*THĐ 1- Lệnh Cấm (Tạp Bút) Nhà Văn Tạ Hữu Đỉnh (Uông Bí- VN)

 

   

LỆNH CẤM

Tạ Hữu Đỉnh

 

                                                                                                                   

 

           “Tháng tám có chiếu vua ra

           Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

           Không đi thì chợ không đông

           Đi thì phải lột quần chồng sao đang”

                                                     (Ca dao)

Nhật ký của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), ngày 6/6/1957 ghi: “Trong nội bộ Văn nghệ TH xem phim Anna có hình ảnh người phụ nữ decolltee (hở cổ): bèn cấm! (…)”.

Đoạn văn này chắc tác giả ghi lại một buổi xem để duyệt phim điện ảnh. Năm 1957 là thời gian sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Nhân dân ta đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng, kiến thiết đất nước. Về Văn hoá, Văn nghệ tuy ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”. Nhưng phải hơn sáu năm sau – năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông”, của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam mới được ra đời.

Thời gian đó, để đáp ứng nhu cầu của khán giả, ta phải nhập phim của các nước bạn Xã hội chủ nghĩa. Song nền văn hoá của mỗi nước đều có những đặc thù riêng biệt. Cho nên khi nhập phim về, ngành văn hoá phải mời một số cán bộ chủ chốt đến xem buổi chiếu “duyệt phim”. Bộ phim nào được duyệt mới được phát hành. Bộ nào không được duyệt thì phải bỏ. Mặc dù đã mất tiền mua.

Bộ phim Anna Karenina bị cấm. Phải chăng vì TH cho rằng thân thể người đàn bà mà để lộ ra, dù chỉ một bộ phận nào thôi, cũng dễ khêu gợi khả năng ham muốn nhục dục của người đàn ông. Cho nên TH bèn ra lệnh cấm.

Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn, có nhiều tác phẩm đỉnh cao. Ông có uy tín trong giới Văn học nghệ thuật và cả trong Chính giới nước ta. Nhưng khi đề cập đến TH ông cũng e ngại, không ghi rõ tên, chỉ viết tắt. Mặc dù nhật ký là những ghi chép riêng tư của mỗi cá nhân. Điều đó chứng tỏ TH là một quan chức rất “đáng gờm”, ai cũng phải e dè, nể sợ. Và cũng do sự thận trọng đó của nhà văn, cho nên hậu thế không được biết TH là ai? Cũng như thời gian đó có bao nhiêu cái lệnh cấm như vậy đã được ban ra?...

Người viết bài này không được biết bộ phim Anna Karenina ngành văn hoá đã mua bao nhiêu tiền? Nhưng căn cứ vào bài thơ “Mầu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan bán với giá 100 triệu đồng, thì cũng có thể phỏng đoán giá bộ phim nói trên là rất nhiều triệu đồng. Thế mà TH cũng ra lệnh cấm chỉ vì một chiếc áo hở cổ, ngực trễ!... Mà cũng chẳng ai được biết ông hay bà TH được học hành đào tạo ở đâu, có trình độ, bằng cấp gì mà được coi như người toàn năng, toàn tài. Và nhất là được toàn quyền quyết định sử dụng hay loại bỏ bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật của bất cứ tác giả lớn nhỏ nào. Kể cả tác phẩm nước ngoài Nhà nước đã bỏ tiền ra mua. Hay tác phẩm của các văn nghệ sĩ trong nước đã bỏ ra bao nhiêu công sức và thời gian để sáng tạo ra tác phẩm đó.

Độc quyền như thế, tất nhiên là không tránh khỏi sai lầm, nhưng không ai dám phê bình TH. Vì sợ bị chụp cho cái mũ là “phản động”. Mà đã là phản động thì tránh sao cho khỏi tù đày.

Cũng về chuyện y phục. Một hôm tôi được nghe kể là: Hội Nhà văn Liên Xô mời một số nhà văn Việt Nam sang thăm. Chuyến thăm được kết thúc bằng một tiệc rượu linh đình, và một chương trình biếu diễn nghệ thuật Ca - Múa - Nhạc.

Đêm diễn mở màn. Sau mấy tiết mục đơn ca, tốp ca, đến tiết mục múa. Màn vừa mở, chỉ mấy phút sau, ông Trưởng đoàn Nhà văn Việt Nam đã nhắm mắt lại. Rồi vừa lấy tay bóp trán, vừa ghé sang bên nói nhỏ với nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Chu cha! Họ cho bọn ta xem “Thoát y vũ” hè! Gớm chết! Mắt miềng cứ hoa lên, đầu nhức, tim loạn nhịp, ngộp thở. Thôi miềng về nghỉ trước đây!”.

Người kể chuyện chắc cũng e ngại, nên không cho biết vị Trưởng đoàn nhà văn ấy là ai? Chỉ cho biết khi thấy quần áo các nghệ sĩ múa hở hang, gần như “loã thể”, vị ấy phải nhắm mắt lại, thì hiểu rằng Trưởng đoàn Nhà văn Việt Nam và nhân vật TH của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có cái nhìn về trang phục của các nữ diễn viên rất giống nhau.

Năm 1970, Vaci Mihaly (1924 – 1970), nhà thơ xuất sắc của Hungary và thế giới, là thành viên Đoàn đại biều Hội đồng Hoà bình thế giới của Hungary sang thăm và làm việc tại Việt Nam, đã đột ngột mất tại Hà Nội vào ngày 16/4/1970. Dưới đây là một bài trong chùm thơ ông để lại:

                                      Quần áo cởi ra,

                                  em bắt đầu thon thả

                Quần áo cởi ra, em bắt đầu thon thả

                thân hình em – bài ca thơm ngát hoa hồng

                bay lên từ những xoắn vòng cái váy

                như mây bông cặp tuyết lê rung rung

                hướng bàn tay anh dò tìm ve vuốt

                từ chiếc quần hoa, cặp đùi, cười sặc sụa

                Những cây sậy mầu nâu óng ánh ngả nghiêng

                từ nơi ẩn nấp mười ngón tay cười anh

                - Anh nhìn gì? - Cứ trân trân, hau háu

                trên bờ mắt anh run run nhìn trộm

                cô gái kia đang trút bỏ áo quần

                khi bắt đầu lộ ra thon thả dáng hình.

Rất may là bài thơ bây giờ mới được Vũ Trọng Cân cho công bố trên báo Văn nghệ số 37, ngày 16/9/2017 vừa qua, khi lớp nhà văn cao tuổi nước ta hầu như đã qua đời cả rồi. Chứ nếu in ngay sau khi tác giả bài thơ đột ngột mất, thì rất có thể Hà Nội ngày ấy lại xẩy ra thêm một vụ đột tử nữa. Bởi vì trước đây chỉ trông thấy một chút ngực của người đàn bà để hở, mà bộ phim nhiều triệu đồng đã bị cấm. Vậy thì khi đọc thấy hình ảnh người con gái trần truồng, cùng người con trai  “ẩn nấp” ở trong lau sậy, chắc gì nhà văn TH đã không bị đột tử?

Về nhà văn này, thiết nghĩ ông (hay bà) ta còn đến hai trường hợp gặp may nữa. Người viết xin được kể tiếp:

Lần thứ nhất. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quyển XV, Kỷ Nhà Lê – Tương Dực Đế. Sử gia Ngô Sỹ Liên ghi: “…Vua sai bọn nữ sử cởi truồng chèo thuyền ở Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm thich lắm…”.

Đó là chuyện thời xưa, cách đây đã hơn 500 năm, tưởng chẳng liên quan gì đến thời bây giờ. Nhưng không! Bài học lịch sử đó, cả quá khứ, hiện tại và tương lai các thế hệ học sinh người Việt đều phải học. Nhưng chẳng hiểu sao TH lại không được học? Vì nếu được học, biết nước mình có ông vua thích xem đàn bà cởi truồng chèo thuyền, thì chắc gì cậu hay cô học sinh TH ngày ấy đã tránh được cú sốc đột ngột quá mạnh, có thể dẫn đến tai biến hoặc tử vong? Cho nên chúng ta có thể xem đó là lần may đầu tiên của TH vậy.

Lần may thứ hai:

Năm 1988, lần đầu tiên nước ta tổ chức thi Hoa hậu, do Báo Tiền Phong khởi xướng. Vòng thi đầu tiên là Vòng sơ loại. Hội đồng Giám khảo xem xét hồ sơ các thí sinh để sàng lọc. Những người vượt qua được Vòng sơ loại ban đầu, được đi tiếp vào Vòng sơ khảo. Tại vòng này, Hội đồng Giám khảo trực tiếp gặp và tuyển chọn những ứng viên nổi bật nhất. Người ta đo chiều cao, đo vòng ngực, vòng eo và vòng hông các thí sinh. Số người vượt qua được vòng sơ khảo (khoảng 40 người) sẽ được tham dự Vòng chung kết.

Đêm chung kết, các thí sinh trình diễn ba loại trang phục: trang phục Áo dài, trang phục Áo tắm và trang phục Dạ hội. Cuối cùng còn lại năm thí sinh xuất sắc nhất, tiêu biểu cho nhan sắc Việt Nam, sẽ thi phần Ứng xử, để chọn Hoa hậu và các Á hậu…

Năm đó, chẳng biết nhà văn TH của chúng ta có còn tại vị không, hay đã nghỉ hưu? Hay (nói dại, đổ xuống sông, xuống bể)…người đã đi theo cụ Mac, cụ Lê lên “Thế giới đại đồng” rồi? Song dù trường hợp nào (về hưu hay nói dại), thì cũng đều là may cả. Bởi vì nếu còn tại vị, là quan chức trong ngành văn hoá, văn nghệ, chắc chắn TH sẽ phải ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Giám khảo. Mà đã ngồi vào cái ghế ấy, khi duyệt tiết mục các thí sinh trình diễn trang phục Áo tắm, cả 40 tấm thân con gái trẻ trung ngồn ngộn, loã lồ với vài mảnh vải nhỏ bé như chiêc lá đa úp lên bộ phận kín thì…

Thì lúc đó có hai khả năng sẽ xẩy ra. Một là vị Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, vốn là nhà văn có tâm hồn đa cảm nên bị sốc, bị đột quỵ, tắc mạch máu não, dẫn đến tử vong! Hai là sau cú sốc, nạn nhân được cứu chữa. chỉ bị méo mồm, nói năng chậm chạp. Nhưng nền văn hoá nước nhà lại có thêm một cái lệnh cấm nữa được ban ra. Như trước đây đã ban ra lệnh cấm: “Con nai đen” (của Nguyễn Đình Thi). Cấm “Cửa mở” (của Việt Phương). Cấm “Vào đời” (của Hà Minh Tuân). Cấm “Đống rác cũ” (của Nguyễn Công Hoan). Cấm “Tình rừng” (của Nguyễn Tuân). Cấm “Bên kia sông Đuốn” (của Hoàng Cầm). Cấm “Cổng tỉnh” (của Trần Dần). Cấm “Ông bình vôi” (của Lê Đạt). Cấm “Tây tiến” (của Quang Dũng). Cấm “Mầu tím hoa sim” (của Hữu Loan). Cấm “Lời mẹ dặn” (của Phùng Quán). Cấm “Con ngựa già của chúa Trịnh” (của Phùng Cung). Cấm “Cây táo ông Lành” (của Hoàng Cát). Cấm “Báo Trăm Hoa” (của Nguyễn Bính). Cấm “Đuổi đám mây mù” (cuả Tạ Hữu Thiện). Cấm “Nhạc vàng” (của các nhạc sĩ tiền chiến). Rồi cấm cả “quần loe”. Cấm “tóc dài”. Cấm nghe “đài địch”. Cấm…Cấm…Cấm…!

Và cái lệnh cấm mới đó là cấm tổ chức thi Hoa hậu. Vì, ta là nước Xã hội chủ nghĩa, dù đã mở cửa hội nhập với thế giới, nhưng chế độ XHCN không cho phép bất cứ cá nhân hay tổ chức nào được quyền tổ chức thi hoa hậu, nhưng thực chất là để kinh doanh thu lợi nhuận trên thân thể chị em Phụ nữ như các nước tư bản. Hoặc giả, nếu vì nhu cầu hội nhập quốc tế cần sâu rộng. thì cũng có thể được tổ chức thi hoa hậu, nhưng tuyệt đối cấm tiết mục trình diễn Áo tắm, trong đêm chung kết.

                                                     *

                                                  *     *

Trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân loại, có rất nhiều danh nhân, học giả đã đúc kết, sáng tạo ra những câu danh ngôn rất có giá trị, và được lưu truyền mãi mãi trong dân gian. Có câu ghi tên tác giả, nhưng cũng có câu khuyết danh như : “Thân thể người đàn bà chỉ trở nên nhục dục trong mắt kẻ suy đồi”.

Nếu câu danh ngôn này đúng, chẳng hoá ra nhà văn TH của chúng ta là một kẻ suy đồi ư?./.

 

                                            TP. Uông Bí, ngày,22/9/2017

                                                        Tạ Hữu Đỉnh     

 

 

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền