*CT 32-Đọc Những "Sến Khúc " Thơ Trương Đình Phượng (Bình Thơ) Nhà Bình Thơ Châu Thạch (Đà Nẵng- VN)

 

Nhà Bình Thơ Châu Thạch

 

 

              

ĐỌC NHỮNG “SẾN KHÚC…” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG 

                                                           

Trương Đình Phượng: Thật tình tôi không biết anh là ai và không biết anh là bạn facebook của tôi lúc nào. Một hôm tình cờ đọc lướt một  bài thơ của anh đăng trên trang mạng. Bài thơ dài ngoằn là thứ tôi ghét nhất, vậy mà sao tôi đọc hết và đọc lại vài ba lần. Mở google ra tìm thì biết đây là một nhà thơ đã giao lưu và được mến mộ trên thi đàn hiện nay. Từ đó tôi đọc tất cả thơ anh trên dòng thời gian facebook có tên Trương Đình Phượng. Phải nói rằng đa số thơ anh viết dài và đa số cuốn hút tôi vì cho tôi sự thú vị. Tôi chú ý nhất đến những bài thơ mà Trương Đình Phượng gọi là “Sến Khúc…” Có nhiều “Sến Khúc” nhưng trên dòng thời gian của tác giả tôi chỉ tìm được 8 Sến khúc. Đó là Sến Khúc 2, Sến Khúc 5, 11, 12, 13, 17,19, 20. Mỗi Sến Khúc có một chủ đề riêng như Xem Kịch, Sân Khấu,, Ngôi Đền, Những Giấc Mơ không có Khuôn Mặt…vv.. Đọc những Sên Khúc nầy chúng ta như đi vào một câu chuyện dài viết ngắn. Dài là vì nó phản ảnh đủ một bộ mắt của đời và ngắn vì nó là một bài thơ. Ví dụ Sến Khúc 2 có đầu đề là “Xem Kịch’, nhà thơ kể câu chuyện mình đi xem kịch ở nhà hát. Vở kích có tên là “Đứa Bé và Những bài Thơ Biết Nói”. Trong Sến Khúc nầy, đứa bé đã lưu lạc trong trần gian. Nhờ vào những bài thơ nó thoát qua tai ương để quay về bản xứ. Thế nhưng khi quay về nó thấy một quê hương điêu tàn. Tôi đọc Sến Khúc nầy và thấy mình cũng đang xem một bi kịch, không phải bi kịch của một đời người mà là bi kịch của cả một nền văn hóa và một thế hệ con người. Những bài thơ là một nền văn hóa và đứa bé kia là một thế hệ đáng ra phải lớn lên tại quê hương và làm cho quê hương mình giàu đẹp.  Xin hãy đọc một đoạn u buồn khi “Đứa bé và những bài thơ biết nói” quay lại quê hương:

Về gần đến nơi chúng reo lên “ Chào mảnh đất nơi ta đã chào đời và gắn bó hơn máu thịt”

Ngôi nhà xưa không còn

Bên mái hiên đôi dép mòn đứt quai của những bà mẹ

Rêu mọc từ lâu

Bậc cửa chỉ còn những hòn đá Hình Giọt Lệ

Lặng câm dưới sắc chiều tím buốt

Những thằng nhóc gầy gò không quần không áo

Nép bên hàng rào xiêu vẹo nhìn chúng như những kẻ khác thường

Những con chó nằm bên những ngôi mộ không khói hương

Chốc chốc tru lên từng hồi thảm thiết

Những bãi biển vắng bặt dấu chân người

Những mảnh thuyền trơ đôi mắt dại khờ nhìn mây trắng

Hấp hối cuối chân trời

Gió não nề xuyên qua bạt trùng xương cá

Tấu lên khúc nhạc Gọi Hồn.

Sến Khúc 13 có chủ đề bài thơ là “Ngày Tọa Thiền Của Gió”. Bài thơ nói về “Có những ngày không gió” vì trời đất được bình yên nhưng “lòng người lại đầy bão giông”. Gió thì yên tịnh như thiền, như con người “cầm tay nhau/ Ngỡ đã cùng nhịp đập trái tim” nhưng trong lòng thì ngược lại vì “Khoảng cách giữa chúng ta như hai đầu chiến tuyến”. Bài thơ tố cáo sự dối trá giữa đời nầy. Sự dối trá ấy xấu xa vô cùng. Xấu xa bởi vì nó là:

Chiến trường không xác người

Không máu

Không tiếng thét gào

Không gươm không giáo

Và cả tiếng súng đạn cũng không

Bởi tất cả diễn ra một cách âm thầm

Và cái chiến trường không máu, không tiếng thét gào, không tiếng súng đã sinh ra những hung thần:

Những con quỷ được sinh ra bằng những bài ca

Những bài ca giấu móng vuốt sau tà áo tinh khôi

Những bài ca thần thánh hóa loài bạo chúa

Ở đó

Có những tượng đài

Tôn thờ sự hủy diệt

Sến Khúc 13 cho ta nhìn lại và gớm ghiếc những tà thuyết trong đời, đã mê hoặc những con người dại khờ “Ngây thơ chắp tay cầu nguyện” và tưởng rằng “Cánh cửa thiên đường dễ dàng mở ra như khi chúng ta tra chìa vào ổ khóa nhà mình”.

Sến Khúc 11 nói về một niềm tin hư huyễn, tác giả tin vào con người và con người là tên buôn bán “những linh hồn trong sạch”. Bài thơ dài lắm, người viết xin trích một vài đoạn rồi ghép lại để tóm lược ý thơ:

Bạn rủ tôi đến một ngôi đền

Chúng ta đã quỳ ở đó rất lâu

Bạn bỏ tôi lại một mình

Bạn đi đâu tôi chẳng rõ

Nên tôi đợi

Sương khuya buông dày

Nơi đây bốn mùa đều lạnh

Những hồn ma rủ nhau đến

Chúng vờn quanh và dỗ ngọt tôi

Bạn bỏ tôi ở lại một mình

Thay vì buổi đêm

Những tiếng kêu thảm thiết chạy vào ngôi đền tìm nơi ẩn nấp

Nghe lời bạn tôi không dám ngẩng lên

Nhưng tôi biết đó là những tiếng kêu của bầy cừu

Chúng đang bị đem vào lò mổ.

Tôi vùng dậy 

Và tôi chạy

Cuối cùng tôi đến bên bờ biển

Và tôi nhìn thấy bạn

Đang trao đổi hàng hóa với bầy người lạ hoắc

Tôi nghe tiếng bạn đếm 

“Này đây là những linh hồn trong sạch cuối cùng”

Chỉ tóm lược bài thơ thôi, ta đã thấy sự phủ phàng của câu chuyện. Bài thơ cho ta bài học về sự mê muội trong lý tưởng ngọt ngào dã dối được phủ dụ giữa đời nầy . Chàng trai cứ cúi đầu thờ phượng sự dối trá, nên không biết tới cả đàn cừu bị cắt tiết đang rên xiết chung quanh anh ta.

Sến Khúc 20 có đầu đề là “Ngôi Mộ”. Nhà thơ đã vạch trần sự ngu dốt, nỗi đớn đau khi loài người tự tay đào huyệt cho mình. Nhà thơ khuyên bọn làm thơ hiện tại hay nói chung cũng khuyên cả con người:

Thay vì viết những bài thơ

Thì hãy làm điều gì đó ý nghĩa hơn

Thí dụ

Chặt đầu đám mây đang che kín mặt trời

Hốt xác lũ gió tử nạn trên dòng sông đêm qua

Hay là còn bao nhiêu việc khác mà nhà thơ chỉ phải làm như:

Gõ cửa những trái tim đã mục rữa hồng cầu

Nối lại mạch máu cho những con đường từ lâu gãy khớp

Băng bó những đỉnh núi bị bổ toác sọ não

Tiêm vacxin cho những cánh rừng bị cưỡng bức giữa mùa xuân

Và rồi nhà thơ đã vạch tội con người:

Chúng ta đã không dám

Lên tiếng

Khi lũ chó dại cắn đứt chiếc dương vật của những hài nhi hi vọng

Chúng ta đã vỗ tay

Khi lũ hung thần hãm hiếp chị và mẹ, chúng ta.

Chúng ta đã hồn nhiên đặt bàn chân trần trụi

Lên những con đường dẫn vòng quanh mép vực, khổ đau

Chúng ta chẳng thèm nghe, giả vờ không nhìn thấy

Tiếng kêu khóc của đồng bào

Và cuối cùng tác giả  dang hai tay lên than khóc:

Tôi đã chẳng thể nào leo lên chóp não mặt trời

Kiếm tìm giọt máu cuối cùng của ước mơ chân lý

Tôi đã chẳng thể nào bẽ gãy đường kinh tuyến của địa cầu

Dồn tất cả các quốc gia về thảo nguyên bác ái

Chẳng có một thế lực siêu nhiên nào cứu chuộc được loài người

Khi loài người tự tay đào huyệt chôn mình.

Đọc Sến Khúc 20 chắc ai cũng thấy có một chút buồn, một chút xấu hổ, một chút ân hận trong lòng, vì chúng ta không mấy ai là kẻ anh hùng.

Trong khuôn khổ bài viết không thể dài khi đăng trên mạng, người viết xin giới thiệu qua bốn Sến Khúc trong nhiều Sến Khúc của Trương Đình Phượng. Phải nói rằng khi đọc Sến Khúc của Trương Đình Phượng, tôi có cảm tưởng rằng mình đương đi du lịch qua những vùng khác lạ, mà ở đó những thành phố, những cánh đồng, biển và sa mạc  được dựng lên bằng lời, để cho mắt tôi nhìn thú vị những chân trời mới, đánh động trí óc tôi suy tư và chiêm nghiệm qua từng khổ thơ cuốn hút như từng đợt sóng biển đẩy ta bơi trong vùng nước mặn là vùng ý nghĩa của thơ ./.

                                                                    Châu Thạch

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền