*TMG 13- Góp Phần Tìm Hiểu Về Trạng Nguyên Trần Văn Bảo Của Nhà Văn Trần Mỹ Giống (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

GÓP PHẦN TÌM HIỂU VỀ

TRẠNG NGUYÊN TRẦN VĂN BẢO 

 

          Trần Văn Bảo là một trong 5 vị Trạng nguyên của tỉnh Nam Định. Ông từng làm quan triều Mạc đến Thượng thư. Học vị Trạng nguyên đã khẳng định Trần Văn Bảo là người học rộng, tài cao, giỏi văn thơ. Nhưng tiếc rằng tài liệu cổ viết về ông hiện còn rất ít, lại quá sơ sài, nhiều chi tiết không thống nhất. Điều này dễ hiểu: vì Trạng nguyên Trần Văn Bảo làm quan triều Mạc, mà triều Mạc lại bị các nhà viết sử thời phong kiến coi là nguỵ triều nên không ghi chép đầy đủ, kỹ càng. Trải hơn 400 năm, các di tích đền thờ, sắc phong về ông bị mai một, thất lạc hầu như không còn gì đáng kể.

          Sinh thời Trạng nguyên Trần Văn Bảo có tiếng về sự nghiệp làm quan và tài văn học vang lừng sang cả Bắc quốc như người đời ca ngợi "Sự nghiệp, văn chương đằng Bắc quốc". Nhưng đáng tiếc là chúng tôi chưa tìm thấy tác phẩm nào của ông còn lại đến ngày nay. 

          Bước đầu nghiên cứu về Trạng nguyên Trần Văn Bảo, chúng tôi chỉ giám hy vọng tập hợp và phân tích tư liệu viết về ông, góp phần tái hiện chân dung xác thực về một danh nhân văn hoá tiêu biểu của tỉnh nhà.

          I - Sơ lược tiểu sử, sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Văn Bảo

          Trần Văn Bảo (sau đổi tên là Trần Văn Nghi, có tài liệu chép là Trần Văn Tuyên) sinh năm Giáp thân 1524, mất năm Canh tuất 1610, quê làng Cổ Chử, huyện Giao Thuỷ, trấn Sơn Nam (nay là thôn Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

          Theo gia phả họ Trần làng Cổ Chử, cha Trần Văn Bảo là Trần Công, người ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Vào thời Lê, Trần Công di cư xuống làng Cổ Lãm (sau đổi là Cổ Chử), huyện Giao Thuỷ. Trần Công lấy vợ người làng Cổ Chử, sinh được hai người con là Trần Văn Bảo và Trần Văn Hoà. Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, anh em Trần Văn Bảo sống rất khổ cực nhưng vẫn ham học. Thân mẫu hai ông phải tần tảo buôn bán hoa quả ở chợ Lạc Đạo (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) để lấy tiền nuôi hai con ăn học. Khi hai con vừa đến tuổi trưởng thành thì bà qua đời. Sau khi mẹ mất, gia cảnh Trần Văn Bảo lại càng khốn khó nhưng ông vẫn quyết chí học tập.

          Năm 27 tuổi, Trần Văn Bảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3(1550) đời Mạc Phúc Nguyên.

          Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Bảo được bổ làm quan trong triều đình nhà Mạc. Sau này ông đổi tên là Trần Văn Nghi rồi đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Khoảng đầu niên hiệu Diên Thành (1578) triều Mạc Mậu Hợp, Trần Văn Bảo được thăng chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá. Đến tháng 7 năm Tân Tị 1581 ông lại được Mạc Mậu Hợp giao chức Lại bộ Thượng thư, cho vào hầu giảng ở toà Kinh Diên.

          Thời kỳ này nhà Mạc suy tàn, kỷ cương lỏng lẻo, xã hội rối ren, quan quân đánh dẹp liên miên, dân tình vô cùng khổ cực. Mạc Mậu Hợp lên ngôi từ khi mới hai tuổi, lớn lên chỉ ham chơi bời rượu chè, gái đẹp, chẳng quan tâm đến chính sự. Các quan đại thần trong triều như: Hộ bộ Thượng thư Giáp Trưng, Thiêm đô Ngự sử Lại Mẫn, Đông các học sĩ Nguyễn Năng Nhuận, các Đô cấp sự trung ở sáu khoa (Nguyễn Phong, Nguyễn Tự Cường, Phạm Như Giao, Nguyễn Ích Trạch, Lê Viết Thảng, Nguyễn Quang Lượng)... liên tiếp dâng sớ lên Mạc Mậu Hợp, chỉ rõ chính sự suy đồi, khuyên răn Mạc Mậu Hợp hãy chăm lo chính sự, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không thay đổi.

Trước tình hình suy sụp của triều đình và Mạc Mậu Hợp càng ngày càng lao vào ăn chơi sa đoạ, Trần Văn Bảo đã tiên đoán sự diệt vong tất yếu của vương triều Mạc. Ông cảm thấy buồn nản và bất lực, muốn lui về ẩn dật. Trong tờ sớ của các Đô cấp sự trung sáu khoa dâng lên Mạc Mậu Hợp hồi tháng 6 năm Tân Tị 1581 có đoạn viết về Trần Văn Bảo như sau:

          "... Văn thần trọng trách như Nghĩa Sơn bá Trần Văn Nghi, Vịnh Kiều bá Hoàng Sĩ Khải, An Khê bá Mai Công, Đam Xuyên bá Nguyễn Triệt, thì đều giữ vẻ khoan hậu, không cần nghĩ tới việc sâu xa. Bởi thế các liêu thuộc nhân đó mà trễ nải..." (Lê Quý Đôn toàn tập.- H.: Khoa học xã hội, 1978.- T.3.- Tr. 328 - 329).

          Lời nhận xét trên chứng tỏ Trần Văn Bảo đã mang tâm trạng chán nản, không còn ham chức tước, muốn lui về quê làm một xử sĩ.

Ngày mồng 7 tháng 8 năm Tân Tị 1581, Trần Văn Bảo vào triều yết cáo xin về cố hương và dâng sớ từ chức Lại bộ Thượng thư. Đại lược nội dung tờ sớ của ông như sau:

          "Trong khoảng trời với người giao cảm, đều ứng vào cùng loại với nhau, như nhân sự hay thì trời ứng điềm lành, nhân sự dở thì trời ứng điềm dữ.

          Chính sự thời nay, rất nhiều việc hại đạo trái lẽ, không thể kể xiết.

Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay, rất đáng cứu xét để tu tỉnh. Bệ hạ tuy đã ban chỉ dụ khen ngợi, mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián, như bệ hạ dạy rằng: lời này có thể làm theo, mà sao vẫn chưa thấy thi hành thực sự; như việc nọ đã qua bàn luận rất nên châm chước thi hành, mà sao vẫn không thi hành; như văn bản kia lưu ở trong cung, rất nên truyền ra, mà sao vẫn chưa phát ra... Không biết đó có phải là do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lừa dối bệ hạ chăng?

          Những việc như thế, rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình, ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc. Trong nước không có chính trị hay, cho nên trời ra điềm dữ để cảnh tỉnh, như là sao chổi xuất hiện; núi tự nhiên lở, cùng là nhật thực nguyệt thực. Nay lại phạt bằng trận mưa bão dữ dội ngay tại kinh sư, đó là tai dị rất lớn.

Thời xưa vua Cảnh Công chỉ nói một lời thiện, mà sao chổi phải lui; nước Trịnh vì có chính trị hay, mà khỏi tai hoạ về sau. Đó đều là điểm đã nghiệm về người thắng trời, đức giải hạn, mà cũng đủ làm tấm gương soi tỏ cho ngày nay.

          Kính mong bệ hạ, sợ oai trời, sửa đức mình, ban sắc lệnh cho phụ chính ứng vương phải hết sức tu tỉnh, giúp việc triều đình, để tâm vào việc giữ yên hoàng gia, nằm gai nếm mật, lấy việc diệt quốc thù làm trách nhiệm của mình. Lại cần đòi hỏi các vị đại thần, tin dùng những lời can gián trung thực; cải cách các điều lỗi, sắp đặt hết mọi việc. Như vậy là nhân sự đã hoàn thiện, thì thiên ý tự khắc vãn hồi, và thiên hạ quốc gia sẽ ngày một thịnh vượng thái bình. Nếu không thì thời kỳ bại vong khó tránh được. 

Hạ thần không xứng chức, tự hạch xin miễn chức, và tới trước cửa khuyết để đợi tội, hoặc biếm hoặc truất, kính theo mệnh của bệ hạ". (Hết trích)

          Sau khi xem xong tờ sớ của Trần Văn Bảo, Mạc Mậu Hợp liền ban sắc uý dụ và buộc ông phải nhận chức.

          Ngày 29 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1582, Mạc Mậu Hợp cho dựng ngôi điện giảng học, nhưng kỳ thực là để làm nơi yến tiệc chơi bời. Điện vừa làm xong thì bị hoả hoạn cháy trụi. Nhân sự kiện này, Trần Văn Bảo lại dâng sớ khuyên răn Mạc Mậu Hợp. Sớ rằng:

          "Kinh thư có câu: "Duy cát hung bất tiếm tại nhân, duy thiên giáng tai tường tại đức" (Sự lành dữ xảy ra không lộn, tại người, trời giáng tai ương hay điềm lành, đều bởi đức).

          Nay bệ hạ mới ngự ngôi điện mới dựng, đáng lẽ là lúc bắt đầu ban bố chính sự và giáo hoá, thế mà lại tới đấy để thoả vui yến tiệc, không có đề phòng, đến nỗi ngôi điện bị cháy, việc này không thể đổ cả cho trời được, đó chính là bởi nhân sự xui lên vậy. Nếu người không có sơ hở, thì tai biến đâu có xảy ra. Ý trời răn bảo đã rõ ràng như vậy, chính là lúc bệ hạ nên lo sợ chăm chỉ.

          Kính mong bệ hạ, kính sợ lời răn của trời, nghĩ tới vương đạo, đừng cho lời nói của hạ thần là viển vông.

          Đến như sự sửa sang lại kinh thành, trù hoạch quy củ, dự định dựng ngôi điện, để bệ hạ tới ngự, cũng là một cơ hội trung hưng thứ nhất. Vậy nên mong bệ hạ quyết đoán: giữa mong ứng vương tán trợ; dưới mong tất cả văn võ bá quan hoà mục, để cùng bàn tính kinh doanh, dựng lên một ngôi điện nguy nga giữa trời". (Hết trích)

          Mạc Mậu Hợp xem sớ rồi khen là thiết đáng, nhưng chỉ phán: "Trẫm đang suy nghĩ" và chứng nào vẫn tật ấy.

          Nội dung các tờ sớ của Trần Văn Bảo thật thẳng thắn, chí lý, phân tích rõ nguyên nhân suy tàn của triều Mạc, đồng thời đề ra biện pháp cứu vãn tình thế, khuyên răn Mạc Mậu Hợp phải kịp thời sửa mình và chăm lo chính sự... Hơn 30 năm làm quan dưới triều Mạc, Trần Văn Bảo đã đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ giúp cho việc củng cố vương triều Mạc. Thật đáng tiếc là Mạc Mậu Hợp đã không nghe theo những đề xuất của Trần Văn Bảo, để đến nỗi bị nhà Lê tiêu diệt vào năm 1592.

          Tháng 3 năm Nhâm Ngọ 1582, Trần Văn Bảo lại xin từ chức Lại bộ Thượng thư để nhường cho các vị sứ thần vừa đi Trung Quốc về nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không chấp nhận.

          Tháng 11 năm Bính Tuất 1586, Lại bộ Thượng thư Nghĩa Sơn hầu Trần Văn Nghi (tức Trần Văn Bảo, thời gian này ông đã được thăng tước hầu) xin tu sửa Trường quốc học, hai giải vũ ở điện Đại Thành và nghi môn tiền, nghi môn hậu, giảng đường, định lễ nhạc để tỏ rõ sự tôn sư trọng đạo và mở rộng nền văn hoá giáo dục. Mạc Mậu Hợp không theo.

          Sau nhiều lần đề xuất những biện pháp cải thiện nền chính trị không được Mạc Mậu Hợp chấp nhận, khuyên răn vua Mạc sửa mình và chăm lo chính sự mà Mạc Mậu Hợp vẫn để ngoài tai, liên tiếp xin từ chức để về cố hương cũng không được Mạc Mậu Hợp đồng ý, Trần Văn Bảo cảm thấy mình bất lực. Tâm trạng buồn chán của ông ngày càng nặng nề, dần dần mất lòng tin đối với Mạc Mậu Hợp, dẫn đến hành động tất yếu là từ quan đi ẩn dật. Trần Văn Bảo bỏ nhà Mạc nhưng không làm quan cho nhà Lê. Đó là nỗi day dứt với quan điểm "Tôi trung không thờ hai chúa" và cũng chứng tỏ Trần Văn Bảo vẫn mong muốn nhà Mạc làm được những điều tốt đẹp cho dân cho nước.

          Khoảng cuối năm Bính Tuất 1586, Trần Văn Bảo bỏ quan về quê rồi đi ẩn dật ở làng Phù Tải, huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tại đây ông mở trường dạy học kiếm sống và đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò theo học rất đông. Thương thày một thân vất vả, sớm khuya không người giúp đỡ, học trò bàn nhau mối manh và xin ông kết duyên cùng bà Đào Thị Phượng, người làng Tiêu Động gần bên. Trần Văn Bảo có một người con với bà Đào Thị Phượng là Trần Ngọc Lâm.

Năm Canh Tuất 1610 Trạng nguyên Trần Văn Bảo qua đời, thọ 87 tuổi. Học trò lập đền thờ ông ở Đông Lân điếm. Dân làng Phù Tải tôn ông làm Đương cảnh phúc thần. Mộ ông hiện còn tại khu Mả Cả (Phượng Hoàng), làng Phù Tải, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông làm quan trải thăng đến tước hầu, sau khi mất được tặng tước Nghĩa Quận công.

          Trần Văn Bảo có ba người con (hai con với bà vợ cả ở Cổ Chử, một con với bà vợ hai ở Phù Tải):

          - Con cả là Trần Đình Huyên, sinh năm Tân Dậu 1561, không rõ năm mất. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 1(1586) đời Mạc Mậu Hợp. Sau ông theo về nhà Lê, làm quan đến Công khoa Đô cấp sự trung.

          - Con thứ là Trần Văn Thịnh thi đỗ tứ trường (Hương cống) khoa Mậu Tý 1588, thi hội đỗ tam trường khoa Kỷ Sửu 1589 đời Mạc Mậu Hợp. Ông được Mạc Mậu Hợp gả em gái là Quyền Lộc công chúa cho làm vợ. Theo gia phả họ Trần ở Cổ Chử thì Phò mã Đô uý Trần Văn Thịnh làm quan nhà Mạc đến Thượng thư. Năm Nhâm thìn 1592 nhà Mạc mất, Phò mã Trần Văn Thịnh quyên sinh. Quyền Lộc công chúa cũng tự vẫn theo chồng.

          - Con út là Trần Ngọc Lâm, sau làm quan đến Tri huyện, được phong tới tước hầu, là thuỷ tổ họ Trần làng Phù Tải. Hậu duệ của Trạng nguyên Trần Văn Bảo ở Phù Tải, tính đến năm 1789, có 25 người ra làm quan thì 14 người trúng ngạch võ cử, trong đó có 4 người đỗ Tạo sĩ. Trong số con cháu Trạng nguyên Trần Văn Bảo ra làm quan có 1 người được phong tước bá, 1 người tước tử, 2 người tước nam. 

          II - Một số vấn đề về Trạng nguyên Trần Văn Bảo cần làm rõ:

Như trên đã trình bày, do Trạng nguyên Trần Văn Bảo làm quan với triều Mạc, mà triều Mạc đối với các sử gia thời trước bị coi là nguỵ triều, nên không được ghi chép đầy đủ. Do đó tài liệu viết về Trần Văn Bảo hiện còn rất ít, lại sơ lược và nhiều điều không thống nhất, cần phải làm rõ.

          1- Về người em của Trần Văn Bảo là Trần Văn Hoà có phải đỗ tới Tiến sĩ không?

          Cuốn “Thờ thần ở Việt Nam” (Nxb Hải Phòng, 1996.- T.2) chép anh em Trần Văn Hoà và Trần Văn Bảo cùng đỗ Hương cống khoa Kỷ mùi 1548, lại cùng đỗ đại khoa khoa Canh Tuất 1550 triều Mạc Phúc Nguyên (Trần Văn Bảo đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Hoà đỗ Tiến sĩ).

          Khoa Canh Tuất triều Mạc lấy đỗ 26 Tiến sĩ. Các sách đăng khoa lục và lịch sử đều chép đủ cả tên tuổi, quê quán các vị đỗ khoa này. Một người là Trần Vi Nhân (người huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vì gặp đại tang nên không dự thi Đình, do vậy “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ ghi khoa này lấy đỗ 25 người. Trong số 26 người đỗ khoa này không có Trần Văn Hoà. Tra cứu rộng ra các khoa thi triều Mạc và triều Lê cũng không thấy tên ai là Trần Văn Hoà người Cổ Chử đỗ Tiến sĩ.

          Có thể kết luận Trần Văn Hoà không phải là đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3(1550) đời Mạc Phúc Nguyên. Nói Trần Văn Hoà đỗ Tiến sĩ cũng không có cơ sở. Như vậy Trần Văn Hoà có thể chỉ đỗ tới Hương cống thôi. Tuy nhiên nói Trần Văn Hoà đỗ Hương cống khoa Kỷ Mùi 1548 cũng không phải. Năm 1548 là năm Mậu Thân chứ không phải Kỷ Mùi.

          2 - Về dòng dõi Trạng nguyên Trần Văn Bảo

          Hiện có hai thuyết về dòng dõi Trạng nguyên Trần Văn Bảo:

a- Thuyết thứ nhất nói rằng Trần Văn Bảo là con Trần Công, người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, di cư xuống vùng Cổ Chử, lấy vợ người làng, sinh ra anh em Trần Văn Bảo và Trần Văn Hoà... như đã trình bày ở phần trên, theo Gia phả họ Trần làng Cổ Chử, thần tích thần phả địa phương và một số tác giả thời nay.

          b- Thuyết thứ hai nói Trần Văn Bảo vốn họ Lê, con Lê Minh Triết ở làng Đại Bối, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Lê Minh Triết là một trong 5 vị hổ tướng triều Lê, được phong tước tới Hán Quận công. Năm 1527 Lê Minh Triết mất, Lê Minh Bảo theo mẹ về quê ngoại ở Cổ Chử sinh sống và đổi tên theo họ mẹ là Trần Văn Bảo... Thuyết này theo Gia phả họ Trần ở Phù Tải và các bài nghiên cứu về Trần Văn Bảo của một số tác giả gần đây.

Tra cứu nhiều tài liệu lịch sử, chúng tôi không tìm thấy sách nào nói về 5 vị hổ tướng triều Lê cả. Chẳng lẽ một vị hổ tướng được phong tước tới Quận công mà không một tài liệu nào nhắc đến?

          Tuy nhiên, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Việt thông sử” đều nói tới một Lê Minh Triết (Triệt) nổi dậy khởi nghĩa ở vùng Nghệ An, bị Trịnh Duy Sản đánh dẹp, chém đầu vào năm 1512. Rõ ràng Lê Minh Triết này không thể là cha Trần Văn Bảo, người ra đời năm 1524.

          Tìm hiểu cuốn “Gia phả họ Trần ở Phù Tải” thấy có nhiều điều mâu thuẫn, phi lý. Trần Văn Bảo bỏ quan về quê rồi đi ẩn dật với mục đích "mai danh ẩn tích". Có lẽ vì thế các tác giả viết gia phả họ Trần ở Phù Tải sau này đã không biết được gốc tích của Trần Văn Bảo. Họ đã dùng hình thức "phụ đồng giáng bút" để hư cấu những điều họ không biết rõ về Trần Văn Bảo. Một số tác giả nghiên cứu gần đây đã căn cứ vào cuốn gia phả này dựng lại chân dung Trạng nguyên Trần Văn Bảo mà không chọn lọc, phân tích, đối chiếu với tài liệu lịch sử, đã đưa ra thuyết về nguồn gốc Trần Văn Bảo không đúng sự thật này.

          3 - Trần Văn Bảo có phải là Tam nguyên không?

          Một số tác giả viết rằng Trần Văn Bảo đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội, Đình (tức Tam nguyên). Thực ra đỗ Hội nguyên khoa Canh Tuất 1550 triều Mạc là Tiến sĩ Ngô Bật Lượng, người làng Bái Dương, huyện Tây Chân (nay là thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Các đăng khoa lục còn chép rõ điều này.

          Như vậy, Trần Văn Bảo không phải là Tam nguyên. Ông chỉ là người đỗ Đình nguyên thôi. Trạng nguyên là bậc đỗ Tiến sĩ cao nhất thời phong kiến, cho nên danh hiệu này đã bao hàm danh hiệu Đình nguyên rồi. Khi nói Trạng nguyên thì không cần nói Đình nguyên nữa.

          4 - Trạng nguyên Trần Văn Bảo đi sứ thời gian nào?

          Về việc đi sứ của Trần Văn Bảo, các thư tịch cổ chỉ chép chung chung là: "Sau ông đổi tên là Trần Văn Nghi đi sứ Trung Quốc" hoặc chỉ nói "Ông có đi sứ Trung Quốc".

          Cuốn “Thần tích Việt Nam” (Nxb. Văn hoá thông tin, 1995, sau Nxb. Hải Phòng in lại đổi tên là “Thờ thần ở Việt Nam”), cuốn “Thành hoàng Việt Nam” (Nxb. Văn hoá, 1997) và một số bài viết đăng tạp chí gần đây đều viết Trần Văn Bảo cầm đầu 4 bộ sứ thần nhà Mạc đi sứ Trung Quốc vào năm Canh Thìn 1580 (Lê năm Quang Hưng thứ 3, Mạc năm Diên Thành thứ 3). Sau khi đi sứ về ông lại giữ chức Thượng thư sáu bộ.

          Tra cứu các thư tịch cổ thấy rằng, cuối năm Canh Thìn 1580 nhà Mạc có cử 4 bộ sứ thần đi Trung Quốc. Đoàn đi sứ này mãi đầu năm Nhâm Ngọ 1582 mới về nước. “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt thông sử” đều chép đầy đủ danh sách 12 vị sứ thần là : Lương Phùng Thì (Thìn, Thời), Nguyễn Nhân An, Nguyễn Uyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vịnh, Nguyễn Kính, Đỗ Uông, Vũ Cẩn, Nhữ Tống, Lê Đình Tú, Vũ Tính, Vũ Cận (Vũ Hoàng). Rõ ràng không có Trần Văn Bảo (Nghi, Tuyên) trong danh sách sứ thần. Hơn nữa, “Đại Việt thông sử” chép năm Tân Tị 1581 Trần Văn Nghi (tức Trần Văn Bảo) được Mạc Mậu Hợp giao chức Lại bộ Thượng thư nhưng ông đã xin từ chức mà không được Mạc Mậu Hợp đồng ý. Tháng 3 năm Nhâm Ngọ 1582 ông lại xin từ chức Lại bộ Thượng thư để nhường cho các vị sứ thần vừa đi Trung Quốc về. Như vậy Trần Văn Bảo không đi sứ vào thời gian từ năm 1580 đến năm 1582.

          Tháng 10 năm Giáp Thân 1584 nhà Mạc cử Nguyễn Doãn Khâm, Nguyễn Vĩnh Thác (có sách chép là Nguyễn Vĩnh Kỳ), Nguyễn Năng Nhuận, Đặng Hiển, Vũ Sư Thước và Nguyễn Phong (có sách chép là Nguyễn Lễ hoặc Nguyễn Nồng) đi sứ nhà Minh để cống nạp theo thường lệ. Trần Văn Bảo không có tên trong danh sách đi sứ lần này.

          Năm Mậu Thân 1548 có Lê Quang Bí đi sứ Trung Quốc mãi đến năm Bính Dần 1566 mới trở về nước. Nhà Mạc sai Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Giáp Hải và Đông các hiệu thư Phạm Duy Quyết lên Lạng Sơn đón ông. “Đại Việt thông sử” chép về việc này như sau:

          "Quang Bí đi sứ sang nhà Minh lo việc cống hiến thường niên, từ năm Mậu Thân, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 27 (1548), ông đến Nam Ninh, bị nhà Minh ngờ là quan giả mạo, bắt phải chờ để tra xét minh bạch đã, rồi mới cho dâng lễ phẩm. Thế rồi họ gửi văn thư đi tra xét, nhưng chẳng có hồi âm, Quang Bí cứ phải lưu tại sứ quán chờ mệnh lệnh, Phúc Nguyên thì vì lúc ấy trong nước nhiều nạn, bỏ khiếm khuyết việc cống hiến đã mấy năm liền, nên cũng không giám tâu xin. Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 42(1563), quan quân Lưỡng Quảng nhà Minh mới sai người đưa Quang Bí tới Bắc Kinh. Nhân dịp đó Phúc Nguyên cũng sai quan hầu mệnh gửi cho Quang Bí 25 lạng bạc để thưởng lạo..." (Hết trích)

          Theo “Đại Việt thông sử” viết trên đây thì từ năm 1550 đến năm 1566 rất ít khả năng nhà Mạc đi sứ Trung Quốc.

          Như vậy có nhiều khả năng Trần Văn Bảo đi sứ Trung Quốc vào khoảng thời gian từ 1567 đến 1578. Nhưng không có tài liệu nào chép về việc đi sứ Trung Quốc của nhà Mạc trong khoảng thời gian này nên chưa xác định được Trần Văn Bảo đi sứ vào năm nào.

          5 - Trần Văn Bảo bỏ quan đi ở ẩn vào năm nào?

          Về năm bỏ quan đi ở ẩn của Trần Văn Bảo, các tài liệu viết về ông không thống nhất, có nhiều điểm mâu thuẫn với lịch sử. Đa số các thư tịch cổ chép Trần Văn Bảo thọ 63 tuổi, hoặc chết năm 63 tuổi. Có sách lại chép ông đi sứ rồi không về. Có lẽ các tác giả không biết rằng năm 63 tuổi Trần Văn Bảo bỏ quan đi ở ẩn nên đã cho là ông chết chăng? Năm 1586 cũng là năm Trần Văn Bảo 63 tuổi, do vậy việc bỏ quan về quê của ông có nhiều khả năng là vào năm này.

          Sách “Thành hoàng Việt Nam” chép Trần Văn Bảo về trí sĩ năm 1592, nhưng lại viết "lúc đó Trạng nguyên đã ngoại tứ tuần" thì thật là vô lý (vì Trần Văn Bảo sinh năm 1524).

          Sách “Thờ thần ở Việt Nam” viết Trần Văn Bảo từ quan năm 1591 và cho biết "năm đó Trạng nguyên 63 tuổi" cũng là không đúng. Nếu Trần Văn Bảo từ quan năm ông 63 tuổi thì năm ông từ quan phải là năm 1586 mới đúng.

          Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn lần cuối cùng nhắc đến Trạng nguyên Trần Văn Bảo vào tháng 11 năm Bính Tuất 1586, sau đó không thấy nói gì về ông nữa. Trong số các quan chức của nhà Mạc ra hàng nhà Lê vào năm 1592 có Lại bộ Thượng thư nhưng không phải là Trần Văn Bảo, mà là Đỗ Uông. Trong số quan chức nhà Mạc ra hàng nhà Lê còn có một người mang tước là Nghĩa Quận công nhưng không rõ tên là gì. Vậy Nghĩa Quận công này có phải là Trần Văn Bảo hay không?

          Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có chép về Trần Văn Bảo, cho biết ông làm quan "trải thăng đến tước hầu, năm 63 tuổi chết". Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn cũng chép vào thời điểm năm 1581 cho biết tước của Trần Văn Bảo là "Nghĩa Sơn bá", đến năm 1586 lại chép là "Nghĩa Sơn hầu". Điều này cũng khẳng định sinh thời Trần Văn Bảo làm quan trải thăng tới tước hầu. Còn tước Nghĩa Quận công là ông được tặng sau khi mất. Do đó Nghĩa Quận công ra hàng nhà Lê năm 1592 không phải là Trần Văn Bảo.

          Từ những nhận xét trên chúng tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng Trạng nguyên Trần Văn Bảo bỏ quan đi ở ẩn vào cuối năm 1586, sau khi ông xin tu sửa trường quốc học và định lễ nhạc để tỏ rõ sự tôn thày trọng đạo mà không được Mạc Mậu Hợp đồng ý. Lúc đó tâm trạng chán nản vì bất lực của ông đã tới đỉnh cao, tất yếu dẫn đến hành động bỏ quan đi ở ẩn.

          Bước đầu tìm hiểu về Trạng nguyên Trần Văn Bảo với tham vọng góp phần dựng lại chân dung ông một cách xác thực, nhưng lực bất tòng tâm, chắc chắn còn nhiều điều phải tìm hiểu kỹ. Mong được bạn đọc lượng thứ và chỉ giáo…

 

Trần Mỹ Giống

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền