Trái Tim Rao Bán- Bài Thơ Đầy Bản Sắc (Lời Bình) Nhà Bình Thơ Phạm Đức Nhì (USA)

Nhà Bình Thơ Phạm Đức Nhì

 

TRÁI TIM RAO BÁN – BÀI THƠ ĐẦY BẢN SẮC                        

        

Gặp Tác Giả Trên Facebook

  Tôi đua đòi chơi trò viết lách đã khá lâu. Mấy bài thơ con cóc, tạp bút, bình thơ - nhờ internet - được bạn đọc chuyển đi khắp bốn phương trời Á Âu Mỹ Úc. Nhưng với Facebook thì tôi là anh lính mới tò te, như người chơi cờ “chưa sạch nước cản”. Có người bạn văn nhắn “Anh cứ vào trang FB của tôi là có đủ”. Tôi không biết trang FB của bạn nằm ở đâu và làm sao vào được nên lặng lẽ tảng lờ. Tôi tự mò mẫm nên cả mấy tháng trời quay đi quẩn lại cũng chỉ có mấy người bạn lèo tèo.

Một tối tình cờ trên trang facebook của mình, dưới tiêu đề People You May Know (những người bạn có thể biết) thấy khuôn mặt một phụ nữ đeo kính cận trông rất hiền và buồn tôi có cảm tình ngay, bấm vào “mutual friends” (bạn chung) thấy có tên một người quen, tôi mừng quá đưa mũi tên vào Add Friend (thêm bạn) bấm mạnh rồi hồi hộp chờ đợi.

Ngay tối đó Đinh Thị Thu Vân chấp nhận lời mời kết nối và chúng tôi trở thành bạn FB. Sau khi giới thiệu tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp, gia đình … bằng “bút đàm” qua phương tiện nhắn tin, tôi, vì lớn hơn mấy tuổi, được chị gọi là anh xưng em rất ngọt. Một buổi sáng cuối tuần thấy chị xuất hiện trên fb tôi xáp vô tán chuyện. Tôi nhớ có hỏi chị một câu vô duyên hết biết:

“Thế em viết văn hay làm thơ hả Vân?”

“Thì anh vào trang fb của em đi” Chị (chắc đang cau mày) nhưng vẫn lịch sự trả lời.

Tôi quê một cục lặn mất. Hôm sau tôi mang laptop vô phòng con gái nhờ chỉ cách vô trang fb của cô ĐTTV đeo kiếng. Có lẽ nhờ “thông minh vốn sẵn tính trời” nên con nhỏ chỉ một, hai thao tác là tôi “bắt” được ngay. Trò chuyện với chị bằng tin nhắn vài lần tôi đâm “ghiền” vì chị rất lanh lợi, nhạy bén. Dù nội dung tin nhắn liên quan đến thơ hay chỉ là chuyện đời thường chữ nghĩa của chị dùng cũng rất gọn, chính xác, tượng hình, nhiều màu sắc … nghĩa là rất thơ. Và từ đó tôi với chị – nếu gặp nhau trên fb – thường tán chuyện thơ và đủ chuyện trên trời dưới đất

Cái Tôi Văn Hóa Của Nhà Thơ

Năm đầu đại học tôi yêu một cô gái người miền nam, gia đình nề nếp. Một buổi chiều, được cho phép đi chơi, lúc chỉ có riêng hai đứa trong vườn trái cây ở Lái Thiêu, tôi bắt chước Kim Trọng trong Kiều của Nguyễn Du:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

thì được nàng nghiêm khắc ngăn lại. Sau này viết về kỷ niệm đó tôi có bài thơ trong có 4 câu:

Còn nhớ không? Có lần anh lấn tới

Cũng một buổi chiều, em vẽ một lằn ranh

Đây là biên giới

Đừng bao giờ vượt quá nghe anh!

 

Lần này gặp ĐTTV tôi cũng bị “sao quả tạ” chiếu. Mặc dầu tôi với chị đã quá cái tuổi “thuận nhĩ”, hai người lại ở hai đầu trái đất, cách nhau mấy chục ngàn cây số nhưng chị cũng không ngần ngại “vạch đường biên giới” mỗi khi lời lẽ của tôi có vẻ vượt quá lằn ranh.

 Nhớ đến câu thơ của chị

 

 làm sao cho em vài tích tắc

vài tích tắc thôi mà

vài tích tắc

vùi thương trên vai xa...

(Nhớ)

 

 tôi đem bờ vai của mình ra ngỏ ý “cho mượn” thì chị lờ đi. Đến khi tôi đùa “Số anh lận đận; có bờ vai (rất êm ái) cho em mượn mà cũng bị từ chối” thì chị trả lời “Dựa bờ vai không phải của mình mà khóc có thể cũng sẽ bớt buồn nhưng khi bờ vai đi mất thì nỗi buồn càng lớn hơn, càng sâu hơn. Khóc trên vai người yêu thì mới là đẹp nhất, và phải là người có thể yêu lâu dài sâu đậm, chứ lớt phớt thì ai lại khóc.”

 

Rồi chị nói tiếp “Em là người cầu toàn. Trong tình yêu thì ‘hoặc là tất cả hoặc không có gì’” (all or nothing). Biết tôi sắp về Việt nam và trên đường đến Cần Thơ thăm bạn muốn ghé Tân An, chị vui vẻ trả lời “Em sẽ nghỉ việc ở nhà để đón tiếp anh.” Nhưng khi tôi hỏi “Nhà em có gần sông không? Buổi chiều đi dạo dọc bờ sông nghe thơ hoặc nói chuyện thơ cũng hay lắm chứ, phải không?” Chị từ chối nhưng bằng lời lẽ rất nhẹ nhàng: “Hình ảnh anh đang dệt đẹp lắm. Nhưng em không quen với những lãng mạn kiểu này đâu!”  Sau này đọc và tìm hiểu thêm tiểu sử và thơ của chị tôi đi đến kết luận “Với cách ứng xử như vậy nhà thơ đã vô tình xây trước cửa trái tim mình một bức tường dầy - rồi sẽ mỏi mòn nằm ôm trái tim rạn nứt đó để thưởng thức cái thú đau thương của kẻ lụy tình.”   

Đọc Thơ Đinh Thị Thu Vân

Đọc mấy bài thơ chị gởi qua mail, cộng với thơ của chị đăng đều đặn trên Facebook và rất nhiều trang mạng tôi nhận ra ngay chị đang ôm một khối tình sầu rất nặng. Tôi có ấn tượng sâu sắc với Chiều Cuối Năm 2015 qua lần đọc đầu tiên:

     CHIỀU CUỐI NĂM 2015

chiều nay tôi muốn đi hoang quá

xé vụn mình ra để nhạt nhoà

chiều nay tôi muốn men hồn gió

tung đời tan tác phía mây xa

 

chiều nay tôi khóc tôi tàn tạ

tôi khóc tình yêu vỡ đắp bồi

chiều nay hoa mảnh phai vào lá

tôi xoá bao giờ cho hết tôi?

(Trong tập thơ Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ)

 

Lời thơ đẹp quá! Hình ảnh lung linh quá! Nỗi buồn thống thiết làm người đọc cũng muốn vỡ tim theo. Và để bài thơ đẹp hơn nữa, tôi đã có đề nghị như sau:

“Ở đoạn đầu em nên thay “chiều nay” bằng 2 chữ khác để “gói” cả đoạn thơ lại làm một. Hai câu in nghiêng ở đoạn sau không “ăn” với 2 câu dưới – mà 2 câu dưới thì “tuyệt cú mèo”. Em có thể viết lại 2 câu in nghiêng được không?

Chị trả lời:

“Những nhắc nhở của anh em đã cảm thấy nhưng chưa chắc lắm. Giờ thì xác định được rồi, em rất cảm ơn. Biết là rất khó nhưng em sẽ tập trung vì anh nói đúng quá””

 

Để có đủ tự tin viết những dòng chữ này tôi lên mạng đọc thêm mấy chục bài thơ nữa. Thơ của chị những năm sau này hình như bài nào cũng buồn, bài nào cũng phủ một màu tím ngắt. Trong số những bài thơ đậm nước mắt ấy tôi chọn được một bài để viết lời bình. Tôi thích Trái Tim Rao Bán (1) vì nó là bài thơ tương đối mới. Hình thức mới. Tứ thơ là tâm trạng của người phụ nữ “đau tình” – cũng là tâm trạng thật của chị trong cuộc sống. Hơn nữa, tuy là bài thơ ngắn, TTRB lại có rất nhiều chỗ cho người phê bình mổ xẻ phân tích để làm rõ một số điểm quan trọng liên quan kỹ thuật, nghệ thuật thơ.

 

Trái Tim Rao Bán

có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán

một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau - niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng 
rao bán

một ngày
mõi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh...

Hình Thức

Mới liếc mắt nhìn bài thơ tôi đã có cảm tình với hình thức, vóc dáng của nó. Không dính dáng gì đến các thể thơ truyền thống. Ngay cả thơ mới nó cũng khác xa. Số chữ trong câu thay đổi tùy thích, thoải mái, số câu trong bài không lệ thưộc bất cứ một quy luật nào - viết hết ý thì thôi.

Riêng việc sử dụng vần thì, theo tôi, rất đặc biệt. Tác giả, qua mấy đoạn đầu, không gieo vần nhưng dòng thơ vẫn lững lờ chảy. Và độc giả tò mò theo dòng chảy đó để tìm biết lý do tại sao “một ngày nào đó nàng sẽ rao bán trái tim mình”. Chỉ đến đoạn kết nàng mới đưa vào một chút “vị ngọt của thi ca”, cho 3 nhóm chữ “một chút tình” đi kế tiếp nhau vần với câu cuối “cho bớt chông chênh”.

Điệp ngữ rất khéo, vần chỉ thoang thoảng nhưng âm vang thì không chê vào đâu được. Tôi có cảm tưởng đang nghe đoạn cuối một bản nhạc buồn cung Thứ mà dòng nhạc vừa bước qua hợp âm Trưởng bậc 5 để trở về Chủ Âm tạo một giai kết hoàn toàn rất ngọt. Nhạc điệu của đoạn thơ thật tuyệt vời.

Tứ Thơ

Không có ẩn dụ toàn bài nên tứ cũng là ý: tác giả lên tiếng báo là sẽ rao bán trái tim mình rồi hé mở cho biết lý do, và sau cùng là giá cả - rất đặc biệt.

Ngôn Ngữ Thơ

Lời thơ bình dị, dễ hiểu, những cụm từ mù khơi hạnh phúc, biền biệt tình yêu, mỏi mòn trong ảo vọng đã diễn đạt thành công một cách xuất sắc tâm ý của tác giả mà không phải dài dòng biện giải, từ chông chênh tượng hình và đắc địa về cả nghĩa lẫn âm.

Cấu Trúc Thơ

Thế trận chữ nghĩa tương đối mạch lạc, hợp lý, chức năng truyền thông thành công.

 Cảm Xúc

Dòng chảy của tứ thơ rất chậm. Người đọc có thời gian để hiểu, cảm nhận cái lý do khiến tác giả phải rao bán trái tim mình:

mù khơi hạnh phúc

biền biệt tình yêu

mỏi mòn trong ảo vọng

có vẻ như 3 nhưng thật ra là một. Mù khơi hạnh phúc và mỏi mòn trong ảo vọng chỉ là hệ quả tất yếu của tình trạng biền biệt tình yêu. Khi đã thấm, đã đồng cảm với nỗi đau, nỗi buồn và tâm trạng khao khát tình yêu thì dòng thơ lại dẫn người đọc đến một bất ngờ đến độ sững sờ: “bảng giá” của Trái Tim Rao Bán:

không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh...

Điều kiện mua bán thật dễ dàng: chỉ là một chút tình, dẫu là thương hại.

Đọc mấy đoạn trên độc giả có thể mường tượng tác giả đang khao khát tình yêu nhưng mức độ khao khát thì chưa biết rõ. Đến khi thấy “bảng giá” của trái tim rao bán thì độc giả mới giật mình nhận ra. Thiếu tình yêu khiến chị mất thăng bằng trong cuộc sống – như một ngôi nhà chông chênh có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Cho nên chị khao khát lắm, khao khát đến điên cuồng, cháy bỏng tâm can, khao khát đến độ sẵn sàng dâng hiến trái tim cho người đem đến một chút tình, dẫu là thương hại.  

Đã có sự đồng cảm trọn vẹn của người đọc thơ với người làm thơ. Thủ pháp Show, Not Tell (2) – cho riêng cường độ của sự khao khát - đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.   

Tại sao một người có lối sống nề nếp, nghiêm túc đến từng chi tiết như ĐTTV lại đi rao bán trái tim một cách “khờ dại” như vậy. Tôi xin phép được hơi dài dòng để giải thích hiện tượng có vẻ trái nghịch giữa nhân cách của tác giả và tứ thơ.

Lan Man Về Cái Tôi

Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là cái tôi văn hóa. Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia. Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (3) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus (3) thì con người đích thực đã bất lực - để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình.

……………………..

Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn  cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. (4) Vâng! Đó là trường hợp của bài thơ Trái Tim Rao Bán.

Khuyết Điểm Của Bài Thơ

Bài thơ có một lỗi chính tả (mỏi dấu hỏi, không phải dấu ngã) và vài chữ có thể bỏ đi cho câu thơ gọn, chắc và hay hơn. Bỏ chữ rồi (dòng 11), chữ đem và chữ đi (dòng 15), và chữ để (dòng 18). Đây là những lỗi nhỏ do bất cẩn, không ảnh hưởng đến sự chuyển động của tứ thơ.

 Hương Hoa Còn Đọng Lại

Tóm lại, dù Trái Tim Rao Bán chưa phải là toàn bích (những lỗi kỹ thuật không đáng có) nhưng trong số thơ của ĐTTV mà tôi đọc được, tôi thích nó nhất. Tứ thơ nhân bản – nhấn mạnh đến sự quan trọng của tình yêu, nhu cầu thiết yếu của con người; hình thức thơ phóng khoáng, cho phép tác giả được thoải mái, tự do phóng bút; điệp ngữ khéo, kết hợp với vần tạo âm vang tuyệt vời cho đoạn kết; thủ pháp Show, Not Tell điêu luyện, chỉ cần nhìn “bảng giá” của trái tim rao bán người đọc sẽ cảm nhận được nỗi khao khát tình yêu đến cháy bỏng tâm can của tác giả và – qua liên tưởng - sẽ “thấm” và thông cảm nỗi bất hạnh to lớn của nàng. Đặc biệt là cảm xúc thơ, hồn thơ nằm sâu dưới những con chữ, đến cuối bài mới trỗi dậy khuấy động làm người đọc cũng thấy lòng mình xiêu vẹo, chông chênh.  

Trình Diện Nhân Cách Trong Thơ?  

Tên khác của cái tôi văn hóa là nhân cách. Có nhân cách cao đẹp và nhân cách thấp hèn. Nhìn vào uy tín, cách sống của ĐTTV có thể nói cái tôi văn hóa của chị là một nhân cách cao đẹp. Tôi xin phép được không đồng ý với nhà thơ Luân Hoán khi ông nói: “nhà thơ (ĐTTV) (5) bày tỏ lòng mình như trình diện một nhân cách.” (6)

Chắc chắn trong thơ, không ít thì nhiều, cũng ẩn chứa nhân cách của thi sĩ. Và thi sĩ làm thơ lúc chưa thực sự cao hứng, chưa thực sự “lên cơn điên”, cảm xúc dâng lên chưa đủ cao, đủ mạnh để phủ mờ lý trí, lúc đầu óc còn tỉnh táo, tai còn thính, có thể nghe được từ chỗ sâu kín nào đó trong tâm hồn, tiếng mời gọi, lời dụ dỗ làm chuyện không đẹp, không xứng với danh vị Nhà Thơ – sẽ vô tình hay cố ý khoe khoang thái quá hoặc đánh bóng nhân cách của mình, nhiều lúc bằng cả những thủ thuật thiếu lương thiện. Vì thế làm thơ, theo tôi, mà “bày tỏ lòng mình như trình diện một nhân cách” thì sẽ … giết chết thơ. Nguyên cái ý nghĩ “trình diện nhân cách” đã làm người đọc mường tượng ra những câu thơ ngả nghiêng xiêu vẹo. Thì cứ bày tỏ lòng mình chân thật đi. Nhân Cách (viết hoa) của cái tôi đích thực sẽ kín đáo bước vào trong thơ và người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay, đâu cần phải trình diện.

Trái Tim Rao Bán độc đáo ở chỗ nó là một bài thơ “phi văn hóa”, “vô nhân cách”. Nỗi cô đơn, nỗi đau tình của ĐTTV mênh mông quá, lòng khao khát tình yêu của chị dâng cao quá nên chị đã nổi điên lên được, đã đạp đổ nhân cách của mình được, vùng thoát khỏi cái tôi văn hóa, phóng bút cống hiến cho đời một thi phẩm thấm đẫm hồn thơ.

Xin Chúc Mừng Và Cảm Ơn Nhà Thơ Đinh Thị Thu Vân

Cái tôi văn hóa cũng là con người nhưng tim đã khô cứng bởi những quy luật, cung cách ứng xử của xã hội văn minh; họ rất hòa nhã, lễ phép, lịch sự nhưng rất “lạnh”, đang dần dà biến thành những người máy vô cảm. Cho nên Thi Sĩ, nếu may mắn sáng tác được một bài thơ Có Hồn có nghĩa là Ngài đã ban cho nhân loại một ân huệ lớn, tặng họ một công cụ để học nói thứ tiếng Chân Thật (viết hoa) của con người. (7) Theo tôi, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân với Trái Tim Rao Bán đã làm được việc đó. Nhân danh một con người trong cộng đồng nhân loại – yêu thơ – xin chúc mừng và cảm ơn Nhà Thơ.

Kết Luận

Khi tôi viết những dòng chữ này ĐTTV đã không còn trẻ nữa nhưng khuôn mặt chị vẫn lanh lợi, nhiều nữ tính, giọng nói nam bộ vẫn ngọt ngào, dáng người vẫn nhẹ nhàng thanh thoát, và trái tim vẫn tha thiết nồng nàn. Đọc thơ chị và qua trao đổi tâm tình tôi đã viết bài thơ có đoạn:

Người đời biết 

và anh cũng biết

cây vườn em đang héo úa khô cằn

qua những vần thơ

em thổ lộ:

Mong một trận mưa cho cây lại tươi xanh

(Xin Đừng Vô Tình Xua Mây Đi, PĐN, chưa phổ biến)

 

Theo tôi, chị quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ cái tôi văn hóa cao đẹp của mình quá kỹ nên nhiều khi vô tình làm nản lòng, “chùn cánh” những đám mây muốn bay đến tụ hội để làm mưa. Cá nhân tôi rất mong nhà thơ mà tôi yêu mến sớm có thêm một cái tên thân yêu để đề tặng những bài thơ của mình (mượn ý của Luân Hoán). Nếu mưa đến kịp thời thì “cây vườn em” sẽ lại tươi xanh một thời gian khá dài nữa. Cuộc đời sẽ có thêm hai người hạnh phúc và thế giới thi ca sẽ có thêm nhiều bài thơ chan chứa thương yêu.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ, Đinh Thị Thu Vân, NXB Hội Nhà Văn, 2015

2/ Bày tỏ, không kể lại – Không kể (tóm tắt) mà cung cấp những sự kiện (facts) như lời nói, cảm giác, ý tưởng, cảm xúc, hành động để người đọc tự hình dung ra câu chuyện.

3/ Đều là đại diện của Chủ Nghĩa Hiện Sinh

    Tác phẩm tiêu biểu:

     Jean Paul Sartre:  La Nausée (Buồn Nôn)

     Albert Camus: L’Étranger (Kẻ Xa Lạ)

4/ Một Cách Nhìn Khác Về Vai Trò Của Vần Trong Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net

5/ Chữ của PĐN thêm vào

6/ Dòng Thất Tình Ca Bất Tận Trong Thơ Đinh Thị Thu Vân, Hà Khánh Quân (Luân Hoán), Facebook Đinh Thị Thu Vân

7/ Hồn Thơ Nơi Người Được Làm Người, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền