm, phần để cho ấm nhà. Vùng này người ta đun nấu bằng củi. Trong sân nhiều nhà, leo lét đèn và nhang trên bàn thờ lộ thiên làm bằng một tấm ván con hình chữ nhật được một cái cột đỡ, gọi là “thiên đài”. Lương đã đến trước cổng nhà mình xưa. Trống hoác, nhìn vào tối mờ. Anh lần qua sân. Ngôi nhà chính bằng gỗ lợp tranh nhưng khá bề thế nay trơ nền. Nó đã bị trưng mua, có giấy tờ hẳn hoi nhưng không bao gìờ được trả tiền, và chia cho hai hộ nông dân; họ đã bán cho người làng bên để tiện chia nhau. Người ta đã dỡ nhà mang đi. Vườn trước nhà cũng đã thay chủ mới nhưng chưa chuyển nhà đến. Trong ánh sáng nhập nhoạng và không khí rét ngọt, túp nhà ngang và gian bếp im thui như nhà hoang. Lương đẩy cánh liếp. Mắt anh đã quen bóng tối nhìn thấy ngay mẹ và vợ ngồi hai bên chiếc chõng tre trong ánh đèn lù mù. Trước mặt hai người là chiếc mâm gỗ loáng thoáng bát đĩa. Hai người đàn bà giật mình nhìn ra. Bà mẹ đờ mặt như không nhận ra ai. Người vợ mấp máy môi: “Anh đã về”, tiếng lào thào như thảng thốt buột ra, rồi cúi mặt. Bà mẹ đặt cái bát trên tay xuống mâm nghẹn ngào: “Con về chẳng còn cha, cũng chẳng còn nhà”. Lương chú mục nhìn mâm “cỗ tất niên”. Một bát canh khoai, một đĩa rau luộc, một đĩa cà muối, một đĩa lổn nhổn hình như là cua rang. Anh nghĩ tới câu ca giễu thầy bói nói mò: “Số cô chẳng giầu thì nghèo / Đêm ba mươi Tết có thịt treo trong nhà”. Anh đứng sững, ngực nghẹn, sống mũi cay cay. Đến một mẩu thịt cũng không! Anh nhìn đến cái kệ kê sát vách dùng làm bàn thờ. Trên cái mâm bồng gỗ mất chân, xếp gọn nải chuối xanh, quả bưởi và mấy quả cam. Mấy que nhang nhả những sợi khói mơ hồ. Lương mở ba lô lấy hai cái bánh chưng và gói kẹo mua ở bến xe đặt lên, thắp thêm nén hương…
Tối đó, Lương đi viếng mộ cha. Đường đất chẳng gần, bà mẹ bảo để đến hôm sau, nhưng anh cảm thấy bức bối muốn được đứng trước nơi cha mình yên nghỉ.
263

Khi Lương trở về thì Na đã trùm chiếu nằm im trên chiếc chõng tre. Chiếc giường gỗ để trống, trải chiếu tươm tất cùng chiếc chăn chiên Nam Định, dẫu chiếu sờn, chăn xác. Bà mẹ đã về gian bếp của cụ. Lương đến ngồi ghé mép chõng đặt tay lên mặt chiếu lùm lùm. Im thít. Anh khẽ lay. Không động cựa. “Na ngủ đấy à?”. Không có tiếng trả lời, nhưng người nằm dưới chiếu khẽ cựa mình. Lương lật hé một mé chiếu ghé đầu lại gần:
– Trên đường về, tôi đã nghĩ là Na không còn ở đây nữa.
Biết bao cô vợ nhân cơ biến động lớn đã bỏ nhà chồng để thoát thân hoặc lo thân, cũng như biết bao anh chồng đã nhân cơ hội này để ruồng rẫy người vợ quê.
– Tôi chờ anh về lo cho bà, đưa bà đi cùng, để tôi lo phận tôi.
Tiếng nói đều đều một vẻ cam chịu nhưng hàm chút chua chát, chẳng ngái ngủ tí nào.
– Thôi, tôi xin. Tôi biết ở nhà khổ, song không ngờ đến nước này. Cảm ơn Na đã không bỏ mẹ tôi một mình. – Giọng Lương âm thầm.
Na bật khóc. Bao nhiêu đêm dài chịu đựng cảnh giường không chăn chiếu lạnh; bao nhiêu ngày tháng chịu đựng nỗi khốn khó nhiều khi cơ cực, chị cắn răng không khóc. Bây giờ, một câu nói mủi lòng của chồng làm bục cái màng che chắn, nỗi đắng cay, tủi cực bị dồn nén ùa ra không kìm nổi. Chiếc chõng tre rung lên. Lương ngồi lặng, mắt cũng nhoà lệ. Anh cảm thấy xót xa cho vợ, cho mẹ, cho chính mình. Một lúc lâu chờ cho vợ dịu bớt, Lương rút khăn tay lau mặt cho Na. Chị cầm lấy khăn ngồi dậy tự lau.

Na đã thôi thổn thức. Lương ngồi gần lại cầm tay vợ. Na toan rụt tay lại nhưng cảm nhận mấy giọt nước nong nóng vừa rơi xuống bàn tay chị. Bàn tay con gái mềm mại song sự lam lũ đã in dấu ấn nơi những vết chai sần, sờ vào cồm cộm, xốn xang. Phải thật đồng cảm và nhiều yêu thương mới biết ấp iu bàn tay này. Na nửa muốn gỡ ra, nửa ngồi im “chịu trận”. Ngày nào, chị từng chờ đợi những cử chỉ âu yếm. Hồi ức thẹn duyên, tủi phận dâng lên trong lòng, chị kéo tay về, ngồi dịch ra. Anh chồng như không còn biết đặt đôi bàn tay mình vào đâu. Tiếng muỗi vo ve nghe thật rõ. Giây lâu, Lương bảo: “Na lên giường mà nằm. Trên ấy có chăn”. “Tôi nằm đây được rồi” – giọng Na hơi ngàn ngạt. “Đã vậy thì để mình tôi nằm đây cho”, nói rồi anh chồng nằm luôn xuống chõng, kéo chiếu đắp kín đầu. Tần ngần một chút, người vợ đứng lên ra thềm ngồi. Khuya lắm. Làng mạc chìm trong giấc ngủ sâu. Cũng chẳng biết giao thừa qua lúc nào. Chị rón chân đến gần chõng xem chừng. Ánh đèn dầu soi lờ mờ dáng người nằm nghiêng, tay và chân quắp vào trước bụng. Lương thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề, anh vừa phải đi nhiều vừa phải nghĩ nhiều, cơ thể và tinh thần đều rã rời. Chiếc chiếu đắp tụt xuống đất. Na lại giường lấy chăn đắp cho người đàn ông dường như xa lạ mà thật ra chưa bao gìờ ra khỏi tâm trí chị, dẫu khó gọi là nhớ thương. Chị lên giường nằm chong mắt vào đêm, rồi cũng thiếp đi.
Những ngày Lương được nghỉ Tết chóng qua. Quan hệ vợ chồng anh chưa “cải thiện” được bao nhiêu. Hồi này, chủ động “cách li” lại là người vợ. Từ tối sau, Na nhanh chân chiếm lĩnh cái chõng trước. Lương biết ý, không “tranh”. Anh cũng đang có những câu hỏi cho mình, tự vấn và tự trách. Anh lo dọi lại mái nhà dột cho mẹ, cho vợ, đào cái giếng ngay trong vườn để vợ đỡ đi lấy nước xa. (Hai người đàn bà được chừa lại cho một mảnh vườn con sau nhà)

Ngày mai, Lương đã phải ra đi. Bữa tối, Na sửa một mâm cơm để thắp hương nơi ban thờ, một cỗ cúng thật đơn sơ. Một ít tiền và tem gạo Lương mang về, buổi mò đồng của Na, nhờ vậy mâm “cỗ” cũng coi là tươm tất trong hoàn cảnh ấy. Người ta vãn Tết rồi, nhà này coi như ăn Tết muộn. Mùi khói nhang bữa nay dường như nhen lại chút không khí sum vầy đã lâu lắm xa lánh hai căn nhà rách của hai người đàn bà. Trong bữa ăn sau đó, những nét nhăn sạm trên gương mặt bà mẹ có vẻ hơi sáng ra, và gương mặt u trầm của người con dâu chừng dịu đi.

Lương ngồi trước thềm nhà cuốn thuốc lá hút hầu như liên tục. Như mọi đêm trước, Na đã đi nằm. Gian nhà nhỏ đêm nay cô tịch hơn. Ngọn đèn dầu hoả vặn nhỏ đặt bên vách toả ánh sáng nhạt nhoà, hắt hiu. Đêm dần vào khuya. Trời đầy sao, long lanh lạnh. Lương khẽ rùng mình, dí tắt điếu thuốc vừa châm, đứng lên đi tới chỗ vợ nằm gọi khe khẽ: “Na ơi!”. Im lặng. Lương ngồi xuống chõng. “Na ơi! Anh muốn nói chuyện với em”. Lần đầu tiên từ miệng người chồng thốt ra hai tiếng “anh, em”. Người vợ mở chiếu đắp, sẽ sàng ngồi dậy, quơ tay cặp lại tóc, xong ngồi yên chờ. Trong ánh sáng tù mù, Lương nhìn dáng vợ ngồi nghiêng, hai tay thu vào giữa hai đùi khép lại – dáng ngồi của người ẩn nhẫn luôn luôn muốn thu gọn mình lại như e ngại choán mất nhiều không gian, anh cảm thấy lòng tái tê. “Anh định bảo gì?” – người vợ nhỏ giọng hỏi, không ngửng lên. Sự nín lặng lâu của người chồng khiến chị bối rối. Từ hôm chồng về, chị không muốn nghĩ ngợi gì nhiều. Sự ơ hờ của anh trước đây … Chê hay ngượng chuyện gối chăn? Hay một sự ngại ngùng, ám ảnh nào đó? Ai mà biết được. Nhà chồng thương quí chị. Chị âm thầm chịu đựng. Khó mà nói chị luyến người chồng chưa một lần bén hơi nhau. Có lẽ chị chờ “một lời dứt khoát” từ phía anh. Chị được cưới hỏi đàng hoàng thì ra đi cũng phải đàng hoàng. Đoán vậy thôi, gán cho chị những suy tư này có quá không, chị vẫn còn quá trẻ! Dù sao trong tâm trí chị chưa lọt vào bóng dáng người đàn ông nào khác, nhất là trong hoàn cảnh chị gồng mình gánh cơn gieo neo với nhà chồng. Chị chưa tiên liệu cuộc đời chị rồi sẽ ra sao nếu anh mãi mãi cứ là như vậy. Bởi, chị và mẹ chồng chị những ngày vừa qua không sống mà là tồn tại, với chút hi vọng mơ hồ vào ngày mai. Chồng về, chị chia sẻ chút an ủi nhen lên trong lòng bà mẹ. Song, nỗi riêng của chị thì bà mẹ chồng khó mà chia sẻ được. Có thể anh chỉ về để đưa bà mẹ đi. Thế cũng là xong, cũng là đành, chị không còn muốn mang thân phận vợ hờ nữa. Thôi, chẳng nghĩ ngợi làm gì. Nhưng thái độ của anh đã khác nhiều. Chỉ mấy ngày về nhà mà nom anh sọm hẳn đi.
Lương choàng tay ôm vai vợ kéo nhẹ vào mình. Như có một luồng điện giật, Na bủn rủn người thoắt lạnh đi rồi nóng bừng lên. Chị đổ nghiêng người mặt úp vào người đàn ông mấy hôm nay gần đấy mà cách biệt đấy, tự nhiên mắt ứa lệ. Lương khẽ vuốt tóc vợ, nâng mặt chị lên, đưa môi chạm vào mi mắt ướt rồi lần tìm đôi môi. Một làn sóng đê mê làm tê liệt ý thức người con gái lần đầu biết thế nào là cảm xúc lứa đôi.
* * *
– Bà ơi! Ông về tí rồi đi không đem bà theo ạ?
– Nhiêu khê là chuyện phải giải quyết mới đi được chứ cháu!
– Bà và cụ nội cứ sống khổ vậy ư?
– Qua cái đận ấy, gặp hồi được mùa, bà và cụ đi mót, kiếm thêm cũng không còn quá khó khăn. Ông nội cháu cũng tìm cách gửi tiền và tem phiếu về. Ông cháu phải sống tùng tiệm, cả kham khổ nữa mới lo được thế, chứ đồng lương… chẳng mấy.
– Vậy là ông thương bà lắm đấy, bà nhỉ? Bà ở nhà cui cút, bà có nhớ ông không bà?
Nhớ ư? Người chồng từ biệt ra đi, hẹn sẽ thu xếp để đem mẹ và vợ đến với mình. Cảnh nhà đỡ cơ cực. Nhưng cảm giác trống vắng, thiếu người đàn ông đậm hơn. Những lá thư người chồng hàng tháng gửi về được đón đợi như một thứ tín sứ mang lại sự động viên và niềm an ủi cho cuộc sống đơn điệu và vất vả. Lâu lâu thư chậm về, người vợ canh cánh, thấp thỏm lo xẩy chuyện không may cho chồng… Nhưng bà chỉ bảo cháu:

– Bà bận tối ngày, có nhiều thì giờ như các cô bây giờ đâu mà nhớ với nhung.
Cô bé ghé tai bà hỏi nhỏ:
– Bà ơi bà! Ông có hôn bà lần nào không?
Hỏi xong, cô rụt người lại để thủ thân, vừa cố nhịn cười. Bà dở cười, dở cáu, cốc đầu cô cháu cưng:
– Con bé này hư thật! – Bà ngồi lặng, mắt xa xăm – Bà ngần này tuổi rồi mà nhớ lại chiếc hôn đầu vẫn còn ớn lạnh. Các cháu bây giờ học theo phim phung phí các nụ hôn quá.
Những lời bà cụ vừa thốt ra quả là bất ngờ đối với cô cháu gái.

10-1999.

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền