*LM 9- Mặt Trời Xanh (Truyện Ngắn) Lê Mai (Hà Nội- VN)

 

Nhà Văn Lê Mai (Phải) 

 

Bildergebnis für BẦU TRỜI XANH

 

MẶT TRỜI XANH

 

 

Có tiếng gõ cửa rụt rè. Ông Nhân nhẹ nhàng đỡ vợ nằm xuống giường rồi vội vàng ra mở cửa. “Ai thế nhỉ?” Ông tự hỏi mình. Gần 20 năm nay, từ ngày ngưng nghỉ “chèo đò”, ông đã quá quen với cảnh bến mình đìu hiu, quạnh vắng.

Trước mặt ông là một người khách lạ, người gày gày, da mai mái nhưng thần thái vẫn rực lên những nét quyền uy, lịch lãm.

-   Thầy có phải là thày Nhân không ạ? Người khách lạ rụt rè hỏi.

-   Vâng. Tôi là Nhân. Ông gặp tôi có việc gì ạ?

-   Thầy không nhận ra em sao?

Ông Nhân chăm chắm nhìn người khách rồi khẽ lắc đầu. Nhưng vẫn có những nét gì ngờ ngợ trong ông. Từ ngày về hưu tới giờ, thi thoảng ông vẫn có trò cũ tới thăm, nhưng đa phần những trò đó thủa nhỏ đều là những học sinh cá biệt, không ai có thần thái oai phong chững chạc như người khách này. Song nét mặt này.... Ông cố lục trong ký ức....Rồi ông bật lên câu:

-   Ông... Ông có phải là giáo sư tiến sĩ THIỆN TÀI.....trưởng....trưởng ban.... Ông...vẫn lên vô tuyến nói...nói hay lắm....nói hay lắm......

-   Thiện Tài là danh xưng thôi. Em là thằng Thất còm, con ông Chánh Đức ở Đậu Xá - Mỹ Xuyên, học trò cũ của thầy ở trường Quyết Thắng đây mà, thầy còn nhớ không?

-   Ối giời....Nhớ! Nhớ chứ! Đúng là vật đổi sao dời....Vào nhà đi! Vào nhà đi! Làm quan to đến thế này mà còn nhớ tới thày là quý lắm, hiếm lắm đó!

Ông Thiện Tài hớn hở bước vào nhà. Ông đưa mắt nhìn quanh cái không gian mờ mờ ẩm thấp. Đúng như ông dự đoán: nhà thầy nghèo, nghèo quá! Đồ vật duy nhất trong căn nhà này còn có thể bán được cho đồng nát là chiếc Tivi LG 14 inch đã cũ, cũ lắm. Còn các vật dụng khác thì....cho cũng khó có người nhận. Thương thày, mắt ông Thiện Tài bỗng nhoè đi. Ông thầm nghĩ: Biết làm sao được... Người lao động lương thiện....Lương ba cọc ba đồng lại còn tính thương người....

Ông Thiện Tài lễ phép đón chén nước ông Nhân đưa bằng hai tay rồi khẽ đưa lên miệng nhấp nhấp vẻ hài lòng. Ông Thiện Tài kín đáo nhìn cái chén và cả thứ nước trong chén. Ông mủm mỉm cười, nghĩ: Có lẽ đến vài chục năm nay chưa ai có đủ dũng cảm mời ông uống nước như thế này. Đợi cho ông học trò đặt chén nước xuống bàn, ông Nhân mới thủng thẳng nói:

-   Đời tôi, đến hôm nay đã ba lần đổi tỉnh, sáu lần đổi nhà mà anh vẫn biết tôi ở đây thì cũng tài. À mà, Thiện Tài cơ mà. Thiện tới đâu, Tài tới đâu mà làm quan to thế?

-   Danh xưng hão thôi mà thày. Thày còn lạ gì thói đời, thiếu cái gì thì khát cái đó. Thiện tài gì đâu mà thày hỏi cho em xấu hổ. Nói thầy thông cảm, suốt cuộc đời này chưa có lúc nào em dám quên ơn thày. Ngày đó không có mươi lon gạo thầy cho, không có lời dặn của thầy: Khó mấy cũng không được bỏ học thì em đâu có được như bây giờ. Vì bận mưu sinh chưa đến thăm thầy cô được, em rất hối hận. Nhưng mỗi bước biến đổi của thày em đều biết rõ. Bệnh của cô có khá lên được chút nào không thầy? Thày cho em vào thăm cô ít phút.

-   Bà ấy vừa chợp mắt. Chúng mình đừng làm phiền bà ấy. Mươi năm gần đây bà ấy cứ quên quên, nhớ nhớ; người ngợm chân tay cứ run run, rẩy rẩy. May mà tôi về hưu có thời giờ săn sóc không thì....Nghĩ cũng thấy xót xa, anh ạ. Giá mà mình có tiền thuốc thang, bồi bổ tốt hơn thì...Nhưng đào đâu ra anh. Lương hưu trong cái thời gạo châu củi quế này, khoẻ mạnh còn khốn khó thì nói gì đến ốm đau.

Ông ngừng nói, hai mắt nhắm nghiền như đang lạc vào cõi mộng. Rồi ông bỗng như bừng tỉnh, nở một nụ cười mụ dạy, ngượng nghịu nói tiếp:

-   Xin lỗi anh, kể lể miên man. Bệnh của tuổi già mà. Thôi, nói chuyện khác đi

-   Vâng! Thưa thày, gần năm chục năm nay em cứ canh cánh trong lòng câu hỏi: Ngày ấy, thày dám sai thằng Dũng mang gạo và lời nhắn tới cho nhà em, thày có sợ không? Trí - Phú - Địa – Hào đào tận gốc, trốc tận rễ cơ mà. Đã trí thức lại còn tiếp tay cho phong kiến đế quốc thì cầm chắc tru di tam tộc rồi.

-   Sợ chứ anh. Ngày ấy, người ta còn dám vận động con dâu tố bố chồng hiếp dâm man rợ khác gì tội đốt sách chôn học trò của Tần Thuỷ Hoàng, thì việc gì họ không dám làm. Thân bại danh liệt là cái chắc.

-   Cuộc cách mạng diễn ra trên một nền văn hoá phong kiến, lại còn bị thực dân đế quốc ngu dân thì tránh sao khỏi những biến tướng trở thành quái thai của lịch sử. Trong bối cảnh ấy, dám hy sinh thân mình để cứu những người không máu mủ ruột rà, không dây mơ rễ má thì thật lá khí phách, thạt là dũng cảm. Ơn ấy, nghĩa ấy em làm sao trả nổi.

-   Đừng phức tạp hoá sự việc lên như vậy. Hành động của tôi đối với gia đình anh lúc đó có gì là anh hùng, nghĩa hiệp, đâu dám sánh với khí phách anh hùng, hào kiệt của kẻ: Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Nó chỉ đơn giản là: Người lương thiện thấy người lương thiện sa cơ lỡ vận thì gồng mình, tái mặt mà giúp, được đến đâu hay đến đó, thế thôi. Tình người mà anh. Theo tôi biết, bố mẹ anh là người có học, học cao là đằng khác, lại là người nhân đức chỉ trị bệnh cứu người. Tổng mình lúc bấy giờ  nếu lôi lão đội Nhương ra tố thì sẽ ít oan hơn, ít ức hơn. Tôi nói vậy vì thực chất lão đội Nhương cũng chỉ là kẻ phu phen tạp dịch ở bên Tây. Về nước có chút của cải hơn những người nông dân kiệt quệ ở làng, lại do ít học nên nhiều lúc lão ra vẻ ta đây ngông nghênh, lấc cấc nên có nhiều người khinh, người ghét. Nhưng chẳng hiểu sao, đúng lúc đó lão ấy lại bỏ làng ra đi. Thế chẳng nhẽ lại là tôi à? Thế là bố mẹ anh phải vào thế chỗ. Việc nó chỉ thế thôi. Mà tôi hỏi khí không phải: Hôm nay anh sang tôi chơi hay còn có việc gì?

-   Có. Em còn muốn nhờ thầy giúp cho một việc. Chẳng biết thày có sẵn lòng giúp cho không?

-   Có việc gì anh cứ nói. Tôi không có thói quen rào trước đón sau. Giúp được đến đâu tôi sẽ cố đến đấy.

-   Việc của Dũng thày ạ.

-   Dũng nó có việc gì?

-   Thưa thày, dạo này Dũng nó ốm lắm. Chung quy chi tại cái nghèo thôi thầy ạ. Bệnh nó, nếu có tiền thuốc men chu đáo thì đâu đến nỗi. Nhưng nhà nó nghèo lắm, nghèo đến mức chi có ruồi muỗi đến chơi thôi. Em có tiền muốn giúp nó, nhưng biết nó sẽ không nhận. Chết nó cũng không nhận, khái tính lắm. Thày ạ! Em muốn nhờ thày lấy số tiền em đã chuẩn bị để thuốc thang tẩm bổ cho nó. Chỉ có cách duy nhất này mới cứu được nó thôi. Em biết, vợ chồng nó không dám từ chối sự giúp đỡ của thày đâu. Thày giúp em cứu nó nhé.

-   Của người phúc ta. Tiền của anh, ơn tôi được. Tôi không bao giờ làm thế đâu.

-   Thày ạ, cứu bệnh như cứu hoả. Nó khỏi bệnh rồi, thày trò mình cùng nói cho nó rõ, có gì thày phải lăn tăn.

-   Ừ.... ừ...Thế cũng được.

-   Em cảm ơn thày! Vừa nói ông Thiện Tài vừa thò tay vào cặp, rút ra một bọc nilon to cỡ chừng vài viên gạch, hai tay lễ phép đưa ông Nhân.

Không giơ tay đón gói quà, ông Nhân dè chừng hỏi:

-   Gói gì đấy anh?

-   Thưa thày, gói tiền.

Ông Nhân trợn tròn mắt nói:

-   Tiền! Tiền mà nhiều thế này sao? Anh mang về đi. Sau này cần dùng tới đâu ta mang theo đến đó cho gọn anh ạ.

-   Nhưng... Nhưng mai em phải đi công tác xa rồi. Dăm bữa nửa tháng nữa em mới về.

-   Đưa tiền cho vợ con giữ, khi nào đi công tác về, đến đây ta cùng đi.

Mặt ông Thiện Tài bỗng nhiên buồn rười rượi. Ông nói nhỏ và chân thành:

-   Thày ạ. Vợ con em đã bỏ em lâu rồi. Hiện nay họ đang làm ăn ở Mỹ. Giàu lắm. Giàu tới mức không còn tình người. Khi thong thả em sẽ thưa hết chuyện để thày rõ. Em sống độc thân đã lâu rồi.

Ông Nhân khẽ thở dài, nói:

-   Thôi, đưa tôi giữ cho. Công việc xong nhớ đến đây ngay ta cùng đi anh nhé. Nhớ đến ngay đấy. Để tiền nhiều trong nhà tôi sợ lắm. Anh thông cảm cho tôi.

Đợi thầy nói hết câu, ông Thiện Tài đột ngột đứng dậy, khẽ ghì thày vào lòng, mắt ông nhoè lệ. Rồi cũng đột ngột ông chào thày ra về. Có một cái gì đó tồi tội, thê lương.....

***

Hơn 2 tháng nay, ông Nhân không dám đi đâu lâu, tưới rau cũng vội vàng, đi chợ cũng quáng quàng vội vã. Ông lo. Thời gian đầu ông lo đống tiền lù lù trong tủ, nhỡ mất cắp thì mang tiếng cả đời. Đào đâu ra tiền mà trả. Rồi còn căn bệnh của Dũng. Dũng nó mắc bệnh gì? Cứu bệnh hơn cứu hoả. Nhanh một ngày. Chậm một ngày....Rồi thời gian sau ông lo sang Thiện Tài. Công tác gì mà lâu thế? Có trục trặc gì không? Cỡ quan ấy  nếu gặp mệnh hệ gì thì thiên hạ đã ầm lên rồi. Ông ngồi nhà đợi trò mà long như thiêu như đốt. Ngu quá! Dốt quá! Sao hôm ấy ông không ghi lại số điện thoại của Thiện Tài, không hỏi địa chỉ cơ quan, không hỏi địa chỉ nhà ở.....Giờ đây ông chẳng biết liên hệ với ai. Ông chỉ còn cách ngồi chờ...chờ....và chờ...

Có người đến. Ông lao ra cửa. Người khách lạ nhìn ông từ đầu xuống chân rồi nhẹ nhàng hỏi:

-   Thày có phải là thày Nhân không ạ?

-   Vâng. Tôi là Nhân. Anh đến có việc gì?

-   Dạ. Có lá thư anh Thiện Tài gửi thày.

Người khách đưa lá thư cho ông rồi về ngay. Ông Nhân lập cập đeo kính rồi mở thư ra đọc. Lá thư viết:

 

“ Thưa thày! Khi thày cầm trên tay lá thư này thì em đã vĩnh viễn đi xa. Em đã chết.”

 

Luồng dương khí thoát nhanh khỏi cái cơ thể vốn đã già, lại còn suy dinh dưỡng của ông Nhân. Ông rã rời tay chân. Ông lặng người, mặc mấy giọt cặn lệ nhoè tan đi trong đôi mắt. Lặng người một lúc, ông run rẩy đọc tiếp:

 

“ Cái chết đối với em không đột ngột. Nó đã được các giáo sư lừng danh dự đoán chính xác tới tận ngày.

Thưa thày!

Lần vừa rồi em đến thăm thày, thày có hỏi “Thiện đến đâu, Tài đến đâu mà làm quan to thế?”

Thày ơi, thời này có phải thời Lê Thánh Tông đâu mà thày nhắc đến Thiện, Tài. Quan trường là chiến trường khốc liệt, vì chính nó đẻ ra quyền lực - tiền tài - danh vọng. Ở đó không có chỗ cho lương thiện, hiền tài. Đời em là  một chuỗi dài các sự dối trá. Như lẽ tự nhiên, càng làm quan to lời nói dối càng đậm nét chân thành. Chắc thày còn nhớ ngày em đến thăm, em có gửi thày một số tiền để thày trò mình chuẩn bị đến thăm Dũng. Đó là lời nói dối cuối cùng của đời em đấy. Dũng nó đã hy sinh từ năm Mậu Thân, chưa vợ, chưa con. Biếu được số tiền để thày cô phần nào bớt được sự khốn khó trong cuộc sống chồng chất khó khăn này làm sự ra đi mãi mãi của em trở nên thanh thản. Đời mình cũng có lúc làm được việc nghĩa nhân, theo mong muốn của thày.

Thày ơi! Đến lúc chết em mới hiểu lời dạy của thày: Học để làm Người chứ không phải học để làm Quan.

Làm Người thì ií tiền, ít quyền và khốn khổ.

Làm Quan thì nhiều tiền, nhiều quyền nhưng khốn nạn.

Nếu có kiếp sau, phải lựa chọn hai cái khốn, thì em xin vui lòng đứng vào phe những người khốn khổ. Khốn đấy! Khổ đấy! Nhưng thanh thản, thấm đẫm tình người. Còn khốn nạn thì....Chỉ nghĩ tới đó em đã rùng mình...

Để minh chứng cho sự giác ngộ của mình, em có gửi cho anh em trong cơ quan bài thơ sau, thày xem có được không nhé:

MẶT TRỜI XANH

Đừng cho phủ hoa lên mộ của Anh

Đó là sự dối trá.

Cả đời Anh chưa một lần vinh quang tử tế

Sao hôm nay hoa nhiều đến thế?

Tầng tầng – lớp lớp đè tức ngực Anh.

Em hãy xem

Những bông hoa biết thẹn

Những vòng hoa biết xộc xệch héo tàn

Đốt cho anh nén nhang

Đốt càng nhiều càng tốt.

Lửa sẽ làm cạn khô những giọt nước mắt cá sấu

Lửa sẽ thiêu cháy những lời nói dối chân thành

Lửa sẽ làm môi trường quanh anh thanh sạch.

Lần đầu tiên trong đời, Anh thấy: MẶT TRỜI XANH.

 

Thày ơi! Những kỷ niệm ấm áp về thày, tình thày, đời thày đã mở cho em (một ông quan - một kẻ đang hấp hối), một cuộc đời mới với trang đầu bằng lá thư này,với những lời nói thật...”

Đặt lá thư xuống bàn ông Nhân thờ thẩn ngứơc cặp mắt hoen rỉ nhìn vào khoảng không mờ ẩm trước mặt. Không gian bổng chuyển màu ngọc bích xanh suốt mang mang ... và phía xa, xa thẳm của không gian ngọc bích một đốm sáng nhập nhoà nhấp nháy như vẩy như gọi ông ... mông lung, mờ ảo. Ông vật người ra nghế cố ghìm tiếng thở dài. Tiếng thở buồn, tê tái như hơi thở của rừng già heo hút.

 

LÊ MAI

p 703 – N5A khu đô thị Trung hoà Nhân chính phường Nhân chính 

quận Thanh xuân- Hà nội

đt : 0422153125

 

 

 

 

Truyện ngắn dự thi

CÁI NGHỀ CỦA MÌNH NÓ THẾ

        QUÍ TẶNG CÁN BỘ CHIẾN SĨ CÔNG AN- QUẬN THANH XUÂN- HÀ NỘI

Đóng chặt cửa, tắt điện thoại , bật điện sáng choang ,đặt giấy bút ngay ngắn trước mặt rồi Thắng ngồi ngay ngắn vào bàn làm việc và cố tập trung suy nghỉ, hồi tưởng lại sự việc vừa qua... phải ,nghĩ cho chín rồi thì ... kiểm điểm hay thôi việc.                  

         Thứ ba tuần trước... khoảng 9 h sáng ... một đồng chí bộ đội dáng nhô nhắn, mặt hiền ... vi phạm luật giao thông .Ông buồn buồn trình bầy với

Thắng vê hoàn cảnh của mình . Sáng nay đơn vị ông có một việc quang trọng buộc ông phải đến đúng giờ . Nhưng... tối qua, lũ bạn học con ông lại kéo tới nhà nói: con ông vừa mắc khuyết điểm nghiêm trọng. Thày chủ nhiệm yêu cầu đầu giờ học hôm nay bố mẹ phải đến trường gặp thầy nếu không con ông sẽ bị đuổi học .Trên đường từ trường về đơn vị vừa buồn vừa vội nên ông vô tình phạm luật mong anh thông cảm cho ông . Nghe ông nói , Thắng thấy chạnh lòng ... cái thiệt thòi của các lực lượng vũ trang là thế đấy. Lương ba cọc ba đồng tiền đâu mà thuê gia sư dạy thêm cho con . Thời gian đâu cùng con học tập rèn luyện . Chẵng nói đâu xa , ngay trong đội anh , thiếu gì anh chị con cái mặt mũi sáng như gương Tàu mà học hành vẫn lởm khà lởm khởm. Nỗi khổ này ai thấu cho chăng ? Thắng nhẹ nhàng nói với ông : Nỗi vi phạm của đồng chí , theo luật phải phạt tới vài trăm nghìn đồng hơn nữa phải giữ xe một tháng . Nhưng tôi vận dụng luật , chỉ phạt đồng chí theo lỗi nhẹ . Đồng chí đến phố Xuân quang nộp tiền cho kho bạc . Ông cưòi nụ cười méo mó rồi nói : xin đồng chí , đồng chí đã thông cảm thì thông cảm cho chót . Đồng chí nộp phạt giúp tôi . Tôi không còn thời gian muộn họp quá rồi .Vừa nói ông vừa mở ví lấy tờ bạc trăm nghìn đưa Thắng . Thắng khẽ gật đầu và cât tờ bạc vào túi áo ...                 

         Khoảng 2h chiều thứ 6 . Có lệnh gọi Thắng lên phòng chỉ huy . Có việc gì mới đây – Thắng nghĩ và bước nhanh vào phòng . Thắng vừa ngồi xuống nghế, thủ trưởng đã chỉ người lính ngồi phía bàn đối diện và lạnh lùng hỏi :

- Đồng chí có nhận của đồng chí Quân một trăm nghìn không? 

Thắng nhận ngay ra Quân nên nhẹ nhàng nói :

- Vâng ,đồng chí Quân có đưa tôi số tiền đó nhờ nộp phạt hộ . Cả sáng hôm thứ ba có mỗi trường hợp đồng chí Quân phạm lỗi tôi đã mang tiền nộp cho kho bạc. Nhưng có việc gì vậy ? 

- Đồng chí đưa phiếu thu của kho bạc ra đây

Thắng giở ví ra tìm rồi bỗng anh tái mặt lục tìm túi quần túi áo .Vài phút trĩu nặng trôi qua ... Thủ trươg quay sang nói với Quân giọng nhẹ nhàng.

-Mong đông chí Quân giúp đỡ chúng tôi . Chúng ta phải sang ngay kho bạc để xác minh trắng đen cho rõ ràng

... Giờ đây Thắng vẫn nhớ rất rõ trạng thái nhẹ nhõm đến bải hoải của mình khi nhân viên thu ngân đua cho mọi người xem tờ phiếu thu có tên Quân với số tiên một trăm nghìn đồng . Sự việc rõ ràng như thế Quân đả cảm ơn trước mặt thủ trưởng , sao thủ trưởng vẫn lạnh lùng yêu cầu mình phải làm kiểm điểm . Lập luận của thủ trưởng : Mọi công dân đều được bình đảng trước pháp luật . Bình đẳng trước pháp luật là gì ? là ai có tội đến đâu phải được sử phạt đến đó . Không một ai có quyền làm giảm tội hoặc tăng tội cho người khác theo ý của mình . Hơn nữa mình còn làm sai các qui trình đã được qui định chặt chẽ , dám cầm tiền của ngưòi mắc lỗi để đi nộp phạt hộ ... Ừ thì mình có sai nhưng đâu đến mức ... có bé cứ xé ra to ... anh em vào sinh ra tử với nhau hàng chục trận ... nghĩ tới đây cục uất từ đâu cứ dâng đầy lồng ngực Thắng cầm bút viết    

                                   

                                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                ĐỘC LẬP -TỰ DO -HẠNH PHÚC

           

            ĐƠN THÔI VIỆC

 

viết xong mấy dòng chữ đó Thắng thẫn thờ buông bút , ngả đầu xuống thành nghế , mắt chăm chắm nhìn vào cõi mông lung ... anh nhớ tới mùa đông ba năm trước ... trong quân phục mùa đông Thắng lặng lẻ đi quang khu vực được phân công bảo vệ vũ trường Đi-A –Na ... Đó là cái mùa đông chết tiệt . Gió rợn người trời lại lất phất mưa . Thủ trưởng như từ trên trời rơi xuống , đột ngột xuất hiẹn trước mắt anh ,ông hỏi nhỏ:         

-Có gì mới không ?

-Không , anh ạ .Mọi việc đều ổn .

-Em mới vào nghề được ít năm đã quen việc chưa ?

- Rồi cũng quen dần thôi anh ạ . Mấy hôm trước em đang thanh thản xách túi đồ theo sau vợ đi mua sắm thì bỗng ... một bà tuổi đã xồn xồn từ đâu lao tới vừa ném cà chua thối vào người em miệmg vừa hét vang chợ :

- Thằng này . Đúng thằng này chiều qua nó phạt và giữ xe của tao

Em lúng túng chưa biết xử lý ra sao thì may quá vợ đã đứng chắn ngang mặt bà ấy , miệng hét to không kém 

- Vi phạm luật thì phải phạt , phải giữ xe . Oan ức gì mà la mà hét .

 Mọi người xúm lại . Uất đến tận cổ em vẫn phải nhũn như con chi chi kéo vội vợ đi ngay . Thế là hết sướng  

Thủ trưởng tủm tỉm cười , ông khẽ kéo Thắng đứng nép vào một gốc cây to để tránh những luồng gió lạnh . Lát sau ông thủ thỉ nói :

- Ngày mới cưới chị, anh cũng gặp một cú ra trò . Đang đèo chị đến giữa ngõ Thông phong thì ... Bất ngờ một tay thanh niên từ đâu xô ra ném gạch vào người anh . Anh tránh được và bẻ ngoặt tay nó ra sau . Khi quay nhìn chị thấy máu đầu chảy lênh láng , anh uất quá  vung tay định cho nó vài quả đấm vào mặt . Nhưng  ơn trời , chẳng hiểu sao anh lại ghìm được mình . Thật hú vía, nhỡ mà cho nó vài quả vào mặt thì ... sự việc rồi sẽ đi đến đâu . Thì ra , nó là con trai ông chủ nhà trong ngõ mà buổi chiều bọn anh vừa lập biên bản về tội chứa chấp đồ ăn cắp  

...Giá mà giờ này chúng mình đuợc bắp ngô nướng mà gặm thì sướng nhỉ .

Hai anh em tủm tỉm cười và chăm chú nhìn xung quanh. Gió càng về khuya càng rờn rợn . Mưa hình như dày hơn . Những hạt mưa nhỏ xíu tê buốt như vụn băng xiên xiên bay qua những khoảng sáng ánh đèn . Cửa hậu vũ trường khẽ mở . Một nhóm thanh niên tuổi choai choai đứa tay cầm chai , đứa tay cầm ly rượu liêu xiêu dìu đứa bạn say khướt đi ra .Hai người đi về phía bọn chúng . Thủ trưởng nhẹ nhàng trách :

- Các cháu sao lại để cho bạn say thế . Trời rét thế này mà say rượu là nguy hiểm lắm . Các cháu đưa bạn về ngay nhà đi

Bất ngờ tay thanh niên say mèm vung dậy giật cốc rượu trong tay đứa bạn hất thẳng vào mặt thủ trưởng , miệng lè nhè .

- Chúng mày là ... bọn ... nào mà ... nói ... như bố tao ấy ...

Thắng xô vào túm ngực tên say rượu dựng thẳng người hắn lên , dằn giọng :

- Mày muốn biết chúng tao là ai à ?

Lũ bạn rối rít xin lỗi .Tên say rượu mắt lờ đờ vẫn lắp bắp :

- Cùng ... lắm ... cớm ... là cớm chứ gì ... chấp ... chấp tất .... đố thằng nào ... dám động ... đến tao ... 

- Này thì đố này . Đố này ! Thắng hét to và vung cánh tay rắn như sắt lên cao . Bỗng anh thấy tay mình tê dại . Thì ra thủ trưởng đã chặt mạnh vao tay anh . Ông dìu tên say rượu , miệng ôn tồn nói với lũ trẻ :

- Các cháu đua bạn về nhà ngay . Không được lang thang nữa , nguy hiểm lắm

 Dìu tên say rượu ngồi chắc chắn trên xe rồi ,ông đi về phía Thắng nói thủng thẳng :

- Chúng mình vừa lập chiến công sao mặt em lại hằm hằm như vậy . Thắng dịu mặt nhìn ông, ngơ ngác . Ông quàng tay qua cổ Thắng cười cười nói :

- Em thực sự không biết mình vừa lập chiến công sao ? Chiến công lớn nhất của chúng mình là giữ bình yên cho cuộc sống của dân . Nếu lúc ấy không ghìm nổi mình mà em đấm cho nó vài quả thì sự việc sẽ ra sao ? Có bình yên không ? nói dại  nó say thế , lại gặp rét đậm , lại ăn đòn ... thì chỉ nghĩ thế anh đã rùng mình . Thôi , vui lên em . Cái nghề của chúng mình nó thế . Giữ cho cuộc sống bình yên thì chiến công đâu cần ầm ĩ . Chiến công thầm lặng mà em . Các nghề khác như : Nghề giáo , nghề y ... đối tượng phục vụ thuần khiết , trong sạch mà họ còn có lúc tức lộn ruột , huống chi chúng mình đối tượng cực kỳ phức tạp : Địch thì tham tàn nham hiểm, lũ tham nhũng thì tinh vi xảo quyệt , bọn xì ke ma tuý hung hãn bất chấp, lũ du côn đồ thì hung dữ ... diệt được chúng khó mười thì cảm hoá , giáo dục chúng khó hai mươi . Cái nghề của mình nó thế . Các cụ thường dạy con cháu : Ăn đi trước - lội nước đi sau . Ý gì ? Anh em mình có hiểu không mà sao trước hiểm nguy chúng mình cứ phải lao lên trước . Các cụ còn dạy : Phải tránh xa nơi hòn tên mũi đạn . Sao anh em chúng mình cứ nhằm chỗ hòn tên mũi đạn mà dấn thân vào , để mỗi lần ta xa nhà là bố mẹ vợ con phải bạc đầu lo lắng . Cái nghê của mình nó thế . Ấy là còn chưa nói tới cặm bẫy và những viên đạn bọc đường giăng khắp mọi nơi . Có nghề họ ăn nói lắp bắp tí chút cũng không sao . Mình giải thích chính sách – pháp luật của Đảng và nhà nước mà lắp bắp là không được . Có nghề họ buột miệng văng tục chửi thề có thể cho qua , nghề mình thử thế xem . Có người vi phạm pháp luật họ có thể giả vờ ngô nghê như không hiểu , không biết , nghề mình vờ thế có được không ?... Đấy cái nghề của mình nó thế .   

Nghĩ đến đây Thắng lắc đầu quả quyết cầm bút viết thêm một loạt chữ vào đơn thôi việc . Rồi cũng quả quyết anh tắt đèn đi ngủ 

Nhưng Thắng không ngủ được... anh bồi hồi nhớ về những gương mặt đồng đội thân yêu ... Nhớ những đêm đông đi tuần tren đường phố , Hà nội thiêm thiếp trong giấc ngủ yên bình  ...

Trưa hôm sau đên giờ hẹn nộp bản kiểm điểm, Thắng lặng lẽ xem lại tờ đơn thôi việc , cẩn thận cho vào cặp rồi bước nhanh đến phòng chỉ huy . Bụng bảo dạ : không nói nhiều . Nếu cần chỉ đặt tờ đơn xuống bàn rồi ra ngay . Thắng quả quyết bước vào , không thấy thủ trưởng đâu chỉ thấy Vinh một “sát thủ lão luyện” trong đội phòng cbống ma tuý ngồi ủ rũ . Thắng hỏi Vinh :

- Anh Lợi đâu ?

Vinh thủng thẳng :

- Ở phòng anh Tiến

- Ơ anh Tiến cả ngày nay ở dưới khu giải toả cơ mà

- Thế mới có phòng trống để ngồi thiền , nuốt ức , nuốt giận và tự kiểm điểm  

Thắng ngạc nhiên thốt lên :

- Tự kiểm điểm ! tội gì ?

 - Tội là thủ trưởng của tôi . Ông không thấy tôi đang ngồi đợi anh ấy   để nộp bản kiểm điểm đây à .

- Vớ vẩn ...sáng nay các ông vừa phá chuyên án k 24 bóc dỡ toàn bộ đường dây vận chuyển buôn bán chất ma tuý lớn nhất của thành phố trong ba năm gần đây , khen còn chưa kịp nói gì đến kiểm điểm 

- Biết làm sao được . Cái nghề của mình nó thế .Nửa tháng qua chúng tôi phải lên Mộc châu nằm vùng . Chiều qua nhận được nguồn tin , tin cậy báo : Vào khoảng 12h đêm qua sẽ có một đôi trai gái mang hàng đến giao ở cây gạo đình làng Phú xuân... Thế là chúng tôi vội lao về . Ông bảo , đêm qua rét như thế mà chúng tôi phải nằm ở nghĩa địa , muỗi đốt nhoai nhoáy . thế có khổ không . Đợi đến gần 12h đúng là có đôi trai gái đi đến cây gạo . Thế là chúng tôi lao tới quật gọn hai đứa lăn ra đất . Mở còng khoá sập lại rồi kéo đến trụ sở . Đến trụ sở mới biết bắt nhầm người . Thanh minh , xin lỗi thế nào gia đình họ vẩn không tin . May mà gần tiếng đồng hồ sau  nhóm ông Phát bắt được đôi trai gái mang hê rô in đến . Lúc ấy gia đình mới chịu đưa con về nhà , nhưng lại ngoắc thêm việc : Cô gái bị mất sợi dây chuyền 5 chỉ vàng . Thế là thủ trưởng và mấy anh em chúng tôi phải căng mắt dò tìm đến sáng bạch cũng không thấy   

- Thế là ông vừa phải kiểm điểm vừa phải bỏ tiền túi ra đền à

- Biết làm sao được , cái nghề minh nó thế. Công là công - tội là tội rõ rành mạch không thể lấy công xuê xoa cho tội được . Muốn hành nghề cho tốt phải rèn mình liên tục , rèn suốt đời để chiến thắng chính mình . Giờ thì tôi mới hiểu vì sao thủ trưởng lại treo chữ này - Vừa nói Vinh vừa chỉ chữ NHẪN .   

Nghe Vinh nói mà lòng Thắng thấy hoang mang. Những vấn đề anh tưởng đã nghĩ chín lắm rồi , nghĩ đến nát óc ra rồi hoá ra vần còn gây ngô non nớt . May mà mình chưa thòi ra lá đơn thôi việc 

- À mà ,ông có việc muốn gặp thủ trưởng thì ngồi đây với tôi , chỉ mươi phút nữa xả street xong là thủ trưởng xuống thôi – Vinh nói

- Không có việc gì quan trọng đâu . Tôi về đội đây . Chỉ nhờ ông nói với thủ truởng , tôi xuống để nộp bản kiểm điểm nhưng không gặp. Sáng mai tôi xin nộp 

Nói xong Thắng vội vã bước ra . Vinh lắc đầu ,tủm tỉm cười nói với theo Thắng : cái nghề của mình nó thế ,ông ạ !

 

 

                                                                    LÊ MAI

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền