8- Gạo Ơi, Đừng Buồn (Truyện Ngắn) Nhà Văn Nguyễn Thị Thanh Dương (Dallas- USA)

Gạo ơi, đừng buồn!


Mới mấy ngày đầu vào hãng làm việc mà cô Laura Nguyễn xinh đẹp đã gây chú ý cho mọi người, nhất là cánh đàn ông trai trẻ Mễ, họ nhìn cô và sẵn sàng mỉm cười khi bất chợt cô nhìn về phía họ.

Anh Arturo hào hoa thì xăng xái hơn, luôn tìm cách đến gần cô vì anh có lý do chính đáng, là người set up máy cho cánh phụ nữ làm, nên bất cứ sự thắc mắc hay trục trặc nào anh Arturo cũng phải giải quyết cho họ.

Arturo là một người thơ máy giỏi, có gương mặt đẹp trai, có dáng người cao ráo cân đối như cầu thủ đá bóng, lại khéo ăn nói và chiều chuộng phụ nữ. Tuy là dân thợ thuyền nhưng Arturo để mái tóc khá đặc biệt, phía trước cắt ngắn, phía sau để đuôi tóc dài sau ót, trông rất nghệ sĩ. Nói tóm lại anh ta hấp dẫn và đẹp “toàn diện”, là niềm ước mơ của nhiều cô Mễ độc thân trong hãng.

Các cô làm đẹp vì anh, và còn thích cho máy hư để gọi anh đến, nũng nịu nhờ anh sửa chữa, cho dù mất thời gian và làm ảnh hưởng đến năng suất sản phẩm.

Dĩ nhiên cánh phụ nữ Mễ thì không nhìn Laura bằng ánh mắt ngưỡng mộ mà ngược lại tò mò, khó chịu, vừa khác chủng tộc vừa đẹp, đủ lý do cho họ không ưa rồi.

Chưa bằng bà Anna của phòng nhân viên, trước khi đi làm Laura đã vào phòng làm việc của bà Anna để làm giấy tờ, người phụ nữ Mỹ béo mập qúa khổ ấy, khi nhìn nghiêng trông bà như một hình thoi, khúc đầu và chân nhỏ, còn khúc giữa bụng và mông thì to phình ra. Bà đã nhìn cô bằng ánh mắt lạnh lùng, bằng gương mặt khó đăm đăm, bà ganh ghét với tất cả những phụ nữ đẹp, làm như họ đã cướp hết những cơ hội, những may mắn trong cuộc đời, không chừa lại chút gì cho bà, từ vẻ đẹp của gương mặt đến sự cân đối của thân hình.

Trong ngày thỉnh thoảng phải xuống shop trao đổi giấy tờ cho ông cai, bà Anna đi qua chỗ cô Laura làm việc, hay nhìn trộm cô tuy bà rất ngứa mắt vì vẻ xinh đẹp của cô.

Anh Arturo cứ tìm cách đến gần cô Laura và nói chuyện với cô nhiều hơn, và cô Laura cũng vài lần máy hư phải gọi anh đến sửa và bao giờ anh cũng kiếm cớ sửa lâu hơn người khác.

Anh khen cô xinh đẹp, và…khen tất cả những gì liên quan đến cô, biết Laura là người Việt Nam, anh “nghiên cứu” ở đâu mà khen đồ ăn Việt Nam tuyệt vời, nào chả gìo, phở, gỏi cuốn chấm nước tương. Trong khi cô Laura đến Mỹ đã 3 năm nay may ra chỉ biết cửa hàng Taco Bell, Taco Bueno là của người Mễ, chứ chưa ăn bao giờ.

Cô Laura chăm chỉ học việc để làm việc, chỉ mong cho cuộc sống ổn định nơi xứ người

 ***************

Laura Nguyễn tên cha sinh mẹ đẻ là Nguyễn Thị Gạo, con nhà nông cha truyền con nối, cái nghề cơ cực và nghèo khổ mà không thể nào dứt ra được.

Đến đời cô Gạo không biết là đời thứ mấy, làm quần quật phụ mẹ cha mà vẫn chẳng đủ ăn đủ mặc..

Chị em cô toàn mang tên sản phẩm của đồng ruộng, cô là chị cả Nguyễn thị Gạo, thằng em kế là Nguyễn văn Nếp, rồi Nguyễn thị Tấm và Nguyễn Thị Cám.

 Khi còn bé thơ, con bé Gạo rất hãnh diện khoe cái tên của mình:

- Con tên là Gạo nè, mai mốt nhà con có đầy gạo trong nhà, nhiều nhứt xóm luôn.

Nhưng khi lớn lên biết cái tên quê mùa của mình cô Gạo đã âu sầu trách mẹ :

- Sao thiếu gì tên hay mà má đặt tên con là Nguyễn thị Gạo? bộ má muốn giới thiệu cho người đời biết nhà mình là nông dân hả má?

Má cô thật thà:

- Chớ sao, mình sanh ra ở nông thôn đặt tên vậy mới xứng. Má sanh chỉ 4 đứa đặt tên đầy đủ các loại gạo, nếp, tấm, cám, nếu sanh nhiều má đặt tên loài trái cây thì vô số kể, nào Mận, Ổi, Cam, Quýt, Mít, Soài….

- Thôi má ơi, nhìn cái tên trong khai sanh con phát rầu, mà má lại hào hứng.

Đến lượt má cô âu sầu:

- Nhà mình nghèo khổ qúa, nên cả đời ba má chỉ ước mơ có đủ thứ gạo trong nhà cho no bụng thôi con à.

Ước mơ của ba má qúa chân tình nên cô Gạo không buồn cái tên của mình nữa mà chỉ ngậm ngùi cho hoàn cảnh gia đình.

Trong làng có anh giáo viên con nhà giàu rất yêu cô, cha mẹ anh giàu vì chuyên làm nước mắm gỉa, họ pha chế một phần nhỏ nước mắm ngon còn bao nhiêu là nước lã nấu với chất màu và hương liệu gì đó và ra thành phẩm có thương hiệu hẳn hoi, bỏ mối sỉ khắp nơi và bán lẻ trong vùng.

Đó là những lời tự hào khi trong một lúc cao hứng anh nhà giáo khoe với người yêu về cái nghề hái ra bạc của nhà mình.

Đời nào cha mẹ anh chịu cưới cô Gạo con nhà nghèo nhất làng về làm dâu nhà họ.

Mà anh giáo cũng chỉ yêu thương cô cho vui chứ chưa bao giờ anh nói đến chuyện muốn lấy cô làm vợ. Đùng một hôm anh giáo viên đi lấy vợ, một đám tương xứng, cô nọ cũng có học, cũng con nhà giàu.

Thế là mối tình đầu ngây thơ của cô Gạo tan vỡ, cũng may là cô chưa kịp nghe theo lời rủ rê của anh giáo đi chơi xa khỏi làng, biết đâu cô cũng đã trao thân cho người cô yêu rồi.

Cô Gạo buồn tủi lắm, cô xinh đẹp, hiền ngoan, nhiều nhà trong làng mơ ước có nàng dâu như cô, cô mất người yêu cũng chỉ vì cái nghèo mà ra.

Trong lúc cô Gạo thất tình, thì ruộng nhà cô cũng thất mùa, nợ nần đói khổ chồng chất không biết đường nào mà gỡ. Má cô đã nghẹn ngào nói riêng với cô:

- Nhà mình tới đường cùng rồi con ơi, nói ra điều này má đau lòng lắm, nếu con ưng thì má kêu người mai mối tới gả con cho người Đài Loan, cũng kiếm được mớ bạc trả nợ nần và cứu các em con khỏi bữa đói bữa no. Má đã đặt tên các con đủ thứ loại gạo mà vẫn không có đủ gạo để ăn.

Cô Gạo cũng nghẹn ngào:

- Nhưng má ơi, mấy ông Đài Loan vừa gìa vừa bịnh nữa, xóm mình có 2 vụ rồi đó. Qua được cái khổ này con lại phải gánh cái khổ kia sao !!

- Hên xui con à, như chị Hiền con bác Tám Tàng lấy chồng Đài Loan, tuy chồng gìa nhưng cưới hỏi đàng hoàng, có gì xấu xa đâu, nó gởi tiền về giúp đỡ gia đình, bác Tám đeo vàng đỏ tay, trong khi má không có lấy một khoen để mà làm vốn liếng.

- Không phải vậy đâu má, vụ này con rành lắm, vàng gỉa không má ơi, bà Tám Tàng đeo để che mắt bà con lối xóm thôi, chớ trong bụng bà kêu trời không thấu đó. Con Hòa em gái chị Hiền là bạn thân với con nó kể thiệt tình, chị Hiền nó đang tìm cách thoát thân trốn về Việt Nam mà chưa được. Nếu ngon lành như má nghĩ thì bác Tám Tàng đã gả nốt con Hòa đi rồi, để ở nhà làm chi cho tốn cơm tốn áo.

Rồi hai mẹ con cùng ôm nhau mà khóc.

Thật ra những lời năn nỉ ỉ ôi của má cùng với hoàn cảnh bi đát của nhà lúc đó có lúc cũng xuôi lòng cô Gạo, cô muốn hi sinh để giúp đỡ gia đình, rồi thân cô có sóng gío ba đào cũng cam, nhưng cứ nghĩ tới ngày đám cưới, chú rể mà là ông Đài Loan vừa gìa vừa bịnh phải chống gậy hay đi cà nhắc là cô Gạo thấy xấu hổ, thấy quê với hàng xóm thì ít mà với anh nhà giáo thì nhiều. Trong khi anh ta và cô vợ xứng đôi vừa lứa vẫn sống nhởn nhơ sung sướng cùng làng.

Cô Gạo đã tự an ủi mình:

- Gạo ơi, đừng buồn!

Cô quyết định bỏ trốn làng quê lên Sài Gòn tìm kiếm công việc làm, vừa xa lánh người xưa cho khuất mắt, vừa tìm cơ hội đổi đời giúp đỡ gia đình, dù cô chưa biết mình sẽ làm gì, nhưng làm gì thì cũng chưa chắc cực bằng làm ruộng.

Có nhiều thanh niên nam nữ làng cô đã lên thành phố làm ăn và gởi tiền về giúp cha mẹ, nghe nói toàn những nghề đơn giản, nam thanh niên thì làm công nhân, lái xe, thợ hồ v..v.. còn nữ thì thợ may, rửa bát nhà hàng, giúp việc nhà…nên cô Gạo cũng muốn thử thời vận, cô liên lạc với con bạn quê tên Trang cùng trang lứa đã lên ở Sài Gòn 2 năm nay, nhờ nó chỉ giúp trong thời gian đầu cô lạ nước lạ cái.

Thì ra con bạn đang đi ở đợ cho nhà người ta với cái tên nghe lạ tai là “Ô Sin”. Lên Sài Gòn, gặp bạn, nghe bạn kể cô Gạo mới vỡ lẽ ra có nhiều người con gái quê lên tỉnh, nói là phụ bếp hay rửa chén nhà hàng mà thật ra bán bia ôm, làm gái bao, gái nhảy…

Nghe thấy sợ qúa, cô Gạo chấp nhận thà làm ở đợ mà đàng hoàng như Trang chứ quyết không làm mấy nghề xấu hổ kia.

Cô Trang giúp việc cho một nhà khá gỉa, lương tháng 1 triệu, cô hầu như gởi trọn món tiền về quê, vì ở với chủ qúa đầy đủ sung sướng cho cô rồi, nhà cao cửa rộng, ăn uống dư thứa, quần áo cô chủ cho đồ cũ mà đẹp ngoài sự mơ ước, nên Trang chẳng cần tiền tiêu pha gì cả.

Trang giới thiệu cô Gạo đến một dịch vụ tìm việc.

Chẳng bao lâu Gạo cũng được một gia đình nhận thuê mướn về nhà giúp việc, gồm hai vợ chồng trẻ và một đứa con lên 6 tuổi học lớp một.

Tuy là ở đợ, nhưng làm trong nhà mát mẻ đủ thứ tiện nghi, nhẹ nhàng sung sướng hơn làm ruộng nhiều và ăn uống đầy đủ cô Gạo cảm thấy thoải mái, hài lòng nên trông cô càng xinh đẹp thêm ra.

Ngày ngày cô đi chợ, nấu cơm, lau nhà và đưa đón con chủ đi học, về học. Cô Gạo nấu ăn khi mặn khi lạt bà chủ còn chê, nhưng ông chủ thì dễ tính, luôn vui vẻ với cô. Nên cô cũng thấy an tâm mà không lo bị đuổi việc.

Mới sống ở thành phố có vài tháng mà cô Gạo đã học hỏi được nhiều chuyện đời, có những ông chủ yêu cô giúp việc là gái quê trẻ đẹp, sẵn sàng thuê nhà riêng, cung phụng tiền bạc, qùa cáp cho cô và nuôi cô làm gái bao, làm vợ hờ. Vì thế nhiều cô thôn nữ chấp nhận kiểu sống này, thà làm bé, làm bồ với ông có tiền, có địa vị, muốn gì được nấy còn hơn là ở quê lấy anh nông dân, làm vợ chính thức của một người vừa dốt vừa nghèo, cả đời chỉ biết cày ruộng, trồng rau..

Cô Gạo không bao giờ dám nghĩ tới chuyện tày trời đó, lén lút cướp chồng người ta thì hay ho gì, trước mắt cô chỉ mong kiếm nhiều tiền phụ giúp cha mẹ và sau này lấy được người chồng tử tế, sống hạnh phúc bên nhau.

Cho đến một hôm như thường lệ cô Gạo ở nhà một mình, bà chủ đi làm, thằng con đi học thì ông chủ lù lù xách cặp táp về, ông nói bị cảm, thấy người khó chịu nhờ cô Gạo cạo gío giùm. Cô hồn nhiên đáp:

- Dạ, ông chủ để con cạo gío cho, ba cái cảm cúm này hết liền.

Ông chủ trẻ tuổi nhìn cô và đủng đỉnh mỉm cười :

- Tôi có gìa đâu mà cô xưng “con” với tôi?

Cô Gạo ấp úng:

- Dạ, xin lỗi ông chủ…

- Thêm cái tội gọi tôi bằng “ông”nữa, đáng cho tôi giận lắm đó.

Giọng ông chủ nhà ngọt ngào cợt nhã, ánh mắt đa tình đẩy đưa, cô Gạo linh tính khác thường nhưng không thể từ chối, không thể không cạo gío cho chủ.

Thế rồi khi cô vừa chạm vào người ông, chưa kịp cạo gío thì ông chủ đã đẩy cô ngã ngửa ra giường, mặc cho chai dầu gío bẽ bàng rơi xuống đất. Ông than đang mệt, đang cảm mà sức mạnh vô song, cô Gạo không thể nào thoát ra khỏi vòng tay của ông.

Đang lúc ông chủ và Gạo còn quấn mình bên nhau thì bà chủ về tới, bà về nhà đột xuất vì cần lấy một vài món giấy tờ cho công việc. Thấy cổng khóa bên trong lại có xe của chồng ở sân, bà sinh nghi tự mở khóa len lén vào nhà, vào phòng.

Bà đã nổi giận đùng đùng, hơn cả thiên lôi trong một ngày mưa gío bão giông, đôi mắt như tóe lửa, xông vào túm tóc Gạo, cào cấu cô, đấm đá cô, tới lúc bà rã rời vì mệt còn ráng sức lần cuối cùng, cho cô mấy cái tát rát mặt rát mày, mặc cho cô giải thích đây mới là lần đầu, tội lỗi do ông chủ gây ra.

Bà chủ lồng lộn lên:

- Hừm !! chồng tao gây ra cớ sự này và mày sung sướng đón nhận, phải không?

Và bà chửi té tát khi tống khứ cô Gạo ra cửa:

- Ừ, đây là lần đầu, nếu tao không bắt gặp thì sẽ có lần sau tiếp theo dài dài chứ gì?

 Nỗi buồn tủi khi bị anh người yêu nhà giáo lừa tình bỏ rơi chưa nguôi lại đến nỗi đau đớn nhục nhã ghê gớm này.

Ở quê làm ruộng kiếm lúa gạo đã cực nhọc khó khăn, lên tỉnh thành kiếm cơm gạo cũng có bao khó khăn, tủi nhục của nó.

Một lần nữa cô lại tự an ủi mình:

- Gạo ơi, đừng buồn!

Cô cần vượt qua những sóng gío cuộc đời, cô bỏ hẳn “nghề” ở đợ vì đúng như lời Trang nhận xét, chỉ những đứa con gái vừa quê vừa xấu như Trang làm công việc này mới bền vững mà thôi, vì sẽ được bà chủ nhà yên chí tin cậy và ông chủ chẳng bao giờ thèm đoái hoài đến.

Lần này cô sẽ tìm những việc làm khác như công nhân hãng xưởng, đứng bán hàng cho các cửa tiệm tạp hóa, phụ bán qúan cơm..v..v...

Đang lúc cô Gạo bơ vơ chưa có việc gì làm thì bà chủ nhà của Trang cần tìm một cô dâu trẻ đẹp cho một người bạn Mỹ mà bà quen trong giao dịch công việc, bà ta đã giới thiệu vài đám nhưng ông Mỹ đều chưa hài lòng, thế là khi bà ta gặp Gạo đến nhà tìm Trang, bà đã chấm cô Gạo và giới thiệu cho ông Mỹ, ông đồng ý ngay.

Cuộc đời con gái của cô Gạo không còn nữa, cô chưa biết đi đâu, làm gì? Ông Mỹ tuy gìa, nhưng còn phong độ, lịch lãm hơn mấy ông Đài Loan gìa mà cô đã thấy khi còn ở làng quê. Thà chấp nhận lấy ông Mỹ đường đường chính chính còn hơn những cô gái lên thành phố làm nghề hư hỏng khác.

Ở làng quê cô, những cô gái nghèo chỉ mơ ước lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan là đủ mãn nguyện rồi, mấy ai dám mơ lấy chồng xứ Mỹ cao xa.

Đám cưới cô Gạo và ông Mark tưng bừng làm cả làng xôn xao, vừa chê bai vừa ganh tức khi nghĩ con bé nhà quê này sẽ theo chồng sang Mỹ, mai mốt thành Việt kiều le lói như ai..

Biết hoàn cảnh gia đình cô Gạo khó khăn, ông Mark đã rộng lượng giúp đỡ ba má cô Gạo mấy ngàn đô la, gấp nhiều lần so với mấy trăm đô la Mỹ nếu họ gả con gái cho người Đài Loan.

.Ông Mark là cứu tinh cho cô và cho cả nhà cô luôn.

Cô Gạo đột nhiên kết hôn với ngoại kiều và đi Mỹ như một giấc chiêm bao, ngay chính cô cũng không ngờ.

Tuy không biết một chữ tiếng Anh nào nhưng sau 3 năm chung sống với ông Mark cô Gạo đã hiểu và nói tiếng Anh khá khá, vượt xa những người đến trường lớp học ESL mấy năm trời.

Ông Mark đã đổi tên cô Gạo thành Laura cho ông dễ gọi, chứ ông nào hiểu tên Gạo quê mùa thế nào, ông yêu người, cái tên nghĩa là gì không thành vấn đề.

Bỗng nhiên được lấy chồng giàu, được sống ở Mỹ, cô Laura qúa sung sướng, cô biết ơn chồng, thương yêu chồng và muốn có con để cuộc sống vợ chồng thêm gắn bó, nhưng Mark nghiền rượu nặng, có lẽ đó là lý do khiến ông không thể có con. Cái hạnh phúc chưa tròn vẹn ấy cũng chẳng bền lâu. Ông Mark bị một chứng đau bụng kinh niên, khi lên cơn thì đau quằn quại, trong lúc qúa đau ông đã quên mất điều tối kỵ là vừa uống rượu bia xong thì không nên uống thuốc giảm đau. Ông chết đột ngột như ngày nào ông đã đột ngột cưới cô Gạo, để cô bơ vơ nơi xứ lạ quê người.

 Thì ra nhà cửa, xe hơi của ông Mark toàn là mua trả góp chứ ông chẳng giàu có như cô tưởng.

Dù sao cô Laura cũng lãnh được tiền tử một năm lương của Mark, món tiền khá lớn, cô gởi hết về cho cha mẹ ở Việt Nam xây nhà cao cửa rộng, để má có chút vốn liếng đỡ cơ cực, trước để báo hiếu cha mẹ và sau để cho nhà anh giáo viên kiêm chủ vựa nước mắm gỉa ở cùng làng nhìn thấy mà đừng khinh thường gia đình cô Nguyễn thị Gạo ngày nào.

 ****************

Cô Laura làm việc trong hãng được hai tuần, anh Arturo vẫn đang đong đưa tình cảm với cô Laura thì cô Rosa xuất hiện và ban ngay cho Gạo những cái nhìn đầy ác cảm và soi mói. Thì ra cô Rosa đã nghe ai mách bảo gì đó nên mới hậm hực như thế.

Rosa là người tình cùa Arturo, cô mới trở lại hãng làm việc sau 3 tuần vacation về quê hương Mexico thăm cha mẹ gìa..

Rosa là một phụ nữ trẻ bị chồng bỏ rơi, có 2 con, không biết vì cần tình hay vì muốn trả thù đời, cô Rosa quay ra o bế anh Arturo, mua tặng người tình những món qùa đẹp, cuối tuần đi ăn đi nhảy. Chàng trai chưa lập gia đình bao giờ nhưng đuờng tình gío trăng thì không thiếu, chẳng dại gì chê thức ăn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng dâng đến tận miệng. Cho nên ở hãng mọi người cùng làm đều hiểu ngầm Arturo và Rosa là cặp đôi, các cô Mễ có nhõng nhẽo với anh Arturo chỉ khi khuất mắt Rosa.

Giờ nghỉ, cô Rosa đến bên cô Laura, nghiêm giọng:

- Tôi muốn nói chuyện với cô tại break room

Laura mở to mắt ngạc nhiên, trông càng đẹp, càng làm cô Rosa nổi giận thêm:

- Tại sao? Chúng ta chưa quen biết nhau mà..

- Nhưng tôi biết cô, lát nữa cô sẽ biết tôi là ai!

Nhìn nét mặt ghê gớm và nghe giọng nói đanh đá của Rosa cô Laura linh tính nghĩ ngay đến cơn ghen của bà chủ nhà hôm bắt gặp cô trên giường với ông chủ hồi còn ở Việt Nam. Nhưng bây giờ cô chưa làm điều gì sai trái với ai cả, cô sẽ hiên ngang đối diện với Rosa.

Vừa bước chân vào phòng giải lao cô Rosa đã quay ra tát cô Laura và rít lên:

- Tại sao cô tán tỉnh anh Arturo, người yêu của tôi?. Bây giờ thì cô đã biết tôi là ai chưa?

Đây là một cái tát oan ức, cô và anh Arturo đều độc thân, chuyện trò hay tán tỉnh nhau là bình thường. Hơn nữa anh Arturo mới là người đang tán tỉnh cô.

Cô Laura không thể nhịn đau và nhịn nhục vì bị tát trước mặt đám phụ nữ Mễ nhiều chuyện đang hóng đầy xung quanh:

- Rosa, cô phải xin lỗi tôi, cô chưa là vợ của Arturo, cô không có quyền gì sỉ nhục tôi như thế.

- Xin lỗi hả? này, này…

Vừa gằn giọng cô Rosa vừa nhào tới tát Laura thêm 2 cái nữa. Sức mạnh của sự ghen tức, của người đàn bà Mễ da nâu khỏe mạnh làm cô Laura không thể chống đỡ được, gò má cô đỏ ửng lên vì xấu hổ, tức giận và vì những cái tát, mái tóc cô xổ ra rối bời vì va chạm mạnh, cô bật khóc tức tưởi…

Lúc này thì bà Anna đã tha tấm thân đồ sộ xồng xộc đi tới, chắc có ai đã chạy đi mách bà.

Hai người bị mời lên văn phòng bà Anna, bà lắng nghe hai bên phân trần phải trái lấy lệ, rồi bà tuyên bố mau lẹ và dứt khóat :

- Cả hai cô đã cãi nhau, đánh nhau trong hãng là vi phạm kỷ luật. Chúng tôi quyết định sa thải Rosa và Laura kể từ giờ phút này.

Bà hài lòng được dịp sa thải cô Laura, dù bà biết thừa rằng xét ra cô không có lỗi gì cả. Gía cô Laura vô duyên và xấu xí đi thì bà sẽ khoan dung ngay. Chứ mỗi lần sa thải hay thuê mướn người vào bà lại mất công làm hồ sơ giấy tờ, mà những người mập ì ạch như bà thường lười hoạt động cả tinh thần lẫn thân xác, nhưng thỉnh thoảng uống lon Coke hay bốc kẹo trong cái hũ thủy tinh luôn đầy ắp những loại kẹo ngon để trước mặt thì bà không bao giờ thấy mỏi tay, không bao giờ lười biếng.

Cô Laura và Rosa chẳng thương yêu gì nhau mà phải xách gỉo ra về cùng lúc, cùng một lối đi, nhưng mặt mỗi người nghênh về một phía.

Anh Arturo đứng từ xa nhìn theo hai người tình nửa vời của mình, chẳng biết anh có buồn không? Anh thương xót ai nhiều hơn ai ?

Ra tới bãi xe, cô Rosa nổ máy xe và phóng đi cái vèo coi bộ dữ dội lắm, khói xe còn tuôn về phía sau thành đám mây mù hắc ám thay cho lời mắng nhiếc cô Laura.

Chiều nay anh Arturo về làm gặp cô tha hồ phân bày và năn nỉ nếu vẫn còn muốn tiếp nối cuộc tình béo bở, tình cho không biếu không của cô Rosa.

Còn cô Laura lên xe, ngồi lặng người buồn bã, nước mắt cô rơi ra, lại thêm một lần tủi thân. Cô không tuổi Dần, không cầm tinh con Ngựa mà phần số vẫn lận đận, long đong.

Nhưng chỉ phút giây thôi, cô Laura lau nước mắt, cô mỉm cười với mình và an ủi mình như ngày nào:

- Gạo ơi, đừng buồn !.

Cô nghĩ tới gia đình ở Việt Nam, nghĩ tới một thời nghèo khổ, những thất vọng, tủi hờn cô đã gánh chịu và cô đã muốn vượt qua những điều đó, thì chuyện vừa xảy ra trong hãng hôm nay cũng chỉ là chuyện vặt trong cuộc sống, một sự thử thách nữa để cô vượt qua.

Mấy năm sống ở Mỹ, bên người chồng Mỹ, cô Laura đã trưởng thành thêm, hiểu đời thêm. Nơi đây nước Mỹ vẫn là trời đất thênh thang cho những người muốn tiến thân tìm cuộc đời êm ấm như cô. Thế là cô nổ máy xe rời khỏi hãng với cõi lòng nhẹ nhỏm. Ngày mai cô sẽ đi tìm việc làm khác…

 

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Oct. 2012)

NPS

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền