1-Nhớ Bánh Trung Thu Ngày Xưa (Truyện Ngắn) Tác Giả Ngọc Dung (VN)

 

 

 

Nhớ Bánh Trung Thu Ngày Xưa

 

 

Mỗi độ thu sang, khi nhà nhà, người người náo nức chuẩn bị đón đêm trăng rằm ý nghĩa, thì cũng là lúc hương vị của những thứ bánh trung thu thơm ngon rộ lên, chào đón một mùa trăng đẹp.

 

Cuộc sống ngày càng hiện đại, mâm cỗ đêm rằm cũng trở nên phong phú và trang trọng hơn nhờ có sự góp mặt của các loại bánh lạ miệng, đẹp mắt. Nhưng trong tâm thức con người Việt chẳng thể nào quên bánh trung thu xưa, thứ hương vị ngọt bùi, thanh tao, mang hơi thở của hương đồng gió nội.

 

Bánh trung thu

 

Không quá cao sang với những loại nhân cao cấp như các loại bánh hiện đại, bánh trung thu xưa mang đậm hương vị cổ truyền, lấy nguồn nguyên liệu gần gũi, giản dị như đậu xanh, thịt heo, lá chanh, đậu phộng, mè… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ gợi nên nét mộc mạc, đặc trưng làm say lòng không biết bao thế hệ người thưởng thức.

 

Bánh trung thu cổ truyền mộc mạc bởi nó được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người chứ không bằng công nghệ sản xuất dây chuyền, không cậy nhờ đến các loại máy móc hiện đại. Với một lớp vỏ mỏng, làm bằng bột mì, bao lấy khối nhân ngọt ngào bên trong. Có thể đó là cái lòng đỏ trứng có vị mặn, với sắc vàng rực rỡ, đẹp tựa như trăng rằm. Một chút mặn ấy khiến cho vị ngọt được đậm đà hơn.

 

Bánh trung thu thập cẩm lại là thứ bánh dễ ăn và phổ biến nhất, bởi nhân của nó là một thứ hỗn hợp nào là thịt heo chiên, hơi dai dai, ngầy ngậy, đậu phộng và mè bùi đến tận mang tai, sang trọng hơn thì loáng thoáng dăm miếng lạp xưởng đỏ kèm theo lớp mỡ bóng nhẫy, thêm chút nồng nàn của lá chanh thái sợi. Chiếc bánh là sự tổng hợp của hương vị mặn, ngọt, ngậy bùi và dẻo dai, chiếm được cảm tình của những người khó tính nhất.

 

Bánh dẻo

 

Chiếc bánh nướng ánh lên màu vàng hổ phách, bề mặt được trang trí bằng những hoa văn đẹp mắt, được đựng trong những bao giấy màu vàng nghệ, hình chữ nhật, trong mỗi bao như vậy phải chứa sáu chiếc bánh nhỏ nhắn được xếp chồng lên nhau. Nếu mùa thu, trời tiết hơi se lạnh, chiếc bánh sẽ trở nên cứng hơn, khô hơn và tất nhiên thưởng thức nó cũng là một nghệ thuật.

 

Bánh trung thu thường có hình vuông hoặc hình tròn, biểu tượng cho sự đoàn viên, khát vọng về hạnh phúc. Nếu chiếc bánh thập cẩm màu vàng óng ả thì bánh dẻo lại trắng tinh khôi, mịn màng và dẻo dai, bên trong vẫn là những thứ nhân quen thuộc nhưng chính hai sắc màu ấy lại phân biệt hai loại bánh nướng và bánh dẻo để người ta lựa chọn.

 

Trung thu mới thực sự là một ngày vui của đám trẻ con, những chiếc bánh ngộ nghĩnh hình những chú heo béo tròn với đôi mắt làm bằng hạt đậu đen nhánh, nằm gọn gàng và ngoan ngoãn trong chiêc đĩa chờ đám trẻ nâng niu, thưởng thức, đó là món quà ý nghĩa nhất gợi trí tưởng tượng cho trẻ em vào đêm trăng rằm.

 

Bánh hình chú heo

 

Tết trung thu bây giờ không những dành cho thiếu nhi mà còn là ngày sum họp gia đình, bạn bè. Bánh trung thu cũng không thuộc quyền sở hữu của các em nhỏ mà đã trở thành món quà biếu sang trọng và đắt tiền. Ngày xưa, bánh trung thu không to, không nhiều màu sắc nhưng rất đẹp, rất thơm và khiến người ăn chẳng bao giờ thấy đủ. Trong cái nghèo, ta cảm nhận rõ hơn thế nào là hương vị của miếng bánh ngon. Không xa hoa, cầu kỳ nhưng lại khiến vị giác khát khao, hướng về.

 

Bánh trung thu xưa lẫn trong tiếng cười của trẻ thơ, đi cùng với những chiếc đèn lồng bằng ống lon, đến trong sự ân cần của kẻ trao, người nhận. Trong tiếng trống rộn rã, bên chén nước trà thơm và câu chuyện thân tình, chiếc bánh trung thu thay cho lời chúc hạnh phúc.

 

Thưởng thức bánh trung thu xưa bên chén nước trà để cảm nhận vị thời gian đang chầm chậm trôi, ôn lại không khí trung thu cổ truyền của dân tộc, điều đó đã trở thành một nét văn hóa, một cái lệ mà chẳng ai băn khoăn hay thắc mắc vì sao…

 

TG. Ngọc Dung

NLMMT

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền