*HND 2- Sự Hy Sinh- Món Quà Kỳ Diệu Của Mẹ (Sưu Tầm ) Hai Nguyễn Duy (VN)

 

Hai Nguyễn Duy

 

 

SỰ HY SINH -MÓN QUÀ KỲ DIỆU CỦA MẸ ! 

 

Câu chuyện có thật về Mẹ đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những người con từng một lần trách cứ về một hành động nào đó của Mẹ. 

Mẹ là tiếng gọi thiêng liêng nhất mà mỗi con người từ khi sinh ra tới khi mất đi vẫn luôn ấp ủ yêu thương. Thế nhưng có thời điểm, có những công việc ta không cảm thấy thích thú khi Mẹ làm. Tuy nhiên, những việc ấy lại là những bài học quý báu mà đôi khi ta đi trọn một kiếp người mới có thể nhận ra hết ý nghĩa. Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình: “Qua câu chuyện (dưới đây), chúng ta lại thấm thía: Mẹ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời này. Sự hy sinh lặng lẽ của Mẹ dành cho những đứa con chính là món quà kỳ diệu nhất”. 

* Đôi mắt của Mẹ: 

Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét Mẹ. Lý do chính có lẽ vì Bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi. Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần Bà đến trường tìm tôi khiến tôi cảm thấy ngượng. Sao Bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ Bà đi, ném cho Bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”. 

Lúc ấy, tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn Bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về, tôi nói thẳng với Bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”. Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó. Vì lúc ấy, lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi cũng chẳng thèm để ý gì đến cảm xúc của Mẹ. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà để không còn liên hệ gì với Mẹ nữa. Vì thế, tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ. Và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore. 

Mẹ, tình mẫu tử 

Mẹ là món quà vĩ đại nhất cuộc sống ban tặng. 

Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế. Tôi giấu nàng về Bà Mẹ của mình và nói dối mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với mái ấm nhỏ và những tiện nghi vật chất có được ở Singapore. Tôi mua cho Mẹ một căn nhà nhỏ. Thỉnh thoảng, tôi lén Vợ gửi một ít tiền về biếu Bà và tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc Mẹ không được liên hệ gì với tôi. Thế nhưng một ngày kia, Mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi Bà không gặp tôi. Thậm chí Bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một Bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ. Tôi vừa giận vừa lo Vợ tôi biết chuyện nên hét lên: “Sao Bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời: “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với Bà trong suốt một thời gian dài. Hồi nhỏ, Mẹ đã làm tôi bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã. Bây giờ Mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của tôi hay sao? 

Một hôm, nhận được lá thư mời họp mặt của trường cũ gửi đến, tôi nói với Vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của Mẹ vì tò mò hơn là muốn thăm Mẹ. Mấy người hàng xóm nói rằng, Mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân nên sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư Mẹ viết: 

“Con yêu quý, 

Lúc nào Mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi. Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt nhưng Mẹ sợ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây. 

Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà bị khuyết thiếu cơ thể nên Mẹ đã cho con một bên mắt của Mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì Mẹ có để Bác sĩ có thể thay mắt cho con. Tuy nhiên, chưa bao giờ Mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người. Mẹ cũng kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của Mẹ, thay cho Mẹ. 

Mẹ yêu con lắm!” 

Lời bình 

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị văn hóa cũng vì thế mà thay đổi. Vì vậy có thể đôi lần những người con cảm thấy bực mình vì Mẹ đã buông lời nói nặng với mình? Thậm chí đôi khi nghĩ rằng mình ghét Mẹ và hỏi sao con không phải là con của người Mẹ khác chưa? Chắc chắn câu trả lời của đa phần các bạn trẻ hiện nay có lẽ là “đã đôi lần”. Mỗi khi đó, bạn thường quên bẵng đi những yêu thương, hy sinh mà Mẹ đã dành cho. Để rồi một lúc nào đó nhìn lại, bạn vô cùng hối tiếc. Có lẽ người Đàn Ông trong câu chuyện trên đã rơi vào hoàn cảnh như thế với tột cùng nỗi đau và sự day dứt. 

Từ khi còn nhỏ, Ông đã luôn sợ hãi và xấu hổ về “ngoại hình bất thường” của Mẹ mình bởi Bà chỉ có một con mắt. Điều này khiến cho bạn bè của đứa con trai ban đầu sợ hãi. Sau đó với tâm lý trẻ con non nớt, nó trở thành một đề tài bàn tán và được đem ra trêu chọc cậu bé con. Cũng theo đó, cậu bé hoàn toàn cho rằng sự bất thường về ngoại hình của Mẹ mình chính là nguyên nhân dẫn đến việc cậu bị bạn bè ghét bỏ. Dần dần suy nghĩ đó ăn sâu vào tâm trí cậu bé và trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất với tuổi thơ của cậu. Có lẽ chính vì lý do đó mà cậu bé bị tổn thương và tình cảm của cậu bé dành cho Mẹ bị phai nhạt khá nhiều. Thậm chí, sau rất nhiều ẩn ức,cậu bé luôn tìm cách trốn tránh và chối bỏ quá khứ với người mẹ “khác thường” của mình. 

Với mục tiêu đó, chẳng bao lâu sau cậu bé đã bắt nguồn một cuộc sống khác sung túc hơn tại một đất nước hoàn toàn mới lạ. Và dường như may mắn đã mỉm cười với cậu bé khi cuộc sống của cậu càng ngày càng thành công và hạnh phúc. Chỉ có một điều mà cậu bé năm xưa vẫn muốn quên đi chính là người Mẹ “khác thường” của mình. Vì thế khi lớn lên, cậu bé ấy đã giấu giếm hoàn toàn quá khứ về người Mẹ, kể cả những người thân thiết nhất của mình là Vợ và những đứa con. Và tự nhủ, việc mua một căn nhà và thường xuyên gửi tiền về là trách nhiệm lớn nhất của người con dành cho Mẹ của mình. Chính vì thế, người Đàn Ông này đã vô cùng hoảng hốt và bực dọc khi người Mẹ quê mùa lam lũ lại xuất hiện trước căn nhà quen thuộc và những đứa con thân yêu của mình. Sự xuất hiện của người Mẹ “khác thường” ấy khơi dậy những ám ảnh quá khứ và khiến cho nỗi sợ hãi của cậu bé năm xưa trỗi dậy. Cho nên, cậu đã quyết định cắt đứt liên lạc với mẹ trong một thời gian dài. 

Câu chuyện có thể chỉ dừng lại ở đó- khi ngườ Đàn Ông ấy trở về nhà sau cuộc họp lớp và lúc này, người mẹ tội nghiệp đã rời xa cuộc đời. Tài sản lớn nhất Bà để lại cho con chỉ là một bức thư ngắn ngủi với lời giải thích về con mắt “khác thường” của mình. Trong bức thư cuối cùng để lại ấy, sự yêu thương và hy sinh của người Mẹ hiện rõ lên trong từng con chữ. Lý giải bất ngờ về việc chỉ có một “con mắt” khiến cho nhiều người không khỏi xúc động. Điều này hoàn toàn trái ngược với những trách móc, sợ hãi của cậu bé năm xưa. Người Mẹ của cậu đã hy sinh đi một phần cơ thể quý báu của mình và toàn bộ gia sản để con trai được đẹp đẽ trọn vẹn. Bà đã chấp nhận mọi nỗi đau, gánh lấy sự “xấu xí, bất thường” thay cho chính con trai của mình. Sự hy sinh ấy của bà, cho đến tận khi Bà rời xa cõi đời mới được biết đến. Thế nhưng người Bẹ tuyệt vời ấy vẫn không có một chút hối hận. Thậm chí Bà còn vô cùng tự hào và mãn nguyện trước hạnh phúc của con trai. Cho dù suốt bao nhiêu năm, sự hy sinh ấy của Bà chưa bao giờ được nhìn nhận đền đáp. 

Quả thật, trên đời chẳng có ai có thể thay thế được mẹ! Dù có khi Mẹ chẳng phải là “người bạn” tốt nhất, có khi Mẹ bất đồng với chúng ta nhưng Mẹ vẫn là người yêu thương, hy sinh và cống hiến cả cuộc đời cho mỗi đứa con. Mẹ bằng một cách nào đó luôn ở bên cạnh để lắng nghe những nỗi buồn, lo lắng của con và làm tất cả những điều tốt đẹp nhất cho đứa con thân yêu của mình. Mẹ chính là chiếc chìa khóa giúp bạn mở toang chiếc hộp chứa đựng những điều kì diệu, giúp bạn trưởng thành hơn trên con đường “làm người”. 

Chuyên gia tâm lý : Trịnh Hòa Bình 

(Theo GiadinhNet)

S Ự HY SINH -MÓN QUÀ KỲ DIỆU CỦA MẸ !

Câu chuyện có thật về Mẹ đã lấy đi không biết bao nhiêu nướ...

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền