35-Vết Đau Xưa (Truyện Ngắn) Nhà Văn Điệp Mỹ Linh (USA)

 

Nhà Văn Điệp Mỹ Linh

 

 Mùa gió chướng

 

Vết Đau Xưa



Từ ngày mãn tù, về sống với mẹ, Hoan không có đặc điểm gì để những người quanh đây phải để ý đến chàng. Và cũng vì ánh mắt đố kỵ của nhiều người, Hoan không dám tiết lộ điều chi liên quan đến cá nhân chàng. Nhưng từ khi nhiều du khách Việt-Nam từ ngoại quốc về thăm quê nhà, hay tin có một sĩ quan V.N.C.H. sống tại đây, họ đến thăm, vì chút tình cùng chiến tuyến ngày xưa. Sau những lần thăm viếng đó, xóm giềng mới biết Hoan là sĩ quan cấp tá của chế độ cũ và họ gọi tắt là ông Tá Cũ.

            

Hoan rất thích biệt danh ông Tá Cũ. Ðiều Hoan thích hơn cả là ánh mắt mọi người nhìn Hoan đã trở nên thân thiện. Từ ngày, nhờ quà và tiền do Bảo-Trân và các con gửi về, Hoan mua được căn nhà khang trang, trong nhà trang hoàng nhiều vật dụng điện tử và đồ gia dụng rất Ộhiện đạiỢ thì ngay cả công an và cán bộ cũng tỏ ra có cảm tình với Hoan. Lúc này bản tính thích phô trương của Hoan bùng lên nên Hoan quên ngay những đày đọa, khổ ải và nhục nhằn trong trại cải tạo. Hoan tìm mọi cơ hội để làm quen, kết thân rồi mời công an và cán bộ đến nhà hàng ăn nhậu, hát karaoke để chứng tỏ cho mọi người biết chàng có Ộvây cánhỢ chứ không phải chàng hết thời!

            

Bao giờ cũng vậy, nếu Xiêm, người đàn bà đã có với Hoan một đứa con trai, chán cảnh rượu thịt, nói phét và những bài karaoke quen thuộc mà Hoan thường tập trước ở nhà, Xiêm bỏ về trước là Hoan vui thích, rộn ràng như trẻ con. Hoan dành quyền trở thành người điều khiển chương trình, danh từ thời thượng mượn của Anh-ngữ là M.C. (Master of Ceremony). Thỉnh thoảng Hoan cũng chêm vào phần giới thiệu vài danh từ Anh ngữ mà Hoan bắt chước khi xem T.V. Khi nào thấy một phụ nữ chưng diện hơi kha khá một tý tham gia chương trình, Hoan tự động lấy tiền mặt cho vào bao thư, treo giải thưởng hiện kim. Thời gian đầu mọi người còn nôn nóng xem ai hát hay nhất để được Hoan trao giải; nhưng qua nhiều lần thấy ông Tá Cũ cứ trao giải cho những phụ nữ nào biết cách phục sức, có dáng điệu lả lơi, dù hát dở ẹc, thì cuộc vui không còn hấp dẫn nữa.

            

Hát karaoke không còn hấp dẫn nhiều người, Hoan rủ những người thích nịnh chàng để được ăn uống khỏi tốn tiền, đến các quán bia ôm, dĩ nhiên Hoan tìm cách nói dối để Xiêm không đi cùng. Sau khi ông Tá Cũ say, công an và cán bộ thường dùng Honda của ông chở ông về, giao cho Xiêm.

            

Mọi khi Hoan uống vừa phải nên chỉ ỘđãỢ thôi chứ không say. Một hôm, trong những cô gái phục vụ, Hoan ỘchịuỢ một cô mới, vì cô bảo cô đang học đại học, nhưng bố bị tai nạn, chết, đành phải làm gái phục vụ để đủ điều kiện tiếp tục việc học. Thế là ông Tá Cũ trổ hết tài năng để chinh phục nàng sinh-viên-bia-ôm. Và kết quả là ...

            

...Vừa vào đến nhà, Hoan nôn thốc nôn tháo. Người đưa Hoan về, ngại bị Xiêm trách cứ, vội giao chìa khóa Honda cho cụ Nhân, Mẹ của Hoan, rồi lẫn ngay. Hoan bò lê trên nền nhà. Thức ăn và nước giãi nhểu lòng thòng nơi miệng Hoan trước ánh mắt lạnh lùng, dửng dưng của Xiêm và sự xốn xang của cụ Nhân. Cụ Nhân cuống quít bảo Xiêm:

- Dìu anh ấy vào phòng. Dìu anh ấy vào phòng. Nhanh lên.

            

Xiêm giả như không nghe. Lập lại một lần nữa cũng vẫn không thấy Xiêm thay đổi thái độ, cụ Nhân quát:           

- Ðem anh ấy vào phòng chứ sao lại để anh ấy bò như thế? Không sợ thiên hạ cười à?

            

Xiêm im lặng, quay vào phòng. Cụ Nhân dìu Hoan không nổi, nhưng thấy Hoan cứ bò quanh, không biết lối vào phòng, cụ lại lớn tiếng nguyền rủa:          

- Con đàn bà ác độc! Có ra đưa anh ấy vào phòng hay không thì bảo. Mày mà không đem con tao vào trong, tao đuổi cổ mày ra khỏi nhà tao ngay.

            

Bị gia đình từ bỏ hơn ba mươi năm qua, không nơi nương tựa, Xiêm ngại nên bước ra, kéo cổ áo của Hoan, nghiến răng, dằn từng tiếng trong miệng:       

- Ngã này nè, cha nội.

            

Bò được vào trong, khó khăn lắm Hoan mới leo được lên giường. Sau một lúc thở hổn hển, Hoan gọi, giọng đứt khoảng:

- Em!...Xiêm ơi!...Cho anh...ly...nước cha ...n...h...

            

Xiêm vẫn ngồi yên nơi chiếc ghế cạnh của sổ. Ðợi một lúc vẫn không thấy Xiêm xuống bếp làm nước chanh theo lời kêu gào của Hoan, cụ Nhân lẹt xẹt bước đến cửa phòng:

- Vẫn còn ngồi đấy à? Có nghe chồng chị bảo gì không? Muốn để con tôi chết khát đấy phải không?

- Ảnh kiếm rượu ảnh uống được, ảnh kiếm gái ảnh chơi được thì ảnh tự kiếm nước chanh mà uống.

- Mày dám trả treo với tao thế hả, con kia?

- Con không dám trả treo với Mẹ. Nhưng vì Mẹ không chịu thấy rằng ảnh hư đốn quá.

- Chồng hư là tại vợ. Nếu chị chu toàn bổn phận làm vợ, làm dâu; chị biết yêu thương chiều chuộng anh ấy, đem hạnh phúc đến cho anh ấy; chị biết lo lắng, chăm sóc mẹ chồng thì chồng chị đâu có buồn mà sinh hư. Ðấy, tất cả là lỗi ở chị, chị đã thấy chưa?

            

Những lời đổ vạ của cụ Nhân, thời gian đầu, đã khiến Xiêm khổ sở và ray rức rất nhiều. Nhưng sau bao nhiêu năm cố gắng thương yêu, chiều chuộng Hoan và hết lòng lo lắng cho cụ Nhân mà Xiêm cũng vẫn bị Hoan phụ rẫy, lừa đảo, và vẫn bị cụ Nhân nặng lời, Xiêm bỏ cuộc, trở nên lỳ ra.

            

Cụ Nhân lại lải nhải:

 Từng này tuổi, tôi chưa thấy ai tàn nhẫn với chồng như thế. Ai đời thấy chồng say mà không lo làm nước chanh cho chồng uống giải rượu, không lo cạo gió cho chồng mà để chồng nằm tênh hênh, nhỡ anh ấy bị trúng gió chết thì sao, hả?

            

Xiêm khẽ cười gằn. Cụ Nhân lo sợ Hoan bị trúng gió chết trong khi Xiêm lại sợ khuya đến sẽ bị Hoan dày vò! Cứ mỗi lần Hoan say hoặc mỗi lần Xiêm bắt được Hoan cờ bạc hay lang chạ các chốn ăn chơi, là mỗi lần Xiêm khổ trong lòng thì ít mà sợ bị cụ Nhân đay nghiến và sợ bị Hoan hành hạ trên giường thì nhiều! Trong khi Xiêm cho rằng nàng bị hành hạ trên giường thì Hoan lại nghĩ chàng làm như vậy để chuộc bớt tội lỗi của chàng.

            T

hấy Xiêm vẫn ngồi im, cụ Nhân quát:

- Thứ đàn bà ăn hại. Thứ đàn bà vong ơn. Tao mà biết như thế, ngày xưa tao chả thèm làm phúc rửa nhục cho mày và họ hàng nhà mày. Bây giờ mày ngon thì mày đi đi. Mày mà bước ra khỏi nhà này thì sẽ có hằng tá con gái mười bảy, mười tám tuổi sắp hàng trước cửa để được làm dâu nhà này đấy.

            

Mỗi khi nghe cụ Nhân nhắc lại hành động Ộthi ân, rửa nhụcỢ cho nàng và gia đình nàng là mỗi lần đầu óc Xiêm bị căng cứng vì uất hận nên cơ thể Xiêm gần như rũ liệt.

            

Vẫn không thấy Xiêm rời phòng, cụ Nhân tiếp:

- Ðược rồi, để chồng mày tỉnh rượu rồi mày biết. Tao sẽ báo cho chồng mày biết: Một là tao, hai là mày, nó phải chọn một. Tao không thể sống với thứ đàn bà bất nhân!

            

Ðây không phải là lần đầu tiên Xiêm bị cụ Nhân sỉ nhục và hăm dọa; nhưng đây là lần đầu tiên, kể từ ngày thất thân với Hoan cách nay hơn ba mươi năm, Xiêm mới có ý cầu mong cho bất cứ ai trong ba người hiện diện trong căn nhà này, hôm nay, phải chết đi thì hai người kia mới dứt được đau khổ!

            

Xiêm xoay người, muốn nói ra phần nào ý nghĩ của nàng; nhưng vì từ nhỏ đã bị gia đình ức chế và uốn nắn theo khuôn mẫu của những người đàn bà chỉ biết nhẫn nhục và phục tòng nên Xiêm vội tự chế, lẳng lặng xuống bếp. Nghe tiếng đồ vật bị dằn mạnh phát ra từ nhà bếp, Cụ Nhân nói vọng xuống:

- Này! Này! Tôi bảo cho mà biết. Không muốn lo cho con tôi thì cứ bảo. Cấm Ộgiận cá chém thớtỢ đấy nhá.

            

Xiêm lén ném về hướng cụ Nhân ánh mắt đầy uất hờn. Ngày xưa tiếng Bắc pha tý giọng miền Nam của Hoan đã quyến rũ Xiêm bao nhiêu thì ngày nay tiếng Bắc pha giọng Nam đó lại khiến Xiêm cảm thấy đau đớn, ê chề bấy nhiêu.

            

Khi Xiêm bưng ly nước chanh đi ngang, cụ Nhân nhìn theo dáng phục phịch của nàng, hứ một tiếng rồi nói trống không:

- Ôi giời! Ðàn bà sao có người được cả nết lẫn người; còn có thứ thì nết cũng chả được mà người thì cứ lạch bà lạch bạch như con vịt bầu! Thảo nào tên là Xiêm.

             

Không cần suy nghĩ Xiêm cũng biết cụ Nhân ngầm so sánh Xiêm với Bảo-Trân, người bạn cùng xóm, ngày xưa thường tặng Xiêm những chiếc áo dài cũ, những đôi giày, đôi guốc không còn hợp thời trang.

            

Dạo mới về sống chung với Hoan, mỗi khi bị cụ Nhân mắng nhiếc, Xiêm cứ tự hỏi tại sao cụ Nhân cay độc như vậy mà Bảo-Trân có thể chịu đựng được suốt bao nhiêu năm dài? Nhưng Xiêm nghĩ lại và cho rằng có thể cụ Nhân chỉ tàn tệ với Xiêm, vì Xiêm thua kém Bảo-Trân về tất cả mọi phương diện. Ý nghĩ này càng khiến cho niềm tự ty mặc cảm trong Xiêm cắn rứt, dày vò Xiêm thêm. Những lúc vui vẻ bên nhau, Xiêm thố lộ nỗi niềm của nàng, Hoan cười: ỘKhông phải tại em đâu. Tính Mẹ là vậy đó. Thôi, đừng bàn về chuyện bà cụ nữa. Mẹ anh là Mẹ anh. Em có nói gì thì nói, không bao giờ anh bỏ Mẹ của anh đâu.Ợ Xiêm thở dài: ỘEm nghĩ có lẽ Mẹ thương Bảo-Trân...Ợ Hoan lại cười: ỘThương gì! Anh nói rồi. Tính Mẹ là vậy đó.Ợ Câu nói của Hoan hơi tối nghĩa. Không bao giờ Xiêm hiểu Hoan ngụ ý rằng ngày xưa cụ Nhân cũng chẳng nhân từ gì với Bảo-Trân.

            

Lúc nào nghĩ đến Bảo-Trân, Xiêm cũng cảm thấy cay đắng trong lòng. Ngày xưa, lúc học cùng lớp và sống cùng một xóm, Xiêm cũng đã ngầm ganh tỵ với Bảo-Trân; vì, ngoài bản tính nhu mì, hiền dịu, Bảo-Trân còn được Tạo-Hóa ban cho nhiều điều mà bất cứ người con gái nào cũng mơ ước. Khi thấy nhiều thanh niên trí thức thường đến nhà Bảo-Trân, niềm ganh tỵ và nồng độ ấm ức trong lòng Xiêm càng cao, tưởng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào; nhưng Xiêm không thể bộc lộ, vì bao giờ Bảo-Trân cũng tỏ ra thân thiện, mềm mỏng với Xiêm. Khi biết Bảo-Trân và Hoan yêu nhau, Xiêm cũng ngấm ngầm đau khổ; vì Hoan là mẫu thanh niên thời thượng: Gia nhập quân đội, có thái độ bất cần đời, thích văn nghệ, biết nói những câu tâng bốc hợp lúc. Ðến khi vô tình gặp lại Hoan khi đơn vị của Hoan hành quân dài hạn nơi khu vực cạnh ngôi làng nhỏ Xiêm đang dạy học, được Hoan tán tỉnh, nịnh nọt, Xiêm thật sự cảm thấy nàng cũng quan trọng, ít ra là đối với một người - Hoan. Rồi, vì Bảo-Trân, Hoan đành đoạn đẩy Xiêm rơi lại hố thẳm của mặc cảm tự ty. Dạo sau này, cũng vì Bảo-Trân gửi quà và tiền về giúp Hoan cho nên Hoan mới có phương tiện để sống cuộc đời bê tha, trụy lạc y như thời gian trước năm 75! Xiêm tự hỏi, tại sao cuộc đời hẩm hiu của nàng lại cứ bị, hết Bảo-Trân lại đến cụ Nhân và Hoan, trút lên đầu nhũng phiền muộn, lừa đảo và thù hằn?

            

Từ trước đến nay, sự xung đột giữa cụ Nhân và Xiêm, cũng như những bất hòa trầm trọng ngày xưa giữa cụ Nhân và Bảo-Trân, không thể nào Hoan hóa giải được. Nhưng, đúng như niềm lo sợ của Xiêm lúc đầu hôm, khuya đến, đợi cụ Nhân yên giấc, Hoan nhẹ nhàng ôm Xiêm, ngọt ngào năn nỉ. Không biết ngày xưa, trong tình cảnh như thế này, Bảo-Trân phản ứng như thế nào; nhưng ngày nay, những lời dịu ngọt của Hoan khiến Xiêm kinh tởm vì nhớ lại những hành động và cử chỉ của chàng ngày xưa.

            

Ngày đó, những lần bị lương tâm cắn rứt, dày vò, Xiêm thường khuyên Hoan hãy đoạn tuyệt mối tình tội lỗi giữa chàng và nàng. Hoan giả vờ ngạc nhiên: ỘTại sao em gọi mối tình trong trắng, thánh thiện của hai đứa mình là tội lỗi? Yêu nhau là tội lỗi à?Ợ Xiêm khổ sở: ỘEm không muốn làm khổ Bảo-Trân. Nó là bạn thân của em từ nhỏ.Ợ Hoan tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn: Anh đã giải thích với em hoài mà em không nghe. Anh và Bảo-Trân chẳng có gì cả. Người anh yêu là em.Ợ Xiêm bức rứt: ỘTrời ơi! Anh không có gì với Bảo-Trân tại sao anh lại cử hành lễ đính hôn với Bảo-Trân?Ợ Hoan thở dài: ỘBiết bao nhiêu lần anh đã xác nhận với em rằng Bảo-Trân mê anh trong khi anh chỉ xem Bảo-Trân như người em gái thôi. Nhưng Mẹ anh muốn anh lấy Bảo-Trân thì anh phải vâng lời cho Mẹ anh vui lòng. Một lý do nữa là lúc đó nếu anh quen em trước thì cuộc diện đã khác.ỢGiọng Hoan ngọt ngào thêm ánh mắt nhìn Xiêm đắm đuối khiến Xiêm phân vân: ỘBảo-Trân có tài, đẹp, học giỏi hơn em, tại sao anh không thương mà lại thương em?Ợ Hoan có biệt tài nói dối và làm cho đối tượng phải tin chàng: ỘAnh không thích đàn bà học cao. Anh là lính, rày đây mai đó mà lấy vợ đẹp, có tài và học cao thì cũng như ôm trong người trái mìn nổ chậm thôi, em ơi! Anh cần một người đàn bà, nhan sắc không cần thiết, chỉ cần dịu dàng, đảm đang, tính tình vui vẻ, biết hy sinh đời mình cho gia đình, như em vậy.Ợ Xiêm hơi yếu lòng: ỘNhưng Bảo-Trân đã là vị hôn thê của anh rồi. Hoan tươi nét mặt: ỘAnh sẽ từ hôn, vì người mà anh yêu là em chứ không phải Bảo-Trân. Xiêm hớn hở trong lòng: Anh nói thiệt hôn đó? Hoan nghiêm giọng: Anh thề với em...Ợ Xiêm hốt hoảng ngăn lại: ỘThôi, thôi, anh đừng thề. Ðời lính tráng... Hoan ngắt lời Xiêm: ỘAnh thiệt vàng đâu sợ lửa. Ðể anh thề cho em tin...

            

Những lời mật ngọt ấy được thốt ra từ hai bờ môi mỏng, thường mím vào nhau để làm dáng. Ðến khi Xiêm vào vùng đóng quân báo tin nàng cấn thai, cũng từ đôi môi ấy thốt ra: ỘEm đi về đi, để từ từ anh tính. Bây giờ anh đang họp hành quân.Ợ Xiêm tủi thân: ỘAnh tính gì thì tính gấp gấp chứ bụng em càng ngày càng lớn, nhục nhả quá, làm sao em sống được!Ợ Hoan im lặng, không giấu được vẻ khổ sở. Xiêm thiểu não: ỘAnh nghĩ anh có thể thưa thật với Bác ở nhà không?Ợ Hoan lắc đầu liên tiếp: ỘKhông được đâu. Không được đâu. Bà cụ cứng rắn lắm. Bà cụ đã chọn Bảo-Trân rồi, đố ai lay chuyển được ý muốn của bà cụ.Ợ Xiêm ngây thơ: ỘVậy sao hồi đó anh nói anh sẽ từ hôn?Ợ Hoan lúng túng: ỘEm cứ đi về đi. Ðừng cho ai biết cả, để từ từ anh tính. Xiêm khóc tức tưởi: ỘEm dại, em chịu. Nhưng con em vô tội. Em không muốn sau này con em nghĩ rằng nó chỉ là con tinh trùng rơi rớt của anh. Hoan mất bình tĩnh: ỘEm đừng nặng lời với anh. Anh không thích bị kết tội. Xiêm vùng vằng đứng lên: ỘThôi, em hiểu rồi.Ợ Xiêm đinh ninh rằng Hoan sẽ níu tay nàng, năn nỉ nàng ngồi lại như những lần trước, mỗi khi nàng dỗi hờn; nhưng không, Hoan cũng đứng lên như tỏ ý muốn tiễn Xiêm ra về:Xiêm! Em nên hiểu cho anh. Vì thương yêu em, anh đã phản bội Bảo-Trân. Bảo-Trân hoàn toàn vô tội. Anh không thể làm Bảo-Trân đau khổ.  Xiêm hằn học: Nói như anh thì em là kẻ có tội, phải không? Anh sợ phải làm Bảo-Trân đau khổ còn em đau khổ thì không sao, đúng không?Vậy sao hồi đó anh nói anh sẽ từ hôn Bảo-Trân? Hoan cố giữ giọng từ tốn: Em nghĩ lại đi, em. Người ta con nhà danh giá. Anh từ hôn thì còn gì danh dự của người ta và gia đình người ta, làm sao người ta sống được trong thành phố đó? Anh yêu em. Nhưng căn bản đạo đức của con người không cho phép anh đem đau khổ đến cho Bảo-Trân, vì nàng là người con gái vô can trong vấn đề giữa hai đứa mình!Xiêm giận dữ: Như vậy có nghĩa rằng gia đình em nghèo nên không có danh giá, phải không? Hoan hoảng hốt, ngại Xiêm sẽ làm ầm lên: Anh không có ý đó. Em đừng hiểu lầm, tội nghiệp anh. Em cứ về, cố gắng đi dạy bình thường, đừng cho ai biết. Thứ bảy anh sẽ đến và anh sẽ giàn xếp mọi việc êm đẹp. Hoan hứa như vậy nhưng suốt tuần qua Hoan không đến. Xiêm trở lại vùng đóng quân thì mới hay Hoan đang đi phép thường niên! Biết bị lường gạt, Xiêm chỉ muốn quyên sinh để xóa đi niềm hờn tủi và cũng để cha mẹ cùng đàn em dại khỏi phải cúi mặt với đời vì tiếng thị phi. Nhưng nghĩ đến bào thai vô tội, Xiêm không nỡ. Nhiều đêm oán hận dâng ngập cả lý trí, Xiêm chỉ muốn phá thai rồi vào chùa, xuống tóc quy y. Nhưng, nếu nàng đi tu, ai sẽ phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em, nhất là đứa em trai kế, nếu không đủ điều kiện tiếp tục học để thi tú tài, nó sẽ phải đi lính. Tương lai của nó sẽ ra sao? Nếu nó đi lính, rủi nó có mệnh hệ nào, Xiêm có sống nổi với sự dằn vặt trong lòng cùng với sự trách móc mà gia đình sẽ trút lên đời nàng không? Còn nếu sống với bào thai, sự tủi nhục với đời, Xiêm nghĩ, Xiêm có thể sẽ cúi gầm mặt mà đi, nhưng làm thế nào Xiêm còn can đảm giảng dạy cho học sinh những bài luân lý và giáo dục? Rồi với đồng lương ít ỏi của một cô giáo trường làng, làm thế nào Xiêm có thể nuôi con và gửi về giúp các em ăn học?

            

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Xiêm quyết định một cách thức thời, can đảm và đáng thương! Không bao giờ Xiêm ngờ rằng quyết định can đảm và đáng thương của nàng ngày đó bây giờ đã trở thành lợi khí để cụ Nhân và Hoan xử dụng mỗi khi Xiêm không tuân theo những nhu cầu ích kỷ của hai người.



Sau khi đưa du khách trở về khách sạn, Ninh dự tính sẽ ghé nhà người chú ruột, thăm và an ủi cô em; nhưng vừa xuống hết cầu thang, thấy Bảo-Trân ngồi bất động, mắt đăm chiêu nhìn ra cầu Thê-Húc, nơi có chiếc cầu nho nhỏ và thành cầu cong cong, Ninh ngạc nhiên:

- Cô chưa lên phòng nghỉ à, cô?

 

Bảo-Trân quay lại:

- A, Ninh. Chưa.

- Cô cần đem gì nặng lên phòng, em đem hộ cô?

- Không. Cảm ơn Ninh. Cô muốn dùng cơm chiều sớm để về chờ điện thoại các em từ Mỹ gọi sang. Ninh rảnh không, cô mời Ninh.

            

Ninh hiểu Bảo-Trân mời Ninh, ngoài chút cảm tình giữa một du khách và một hướng dẫn viên du lịch, còn có một lý do khác. Theo nhận xét của Ninh trong những ngày qua, Bảo-Trân có vẻ rất dè dặt và hoàn toàn không tin tưởng khi giao tiếp với người đồng chủng ngay trên chính quê hương của mình. Ðiều này thật đáng buồn nhưng không thể trách Bảo-Trân được. Ninh đã thấy, và đôi khi chính Ninh phải mà cả, kỳ kèo hộ khi Bảo-Trân bị các cơ quan liên hệ và người buôn bán địa phương chặt đẹp không khác gì đối với du khách khác ngôn ngữ. Vì vậy Ninh đổi ý định, tự hứa sẽ thăm cô em vào hôm khác:

- Cô muốn ăn ở đâu, em đưa cô đi.

- Cô mời Ninh. Ninh biết chỗ nào bán thức ăn ngon thì đưa cô đi giùm. Nhưng cô không dám để Ninh chở xe gắn máy đâu.

- Em điện thoại thuê một xe con, cô nhá.

            

Lúc mới đến Hà-Nội, nghe danh từ xe con, Bảo-Trân không hiểu. Về sau Bảo-Trân mới hiểu xe con là xe du lịch.

            

Chiếc xe du lịch chạy vòng Hồ-Hoàn-Kiếm. Nhiều người địa phương tụ thành từng nhóm nhỏ để tập tai chi. Ninh gợi chuyện:

- Cô à, cô du lịch nhiều nơi lắm, phải không, cô?

            

Bảo-Trân nhìn Ninh, gật đầu:

- Sao Ninh biết?

- Những lần cô nói chuyện với du khách ngoại quốc trong nhóm, em nghe được.

            

Bảo-Trân cười. Ninh tiếp:

- Cô đi nhiều, thế cô so sánh như thế nào giữa nước mình và các nước khác?

            

Bảo-Trân lắc đầu, đùa:

- Nước mình có nhiều cái nhất lắm.

- Thật hả, cô? Mình nhất về cái gì, cô?

- Nước mình nghèo nhất, nhiều xe gắn máy nhất, nhiều hơn cả nước Nhật, nơi sản xuất ra xe gắn máy. Còn nhiều cái nhất nữa mà cô không dám nói, vì cô còn muốn trở về Mỹ sống với các con của cô.

            

Ninh cười rộ lên:

- Cô nói chuyện cởi mở và vui ghê. Em ước gì sau chuyến du lịch này cô sẽ trở lại Hà-Nội, và em sẽ được gặp lại cô.

- Trở lại Hà-Nội hay không, cô chưa biết. Nhưng nếu em không có chuyến kế tiếp và em muốn giúp cô thì, xong lịch trình chuyến này, em có thể thuê chiếc xe nhỏ, đưa cô đi Nam-Ðịnh. Cô sẽ đền ơn Ninh.

- Vâng. Em sẽ đưa cô đi. Cô có bà con ở Nam-Ðịnh, phải không, cô?

            

Bảo-Trân hơi ngần ngừ, không biết nên nói thật với Ninh hay không. Nhưng bản tính thật thà không cho phép nàng nói khác được:

- Không. Cô đến Nam-Ðịnh tìm chú.

- Chú là chồng của cô, phải không?

           

Bảo-Trân gật đầu. Ninh có nhiều thắc mắc nhưng không giám hỏi, đành tiếp:

- Vâng, em sẽ đưa cô đi. Nam-Ðịnh là quê ngoại em đấy. Nhà ngoại em ở gần cầu Ðò-Quan. Cô muốn tìm nhà ai, em tìm ra ngay.

- Vậy thì tốt quá. Cảm ơn Ninh.

            

Chiếc đang xe chạy trên đường Ðiện-Biên-Phủ. Gần đến bảo-tàng-viện chiến tranh, Ninh phản ứng theo nghề nghiệp:

- A, còn sớm, cô muốn ghé thăm bảo-tàng-viện chiến tranh không?

            

Còn đang ngầy ngật vì cảm giác buồn nôn khi viếng nhà tù Hoả-Lò lúc sáng, Bảo-Trân giật mình, lắc đầu:

- Thôi. Thôi. Cô không muốn thấy bất cứ vết tích gì của chiến tranh nữa.

            

Thoáng nhìn Bảo-Trân, Ninh tỏ vẻ lo ngại:

- Từ sau lúc viếng nhà tù Hỏa-Lò, em thấy dường như cô không được khỏe.

            

Bảo-Trân lắc lắc đầu như muốn xua đuổi hình ảnh những bộ xương bọc da bị xích chân vào chiếc cùm hoặc bị treo chúc đầu xuống đất, trên lưng, trên bụng, trên mặt còn hằn nhiều vết thù màu tím thẫm.

- Cô kinh tởm đến phát bệnh khi thấy những hành động dã man, tàn ác giữa con người đối với con người.

- Những gì cô xem ở Hỏa-Lò chỉ là hình nhân giả thôi mà.   

- Những gì bây giờ mình xem là giả, nhưng đó chỉ là một phần của sự thật đã xảy ra, Ninh biết không?

- Dạ. Em hiểu cô nói gì rồi

- Cô không hiểu họ còn giữ lại những tàn tích của chiến tranh để làm gì? Tại sao họ không phá luôn nhà tù Hoả-Lò mà lại chỉ phá đi một phần để xây khách sạn, còn phần kia lại sơn phết lòe loạt để trưng bày?

- Cô là du khách đầu tiên đặt hai câu hỏi mà em không trả lời được. Thế cô cho em hỏi cô một câu, nhé!

            

Bảo-Trân nhìn Ninh, gật đầu. Ninh tiếp:

- Tại sao lại phải xóa đi tàn tích chiến tranh?

- Cô không quan niệm rằng mình nên tẩy xóa tất cả vết tích của chiến tranh; nhưng cô đau lòng khi thấy những tàn tích ấy được trưng bày một cách ngạo nghễ, đầy thiên lệch. Nếu họ muốn bảo vệ tất cả mọi di tích lịch sử thì hãy giữ nguyên vẹn hình thái và tiểu sử của di tích đó. Ðừng bóp méo, đừng che đậy và cũng đừng thêm thắt.

- Em đồng ý với cô.

- Còn một vấn đề tâm lý hết sức phức tạp, Ninh biết không?

- Dạ, sao cơ?

- Cách nay mấy hôm, lúc du ngoạn Vịnh Hạ-Long, Ninh bảo với cô rằng giới trẻ ở đây chỉ muốn quên hết quá khứ, nhất là một quá khứ đầy lỗi lầm và thù hận, để nghĩ đến ngày mai...

            

Bảo-Trân ngưng lại, nhìn Ninh như đợi Ninh xác nhận. Ninh gật đầu:

- Vâng. Ðúng thế.

            

Giọng Bảo-Trân chợt nghèn nghẹn:

- Theo cô nghĩ, muốn quên hết quá khứ đầy lỗi lầm và thù hận thì không nên khơi lại vết thương của nhau nữa.

            

Là một thanh niên nhạy cảm, Ninh hiểu chàng đã vô tình khơi dậy nỗi đau trong hồn Bảo-Trân nên Ninh im lặng.

            

Trong bữa ăn tối, tại nhà hàng Ngọc-Sương, nhìn vẻ lúng túng của Ninh, Bảo-Trân cảm thấy tội nghiệp. Biết đến bao giờ Ninh mới đủ khả năng tài chánh để bước vào nhà hàng có máy lạnh và thực khách được trao khăn nóng ngay sau khi vừa chọn bàn xong! Tự dưng Bảo-Trân nghĩ đến những đứa em, cũng một thời Khoa học, Luật khoa, nhưng hơn hai mươi năm qua đành ngậm đắng nuốt cay nơi vùng kinh tế mới! Bảo-Trân không hiểu, nếu được vào những nhà hàng như thế này, những đứa em của nàng có còn nhớ cách xử dụng nĩa và dao một cách thanh lịch hay không! Chút cảm nghĩ này khiến Bảo-Trân thương mến Ninh.

            

Và chính Ninh cũng quý mến Bảo-Trân thật lòng; vì mấy ngày qua Ninh đã nhận biết Bảo-Trân là một phụ nữ đằm thắm, đài các, có kiến thức rộng nhưng rất nhún nhường. Bảo-Trân nhìn đời bằng trái tim lênh láng tình người. Ðiều Ninh thích nhất nơi Bảo-Trân là, ngoài tài nhận xét hết sức tinh tế và sâu sắc, Bảo-Trân còn có lối nói chuyện rất thật tình, bình dị, cởi mở, không phô trương, không nệ cổ. Những ưu điểm này của Bảo-Trân nhiều lần khiến Ninh muốn hỏi ý kiến Bảo-Trân về chuyện tình cảm rắc rối của Kim, cô em con ông chú của Ninh, nhưng chưa có cơ hội thuận tiện. Bây giờ thấy Bảo-Trân không còn trầm ngâm như lúc chiều, Ninh muốn khơi đầu câu chuyện nhưng vẫn còn ngại ngùng.

            

Như nhận biết được vẻ ngại ngùng của Ninh, Bảo-Trân thân mật:

- Ninh muốn uống bia, rượu chát hay champagne để tăng khẩu vị thì cứ tự nhiên, đừng ngại.

- Cảm ơn cô. Em không quen dùng các thứ đó.

            

Một lúc lâu vẫn thấy Ninh lúng túng, Bảo-Trân hỏi đùa:

- Ninh có gì lo âu, suy nghĩ lắm, phải không? Hay là vì phải đưa cô đi mà Ninh không thể đến thăm cô bồ?

- Dạ không. Thân em, em lo chưa nổi làm sao em dám có bồ, cô.

- Tại vì cô thấy dường như Ninh có điều chi bất an.

            

Sau một lúc ngần ngừ, Ninh cười cười:

- Em muốn trình bày và hỏi ý kiến của cô về một câu chuyện, nhưng em ngại quá!

- Ninh cứ nói đi. Thanh niên mà, đừng ngại, đừng rụt rè.

            

Sau khi nghe Ninh kể sơ qua câu chuyện của Kim, Bảo-Trân hơi mất bình tĩnh, nhìn Ninh, tưởng như Ninh vừa lập lại câu chuyện mà suốt hơn ba mươi năm qua Bảo-Trân đã âm thầm nén vào trái tim đầy thương tích của nàng!

            

Hơn ba mươi năm rồi, nhưng câu chuyện của Kim gợi lại trong lòng Bảo-Trân giọng điệu chát chúa của bà Dư, Mẹ của Bảo-Trân: Bao nhiêu người trí thức, danh giá, mày không ưng. Một mày cũng đòi lấy nó. Hai mày cũng đòi lấy nó. Tao với Ba mày khuyên lơn mấy cũng không được. Rồi đám hỏi rình rang, ai ở thành phố này mà không biết! Bây giờ mày đòi từ hôn là từ cái gì? Vốn ưa chuộng những điều đơn giản, Bảo-Trân không bao giờ ước mơ một lễ đính hôn trang trọng như vậy. Nhưng ông bà Dư lại nghĩ rằng Bảo-Trân là trưởng nữ, lễ đính hôn cũng như lễ thành hôn phải tổ chức sang trọng cho gia đình được hãnh diện với mọi người. Vấn đề Bảo-Trân nhất quyết thành hôn với Hoan, ngoài tình yêu tha thiết nàng dành cho Hoan, còn một lý do quan trọng khác, không ai có thể hiểu được. Ðó là, Bảo-Trân mơ một nếp sống thầm lặng, yên phận bên chồng bên con. Nàng ngây thơ nên nghĩ rằng đời Lính tuy gian khổ và đầy hiểm nguy, nhưng Lính thường sống tập thể, chỉ đàn ông với nhau, và sống xa thành phố nên ít có cơ hội ngoại tình. Còn nếu thành hôn với một người có tiền tài và địa vị thì những người đàn bà khác thường muốn tranh giành, chiếm đoạt, nàng phải ghen tuông, canh giữ, nhiều phiền toái! Khi Bảo-Trân tái tê nhận ra sự nhầm lẫn của nàng thì gia đình lại dùng mọi hình thức để cản ngăn. Ông Dư tiếp lời vợ: Con cái, nuôi nấng tử tế, cho ăn học đàng hoàng, bây giờ nó trả hiếu Cha Mẹ  bằng cách làm nhục nhã gia đình. Chắc tôi phải ...độn thổ chứ sống làm sao nổi! Bà Dư bù lu bù loa: Không biết tôi phải ăn làm sao, nói làm sao với họ hàng, gia tộc và chòm xóm đây, Trời! Con ơi là con! Cha Mẹ và đàn em của mày từ nay phải lấy thúng úp mặt mà đi... Giọng ông Dư đanh lại: Nó mà từ hôn thằng Hoan thì xem như nó từ tôi với bà luôn. Và tôi với bà xem như không có sinh ra nó! Bảo-Trân câm lặng, khóc. Gần hai mươi năm sống với Cha Mẹ, lúc nào, dù giận dữ đến đâu, ông bà Dư cũng dùng chữ con và xưng là Ba Má, chứ chưa bao giờ gọi chị em nàng bằngmày  . Bây giờ đại danh từ mày   được xử dụng, Bảo-Trân hiểu tầm quan trọng của sự việc và nỗi khổ tâm của ông bà Dư cũng sâu xa và to lớn không kém gì nỗi đau của nàng! Bảo-Trân muốn thưa thật với ông bà Dư về sự gian díu giữa Hoan và Xiêm (Bảo-Trân chỉ biết Hoan dan díu với Xiêm chứ Bảo-Trân không biết Xiêm đang mang thai) để mong ông bà Dư hiểu và thuận cho nàng từ hôn. Nhưng, bằng vào cách nói của ông bà Dư, Bảo-Trân hiểu rằng, dù với lý do nào đi nữa, cuộc từ hôn cũng đem đến thương tổn cho gia đình và cho cá nhân nàng.

            

Vì tâm trạng của nàng ngày xưa là như vậy, cho nên, sau khi nghe câu chuyện của Kim, Bảo-Trân nghĩ rằng trái tim của Kim cũng đang bị dằn xé ra làm nhiều mảnh như trái tim của nàng ngày trước! Bảo-Trân thở dài:

- Tuổi trẻ cũng có những khổ tâm của họ. Cô nghĩ chú thím của Ninh nên nói chuyện với Kim để tìm ra ẩn ức của vấn đề.

            

Ninh thở dài, lắc đầu:

- Chú của cháu bảo ngày xưa chú thím thành hôn là do sự tác hợp giữa hai cơ quan nhà nước chứ làm gì có cơ hội quen biết nhau trước; thế mà lấy nhau rồi cũng đâu vào đấy, cũng con đàn cháu lũ. Bây giờ Kim và Vũ học cùng trường, thương yêu nhau cả mấy năm; bỗng dưng nay Kim đòi từ hôn, thế chú thím ăn làm sao, nói làm sao với bên nhà trai? Rồi thiên hạ dị nghị là Kim bị Vũ phá đời xong Vũ bỏ, thế ai mà thèm lấy Kim nữa chứ? Còn nếu không thuận cho Kim từ hôn, Kim sẽ bỏ học.

            

Bảo-Trân hơi cúi mặt, giấu vẻ thất vọng. Tại sao ông bà Dư ngày trước cũng như chú thím của Ninh ngày nay không hề nghĩ đến nỗi khổ trong lòng đứa con gái mà họ chỉ lo bảo vệ cái sĩ diện không thật của họ? Nếu cái sĩ diện đó có thật thì làm thế nào sự thiếu may mắn của một đứa con gái lại có thể đánh đổ được? Nếu đứa con gái lỡ dại, bây giờ mới nhìn ra được bề trái của người chồng tương lai, thì hãy giúp đứa con gái vượt qua cơn khổ lụy để tìm cơ hội tạo dựng lại cuộc đời chứ tại sao cứ vì cái ỘngãỢ của mình mà buộc đứa con gái phải tự giam cầm cuộc đời trong tay người chồng không ra gì? Bảo-Trân cảm thấy xót xa cho Kim như suốt bao nhiêu năm qua nàng đã âm thầm đau xót cho thân phận nàng:

- Cô nghĩ, ngoài một số ít đàn bà dứt tình vì ham tiền, tài và danh vọng, đa số còn lại đều không thích phiêu lưu tình cảm. Khi những phụ nữ không thích phiêu lưu tình cảm mà phải đành đoạn dứt tình thì nên hiểu rằng lỗi của người đàn ông không phải nhỏ.

- Em hiểu. Và em cũng thấy Vũ...cà chớn lắm.

            

Nghe Ninh dùng danh từ miền Nam, Ộcà chớnỢ, Bảo-Trân cười, nhưng vội làm nghiêm, vì thấy nét mặt của Ninh rất nghiêm trọng: 

- Kim đã cho Vũ biết ý định từ hôn chưa?

            

Ninh im lặng, gật đầu. Bảo-Trân tiếp:

- Vũ phản ứng như thế nào?

- Dạ, Vũ năn nỉ Kim mấy hôm nay.

            

Không cần hỏi thêm, Bảo-Trân cũng có thể mường tượng những lời giải thích của Vũ cũng tương tự như của Hoan ngày xưa: ỘNhững điều em nghe người ta đồn là vô căn cứ. Ðối với anh, Xiêm chỉ như người bạn thôi; vì Xiêm là bạn của em. Nếu Xiêm không là bạn của em, anh đâu chào hỏi làm gì lúc thấy Xiêm đi ngang vùng đóng quân.Ợ Bảo-Trân sụt sùi: ỘBạn? Bạn gì lại đi xi-nê chung, đi ăn chung? Bạn gì lại nắm tay nhau đi dạo bờ sông? Hoan không thể nín cười vì sự ngây thơ của Bảo-Trân; nhưng Hoan vội nghiêm nét mặt, gãi tai, gãi đầu, cố tạo dáng vẻ thiểu não: ỘBảo-Trân! Em nghĩ đi. Từ ngày anh quen em đến nay, dù sau khi anh đã chính thức trở thành vị hôn phu của em, có bao giờ anh được đi ăn, đi xi-nê với em mà không có em của em hoặc một người thứ ba đi kèm hay không? Có bao giờ anh được hôn em, được nắm tay em một cách đường hoàng không? Anh chỉ hôn trộm rồi bị em đẩy ra. Anh nắm tay thì em cũng hất ra, ngại người ta thấy, người ta đồn bậy. Không phải Bảo-Trân không thấy những điều đó và cũng không phải Bảo-Trân không thích những cử chỉ biểu lộ tình cảm của Hoan đối với nàng; nhưng biết làm sao khi nàng được nuôi dạy hết sức khắc khe để ngầm hiểu rằng những hành động yêu thương trước ngày thành hôn sẽ bị kết án nặng nề; sự kết án này sẽ làm tổn thương danh dự gia đình và danh dự của nàng. Thấy Bảo-Trân im lặng, chỉ thút thít khóc, Hoan tiếp: ỘAnh thề với em, anh với Xiêm chẳng có gì cả. Xiêm dễ dãi để cho anh nắm tay thì anh nắm, vậy thôi. Không có gì hết. Em không bằng lòng thì từ nay anh dứt khoát, xem như chưa hề biết Xiêm. Chịu chưa? Em đừng dọa từ hôn anh, anh buồn. Tội nghiệp anh.Ợ Bảo-Trân nghiêm nét mặt, nhìn Hoan: ỘEm không dọa. Biết Bảo-Trân hiền nhưng lại cương quyết trên nhiều vấn đề, Hoan cười giả lả: ỘAnh biết em không dọa. Nhưng em cũng nên biết rằng, nếu em từ hôn, anh sẽ tình nguyện vào Lực- Lượng Ðặc-Biệt, nhảy dù ra Bắc, chết cho xong cuộc đời! Câu dọa của Hoan làm Bảo-Trân hơi hoảng: ỘAnh nói gì kỳ vậy? Hoan tạo gương mặt não nùng: ỘAnh nói với em nhiều lần rồi. Anh không thể sống mà thiếu em. Thà anh chết chứ anh không để mất em.Ợ Bảo-Trân cả tin: Còn Xiêm anh bỏ cho ai?Ợ Hoan lại tạo nét mặt khổ sở: ỘEm không tin anh, có nghĩa rằng em vẫn nuôi ý định xa anh. Vậy thì để anh chết cho yên chuyện!Ợ Bảo-Trân xúc động nghẹn ngào. Hoan mân mê hai tấm thẻ bài nơi cổ, tấn công tiếp: ỘNếu anh chết, họ sẽ gửi một tấm này về em.Ợ Chỉ phút giây để tình cảm lấn át lý trí và cũng vì những cản trở mạnh bạo của ông bà Dư, Bảo-Trân đã ngụp lặn triền miên trong chuỗi dài sầu hận.

            

Bây giờ nhớ lại, Bảo-Trân chỉ biết thở dài:

- Cô nghĩ, Kim có bị Vũ phá đời hay không, chỉ có Kim và Vũ biết. Người ngoài ai nghĩ gì mặc họ. Nếu nhỡ Kim dại, sinh ra một đứa bé thì, với tinh thần tự lập và một nghề nghiệp vững chắc, Kim sẽ vượt qua một cách dễ dàng. Và rồi cũng sẽ có người yêu và kết hôn với Kim. Còn nếu Kim bỏ học, tinh thần tự lập không có, sự nghiệp chưa xong thì tương lai của Kim sẽ ra sao bên cạnh một người đàn ông mà Kim không còn quý trọng nữa?

- Chú thím cháu bảo con gái chưa chồng mà có con thì ai mà thèm vào! Còn đàn bà mà! Xin lỗi cô nhé! Chú bảo đàn bà mà có sự nghiệp hay không cũng chả ăn thua gì, miễn sao lấy được anh chồng có sự nghiệp là vinh hiển liền!

- Cô không cổ xúy cho việc không chồng mà có con. Cô dùng chữ nhỡ, có nghĩa là rủi ro. Còn về sự nghiệp thì, vì mang nặng tinh thần tự lập, cô nghĩ cái gì của mình, dù nhỏ nhoi, thấp kém đến mấy thì cũng đáng hãnh diện hơn là vay mượn của người khác, dù người đó là chồng hay là vợ.

            

Ngưng một chốc, Bảo-Trân tiếp:

- Cô không hiểu tại sao người Việt mình, nhất là người Việt trong nước, không gieo vào lòng đứa con gái ý chí tự lập và giúp con gái tạo dựng sự nghiệp cho riêng nó mà lại cứ bo bo giữ gìn, khắc khe mọi bề để, chỉ với một mục đích là sau này nó làm vừa lòng một người đàn ông! Nếu gặp được người đàn ông tốt, không có gì đáng phàn nàn; nhỡ gặp phải anh chàng không ra gì thì người đàn bà đó làm thế nào để vượt thoát kiếp tầm gởi?

            

Ninh im lặng, cố giấu vẻ ngỡ ngàng trước một ý tưởng tương đối mới mẻ đối với chàng. Bảo-Trân tiếp, giọng nhỏ lại như chỉ muốn nói với chính mình:

- Ninh nên khuyên Kim, khi yêu, hãy nhín lại một tý cho chính mình.

            

Ninh tròn mắt:

- Cháu tưởng khi yêu thì nên yêu hết lòng chứ...

- Nếu yêu hết lòng, yêu trọn vẹn thì, khi bị phản bội, mình sẽ đau đớn vô cùng; sự đau khổ quá độ sẽ làm lu mờ lý trí rồi sinh ra oán hận.



Khi Hoan nhắc đến ngôi nhà cũ một cách trìu mến, Bảo-Trân nghe như trong niềm thê thiết từ cõi lòng nhói lên nỗi đau của một vết thương mà mảnh kim khí còn ẩn kín bên trong. Chính trong ngôi nhà đó Bảo-Trân và các con đã sống những ngày thiếu thốn và hẩm hiu cùng những đêm dài quạnh quẻ trong khi Hoan ngụp lặn trong những canh bạc và những mối tình cuồng loạn bên những ly rượu hảo hạng. Chính trong ngôi nhà  đó, khi biết Bảo-Trân nộp đơn xin ly dị, cụ Nhân đã phán quyết: Tộc nhà tôi không có chuyện ly dị. Vợ không có lấy thêm, có đâu vợ bỏ. Anh ký giấy cho vợ anh ly dị là anh dại, vì cái nhà này anh phải chia hai. Anh cứ để như thế, vợ anh sống được thì sống, sống không được thì tự tử chết, thế là cái nhà này hoàn toàn thuộc về anh.  Vì lẽ đó, khi hay tin ngôi nhà bị chính quyền Cộng-Sản tịch thu, Bảo-Trân chẳng tiếc tý nào cả. Sự thật  là như vậy, nhưng Bảo-Trân không nở nói ra, đành tìm lời an ủi Hoan:

- Thôi anh à. Mất cái nhà đó mà các con mình đều đỗ đạt, thành tài đúng như ước mong của anh và em ngày mình mới lấy nhau thì anh tiếc làm chi.

            

Hoan không ngạc nhiên về quan niệm sống của Bảo-Trân; vì Hoan biết nàng được nuôi dạy và lớn lên với trái tim bao dung, vị tha. Nhiều đêm thức giấc, trong tận cùng tâm cảm, Hoan cũng đau xót nhận ra trách nhiệm của chàng trong sự sụp đổ của miền Nam Việt-Nam; vì chàng đã sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo những ham muốn thấp kém mà xao lãng bổn phận của một sĩ quan. Nhưng khi ngày đến, nhịp sống của đời dập tắt những gì lương tâm dày vò lúc khuya, Hoan trở về với bản tính thích đổ vạ:

- Nghĩa là em bằng lòng, hả dạ với ngày 30 tháng Tư quái ác đó, phải không?

            

Xa Hoan đã lâu, Bảo-Trân quên mất tính cộc cằn của Hoan đối với nàng, nhưng lại rất ngọt ngào, mơn trớn, vuốt ve đối với những người đàn bà khác, nên tròn xoe mắt nhìn chàng. Làm thế nào Bảo-Trân có thể bằng lòng, hả dạ với sự việc xảy ra ngày 30 tháng Tư 75 khi mà mẹ con nàng quyết định không di tản, ở lại đợi Hoan. Trong khi đó Hoan dối nàng, Hoan giao đơn vị cho sĩ quan trực để ra Vũng-Tàu tìm Xiêm và Quốc, đứa con riêng của hai người, từ miền Trung di tản vào.

            

Từ khi thành hôn với Hoan, Bảo-Trân cứ ngỡ Hoan đã dứt tình với Xiêm từ lâu, đúng như lời chàng hứa; vì vậy, chưa bao giờ Bảo-Trân ân hận về quyết định thiếu suy nghĩ của nàng ngày 30 tháng Tư 75.

- Quan niệm sống của em là, trước những hoàn cảnh hoặc sự việc mà mình không thể làm được gì để thay đổi thì mình cố tìm một khía cạnh nào đẹp nhất của sự việc đó để tự an ủi và chấp nhận.

- Em tiêu cực bỏ xừ.

            

Bảo-Trân cười buồn. Nếu Bảo-Trân không tiêu cực và không biết tự an ủi để chấp nhận hoàn cảnh thì, trước những phũ phàng, gian dối, điêu ngoa của Hoan, nàng đã lìa xa Hoan từ những ngày nàng còn son trẻ hoặc là nàng đã tìm một người để nương tựa khi mẹ con nàng vừa đặt chân đến Mỹ. Bảo-Trân nghĩ rằng các con, cũng như nàng, cùng là nạn nhân của một cuộc tình nhầm lẫn, vì vậy Bảo-Trân không cho phép nàng nghĩ đến nàng và sống cho riêng nàng mà phải sống cho các con và vì các con.

            

Sau khi các con thành thân và thành nhân, Bảo-Trân lại nghĩ đến Hoan, một người nàng không còn yêu thương nhưng vẫn còn nghĩa. Vì vậy Bảo-Trân muốn được trực tiếp kiểm chứng những điều Hoan thường xuyên viết trong thư gửi sang than vãn với mẹ con nàng. Nhưng từ khi gặp lại đến bây giờ, Bảo-Trân chỉ nghe Hoan kể lể về sự thiếu thốn, nghèo khổ của chàng chứ Hoan chưa hề tỏ ý quan tâm đến những khổ nạn của cuộc sống mà nàng và các con đã vượt qua. Bây giờ Hoan lại cay cú về ngôi nhà bị tịch biên:

- Em phải tiến hành thủ tục để đòi lại ngôi nhà đó cho anh.

            

Sau khi làm chủ được căn nhà bề thế, ước mơ thứ hai của Hoan là có được số tiền lớn để mua chiếc xe hơi, đi cua Ộđào nhíỢ. Nhưng bao nhiêu lần gửi thư sang Mỹ, với tất cả những lý do khủng khiếp nhất Hoan có thể bịa đặt, Hoan cũng chỉ nhận được ít loại thuốc và vài ngàn đô-la thôi. Hoan không hiểu tại sao Bảo-Trân và mỗi đứa con đều lái một chiếc xe hơi láng coóng, giá đến mười mấy, hai mươi ngàn đô-la một chiếc, trong khi chàng chỉ muốn một chiếc xe cũ thôi mà cũng không được!  Vì vậy, tình cảm chàng dành cho mẹ con nàng thui chột dần dần. Bây giờ gặp lại Bảo-Trân, thấy nàng không có vẻ giàu sang như những Việt-Kiều khác, Hoan chỉ còn hy vọng thuyết phục nàng đòi lại chủ quyền ngôi nhà cũ tại Saigon để, sau khi Bảo-Trân trở về Mỹ, Hoan sẽ nhân danh là chồng, bán ngôi nhà, thực hiện ước mơ thứ hai của chàng.

            

Bảo-Trân không hiểu được thâm ý của Hoan nên chỉ bàn ra:

- Thôi, bỏ đi, anh.  Ðòi nhà chưa biết được hay không, nhưng đến cơ quan nào cũng bị họ đòi thủ tục Ộđầu tiênỢ, làm sao mình chịu cho nổi.

- Lúc nào em cũng mang tinh thần chủ bại. Chưa đòi mà đã biết là chịu không nổi. Tụi nó đòi hối lộ cùng lắm thì vài chục ngàn đô chứ nhiều nhỏi gì đâu. Người biết sống thì phải ỘThả con tép, bắt con tôm.

            

Bảo-Trân tròn mắt:

- Anh bảo sao? Vài chục ngàn đô chứ nhiều nhỏi gì? Em chưa bao giờ cầm trong tay một số tiền lớn như vậy.

- Em chưa cầm trong tay số tiền đó nhưng em để ở ngân hàng. Thôi, em chịu khó chi ra tý đỉnh, lấy lại được ngôi nhà đó, mỗi khi em hoặc các con về, có nơi trú ngụ, khỏi phải ở khách sạn, mất an ninh.

            

Câu nói của Hoan khiến Bảo-Trân nhớ lại tính thích châm chọc, thích nói chận đầu của Hoan. Bảo-Trân dứt khoát:

- Dù em có tiền, em cũng không dại. Trong trường hợp này em thấy mình Bỏ con tôm, bắt con tép. Anh muốn đòi nhà lại thì anh cứ đòi.

- Em có tiền và nhờ cái nhãn Việt-Kiều, đòi mới dễ. Còn anh là một thằng nghèo rớt mồng tơi, lại có nợ máu với nhân dân, tụi nó đâu thèm cứu xét.

- Thôi, anh vào Saigon, hỏi thẳng người đang chiếm ngụ nhà mình: Giữa ngôi nhà của mình và cơ hội được đưa các con ra ngoại quốc du học, họ chọn cái nào? Nếu họ chọn cái nhà của mình, em thua và em sẽ cố tiến hành thủ tục đòi nhà. Ngược lại thì anh thua và vấn đề cái nhà không nên bàn tới nữa.

            

Hoan trổ tài Ộvõ mồmỢ cố hữu của chàng ra:

- Anh mà thèm nói chuyện với thứ đó hả? Quân ăn cướp. Anh mà gặp nó là anh đấm vỡ mặt nó chứ ở đó mà hỏi với han.

- Người ta không phải là quân ăn cướp; vì người ta và gia đình sống trong nhà mình với đầy đủ giấy tờ hợp pháp do chính phủ Việt-Cộng cấp. Còn riêng em, nếu chỉ đổi cái nhà cho sự thành đạt của các con, em không có gì phải tiếc.

            

Hoan cố tình quên đi lý do mà Hoan phải kẹt lại. Và Hoan, cũng như tất cả người Việt trong nước, không thể nào hiểu được sức làm việc phi thường của người di dân tại Mỹ, nên mỉa mai:

            - Em không tiếc vì em được sống phè phỡn ở Mỹ; anh tiếc vì anh thân tàn ma dại. Em không cần cái nhà thì anh cần. Em lo xúc tiến thủ tục đòi cái nhà lại cho anh.

            Không quen đôi co, Bảo-Trân chỉ biết im lặng, nhìn Hoan, lắc đầu. Biết tính Bảo-Trân dễ bỏ cuộc, Hoan tấn công tiếp:

            - Em nên nhớ, cái gì của mình, là của mình, không ai được quyền chiếm giữ.

            Bảo-Trân thở dài. Ngày xưa, cũng vì quan niệm cái gì của mình là của mình, Bảo-Trân mới đau đớn, khổ lụy vì sợ mất Hoan. Sau thời gian dài nghiền ngẩm triết lý Phật-Giáo, Bảo-Trân mới nhận thức được rằng quả thật trên đời chẳng có gì là của mình cả; mình chỉ nhìn lạm và nhầm tưởng thôi. Từ sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc đó, Bảo-Trân không còn lo sợ hay buồn phiền về những mất mát vật chất. Nhờ vậy tâm hồn nàng rất thảnh thơi.

            Ngày xưa Hoan và Bảo-Trân đã bất đồng trong tất cả mọi vấn đề. Bây giờ, câu chuyện cứ lằng nhằng, Bảo-Trân muốn chấm dứt nên giả vờ che miệng, ngáp. Thấy Bảo-Trân ngáp, Hoan nhìn đồng hồ tay:

            - Chết cha! Gần sáng rồi. Ði ngủ một tý, mai nói chuyện tiếp, em.

            Lúc chiều, khi đem hành lý vào phòng, nhìn chiếc giường nho nhỏ, có mùng treo phía trên, Bảo-Trân hơi ngần ngại, không biết nàng sẽ nghỉ qua đêm chỗ nào. Bây giờ nghe Hoan nhắc, Bảo-Trân hơi ngần ngừ:

            - Dạ, anh đi nghỉ đi.

            - Còn em? Ði đường mệt, em cũng phải ngủ chứ.

            - Dạ, mà em ngủ chỗ nào?

            - Trời đất! Vợ chồng lâu ngày mới gặp lại mà em tính bỏ anh ngủ một mình hả? Giỡn hoài.

            Bảo-Trân không thể giấu được sự lúng túng. Dù không biết hiện tại Hoan đang sống với Xiêm, Bảo-Trân cũng không bao giờ tin Hoan có thể sống thiếu đàn bà trong suốt thời gian dài như vậy. Bảo-Trân còn hiểu thêm rằng, ngoài vấn đề nhục thể, Hoan còn dùng đàn bà như một hình thức để phô trương với đời về cách sống hào hoa của chàng. Vì hiểu Hoan như vậy, Bảo-Trân cảm thấy ghê ghê nếu phải nằm cạnh Hoan. Bảo-Trân không muốn nghĩ tiếp, vội tìm lý do để kéo dài cho qua đêm:

            - Anh đi ngủ đi. Em còn phải làm răng.

            - Thôi, đánh răng sơ sơ rồi đi ngủ cũng được. Em lúc nào cũng kỹ càng quá.

            Bảo-Trân ra ảng nước bên hè nhà rửa mặt, đánh răng. Lúc trở vào, đi ngang bếp, thấy cụ Nhân đang mở bình thủy, pha  ly trà nóng, Bảo-Trân ngạc nhiên:

            - Thưa, Mẹ giậy sớm vậy à?

            Vì bất ngờ, cụ Nhân không chuẩn bị kịp nên đáp:

            - Không. Ðang ngủ ngon thì thằng Quốc gọi về...

            Vừa nói ngang đó, cụ Nhân biết cụ lỡ lời nên vội vàng nói tiếp để che giấu sự vô ý của cụ:

            - Quốc là thằng cháu họ nhà tôi. Nó hỏi tôi có muốn đi Hải-Phòng thì tý nữa, trên đường đi, nó ghé đón.

            Bảo-Trân chẳng chút nghi ngờ:

            - Vậy Mẹ có đi không?

            - Thôi, bao nhiêu năm mới gặp lại chị, Mẹ con thiếu gì chuyện nói, ai bỏ đi cho đành.

            Thời gian xa cách quá lâu, Bảo-Trân hầu như quên mất giọng điệu chanh chua, đanh đá, cay độc của cụ Nhân nên nàng tỏ vẻ cảm động:

            - Dạ, Mẹ ở nhà cho vui. Hôm nào, trước khi con về lại Mỹ, con sẽ đưa Mẹ và anh Hoan ra Hải-Phòng chơi.

            - Lúc nào chị cũng chu đáo, thế nên anh Hoan nhắc chị hoài cũng phải. Tôi nói thật, tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ thương con như anh Hoan nhà tôi. Con thì anh ấy quý như vàng; vợ thì lúc nào anh ấy cũng Bảo-Trân thế này, Bảo-Trân thế nọ...

            Những oán hờn, uất hận mà Hoan và cụ Nhân từng gieo vào lòng Bảo-Trân đã chết theo mối tình khờ khạo của nàng dành cho Hoan. Vì vậy, những lời nói dịu dàng của cụ Nhân khơi giậy tính cả tin nên Bảo-Trân chớp mắt nhiều lần như nén xúc động.

            Dường như nhận biết được phản ứng tâm lý của Bảo-Trân, cụ Nhân tiếp:

            - Tôi nói dối phải tội. Chị hỏi quanh đây thì biết. Nhiều cô xinh đẹp, con nhà gia giáo, mới mười bảy mười tám tuổi thôi, cứ đeo anh Hoan như đỉa đấy, nhưng anh ấy đâu có thèm. Lúc nào anh ấy cũng nhắc đến chị thôi. Còn tôi, lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho anh chị và các cháu được sum họp.

            Bảo-Trân không biết thực hư như thế nào. Nàng chỉ muốn nhân cơ hội này kéo dài câu chuyện với cụ Nhân để khỏi phải rơi vào tình cảnh khó xử khi trở vào phòng với Hoan. Nàng dìu cụ Nhân ngồi vào ghế:

            - Ô, cảm ơn Mẹ. Mẹ ngồi đi. Mẹ con mình nói chuyện một tý rồi Mẹ đi ngủ lại, được không, thưa Mẹ?

            - Tôi muốn nghe chị nói chuyện lắm đó chứ. Chị có tài nói chuyện mà lại ở xa về, thiếu gì chuyện để nói, nhưng tôi phải nhường cho anh Hoan đấy.

            Lần đầu tiên được cụ Nhân khen, Bảo-Trân hơi lúng túng:

            - Dạ...dạ...cảm ơn Mẹ. Con tưởng con không biết nói chuyện; vì lúc nào anh Hoan cũng chê là con không biết gì hết, không làm được gì hết.

            Ngày đó, những lời chê bai của Hoan dành cho Bảo-Trân, một phần vì Hoan muốn dồn vào đầu nàng mặc cảm tự ty, một phần vì bản tính hiền lành, dễ tha thứ của Bảo-Trân khiến Hoan và cụ Nhân nghĩ rằng nàng thụ động, không biết phản ứng, không biết gì hết, không làm được gì hết. Bây giờ, một phần vì muốn lấy lòng cô dâu nước ngoài, một phần vì thấy rõ sự khác biệt giữa Bảo-Trân và Xiêm, cụ Nhân nói ra phần nào ý tưởng của cụ:

            - Anh ấy ghen đấy. Anh ấy nói thế để chị ngại, không dám xông xáo ra ngoài đời. Người như chị mà xông xáo ra đời thì, tôi bảo đảm, anh ấy mất chị từ lâu rồi.  

            Dù bản tính cả tin, Bảo-Trân cũng không cảm thấy thoải mái khi được một người đã từng nhục mạ nàng không tiếc lời, nay trở lại khen nàng một cách không ngượng ngùng. Vì vậy, Bảo-Trân chuyển câu chuyện:

            - Thưa, so sánh giữa đây và Saigon, Mẹ thích sống nơi nào hơn?

            Cụ Nhân trả lời rất thật lòng nhưng lại muốn dùng chữ:

            - Tôi thích sống ở Saigon, vì trong ấy gần ánh sáng văn minh. Nhưng, sau khi chị và các cháu đi rồi, tôi không còn ai thân thích cả...

            Ngại cụ Nhân quên, đổ tội cho nàng nên Bảo-Trân vội nhắc:

            - Thì tại Mẹ không chịu vượt biển với con và các cháu chứ đâu phải con cố ý bỏ Mẹ ở lại một mình.

            - Chị là người có lòng. Tôi có trách gì chị đâu. Chị phải đi vì tương lai các cháu. Tôi ở lại vì không đành bỏ anh Hoan một mình trong tù. Hơn nữa tôi cũng còn hy vọng gặp lại ông nhà tôi, nhờ ông ấy can thiệp cho anh Hoan ra tù. Khi ông nhà tôi tìm ra được tôi, ông ấy muốn đưa tôi về ngoài này. Vì anh Hoan đi cải tạo ở ngoài này, tôi nghĩ về ngoài này cũng tiện đi thăm con nên tôi về. Sau khi ông nhà tôi mất và anh Hoan được tha về, anh ấy cũng đề nghị tôi vào lại Saigon; nhưng ở đây có nhà cửa, vườn tượt, mồ mả ông bà, tổ tiên, tôi còn phải lo nhang khói, trong Saigon chả còn gì, ngoài ngôi nhà của anh chị đã bị họ trưng dụng, thì trở vào đấy mà làm gì!

            - Có phải vì bận chăm sóc mồ mả ông bà mà Mẹ cũng không chịu đi Mỹ lúc con làm thủ tục bảo lãnh anh Hoan không, thưa Mẹ?

            - Vâng. Ðúng đấy. Anh chị em tôi chỉ còn mình tôi thôi, đi, bỏ mồ mả ông bà lạnh lẽo, mang tội chết!

            - Con không dám đổ thừa, nhưng con nghĩ, có lẽ Mẹ không chịu đi nên anh Hoan từ chối cả diện H.O. để ở lại hôm sớm với Mẹ.

            Cụ Nhân biết Bảo-Trân suy luận đúng. Nhưng Bảo-Trân lại không biết, ngoài lý do như nàng đã suy luận, còn một lý do khác vô cùng quan trọng mà cụ Nhân không thể tiết lộ. Vừa lúc ấy, tiếng ho khúc khắc của Hoan vọng xuống. Cụ Nhân vội đứng lên:

            - Thôi, chị đi nghỉ để anh ấy còn nghỉ.

            Bảo-Trân chưa kịp đáp, cụ Nhân thở dài, tự thán:

            - Ði thì bỏ Mẹ không đành mà ở lại thì thương vợ, nhớ con. Thật, không ai khổ như anh ấy.

            - Cái số của anh Hoan cũng lạ! Anh ấy là con một, đâu phải bị động viên; vậy mà lại tình nguyện vào Võ-Bị để về sau phải đi tù. Khi có cơ hội đi Mỹ lại quyết định không đi để đau ốm hoài, thuốc gì gửi về cũng không hiệu nghiệm.

            Lý do thứ hai cụ Nhân hiểu. Nhưng lý do thứ nhất, cụ Nhân đã không hiểu ngay từ lúc Hoan thi hỏng tú tài và quyết định đăng lính, nên cụ lặng thinh.

            Cụ Nhân không hiểu Hoan. Nhưng Bảo-Trân đã hiểu được mặc cảm tự ti trầm trọng trong lòng Hoan. Hoan thích phô trương, thích nổi, nhưng không có tài, không thích học. Với học lực khiêm nhường như vậy, Hoan tự biết, nếu sống đời dân sự, không thể nào Hoan có điều kiện để phô trương; chỉ có một con đường, tuy gai gốc và nhiều hiểm nguy, nhưng dễ đem đến công danh là tình nguyện vào lính. Ðó là động lực sâu kín thúc đẩy Hoan. Nhưng khi tán tỉnh Bảo-Trân, Hoan lại bảo chàng là ỘtípỢ thanh niên thời đại, thích sống hùng và sống đúng nghĩa! Sau khi chinh phục được Bảo-Trân, Hoan hiểu rằng chàng may mắn. Nhưng rồi Hoan lại nghĩ, biết đâu chàng có thể may mắn hơn nữa, sẽ chinh phục được những phụ nữ hơn cả Bảo-Trân. Vì nghĩ như vậy cho nên Hoan không từ nan bất cứ một cơ hội nào để tán tỉnh phụ nữ!

            Tuy đã hiểu rõ chiều sâu của Hoan, nhưng khi đặt lưng nằm cạnh thân người tàn tạ, gầy gò của Hoan, Bảo-Trân cũng không nở để những ý tưởng không hay lởn vởn trong đầu:

            - Anh muốn trả hiếu cho Mẹ thì anh cố giữ gìn sức khỏe, đến khi Mẹ mãn phần rồi em và các con lo cho anh qua bên đó cũng được. Anh đừng nên sống buông thả nữa; nếu không, em chỉ ngại anh không sống được đến đó.

            Bảo-Trân muốn dùng từ trác táng hoặc trụy lạc nhưng không nỡ. Hoan ngầm hiểu nên cười:

            - Lúc nào anh cũng là người đàn ông mẫu mực, ngon lành, em đừng nghi bậy. Xa cách bao nhiêu năm mà tính em vẫn không thay đổi, vẫn nghi oan cho anh. Em nên biết rằng lúc nào anh cũng thương nhớ em và các con.

            Bảo-Trân mỉm cười. Ngày xưa Bảo-Trân còn trẻ, còn đẹp và ở cạnh Hoan mà Hoan còn liên tiếp phụ rãy, phản bội nàng thì làm thế nào Hoan có thể chung tình khi vắng nàng những ngần ấy năm! Nghĩ như vậy nhưng Bảo-Trân không nỡ nói ra.

            Hoan vói tay tắt đèn. Bảo-Trân hoảng hốt:

            - Anh tắt đèn làm chi? Ðể đèn...

            Hoan xoay người, choàng tay lên người Bảo-Trân, giọng nói đượm nhiều hạnh phúc:

            - Em muốn để đèn hả?

            Bảo-Trân hất tay Hoan, đẩy mạnh Hoan ra:

            - Ðừng. Không...

            Hoan sửng sốt:

            - Em làm gì kỳ vậy? Vợ chồng bao nhiêu năm mới gặp lại ...

            Bảo-Trân chẳng biết giải thích như thế nào, chỉ ấp úng:

            - Gặp lại thì gặp lại...

            - Gặp lại thì phải có ...chuyện đó chứ, em.

            Bảo-Trân lắc đầu, xoay lưng về phía Hoan. Hoan kiên nhẫn, choàng tay lên lưng Bảo-Trân:

            - Thôi mà,... cho anh đi.

            Bảo-Trân gỡ tay Hoan:

            - Em nói không là không.

            - Cho anh đi mà. Em biết anh nhớ em và con đến không thiết ăn uống gì cả nên anh gầy đét như con khô mựt nè.

            - Thôi, anh ngủ đi. Sáng rồi. Xe cộ chạy rần rần kìa.

            Hoan dần lân:

            - Xe cộ chạy kệ xe cộ. Mình làm việc của mình. Em không cho anh cũng làm.

            Hoan áp ngực chàng vào lưng Bảo-Trân và hơi cúi xuống để hôn vào tai nàng. Bảo-Trân xoay người, nghiêm nét mặt nhìn Hoan. Hoan bực dọc, bật ngửa người ra giường:

            - Như vậy có nghĩa rằng mục đích trở về của em cũng giống như những Việt-Kiều khác: Cho vợ hoặc chồng tý tiền rồi buộc người ta ký giấy ly dị. Ðúng không?

            - Anh nhầm. Luật nơi tiểu bang em ở, chỉ sáu, bảy năm vợ chồng không sống chung với nhau là đương nhiên được xem như, trên phương diện pháp lý, hai người không còn gì với nhau nữa.

            - Nếu như vậy, em trở về đây làm gì?

            - Em và các con muốn tìm hiểu đời sống của anh như thế nào và tại sao anh từ chối nộp hồ sơ đi Mỹ.

            Lúc sáng Hoan đã đem Honda, giàn máy Karaoke, tủ lạnh và các thứ đắt tiền sang gửi nhà người quen nên bây giờ Hoan không ngại Bảo-Trân nghi ngờ:

            - Cuộc sống của anh thì... em thấy đó: ngoài ngôi nhà mướn này anh chỉ còn một mẹ già chứ anh đâu còn thứ gì khác. Khi anh không đau bệnh, tiền em và các con cho đủ trả tiền nhà, Mẹ anh khỏi lo; những khi anh bệnh, hoặc em gửi tiền về trễ, trong nhà thiếu hụt, Mẹ phải lén nhịn phần cho anh ăn.

            Bảo-Trân ngạc nhiên:

            - Ủa, vậy sao anh Tánh, bạn cùng khóa với anh, sau khi trở về Mỹ, đã bảo với em rằng anh ấy có đến thăm anh tại ngôi nhà anh mới mua, còn thơm mùi sơn mới. Trong nhà anh trang hoàng không thua gì ngôi nhà của người di tản bậc trung ở Mỹ.

            Hoan thoáng giật mình, không ngờ Tánh có tính bép xép. Nhưng, với bản tính điêu ngoa, Hoan phản ứng nhanh, không chút ngập ngừng:

            - Tầm bậy! Bạn bè lâu ngày mới gặp, để nó thấy rõ sự nghèo nàn của mình nó khinh nên anh rủ nó về nhà cậu em họ rồi nói đại là nhà anh để nó lé mắt chơi, không ngờ nó tưởng thật, nó tin. Mà nó tin như vậy cũng hay, chứ nó biết em và các con thành công tại Mỹ mà ở đây anh thì rách rưới, nó đồn ầm lên, thiên hạ cười, làm sao em chịu cho nổi!

            Biết tính Hoan lừa dối đủ điều, nhưng khi nghe Hoan nói một cách có mạch lạc, Bảo-Trân đâm ra phân vân, không biết nên tin ai!

            Biết Bảo-Trân đang bị phân tâm, Hoan lại chồm người lên, thủ thỉ vào tai nàng:

            - Cho anh đi, em. Em không biết chứ lúc nào anh cũng nhớ thương một mình em thôi.

            Bảo-Trân lạnh lùng xoay lưng lại:

            - Thôi, anh ngủ đi.

            Hoan lại bật người ra giường, thở dài: 

            - Cũng may là anh không đi Mỹ. Nếu anh sang đó mà em đối xử với anh như thế này thì...

            Hoan thở dài, bỏ dở câu nói. Cả hai cùng im lặng. Trong khi Bảo-Trân thầm mong trời mau sáng để thoát khỏi cảnh này thì Hoan lại muốn chiếm đoạt Bảo-Trân cho bằng được.

            Tự dưng Bảo-Trân cảm thấy buồn và cô đơn vô cùng. Bảo-Trân tự trách là tại sao nàng lại tự du mình vào hoàn cảnh oái ăm như thế này! Nhưng nếu Bảo-Trân không về, làm thế nào nàng hiểu được lý do Hoan không sang Mỹ đoàn tụ với vợ con. Bây giờ, thấy rõ Hoan vẫn sống một mình với Mẹ, và, theo lời cụ Nhân và Hoan, Bảo-Trân nghĩ Hoan vẫn còn thương yêu vợ con, vậy thì tại sao Bảo-Trân lại làm khổ Hoan? Nhưng nhớ lại những đêm xưa, Hoan nài nỉ, thề tốt để làm hòa, để ân ái mặn nồng với nàng, rồi hôm sau, chính nàng bắt gặp Hoan đưa tình nhân đi ăn, Bảo-Trân rùng mình!

            Bỗng nhiên Bảo-Trân nhận biết thân người của Hoan run lên từng hồi cùng với tiếng sột soạt và tiếng rên khe khẻ của Hoan. Bảo-Trân hoảng hốt vùng giậy, chạy nhanh đến chiếc ghế, ngồi thu chân lên, hai tay vòng quanh hai đầu gối rồi núp mặt vào. Người nàng cũng run lên vì sợ hãi khi tiếng rên của Hoan có vẻ dồn dập và quằn quại như Hoan đang trải qua cơn đau ghê gớm lắm! Chỉ một lúc sau, hơi thở của Hoan nhẹ dần và điều hoà. Mọi sự yên tĩnh trở lại...

*          *

*

            Từ trước đến nay, mỗi khi đi Hà-Nội thăm Quốc, Hoan thường viện cớ để đi một mình, có cơ hội hưởng lạc.Thỉnh thoảng Xiêm nại nhiều lý do Hoan mới đồng ý để Xiêm cùng đi. Nhưng lần này, Hoan mua sắm những món quà Quốc thích, rồi bảo Xiêm đi thăm Quốc một mình, chàng không đi, vì trong người không được khỏe.

            Bị Hoan lừa dối hoài, Xiêm sinh nghi nhưng cũng giả vờ đi, rồi ghé ngủ nhờ nhà người quen, bây giờ trở về. Vài đứa bé đứng bên hàng rào chỉ chỏ vào nhà rồi thầm thì. Một bé gái thấy Xiêm, vội lên tiếng:

            - Bà, bà ơi! Việt-Kiều trong nhà bà đấy. Bà vào mà xem.

            Xiêm dừng bước, lưỡng lự. Nếu là Việt-Kiều thì chỉ có Bảo-Trân và các con của Bảo-Trân thôi chứ bên Xiêm và bên Hoan không còn ai khác ở nước ngoài. Nhưng Xiêm không nghĩ Việt-Kiều đó là Bảo-Trân. Theo sự suy đoán của Xiêm, Bảo-Trân sẽ không bao giờ trở lại với Hoan. Chính ngay như bản thân Xiêm, nếu Xiêm có điều kiện tự lập và nuôi được Quốc ăn học, Xiêm cũng đã rời xa Hoan từ lâu. Vì thương con, muốn cho Quốc có một tương lai rạng rỡ, Xiêm đành nén vào lòng tất cả tủi hờn, sầu hận để nhận những hành động tàn tệ của Hoan, để nghe những lời tàn độc của cụ Nhân và cũng để theo Hoan đi lãnh từng đồng tiền do Bảo-Trân cùng các con gửi về.

            Không phải đến bây giờ tình thương con của Xiêm mới được thể hiện một cách cao quý như vậy, mà cách nay hơn ba mươi năm, Xiêm cũng đã can đảm đến vùng đóng quân của Hoan, năn nỉ Hoan nhờ người đại diện cử hành một lễ cưới giả để Xiêm khỏi bẻ mặt với học trò và phụ huynh. Xiêm hứa, sau lễ cưới giả, nàng sẽ không bao giờ liên lạc với Hoan hoặc Bảo-Trân. Xiêm giữ lời. Nhưng sau thời gian dài Bảo-Trân chỉ sinh toàn con gái, cụ Nhân và Hoan lén lút liên lạc lại với Xiêm, vì Xiêm sinh con trai. Cụ Nhân cần cháu trai để nối dõi tông đường và lo nhang khói thờ phụng cụ khi cụ qua đời nên cụ bảo Hoan hằng tháng gửi tiền cho Xiêm nuôi Quốc. Và, ngoài lý do không nỡ để cụ Nhân sống đơn độc, Quốc cũng là lý do quan trọng khiến Hoan quyết định ở lại Việt-nam.

            Xiêm hiểu giã tâm của cụ Nhân và Hoan, nhưng mặc, Xiêm không cần tình, Xiêm chỉ cần người nuôi Quốc ăn học và cần một nơi để nàng nương tựa khi nàng không thể làm gì khác để nuôi con và nuôi thân.

            Bây giờ, Xiêm lưỡng lự. Nếu nàng bước vào nhà, nhỡ gặp Bảo-Trân hoặc các con của Hoan thì sự việc sẽ ra sao? Hậu quả của sự việc là nguồn tài trợ sẽ bị cắt và Quốc sẽ không đủ điều kiện tiếp tục học. Nhưng không vào thì không được, vì theo suy luận của Xiêm, chính Bảo-Trân là nguồn gốc gây đau khổ cho cuộc đời của Xiêm.

            Giữa khi Xiêm chưa chọn được thái độ thì một chiếc xe đò dừng lại, Quốc vội vã bước xuống. Thấy Xiêm đang tần ngần nơi góc sân, Quốc lên tiếng:

            - Ủa Mẹ! Mẹ làm gì ngoài này? Tối hôm qua con chờ mãi đến gần sáng mà chả thấy Mẹ đến. Con gọi về, gặp Bà. Bà cúp ngang, bảo để Bà gọi lại. Ðợi mãi chả thấy Bà gọi, con sốt cả ruột, chả biết nhà có gì không nên con về xem.

            Xiêm chưa kịp giải thích, Quốc vẫy vẫy tay, tiếp:

            - Ði vào. Ði vào, Mẹ. Con phải trở về Hà-nội ngay chiều nay, vì mai con thi.

            Nói xong, không đợi Xiêm phản ứng, Quốc chạy cái vù đến cửa, gọi lớn theo giọng điệu đứa con cưng:

            - Bố, Bố đâu rồi?  Con về nè. Thằng Quốc về nè, Bố.

            Nghe tiếng Quốc, Hoan hoảng hốt chạy ra, tính bảo Quốc im; nhưng vừa khi đó, Xiêm xuất hiện. Hoan hét lên nhưng cố nén giọng để từ nhà bếp Bảo-Trân không nghe được:

            - Tại sao lại về? Ðã bảo ít hôm mới về, tại sao lại về bây giờ?

            Quốc và Xiêm bàng hoàng, nhìn nhau, không hiểu gì cả. Từ nhà bếp, thấy Bảo-Trân nhổm người như muốn bước lên nhà trên, cụ Nhân cản:

            - Cái thằng cháu họ nó tàng tàng, để anh Hoan trị nó, chị lên đó làm gì.

            Bảo-Trân tin lời cụ Nhân nên ngồi trở lại.

            Ngoài sân, Quốc cố giải thích nhưng Hoan nắm tay Quốc và Xiêm đẩy ra:

            - Con đưa Mẹ đi chơi vài hôm. Nhà có việc.

            Nhớ lại những lời của đám trẻ con nói lúc nãy và thấy thoáng người lạ nơi nhà bếp, Xiêm gạt tay Hoan ra và đi nhanh xuống bếp.

            Từ ngày Xiêm không trở về gia đình nơi xóm cũ mà chỉ sống mãi bên ngôi trường làng với đứa con thơ cho đến nay cũng hơn ba mươi năm, không thể nào Bảo-Trân nhớ được khuôn mặt của người bạn cũ đã một thời làm tan nát trái tim nàng. Bảo-Trân không nhận ra Xiêm, nhưng Xiêm nhìn ra Bảo-Trân ngay, vì những tấm ảnh Bảo-Trân chụp chung với các con, được các con gửi về cho Hoan. Vì vậy, khi Bảo-Trân vừa lễ độ gật đầu, chưa kịp nói Ộchào bà  thì Xiêm đã xấn đến. Cụ Nhân ngăn lại. Xiêm không giám hất cụ Nhân ra, chỉ chồm người điểm điểm ngón tay trỏ về phía Bảo-Trân:

            - Thì ra là mày! Ai cũng nói mày xinh đẹp, tài hoa, học giỏi, tại sao không ma nào nó lấy mày mà mày cứ phải đeo theo làm khổ tao suốt mấy mươi năm, hả?

            Bảo-Trân ngơ ngác, chẳng hiểu gì cả. Hoan và Quốc vừa vào đến. Hoan ôm đầu khổ sở. Quốc cũng chẳng hiểu gì nhưng vì thấy Xiêm tỏ ra quá hung hãn, Quốc đến bên Xiêm, nhẹ gỡ tay cụ Nhân ra:

            - Bà để cháu.

            Quốc lay lay vai Xiêm:

            - Mẹ! Ðừng giận mất khôn. Cái gì cũng từ từ giải quyết.

            Thấy Quốc giống Hoan như tạc, Bảo-Trân chợt hiểu; nhưng Bảo-Trân chưa thể nghĩ ra mẹ của Quốc là ai và là người tình thứ mấy của Hoan! Bảo-Trân vụt đứng lên, không muốn nhìn thấy bất cứ ai trong nhóm người này nữa. Nhưng Xiêm không buông tha, hất tay Quốc ra rồi hét  lớn:

            - Mày chạy đi đâu? Mày hèn quá vậy? Mày phải can đảm trực diện với tao. Không dễ gì chạy khỏi tay tao đâu, con.

            Ngại Xiêm hành hung Bảo-Trân, Hoan nạt lớn:

            - Xiêm! Câm mồm ngay. Không được hồ đồ.

            Vừa nghe Hoan phát âm tiếng ỘXiêm, Bảo-Trân khựng người, quay lại, trố mắt nhìn Xiêm. Bao nhiêu đau đớn ê chề từ mấy mươi năm qua bỗng trở về, quặn thắt trong lòng khiến Bảo-Trân cảm thấy nặng nơi lồng ngực. Bảo-Trân ôm ngực như sắp quỵ xuống. Hoan vội bước đến:

            - Bảo-Trân! Bảo-Trân! Em bình tĩnh nghe anh giải thích.

            Bảo-Trân đang đau vì vết đau xưa. Nhưng giọng nói của Hoan lại như nhắc nhở Bảo-Trân về những lời điêu ngoa của Hoan lúc gần sáng nên Bảo-Trân rùng mình, kinh tởm, nôn oẹ từng cơn.

            Phản ứng bất lợi của Bảo-Trân không ngờ lại làm Xiêm hả hê. Xiêm nghĩ rằng Bảo-Trân đã thua, đã sợ Xiêm đến phát bệnh. Vì vậy, thấy Hoan vịn vai cho Bảo-Trân nôn, Xiêm không ghen. Nhưng Bảo-Trân lại nhờm tởm khi Hoan đụng chạm vào nàng nên nàng hất tay Hoan ra:

            - Anh để tôi yên. Tôi ghê anh quá rồi!

            Khi không còn gì để nôn nữa, Bảo-Trân ra ảng nước súc miệng và cũng để che giấu những giọt nước mắt không thể cầm giữ lâu hơn nữa. Khóc được một lúc, cơn đau dịu dần, Bảo-Trân quẹt nước mắt rồi vói tay lấy cái gáo múc nước, tính rửa mặt.

            Khi múc gáo nước lên, Bảo-Trân chăm chú nhìn, vì thấy dường như có những sinh vật tý ty đang bơi lội. Trời! Những con lăng quăng! Bảo-Trân khiếp quá, lại muốn nôn, vì nhớ lại lúc khuya nàng đã dùng nước này để súc miệng. Bảo-Trân đổ gáo nước trên mặt đất, những con lăng quăng vẫy vùng càng nhanh, càng mạnh, vì thiếu nước. Nhìn lũ lăng quăng một lúc, tự dưng những biến động trong lòng Bảo-Trân lắng xuống. Thế giới của loài lăng quăng là những vùng nước đọng. Tự nàng múc chúng nó lên thì nàng còn ghê tởm làm chi? Cũng như ngôi nhà này là của những người có cùng một cách suy nghĩ, cùng một cách sống, cùng một phương thức hành động, tự nàng tìm về để chuốc ưu phiền thì còn trách chi ai!

            Sau khi tìm ra được tý Ộtriết lý vụnỢ, Bảo-Trân bình tâm trở lại và muốn rời khỏi nơi đây ngay. Vừa khi đó, thấy mấy em bé đứng nép hè nhà nhìn lén, Bảo-Trân cố tạo khuôn mặt tươi tỉnh, hỏi:

            - Cô cần nhờ các em một việc. Có em nào giúp hộ cô không?

            Từ nãy giờ thấy Bảo-Trân bị hành hung, mấy đứa bé đâm ra có thiện cảm với người yếu thế. Một bé gái trạc mười tuổi rụt rè bước đến:

            - Dạ, em. Cô cần gì, em giúp cho?

            - Em biết nhà cụ Thái gần cầu Ðò-Quan không?

            - Dạ biết. Có phải cụ Thái có người cháu tên chú Ninh, mới về hôm qua bằng xe con không, cô?

            Bảo-Trân gật đầu, lấy tiền tặng cô bé:

            - Ðúng đó, em. Em làm ơn nói chú Ninh đến đón cô ngay. Cô bệnh. Cô cần về sớm. Nè, cô biếu em ít tiền, mua kẹo ăn.

            Bé gái lắc đầu:

            - Có gì đâu mà cô trả tiền. Em chả giám nhận tiền công đâu.

            - Ðây không phải là tiền công. Cô biếu em mà. Cô cũng biếu các em kia nữa, em chịu nhận chưa?

            Bé gái cười, cùng Bảo-Trân bước dần về nhóm trẻ em.

            Ðợi hơi lâu không thấy Bảo-Trân trở vào, Hoan hoang mang, không biết Bảo-Trân đang làm gì nên bước ra. Thấy Bảo-Trân đang trao tiền cho nhóm trẻ em, Hoan quên bẳng câu chuyện đang xảy ra, vội lớn tiếng:

            - Trời ơi! Em cho tiền tụi nó làm chi? Tụi nó cũng có cha có mẹ tụi nó nuôi chứ đói khát gì đâu mà em cho?

*      *

*

            Thấy gương mặt Bảo-Trân không được thanh thản như mấy ngày ở Hà-Nội, Ninh im lặng, mở cửa phía trước, ngồi cạnh chú tài và không dám gợi chuyện.

            Chiếc xe chạy dọc đường Trần-Hưng-Ðạo. Bảo-Trân nhìn khu phố hẹp như nhìn vào cõi hư vô. Lòng nàng nguội lạnh, tâm trí nàng trống rỗng.

            Xe chạy được một đoạn khá xa, không biết nguyên nhân nào khiến Ninh mở cassette, rất nhỏ. Ðiệu tango văng vẳng. Tiếng hát người con gái mượt mà, óng chuốt:...Có phải sầu vạn cổ, chất trong hồn chiều nay, chất trong hồn chiều nay... Tôi là người lữ khách. Mầu chiều khó làm khuây. Ngỡ hồn mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây...Theo tiếng hát, tâm hồn Bảo-Trân từ từ ấm lại. Nàng nhận ra màu nước đục lặng lờ trong những thưở ruộng xanh mướt màu mạ non. Nàng nhận ra màu tím thẫm của những áng mây chiều đang chờn vờn phía xa. Nàng nhận ra ngọn núi Gôi chơ vơ giữa cánh đồng quạnh vắng. Nàng cũng nhận ra giọng người con gái rất thiết tha, nồng nàn...nồng nàn như những lời thì thầm của Phong Ờ người đã yêu nàng từ ngày chàng còn là một sinh viên Quân-Y và nàng là cô bé chỉ thích đàn, thích nhảy dây và thích nhảy lò cò Ờ vào hôm Phong đưa tiễn nàng tại phi trường Liên-Khương: Khi anh trở lại Dalat, hay tin em theo gia đình về Nhatrang, anh ngồi lặng hằng giờ bên ly cà-phê đen không đường, nơi tiệm kem Việt-Hưng. Lúc ấy, không hiểu tại sao người chủ quán lại cứ mở đi mở lại dĩa hát có bản Chiều của Hồ-Dzếnh. Khi hay tin em lập gia đình, anh buồn quá, nằm khoèo nơi phòng trực. Từ chiếc radio bên phòng điện tuyến, bản Chiều trổi lên. Anh không nhớ ca sĩ nào hát. Anh chỉ nhớ tiếng contrebass như dội thẳng vào tim anh. Ðau lắm. Và anh cảm thấy cô đơn vô cùng. Anh thích bản Chiều từ đó...Ợ Nhớ đến đây, Bảo-Trân chợt thở dài, nghĩ đến hai câu thơ mà Phong đã tặng nàng; có điều, Bảo-Trân đổi chủ từ cho hợp với tâm trạng hiện tại của nàng:

            Em nhìn xa vắng, ngàn thương nhớ.

            Anh đã xa rồi, anh biết không? (1)

 

(1)    Trích từ tập thơ Nửa Ðời Thương Ðau

 

Tác Giả Điệp Mỹ Linh (USA)

 



Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền