Học Cách Sống Dửng Dưng (Truyện Ngắn) Nhà Văn Võ Quốc Tuấn (Trà Vinh- VN)

 

 

    Nhà Văn Võ Quốc Tuấn

 

 

 Image result for ảnh cuốn trôi

 

 

HỌC CÁCH SỐNG DỬNG DƯNG

***

Trong đời, tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh trái ngang, éo le, dở khóc dở cười. Và sau mỗi câu chuyện tôi đã tự hứa: “phải sống dửng dưng”, mà sao tôi vẫn không làm được. Để rồi hôm nay, đủ nhận thức rồi, tôi mới thấy trong cuộc sống sao có lắm người dửng dưng như vậy!

I

 

Trời tháng chín, nước  lũ về, sông nước mênh mông. Một chiếc ghe không người chèo chống đang trôi quay ngang, quay dọc theo dòng. Biết là ai đó đã bất cẩn để tuột dây. Chúng tôi, những đứa trẻ độ mười hai, mười ba gì đấy, đang chơi bắn bi trên đê bỗng dừng cuộc chơi. Chúng nhao nhao:

-         Anh Tuấn bơi giỏi, anh ra kéo nó vô cột lại cho người ta đi, thế nào cũng có người kiếm cho coi!

Thú thật, tôi bơi không tệ. Nhưng có lẽ vì mấy câu chuyện “ ma da rút giò” mà người lớn kể (chắc để đe, không cho chúng tôi tắm sông vì sợ đuối nước!) làm tôi thấy lạnh người. Nhưng bị thúc mãi, tôi cũng ra. Đang hì hục vừa bơi vừa kéo ghe, mệt chết đi được, thì có một chiếc vỏ lãi ( tắc ráng) chạy máy bon bon theo dòng, vừa qua chỗ tôi, nó vòng lại và người ngồi trên nó cất tiếng quát:

-         Thằng kia! Ăn cắp ghe hả mậy?

Vừa mệt và tức, cổ họng tôi như có cái gì chặn lại, tôi không nói được một lời, nước mắt rơi lả chả vào sông nước. Họ kéo ghe đi không một lời cảm ơn.

 

II

         Thời sinh viên. Tôi và đám bạn ở khu nhà trọ, chiều hay ra công viên chơi cho đỡ nhớ nhà. Thời đó, chúng tôi đi xe đạp ( có xe đạp là quý rồi, bản thân tôi còn đi nhờ bạn). Đến nơi, khóa xe cẩn thận, chúng tôi tản bộ theo bờ sông để hóng mát. Vừa đi ngang qua chỗ chiếc xe gắn máy đậu ( Hồi ấy chưa cấm xe vào công viên), không hiểu sao nó ngã cái “gầm”. Ai nấy đều đổ dồn mắt về phía chúng tôi, như chính chúng tôi là hung thủ vậy. Tôi đứng gần nhất, thấy vậy đỡ xe lên dùm. Dựng xe vừa xong thì có người chạy đến quát:

-         Sao mầy làm ngã xe tao? Có hư hao gì mầy phải đền!- Vừa nói hắn vừa xăm xoi chiếc xe hắn.

-         Nó tự ngã. Bạn tao đỡ lên cho đó.- Bạn tôi lên tiếng  phân bua.

-         Xe gì tự ngã? Bọn nhà quê chúng mày đi đứng cẩn thận chứ?

Bị xúc phạm, bạn tôi vung nắm tay lên định đánh hắn nhưng tôi ngăn kịp. Hắn thấy xe không hư hại gì, vả lại bên tôi đông hơn nên lên xe nổ máy bỏ đi. Hắn đi nhưng còn kịp để lại tiếng văng tục xen vào tiếng máy nổ nghe khá rõ.

Xung quanh chắc chắn có người làm chứng được là chúng tôi bị oan nhưng chẳng ai lên tiếng. Có lẽ vì họ sợ liên lụy?!

Chúng tôi nhìn nhau không biết nên khóc hay cười.

 

     III

Giờ tôi là giáo viên, có gần 15 năm trong nghề dạy học. Một lần nữa lại dở khóc dở cười…

 Đang giờ ra chơi, giáo viên nam chúng tôi, ngồi uống trà, trò chuyện; giáo viên nữ cũng tán gẫu với nhau những đề tài quan thuộc thì thấy học sinh kéo nhau rần rần trên sân trường. Hỏi ra thì biết học sinh đánh nhau.( chuyện này vẫn thường xảy ra). Nhưng khổ nỗi là người có trách nhiệm xử lí công việc lại nghỉ phép. Chẳng ai thèm ra mặt. Thấy vậy tôi nhận trách nhiệm xử lí…

Thằng nhỏ, lớp 6 vừa khóc vừa kể:

-  Tự dưng ảnh, chỉ vào thằng lớp 8, nắm cổ áo con, tát con ba cái.

 Thằng lớn thì thề sống, thề chết cũng không chịu nhận. Biết thằng này gian, “không có lửa thì sao có khói”, tôi cho hỏi và kiếm người làm chứng thì ba bốn đứa nói có thấy thằng lớn đánh thằng nhỏ. Hỏi nó có nhận tội không để viết vào biên bản thì nó lại trả lời:

-         Em không có đánh, chỉ có…xô đầu.- Vừa cãi em vừa nhịp chân.

Tức giận vì sự ngỗ ngược, thiếu ý thức nhận trách nhiệm nhận khuyết điểm, sữa sai, sẵn cây thước kẽ tập của học sinh trên bàn( cây thước nhựa, rộng 3cm, dài 30cm, dày 0.3cm) tôi đánh vào chân em một cái và thế là có chuyện…

Gia đình em kéo vào gặp Ban Giám hiệu, nhất định bắt tôi phải bồi thường vì đánh vào chân đau, bị viêm xương của em( có trời mới biết chân em bị đau); rồi dọa thưa tôi “ Vi phạm luật giáo dục” vì đánh con họ; rồi con họ nếu có mệnh hệ gì thì tôi phải chịu; rồi nọ…rồi kia…phiền chết đi được!

 Đồng nghiệp thì người ý này, người ý khác…

 Nhưng phiền nhất vẫn là vợ nhằng. Đàn bà mà, dễ ngại va chạm, sợ mất chén cơm. Nhưng thiết nghĩ họ( gia đình em học sinh kia, và cả giáo viên nữa) có hiểu rõ thế nào là “dạy học và giáo dục” không? Có hiểu thế nào là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thẩn thể học sinh” không? Đánh một roi chỉ để giáo dục cũng là xúc phạm thân thể học sinh ư?

Với cái đà này không khéo chúng ta sẽ trở thành những người thiếu trách nhiệm, vô cảm, dửng dưng mất thôi.

                                                                                             

                                                                           Trà Vinh: 14/12/2016

 

                                                                           Võ Quốc Tuấn

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền