Nước Mắt Quê Hương (Truyện) Tác Giả Hồ Đình Nghiêm (USA)

 

aodaiquehuong

 

Nước mắt quê hương

Tác Giả Hồ Đình Nghiêm

Chị mở cửa trước khi tôi bấm chuông. Có vẻ như chị đang chờ đợi, mặc dù trên người chị còn “diện” bộ đồ dùng mặc ngủ. Chị chẳng phân trần mà tôi cũng giả lơ. Đồng hồ gắn gần cửa nghe rõ tiếng chân đi của thời gian, cục pin 2A thúc đẩy kim giờ phút chuyển động. Tà tà rảo quanh, đi đâu mà vội. Một vòng tròn đóng kín chuyện tuần hoàn.

Tôi cởi giầy, thấy trên bàn đặt sẵn ly cà phê đá. Dung tích cỡ 250ml, không lớn, nhưng uống hết nó, chị sẽ trở lại với một bộ y phục tử tế dùng để ra khỏi nhà. Chị hỏi: “Trời nóng không?” Tôi thưa: Mát hơn hôm qua 2 độ. Con khỉ. Chị mắng. Uống được không? Tôi liếm môi: Số một. Hỏi cho có vậy thôi chứ chị từng nghe con khỉ nói: Cả gầm trời này chẳng có ai pha cà phê ngon bằng chị, rất đẳng cấp. Tôi nhớ lần đó chị phán: Quỉ sứ! Tôi biết chị thương tôi khi nay cho làm quỉ mai cho làm khỉ. Hai con đó tượng trưng cho tất cả những ngọt ngào mà chị muốn gửi gấm. Không phải dễ để biến thân thành khỉ hoặc thành quỉ. Tiếc một điều là chị hổng nói: Cả gầm trời này chỉ có một con khỉ và một con quỉ thôi!

Mấy giờ rồi? Tôi tính nói, hơn hồi nãy một giờ, nhưng ngậm miệng vì hai con mắt đang bận làm việc. Chị mặc cái áo đầm vẽ đầy hoa lá trên thân, mùa xuân đang cựa mình chẳng hề là câu văn đầy hoang tưởng. Để ăn với sự vui nhộn trẻ trung kia, chị lựa mang đôi giày vải đế thấp và như vậy chị sẽ đứng ngang vai tôi. Đi hí? Chị nói mà không hỏi mặc vậy ngó đặng không? Tôi mang ly cà phê đi rửa rồi úp vào rá nhựa. Trống không, chẳng hiểu chén bát muỗng đũa đã trốn đi đâu hết. Giản tiện đến độ nghèo nàn. Tôi chùi tay vào quần jeans: Chị muốn đi đâu trước? Ờ, ghé chợ Kim Mã trước, mua khoảng chục chai nước mắm chất vào xe rồi hẵng tính. Bất kể Việt Hương 3 con cua xanh hay đầu bếp Number One. Nếu đang bị dịch sốt, có lẽ người ta chẳng màng đến việc truy tìm dầu xanh hoặc Nhị thiên đường hoặc dầu khuynh diệp. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Nhưng nước mắm? Công án chứ chẳng đùa! Tàu vị yểu, xì dầu, maggi. Trời, nuốt xuống cũng phải chợt cuống họng đó quỉ sứ, giỡn chơi chi!

Tôi mở cửa cho chị vén chút hoa lá gọn gàng leo vào ghế xe. Tôi nhớ lại một câu nói của đấng đại trượng phu nào đó: “Khi gã đàn ông mở cửa xe cho vợ hắn, bạn phải hiểu ra hai chuyện, một là chiếc xe đó hắn mới mua, hai là hắn vừa cưới được vợ”. Thiệt xằng bậy và sai trật. Tôi làm chủ chiếc xe cũ rích và chị, chỉ là người có thẩm quyền mắng tôi là quỉ, là khỉ. Một người vợ không đủ sức để nói cho chồng nghe hai chữ dễ mất cảm tình kia, mà đương nhiên đi vào lối mòn: Mình ơi, hoặc cưng ơi. Chí ít cũng ông xã ơi, hay honey, hay con bồ câu bé nhỏ của em.

Kim Mã, chủ cái chợ bề thế ấy chắc không phải người Việt? Làm gì nghèo khó tới độ không tìm ra một chữ khác, nghe giống Tàu quá. Sự cố thì người Việt đương đại cũng đang dùng những từ thật hoành tráng rất bức xúc, tranh thủ phấn đấu gần cự ly đối tác với nước lạ. Chị cười, bất luận là người gì miễn nó còn bán nước mắm là ô kê. Chiều nay mình thử nấu món mì Quảng hí, xem trong internet có ông người Đà Nẵng chỉ bày tận tường xem chừng đáng tin lắm. Trước khi soạn vật liệu ra chất đầy bàn ông ta kể: Ngày nớ, chị tui nấu món này, bạn tui tới chơi gặp đúng bữa nên chị tui kêu hắn vô bàn cùng thưởng thức. “Thằng mất dạy” ấy vừa ăn vừa bắn tiếng: Cái ni là mì hoảng chứ mì Quảng chi được. Chị tui chửi um mà tui cũng cạy mặt thằng khốn nớ. Qua tai nạn kia tui quyết học hỏi trau dồi để bây chừ nhờ miệng lưỡi quý vị thẩm định phê bình giúp. Chị thôi nói, tôi thử tính nhẩm, chính xác là đã 30 năm tôi chưa hề ăn lại món mì danh trấn giang hồ ấy. Nếu chị “hoảng” nhất định thằng khỉ sẽ thốt lên: Eng không eng thì tét đèn đi ngủ, cả nem mới lồm reng bày đặt nhoác chơi!

Đất Quảng Nam mọc ra lắm thứ đáng yêu, tôi có cảm tình với chị qua chất giọng đậm đoà bản sắc địa phương kia. Chị từng cảnh cáo thằng quỉ sứ: Liệu hồn, chửi choa không bèng phoa tiếng. Chị nào hay tôi thích đón nghe ngữ điệu ấy biết dường nào. Và tỏ tình, dễ lọt lỗ tai chị hơn mọi cung bậc khác. Tôi chưa tỏ tình vì lấn cấn sợ hiểu lầm, hén đoang chửi choa mình, thèng quỉ.

Chị thích đi đường ngoài hay chạy vào đường trong? Tôi hỏi, đồng thời giải thích là đường ngoài rộng rãi nhưng có lắm ngả tư đèn xanh đèn đỏ cùng với nắng chang chang, đường trong tuy hơi vòng vo nhưng nó râm mát và vắng lặng. Đường trong, chị nói. Tôi bỏ con lộ chính, nháy đèn hiệu để rẽ vào lối mòn có trồng dọc những hàng cây đang độ rậm lá. Khoảng này, xe cảnh sát vẫn thường ẩn nấp để chờ chực những con mồi bất cẩn phóng xe vượt tốc độ cho phép ở đường ngoài. Ở đây, lối đi hẹp, vừa đủ để hai xe ngược chiều tránh nhau, mặt nhựa chẳng được tu sửa, hơi dằn xóc tuy nhiên khung cảnh gần với hoang dã, gần với những đôi tình nhân muốn trút bầu tâm sự, dễ đi tới sự xúi giục: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Vắng vẻ để làm gì? Thì cũng tùy vào tâm trạng của đôi nhân tình ấy có bị ngoại cảnh rậm rạp không dấu chân người lôi kéo trong hoang mang vụ màn trời chiếu đất ăn lông ở lỗ. Thắng xe lại, lùm cây bụi cỏ thì thào han hỏi với gió mát rợn cảm chẳng một ai hay. Rõ là dại khờ khi chạy tới chốn lao xao nhỉ. Chỉ trỏ, bàn tán, nhìn đểu và lý lịch chúng nó bị bạch hóa trong phút giây, chạy trời không khỏi nắng những thêu dệt vẽ rắn thêm chân. Quý vị đồng hương người mình kiếp trước thảy làm công an cả, nghiệp vụ cao, không CIA thì rõ là CIB chứ còn gì nữa!

Chị thu nhỏ người, chỉ phô trương bộ ngực bởi sợi dây an toàn đen đúa cắt chéo: Ui chu choa, răng mà giống như khúc đường từ Đà Nẵng chạy vào Hội An quá. Tôi giảm bớt tốc độ, nếu mỗi đường đi ở chốn này gợi mở lại những hình ảnh cũ thì điều ấy thật cần thiết. Lãnh cảm là một căn bệnh mà lối đi này là liều thuốc chữa hiệu nghiệm. Đời sống sẽ có ý nghĩa chừng nào ta còn đón nhận nhịp tim đập sai lạc về một nỗi nhớ. Một nguyên cớ tưởng là xằng bậy, không thực. Và rồi “người khôn thực sự đến chốn lao xao”. Tôi vòng xe cốt tìm một chỗ đậu thích hợp gần với Kim Mã.

Tôi theo chị vào chợ, phụ đẩy xe, phụ chất hàng, phụ vét hết được 9 chai nước mắm chất trên kệ. Chị có một vuông giấy trắng ghi lắm danh mục, gấp lại làm tư khi biểu tôi mang cái xe chất đầy thực phẩm đến quầy tính tiền. Chị mở ví căn phồng, chắc chắn không có hươi tờ nem nhưng giấy 100 thì chán khối. Những tờ mới như vừa đánh cắp ở nhà in sau giai đoạn cắt xén, dùng nó có thể cạo râu tận gốc, ngọt lừ, bén ngót, sạch như lau ly. Chị không có râu, dĩ nhiên; tôi râu ria ra rậm rạp nhưng khốn nỗi bạc tôi xài y như tiền âm phủ, bèo nhèo, nhăn nhàu, hôi tanh và đơn vị chẳng mấy khi leo tới hàng trăm. Hàng chục, chất cộm túi để ngỡ mình giàu. Dư sức qua cầu nếu chị buồn miệng muốn cơm hàng cháo chợ. Có những cuối tuần chị đã từng buồn miệng gọi điện thoại, tôi vui vẻ lại đón và cả hai đi vào kéo ghế một quán phở vắng thực khách. Vắng, vì phở không ngon, nhưng chúng tôi bằng lòng khi được ăn trong vắng lặng. Chị có vẻ là người mang nhiều tâm sự, tôi thử làm nhân viên CIA một lần và kết quả điều tra: Từng sang ngang và từng đắm đò giữa giòng sông nhiều hệ luỵ rong rêu cuốn rối. Từ khi đầm đìa leo được lên bờ đến chừ: Vẫn ở vậy. Ba chữ này có tối nghĩa không? Đâu có, sáng như ban ngày. Vẫn ở vậy là vẫn ở không. Vẫn ở không là côi cút mình ên, độc thân tại chỗ.

Có thực mới vực được đạo. Chợ búa đã xong, mình đi kiếm cái gì bỏ bụng. Chị nói khi cài xong dây an toàn. Tôi cà khịa: Cơ thể con người, cái bụng là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi. Nó chứa thức ăn óc ách đã đành, ngay cả giận hờn cũng thế, lỡ nói điều không phải thì vội chữa “đừng bỏ bụng” nghen. Chị nheo mắt, theo chỗ tui biết thì cái miệng là nơi đáng lên án nhất, buồn miệng thì sinh ra nói chuyện tào lao, bình phẩm chê bai đặt điều dối trá. Cái bụng đàn ông thường chứa gươm đao chứ bụng đàn bà nó huyền nhiệm ở chỗ, nuôi dưỡng một mầm non, một giọt máu, một sự sống tiếp nối; dù được ân cần trao gửi trong tự nguyện hay bị hành hạ trấn lột buộc phải tủi hờn đa đoan.

Chị lý luận chẳng mấy thuyết phục, nhưng tôi sợ buồn miệng đâm tào lao nên không cãi chày cãi cối. Tôi ngó qua chị, vẫn là tượng hình hai hòn đảo bị phân lìa bởi sợi dây an toàn ràng siết vào giữa: Giống đực và giống cái, chị có thấy rõ sự bất công định phận không? Bất công à? Chẳng phải là thượng đế đã sáng tạo nên, giải quyết một cách vẹn toàn sao? Tôi kể: Một bà trong hội phụ nữ từng nói: Đàn bà đã đẻ xong thì đến phiên đàn ông phải cho con bú, bất công ở chỗ là đàn ông chẳng có hai bầu sữa, cho chúng nó mang nịt vú để biết thế nào là lễ độ. Chị cười to tiếng, và như thông lệ không quên chấm câu: Đồ quỷ sứ! Lễ độ hay lệ đổ? Hình dung cánh mày râu chen nhau mua soutien-gorge giảm giá trong ngày Lễ Mẹ mà cười đến chảy nước mắt.

Những chai nước mắm để ở băng sau va nhau kêu tiếng vui tai khi xe chạy về đường mòn cũ. Lý ra khi chất vào thùng giấy, để bảo quản cô thu ngân sẽ bọc cho nó từng tờ báo chợ đặc kín những ô quảng cáo. Tinh cờ tôi nhìn thấy đâu đó cái ô vuông “hân hoan chào mừng tiệm bánh cuốn Thanh Trì chính hiệu vừa khai trương”. Tôi nói: Chị biết dân nhậu gọi rượu đế bằng chữ gì không? Làm sao biết? Hết cái để hỏi! Họ gọi là nước mắt quê hương. Chắc hẳn là có nguyên do, nhưng so ra bốn chữ kia nên áp đặt vào nước mắm. Cá đang chết vì ngộ độc, tuy chưa chan nước mắm mình cũng nên khóc cho quê hương.

Tôi cho xe chạy chậm trên đoạn đường dằn xóc. Tôi hoàn toàn không muốn làm vỡ, đổ bể chai lọ chứa những giọt nước mắt nồng nàn kia. Khi mình khóc thương ai đó, nước mắt chảy ra hẳn sẽ trút xuống chút hương mùi? Tính bỏ bụng thứ gì đây? Chị hỏi. Tôi đưa xe ra đường lớn: Chị thích ăn bánh cuốn không? Quán này mới mở, nên tới ăn thử cho biết. Phải bỏ bụng, vì bảng hiệu của nó mang trùng tên với chị. Một danh xưng rất uy tín. Chị háy: Con khỉ!

Nấu món mì Quảng phải chịu khó gia công vì nó khá lôi thôi lỉnh kỉnh. Về nhà lúc 3 giờ nhưng cả hai phải xắn tay vào bếp ngay. Chị vẫn mặc chiếc áo “rạo rực mùa xuân nhiều hoa lá” mà không muốn đổi thay và tôi nhập vai làm Thiên Lôi nghe chị sai đâu “đánh” đó. Chất đồ vừa mua từ chợ về có thứ lớp chẳng hạn, nhặt rửa rau chẳng hạn, nướng bánh tráng chẳng hạn, rang mè chẳng hạn, bóc vỏ hành tỏi chẳng hạn, ngâm hộp tôm ướp đá vào nước chẳng hạn. Chị cũng lu bu xoắn xít kề cận vướng cẳng đụng tay rồi buồn miệng khơi dậy một hình bóng cũ. Chị nói tới chữ số mệnh, chị cổ vũ chuyện ăn hiền ở lành, chị nhắc về phút giây cảm động khi Kim Kiều tái hợp bởi thần sầu giọng kể Nguyễn Du. Khác với lệ thường, chị say sưa thuyết giảng mệnh đề châu về hợp phố, thế nào là giá trị của một sự ẩn nhẫn đợi chờ, rằng đất trời mênh mang vô bờ nhưng nó vẫn hữu hạn.

Có thể trước đây chị ở đâu đó trong địa phận Quảng Nam, vượt ba chân đèo ra thi vào Đại học Huế trau dồi ban văn chương và có thể chị tốt nghiệp sau khi cúi đầu thông hiểu thứ triết lý “hồng nhan đa truân”. Hầu như chị luôn xuôi tay bởi một thực thể cô lại giữa cụm từ “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Và chị hân hoan về thứ lời nguyền kia đang tới thời gian mãn hạn.

Những dữ liệu và sự kiện ấy giúp nhân viên CIA ngửi ra một điều bất thường: Món mì Quảng sẽ xong xuôi tươm tất vào lúc 5.30 PM, để 6 PM sẽ có hình dáng xưa cũ hiện hồn về đứng bấm chuông cửa. Người kia sẽ trách móc chị: Mật khẩu là em nói Đống Đa thì anh đáp Bạch Đằng, sao em không mở ngay cửa mà cứ bật đèn liền tay. Bạch Đằng khác với Bật Đèn nhiều lắm em ạ. Chao, thiệt sôi gan, phút đầu đoàn viên chẳng nói lời dịu êm lại nhẫn tâm đi trách móc giọng Quảng Nôm của người ta. Ưa lộn ruột mới gớm. Công việc cuối mà tôi phải chu toàn là pha một bát nước mắm gồm hỗn hợp chanh ớt tỏi đường. Chị nói bồ làm nhiều thứ quá khiến tui cũng áy náy nhưng lỡ mang tiếng là chuyên viên pha chế cực ngon thì phải ráng chịu. Rửa tay xong thì “chuông gọi hồn ai” nghe kinh cong bất chợt ngoài cánh cửa đóng chặt. Mới thiếu 15 đầy 6 giờ, kẻ cách mặt xa lòng kia rất thuộc bài “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”. Thuộc một cách trôi chảy, thuộc một cách quá đáng. Nhưng mà tình thật thì người ấy đâu màng tới chuyện ăn nhậu với lội nước. Khi người ta nóng lòng đến sớm thì nguyên cớ ấy chẳng cần một lời giải thích nào cả. Có ai ngồi trên lửa mà chẳng nóng đít? Juliette hẹn 12 giờ khuya mà mới 10 giờ Roméo

đã đứng dưới lùm cây bụi cỏ để chu mỏ huýt sáo liên hồi kỳ trận. Dĩ nhiên là nàng sẽ bật đèn mà chẳng đợi nghe khẩu lệnh gì ráo trọi.

Roméo người mềnh bước vô với ba nụ hoa hồng gói trong giấy kiếng cầm tay. Kiểu cách ngoài dự kiến làm chị phải lóng cóng chẳng chịu nép mình dọn lối. Ui, thơm quá, người đàn ông phát biểu cảm tưởng. Có nghĩa là anh bứng cả khu vườn trồng nhiều hoa chở tới tận thềm cũng bị hương mì Quảng xua đuổi ngay. Tôi đứng ngây dại y như tên đầu bếp bị chủ nhà hàng rầy la ngầy ngà dở dang quá mạng, nuốt hổng trôi. Hai người nói cười trao đổi nhỏ to rồi cũng tới hồi bắt tay giới thiệu kẻ ngoại cuộc. Tay anh ta tươm đầy mồ hôi, thứ mồ hôi thường có ở những người yếu tim hoặc hay đối đầu với ác mộng. Không rõ chị sẽ tươm đầy mồ hôi ở ngóc ngách bộ phận nào bởi trông chừng chị đang cố nén cơn đau tim, đang tìm cách làm chủ cục diện. Nào khó gì một cách giải quyết khi nhìn thấy sự cụt hứng của người khách. Tôi la lên: Thôi chết, mình quên mất một thứ quan trọng rồi chị ạ. Chị thôi ngó anh để xây mặt qua tôi. Cái gì? Tưởng chị mời người bạn gái, nếu là anh thì trên bàn buộc phải có nước mắt quê hương. Người đàn ông nhìn tôi. Trời, ở đây đào đâu ra thứ ấy. Bạn cho mình vài lon bia là ô kê.

Chị kéo ghế mời anh ngồi và loay hoay cắm hoa hồng vào cái ly thủy tinh cao cổ đặt giữa bàn ăn. Sẽ tình tứ hơn nếu đốt cháy bốn năm ngọn nến. Sẽ eng không eng cũng cứ tét đèn để thêm phần loãng moạn. Tôi ra hướng cửa khom lưng mang giày. Họ chẳng quan hoài, họ biết hắn đi thơ thẩn tới đầu đường, vô tiệm tạp hóa của người Hàn quốc để tha về xâu bia ướp lạnh. Tôi đóng mạnh cửa, ngầm bắn tiếng thông báo sự vắng mặt. Xe tôi sắp cạn xăng, cái thẻ rút tiền ở máy tự động đã hết hạn sử dụng, trong ví còn đúng 12 đô. Giá mà hồi trưa đừng ăn bánh cuốn, đừng gọi thêm chả quế chiên, đừng uống nước mía xay, đừng uống nước dừa tươi… Tôi chẳng rõ thời giá 6 lon bia bây giờ là nhiêu tiền, nhưng tôi biết chắc với 12 đồng bạc đổ xăng, chiếc xe cà rịch cà tang sẽ mang tôi về lại chỗ trú an toàn.

Đổ xăng xong tôi mở máy nhắn tin cho chị: Xin tha lỗi, thiệt là cái khó bó cái khôn. Hôm nào có lý do chính đáng quyết say xỉn với anh ấy một trận, không say không về. Trong trường hợp này giữ cho đầu óc tỉnh táo là tốt nhất. Chúc chị nhiều niềm vui. Hồi nào chan hết 9 chai nước mắt quê hương thì hẳn gọi điện thoại. Mà cũng không chừng lúc đó tình hình đã mặn mà khác xưa. Đừng giận “người bạn đồng minh đã vừa tháo chạy”.

Về tới nhà tôi trụng gói mì Kim chi ăn kèm với hai trai ớt hiểm. Khuya, tôi xem ti vi tới chán chê rồi moi điện thoại gọi thằng bạn đã có vợ con. Hắn hỏi mày đi đâu cả ngày không tới ăn sinh nhật đứa con 5 tuổi của tao? Tôi thuật lại mọi diễn tiến rồi hỏi kẻ giàu kinh nghiệm: Mày thấy tao có trẻ con không? Tuần tới sinh nhật 35 tuổi của tao rồi. Chán thật!

Hồ Đình Nghiêm

VNNC Gởi ngày 04-12-2016

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền