Đọc "Chuồn Chuồn Bay " Thơ Trần Mai Ngân (Lời Bình) Nhà Thơ Châu Thạch (Đà Nẵng- VN)

Nhà Thơ Châu Thạch

 

Nhà Thơ Trần Mai Ngân

ĐỌC “CHUỒN CHUỒN BAY…” - THƠ TRẦN MAI NGÂN
                                                                                 Châu Thạch


Tôi tìm trên Google thấy có 154 bài thơ nói về con chuồn chuồn. Vậy thơ viết về chuồn chuồn không phải là đề tài mới lạ. Thế nhưng khi đọc bài thơ “Chuồn Chuồn Bay…” của Trần Mai Ngân đăng trên trang web Văn Nghệ Quảng Trị và đăng trên Facebook với tên Du Thuy Khuc, tôi có cảm tưởng như đề tài nầy rất mới lạ. Vì sao vậy? vì con chuồn chuồn trong thơ Trần Mai Ngân không phải con chuồn chuồn dự báo thời tiết, cũng không phải con chuồn chuồn mà qua nó gợi nhớ cho một ai đó kỷ niệm tình yêu, kỷ niệm tình đời. Con chuồn chuồn trong thơ Trần Mai Ngân chính là hóa thân của tác giả. Qua thơ ta thấy con chuồn chuồn bay cùng trời đất, nó mang chính linh hồn của tác giả hóa nhập vào trong mọi khung cảnh “vui, buồn, hư huyễn”. Hãy đi vào vế thơ đầu tiên để thấy con chuồn chuồn bay thấp, bay cao không phải vì thời tiết nắng, mưa: 
Chuồn Chuồn bay thấp, bay cao
Để cho thơ ấu lạc vào nơi xa 
Tôi mơ về cánh đồng hoa 
Vàng ươm tình thuở bước ra mộng đời...
Con chuồn chuồn trong vế thơ nầy đang bay về quá khứ nhưng nó không tìm ra quá khứ. Vì vậy tác giả mới nói “Để cho thơ ấu lạc vào nơi xa”. “Tôi mơ” là chính tác giả mơ nhưng “tôi mơ” cũng là cái mà con chuồn chuồn đang đi tìm. Ta thấy nó bay thấp rồi bay cao là hình ảnh của sự tìm kiếm. Hai câu thơ đầu cho ta thấy con chuồn chuồn đang tìm về một quá khứ tốt đẹp. Quá khứ ấy được vẽ ước lệ thành một bức tranh cánh đồng hoa trong hai câu thơ sau. Bức tranh cánh đồng hoa mang hết linh hồn của một thời tuổi trẻ mộng mơ.
Bốn câu thơ biến con chuồn chuồn thành “hồn bướm”. Hồn bướm ở đây không mơ tiên là mơ cái viễn vông, mà hồn bướm ở đây mơ về một cảnh có thật trong quá khứ đẹp như cảnh tiên. Bốn câu thơ cũng chiếu lên hai hình ảnh nên thơ, một hình ảnh con chuồn chuồn đang bay về quá khứ mà quá khứ “lạc vào nơi xa” được tưởng tượng như ở trong cõi sương mờ nào đó, một hình ảnh thứ hai là cánh đồng hoa bát ngát màu vàng, tỏa hương thơm trinh nguyên và ngọt ngào của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàm năm chưa dễ mấy ai quên”.
Ta hãy đọc hai câu thơ sau của vế thơ:
Tôi mơ về cánh đồng hoa
Vàng ươm tình thưở bước ra mộng đời.
 Trần Mai Ngân không tả cảnh, chỉ mượn cảnh để tả tình và cảnh phơi phới, lồng lộng của tranh đã mang đầy đủ tính chất tình của thuở xa xưa . Vế thơ đầu tiên đã đưa người đọc vào huyền mộng, huyền mộng xảy ra trước mắt với con chuồn chuồn đang bay, nó mang tâm tư người đọc tự nhiên lọt vào một cảm giác mơ, mơ một cánh đồng hoa thể hiện tất cả quá khứ tình yêu trong ký ức mình.
Bây giờ ta hãy tiếp tục theo dõi cánh chuồn chuồn sẽ bay về đâu ở vế thơ thứ hai:
Chuồn Chuồn bay đến cổng trời
Tìm người xưa cũ gửi lời ăn năn
Ví dầu... dẫu mộng không thành
Buồn, vui vẫn đậu... ngọt lành vẫn xin
Chuồn chuồn mà bay được đến cổng trời là chuyện không thể vì thân nó quá nhỏ, cánh nó quá mỏng. Vậy chỉ có  con chuồn chuồn hóa thân vào linh hồn tác giả thì mới đến được cổng trời trong mơ ước. Con chuồn chuồn bây giờ trở nên vô hình vì nó nằm trong ảo tưởng. Đây thật sự là một giấc mơ với muôn vàn khắc khỏi. Đây thật sự là tấm lòng ăn năn của người trong cuộc, ăn năn vì số phận ly tan, duyên trời chia cách chớ không phải ăn năn vì phụ bạc tình nhau. Bởi vì con chuồn chuồn đã yêu sâu đậm và thủy chung đến suốt một đời: “Ví dầu…dẫu mộng không thành/ Buồn, vui vẫn đậu…ngọt lành vẫn xin”. Chuồn chuồn mà bay đến cổng trời cũng có thể hiểu được là người xưa có thể đã trở thành người thiển cổ không còn ở thế gian. Câu chuyện chẳng khác chi Điệp ngày xưa đã đến cổng chùa để tạ lỗi với Lan. Điệp còn biết có Lan  khi dây chuông bị cắt đứt nhưng con chuồn chuồn của Trần Mai Ngân chỉ đến cổng trời trong mơ ước mà thôi. Chính hình ảnh đó cho ta hiểu được niềm quặn thắt triền miên của người ở lại giữa cuộc đời nầy. Hình ảnh cánh chuồn chuồn chuồn mỏng manh mà bay đến tận cổng trời cũng cho ta thấy được tình yêu vĩ đại chất  chứa trong lòng người đi tìm quá khứ. Vế thơ thứ nhất đưa con người vào mộng, vế thơ thứ hai đưa con người vào đau, một nỗi đau lớn chất nặng trên cánh con chuồn chuồn bé bỏng. Cái đẹp được pha trộn nỗi đau làm tăng thêm nỗi đau và nỗi đau làm tăng thêm cái đẹp. Người đọc thơ ở đây sẽ hưởng được thi vị trong nỗi đắng cay vì những câu thơ rất đẹp lướt qua một cuộc tình ngang trái.
Vế thơ thứ ba kể toát yếu cuộc tình:
Chuồn Chuồn cánh mỏng ru tình
Ru mây, ru gió, ru mình à ơi ...
Ngày xưa không thốt nên lời
Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa !
Bây giờ tác giả cho người đọc đến rất gần con chuồn chuồn để thấy cánh nó mỏng nhưng quyền lực nó vô cùng to lớn. Đó là “Ru mây, ru gió, ru tình à ơi…”. Vế thứ nhất và thứ hai ở trên cho ta thấy con chuồn chuồn hóa thân vào tác giả, vế thơ nầy cho ta con chuồn chuồn hóa thân vào tình yêu vì chỉ có tình yêu mới ru mây, ru gió, ru mình à ơi…Vậy thêm một lần nữa chứng tỏ chuồn chuồn, tác giả và tình yêu chỉ là một, đồng đẳng cùng nhau, như một chiếc lá có ba cạnh trôi nổi giữa cuộc đời. Nghĩ thế, ta thấy sức tưởng tượng trở nên thâm thúy, bài thơ mang màu sắc tình yêu có màu sắc triết lý, và cánh con chuồn chuồn bổng nhiên thành tiếng gió  của bầu trời, tiếng êm đềm của mây trôi và tiếng thỏ thẻ trong lòng người. Chuồn chuồn bổng nhiên đẹp biết bao? Phải, nhưng đó cũng chính là tâm hồn tác giả. Hai câu thơ “Ngày xưa không thốt nên lời/ Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa!” giống như một tiếng khóc xé lòng, nghẹn ngào trong tâm khảm và triền miên trong cuộc đời. Đọc hai câu thơ nầy rồi ngừng lại để suy tư, những người nhạy cảm khó mà không rơi nước mắt.
Và cuối cùng đôi mắt nhà thơ đã nhòa lệ:
Chuồn Chuồn bay, đậu nhạt nhoà
Vui, buồn, hư huyễn vỡ oà nhân gian
Trượt chân rơi xuống trái ngang
Chuồn Chuồn hát khúc mộng tan... ru mình !
Con chuồn chuồn bây giờ ở trong làn nước mắt, nó đậu và bay trong nhạt nhòa, trong tâm tư chùng xuống của tác giả không chỉ thấy mình khóc mà thấy cả thế gian đều khóc ‘vỡ òa nhân gian”. Câu thơ “Trượt chân rơi xuống trái ngang” làm ta liên tưởng đến các thiên tiên trượt chân rơi vào cõi trần gian tục lụy. Câu thơ “Chuồn chuồn hát khúc mộng tan…ru tình” lại khiến ta dễ liên nghĩ đến nàng tiên ấy đã hóa ra cánh chuồn chuồn mỏng manh như cuộc tình mà mộng đã tan. Bốn câu thơ ở vế chót cô đọng hết sự mỏng manh, sự trái ngang, sự hư huyễn của cuộc tình và cả tiếng khóc như tiếng ru rất hay, rất tuyệt nhưng âm vang nỗi sầu vọng mãi đến miền xa xôi, lên tận cỏng trời và thê thiết trong lòng người mãi mãi về một “khúc hát mộng tan”.
Bài thơ hay! Xin trích một vài lời khen của những cây bút lớn tuổi mà bút pháp đã được văn đàn trân trọng:
- Bài thơ hồn nhiên trong sáng (Thanh Văn)
- Bài thơ có tứ lạ, từ đẹp, giản dị trong sáng (Đình Đăng)
- Thi tứ tác giả theo tình tự thăng tiến dần đều và cuối cùng là mộng vỡ Nhẹ nhàng. Hay! (Hồ Trọng Trí)
 
Bài thơ hay! Từ đó có nhiều cảm tác cũng hay, cho thấy bài thơ đã truyền nguồn cảm hứng qua những tâm hồn yêu thơ thơ khác. Mời quý vị thưởng thức  trên dòng thời gian của trang facebook mang tên Du Thuy Khuc. Bài thơ còn có âm điệu như một bài ca dao đọc lên nghe thanh thoát vô cùng.
Cuối cùng tôi không khen tác giả đâu, vì bài thơ “Chuồn Chuồn Bay…” của Trần Mai Ngân đã khiến tôi phải tìm đọc 154 bài thơ nói về những con chuồn chuồn khác, làm tôi phải thức đêm, thức trưa để viết về nó. Nếu không viết để trút cho bao cảm xúc vơi đi thì bài thơ sẽ còn hành tôi suy tư vè nó nhiều hơn nữa đêm ngày ./.
 
                                                                        Châu Thạch



CHUỒN CHUỒN BAY...
 
Chuồn Chuồn bay thấp, bay cao
Để cho thơ ấu lạc vào nơi xa
Tôi mơ về cánh đồng hoa
Vàng ươm tình thuở bước ra mộng đời...
 
Chuồn Chuồn bay đến cổng trời
Tìm người xưa cũ gửi lời ăn năn
Ví dầu... dẫu mộng không thành
Buồn, vui vẫn đậu... ngọt lành vẫn xin
 
Chuồn Chuồn cánh mỏng ru tình
Ru mây, ru gió, ru mình à ơi ...
Ngày xưa không thốt nên lời
Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa !
 
Chuồn Chuồn bay, đậu nhạt nhoà
Vui, buồn, hư huyễn vỡ oà nhân gian
Trượt chân rơi xuống trái ngang
Chuồn Chuồn hát khúc mộng tan... ru mình !
 
                                            Trần Mai Ngân

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền