*M 2- Song Sinh (Truyện Ngắn) Nhà Văn Miêng (France)

 

Nhà Văn Miêng

 

 

SONG SINH

 

Như thường lệ,  tôi  đứng  dang chân dang tay  trên  tấm ván, miệng cười thật tươi kiểu sẵn sàng đón tiếp người yêu.

Nhưng đêm  nay có điều gì  khiến tôi xốn xang  bứt rứt vô cùng.

Trong tích tắc, tôi ao ước  phải chi mình được nhắm mắt nghỉ ngơi  chốc lát. Thói  quen phải sắp  nụ cười thật  duyên dáng  luôn luôn  bắt tôi  chôn mọi  ưu tư  khác xuống tận đáy lòng. Tất cả những gì dưới lớp da bụng trùng xuống, tan ra, còn  lại trong tôi nỗi trống  trải bàng hoàng, lo âu vô cớ.  Miệng tôi vẫn cười, tay chân vẫn dang rộng trên tấm ván,  mắt vẫn mở to nhìn xuống  đám thực khách Paris dư dả đến đây ăn uống xài tiền, mà lòng thì không cảm thấy gì  ngoài nỗi hoảng loạn không tả xiết.

 Tiếng vỗ tay  rầm rộ khi ông chủ vừa  bước ra, tiếng cười nói và tiếng muỗng nĩa như xé nát lòng tôi. Ông cúi chào khán giả với cái chào nghề nghiệp  và bỗng dưng, tôi lạnh cả người khi tưởng  tượng rằng nếu một  trong những con dao  mà ông sẽ ném chung quanh thân tôi như mọi  lần, có một con vô tình hay cố ý đi lạc ?

 Ông chủ nhận con dao thứ nhất từ tay anh phụ việc, với vẻ ung dung hình như  hơn thường lệ. Và ông nhìn  tôi. Tôi cũng nhìn ông ta.  Thời gian đọng  lại và giữa hai  cái nhìn, không gian vừa gần gũi vừa bao la kỳ dị. Ông lui một bước. Bằng động tác nhanh  nhẹn, ngoạn mục và dẻo dai,  con dao thứ nhất bay  đi cắm  bên cánh  tay  phải  tôi giữa  tiếng vỗ  tay tán thưởng. Có  tất cả mười lăm  con dao và lần  nào, tôi cũng tự nhủ con  này đây sẽ  phập vào tay mình tựa  Chúa bị đóng đinh, con  này đây sẽ phập  vào trán mình, con  này đây sẽ phập vào tim mình...

 Cho đến con dao cuối cùng, sẽ bay tới cắm vào kẽ hở giữa hai đùi, cái nhìn  rất lạnh của ông  chủ khi thấy tôi  cười vui vẻ với anh nhạc  công cách đây hai  hôm, bỗng sắc  nét hơn trong trí nhớ.  Tôi biết ông ta  không hài lòng mảy  may. Ông không muốn tôi  vui cười với  ai cả, trừ  với ông thôi, nhất là khi  không có bà  chủ bên cạnh.  Và tôi mặc  nhiên chấp nhận điều này, cố quên là bên trong lồng ngực còn có con tim vẫn đập, bởi vì thân thể tôi cũng cần ngày ăn hai bữa, cũng cần áo quần đẹp đẽ lên sân khấu, và cần nhiều hơn để trả tiền cho trung tâm nuôi người khuyết tật tâm thần ở miền Nam nước Pháp.

 Tôi chờ đợi  con dao cuối cùng lao tới, tự nhủ thầm không được run, bởi cử động nào dù nhỏ trong giờ phút này cũng có  thể gây ra  tai nạn. Hai  chân tôi không vững lắm. Tôi  có cảm tưởng mình  sắp khuỵu xuống, chới  với, lung lay. Tôi  muốn rút hai tay khỏi vòng dao,  ôm ngang ngực ghì thật chặt.  Tôi muốn gục đầu xuống, nhìn sâu vào lòng để  tìm xem điều gì đã  khiến mình bải hoải lo  âu đến thế.  Tôi muốn  khóc một  lát. Tôi  muốn nói  cái gì đó. Tôi muốn... Nhưng  vẫn bất động, miệng vẫn giữ  nụ cười  không biết có  méo mó lệch lạc không.  Giây phút cuối này kéo dài như vô cùng. Bất giác tôi cầu nguyện, hy vọng con dao không tim,  không  tình người, nhưng ông  chủ thì có. Và ông ta còn  sự nghiệp phải bảo vệ. Nếu ông cố ý ném vào  phần thân thể ấy, cội nguồn sự sống, cố gây thương tích để trừng phạt rằng ngoài ông ra, tôi không được phép làm quen với ai khác nữa, thì cuối cùng ông sẽ được gì hơn ? Mắt tôi tìm  mắt ông ta với cái nhìn cầu khẩn, nhún nhường và cố tạo  niềm âu yếm ngọt ngào. Nhưng không thấy, ông ta mải làm vài cử chỉ cho thêm phần hấp dẫn, cho khán giả hồi hộp hơn trước khi kết thúc. Tôi bỗng sợ hãi lạ lùng.

 Tiếng  huýt sáo nổi lên  làm tôi tê liệt,  nghĩ đến những trò chơi  vô đạo thời La  Mã. Người ta vừa  huýt sáo với ngón tay cái chĩa xuống  đất, bảo hạ nó đi hạ nó đi,  phải không ?

Mặt mày đám thực khách trông dữ dằn đanh đá.  Rồi nhiều tiếng huýt sáo, nhiều tiếng  la man rợ  của dân tiền sử  vang vang khắp phòng.  Anh đèn chớp nháy  khi mờ khi tỏ ánh  mắt tử thần  cố tình trêu ngươi  đồng loã với cảnh trạng  vô tâm bạc bẽo.   Một nỗi chua  xót  cày xới lòng  tôi.  Một nỗi bức xúc mãnh  liệt quằn quại châm  cay điếng đôi mắt.  Ðầu óc tôi cuồng loạn.  Tim tôi dại đi.  Và kìa, con dao  cuối cùng. Sao trông nó sáng quắc đến lạ lùng  vậy, mũi dao nhọn hoắc đe doạ sống sượng. Và ông chủ,  nụ cười trông sao mà đểu, đôi mắt rực ánh lửa  quái gở khát  máu, bàn tay mềm mại vẫn sờ soạng khắp thân tôi cho đê mê nhục cảm cuồng loạn dâng trào,  bỗng  nổi đầy gân đồ  tể. Lăm le con  dao cuối cùng trong tay,  ông ta  quay lại,  và với nụ  cười khó  lòng định nghĩa, ông nhìn tôi rất nhanh rồi dang tay ném... Ðúng vào lúc con dao tung ra và trong cái hỉ hả điên cuồng  của thực khách, bụng tôi  buốt lên. Vô  thức, tôi rú thất thanh, nhắm  nghiền mắt lại rồi  đổ xuống hệt  thân cây bị chặt...

 x  Giọng bà  giám đốc trung  tâm đều đều  với những âm  tiết đặc biệt miền Nam  nước Pháp làm tôi buồn ngủ.  Tôi thèm được ngủ chốc lát. Những gì dù giản dị  nhất, đối với tôi sao vẫn cứ là niềm ao ước. Tôi mệt mỏi quá, cả tinh thần lẫn thể xác.

 Tôi nhìn  mông lung ra cửa  sổ, hình dung lại  thân hình tiều tụy xanh xao của chị mình vẫn thường ngồi trên bãi cỏ với cái nhìn vô  cảm, xa vắng. Lần  cuối tôi xuống thăm  cách đây bảy tháng, vào một ngày mùa thu  gió hiu hiu thổi tóc chị vướng víu lên nét mặt cẩm thạch  nhợt nhạt. Mặt trời buổi chiều còn rực đỏ cũng không đem lại cho  chị chút sinh khí nào. Chị tôi ngồi đó, giữa những chiếc lá úa nhặt hoài không biết mỏi tay.

Trên bãi cỏ cắt xén với hai bìa đầy các loại hoa, chị tôi như  thứ đồ chơi nhân tạo vụng về, vô hồn chỉ làm rối mắt. Tôi đến bên  cạnh gọi chị,  cố nhắc nhở  sự  hiện diện của mình, cô em song sinh. Nhưng chị không nhìn. Tôi như một chiếc lá chị vừa nhặt, để bên cạnh, không hề quan tâm tới nữa. Mắt  chị ngó đâu đâu,  nhìn không thấy.  Môi chị mấp máy, nói không lời.

 Suốt  buổi chiều  ngồi nhìn  chị mình  với những  trò chơi vô nghĩa, với  cái đầu không còn gì lại  bên trong, tôi hiểu phải  tự sắp đặt tình  cảm mình  khác đi. Chị có thế giới  của chị mà  tôi không có  chìa khoá để  vào. Và tôi không còn gì trong chị. Như vậy tốt hơn.

 - Chỉ là  cơn sốt xoàng. Tối  qua chị cô không chịu ăn gì, chỉ uống cốc nước. Khoảng  mười giờ, nghe tiếng  lục đục trong phòng, cô y tá tới xem...

 Mười giờ ? Giờ đó tôi đang đau nhói vì lo sợ con dao cuối cùng. Sáng nay thức dậy, tôi  sờ mó khắp thân thể  và ngạc nhiên  thú vị không tìm  thấy vết thương  nào, trừ  cảm giác rần  rật khắp người của đàn kiến đang gặm nhấm. Người ta nói bác sĩ bảo  tôi có trái tim mệt mỏi  của  người đứng tuổi. Bà chủ ái ngại  báo tin  trung tâm  dành  cho người khuyết tật tâm thần nhắn tôi xuống gấp. Và tôi đi. Một mình.

 - ... thấy chị cô đang xếp các hình puzzle.

 Rồi bà mỉm nụ cười trang trọng :  -  Cũng lạ, bao nhiêu năm nay rồi cô ấy không hề đụng tới nó, và đó là cái duy nhất cô ấy không vứt đi.

 A, chơi puzzle.  Món quà Mẹ  mua cho hai đứa  trong ngày sinh nhựt lên mười. Hình puzzle với cái hoa hướng dương vàng tươi có hai nhụy. Hôm đó Mẹ hỏi  một  nhụy có con sâu và một nhụy  không, thích mua cái nào. Chị  tôi thích nhụy có sâu, tôi thì không. Mẹ bảo :  - Ai cũng nói chị em sinh đôi giống nhau từng chút mà hai đứa bây lại khác nhau từng chút.

 Mẹ bảo  tôi ra sau chị khoảng mười  phút. Và khi bắt đầu biết nhìn, mắt tôi láo liên  tìm kiếm trong khi chị dửng dưng không thèm nhìn tôi mãi gần  cả năm trời. Không bao giờ chúng tôi đòi bú hay la khóc cùng lúc. Và từ tuổi lên ba, trong mọi cử  chỉ tôi nghiễm  nhiên luôn luôn  là người bảo  vệ chị mình. Có  cái duy nhất chúng  tôi cùng thích như  nhau là hoa hướng dương, thì đấy, lại có cái nhụy phải khác đi. Mẹ mua cả  hai. Mỗi lần tôi sắp  gần xong thì chừa miếng cuối cùng  cho chị lắp  cái nhụy có  sâu. Nếu chị sắp thì chừa chỗ cho tôi lắp cái nhụy không sâu...

 - Rồi lát sau chị cô ra đi nhẹ nhàng như mơ.

 Bà nhìn tôi, nói khẽ khàng chẳng khác lời tạ tội :  - Chúng tôi vẫn giữ nguyên cái hình puzzle  chị cô đã sắp đêm qua.

 Ngày hôm sau  chị tôi vĩnh viễn nằm trong chiếc giường đất êm ái bao dung. Trước khi đặt vào quan tài món quà sinh nhựt năm hai đứa lên mười,  tôi run rẩy lắp vào miếng cuối cùng mà chị luôn luôn dành lại cho tôi. Lần này, mọi miếng rời rạc đều được dán chặt với nhau bằng tất cả tình yêu và nước mắt.

 

   MIENG Paris, 10 Sept., 1996.

Nguồn ămvc. Fr

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền