13- Bài Toán Cuối Năm (Truyện Ngắn) Nhà Văn Nguyễn Thị Thanh Dương (Dallas- USA)

 

Bài toán cuối năm

 

Thằng Cu Tí ra check hộp thư và chạy vào nhà mừng ríu rít: 
- Có thư Việt Nam bố ơi! 
Anh Bông giật mình, nghi ngờ: 
- Con có nhìn lộn không hả? 
Thằng Cu Tí hớn hở khoe tài: 
- Cái thư màu xanh xanh, có ghi chữ Việt Nam. Con 13 tuổi rồi, con biết đây là chữ Việt Nam mà. Chắc thư của bà ngoại hả bố? 
Thôi chết rồi, con anh nói đúng. Anh gắt: 
- Có thế mà con cũng mừng reo lên như trúng số. Đưa thư đây. 
Anh uể oải mở lá thư ra đọc, vì kinh nghiệm bấy lâu cho anh biết rằng đọc lá thư từ Việt Nam gởi sang sẽ nặng đầu và nặng lòng lắm, hơn cả người ta vác bao gạo một tạ trên lưng. 
Thằng cu Tí vẫn đứng bên cạnh ngong ngóng chờ hóng chuyện, vì nó cũng kinh nghiệm, mỗi lần có thư Việt Nam là có một biến cố gì đó đã xảy ra cho người thân của mẹ nó. 
Thấy bố đọc xong không nói gì, nó sốt ruột hỏi: 
- Có phải bà ngoại lại bệnh hay bác Ba phải vào bệnh viện mổ ruột dư nữa không bố? 
- Không phải đâu con ơi…Anh đáp như rên rỉ. 
- Vậy sao mặt bố vẫn buồn thế? Đáng lẽ bố phải mừng vì bà ngoại và bác Ba không bệnh nữa chứ. 
- Nhưng…dì Út của con mới bị giựt hụi, phải cầm cố nhà cửa để trả nợ kia kìa.. 
- Nghĩa là hết tiền, là nhà nghèo hở bố? 
- Đúng thế. Tóm lại dì Út đang cần nhà mình giúp đỡ. 
Cu Tí ngạc nhiên: 
- Sao bên ngoại xui qúa vậy bố? Thư nào gởi sang cũng có tin buồn, hết bà ngoại mắc bệnh, tới chú, bác, cô dì… 
Anh Bông được dịp tuôn trào: 
- Chưa hết đâu con, bên phía họ hàng gần xa cũng “xui” luôn. Bà con của mẹ con ở dưới quê thỉnh thoảng viết thư sang hỏi thăm sức khỏe nhà mình rất nhiệt tình, nhưng phần tái bút mới là quan trọng, không bao giờ họ quên báo cáo tình hình mùa màng, ruộng lúa thì mất mùa, vườn rau trái bị sâu rầy. Dưới ao thì cá không lớn nổi vì thiếu tiền mua thực phẩm, trên bờ gà vịt bị toi, bị dịch… 
Thằng cu Tí lại kêu lên sửng sốt: 
- Sao toàn bộ gia đình, họ hàng bên Việt Nam của mẹ đều xui hết vậy ? Sao họ bất hạnh qúa vậy? Nhưng nhà mình đâu phải hội từ thiện mà họ xin tiền hoài vậy? 
Anh Bông lại bực mình gắt: 
- Sao con hỏi nhiều qúa vậy? . 
Thấy thằng bé tiu nghỉu, anh chuyển đề tài: 
- Trong thư bà ngoại cũng kêu nhà mình về Việt Nam ăn Tết như năm ngoái đấy. 
Cu Tí sáng mắt lên như vừa khám phá ra một kho tàng: 
- Lạ lắm bố ạ, năm ngoái về Việt Nam, con thấy bà ngoại và bác Ba vẫn béo mập, khỏe mạnh, không có ốm đau, nghèo khổ như trong thư họ viết. Nhà nào cũng ăn Tết tưng bừng nhiều món, họ cười nói sung sướng lắm mà bố? 
Anh đáp cho xong chuyện: 
- Thì coi như họ mới khỏi bệnh, nên họ ăn Tết và ăn mừng luôn. 
Chị Bông vừa đi đâu về, anh đưa lá thư Việt Nam cho vợ. Đọc xong chị chép miệng: 
- Tội nghiệp dì Út qúa, chắc mẹ kêu mình về Việt Nam trước là ăn Tết, sau là an ủi, giúp đỡ dì Út cho đỡ tủi? Anh tính sao? 
- Em trả lời mẹ đi “Xuân này con không về”. 
- Sao nghe quen quen, giống như tên một bản nhạc nào đó vậy anh? 
- Là bản nhạc Duy Khánh thường hát mỗi khi Xuân về, có câu: “ Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm?”. Thà rằng để mẹ buồn, chứ tiền đâu mà về? năm ngoái về rồi, năm nay về nữa thì qua Mỹ bán nhà luôn, trắng tay có ngày. 
Chị Bông than thở: 
- Kinh tế khó khăn, làm ảnh hưởng đến mình, vật gía leo thang, đi chợ cứ như bị ai móc túi anh ạ. Tiền xăng, tiền điện nước cũng lên gía. 
- Cả gia đình về Việt Nam hao tốn tiền máy bay, xe cộ đã nhiều, mà tiền biếu tặng, tiêu xài bên Việt Nam càng nhiều hơn. Đi một chuyến như một người vừa trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, đâu dễ phục hồi ngay được. Em hiểu chưa? 
- Em hiểu rồi, nhưng mẹ em…chưa hiểu. Cũng sắp tới ngày mình gởi qùa Tết cho thân nhân ở Việt Nam rồi, em sẽ giải thích cho mẹ hiểu “Xuân này con không về” đúng như ý anh. À, mà anh ơi, mình có nên tái bút hẹn Xuân sau con sẽ về không? Cho mẹ mừng. 
- Ấy chết, em chớ dại dột hứa ra một điều mà chính mình cũng còn nghi ngờ. Chắc gì năm sau mình sẽ có tiền về Việt Nam ăn Tết hở em? 
Chị thở dài: 
- Ước gì mình giàu có như nhà Bill Gates, nhà Hilton, thì tha hồ đi chơi và tiêu xài anh nhỉ? 
- Nhưng con nhỏ Paris Hilton sắp sửa “nghèo” rồi đấy, ông nội cô ta đã tuyên bố sẽ để 97% gia tài cho hội từ thiện mang tên ông cố nội nó, em vừa lòng chưa? Vì mỗi khi nhà mình đi chơi xa, em nhất định không chịu vô khách sạn Hilton dù tiện đường tiện lối, em ghét con nhỏ thừa kế ăn chơi đỏng đảnh Paris Hilton, không muốn góp phần làm giàu thêm cho gia tài nhà nó. 
Chị thán phục: 
- Nhiều người Mỹ rộng lượng không ngờ, họ miệt mài làm giàu và cống hiến tài sản cho xã hội, cho người nghèo. Em mà giàu như thế thì chia hết cho con cái, cha mẹ, anh em và dòng họ nội ngoại gần xa không xót một ai, chứ ngu gì cho người dưng.


***************


Trong số những bản nhạc thời xưa anh Bông chỉ thích hai bản: “ Sầu Đông” và “Xuân này con không về” vì thích hợp với tâm trạng của anh. 
Chỉ nghe câu mở đầu của bản nhạc “Sầu Đông” là: “ Chiều nay gío Đông về…” anh đã…ớn lạnh tới xương sống. 
“Gío Đông về…” có nghĩa là những ngày lễ Tết cuối năm cũng đang ùn ùn kéo về, bao nhiêu là món nợ phải trả, bao nhiêu là qùa cáp phải biếu tặng gởi đi. 
Cảnh shopping đã là cơn ác mộng, hai vợ chồng anh đã phải chen chân trong mall đông người, vào các hàng đồ chơi, quần áo, giày dép ngắm nghía, lựa chọn, cân nhắc gía cả. Rồi túi lớn túi nhỏ, hộp to hộp bé, tay xách nách mang ra tới bãi đậu xe là tối sầm cả mày mặt, phải ngồi nghỉ vài phút anh mới tỉnh người để lái xe về nhà an toàn. 
“Gío Đông về…” có nghĩa là tiền thuế nhà, bảo hiểm nhà, và bảo hiểm xe cộ cũng về theo. Xong phần “giao lưu” với xã hội bên ngoài, tới phần họ hàng, con cháu trong nhà, viết thiệp và gởi qùa Giáng Sinh rụng rời cả tay và xót cả ruột gan. 
Ông bưu điện năm nào cũng lỗ vài tỉ, lên gía tem hoài mà chẳng cứu vãn được tình thế, bởi quanh năm ế ẩm vì cell phone và email là những phương tiện liên lạc nhanh nhất, thuận tiện nhất, nhân dịp cuối năm mới được tận dụng nghề nghiệp, bận rộn nối nhịp cầu cho thiên hạ. 
Phe gia đình anh Bông đều ở Mỹ, mỗi người ở một phương trời nên qùa gởi qua gởi lại như trò chơi rượt đuổi nhau, nhộn nhịp đến chóng cả mặt. 
Ngay cả khi anh Bông nhận được gói qùa mà chính anh đã đóng gói và gởi cho đứa cháu nào đó, vòng vo tam quốc thế nào nó lại lù lù quay về nhà anh, dĩ nhiên với tên của một người gởi khác, mà anh cũng không hề hay biết, nếu không có thằng cu Tí đã phát hiện ra và mừng rỡ kêu lên. 
Bao nhiêu đứa cháu là bấy nhiêu gói qùa, và con anh cũng nhận lại bấy nhiêu lần. Chỉ tổ làm giàu cho các hãng sản xuất và những chủ tiệm. 
Còn phải kể đến phần qùa biếu cho bạn bè thân, những người ân nghĩa. Tiền trong bank thì có hạn mà tình nghĩa thì không kể xiết và không thể lãng quên ai. 
Sau “cú trời giáng” lễ Giáng Sinh và Tết Tây, anh Bông chưa kịp hoàn hồn thì tới Tết ta Việt Nam. Lần này là phe bên vợ, nhẹ nhàng êm ái mà thiệt hại sâu xa. 
Những lá thư lẻ tẻ trong năm vẫn đều đều từ Việt Nam gởi sang, hết mẹ vợ, anh chị em vợ, tới họ hàng gần xa bên vợ. Họ truyền nhau địa chỉ nhà anh như truyền một bửu bối, một kho tàng, chỉ cần gõ cửa như trong chuyện cổ tích thần thoại với câu thần chú: “Vừng ơi mở cửa” là cánh cửa sẽ mở ra, không ít thì nhiều họ cũng có qùa. 
Mấy người bạn của anh Bông cũng tương tự như anh, họ than thở: 
- Nhà mình cứ như là trung tâm tiếp nhận những đau thương mất mát bên Việt Nam, chưa khi nào mình nhận thư mà họ hí hởn khoe nhà tôi đang ăn nên làm ra, giàu tiền lắm bạc, ..tôi chỉ viết thư này thăm hỏi sức khỏe anh chị, miễn gởi qùa, gởi tiền cho tôi nhé. Được vậy tôi sẽ ăn mừng 
- Ai bảo mấy ông bà Việt kiều về Việt Nam nổ tung trời như car bomb nổ ở Iraq, họ xài tiền thả giàn, khoe tài sản và công ăn việc làm ở Mỹ, những điều mà không ai kiểm chứng nổi. 
- Lại có Việt Kiều xưa ở Việt Nam chẳng mấy tử tế với ai, bây giờ trở về bỗng nhiên thay đổi tính nết, nói toàn chuyện phước thiện, thương người, thì ai chả náo nức xúm vào Việt Kiều để xin chút tình nhân ái đó, họ đâu biết rằng nhiều Việt kiều cũng đang hưởng lòng nhân ái của nước chủ nhà, trợ cấp nhà cửa, thuốc men, tiền bạc… 
Chỉ còn một tháng nữa là Tết Việt Nam, vợ chồng anh Bông cùng ngồi tổng kết danh sách thân nhân từ gần tới xa để gởi qùa. Chủ yếu chị Bông gởi qùa cho mẹ và các anh chị em ruột, bà con họ hàng thì mỗi hộ một món tiền nhỏ gọi là chung vui ba ngày tết, đôi khi có vài gia đình họ hàng xa lơ xa lắc, qúa tầm tay với, nhưng nghe hoàn cảnh qúa nghèo khổ, chị cho họ ít tiền cứu .. đói. Thế là từ đó, mỗi năm khi “Chiều nay gío Đông về…” anh chị lại nhận được thư họ gởi sang thăm hỏi, như để nhắc nhở anh chị rằng: “Tôi vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, Tết đến xin đừng quên tôi nghe”. 
Chẳng lẽ họ nghèo đến thế, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đã “hi sinh” tốn mấy chục ngàn đồng tem thư để thăm hỏi mình, mà anh chị không có gì cho họ coi sao được? 
Và cứ thế, món nợ ân tình vẫn tiếp tục, không biết bao giờ mới dứt điểm? 
Anh chị Bông làm đủ kiểu toán, hết cộng trừ, tới nhân chia, thêm đầu này, bớt đầu kia, sao cho tương xứng với hoàn cảnh từng người và hợp lý với túi tiền của anh chị. Dì Út mới bị giựt hụi nên đứng đầu danh sách ưu tiên. Nhìn một dãy dài danh sách tên họ thân nhân bên nhà vợ, anh Bông muốn nổ con ngươi, nhưng anh đâu dám cằn nhằn, vì danh sách phe nhà anh ở Mỹ trong dịp Giáng Sinh và New Year vừa qua cũng đâu có ít ỏi gì. 
Cơn “Sầu Đông” đã qua, những ngày tết Việt Nam đang đến, vợ chồng anh quay cuồng vì lễ Tết, rồi khi trở lại với nhịp sống bình thường hàng ngày hai vợ chồng lại ky cóp tiền vô bank để cuốn sổ đời lại mở ra tính tóan mỗi dịp cuối năm và Tết đến. 
 

Nguyễn Thị Thanh Dương

NPS

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

Nguyễn Thị Thanh Dương tên thật  Nguyễn Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1951.

Định cư tại Mỹ năm 1991, hiện đang sống tại vùng Dallas, tiểu bang Texas.

Cộng tác với báo Trẻ, phát hành tại địa phương và vài thành phố, tiểu bang khác.

Đã in :

-  Tuyển tập truyện ngắn: "Đường dài thăm thẳm" năm 2007.

-  Tập thơ: "Một thời tương tư" năm 2007".

Yêu thích thơ văn từ lúc tuổi  teen. Cho đến bây giờ niềm đam mê đó vẫn không ngừng nghỉ.


 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền