*SC 29- Đôi Bạn (Truyện Ký) Sông Cửu (USA)

 

Nhà Văn Sông Cửu

 

 

ĐÔI BẠN 

Truyện ký : Sông Cửu . 

 

(Sài gòn thập niên 1975 - 1980)

Cô gái đang cầu nguyện trên căn gác xép, bỗng nghe tiếng mẹ gọi ở dưới nhà: 

- Hà ơi! Bữa nay lễ lạc gì đó. Kiếm lá cờ treo lên đi con. Nhà nào không treo bị phạt hai trăm ngàn đó. Công an khu vực họ tới kiểm tra giờ nè . Mầy nghe chưa đấy Hà ?! 

- Dạ nghe . 

Hà với tay lên trần lôi ra một lá cờ bèo nhèo, hôi mốc. Màu sao trắng toác, loang lổ , chỗ đỏ chỗ bầm. Cô ta quấn nó vào cán một cây chổi lông cùn rồi đem cắm lên hông cửa sổ . Người mẹ ngước nhìn , tỏ vẻ yên tâm, trước khi xách giỏ ra chợ. Cả khu Xóm Mới nầy, cờ mọc lên như nấm dại . Cái cao, cái thấp, cái rũ, cái ngang . . .Gió thổi, cơn mưa rào ập đến làm lá cờ run lên bần bật, cán chổi quật ngang, cờ lăn kềnh trên mặt đất . Hà xuống thang gác kéo ập cửa lại cho nước mưa khỏi tạt vào . Bỗng nhiên Hà cảm thấy lòng nhớ thương ba da diết . Hà nhớ mấy câu thơ ba hồi còn ở quê ngoài Bắc, ba thường bực rọc ngâm nga khi bị buộc phải treo lá cờ đỏ nầy . 

“Đi không thấy phố thấy nhà 

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ . . .” 

Mẹ cũng bảo, cảnh quê Hà Nội của mẹ hồi những năm 54 và cảnh Sài Gòn đổi tên sau 75 đến giờ là bơ phờ như thế đó! Hà cố hình dung sự khác nhau thế nào giữa cái thành phố đổi tên Hồ Chí Minh hiện nay với Thủ Đô Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông trước đây của ba mẹ. Cái thành phố mà mẹ sanh Hà ra vừa giáp thôi nôi thì cha bị bắt đi tù cải tạo về tội làm sĩ quan Quốc Gia. Khi họ thả ba ra thì Hà đã lên 13 tuổi. Cái thành phố khiến cho Cha con , chồng vơ chỉ sum hợp với nhau được có mấy tháng thì phải xa cách mỗi người một nơi. Kinh khủng nhất là hôm mẹ nặng lời với ba. Hà nhớ hôm đó giọng mẹ uất nghẹn nhưng rất dứt khoát : 

- Ông bảo tôi  ở nhà chịu hợp tác làm giáo viên cho chế độ đã bắt tù đày chồng tôi mười mấy năm nay à ? Đúng ! Cái nhà nầy, đúng hơn là căn chòi rách nát nầy mà còn, là do tôi bán tim phổi tôi để giữ nó. Cho con ông có chỗ chui rúc ra vào mà chờ đợi ông đến bây giờ đó. . .Ôi! Ông không giữ được cái nhà cho vợ con ở... Cái đó tôi không than trách thì thôi, cớ sao ông đành lên án vợ con  không trung thành theo ý tưởng của ông!? Ông tệ lòa...Ông nói muốn bỏ mẹ con tôi đi à? Được, ông cứ đi. Đi tìm lấy lẽ sống tốt đẹp riêng cho ông... Thật đấy! Ông không còn chỗ đứng trong lòng mẹ con tôi nữa rồi... 

Lúc đó Hà ngơ ngác, rồi òa khóc khi thấy ba mang túi quần áo bước ra khỏi nhà. Hà muốn chạy theo ba nhưng mẹ nắm tay Hà kéo ra sau. Hà thấy mẹ không khóc, chỉ cắn chặt vành môi sưng bầm lên thôi. Mãi đến hôm nay, ba đi đã 8 năm rồi mà Hà cũng chưa biết là mẹ giận hay thương ba nữa... 

- Hà! 

Tiếng của gã  con trai kéo cô gái trở về thực tại. Hà tròn mắt suy nghĩ xem chàng thanh niên đối diện với mình là ai? Nhìn từ nụ cười, ánh mắt đến mái tóc quăn quăn trông quen quá mà cố nhớ không ra... Gã con trai cười dòn rồi lên tiếng hỏi : 

- Quên huynh rồi sao, tiểu muội ? 

Cô gái giật mình nhận ra reo lên : 

- Hải phải hôn? Đúng rồi . Huynh thay đổi nhiều quá . Muội không nhớ ra nổi . . . 

Năm Hà và Hải lên 6 thì mẹ Hà được người ta cho làm “giáo viên lưu dụng” , dạy cấp một . Hà và Hải cùng học chung lớp, ngồi chung bàn. Hải thì ngang tàng ngịch ngợm, lý lắc . . .Còn Hà thì lầm lì, nhút nhát, rụt rè . Vậy mà hai đứa chơi thân nhau nhất trường. Lý do dễ hiểu vì là học sinh loại C, con sĩ quan “Ngụy”. Hai anh em học chung, chơi chung, làm lao động cũng chung. Luôn bênh vực nhau, mỗi khi tụi con cán bộ ỷ quyền thế “cách mạng” lấn lướt hiếp đáp . Tụi nó luôn luôn khoe khoang là "cháu ngoan Bác Hồ”... Ngay cả cô giáo, mẹ Hà, chúng nó cũng dám mắng là vợ Ngụy, cô giáo Ngụy... 

Có một lần hai đứa cùng đi đào túi ny-lon, làm “kế hoạch nhỏ” cho trường . Con  Hà giành con dao, làm đứt tay thằng Hải máu tuôn xối xả . Gia đình phải đưa Hải đến trạm y tế nhờ khâu vết thương. Bị mẹ rầy. Con Hà giận thằng Hải cả tuần lễ, không chơi nhau. Sự giận dỗi ngược ngạo như vậy của con Hà khiến thằng Hải khổ sở còn hơn cả vết đứt đau nhức trên bàn tay (!). Chỉ một tuần lễ thôi, cũng quá lâu...  đối với tuổi bé thơ. Con nít nổi giận thì la lối ầm ĩ, nhưng rồi chẳng bao lâu lại xí xóa làm hòa nhau ngay. Một ngày cãi lẫy nhau không biết mấy chục bận , xong rồi lại rủ nhau đi ca hát, nhảy dây, trửng giỡn . Chứ không như người lớn. Người lớn tức giận dai dẳng, có khi suốt cả một đời, thề sống để bụng, chết mang theo nữa chứ. . . 

Lên đến lớp 5, thằng Hải cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO. Con Hà khóc bỏ cơm luôn. Nó đem cả xấp vải mẹ dành dụm tiền mua may áo cho nó mặc vào trung học và chiếc lược ba làm bằng gáo dừa khi còn trong tù cải tạo gởi về.  Hà cho Hải hết, để Hải chịu ở lại. Nhưng cũng là tính toán của tuổi trẻ con thôi... Rồi thì Hải cũng theo gia đình ra đi.  Thế là ngày tháng cứ trôi qua. Hôm nay Hải lại trở về và đã trở thành chàng trai chững chạc . Cho nên Hà khó có thể nhận liền ra Hải được . Má về đến. Hà lặng lẽ nhìn thằng bạn trai kể lể với mẹ mình: 

-Cô ơi! Bên đó con nhớ cô ghê lắm ! 

-Ừ! Cô cũng nhớ con. Sao con không về thẳng nhà cô. Ở ngòai khách sạn  làm gì cho tốn ? 

- Dạ... Con sợ họ dòm ngó, khó dễ cho cô! Mẹ Hà cười chua chát: 

- Không sao... Lúc sống không nỗi , bỏ đi thì mang tiếng “phản quốc”, chứ ai mang ngoại tệ đô-la về thì được nhà nước khen là “Việt Kiều yêu nước” là “khúc ruột Việt Nam ngàn dậm…” ngay. Thế đấy, thôi con ở nhà chơi với em Hà nhá. Cô ra chợ có tý việc, cô về ngay. Con Hà cứ bảo cô viết thư cho con, nhưng cô có biết địa chỉ con nơi đâu mà viết . Cô giáo đi rồi, Hải hỏi thử ý cô bạn gái : 

- Huynh trở ra hotel lấy đồ về ở đây với Cô và tiểu muội nhé ? 

Hà trả lời Hải như hồi còn con nít : 

-  Má nói hồi huynh đi Mỹ. Muội buồn bỏ cơm đến 10 ngày đấy. 

-  Có hong đó? ! Hải nhìn Hà cười – Huynh nghe nói nhịn đói 7 ngày là ngủm rồi muội ơi...  Hà thật thà kể lể : 

- Má bảo cho muội uống hết ba hộp sữa, mất  nửa tháng lương của má. Làm sao chết được. Nghe Hà nói, Hải vừa tức cười vừa cảm động... Hải trìu mến, hạ giọng báo tin vui : 

- Bên đó, huynh gặp... ba của muội rồi ! 

- Hả ? Cô gái giật thót mình nhìn người bạn trai – Ba em còn... còn nhớ má và em hả ? 

-Nhớ chớ... Hải gặp ba Hà lần đầu, tại buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của Cộng Đồng Người Việt mình tại California. Thầy rất mừng mà Hải cũng mừng nữa. Thầy vượt biên đến Mỹ trước gia đình huynh gần năm năm...Thầy vẫn sống độc thân. Mỗi lần nhắc đến Cô nhắc đến Hà, Hải thấy thầy đều rưng rưng. Thầy nói thầy rất buồn về cuộc chia tay với vợ con đột ngột...  mới sau mấy tháng thầy ra tù! Có lần nghe tin tụi công ty liên doanh Đại Hàn hay Nhật Bản gì đó, đánh đập làm nhục nữ công nhân ... Ba Hà lái xe mấy tiếng đồng hồ đến tìm huynh, bảo tìm cách viết thư hỏi thăm muội .Thầy nói như khóc: “Không biết có con Hà bác trong số đó không!?”... Nghe huynh về Sài Gòn trong đoàn thăm viếng cứu trợ “Hội Bạn Người Phong” ở Pleiku lần nầy, Thầy tìm đến đưa cho huynh chiếc nhẫn kim cương , nhờ trao lại cho muội. Thầy dặn đừng nói cho cô biết nhẫn này của thầy. Thầy tâm sự với Hải rằng: “Cô nói đúng. Chính Thầy và các chiến hữu thầy, vì bị bức tử, mà không làm tròn được bổn phận trách nhiệm giữ nước , giữ nhà, bảo bọc gia đình vợ con ... Thầy tự trách mình đã xúc phạm đến cô ..." 

Hà như nuốt từng lời của Hải. Trong lòng Hà bỗng nổi lên nỗi niềm nhớ thương người cha cách xa da diết. Nàng cứ để mặc cho hai dòng lệ chảy dài xuống đôi môi đỏ mộng rung rung của mình! Tiếng kể lể thiết tha của người con trai trước mặt mà Hà nghe như có tiếng ba từ cõi xa xăm nào vọng về. Hà  đứng yên cho Hải nâng bàn tay mình lên đeo chiếc nhẫn vào. Hải vẫn thì thầm bên tai Hà : 

- Lần tiễn huynh đi. Cô khóc. Huynh cũng khóc như muội hôm nay. Cô nói: “ Đời người chỉ có một lần là khóc thật, còn những lần khác người ta chỉ tập khóc. Những lần sau nữa người ta khóc vì thói quen” Mình khóc thật thì nỗi buồn sẽ vơi đi . . .Hà còn nhớ không? 

Lời an ủi chân tình của Hải như một luồng gió mát xoáy vào dòng suy tưởng về người cha thân yêu của Hà. Thật tội nghiệp cho ba! Ba làm sao quên má, quên Hà, quên quê nhà, quên nước mình được!? Hà muốn hỏi ý kiến của Hải, coi có nên báo cho má biết là ba luôn một lòng thương má hay không? Chắc gì má đã hết giận ba. Ôi! Làm sao hiểu hết nỗi lòng của mẹ đây? Như đọc được ý nghĩ của cô bạn gái, Hải kéo tay Hà đến trước hình Thập Tự Giá treo ở giữa nhà bảo : 

- Chúng mình cầu nguyện đi Hà. Cầu xin Chúa ban phước cho Thầy, cho Cô cho hết thảy mọi người trên quê hương nghèo khổ tụi mình! 

Tiếng loa phóng thanh từ trụ sở công an oang oang nhắc nhở dân chúng treo cờ làm át lời nguyện cầu và niềm ước mơ của đôi bạn trẻ . . . 

 

Sông Cửu   

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền