*NNK 10 - Nương Theo Nước Mắt Mà Đi (Đôi Điều Cảm Nghĩ Về Thơ Ngô Minh) Của Lê Mai (Lời Bình) Nguyễn Ngọc Kiên (VN)

 

Nguyễn Ngọc Kiên 

 

Related image

 

 

NƯƠNG THEO NƯỚC MẮT MÀ ĐI

( ĐÔI ĐIỀU CẢM NGHĨ VỀ THƠ NGÔ MINH)

                                   Lê Mai

Làng Thượng Luật của anh toàn cát

Mẹ con anh là cát giữa mắt ĐƯỜI…

Sống sao đây khi đã mất tính người?

Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.

Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…

Nước mắt trong văn vắt tình người.

Cho anh những câu thơ vùi sâu trong cát đỏ

Tím lịm lòng người, hoảng loạn những giấc mơ…

Làm sống những câu thơ mà gượng dậy

Nương theo nước mắt mà trôi

Cho con chữ rạo rực sinh sôi trong cát nín

Gia sản cha dành chỉ còn có thế thôi

Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.

Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…

Những câu  thơ bay ra từ cát trắng

Lấp lánh tình đời, nồng ấm tình quê

Cứ nương nước mắt mà đi…

Cát vọng!

 

Lời bình của TS. Nguyễn Ngọc Kiên

LÊ MAI CẢM  THƠ NGÔ MINH BẰNG …THƠ

Nhà thơ Lê Mai viết cảm nhận thơ Ngô Minh bằng … thơ.

Đó là cách làm hết sức độc đáo!

Có thể coi đây là “lí lịch trích ngang” của nhà thơ Ngô Minh!

Nhà thơ Lê Mai dường như rất hiểu Ngô Minh và cả thời đại của ông. Vì vậy, cái đầu đề của bài thơ là “Nương  theo nước mắt mà đi” cũng rất gợi.

Thật vậy, Ngô Minh sinh ra từ nước mắt, lớn lên cùng nước mắt. Khổ thơ thứ nhất nói về bi kịch cuộc đời Ngô Minh.

Mẹ con anh là cát giữa mắt ĐƯỜI…

Sao lại là “giữa mắt ĐƯỜI”? Thôi thi ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Ngô Minh phải trải qua những bi kịch - bi kịch của cuộc đời ông, bi kịch của thời đại ông. Thơ của ông có những câu xúc động lòng người. Chẳng hạn:

Ba ra đi một sáng hãi hùng

Máu quằn quại máu ròng cọc xử bắn

                               (Cát vọng)

Hay trong bài “Khuya bên mộ Ba”:

Biển lập lòe nhang sám hối

Con về tay trắng tay

Thơ làm sao cứu rỗi

Hoặc trong bài “Thơ khác trên bia mộ Mạ”:

Con xin dựng tim con làm bia mộ

Tạc câu thơ đời mạ đau buồn

Trái tim nhỏ ước là quả chín

Trên cát nhèo trắng xóa thời gian

Thời đại của ông, với gia cảnh của ông sống được cũng là một kì tích. Có nhiều cái biết đấy mà không dám nói ra. Muốn sống được, muốn tồn tại được đã khó, đằng này ông lại phấn đấu học tập để trở thành nhà thơ danh tiếng trong cả  nước; vậy nên đành phải:

Lặng đi thôi! Nín đi thôi! Cát vọng.

Ông chịu ơn nước mắt:

Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…

Nước mắt trong văn vắt tình người.

Cho anh những câu thơ vùi sâu trong cát đỏ

Tím lịm lòng người, hoảng loạn những giấc mơ…

Và đây nữa, ông đã phải tự vươn lên. Cũng may mà một lũ người ngu dốt khi không chia những quyển sách của cha ông làm “quả thực” và ông còn được thừa hưởng:

Làm sống những câu thơ mà gượng dậy

Nương theo nước mắt mà trôi

Cho con chữ rạo rực sinh sôi trong cát nín

Gia sản cha dành chỉ còn có thế thôi

                             (Lê Mai - Nương theo nước mắt mà đi)

Cuộc đời ông rất nhiều tâm trạng. Nó giống như người có cái dằm lớn ở đầu ngón tay. Nhổ ra thì không được mà để thì nhức nhối khó chịu. Chính điều này đã chi phối toàn bộ sáng tác của Ngô Minh mà chúng tôi sẽ nói dưới đây.

Ở khổ thứ hai, Lê Mai viết:

“Nước mắt người xoa cát dịu dàng trôi…

Nước mắt trong văn vắt tình người.”

Nói đến sáng tác của  Ngô Minh, chúng tôi đặc biệt chú ý đến thể loại lục bát của ông. Thơ ông có mấy đặc điểm nổi bật sau:

1) tôn vinh nước mắt,

2) chịu ơn nước mắt,

3) nương theo nước mắt mà đi,

4) thơ ông không có âm hưởng rộn rã reo vui.

Như trên đã nói, do hoàn cảnh, ông không dám đi đến tận cùng. Thơ của Ngô Minh hầu như bài nào cũng có câu hay, tứ thơ đẹp, lấp lánh. Ta dễ dàng nhặt ra những câu hay, dễ đi vào lòng người. Chẳng hạn, bài thơ viết tặng vợ:

Nhâm Thìn giờ giáp niên tròn

Bi bô cháu, rộn ràng con ấm lòng

Bao năm mặn ngọt vợ chồng

Xuân này anh níu đuôi rồng lại bay

                       (Nhâm Thìn em)

Trong bài “Tường ơi…” tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường có những câu thật  thông minh, thật trí tuệ:

Tường nằm điện thoại và nghe

Tiếng cười xa ngái sơn khê mây mù

Rồi khóc cười đẫm câu thơ

Rượu không còn uống vẫn thừa men say.

…..

Tường ơi

Không đứng thì nằm

Nghê nga cùng lũ dế buồn gáy mưa

Trong bài “Lục bát mùa đông” có những câu thật lấp lánh:

Mùa đông lục bát cơ hàn

Từng cơn gió lạnh thổi tràn tâm tư

Đặc biệt, có những chi tiết rất bình thường cũng đi thẳng và thơ Ngô Minh và có thể gây ấn tượng mạnh:

May mà mình có Miền Đông

Tuổi hai mươi ấy thật không dễ tìm

Chiều  ra quán xép không tên

Tiết canh lòng lợn…

                      nhớ quên chuyện buồn.

                                       (Gặp lại miền Đông)

 Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Duy Khoát nói với chúng tôi rằng: “Cứ ở đâu có thơ Ngô Minh là ông tìm đọc cho bằng được”. Đó chẳng phải là hạnh phúc của người sáng tác hay sao?

Thơ ông đầy ắp tình bè bạn. Ông ca ngợi những bậc tiền bối như các bài “Lạy cụ Nguyễn Du”, “Nhớ ông Nguyễn Tuân”, “Điềm Phùng Thị”, “Cõi lặng Trần Dần”…., ông viết về những người đương thời “Tiễn NGuyễn Khắc Thạch lên tàu đi học trường viết văn Nguyễn Du”, “Khuya uống với bạn thơ Cà Mau”, ở đâu cũng có thơ tặng bạn bè: “Dưới đỉnh Mu Rùa tặng nhà thơ Hà Nhật”, “Chiều cùng nhà thơ Hải Kì qua đèo Hải Vân”, “Thơ đề tranh Trương Bé”…v.v…Rồi ông làm thơ tặng “thành phố người mới đến”, làm “thơ tặng người bán mặt nạ”. Nhiều lắm, không thể kể hết ra đây. Bài nào của ông cũng thấm đẫm tình người, ấm áp tình quê!

 Nhưng phải nói thật là chưa có bài nào đạt đỉnh cao tầm cỡ như “Tây tiến” của Quang Dũng. Mặc dù chúng tôi đánh giá không thấp về trình độ của Ngô Minh.

Ngô Minh làm thơ với thái độ hết sức nghiêm cẩn. Nhưng nếu chỉ nói về cái tài tình khi Ngô Minh dùng từ, hay ngắt câu, bẻ chữ như các nhà phê bình vẫn làm thì mới nói chung chung chứ chưa nói được đặc trưng của thơ Ngô Minh. Thơ ông định nói một cái gì đấy mà không dám. Vậy nên thơ ông nhất là lục bát, nói mà như không nói, không nói mà như nói. Nó mang màu sắc : sắc sắc không không của Đạo Phật, nhiều khi như vô vi của Đạo Lão. Chẳng hạn:

một đời có có không không

đều về với cỏ phiêu  bồng người ơi

nằm nghe lục bát gọi đôi

một anh

             một bóng

                            một người

                                               một không

                       (Lục bát gọi đôi)

Thực vậy, người đọc không khỏi đặt dấu hỏi khi ông viết: “con đi tìm giặc cho đến ngày bạc tóc.”

Thơ Ngô Minh không chỉ là tiếng nói nội tâm, khi ông dành cho bạn bè, quê hương và những người xung quanh. Ông còn dành một mảng lớn để Thưa Cha, Thưa Mẹ, Thưa Em. Đọc đến đây bất giác tôi nhớ đến bài “Dặn con” của thi sĩ Lục Du đời Tống:

Vốn biết thác rồi mọi việc qua,
            Chín châu chưa hợp xót lòng ta.
            Bao giờ bắc chiếm Trung Nguyên được,
             Ngày giỗ đừng quên cáo lão gia.

                                        ( Lục Du - Mai Lăng dịch)

……………………….

Như đã nói, Lê Mai rất hiểu Ngô Minh, hiểu cả thời đại của ông và đã viết Nương theo nước mắt mà đi. Không hiểu Lê Mai có trải qua  hoàn cảnh tương tự như Ngô Minh hay không hoặc chí ít ông từng trải qua thời kì Cải cách ruộng đất  “long trời lở đất”, cái thời kì tàn khốc nhất trong lịch sử của dân tộc!

 

Nguyễn Ngọc Kiên

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền