*TMG 23- Đề Cương Bài Nói Chuyện Giới Thiệu Sách Của Nhà Văn Trần Mỹ Giống (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

ĐỀ CƯƠNG BÀI NÓI CHUYỆN GIỚI THIỆU SÁCH 

Trần Mỹ Giống

 

        (Bài này được đăng theo yêu cầu của một số bạn làm nghề thư viện)

 

          Một số bài giảng của chuyên viên Thư viện quốc gia và sách “Cẩm nang nghề Thư viện” của Tiến sĩ Lê Văn Viết (nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 2000) đã đồng nhất hình thức Điểm sách với hình thức Nói chuyện giới thiệu sách.

          Chúng tôi không đồng thuận với quan điểm trên, vì:

          - Điểm sách là hình thức tuyên truyền miệng, chủ yếu do cán bộ thư viện tiến hành nhằm giới thiệu, thông báo cho bạn đọc và cho cán bộ thư viện về một số sách mới nhập vào thư viện hoặc sách về một chủ đề. Bài điểm sách cần chú trọng về diện và yếu tố thông báo, còn nội dung chỉ cần mức độ khái quát, sơ lược có kèm yếu tố đánh giá tác phẩm. Mỗi lần điểm từ 3 đến 5 cuốn, thời gian 15 đến 30 phút.

          - Nói chuyện giới thiệu sách là hình thức tuyên truyền miệng trong đó người nói bằng sự phân tích, so sánh, đánh giá tác phẩm giới thiệu cho người nghe thấy hứng thú hoặc cần thiết phải tìm đọc tác phẩm đó. Giới thiệu sách có sử dụng hình thức kể sách, điểm sách nhưng được nâng cao, gần gũi với bình giảng văn học ở nhà trường và có tính chuyên sâu. Người giới thiệu sách phải có trình độ cao, thường là các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, giáo viên... Thời gian tiến hành thường từ 1 đến 2 giờ, có trường hợp tới 4 giờ. Mối buổi giới thiệu thường 1 tác phẩm. (Trường hợp giới thiệu một số tác phẩm rất ít dùng trong thực tế).

          Rõ ràng hai hình thức này có những đặc điểm, yêu cầu rất khác nhau. Từ những nét tương đồng và khác nhau về nội dung, hình thức và yêu cầu của hai hình thức, có thể nói: Nói chuyện giới thiệu sách là hình thức nâng cao của Điểm sách. Vì vậy không thể đồng nhất chúng.

          Để viết đề cương và thực hành bài giới thiệu sách đạt kết quả, cần nắm vững một số vấn đề sau:

A – YÊU CẦU ĐỀ CƯƠNG BÀI NÓI CHUYỆN GIỚI THIỆU SÁCH:

          1- MỞ ĐẦU:

          + Vị trí, tầm quan trọng vấn đề chính trong sách.

          + Vài nét về tác giả. Đối với các tác giả nổi tiếng cần giới thiệu chi tiết hơn các tác giả khác.

          + Đặc điểm, hình thức tác phẩm: Nêu các yếu tố thư mục (Tên tác giả, tên sách, phụ đề, chi tiết xuất bản, chi tiết số liệu, phụ chú...). Cần chọn và phân tích một đặc điểm hình thức thể hiện tốt nhất nội dung, chủ đề tư tưởng của tác phẩm, ý đồ tác giả.

          Ví dụ minh họa:

          “Hiện nay tệ nạn nghiện hút đang diễn ra trên toàn thế giới, gây tác hại trong nhiều lĩnh vực, làm băng hoại thuần phong mỹ tục, xói mòn đạo đức tốt đẹp của dân tộc và làm hao tổn sức khoẻ một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng xấu đến giống nòi. Phòng chống tệ nghiện hút là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, hội quần chúng từ Trung ương tới địa phương. Cuộc chiến chống ma tuý gay go và quyết liệt, đòi hỏi phải được toàn xã hội tham gia và bằng nhiều vũ khí, phương tiện khác nhau, trong đó có văn học nghệ thuật.

          Hồi kí Cai là một vũ khí sắc bén trong phòng chống tệ nghiện hút mà tôi muốn giới thiệu với các bạn.

          Thưa các bạn !

          Nhà văn Vũ Bằng là một cây bút vững vàng trong viết văn và làm báo ngay từ những năm bốn mươi, với những tác phẩm nổi tiếng Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam, Một mình trong đêm tối, Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai và nhiều tiểu thuyết hấp dẫn khác của ông. Nhưng nghiên cứu Vũ Bằng mà lại không đọc Cai thì sẽ là không đầy đủ. 

Cai được nhà in Tân Dân (Hà Nội) xuất bản lần đầu vào năm 1944. Nhưng phải tới 53 năm sau, vào năm 1997, nhà xuất bản Hải Phòng mới tái bản Cai với số lượng khiêm tốn là 1.000 bản.

          Trên tay tôi là tác phẩm Cai của Vũ Bằng, dày 299 trang, khổ 19 cm., Nxb. Hải Phòng, 1997. Bìa sách màu ghi trang nhã, nổi bật tên tác giả và tác phẩm. Tên tác phẩm vẻn vẹn một từ Cai, chữ đầu rơi rớt như là sự rơi rớt của tâm hồn những ngày đầu cai nghiện, hai chữ sau sắc nét, rõ ràng biểu hiện sự vượt lên số phận của tác giả. Phải chăng đó chính là ý nghĩa hướng đạo của tác phẩm qua cách thể hiện đầy ấn tượng!”

          2- GIỚI THIỆU NỘI DUNG SÁCH:

          a- Tóm tắt nội dung, khái quát chủ đề sách.

          Chú ý tóm tắt nội dung phải thật ngắn gọn, tránh kể lại cốt truyện.

          Ví dụ minh họa:

          “Nội dung Cai chỉ đơn giản là một cuộc tự thú về những lầm lỗi thời thanh niên mà Vũ Bằng mắc phải, kể lại chuyện cai nghiện của ông: Vì sao ông lại sa vào con đường nghiện hút? Hút thuốc phiện lúc đầu khó như thế nào? Sự tàn phá sức khoẻ, lí trí con người và ma lực cuốn hút của nàng tiên nâu ra sao? Bằng cách nào Vũ Bằng cai được thuốc phiện?”

          b- Giá trị nội dung đối với đời sống xã hội và đối với người nghe.

          - Văn xuôi (truyện, ký...): Tóm tắt cốt truyện, nêu rõ chủ đề tư tưởng, lý tưởng thẩm mỹ (ca ngợi cái gì, phê phán cái gì...), giá trị của nội dung và chủ đề tư tưởng.

          - Thơ ca: Nêu bật cảm xúc chủ đạo của tác phẩm. Tác phẩm đem lại cho người đọc cảm xúc, tình cảm, khoái cảm thẩm mỹ ra sao...

          - Sách xã hội chính trị: Khái quát các quan điểm cơ bản được trình bày trong sách. Sự đúng đắn và cần thiết của những quan điểm đó trong đời sống xã hội và bạn đọc.

          - Sách khoa học: Nội dung vấn đề, phát minh khoa học được trình bày trong sách. Ý nghĩa và giá trị của các vấn đề ấy trong thực tiễn và trong lý luận bộ môn khoa học đó.

          - Sách kỹ thuật: Những vấn đề kỹ thuật đặt ra và biện pháp giải quyết của tác giả. Cần liên hệ với nghề nghiệp của người nghe. Giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Sách cần cho đối tượng nào.

          - Sách tái bản: Những điểm bổ sung, chỉnh lý khác lần xuất bản trước.

          3- GIỚI THIỆU NGHỆ THUẬT SÁCH:

          a- Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm. Các thủ pháp có tác dụng làm rõ nội dung sách thì mới được coi là thủ pháp nghệ thuật.

          b- Giá trị, tác dụng của các thủ pháp nghệ thuật đó trong việc thể hiện nội dung, chủ đề tư tưởng, ý đồ của tác giả.

          Cần chú ý:

          - Đối với sách văn học nghệ thuật: nêu rõ những đóng góp của tác giả về mặt nghệ thuật đối với nền văn học và lý luận phê bình văn học nói chung. Truyện, ký: cần phân tích kết cấu, cốt truyện, tính cách, nhân vật điển hình... Thơ ca: cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, tứ thơ, bố cục thể hiện cảm xúc, tình cảm chủ đạo của tác phẩm.

          - Đối với sách xã hội chính trị, khoa học, kỹ thuật: Chú trọng cách bố cục chặt chẽ, sử dụng từ ngữ chính xác, cách viết dễ hiểu, phù hợp với đối tượng người đọc ra sao.

          4- KẾT LUẬN:

          - Nhấn mạnh lại giá trị sách.

          - Liên hệ thực tiễn người nghe.

          - Khích lệ người nghe tìm đọc sách.

          Ví dụ minh họa:

          “Ngày nay đọc Cai, ta được tiếp xúc với một tác phẩm lành mạnh. Cai cổ vũ chúng ta kiên quyết hơn trong cuộc đấu tranh chống tệ nạn nghiện hút đang từng ngày từng giờ tàn phá lí trí và sức khoẻ con người.

          Tệ nạn ma tuý ở nước ta và trên thế giới ngày càng có chiều hướng gia tăng, cùng với nó là nhiều kẻ gieo rắc cái chết trắng đã phải lĩnh án tử hình, nhiều trung tâm cai nghiện mọc lên trên khắp nước... Nếu mỗi thư viện, mỗi trung tâm cai nghiện đều có một cuốn Cai; Nếu chúng ta quan tâm tổ chức hội thảo và tuyên tuyền giới thiệu Cai cho thanh niên và người nghiện đọc, có lẽ sẽ tác dụng hơn nhiều những câu khẩu hiệu suông, những mệnh lệnh áp đặt buộc lỗi lầm phải khuất phục.

          Bởi vì Cai là tiếng lòng của một người đã cai nghiện thành công, vừa từ cõi chết hồi sinh, kể lại hết sức sinh động quá trình bản thân đã dãy giụa, quyết thoát ra khỏi bàn tay tội lỗi để trở về với đời thường, với lương tri và sự sáng suốt.

          Bởi vì Cai là một tác phẩm nghệ thuật có giọng điệu riêng, đi vào lòng người một cách tự nhiên đầy thuyết phục, thông qua đặc trưng của nó là hình tượng nghệ thuật.

          Nếu bạn chưa bị sa ngã trước nàng tiên nâu, Cai sẽ giúp bạn biết cách đề phòng hữu hiệu.

          Nếu bạn đã nghiện hút mà chưa biết thoát ra bằng cách nào, Cai sẽ chỉ cho bạn con đường sống, truyền cho bạn niềm tin và nghị lực để bạn chiến thắng thuốc phiện và chiến thắng chính mình.

          Vậy thì mời bạn hãy tìm đọc Cai.”

        B – YÊU CẦU VỀ NGHỆ THUẬT DIỄN THUYẾT:

          + Đảm bảo thời gian quy định.

          + Bài nói bố cục mạch lạc, rõ ràng, phân chia thời gian hợp lý, nêu bật được những vấn đề chính trong sách.

          + Nghệ thuật diễn thuyết: Sử dụng giọng nói lên bổng, xuống trầm, lúc nhanh, lúc chậm, khi nhẹ nhàng, khi nhấn mạnh tùy theo nội dung cụ thể của sách; Cử chỉ, động tác, nụ cười, ánh mắt, nét mặt... sinh động, hấp dẫn người nghe.

          + Chọn chi tiết minh hoạ sinh động. Đặt câu hỏi kích thích tư duy của người nghe. Tạo mâu thuẫn và đẩy dần lên cao trào, thắt nút những vấn đề gay cấn, làm cho bạn đọc đòi hỏi phải tìm đọc cuốn sách để thoả mãn nhu cầu đọc của mình.

          Mục đích nói chuyện giới thiệu sách là gây nhu cầu, hứng thú đọc cho người nghe nên cần tránh sa vào kể sách (đọc thay bạn đọc, bạn đọc được thoả mãn yêu cầu nên không còn hứng thú tìm đọc nữa) hoặc chỉ dừng lại ở hình thức điểm sách một cách sơ lược. Bài nói chuyện giới thiệu sách không nên biến thành bài bình thơ hoặc nói chuyện chính trị, truyền đạt nghị quyết.

                                                *

          Bài viết này mang tính khái quát về hình thức Nói chuyện giới thiệu sách, các bạn đồng nghiệp tham khảo vận dụng sáng tạo phù hợp thực tiễn sách và người nghe để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Trần Mỹ Giống

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền