1- Bến Nước Đời Người (Truyện Ngắn) Tác Giả Châu Thị Cẩm Liên (Trà Vinh- VN)

 

 

 

 

Tác Giả Châu Thị Cẩm Liên

 

BẾN NƯỚC ĐỜI NGƯỜI


 Thôi, chị cứ ở đây, khỏi phải dọn đi đâu. Nói thiệt, tui tính ba tui mà chết là tui đuổi chị đi nhưng còn đứa nhỏ này…

Đôi mắt ráo hoảnh, Dung ngừng tay, nhìn cô con gái lớn của chồng rồi nhìn đứa bé ba tháng tuổi đang ngủ ngon lành. Ánh mắt cô chuyển sang chiếc bàn thờ mới tinh còn phủ tấm vải đen, vẽ những chữ trắng trắng, tròn tròn. Đôi mắt người đàn ông hiền lành nhưng vô cảm đang nhìn cô sau những sợi khói nhang mờ ảo.


**


Mới đó mà Dung về nhà chồng đã được tám năm. Tám năm trời với biết bao cay đắng, tủi hờn. Ngày lên xe hoa, Dung vui mừng háo hức tưởng như đang làm một cuộc đổi đời. Với Dung, Đức như một vị cứu tinh, như cái cọc nhiệm mầu dành cho người chết đuối. Anh là Chúa Giê–su, là Thánh Ala của riêng cô.

Sau đúng một tuần, cô gái nhà quê tội nghiệp từ trên thiên đàng ảo tưởng rơi xuống trần gian thực tế. Những bữa cơm cô dốc cả tâm sức thường nhận được những câu phán xét đại loại như:

-Nấu gì mà mặn như muối lồi, ăn làm sao được đây trời?!

-Bộ tính muối lưỡi người ta chắc?

Đó là những lời cay nghiệt của hai cô con gái rượu của chồng. Dung đi làm mẹ ghẻ của người ta mà!

Cứ thế, bữa cơm lặng lẽ trôi qua, không ai nói gì thêm. Dung tự biết khẩu vị “chém to kho mặn” nhà quê của mình không hợp với khẩu vị của người thành thị.

Nhà chồng cô cửa sau mở ra con hẻm nhỏ. Cánh cửa này hình như làm cho có, không thấy ai sử dụng bao giờ. Muốn gì, hai cô chỉ việc nhấn công tắc “cụp, cụp” là ánh sáng điện bừng lên, chan hoà cả gian nhà bếp. Dung thì khác. Quen với không gian thoáng đãng miền quê, gian bếp nhỏ, kín bưng đó khiến cô cảm thấy ngột ngạt. Xuống bếp, cô không mở đèn mà mở cửa. Không gian, ánh sáng và gió trời ùa vào. Vừa tiết kiệm vừa thoáng mát, dễ chịu biết bao, cô nghĩ thế. Nhưng cô con gái lớn nói trống không:

-Ai mở cửa, coi chừng ăn trộm dọn đồ hết bây giờ!

Mỗi lần chuẩn bị quà về quê, cũng cô con gái lớn đi qua đi lại, mắt nghiêng mày ngó: “Ai mua cái gì mà nhiều dữ vậy trời!” Dung nghe mà tê tái trong lòng. Tiền mồ hôi nước mắt của mình mà. Với lại, có gì đáng giá đâu. Chỉ là mấy gói mì tôm, mấy cái bánh mì ngọt cho mấy đứa cháu dưới quê. Cô phản ứng riêng với Đức, thì anh hiền lành:

-Sao em biết mua quà về quê mà không biết mua cái gì cho nó?

Cô chưng hửng. Chuyện đơn giản vậy mà cô không nghĩ ra. Nhưng câu trả lời của Đức khiến cô có cảm giác hơi là lạ. Nó giống như cái cảm giác khi người ta gặp cướp đường mà người bình dân vẫn thường gọi là “ăn cướp cạn”. Gặp “ăn cướp cạn”, nộp tiền mãi lộ là lẽ đương nhiên. Nhưng mỗi ngày, gánh xôi trên vai cô chi phí những nhu cầu thiết yếu trong gia đình dẫu ở mức tối thiểu cũng đã là một việc quá sức rồi. Cô còn tiền đâu mà nộp tiền mãi lộ? Vậy là, từ đó về sau, muốn mua gì về quê, cô cũng phải giấu giấu giếm giếm như người ta giấu đồ ăn trộm.

Cách đối xử của mấy đứa con chồng làm cô hụt hẫng. Khi nhận lời lấy anh, một người lớn hơn cô cả chục tuổi, cô chưa hề nghĩ ra các tình huống này. Trước ngày xuất giá, mẹ có dạy: “Mình thương nó thì nó thương mình”. Nhưng Dung chưa cảm nhận được điều đó. Cô đã cố gắng hết sức. Nói năng, hành xử nhẹ nhàng đúng mực, cố gắng tránh, không để cho hai đứa con anh mặc cảm. Vậy mà… đổi lại, cô chỉ nhận được những ánh nhìn khinh bạc, những câu nói hỗn hào. Cô chạnh lòng nhớ lại ngày còn đi học, có lần cô đọc một quyển tiểu thuyết của Quỳnh Dao nói về một người mẹ vì nghịch cảnh phải làm mẹ ghẻ ngay chính đứa con ruột của mình. Người mẹ ghẻ giả hiệu này đã thất bại não nề khi cố gắng lấy lòng đứa con ruột thịt. Cuối cùng, bà cay đắng nhận ra là làm mẹ ghẻ thật khó biết bao!

Nhưng điều làm cô hụt hẫng đến ngỡ ngàng là thái độ của chồng. Lúc nào cũng hiền lành, nhũn nhặn, chưa bao giờ Dung thấy anh bày tỏ chính kiến của mình hay nói cách khác, chưa bao giờ anh có một phản ứng gì khi các con anh có hành động hoặc lời nói xúc phạm với Dung. Thậm chí việc nó kêu Dung bằng “chị” anh cũng không có ý kiến gì. Dung tủi thân quá. Cô thèm nghe một tiếng cảm thông, một lời an ủi nhưng mãi vẫn chẳng thấy người chồng mà cô coi như thần như thánh nói năng gì.

Có một lần, trong bữa ăn, cô con gái lớn cằn nhằn:

-Ăn cái gì mà ngày nào cũng toàn rau rừng, ai mà nuốt được. Hồi mẹ tui còn, nay gà mai vịt, nấu toàn khoai tây, cà rốt. Ba cái rau này có biết đến đâu!

Dung buồn ngẩn buồn ngơ. Người chồng hiền lành cũng một mực lặng yên như chẳng nghe thấy gì.

Dung cũng từng là trẻ mồ côi. Mà lại mồ côi từ năm mới ba tuổi kia. Năm chị em Dung lăn lóc ôm nhau mà lớn lên như cây như cỏ. Những bữa cơm rau đơn giản như thế này, cả năm chị em đều thưởng thức ngon lành. Mẹ một nách năm con, nuôi nấng được như vậy đã muốn hụt hơi rồi. Ý thức được thân phận côi cút của mình, chị em Dung có dám đòi hỏi gì đâu!

Hồi còn đi học, sách của chị để lại, có cuốn nào Dung sử dụng cuốn nấy, chưa hề dám xin mẹ mua bất cứ cuốn gì. Cũng may, nhờ có tư chất, Dung học hành tấn tới. Cuối năm, lãnh phần thưởng lại có tập để dành cho năm học sau.

Giải phóng. Dung vừa học xong lớp mười một, huyện Tiểu Cần quê Dung ghép với Cầu Kè thành huyện Cầu Kè. Trường Cấp Ba được dời về quê hương chị Út Tịch anh hùng. Dung được mẹ “động viên” nghỉ học cho chị ba tiếp tục đi học bởi mẹ không thể một lúc lo được cho cả hai chị em. Dung buồn lắm nhưng biết làm sao? Khó khăn chung mà. Rồi chị ba tốt nghiệp Phổ thông trung học nhưng vướng lý lịch, không thi vào trường nào được. Hai đứa em học hết cấp hai rồi cũng nghỉ bởi kinh tế gia đình không cho phép. Thương hai em lắm nhưng lực bất tòng tâm, Dung chỉ biết nén nỗi đau vào lòng. Những đồng bạc lẻ mót được từ những trái ổi, trái mận bán cho học trò nuôi được cả nhà đã bở hơi tai, có đâu mà nuôi em ăn học xa nhà suốt ba năm trời. Út học giỏi mà phải chịu dở dang thì tội quá. Nhưng cũng đành vậy thôi, biết làm sao được.

Thời gian cứ trôi. Nó lặng lẽ phủ bụi lên số phận hẩm hiu của chị em Dung. Hồi đi học, Dung biết Hải có cảm tình với mình nhưng chưa ai dám nói gì với ai. Rồi con đường học vấn đứt đoạn, những tình cảm mới âm thầm nảy sinh kia cũng dần dần tàn lụi. Dung cùng mấy chị em vất vả cả ngày vì miếng cơm manh áo. Chừng giật mình nhìn lại thì mấy chị em đã ở hàng “băm” hết rồi. Chị lớn thất tình, buồn đời đi buôn lậu biên giới vùng Ba Chúc, An Giang. Bị bắt, vốn liếng tiêu tan. Túng thế, nhắm mắt theo một ông goá vợ ở làng Chăm Châu Giang, bỏ xứ mấy năm nay. Dung thì lấy chồng theo sự sắp xếp của mẹ. Cũng ưng một người goá vợ. Mẹ nói như phân trần:

-Con gái nhờ đức cha. Ba tụi bây ăn ở với tao hổng ra gì nên tụi bây phải gánh chịu hậu quả...

Cha ăn ở với mẹ “hổng ra gì” thế nào Dung không biết, chỉ biết từ nhỏ đã từng nghe mẹ luôn mồm chì chiết cha, thuận mồm mắng oan mấy đứa con vô tội.

Ngày đám cưới, thiên hạ xì xầm. Cứ thế, nhà có hữu sự, có đám hỏi, đám cuới là thiên hạ lại có dịp moi móc đời tư của gia chủ ra mà bàn tán.

-Cũng mừng cho bà Tư. Được mát mặt mát mày nhờ con Dung. Con gái lớn bỏ nhà theo trai, có được miếng trầu, miếng cau héo nào đâu.

-Mà cũng tội, có phải con ruột bả đâu!

Những lời bàn tán vô tình đó rồi cũng đến tai Dung. Lúc đó, cô mới biết mình là con của vợ nhỏ. Lúc cô mới mấy tháng tuổi, một buổi sáng, mở cửa, mẹ đã thấy cô nằm ngay bậc cửa tự bao giờ. Con ai mà lại bỏ ngay cửa mình? Bỏ từ bao giờ? Liệu nó có phải là con của chồng mình? Ừ, biết đâu đó. Ổng ham đứa con trai mà mình lại đẻ ra hai nàng công chúa…Bao nhiêu câu hỏi cứ quẩn quanh trong lòng mẹ. Rồi cha xuất hiện. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, ba tỉnh bơ:

-Chắc là ai đó thấy bà mát tay nuôi trẻ nên muốn nhờ bà nuôi dùm đứa nhỏ. Thôi, trời cho, trời đem tới nhà, ẵm vô nuôi đi bà.

-Ông nói chơi hay nói thiệt vậy?

-Ai nói chơi với bà? Bà cứ nuôi, chịu cực một chút, biết đâu sau này bà nhờ nó cũng không chừng.

Những lời nói tưng tửng của ba làm mẹ càng thêm nghi hoặc. Nhưng rồi bà cũng nghe lời. Vậy là Dung được làm một thành viên trong gia đình. Vốn quen nghe lời từ nhỏ, Dung không một lời cãi lại, thậm chí còn không có cả ý nghĩ phản kháng khi mẹ gả chồng. Được ra khỏi nhà, Dung mơ tới một cuộc đời mới, một cuộc đời mà mình có thể cảm nhận được thế nào là tình yêu thương. Vậy mà ... Lắm lúc, Dung cay đắng nghĩ mẹ ruột còn không thương mình thì đi tìm tình cảm gì ở những người dưng nước lã? Bao lần, cô nghĩ đến chuyện ra đi. Nhưng đi đâu bây giờ? Nhà bên ai đó ru con: “Lấy chồng phải lụy cùng chồng / Đắng cay phải chịu mặn nồng phải cam” rồi “Mấy đời bánh đúc có xương / Mấy đi mẹ ghẻ mà thương con chồng?” nghe mới ai oán và tức tưởi làm sao!

Dung vẫn thường nghĩ nếu mình sanh được một cậu con trai chắc là anh mừng lắm? Mấy lần cô ướm thử chuyện ấy thì anh chỉ ậm ờ cho qua. Mỗi lần về quê, có người hỏi: “Có gì chưa? Ráng mà kiếm đứa con dưỡng già chớ!” Dung kín đáo quan sát chồng thì thấy gương mặt hiền như bụt kia dửng dưng vô cảm như không nghe thấy gì. Có lần Dung kể chuyện này với mẹ thì mẹ nói giọng buồn buồn: “Nó có con rồi đâu có tha thiết gì chuyện đó! Chỉ tội cho con thôi.”

Nhưng rồi chuyện gì đến nó sẽ đến. Dung không biết nên mừng hay nên lo khi biết mình có thai. Con mình sẽ chào đời như thế nào đây? Cho nó nhập hộ khẩu ở đâu bởi mấy lần đề cập đến chuyện chuyển hộ khẩu, chồng cô đều nói: “Thôi khỏi, cắt chuyển làm gì cho mất công?” Lúc đầu, thật lòng Dung không hiểu nguyên do nhưng dần dần cô nghĩ có lẽ chồng cô sợ sau này cô tranh chấp nhà cửa với hai đứa con nên ngăn ngừa trước chăng?

Rồi đứa trẻ ra đời. Bụ bẫm. Dễ thương. Ba ký rưỡi. Con trai. Giống cha như đúc. Ngày Dung đi sanh, ông chồng hiền như bụt kia “bận chuyện cơ quan” bỏ cô vượt cạn một mình. Hai đứa con gái của chồng cũng lạnh lùng như người xa lạ. Biết là không được khóc nhưng Dung không thể kềm chế được. Nước mắt cứ ướt đầm. Con ơi, người ta nói “Con trai quý lắm!” Sao con khổ thân vậy con? Lủi thủi đi rồi lại lủi thủi về. Nhà gần bệnh viện mà. Chỉ hơn cây số chứ mấy! Về nhà, những bữa, anh “bận việc cơ quan” nhiều, về trễ, Dung phải tự nấu cơm mà ăn để bảo đảm nguồn sữa cho con. Cái khó ló cái khôn. Không dám nhúng tay vào nước, cô dùng đôi đũa khoắng gạo rồi chắt nước. Cũng may, nấu bằng nồi điện, cũng tránh được cái cảnh khổ phải đi “quơ củi” ngoài vườn, tránh được cái khổ phải hít khói, bị khói hun vào mắt.

Ông chồng hiền như bụt biết cũng chẳng nói gì. Dung tủi lắm. Cô nhớ lại một truyện ngắn mình mình đọc đã lâu, không còn nhớ tên tác giả nữa. Đó là truyện “Hai lần chết”. Nhân vật chính tên Dung (cũng tên Dung, cái tên Dung này sao khổ thế?) sống trong gia đình cũng không hạnh phúc. Lớn lên, mẹ gả chồng, cô mừng lắm, nghĩ mình sẽ được rời khỏi nơi thiếu tình thương này để về nơi bến đỗ bình yên, chứa chan hạnh phúc. Có ngờ đâu, về nhà chồng, cô lại thêm một lần bất hạnh. Và tác giả kết câu chuyện bằng lời xót xa thương cho nhân vật: Dung đã phải chịu hai lần chết, một lần chết ở nhà mẹ đẻ, một lần chết ở nhà chồng!

Liên tưởng đến cuộc đời mình, Dung nghĩ mình cũng đã hai lần chết chứ có khác gì đâu! Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hăm hở trước kia giờ tan thành mây khói. Cô thật sự không biết bám víu vào đâu để có niềm tin mà sống. Khi cậu con trai “quý tử” đã hơn ba tháng tuổi mà vẫn chưa được làm khai sinh, có nghiã là cũng chưa được nhập hộ khẩu. Cố tranh thủ đi khai sinh cho con nhưng Dung vẫn không thể nhập hộ khẩu cho con vì sổ hộ khẩu gia đình ai đã giấu biệt rồi.

Rồi cái ngày định mệnh đã đến. Trong một lần đi công tác, vui bạn, vui bè, trên đường về, ông chồng hiền như bụt của cô đã tự té và ra đi vĩnh viễn.


***


Tiếng con khóc làm Dung bừng tỉnh. Cô con gái lớn nói thêm:

-Tui cho chị ở đây với một điều kiện là chị không được cho nó nhập hộ khẩu vô nhà tui. Nhà này xây bằng tiền của bên ngoại tui đó, chị nghe rõ chưa?!

Dung nghe mà tê tái trong lòng. Hèn nào mà chồng cô năm lần bảy lượt ngăn, không cho cô về quê cắt hộ khẩu. Nhưng chua xót một điều là dù hộ khẩu vẫn còn dưới quê nhưng đường về của mẹ con cô lại xa vời vợi. Gả được đi rồi ai chấp nhận cho cô trở về? Còn ở lại, sao mà cay đắng quá? Con ơi, mẹ đáng lẽ không nên sinh con ra để chịu khổ như vầy. Nước mắt cô lả chả mà không nói được câu gì. Phía bàn thờ, người chồng hiền như bụt vẫn nhìn cô bàng ánh nhìn vô cảm qua làn khói hương mờ ảo.

TV 31/8/2015


 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền