*TMG 29- Kể Chuyện Nhà Giáo Nam Định (Bài Viết) Nhà Văn Trần Mỹ Giống (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

KỂ CHUYỆN NHÀ GIÁO NAM ĐỊNH:

 

        TIẾN SĨ NGUYỄN NGỌC LIÊN – NHÀ GIÁO BẤT BÁI TOÀN QUYỀN

 

        Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên (1852 - 1937) quê làng Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là một nhà giáo nổi tiếng có khí phách và tài năng ở vùng Sơn Nam. Ông mở trường dạy học ở làng Hành Thiện. Học trò muốn được vào học trong trường của ông phải có đạo đức tốt và trình độ nhất định vì ông chỉ dạy cho học trò đi thi Hương để lấy học vị Cử nhân, Tú tài. Cảm phục khí tiết và kiến thức Nho học của ông, học trò ở khắp nơi tìm về theo học rất đông. Ông là người thông kim bác cổ, dạy học rất có phương pháp nên trong số trên 700 học trò của ông có 30 người đỗ Cử nhân, 70 người đỗ Tú tài và rất nhiều người đỗ Nhất trường, Nhị trường. Khi ông mất, hơn 200 học trò về chịu tang, góp tiền mua 4 mẫu ruộng gọi là "ruộng môn sinh" để lấy hoa lợi dùng vào việc cúng giỗ hàng năm, tu sửa từ đường và phần mộ thày.

        Khi làm Tri phủ Nam Sách (Hải Dương), Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên đã có hành động không lạy viên toàn quyền người Pháp. Năm 1892 Toàn quyền Đông Dương De Lanessan đi kinh lý Hải Dương. Tổng đốc Hải Dương đã thông báo cho các Tri phủ, Tri huyện trong tỉnh phải có mặt tại Nha công sứ Hải Dương đúng ngày giờ đã định để đón chào viên Toàn quyền. Phủ lỵ Nam Sách chỉ cách thành Hải Dương 6 cây số và qua 1 con đò mà Tri phủ Nguyễn Ngọc Liên lại đến địa điểm tập trung rất muộn. Khi ông đến nơi thì các quan trong tỉnh đã có mặt đầy đủ, viên toàn quyền đang đọc lời hiểu dụ. Ông lẳng lặng đứng vào hàng với các bạn đồng liêu. Thấy Tri phủ Nam Sách đến muộn đã không xin lỗi, lại không thèm lạy chào mình, viên Toàn quyền rất tức giận và đề nghị Nha Kinh lược Bắc Kỳ phải kỷ luật ông thật nặng. Trong thời gian này lại xảy ra vụ nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo đã tấn công đồn lính Pháp trong huyện, giết chết 4 tên lính Pháp trong đó có tên Thiếu uý đồn trưởng, thu 17 khẩu súng và rút lui an toàn. Đồn lính này chỉ cách phủ lỵ của Tri phủ Nam Sách Nguyễn Ngọc Liên chưa đầy nửa cây số nhưng ông đã "án binh bất động", để cho nghĩa quân tự do hành động. Nha Kinh lược Bắc Kỳ ra nghị định phạt ông nghỉ không lương một năm. Sau thời hạn bị kỷ luật, nha Kinh lược bảo ông làm đơn xin tái bổ chức Tri phủ. Nhiều học trò đã van lạy, khóc lóc, tha thiết xin ông ở lại dạy học. Ông đã chán cảnh làm quan và cảm động trước tình cảm của học trò nên quyết không ra làm quan nữa.

        Bằng hành động "Bất bái Toàn quyền", nhà giáo Nguyễn Ngọc Liên đã nêu tấm gương sáng về khí tiết nhà Nho, kiên cường chống Pháp, khích lệ tinh thần bất khuất và tự hào dân tộc. Nhiều kẻ làm quan thời nay hống hách với dân, hèn đớn trước kẻ thù xâm lược… thật đáng hổ thẹn lắm thay!

 

      TIẾN SĨ KHIẾU NĂNG TĨNH - NHÀ GIÁO CÓ CON MẮT TINH ĐỜI

 

        Từ việc chấm bài phú “Bái thạch vi huynh” của Phan Bội Châu, Khiếu Năng Tĩnh đã phát hiện tài năng và chí lớn của Phan Bội Châu, rồi vận động vua huỷ bỏ bản án cấm thi suốt đời đối với Phan Bội Châu, đến việc đặc cách quan tâm tạo điều kiện để Phan Bội Châu đỗ Thủ khoa... đã chứng tỏ Khiếu Năng Tĩnh có con mắt tinh đời và tấm lòng ưu ái đối với những tài năng của đất nước.

        Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (1835 - 1920) quê xã Chân Mỹ, huyện Đại An (nay là thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là một học giả uyên thâm, nhà văn, nhà giáo nổi tiếng. Ông từng giữ chức Đốc học Nam Định, Đốc học Hà Nội, Tế tửu Quốc Tử giám. Khi làm Chủ khảo Trường thi Nghệ An, ông đã phát hiện tài năng Phan Bội Châu và lấy Phan Bội Châu một mình một bảng.

        Năm Đinh Dậu 1897, Phan Bội Châu đi thi Hương. Cử nhân Trần Văn Lượng vì thương bạn mà bỏ vào tráp của Phan mấy quyển sách. Cụ Phan không hay biết điều đó nên vô tình mang sách vào trường thi. Lính canh cửa trường thi phát hiện trong tráp thí sinh Phan Bội Châu có sách liền báo với quan trường. Kết quả là Phan Bội Châu bị đuổi khỏi trường thi và bị án “hoài hiệp văn tự chung thân bất đắc ứng thí” (mang sách vào trường, suốt đời không được dự thi).

        Trong thời gian hoạt động ở Huế, nhân khi quan Quốc tử giám Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh ra đề cho học sinh làm bài phú có nhan đề là “Bái thạch vi huynh”, Phan Bội Châu cũng làm một bài rồi nộp cho Khiếu Năng Tĩnh chấm. Khiếu Năng Tĩnh thấy bài phú tuyệt hay và thể hiện rõ chí lớn của tác giả nên rất khâm phục. Bài phú “Bái thạch vi huynh” là một tác phẩm nổi tiếng của Phan Bội Châu. Trong bài có câu:

 

        Ba sinh lấp biển có lòng chửa quên nhờ bác

        Một nhánh vá trời ra sức, nay lại gặp anh.

 

        Khiếu Năng Tĩnh đem bài phú cho Nguyễn Thượng Hiền xem, rồi thuyết phục các quan trong triều vận động vua Thành Thái huỷ bản án “hoài hiệp văn tự” cho Phan Bội Châu, để cụ Phan được thi lại.

        Đến khoa Canh Tý 1900, Phan Bội Châu thi Hương ở trường Nghệ An do Khiếu Năng Tĩnh làm Chánh chủ khảo. Khi Phan Bội Châu vào thi kỳ tam trường thì bị sốt, phải làm đơn xin bỏ thi. Tiếc tài của Phan Bội Châu nên Khiếu Năng Tĩnh đã cho phép Phan Bội Châu được nằm nghỉ tại nhà thập đạo (nơi các quan trường ngồi). Nghỉ một lúc đỡ mệt, Phan Bội Châu được Khiếu Năng Tĩnh cho phép và khuyến khích viết tiếp quyển thi... Khoa thi này Phan Bội Châu đã đỗ Giải nguyên.

        Từ việc chấm bài phú “Bái thạch vi huynh” của Phan Bội Châu, Khiếu Năng Tĩnh đã phát hiện tài năng và chí lớn của Phan Bội Châu, rồi vận động vua huỷ bỏ bản án cấm thi suốt đời đối với Phan Bội Châu, đến việc đặc cách quan tâm tạo điều kiện để Phan Bội Châu đỗ Thủ khoa... đã chứng tỏ Khiếu Năng Tĩnh có con mắt tinh đời và tấm lòng ưu ái đối với những tài năng của đất nước. Với danh hiệu Giải nguyên, Phan Bội Châu có thêm uy tín, danh tiếng rất thuận lợi cho hoạt động cứu nước. Các sĩ tử khoa ấy ai nấy đều vui mừng thừa nhận Phan Bội Châu đỗ Thủ khoa là xứng đáng. Phan Bội Châu đã trở thành một yếu nhân của phong trào Đông Du, một chí sĩ yêu nước được nhân dân vô cùng cảm phục cũng một phần có công đóng góp của nhà giáo Khiếu Năng Tĩnh.

 

 

      THƯ VIỆN HY LONG CỦA NHÀ GIÁO ĐẶNG XUÂN BẢNG – THƯ VIỆN TƯ NHÂN LỚN NHẤT BẮC KỲ CUỐI THẾ KỶ 19 - ĐẦU THẾ KỶ 20

 

        Cuối thế kỷ 19, ở làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường (nay là thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có một thư viện tư nhân nổi tiếng đương thời. Đó là thư viện Hy Long của Nhà giáo Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng.

        Năm 1888 Đặng Xuân Bảng mở trường dạy học. Học trò theo học có hàng nghìn người, nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu là Phó bảng Vũ Tuân, nhà thơ Phạm Mạnh Doanh... Sĩ phu đương thời tôn Đặng Xuân Bảng là "Bậc học nhiều biết rộng". Để giúp học trò thuận lợi trong học tập, ông phát triển tủ sách gia đình thành thư viện lớn, lấy tên là Thư viện Hy Long.

        Thư viện Hy Long có 6 gian nhà ngói thường xuyên chất đầy sách, một xưởng in có hai thợ khắc gỗ Liễu Tràng (Gia Lộc, Hải Dương) chuyên khắc mộc bản và ba thợ in ấn đóng sách làm việc thường xuyên. Xưởng in của Thư viện Hy Long đã in ấn, phát hành nhiều tác phẩm của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và của các sĩ phu yêu nước khác. Ngoài sách có nội dung yêu nước, Thư viện Hy Long còn có nhiều sách giáo khoa luyện thi (Hương, Hội, Đình), các bài làm trong các kỳ thi của học trò, sách văn học, địa lý... Đối tượng phục vụ của Thư viện Hy Long chủ yếu là hàng nghìn học trò của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và các nhà nho trong toàn Bắc Kỳ. Hình thức phục vụ chủ yếu là bán sách và cho học trò nghèo mượn đọc. Hàng tháng, người nhà của nhà giáo Đặng Xuân Bảng chia nhau gánh sách đi bán ở các tỉnh xa như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội... Nhiều nhà buôn sách ở Hà Nội, Nam Định cũng thường xuyên về Hành Thiện lấy sách của Thư viện Hy Long để bán lẻ.

        Trong suốt hơn hai mươi năm tồn tại (1888 - 1910), Thư viện Hy Long hoạt động mạnh mẽ, "nhộn nhịp" và có tác dụng không nhỏ trong việc phục vụ học tập và khích lệ lòng yêu nước của nhân dân. Thư viện Hy Long của nhà giáo Đặng Xuân Bảng được người đương thời đánh giá là thư viện tư nhân lớn nhất Bắc Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, được coi ngang với Thư viện Long Cương của cụ Cao Xuân Dục ở Trung Kỳ. Năm 1898, cụ Cao Xuân Dục đã gửi tặng Thư viện Hy Long số tiền tương đương hai lạng vàng khuyến khích việc in sách có nội dung yêu nước.

 

                                                     Trần Mỹ Giống

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền