*HHSG 37- Nẻo Đi Về (Truyện Ngắn) Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn (Sài Gòn- VN)

 

Nhà Văn Hai Hùng SG

 

 

NẺO QUAY VỀ

       

  Từ hôm ở thành phố trở về quê Năm Râu cứ như người mất hồn, ông làm đâu quên đó khiến công việc hàng ngày không đâu vào đâu, bữa nọ ông kéo mấy bao lúa đem ra sân để phơi,  mới cào ra được một ít trên sân rồi ông  bỏ thí ra đó để vào nhà ngồi trầm ngâm bên ly trà nóng, ban đầu bà xã của ông cứ cho rằng ông nghỉ mệt một chút rồi sẽ tiếp tục công việc, ai dè Trời đang nắng chang chang tự dưng mây đen kéo về và trút xuống trận mưa thật to khiến cho lúa trong bao và lúa trên sân ướt sũng, thiên hạ có câu "Bạo phát thì bạo tàn" ý câu này nôm na là việc gì xảy ra nhanh chóng thì cũng tàn phai nhanh không kém, cơn mưa này cũng vậy nó trút nước ào ào rồi ngưng đột ngột, các đám mây đen tan biến nhường lại ánh nắng chói chang của Trời già, thấy thóc lúa ướt nhẹp mà ông Năm bình chân như vại, bà Năm từ nhà sau chạy lên la lớn lên:

 - Mèn ơi! Sao ông để ba cái lúa ướt hết  ráo rồi, ông có bệnh hoạn gì trong người không, để tui nhờ Cô Sáu Thuốc Nam hốt cho ông mấy thang nghe ông.

 Chưa kịp để cho ông Năm trả lời, bà Năm vác cái bồ cào rồi chạy nhanh ra đống lúa xới lên cho mau khô nhằm tranh thủ ánh nắng chói chang kia.

  Lúc này ông Năm cũng tĩnh hồn, ông đứng bật dậy và chạy nhanh ra phụ vợ để cố phơi cho khô đóng lúa ngoài sân.

 Đến gần bên bà Năm, dường như biết mình có lỗi nên ông nói nhỏ :

 - Mình ơi! Tui không có bệnh hoạn gì hết, tại tui đang nghĩ cách làm ăn, nhà mình không được khá như lối xóm, nên tui quên phức cái đống lúa ngoài sân.

Nghe ông Năm nói vậy, một niềm thương cảm dâng lên trong khóe mắt, bà Năm an ủi chồng :

 -Ôi thôi kệ nó đi ông ơi, nhà mình sống (dậy) được rồi, (dợ) chồng mình có con Mén thôi, nay mai nó theo chồng thì cho con nó mớ vốn làm của hồi môn, còn tui với ông cháo rau qua ngày là (dui dẻ)rồi ông lo chi cho sanh bịnh.

 Nghe vợ mình nói vậy ông Năm thấy nghẹn ở trong lòng, ông cảm thấy mình thật có lỗi với người vợ hiền lành và tốt bụng của mình, rồi ông  thầm trách ông Long bạn của mình

 - Cũng tại cái ông Long này hết thảy, nếu không có ổng thì mình đâu có ra nông 

 nỗi như vầy ....

 Ông Năm Râu dần hồi tưởng lại những việc vừa trải qua...

                                 ***

 Hôm đám giỗ tía mình, vì đây là giỗ đầu nên ông Năm mời làng trên xóm dưới đủ hết, thậm chí bạn bè ở xa như ông  Long ở trên Sài gòn ông Năm cũng chẳng quên, mà quên làm sao được khi Năm Râu và ông Long là đôi bạn chí cốt, hai người đã là bạn từ thời tóc còn để ba vá và ở truồng tắm mưa, do hoàn cảnh sống nên ông Long đành đoạn bỏ lại dòng sông quê nghèo, bỏ lại cây cầu khỉ cạnh nhà nơi đây Năm Râu cùng Long cùng thi nhau đứng trên cầu (phong rong) xuống con kênh nước đục ngầu phù sa để tắm mát những trưa hè êm ả .

  Bà con tề tựu đông đủ, các bàn tiệc không còn một chỗ trống, Năm Râu ngồi cạnh ông Long sau một hồi khi đã ngà ngà say, ông Long nỗi hứng  buộc miệng nói nhỏ vô tai Năm Râu:

 - Ê mầy Năm, từ lúc tao lên Sài gòn tới giờ mày chưa bao giờ lên thăm tao, sẳn chuyến này tao (dìa) đây, mầy thu xếp theo tao lên (trễn) một chuyến đi, (dui) lắm mầy ơi.

Nghe ông bạn "nối khố" của mình rủ rê và hứa hẹn đủ điều, nào là có những nhà hàng bán các món thuộc về cao lương mỹ vị, mà suốt đời chắc chắn Năm Râu chưa từng nếm qua, rồi những nơi vui chơi thư giãn thú vị, kể lể một hồi ông Long còn "đế" thêm một câu:

-Còn một món "Đặc sản" nữa nghe mậy, lên đi mầy sẽ thấy tao nói không sai bao giờ.

  Có sẳn hơi men trong người với gương mặt đỏ gay như chú gà nòi, hưng phấn trong lòng Năm râu hưởng ứng tức thì:

-Đi thì đi, nào giờ cứ quanh quẩn nơi đây tối ngày cứ sông nước, cá mắm , lúa má cũng ngán tới cổ rồi, nhưng tao phải đem theo bao nhiêu tiền mới được.

  Nghe câu hỏi dè dặt của Năm Râu, ông Long nói :

- Mầy đem hờ một ít theo dằn túi thôi, lên đó tao lo hết, yên chí đi ông ơi!

Nghe ông Long nói vậy Năm râu vui trong bụng bèn hứa chắc như đinh đóng cột:

 - Rồi, theo mầy luôn, ngày (mơi) mình lên đường hả mậy, lâu lâu (dìa) chơi vài bữa cho (dui , có chuyện gì không mà  mầy (dìa) gấp quá chừng (dậy).

   Ông Long phân bua:

  - Công việc nhiều lắm, tao đi xuống đây thì trên đó thiếu tao coi như rắn mất đầu.

  Năm râu càng phục lăn thằng bạn mình sau câu nói của ông Long, Năm râu lẩm bẩm trong miệng:

  -Thằng Long ngày xưa khờ tổ mẹ, vậy mà bây giờ làm ăn coi bộ "ngon cơm" ghê .

  Thấy Năm Râu thừ người ra mà miệng nói thì thầm điều gì, ông Long khiều nhẹ Năm Râu rồi nói :

 - Khi không đang vui tự dưng thấy cụt hứng vậy, mầy đang nói lén gì tao phải không ?

  Năm Râu cười khì rồi đáp:

  -Mần gì có, tao đang nghĩ điều tốt về mầy không đó, mầy không tin tao thề đứa nào nói dóc cho Chó cắn cả đám đi.

 Nãy giờ ngồi cái bàn sau lưng sát với Năm Râu, bà Quận nghe Năm Râu thề thốt kiểu giả ngộ như vậy bà bèn xía vô:

 - Năm nè, bây thề cái giống gì khôn thấy tía luôn, bây nói dóc thì Chó cắn mình ên bây thôi, chứ mắc gì cắn cả đám, mà bây thề thốt tầm bậy coi chừng có ngày nghe bây, ai đời nhà kế bên trại nuôi Chó "Bẹc giê" mà thề kiểu đó gặp giờ linh chó sút chuồng cắn bất tử là "Rụt tùng" luôn nghe con.

  Nghe bà Quận nói vậy, Năm Râu hứng chí phá lên cười, rồi tìm cách "Trả đủa" lại bà Quận:

  -Con công nhận cô Quận ghiền quánh bài "Cắt tê" dữ nhe, cô nói gì cũng hay chêm vô mấy chữ của bài bạc quá, mà làm gì để cho "Rụt tùng" được cô Quận, nếu thấy Chó sút chuồng thì lo "dọt" cho lẹ coi như huề tiền đó cô.

  Bà Quận chưa buông tha cho Năm Râu:

  -Ờ cho bây dễ ngươi nhe, "Đi đêm có ngày gặp ma đó", bây ỷ y có ngày Chó cắn bây sứt.....

  Bà Quận bỏ dở nửa chừng câu nói trên, nhưng một bà già trầu ngồi bên cạnh hiểu câu nói của bà Quận nên bà khiều nhẹ bà Quận rồi bà lên tiếng:

  -Mèn ơi, bà Quận này nói chí phải đa nghe, Năm Râu mầy lớ quớ mấy con "Bẹc giê" bên kia nó táp trúng chỗ ngặc là mất giống luôn nghe bây.

 Nghe hai " Lão bà bà" tấn công mình quá mạng, Năm Râu mắc cỡ đỏ mặt bèn im thin thít, lúc này mọi người trong đám giỗ hiểu chuyện nên cùng xúm lại lại cười giòn tan khiến không khí của đám giỗ ở làng quê thêm phần sôi động, khi đám giỗ tàn tiệc bà Năm bèn chất vấn ông:

  -Hồi nãy ông nói gì mà để Cô Quận với cô Sáu rầy rà dữ (dậy).

  Năm Râu muốn quên chuyện nói chơi lúc nãy nên gạt phắc đi:

  -Ôi thôi bỏ đi bà ơi, có cái khỉ khô gì đâu, tui nói giỡn mà hai (cổ) cứ chuyện bé xé ra to đó mà.

  Bà Năm nhắc nhở:

  - Cũng cái tật cà rỡn không chừa, ông đó nghe cái tật lớn hơn cái tuổi rồi, ông mà nói chơi kiểu đó hoài mai mốt có sui gia chắc họ "dông" mất tiêu quá .

 Năm Râu càu nhàu: 

  - Ôi nhằm nhò gì bà ơi, bà (hông) nghe người ta nói hả, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ kìa, tui cà rỡn có hại cho ai đâu, thiên hạ cười rân trời đó bà thấy chưa?.

 Bà Năm nghe nói vậy cũng xuôi lòng nhưng cũng ráng vớt vát:

 - Nhưng cũng tùy chuyện ông ơi, nói chơi riết có ngày gặp người khó chịu bắt lỗi bắt phải là mệt lắm đa nghe.

 -Tui biết rồi, bà đừng xàm ràm nữa, nghe nhức xương lắm bà ơi. À mà nè, ông Long rủ tui lên Sài gòn với ổng một chuyến đó, bà chịu khó bao giàn ở nhà ít bữa nghe bà.

 Bà Năm nghe chồng mình nói vậy, liền trả lời :

  - Phải đó ông cũng nên đi một chuyến cho thoải mái đầu óc đi, tội nghiệp ông tối ngày lo quần quật với ruộng đồng hoài buồn chết ông ơi.

 Nghe bà vợ đồng ý cho mình xả hơi vài hôm, Năm Râu vui mừng ra mặt ông đến sát bên bà rồi choàng qua ôm ghì lấy khuôn mặt bà Năm, ông đặt lên những nụ hôn thật nồng nàng, bà Năm mắc cỡ đỏ mặt và la lên oai oái:

 -Ông già Năm hôm nay làm cái giống gì thấy ớn (dậy), ông làm ( hoảng tiều) con Mén nó thấy nó cười chết luôn bây giờ .

 -Sợ gì bà ơi, giờ này  con Mén nó còn ngoài ruộng chứ đâu đây mà bà sợ....

                              ***

 Lâu lắm rồi Năm Râu mới được ngồi xe hơi, về đến Sài gòn thay vì ghé về nhà ông Long trước, nhưng trên đường đi Năm Râu thấy ông Long ghé tai nói nhỏ gì đó với tài xế, chừng mười phút sau xe ghé vào một quán nhậu ven sông có các nhà chòi bằng tranh tương đối kín đáo.

  Vừa xuống xe ông Long được hai cô gái trẻ măng từ bên trong chòi là nhào ra để dìu ông vào trong chòi, chới với khi thấy các cô gái này sao bạo dạn quá, Năm Râu nhớ ông Nội mình hay dạy câu

 "Nam nữ thọ thọ bất thân", khi thấy tình cảnh ông Long như vậy khiến Năm Râu ái ngại trong lòng, đang nghĩ ngợi sự việc xảy ra bất ngờ trên Năm Râu bị hai cô gái khác đếm ôm choàng qua vai và buông lời cợt nhả :

  -Anh Hai (dô) đây tụi em chăm sóc phục hồi sức khỏe cho anh từ A tới Z luôn, cam đoan anh Hai không hài lòng không lấy tiền.

 Năm Râu phát hoảng lấy đôi tay gân guốc của mình để gỡ cánh tay của các cô gái kia, lạ thay Năm Râu không thể nào thực hiện được, bởi khi gỡ được tay cô này thì cô còn lại bám thật chặt, cuối cùng Năm Râu thất thủ khi hai cô gái ghị đè Năm Râu ngồi xuống bộ Salon, đối diện bên kia ông Long cũng được hai cô gái dùng khắn lông lau mặt, hình ảnh này giống y như các cô nuôi dạy trẻ chăm sóc cho các em nhỏ học ở các trường Mẫu giáo.

 Đồ ăn thức uống được dọn ra ê hề do hai cô gái bên phía ông Long gọi, lúc này Năm Râu thật sự kinh hoàng vì với ngần ấy thức ăn với sáu người trong cái chòi này không thể nào ăn cho hết, chưa kể bia bọt các cô khui (lóc bóc) không ngừng, uống chừng vài lon bia, khi hơi men bắt đầu ngấm thì Năm Râu không còn e dè như lúc ban đầu, hai cô gái biết bắt đầu "Cá cắn câu" nên một cô nọ ôm Năm Râu cứng ngắc, cô ta ỏng ẹo :

 -Ông xã, ông xã tên gì cho bà xã biết đi.

 -Bà xã kêu Anh Năm nhe, lúc nãy kêu anh Hai là trật lất rồi đó.

 Cô gái lấn tới: 

- Bà xã biết rồi, ông xã cho hun một cái.

 Chẳng cần Năm Râu đồng ý, cô ta ghì chặc Năm râu rồi hôn tới tấm khiến Năm Râu ngây ngất trong lòng.

 Cô gái còn lại ra đòn tiếp:

 -Ông xã lo (dợ) lớn không hé, bỏ bê (dợ) nhỏ coi chừng (dợ) nhỏ nghỉ chơi ông xã nhe.

 Năm Râu nghe vậy liền dùng tay quàng ngang eo ếch cô nàng và hôn lên má cô gái những nụ hôn thật dài.

 Bên kia ông Long cũng được hai em chăm sóc nhiệt tình hơn Năm Râu nhiều, vì các cô này biết tỏng tòng tong ông Long là "chủ xị" của buổi tiệc hôm nay, dĩ nhiên các cô sẽ được ông Long "Boa" cho số tiều hậu hĩnh  khi tàn tiệc.

 Hết bốn thùng bia được khui ra uống liên tục, Năm Râu và Ông Long bắt đầu quờ quạng thì các cô nháy mắt nhau đỗ bia chảy đầy dưới sàn nhà ướt lai láng. 

 Cô (dợ) lớn của Năm Râu bắt đầu trổ mòi:

 -Ông xã, má của tụi mình đang nằm nhà thương, tội nghiệp má ăn uống thiếu thốn và thiếu tiền thuốc men nữa, (dợ) rầu gần chết đây nè, ông xã cho chút đỉnh cho má mình (dui) nha ông xã.

 Đầu óc lúc này hưng phấn nhưng khó kiểm soát được hành động nên Năm Râu nói ngay:

 - Chuyện nhỏ bà xã, gửi má mình hai triệu nhe cưng .

 Nói xong Năm Râu móc bóp xỉa cho cô nàng bốn tờ năm trăm ngàn mới cáu khiến cô gái mừng như trúng số, cô cầm tiền rồi hôn tùm lum chỗ trên người Năm Râu khiến ông ta nhột nhạt uốn éo thân người trong thật mắc cười.

 Cô (dợ) nhỏ cũng dùng chiêu  khóc bài "con cá sống vì nước" khiến Năm Râu mũi lòng xỉa tiếp ba tờ Năm trăm ngàn cho ả nọ .

 Ông Long ngồi bên kia thấy Năm Râu chơi xộp quá, nên nháy mắt làm ám hiệu để Năm Râu đừng mắc mưu hai "bóng hồng" nọ, nhưng Năm Râu mắt đã mờ lí trí cũng đi chơi đâu mất nên chuyện ra ám hiệu của ông Long coi như "Dã tràng xe cát biển Đông".

  Chén thù chén tạc một lúc sau Năm Râu "quắc cần câu" và đành "Thuyền chìm tại bến", báo hại ông Long huy động các cô gái cạo gió sức dầu cho uống nước chanh để cho nhanh chóng tĩnh táo....

                               ***

 Nằm nhà ông Long một đêm, hôm sau Năm Râu tức tốc đón xe đò tốc hành quay về quê nhà, mặc dù ông Long cố giữ lại để còn đi dạo chơi nhiều nơi trong Thành phố.

 Ngồi trên chiếc xe đò trong lòng ngổn ngang vì phần giận mình quá chén để các cô gái lợi dụng moi tiền, phần thì mắc cỡ với tấm chân tình của bà Năm, Năm Râu tự hứa với lòng không bao giờ léo hánh tới những quán nhậu mái chòi tranh trá hình kia lần nào nữa, khi về đến nhà bà Năm ngạc nhiên hỏi:

 - Ủa bộ có chuyện gì sao mới đi hôm qua thì hôm nay trồi đầu về rồi,  bộ hai ông xích mích điều gì hả, còn như không phải vậy chắc là ông nhớ tui phải (hông).

  Năm Râu cười gượng, có xích mích gì đâu bà ơi, nhớ bà thì cũng có, nhưng kỳ thực tui thấy không khỏe trong mình mên tui kiếu (dợ) chồng ông Long tui (dìa) nhà cho an tâm bà ơi ...

                                 ***

  -Bà ơi! Lúa khô rang hết rồi kìa , mừng ghê. Ra phụ tui xúc đem vô bồ đi bà.

 - Ủa sao ông hay quá (dậy), lúc nãy tui thấy nó còn (giốt giốt), tui tưởng cầu đến ngày (mơi) phải một nắng nữa chứ, ai dè khô rang rồi, ông hôm nay giỏi thiệt đó đa.

 Nghe bà Năm khen mình ông Năm rất vui mừng, vì ông đã cố công cào tới lui miết trong nắng mới có kết quả như trên, ông thầm nghĩ trong bụng coi như để chuộc lại cái lỗi lầm vừa qua, tuy bà Năm không biết mảy may vụ trên, và ông hứa với lòng :

 -Từ nay tui tởn tới già, đừng đi nước mặn mà Hà ăn chân.

 Vừa xúc lúa vô bao "cà ròn" vừa ngắm mây trời trong xanh trên cao, bất chợt Năm Râu nhìn thấy đôi chim Câu nhà ông bay lượn trở về tổ ấm sau một ngày kiếm ăn nơi xa, lúc này Năm Râu cười thầm bởi ông ta ví mình như cánh chim Câu kia sau một thời gian "Kiếm ăn" cũng đã quay về tổ ấm của mình như đôi chim này.

        (viết xong :27.10.2917 - 20h00)

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền