*CT 6- Đầu Xuân Đến Với Thơ Hay (Bình Thơ) Châu Thạch (Đà Nẵng- VN)

 

 

Nhà Bình Thơ Châu Thạch

 

 

 

ĐẦU XUÂN ĐẾN VỚI THƠ HAY

 

Hồi sinh.

 Thơ Bích Trần

 

Có một em tên là ,
Lá non xanh mon mởn,
Được sinh ra hôm qua,
Trong tận cùng đau đớn!

Cây khô cành mục ruỗng,
Hoà cùng ánh bình minh 
Chiếc lá non run rẫy,
Trong gió bão : hồi sinh !

Trời xanh ơi có thấu ,
Nỗi đau này của con
Đất nâu ơi có hiểu , 
Lòng này vẫn còn son ?

Để cây khô đậu quả 
Cần bao nhiêu bông hoa ?
Để hoa xinh nở nhụy 
Bao nhiêu Lá Mượt Mà ?

Hiện tại chỉ duy nhất, 
Một chiếc Lá non tơ ,
Bơ vơ khóc trong gió ,
Cô đơn tựa trên cành !

Cuộc sống ta mong manh ,
Vô thường ta nếm được .
Trong tận cùng bất hạnh ,
Ta ngước nhìn trời xanh !

(Codohue -Paris -04062016

 

Bình ngắn: Châu Thạch

 

Đây có phải là một bài thơ ngụ ngôn hay không? Tôi không biết chắc nhưng rõ ràng bài thơ chứa nhiều ẩn dụ. Bài thơ nói về một chiếc là non vừa nhú ra trên một cây khô báo hiệu cho một sự hồi sinh diệu kỳ. Sự hồi sinh đó phải chịu nhiều đau đớn và còn phải chịu nhiều hy sinh để cây ra hoa kết quả. Một chiếc lá non nhú lên từ thân cây khô không chỉ là hình ảnh về  sự hồi sinh của một cá thể mà còn là hình ảnh về sự hồi sinh của một tập thể, một xã hội hay một thời đại đã trở thành như một “Cây khô cành mục ruỗng”. Chiếc lá non thật là yếu đuối “run rẩy trong gió bão” nhưng sứ mạng của nó thật là vỹ đại và tính chất của nó thật là kiên cường. Chiếc lá non tuy “Bơ vơ khóc trong gió/Cô dơn tựa trên cành”nhưng nó chấp nhận đối đầu tất cả mọi thế lực đối nghịch tác động lên nó để nó nhận làm tiên phong khởi đầu cho một cuộc hồi sinh.

Bài thơ rất gọn gàng và rất nhẹ nhàng lại chuyển tải một thông điệp hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy đến người đọc. Con người thấy giá trị của những chiếc lá non báo hiệu sự khởi sắc lại của đời mình. Nhân loại trân trọng những chiếc lá non đem đến niềm tin và hy vọng cho cuộc sống. Mọi chiếc lá non đều phải nhận đắng cay và phủ phàng, chưa nói đến sự chết khi chưa được hồi sinh trọn vẹn. Bài thơ gián tiếp nhắc nhở ta nhớ đến và cảm tạ những chiếc lá non của những cuộc hồi sinh trong lịch sử.

Chính bài thơ cũng là một chiếc lá non!!!

                               Châu Thạch

 

 

ĐÊM XUÂN - ĐỘC ẨM BUỒN

                 Thơ Nguyễn Khôi

          (Tặng Nguyễn Bàng)
                    

"Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí

  Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau"

                               Thơ Lưu Quang Vũ
                      

Lên ở chung cư thưa bè bạn

Đêm xuân nay ngồi uống rượu một mình

Giữa Thế giới mịt mùng hỗn loạn

Đang hiện hành "chủ nghĩa Pu tin" ?
                        

Ôi, nhân loại đã qua "thời dân chủ"

các Yêng hùng thành các "đấng Quân Vương"

những Donald Trump, Tập Cận Bình... hung dữ

Trong hơi say ta gặp Tần Thủy Hoàng ?
                        

"Thế giới phẳng" xem chừng tan vỡ

Chúng đang xây những "Vạn lý trường thành"

Quân Hung Nô không sợ bằng I S

"Tên lửa hành trình" đan lưới khắp trời xanh...
                         

Ừ chuốc chén đem nay mình "độc ẩm"

Để quên đi những "tham nhũng" / thối môi trường

Chẳng còn khoái để mà ngất ngưởng

Chén rượu buồn "độc ẩm" với trăng suông.
                      

                Hà Nội, xuân Đinh Dậu - 2017

                           NGUYỄN KHÔI

Bình ngắn:  Châu Thạch

Để hiểu bài thơ, trước hết phải tìm hiểu một vài  cụm từ mà tác giả đặt vào trong dấu ngoặc kép, những cụm từ nầy ít người biết đến. Người viết đã tra cứu trên google, tạm tim ra những giải thích gọn nhẹ sau đây:

“Chủ nghĩa PuTin”:  

“Chủ nghĩa Putin dùng mô hình chính trị Dân chủ Phi Tự do làm mất dần đi việc độc lập của ngành tư pháp và giới hạn các quyền căn bản cá nhân, nơi mà những biện pháp kiểm soát thường tinh vi hơn là những kiểm duyệt thông thường”.

“Thế giới phẳng”:

“Phẳng” với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý…, tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới – quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình”.

“Thời dân chủ”:

“Theo nhà khoa học chính trị Larry Diamond, chế độ dân chủ bao gồm bốn yếu tố chính:

Một hệ thống chính trị cho việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng.

Sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự.

Bảo vệ quyền con người của mọi công dân.

Một nguyên tắc của pháp luật, trong đó các luật và thủ tục áp dụng chung cho tất cả các công dân.

“Tên lửa hành trình”:

Tên lửa hành trình là những trái bom có điều khiển, bay nhanh ở quỹ đạo rất thấp song song với mặt đất. Chúng rất khác với các tên lửa bình thường (không phải hành trình) chủ yếu là vì chúng bay rất xa.

Những cụm từ trong ngoặc kép còn lại dễ hiểu với mọi người”.

 

Bài thơ “Đêm Xuân-Độc Ẩm Buồn” thật ra nó có vẻ là của một ông già hâm hâm. Hâm là vì đêm xuân mà một ông già ngồi độc ẩm thì một vạn bài thơ đều nói đến cô đơn, đều nghĩ đến ký ức đời mình để thổn thưc cho tình yêu, tình đời, cho thời gian qua mau chớ mấy ai nói bông lông những  câu chuyện đâu đâu về thế giới.  Hâm hâm vì  ông già ngồi bàn cuộc diện thế giới một mình chẳng khác chi người bị bệnh tâm thần nói chuyện với ma với quỷ. Thế nhưng, chính cái hâm đó lại làm cho bài thơ trở nên độc đáo. Độc đáo vì nó khác với hàng ngàn bài thơ. Độc đáo vì nó báo bão, gióng lên tiếng báo động gió đang về, cuồng phong đang tới.

Bài thơ nói lên một nhân cách, nhân cách sống.  Kẻ sống vì mọi người dầu bó mình trong gác nhỏ nơi lầu cao lòng cũng luôn đau đáu đến biến động quanh mình. Tấm lòng đó tuy không lo toan được thời cuộc cũng nặng trĩu vì thời cuộc, để tiếng thở dài biết đâu đánh động được lương tâm  xã hội.

Đọc bài thơ, tôi nghĩ đến người xưa, những nhân tài bất đắc chỉ, nhưng người yêu nước, những nhà cách mạng bị thúc thủ trong nơi nào đó nhưng lòng họ rộng như biển, cao như trời, nặng nề như thái sơn vì đại cuộc.

Đọc thơ Nguyễn Khôi tôi tưởng tượng đến chiếc lá đầu tiên hồi sinh trên thân “cây khô cành mục ruỗng” của nhà thơ Bích Trần. Biết đâu những chiếc lá hồi sinh như thế của cây đời  đã uống nhựa nguyên từ những bài thơ giống như thế của Nguyến Khôi./.

 

                          Châu Thạch

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền