Đời Tôi Đối Diện Với Vô Thức (Tùy Bút) Nhà Văn Võ Công Liêm (Canada)

                                         

Image result for ảnh võ công liêm

 

NHÀ VĂN VÕ CÔNG LIÊM

 

ĐỜI TÔI

 ĐỐI DIỆN VỚI VÔ THỨC

 

    Tôi nói về tôi; tất là nói cái đáng ghét trong tôi, là cái tự nhận (self-realization), tự nhận ở đây là ý thức tới những gì của hôm qua và hôm nay, một nhận thức hoàn toàn vô thức (unconscious) để tìm kiếm những gì nông cạn, hời hợt hướng tới bề ngoài nhiều hơn hướng tới chính mình; tôi cho đây là một ám thị tự kỷ (egotistic) là một sự biểu lộ, bày tỏ ở chính mình và đó cũng là một cá tính yêu cầu, đòi hỏi cho một điều kiện vô thức và kinh nghiệm ở tự nó như bao quát mọi vấn đề. Cái đó là một ý thức ngu xuẩn vốn đã xâm nhập trong một tế bào tự tại cần phải thanh tẩy, xóa bỏ tự kỷ để làm mới hơn. Tôi không xử dụng ngữ ngôn khoa học để trao đổi hay chuyển tải vào đó; mà đây là tiến trình lớn dần trong tôi, vì; tôi không một chút kinh nghiệm ở chính tôi cho vấn đề hóa trị có tính chất khoa học.

Rứa thì nội thức của chúng ta hình dung nó ra cái sự gì mà con người bày tỏ dưới dạng thức đặc chất thẩm quan -sub specie aeternitatis- chỉ có thể bày tỏ được qua lối truyền kỳ hay giả tưởng. Chuyện vu vơ kể lại cho nhau nghe cái đó là cá tính riêng biệt độc đáo và một thể hiện cuộc đời dưới một lăng kính chính xác hơn là lý giải theo khoa học. Khoa học làm nên với ý niệm quân bình của những gì là đối tượng có tính chất cá tính riêng biệt. Nói ra đây tợ như câu chuyện mơ hồ và siêu hình cho một cá thể. Một cá thể không có gì đặc biệt. Đấy là những gì mà bây giờ tôi đương đảm nhận một công việc mà gần như không mấy bổ ích và thiết thực ở giữa đời so với thời hiện đại của khoa học, kỹ thuật hay điện toán, đã được phổ biến rông rãi và bao hàm toàn diện trên mọi lãnh vực của đời người; trong khi tôi đã ngoài thất thập có kể ra đây chỉ là chuyện hoang đường cho một cá nhân. Tôi chỉ nói những gì tôi nghĩ và viết như những chuyện kể (tell stories). Dẫu là gì hoặc chuyện kể không thực đi nữa thì đó không phải là vấn đề nêu ra. Duy chỉ có vấn đề cho những gì tôi kể ra đây là chuyện mông lung chi điạ, nhưng trong cái giả sử đó là sự thật đời tôi. Tôi gói gém một phần nhỏ cuộc đời tôi hôm qua và hôm nay bao hàm dưới những chủ đề khác nhau. Truyên ngắn tôi lồng nhân vật thay mặt tôi trong thời niên thiếu: những đau khổ, xách xược, mạ lị, bôi bác, khinh bỉ là một hành động phản kháng trong tôi. Một hành động mà tôi đối diện thường trực như một thách đố đến độ phản kháng trở nên vô thức, nghĩa là không còn nhận biết hay phân tích sự lý đến từ đâu và do đâu mà ra, cho nên chi; tôi thường dùng chữ bên-trong (inner) và bên-ngoài (outer) là khẳng định một sự chấp nhận đến và đi. Đó là định hệ, là tất yếu mà nó sẽ đến như thế; bởi tất cả luôn luôn là trường hợp biện chứng đối với tôi –đó là cái điều mà tôi gọi là ‘cõi ngoài’ của đời tôi có thể coi là ngẫu nhiên. Còn những gì đưa đến, tôi gọi đó là ‘nội tạng’ của đời tôi là chứng cớ của bản chất là giá trị tuyệt đối. Phản ảnh đó ít nhiều nói lên cái tham vọng trong những nhận định hay tiểu luận mà tôi đã viết ra như một thách đố chính tôi dám lao đầu vào đời giữa một biển trời mênh mông đầy sáng tạo và nhận thức siêu việt mà người ta đã thực hiện từ xưa cho đến nay. Tôi; một cá thể trong lãnh vực văn nghệ (thi văn họa) là đượm tính chất đại diện tôi như một tâm sự, ví von chính là ví von tôi, nguyền rủa là nguyền rủa tôi, tôi lên án và buộc tội tôi là trạng thái vô thức đứng trước hoàn cảnh cuộc đời và gia đình là mầm mống khơi dậy cho một ý thức mới. Dữ kiện đó hầu như lớn dần ở cõi-ngoài cho một biểu lộ đời tôi, và; rồi tan biến từ ký ức tôi. Tôi chẳng phải trách cứ một điều gì mà tôi viết lên lời trách cứ trong tôi như nỗi ‘đoạn trường’. Kỳ thật đó là một bi đát hiện hữu, một vực thẳm tội lỗi, một ‘tôi ác và hình phạt’ mà tôi theo đuổi hơn cả thập niên qua như một chứng cớ, tôi xưng tội tôi để được giải thoát trước những gọng kềm tư tưởng, đôi khi là vùi dập, đôi khi là thăng hoa. Nếu một mai tôi nhận ra nó thì chính bản án cá nhân tôi được công bố. Thời tất; đó là lý do đầy đủ để nhập cuộc. Hẳn nhiên; đây là một trong những gợi ý bù đắp vào thực chất của tiểu sử đời tôi như lời tự khai, tự thú.

Viết về cuộc đời mình là một điều rất khó khăn bởi chúng ta ám ảnh cái gì không đạt tiêu chuẩn, không thực thể tồn lưu, không nền tảng vững chắc dính dáng đến sự suy nghĩ hay cảm xúc và từ những tư duy đó đưa tới phán xét ở chúng ta. Có thực sự là không căn cứ đích thật cho một sự so sánh. Tôi biết rằng mọi thứ, mọi điều mà tôi làm là không giống ai, nhưng tôi không biết gì về tôi và tôi là cái giống gì. Người ta không thể đem ra so sánh hơn thua ở chính mình với những gì người khác đã sáng tác. Rứa thì cái sự gì muốn nói ra đây? -Tôi là con người; do đó tôi hiện hữu. Một hiện hữu giữa đời như mọi người, nhưng trong mỗi chúng ta có một tư duy khác nhau, có thể làm nên lịch sử, có thể là một ‘con đĩ đứng đường’ là hai trạng huống khác nhau về thể chất và tinh thần; giá trị độc hữu là nhận ra được chân tướng đích thực của nó làm nên. Thành ra tư duy cá thể là một tác động của sự kiện, một sự kiện đưa tới: tôi hoài nghi tôi, bởi; tôi là mạt cưa, vỡ ra từng mảng, nó tách khỏi gốc, ngọn và làm phân bón cho cây, cũng chẳng phải thần thông biến hóa để trở nên bất diệt. Tôi nghĩ việc tôi làm chỉ là ảo tưởng hay quá lắm là một trải nghiệm vụng về đã qua ‘déjà-vu’. Nhưng tôi không đối chiếu, tương phản để làm nổi bật những gì nói ra hay viết xuống qua một giọng điệu quê mùa cục mịch, có thể giễu cợt là một tác hại đến văn phong của ngữ ngôn. Tôi không thể so sánh đối chiếu tôi như súc vật, cây cỏ hay sắt đá; mà chỉ mang tính hoang đường, một thực tại biến thiên lớn lao hơn cả những gì nghĩ tới. Nói ra như có tính chất võ đoán, chủ quan thời làm thế nào người ta hiểu thấu đáo về tư duy được nói đến (?). Đây là dạng thức tiến trình tâm thần mà chúng ta không thể kiểm soát được hoặc chỉ phần nhỏ hướng tới  “…a psychic process which we do not control, or only partly direct” (C. Jung). Vị chi tinh thần phát tiết là một sự tích lũy từ lâu, nó gần như dạng thức sinh lý thuộc về tiềm thức; tiềm thức là kho chứa những thứ tạp-pí-lù, ngầu-pín nhưng không ai ngờ nó có một tác dụng những khi cung cấp cho thiên tai, hạn hán; mà tôi là nạn nhân của tiềm thức ngầu-pín. Nếu giải thích qua khiá cạnh tâm lý thì ra tôi đang nói cái tôi chủ quan; tức cái tôi đáng ghét (Pascal) mà là một sự bộc bạch nghĩa lý của tồn trữ nhưng chắc chắn không thể tồn lưu, tồn lại, tồn lập không chừng đi tới tuyệt vọng cho tồn lui, tồn loạt, vì; chẳng có chứng cớ, chẳng lý thuyết làm nên mà chỉ là một sự trải nghiệm vụng về qua phát tiết. Do đó; chúng ta không có cái quyền để phán xét về những gì của chính chúng ta hoặc cuộc đời của chúng ta. Răng rứa? -Nếu chúng ta đã nghĩ tới, chúng ta biết hết mọi điều -nhưng hầu như điều này chỉ nói lên cái sự bày vẻ như đòi hỏi hay là một sự chứng tỏ phô bày (pretense) việc làm của mình-. Rứa cho nên chi khó mà định lượng; với tôi hoàn toàn đứng ngoài vòng cương tỏa cho một ‘tham dục’. Chúng ta không bao giờ biết được nó sẽ xẩy đến khi nào. Câu chuyện của đời tôi khởi từ những gì rải rác xẩy ra trong tác phẩm và để rồi nó như thể tạo ra những gì rắc rối, phức tạp, hùm-bà-lằn, ngổn ngang gò đống cho một nội tại bi thảm; có thể mình không nhận ra. Chúng ta không biết cuộc đời đi về đâu và trở lại khi nào. Thế nhưng; chuyện không còn là bước khởi đầu và chấm dứt có thể chỉ là sự mơ hồ không xác thực mà là ám chỉ, nói xa nói gần vào đó mà thôi. Cái sự xa gần trong chuyện là hàm tiếu chớ thực sự nó là cõi không (néant / nothingness / nonsense) không đáng kể; từ chỗ đó chuyện đời tôi là hư ảo đối với khách thể nhưng chủ thể của nó là một sự bày tỏ qua tư duy tự nhận chớ không hẳn là một xác quyết. Bởi; trong muôn ngàn vạn thứ ở đời này không nhất thiết là tuyệt đối mà trong mỗi thứ nó chứa chấp một phản kháng, phản kháng nội tại và ngoại tại. Cái này xuất xứ từ một bản thể tự tại của vị kỷ. Khó mà thừa nhận một cách trung thực; bảo thủ vốn là bản chất. Rứa thì làm răng? -Đời của con người là một kinh nghiệm mơ hồ, mù mờ không minh bạch. bởi; nó là một cuộc đời bi thảm, kinh khủng, hãi hùng và khác thường như một hiện tượng mà chỉ còn lại ở đó một khái niệm thuộc cấp số. Đời người là một tính chất cá tính đi qua quá nhanh, không đủ thiếu gì cả mà chỉ còn lại ở phép lạ thuộc văn chương, là những gì tồn lưu nhân thế và mở mang cho một điều gì thuộc về nó. Nhưng nhớ cho; tôi không có ý tính già, tính non cho một đả phá hay bôi bác vào một đối tượng nào. Đời luôn luôn ví phỏng tôi giống như thực vật sống nhờ gốc rễ, bám vào, dựa vào. Sự thật cuộc đời là vô hình không thấy được, núp bóng dưới một gốc rễ khác. Trong khi chúng ta nghĩ về cái sự phát triển ngấm ngầm không dứt và suy sụp cuộc đời đang sống; chúng ta không thể vượt thoát cái ám ảnh đầy ấn tượng cho một sự tiêu diệt hoàn toàn. Với tôi; không bao giờ mất đi cảm thức đó của những gì đã sống và trải qua như chịu đựng của sự biến đổi bất tận. Những gì tôi nhận thấy của hoa nở là những gì đã đi qua mà chỉ còn những đám tàn dư sót lại. Trong chặn cuối đời tôi; cái giá hạnh phúc được nói đến là những khi không thể tiêu diệt được một thế giới ‘xâm lược’ để chiếm cứ hồn tôi. Đấy là lý do mà tôi kể chuyện đời tôi như chính yếu, nhưng không phải là độc hữu tư duy qua kinh nghiệm bên trong; mà đó chỉ là thực và ảo. Thể thức này tôi gọi là ‘chất liệu bước đầu / prima materia’ của một công việc phân tích lý sự trong tác phẩm hay bài viết của tôi có tính cách ngữ ngôn khoa học mà thôi. Chẳng phải là gì mà cũng chẳng phải chi mô. Đời tôi; là một câu chuyện gần như giả tưởng, vì; nó mang mang một thứ hoài niệm xa vời thực tế, không chừng là huyễn mộng cho một tư duy bừa bãi, vừa hỗn mang thuồng luồng có khi đưa độc giả vào những chặn đường bế tắc hoặc ngột thở hoặc nuốt không vô qua những lý do khác nhau nhưng cùng một tạng thể của bày tỏ. Đuổi kịp một trào lưu bây giờ là căm go, là một chịu đựng, một trường chinh kháng chiến để giải phóng cho một thứ văn chương ứ đọng, tàn tích, cổ lỗ sĩ mà xưa nay nhai đi nhở lại như nhai dẽ rách… Nhưng tôi vẫn hy vọng trong những trào lưu ngày nay là một thách đố để vương mình cho những thế hệ nối tiếp. Tư duy tôi trở nên vô bổ, không hợp thời trang văn chương chữ nghĩa so với một thời đại tương lai, ở đó; với một tư duy vượt thoát và đi xa hơn. Thành ra những gì làm nên chỉ là dự phóng không chừng là tàn tích cố cựu chẳng ra gì mà là biện minh cho những điều muốn nói. Có thể là ám thị vị kỷ.

Kinh nghiệm trong tôi cũng là một sự sắp xếp lấp vào một thứ ngữ ngôn để hướng tới những biến cố hay sự thế xẩy ra, đó là lề lối bằng cách dụng ngữ cho một ngữ ngôn mới hơn mà đôi khi nghe như phàm tục, nhưng đó là thể điệu và là vẻ dáng quan trọng đối với tôi trong tuổi thiếu thời và về sau này. Tôi đã nhận thức sớm nhưng bên cạnh cuộc đời xô đẩy tôi vào con đường bế tắc, đi tới sa đọa; tôi nhìn nó như ‘nghiệp chướng nặng nề’ hay ‘tham sân si’ quàng vào người để rồi tôi lạc bước giang hồ không nhận ra đó là vấn đề và đầy phức tạp, nhiễu nhương của cuộc đời. Hướng tới một tình huống hoàn toàn không thay đổi cho những gì kinh nghiệm bên trong. Tuy nhiên; đời tôi là thói tính kỳ lạ như nhiều người đã nhận định và phê phán. Đúng ra trong tôi là một tâm tư đau khổ của những gì đã xẩy ra. Tôi không thể nào chi tiết rõ hơn ngoài một tư duy chật hẹp do từ ngoại giới đưa tới (trong gia đình và xã hội). Răng rứa? -Vì; có thể nói quá nhiều chuyện kể, có thể gây thương tích cho tôi như đâm thủng tôi và không còn thực chất của vấn đề nêu ra. Tôi hiểu ở chính tôi và chỉ có một thứ ánh sáng soi rọi trong tôi bằng một hạnh phúc lớn. Những gì nói ra đây là bù đắp, bổ khuyết vào cái bất thường của đời tôi và đây là tiểu sử đời tôi hay xem đây là một câu chuyện được nói tới trong thể cách biểu lộ của vô thức mà thôi.

 

Quay lại tuổi thiếu thời của tôi là phản kháng không có nguyên nhân: cái tuổi hiếu động, háo hức vô cớ ngay cả sự chối bỏ thượng đế mà cho rằng: hình ảnh Thượng đế nằm trong tâm lý của con người. Chính tư duy đó đã phi thường hóa đời tôi. Biến cuộc đời xa lạ với tôi, nhưng trong tôi là cả một biến thiên dữ dội. Thành ra những gì nói ra hay suy tưởng của tôi đều cho là phi tưởng, cái thứ không thể dung nạp. Không biết đến nay đời đã giải hóa và đả thông chưa? -Hay chỉ là hoài nghi vô cớ. Đấy không phải là mâu thuẩn hay trái ngược mà là một tư duy thể hiện qua ngữ ngôn như đối tượng của sự thể, một yêu cầu có tính chất khoa học văn chương. Là những gì nói lên như bản chất cá tính, tất cả phản ảnh vào đó hoặc chịu ảnh hưởng không ít ở ngoại giới của văn chương thế giới và chính yếu tố đó xâm lược tư tưởng, tạo nên đam mê, năng lực, cảm thức, tri giác và kinh nghiệm là chuỗi thời gian theo đuổi đưa vào đó một tư duy độc lập để hình thành tác phẩm. Đó là những gì tôi kể có trước có sau và ngay cuộc đời sau cái chết của tôi như đã nghĩ tới là một tương thức trọn vẹn của hoài niệm, của hình ảnh mà tôi đã sống và đã nghĩ tới. Những thứ đó như đánh động vào tôi; có thể là trôi giạt hay vùi dập đời tôi khi sống cho tới khi chết. Không phải đó là yêu cầu tha thiết để nói đến một dự phóng của cõi đời, mà đây; là những kỷ niệm gợi nhớ cho một quá trình hoạt động ‘văn nghệ’ và cũng là một sự việc nằm dưới của tác phẩm đã thực hiện. Tôi cho đây là vấn đề đặc ra cho ‘ở đây /here’ và những gì cho ‘kiếp sau / hereafter’. Thực ra không nên nói những gì muốn nói mà đó chỉ là giả tưởng về cái nhìn xa cho một cuộc đời sau cái chết. Tư tưởng thẩm quan là những gì đã thực hiện có thể là tư liệu về sau hay có thể là thứ phế phẩm đời nay. Tất cả là dự phóng cho một vấn đề gần như giả tưởng hơn là thực tế, tuy nhiên; tôi ra sức thực hiện nó như một nhu cầu cần thiết của đời người. Dù cho; bây giờ tôi có nói trăng, nói cuội thì đó chỉ là -thần thoại hóa- vấn đề mà thôi. Có lẽ con người đóng cánh cửa của thần chết là một yêu cầu cần thiết tự do để nói những gì về cuộc đời. Có nghĩa rằng đó không phải là tôi muốn có một cuộc đời sau cái chết và cũng chẳng phải ao ước được có và cũng chẳng phải vào những gì mà tôi đã thực hiện và cũng không cho tư duy này là đúng hoặc sai, nhưng; tôi biết lẽ sống và lẽ chết của từng giai đoạn con người và chỉ có thể cho tôi một điều phát biểu ra được những gì thuộc tư tưởng. Định kiến què quặc và thương tích là hiện tượng đầy đủ của cảm nhận năng lực siêu nhiên cuộc đời. Tôi nhận biết cảm thức đó mà tôi hướng tới cho sự nhận thức từ sự hiểu biết hay học tập, theo sau đó với nhiều ý niệm hoang tưởng là ý tưởng cuộc đời sau cái chết. Con người hoang tưởng, chắc chắn đó là yêu sách là đi vào cõi ngoài cho tất cả, nhưng; con người khoa học không thể thừa nhận điều này. Đến với trí tuệ thì cho đây là dạng thức thuộc huyền thoại hóa; là sự cố của một suy tư phù phiếm. Thành ra tư duy xa rời thực tế chính là những gì không hiện hữu với đời người, thời cuộc đời sau cái chết cũng như rứa mà nương theo không đem lại một giá trị đích thực thời làm răng có cái sự tồn lại, tồn lưu và tồn lập mà tất cả những gì nói ra đều đi vào cõi vô minh không chứng thực. Vì vậy; vô thức giúp cho những gì liên lạc đến với chúng ta hoặc làm ra một hình ảnh tưởng tượng như nói bóng gió vậy thôi. Con người sẽ có thể nói lên được những gì đã xong là thể thức và ý niệm tốt nhất của cuộc đời sau cái chết hoặc tạo ra được một hình ảnh để đời. Không đạt được vậy là sự sống cũng mất luôn. Coi đây như dữ kiện; ngày lại ngày chúng ta sống xa ở cõi ngoài, nảy sinh trong chúng ta một ý thức về ý nghĩa cuộc đời. Một cuộc đời huyễn mộng: không mang lại nhận thức, cuộc đời là vô thức trước cuộc sống là những gì tiếp tục xẩy ra để đi vào đời với chúng ta. Có nhiều lý do khác để bắt bẻ, đổ lỗi chi phối mọi hoàn cảnh ngoại biên cũng như nội biên của con người và có nhiều tha hóa suy nhược làm nên cuộc đời đang sống. Nhưng lại xẩy ra nhiều điều vô nghĩa và nhiều điều mông lung, tưởng tượng một cách huyền hoặc. Nhưng; chúng ta có thể có năng lực để khống chế mọi thứ khác để có ý thức đến một sự hợp nhất trong cuộc đời của chúng ta. Lý do chính đáng là có một biên cương giữa vô thức và hữu thức để tránh xa những chật chội, hỏa mù tư tưởng và có thể đưa tới cho chúng ta một nhận thức thiết thực giữa cuộc đời đang sống và cuộc đời sau cái chết. Đó là những gì chúng ta đối diện với vô thức. Vô thức có thể là hữu thức hoặc ngược lại.

Theo tôi nghĩ; đời tôi với: trí tuệ = ý thức và tâm = vô thức. Cái sự đó tuồng như cho ta nhận thấy phẩm vị siêu hình của con người mà không thể không có tính chất thần thoại hóa trong đó. Hoang tưởng là tự nhiên và không thể thay thế hay hoán chuyển được, hay đứng ra hoà giải trạng huống giữa vô thức và hữu thức. Từ những chủ yếu đã cho tôi nhận thức được những gì viết lên đó: là ánh sáng. Nhận thức khác có thể là tiếp giáp giữa tinh thần và thế giới vô thức đó: là bóng tối. Rứa thì đời tôi nói gì trong đó? -Có nói chi mô. Vì tất cả là hư vô mà ý tưởng cuộc đời sau cái chết là thế đấy. Hiện diện cuộc đời là một chạm trán, đối đầu giữa thực và hư. Nghĩa lý tuyệt đối cho một hiện hữu của tôi là cuộc đời nói lên vấn đề hoặc đây là câu chuyện tình tôi và chính bản thân tôi muốn nói lên điều đó và diễn đạt những gì tôi nêu ra. Đó là vị nếm cuộc đời của con người hay tôi quá nhiều ấn tượng cho nhận thức này mà chỉ đi tới kết thúc của ‘Faust’ là những gì dính dáng tới văn chương và triết học cổ điển mà họ thường ví phỏng giữa linh hồn và qủi ám trong một ý thức nhận biết và khả năng chứa đựng mà không thể giải quyết được. Trường hợp này là vấn đề mà Nietzsche đã dựng nên nhân vật Dionysian bên cạnh cuộc đời. Có thể người ta đặc vào đó một sự thách thức cho một ẩn ý. Vấn đề này thuộc cái nghiệp / karma là tối tăm mù mịt trong tôi khi định nghĩa rốt ráo chân lý làm người; được hay không hoặc chuyển hóa linh hồn là tùy nghi vào hoàn cảnh. Tuy nhiên; cảm thức vô tận có thể thực hiện nếu như chúng ta chế ngự được để đi tới cực điểm của cuộc đời. Giới hạn lớn lao nhất cho con người là vị kỷ/self; đứng trước ngã vị tức chúng ta chạm trán thực tế cuộc đời. Cuộc đời hướng tới ngã tức hướng tới dục, thời không đạt yêu cầu. Tôi chỉ mong đi ra khỏi điều đó! là biểu lộ qua kinh nghiệm. Rứa thì đời tôi trước và sau cái chết là một chọn lựa dứt khoát không có hai và chẳng có chi để được trở về với hư vô hằng cửu ./.

 

VÕ CÔNG LIÊM  (ca.ab.yyc. Remembrance day.11/11/2016)

 

ĐỌC THÊM: Những bài triết học và tiểu luận khác của võcông liêm hiện có trên một số báo mạng và giấy trong và ngoài nước hoặc email theo điạ chỉ đã ghi.

 

TRANH VẼ: ‘Hai Cái Đầu / Two Heads’ Khổ: 12” X 16” trên giấy cứng. Acrylics+Mixed media+House-paint. Vcl#6112016.

 

                                                                                     HAI CÁI ĐẦU / TWO HEADS

 

 

 

 

    

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền