*MN 4- Đêm Rượu Đợi (Truyện Ngắn ) Nhà Văn Mai Ninh (Paris - France)

 

Nhà Văn Mai Ninh

 

 

Ðêm Rượu Đợi

 

Chẳng lẽ bao năm sau tôi vẫn phải chịu đựng cùng cảm giác đứng ngồi không yên, bồn chồn quay quắt, khi đợi chờ Luân. Nắng rưng rưng trên vùng cỏ dưới thung lũng, cạnh rừng cây vương víu ánh lá vàng. Những cây thông sừng sững vươn cao bên sườn núi, vời vợi và an bình. Thế mà hồn tôi cứ lao đao, tim chừng như khi đập khi ngừng, từ sáng sớm mở mắt cho đến bây giờ, buổi chiều. Buổi chiều reo leng keng tiếng lục lạc của bầy dê be be về ngang qua bên kia đường mòn. Ba giờ, chuông nhà thờ của ngôi làng nhỏ thấp thoáng sau rặng thông đang đổ hồi. Trời sẽ sẫm dần, ngày gần hết. Mãi bảy giờ Luân mới tới bằng chuyến tàu cuối. Người đàn ông dưới thung lũng đã cam đoan chỉ ba mươi phút đủ để xe đổ xuống nhà ga. Nhưng không, tôi sẽ đi trước một giờ. Con đường từ trên đồi này về thị trấn có mấy khúc vòng, quanh co qua khu rừng ẩm ướt. Và biết đâu, nếu chùng chình tới trễ, tôi sẽ không được ôm ghì lấy Luân khi chàng vừa bước khỏi bực toa tàu. Mà hay là...hãy để Luân tìm kiếm, cho đáng tội những ngày xưa tôi đã phải truy tìm Luân trong từng giờ của ngày thực, trong từng phút của đêm mơ.

Hai ngày trước, khi tôi lên đến đây, trời đổ cơn mưa tuyết. Tuyết rơi không dầy nhưng lả tả cho tới sáng hôm qua. May thay người đàn ông gù lưng phụ trách giao nhà đã đem về những vật dụng tôi định sẽ xuống phố mua sau. Cái dáng dấp hơi khòm, nhưng cặp mắt linh động, hai cánh mũi đập liên hồi làm mới đầu tôi dè chừng ngần ngại. Trái lại giọng nói lắp bắp và bàn tay thỉnh thoảng vuốt xuôi những sợi tóc vàng, lộ ra sự hiền lành có chút gì thơ trẻ. Dù gương mặt sạm nâu với vài nếp gấp đây đó, tôi đoán chừng tuổi ông ta không nhiều lắm. Tôi có hơi ngượng ngập. Ðấy là người đàn ông đầu tiên đã nhìn tôi thẳng thừng từ đầu đến chân, dẫu là mới gặp. Sau cái nhìn đó, ông ta lặng thinh đi mở tung những cánh cửa sổ của ba căn phòng thông nhau, phòng khách, phòng ăn và nhà bếp. Bỏ mặc tôi đứng lại nơi cái cửa ra vào làm bằng những kính nhà thờ nổi hoa màu rực rỡ. Từ đó nhìn thẳng vào chiếc bàn ăn lớn. Sau bàn ăn là cửa mở ra vườn. Những nụ hoa tuyết bay lửng lơ qua từng nhánh cây trụi lá. Người đàn ông tiếp tục đẩy cửa vào hành lang bên kia, chắc là phòng ngủ và nhà tắm. Tôi gỡ găng tay và mũ len bỏ trên mặt bàn, đến gần cửa sổ. Khu vườn phía sau dài tới triền đá. Trên những phiến nham thạch, mọc từng chùm dương xỉ xanh ẻo lả chen lẫn với một thứ hoa leo vàng thắm. Không hiểu hoa gì mà bất chấp cả cái lạnh mùa đông. Tuyết phủ trắng sân cỏ, lộ những cây hồng khẳng khiu và mấy bụi anh túc cầu khoe thân trơ trọi. Hai con chim ác là đuổi nhau vụt xuống từ mái nhà, oác miệng kêu canh cách thật chói tai, rồi chao xà đậu lại. Cặp cánh khoang trắng trên toàn thân đen thẵm với cái đuôi dài ngúng nguẩy. Hai con rúc rúc vào nhau trên phiến đá. Tôi chợt nhận ra đó là tấm bia một ngôi mộ nằm sau cây nguyệt quế.

- Bà ấy chết...chết cách đây năm năm. Người đàn ông trở ra từ lúc nào, tiếng hơi đục và nhỏ.

- À, ờ, chủ nhà này?

- Hình...hình bà ấy đó.

Tôi ngoảnh nhìn tấm chân dung sơn dầu choáng cả bề ngang trên bờ tường lò sưởi. Ánh sáng ban ngày không chiếu vào tận nơi. Nhưng tôi đủ rùng mình trước tia mắt biếc. Bà ta đang nhìn tôi như hỏi nhỏ tôi là ai, từ đâu đến, với hai vành môi hơi nhếch lên tựa mỉm cười. Vài sợi tóc màu hạt dẻ, không tóm hết ra sau, buông thả che một bên má bầu bĩnh. Bức tranh bán thân chỉ lộ bờ vai và manh áo mỏng màu ngà giản dị. Tôi nghe tiếng thở sau mình. Người đàn ông cũng đang ngửng nhìn bà ta đăm đắm. Hai con chim ngoài vườn lại toang lên tiếng kêu như mảnh sành vỡ. Ông ta giật mình, ngượng nghịu phác một vòng tay rồi đi ra cửa, ấp úng hẹn sẽ xuống thị trấn mua cho tôi mấy thứ cần thiết và con gà trống thiến.

Thế là từ đầu buổi chiều hôm nay, người đàn bà trên lò sưởi tha hồ theo giõi từng công việc tôi làm trong khi chờ Luân. Khuôn mặt dịu dàng ấy chắc chắn không soi mói, nhưng hẳn diễu cợt điệu bộ tôi đi ra đi vào nôn nao, bần thần bất chợt. Cầm khăn lau bụi những đóa hoa khô đã bất tử trong chiếc bình sứ trắng. Mở ngăn kéo lôi ra tấm khăn bàn màu ngà, trải lên. Rồi lại nghĩ, hơi nhạt hơi buồn. Trong căn nhà này, người đàn bà ấy chỉ dùng một màu trắng và xanh dịu, thỉnh thoảng điểm vài nốt vàng đậm hướng dương. Lại cất đi, lôi ra tấm khác. Chắc Luân thích màu đỏ tím lịm này hơn, nó sẽ ấm cúng với ly tách trong suốt cho bữa ăn tối nay. Bà có nghĩ thế không? Ngày xưa Luân thường mặc áo màu đậm trên quần nhạt dù trời xứ tôi mưa gần hết cả năm. Trải khăn xong, tôi dọn đĩa dao muỗng nĩa. Tôi bày những cái ly uống rượu, thon cao, tròn thấp. Champagne sẽ sủi bọt vàng lân tinh. Vang đỏ thắm đẫm như máu sẽ dội từng hồi tới tấp trong tim tôi, khi Luân ngồi trước mặt. Ngần này năm tháng đi qua trong đời. Hẳn bà cũng biết, đã bao lần tôi bày những bàn ăn. Ðây chẳng phải lần đầu. Những bàn ăn cho đông người và những bàn ăn chỉ riêng tôi đối diện với một người đàn ông nào đó đi qua đời sống mình, tình cờ hay thiết yếu. Nhưng chỉ có lần này tôi lúng túng băn khoăn.

Con gà đã bỏ vào lò đang bốc mùi thơm. Ồ, đã đến lúc phải thêm vào bên cạnh những quả dẻ tây và một chút nho ngâm cognac. Ðáng lẽ chỉ nên quay gà một giờ trước bữa ăn. Nhưng bà hiểu cho, tôi muốn dành trọn thời gian và hồn mình cho sự có mặt của Luân khi chàng đến. Luân hẳn không thích căn phòng này ngợp mùi thức ăn đang nấu. Món gà cổ truyền cho đêm nay không khô mất đâu. Tôi sẽ tắt lò sớm và canh chừng rưới lên đó từng thìa nước sốt. Nó cũng giúp tôi bớt đi nôn nóng của một sự đợi chờ. Tựa đã suốt qua, gần nửa đời tôi thiếu phụ. Năm xưa, tôi ngồi bên này sân mở to mắt nhìn qua hàng rào vắt leo những dây hoa ti-gôn hồng. Thấp thỏm mong dáng Luân dắt xe vào bên kia sân nhà ông bác. Luân dựng xe cười rất tươi. Chị Thư đứng bên mành trúc ở cửa ra. Luôn luôn yểu điệu và kênh kiệu, chị chẳng bao giờ là người chạy đến trước. Tim tôi nhói đau mỗi lần. Luân đến cạnh chị Thư, tay bóp nhẹ vai chị nhưng mắt nhìn sâu hút. Vâng, làm sao tôi thấy rõ được gì qua cành lá của hàng rào ngăn hai sân nhà thân thuộc. Tôi chỉ khổ sở mường tượng ra cái nhìn ấy. Nhưng bà biết đấy, sự tưởng tượng thường làm người ta đau đớn hơn những điều có thực.

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Người đàn ông dưới thung lũng đã trở lên, ôm một cây thông nhỏ sực thơm mùi nhựa mới cắt. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta đặt nó xuống đất, chạy ra hông nhà cầm vào một cái xô đầy cát. Vẫn trong sự im lặng như thế, tôi và ông cắm cây thông vào xô cát đặt trong một góc phòng. Dưới đôi mắt chăm chú của người thiếu phụ chủ nhân. Tôi nghĩ thầm, thế là phải đi sớm hơn nữa, để mua ít thứ về trang trí cây thông. Nhưng rõ ràng, người đàn ông này không ngừng làm tôi ngạc nhiên. Ông ta mở một ngăn kéo, lôi ra bao nhiêu quả chuông bạc và những ngôi sao long lanh kim nhũ. Trước vẻ mặt tôi, ông giải thích:

- Tôi...tôi đã dọn...dọn cất mấy thứ này. Chợt giọng nhỏ lại như nói một mình.

- Khi...khi...bà ấy mất, cây vẫn còn...còn tươi tới mấy tháng sau.

Tôi qùi trên sàn, cùng với người đàn ông treo những ngôi sao và chuông bạc vào từng nhánh thông. Tôi sẽ mua thêm nhiều ngọn nến. Sẽ thắp sáng đêm nay để rực thêm màu mắt người đàn bà trong tranh. Và tôi sẽ nói với Luân, khi em rời khỏi nơi này cây còn xanh mãi.

 

*

Căn phòng ngủ vàng nhạt với giường tủ màu gỗ thẫm nhưng không cầu kỳ. Tôi thích cả một khung cửa lớn nhìn xuống thung lũng và chiếc bàn phấn thấp dài có tấm gương to hình bán nguyệt. Tất cả được xếp đặt gọn ghẽ, nhưng rất tự nhiên như vẫn có người sống trong căn phòng này tự bấy lâu nay. Còn chiếc áo khoác bằng lụa dầy trên mắc, còn đôi dép nhung thêu dưới chân giường và cái bật lửa cùng hộp mù xoa giấy trên bàn ngủ. Tối hôm qua tôi đã mở một ngăn tủ lấy ra chăn gối. Tự nhiên tôi dè dặt ngại ngần. Hình như mình đang xâm phạm vào những gì riêng tư của người thiếu phụ. Tôi hít hà những tấm ra thoang thoảng mùi la-văng miền núi.

Ðã năm giờ hơn. Phải sửa soạn đi đón Luân thôi. Tôi ngồi xuống trước bàn phấn với cái giỏ đựng đồ trang điểm. Vừa mới tắm xong, những sợi tóc sấy khô bung lên khiến khuôn mặt đầy đặn hơn. Tôi nhìn mình trong gương. Có cần không, trang điểm? Da mặt vẫn đủ mịn. Mắt đủ to và chân mày chẳng cần thêm nét vẽ. Má vẫn đủ hồng. Lần đầu tôi và Luân gặp lại nhau sau nhiều năm trời biền biệt, tôi cũng chỉ thế này. Nhưng tôi không thể quên ánh mắt Luân vừa ngỡ ngàng vừa đằm thắm. Cũng cùng cái nhìn tha thiết thuần phục ấy, tôi đã quặn đau gan ruột khi nó chỉ hướng về chị Thư, năm tôi mười sáu tuổi.

Chị Thư năm nay mười chín, đẹp rực rỡ. Cổng nhà bác tôi sáng tối bình bịch, ken két tiếng đỗ xe, tiếng chuông réo gọi, tiếng người đưa thư. Tiếng con bé người làm càu nhàu ngái ngủ, phải ra mở cửa giữa giấc trưa. Hai bác tôi chỉ có chị Thư và một cậu con trai bằng tuổi tôi nên chìu con bất khả tư nghì. Chị là thiên kim tiểu thư của cả họ. Tôi còn đầy vẻ trẻ con, lép vế đứng sau. Nhưng trước khi Luân xuất hiện, tôi chẳng nề hà chi chuyện đó. Tôi thán phục vô điều kiện, thương chị Thư hồn nhiên vì chị tuy điệu bộ khó khăn cũng chỉ yêu chìu có một mình tôi. Nhiều khuya, tôi đã mặc áo ngủ còn lẻn sang nhà chị, chui vào giường bắt chị kể chuyện. Chị Thư kể rất hay, từ xi- nê ca nhạc, tiểu thuyết truyện tình. Rồi bao giờ cũng kết thúc bằng chuyện của chính mình, anh chàng này và anh chàng nọ. Chị đọc thư họ cho tôi nghe, cười khanh khách. Lấy giọng ngô nghê, diễu cợt những tán tỉnh của họ, rất khôi hài, khiến tôi co người như tôm, ôm bụng cười. Rồi ngủ quên trên cánh tay chị.

Cứ thế, cho đến khi chị quen Luân là mọi điều đổi khác. Là bỗng chốc tôi rơi từ không gian cao vời thanh thản vào vũng sâu của đớn đau trầm uất. Dù tôi đã vận dụng tất cả trí khôn, lý luận xác đáng của tổng cộng mười sáu năm sống trên mặt đất. Nhiều nhõi gì mười sáu năm ! nhưng với tất cả nghị lực, để làm con chim non từ đáy vực cố cất cánh bay lên. Chị Thư chẳng dự phần gì. Chỉ là do tôi. Chỉ là ở cái dáng dấp cao, lững thững của Luân. Chỉ là mắt Luân vừa ánh thơ trẻ vừa mời mọc, mang chút gì, mà một lần tôi nghe cô bạn chị Thư bĩu môi gọi là đĩ thỏa. Và cũng vì lúc Luân mở miệng cười, người đối diện sẽ tưởng rằng anh đang cho đi tất cả. Không, chưa hết. Còn những bức tranh Luân, màu sắc của lửa và của nước, dù thuở ấy tôi nào biết gì về hội họa. Chẳng như chị Thư, treo đầy tường những bức tranh Luân tặng rồi ung dung ngồi nghe mọi người thán phục tài năng của người yêu. Tôi dành dụm tiền mua sách về hội họa đọc thay tiểu thuyết. Tôi gửi chiếc solex cho tên giữ xe bên vỉa hè, một mình, can đảm bước vào những phòng triển lãm. Lặng lẽ ngắm nghiá, chịu đựng những cái nhìn tò mò lẫn xem thường: - Con bé con ấy biết gì!

Dù chẳng cần trang điểm, tôi vẫn phải bôi son. Theo thói quen, và nếu không môi sẽ tái đi, ngoài kia trời rất lạnh. Tôi với sắc tay, tìm. Bất chợt nhìn vào cái đĩa mây trên bàn phấn đựng những cây son nhiều màu. Tôi cầm lên, mở nắp, quay quay từng thỏi một. Mấy năm rồi mà son vẫn chưa khô. Thử màu gì đây? Hồng nhung ư? Trên da trắng, chẳng khác gì geisha! Lie de vin, cặn rượu chát? Có lẽ được. Không, hơi buồn cho đêm nay. Trời đang mù dần, xám đục thế này là sẽ tuyết. Ðỏ cam hay fushia chăng, làng chơi quá! Tôi ngửng nhìn trong gương, rồi cúi xuống đổ ào cả đĩa son lên mặt bàn phấn. Tôi biết rồi, phải tìm ra màu hồng, màu hồng ngả gỗ trầm mịn màng của chị Thư. Ðây, đây, màu này chị Thư thoa mỗi ngày, ngay cả hôm đám cưới. Chị hôn Luân với màu son này. Luân cười kỳ diệu trước mọi người với nét môi chị uốn cong để lại trên gò má. Tôi cầm thỏi son quẹt những nét mạnh lên môi. Tôi không vẽ viền trước, cũng chẳng thèm dùng bút lông thoa cho đều. Tôi chỉ muốn xem ngay, môi mình có thắm như chị Thư. Cuối cùng, tôi ném thẳng thỏi son hồng của người thiếu phụ xuống thảm, ngẩn người nhìn một bộ mặt lem luốc hiện ra trong tấm kính. Nó đấy, con bé Yên mười sáu tuổi tập tễnh trang điểm. Tập tễnh bôi má hồng, đánh môi son cho giống chị Thư. Nhưng chẳng bao giờ giống được. Con bé tuyệt vọng. Tức tưởi quệt ngang dọc màu mè lên gương mặt thơ ngây nhoè nhoẹt nước mắt trong căn phòng lặng lẽ. Tôi nhớ chứ, lúc ấy bên kia rặng hoa ti-gôn, chị Thư và Luân đang làm lễ tơ hồng.

 

*

Giờ này không còn mấy xe cộ trên đường núi. Trời đã tối. Khi ngang qua làng, tôi thoáng thấy người đàn ông đang khuân những khúc củi khô vào nhà. Ông ta một mình, hay sống với ai? Nếu không sợ trễ giờ, tôi thật muốn bước vào căn nhà nhỏ ấy, có những cánh cửa sơn xanh rất lạ. Người đàn ông này đem đến cảm giác bí ẩn nhưng bảo bọc và đồng lõa. Dường như ông ta biết rõ tôi, như từng biết người thiếu phụ trong tranh.

Tôi mải mê với những suy nghĩ mông lung, suýt không nhìn thấy sau khúc đường cong, một chiếc xe chở gỗ lừng lững đậu ngang, chắn gần hết mặt đường. Tôi rọi đèn pha, trên xe không có ai. Một phút, rồi hai ba, năm bảy. Tôi bấm còi tin tin. Vẫn thế. Tôi sốt ruột nhìn đồng hồ, rồi thẳng tay dộng còi trên tay lái. Chẳng có ai đằng trước đằng sau cho tôi cầu cứu. Tuyết bất ngờ rơi nhiều hơn, không tan nổi trên đầu xe vẫn nóng. Từ dưới xa, dường như vọng tiếng tàu đã vào sân ga. Tôi bật khóc. Mãi lâu sau, người tài xế mới trở lên cùng chiếc xe câu. Và tôi lao xuống đường đèo mù mịt như bay vào hư vô, không sức cản. Chung quanh nhà ga chẳng còn mấy người qua lại. Hơn bảy rưỡi rồi. Những chuyến tàu về các ga nhỏ tối nay ngừng sớm. Mắt tôi mờ đi vì tuyết và nước mắt. Không thấy Luân trước cửa nhà ga, tôi chạy vòng vài con đường chính của thị trấn. Các cửa hiệu vẫn còn sáng đèn hoa đăng, và nhạc đang reo những tiếng chuông thánh thót. Mấy đứa bé chúi giầy ủng, đá tung lớp tuyết đã đọng kín đường đi, cười thích thú. Người đi người lại hối hả vào giờ phút cuối, tay xách nách mang những gói quà đủ màu, những túi giỏ nặng trĩu. Cửa hiệu rồi cũng sắp đóng. Mọi người sẽ trở về mái ấm của họ, chờ đêm thánh. Còn tôi, còn Luân. Luân đang ở đâu? Sao anh không bất chợt trờ ra, như hôm ấy, từ cửa hiệu thuốc lá khi tôi đang loay hoay lục tìm mấy đồng bạc cắc để bỏ vào cột đậu xe. Trên vỉa hè phố nắng đó, tôi đã đứng chết trân và anh mở to mắt. Không ngờ anh gọi đúng tên tôi cùng với nụ cười vẫn làm bàng hoàng sau hơn hai mươi năm. Sao có sự hội ngộ chẳng chờ chẳng đợi. Sao trời bày tôi phải gặp lại anh, hạnh phúc và bất nhân đến thế?

Mải miết tìm dáng Luân, không thấy. Tôi đậu xe lại bên lề đường, cạnh ca-bin điện thoại. Reng, reng, reng...ba bảy chín mười hồi, chẳng ai nhắc. Luân có lên chuyến tàu cuối về thị trấn này không? Xảy ra chuyện gì? Sao Luân chẳng báo cho tôi hay? Ðúng rồi, Luân không báo được, căn nhà gỗ trên ấy đã cắt điện thoại vì đâu ai ở, sau người thiếu phụ. Mà tại sao tôi không đợi đi cùng với Luân, dại dột nghe lời chàng:

- Yên nghỉ làm sớm, lên đó trước đi.

- Ở một mình trên núi, buồn chết người.

- Chẳng chắc núi buồn.

Nói thế, nhưng thật sự tôi cũng muốn đi trước Luân. Tôi muốn có thời gian thu xếp, gói ghém lại mớ hành trang ngổn ngang của quá khứ. Một cách khác là dọn hồn cho những ngày mà chúng tôi chờ đợi từ hôm ngập ngừng thốt gọi tên nhau. Mấy tháng đủ dài, nhưng ngày gần đứt đoạn bởi đêm xa. Luân kẹt cứng trong thành phố náo động, ngộp thở. Còn tôi, từ lúc bắt gặp Luân nhìn đắm đuối, tôi đã thẳng tay vất lại sau lưng cả một quãng đời xao động. Tự nhiên trở về sống rất gọn, thu mình trên bãi biển vắng chập chùng mây và những con chim xám, chẳng đợi chờ gì ngoài những khoảnh khắc gặp gỡ, hẹn hò ngắn ngủi. Phải chăng đã đến lúc, tôi muốn ngừng lại trong dòng đời, lặng nhìn những bọt nước long lanh tựa hạnh phúc.

Tôi bước không hồn ra khỏi ca-bin điện thoại. Thất thểu theo dòng người tất bất rộn rã. Tưởng chừng có thể trôi theo họ về bất cứ nơi nào. Mà thế, tôi đã từng trôi đi vào một đêm xa lắm, sau đám cưới chị Thư một ngày. Sáng hôm sau lễ vu qui, tôi mon men sang nhà chị. Bác tôi bắt rể, nên căn phòng chị Thư mà tôi từng chui vào nghe chuyện rồi ngủ quên, bỗng trở thành đất cấm. Trong phòng khách còn nồng mùi tiệc tùng, bác gái đang sắp xếp những bình hoa lay-ơn tươi thắm, những chồng bánh cốm bọc lá xanh mướt, mâm xôi gấc đỏ điểm hột đen mà tôi vẫn chê như mặt rỗ. Tôi thu người thật nhỏ, nhưng cũng bị bác thấy, tóm ngay lại:

- Yên, sao đám cưới chị, con không sang? Mới thấy đó, lúc đàng trai tới, thoắt biến đi! Tôi ấp úng:

- Dạ... dạ, con...con bị đau bụng bất ngờ. Con dặn bé Hai rồi mà. Bác chắc miệng:

- Nó có nói gì đâu. Con Thư tìm mãi. Mà con sang đây chi sớm vậy? Tôi giật mình, lính quýnh:

- Con...con tính rủ chị Thư đi phố. Bác trố mắt nhìn tôi, lắc đầu cười tủm tỉm:

- Rõ con khờ. Tụi nó còn lâu lắm mới dậy nổi con ơi!

Tôi khựng lại, đứng chết dí trên hai miếng gạch hoa còn loang màu nước ngọt hay màu rượu hôm qua. Tuy thế, bác vừa bỏ ra ngoài sân với ba cây hương cháy đỏ là tôi bước vội vào nhà trong. Tôi định tìm anh Trung, em trai chị Thư. Chỉ có những câu trêu chọc của anh Trung mới có thể trấn tĩnh hồn tôi lúc này. Ngang qua phòng chị Thư, tôi nghe tiếng nước dội ra từ phòng tắm lẫn tiếng cười khúc khích. Tôi bịt hai tai, nhưng không ngừng được, nhìn vào. Không hiểu sao cánh cửa mở hé. Chiếc áo dài lụa Luân đã vẽ một con phượng với một con hoàng quấn lấy nhau rực rỡ thành áo cưới vô cùng đặc biệt cho chị Thư, vắt vẻo ở thành ghế. Chiếc nịt ngực và mảnh quần lót vương vãi mỗi thứ một nơi, tênh hênh trêu ngươi trên tấm thảm dưới giường. Tôi quay người ù chạy, đâm sầm vào con bé Hai đang xách ấm nước trà từ bếp đi lên.

Tối hôm đó, tôi mặc mini jupe, tôi thòng chiếc áo thun ngắn, hở cổ rộng. Tôi vào phòng lấy chai Chanel của mẹ xịt lấy xịt để. Thật ngu ngốc, mùi nước hoa quá nồng làm quay cuồng chóng mặt. Liếc lén bà mẹ đã xuống sân sau, tôi dắt chiếc solex ra khỏi nhà. Ðường phố đã tràn ngập xe cộ và đám thanh niên thiếu nữ. Cuối tháng mười hai, ảnh hưởng những cơn bão đổ xuống miền Trung, trời Saigòn lộng lên từng cơn gió. Trong chiếc jupe ngắn và chật, tôi khổ sở đạp phờ người cái xe mới nổ máy. Chẳng nhằm gì. Tới khúc quành kia đã có anh chàng sinh viên vừa vào đại học, đang hết mình cua tôi, chờ ở đó với chiếc honda mới toanh. Tối nay tôi cho de những đứa bạn gái. Ngồi sau, cố tình áùp ngực sát vào anh ta, tôi chẳng ngừng huyên thuyên. Chàng sung sướng cười, dù đường phố ồn ào inh ỏi, làm sao nghe rõ được gì. Mà có hề chi. Tôi nói một mình tôi nghe. Tôi nghe tiếng cười thất thanh bất ổn của chính mình. Chung quanh nhà thờ Ðức Bà đèn đuốc sáng trưng, những ngôi sao năm cánh bằng giấy bóng kính đủ màu chăng khắp mấy con đường. Bao nhiêu bong bóng bay lơ lửng. Nhiều đám học trò cỡ tuổi tôi hay nhỏ hơn mặc đồng phục hướng đạo, thánh thiện, thơ ngây ban phát hình Ðức Chúa, đổi lấy những đồng tiền giúp nạn nhân bão lụt. Và thu góp thư từ, quà cáp của người hậu phương, nhất là của những em gái, gửi ra cho các anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Hai hạt nước mắt buồn tủi lẫn xấu hổ tròn tròn xoay trong con ngươi. Không, tôi nhất định không khóc. Chẳng thể nào khóc được. Chúng tôi lượn bao nhiêu vòng giữa xe cộ và tiếng cười đùa náo loạn. Tôi bỗng bảo anh chàng tách rời về một con phố vắng. Dưới gốc cây tàn lá xum xuê che gần hết ngọn đèn đường, chiếc xe dừng lại. Cả hai đứng xuống. Không chờ không đợi, tôi choàng tay xiết cổ, chúi mặt vào ngực áo Montagut mịn màng của anh ta. Chẳng ngờ bị tấn công bất chợt và tàn bạo, anh chàng hốt hoảng đẩy tôi ra. Tôi cứ xông vào, miệng như qủi nói: yêu Yên đi, yêu đi. Anh ta lắp bắp:

- Ơ, ừ...anh...anh yêu em, từ...từ lâu.

Tôi tức mình, chụp lấy hai bàn tay đang quýnh quáng, vòng chúng ra sau lưng. Cầm cả hai luồn vào sau áo thun của mình:

- Không có yêu bằng miệng, như thế này này.

Nhưng cũng ngay lúc ấy, da thịt tôi co lại dưới hai bàn tay run rẩy. Tôi ngỡ ngàng nhìn vào cặp mắt mở to, thảng thốt. Như bị đẩy từ trực thăng rơi tõm xuống, tôi hụt hẫng, ngượng ngùng buông bỏ tất cả, chà chà hai bàn tay mình vào chiếc váy. Cúi nhìn bóng lá đêm lung linh trên mặt đường. Những hạt nước đã xoay xoay, bấy giờ không còn cách gì ngăn giữ. Năm sau, thi xong tú tài sớm, tôi đòi được đi xa, rời xứ sở.

Tôi đã quên mũ, quên khăn quàng khi xuống đồi vội vã. Tuyết bám đầy trên tóc, tan ngay trên khuôn mặt đã nhòa những lệ, lọt cả vào cổ áo. Hai bàn tay tê cóng trong đôi găng da. Mắt vẫn ngơ ngác nhìn hè đường góc phố, nhưng chẳng thấy gì, và cũng không nghĩ gì được nữa. Cho đến lúc tôi đâm sầm vào một cột đèn lồng. Mở mắt ra, gương mặt Luân sát gần to sợ, vòng tay chàng đang ôm chặt vai tôi. Không một lời, Luân hôn lên tóc rồi rút khăn nhẹ nhàng lau khô mặt tôi đẫm ướt. Vẫn tiếp tục trong tiếng nấc nghẹn ngào, tôi dẫn Luân loanh quanh một hồi mới tìm ra chỗ đã đậu xe.

 

*

Khi chúng tôi về đến trên đồi, khúc củi sồi to chỉ còn âm ỉ những tàn lửa trong lò sưởi. Nhưng căn nhà ngập hơi ấm và những nụ hôn tới tấp của Luân đã làm tôi bừng tỉnh. Tôi giới thiệu người đàn bà chủ nhân. Chàng gật đầu chào trịnh trọng:

- Cám ơn bà cho tôi tìm thấy Yên.

Tôi giận dỗi:

- Sao anh không chờ Yên trước cửa nhà ga. Chàng cười, trao bó hồng nhung vẫn cầm trên tay:

- Anh vào mua hoa.

Lúc này tôi mới thấy rõ ràng mình tất tưởi hoảng sợ kỳ cục như trẻ nít. Ðánh trống lảng, tôi kể với Luân về ngôi mộ:

- Rồi sáng mai anh xem, ngôi mộ ngay sau vườn. Dễ thương lắm, chung quanh đầy hoa xuyên tuyết đã nở. Luân đứng ôm tôi, cả hai cùng nhìn ra vườn đang mờ ảo trong thứ ánh sáng huyền hoặc của tuyết và đêm.

- Mộ người mà Yên bảo dễ thương! Em không sợ à?

- Sợ gì. Bà ta như bạn. Mà bạn thân nữa. Nè, bà canh chừng con gà trong khi em đi đón anh.

Màu rượu đi qua gương mặt Luân. Màu rượu đọng lại trong mắt chàng ướt rượt. Tôi nhận ra rõ ràng hai chữ tĩnh từ của cô bạn chị Thư đã nói về ánh mắt Luân ngày nào, hồn đắm đuối. Thỉnh thoảng tôi ngửng lên người thiếu phụ, bà mỉm cười nhìn tôi và Luân quấn lấy nhau trên sàn gỗ, trước những ngọn lửa uốn lượn bập bùng trong lò sưởi. Tôi gỡ chàng ra, lê cốc rượu mạnh uống thêm. Luân chặn lại:

- Này cô bé, đừng say.

Những chuông bạc, sao trời óng ánh trên cây thông đã nhập nhòa trước mắt. Khuôn mặt Luân thật gần và hơi thở ấm vờn trên cổ. Tôi mềm nhũn, nhưng cố nói:

- Hãy mặc em. Luân à...hôm cưới chị Thư, anh có say không?

Luân đưa ngón tay chặn môi tôi, tay kia nâng sau gáy:

- Suỵt, không nói chuyện ngày xưa. Anh bế em vào giường.

Nói xong, chẳng đợi, Luân qùi gối dựng tôi dậy, đứng lên rồi xốc tôi lên vai, như người đồ tể vác heo vào phòng đông lạnh. Tôi sực cười. Chỉ khác con heo này không chết nhợt nhẵn thín và bất động, mà trái lại còn cựa quậy, đượm nồng rạo rực. Thõng nửa người trên lưng Luân, tóc đổ xuôi, tôi còn cố nheo mắt nháy người thiếu phụ đang cúi nhìn ỡm ờ đồng lõa:

- Bà ráng ở ngoài này đợi Chúa, đừng theo tôi vào trong kia nhé.

Vừa lúc ấy, từng hồi chuông tưng bừng rộn ràng vang lên từ ngôi làng dưới thung lũng. Ðúng nửa đêm. Không hiểu sao, tôi còn kịp nghĩ đến người đàn ông gù lưng. Ông ta hẳn đang qùi gối trong nhà thờ, nghiêm trang thành kính.

Luân đổ tôi xuống giường. Không chờ đợi, chàng chụp lên muôn ngàn ngón tay loài thú. Ngàn vạn ngọn sóng cuồng si ồ ạt. Cả tỉ vì sao chuyển dịch, đổi ngôi, nhấp nháy hân hoan trong tiếng chuông rền vang. Bao nhiêu động tác dội đẩy đảo lộn, bấn loạn trong từ trường vũ bão của trời đất và con người thú vật. Vũ trụ bão táp, hỗn mang, hoang đường đến nỗi tôi với chàng đã bùng lên điệp trùng dồn dập những hợp âm cuối cùng của bản giao hưởng. Cơn hồng thủy của ngày tận thế vừa ập xuống, vỡ tuôn, ngập lụt cõi trần.

Vậy mà, trong khi Luân rơi lịm sau cuồng phong địa chấn, tôi thấy mình vẫn lềnh bềnh trên biển cả.

 

*

Chị Thư cùng tôi trong con tàu nghẹt người nằm ngồi vật vã. Mặt chị tái mét xanh ngắt, người vừa lạnh như băng vừa nóng như than hồng. Chị dựa vào tôi, một tay che chở cái bụng đã tròn, vun lên như quả bóng đá banh, tay kia run rẩy trên đôi môi tím lịm cứ chực tuôn ra thứ nước nhờn tanh tưởi. Thỉnh thoảng theo đợt sóng dồi, cả hai chao đi, chị giật mình mở mắt, thảng thốt thều thào: - anh Luân về chưa Yên? Trời vần vũ mây đen, sóng từ xa cuồn cuộn. Những tiếng la hét, kêu trời, ói mửa vang lên cùng những lời kinh cầu khẩn thiết và tuyệt vọng.

Tôi nhắm chặt mắt theo chị Thư. Chợt thấy mình gối đầu êm ái trên cánh tay trần mát rượi của chị, trong căn phòng thiếu nữ ấm cúng. Giọng chị Thư vừa nhỏ nhưng run run, trầm trọng:

- Yên biết không, hai bàn chân cô ta co rút, nhăn nhúm, nhỏ nước ròng ròng, hỗng trên sàn phòng tắm có cả hai tấc! Khi người ta lôi cổ ra, mấy sợi giải rút cột quần bằng dây dù lòng thòng trên cổ. Bố mẹ chị bảo, thuyền trưởng đã ra lệnh vất xác xuống biển vì tàu đi mấy ngày mới vào Nam, sợ gây thành bệnh dịch, trên tàu rất nóng và ẩm.

Tôi co rúm, ôm chặt lấy chị. Lúc sau tôi thì thào:

- Còn cái ông chồng hay bồ của cô gái ở đâu? Mà tại sao cổ tự tử?

- Hồi đó năm, sáu tuổi, chị đâu biết gì. Nhưng chị nhớ rõ lắm, ở cảng Hải Phòng, chị thấy anh ta kéo xềnh xệch cô gái lên tàu trong khi cổ giựt tay lại, khóc gào sướt mướt. Một ông già đứng dưới bến tàu gọi lên: - Ðừng khóc con ơi, chừng có hiệp định thống nhất bố con mình gặp lại, không lâu đâu! Ôi, chị không quên được, chị sợ tàu thủy lắm Yên à. Ðó là chuyến tàu di cư năm năm tư.

Thế mà giữa những bọt sóng trắng xoá tung cao trước mũi con tàu mang một cái tên Tây, tôi loáng thoáng thấy mình đang đứng xếp hàng đợi giờ mở cửa của cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế, với một tờ thư trong tay. ‘‘Chuyến tàu mã số HK 115, con phải tìm ra con Thư cho bác’’.

- Ðúng, chuyến HK 115 có tới được Hồng Kông, nhưng chẳng ai tên đó cả.

Tôi năn nỉ:

- Bà tìm hộ trên những tàu số khác xem sao.

Người nhân viên đứng tuổi lại gõ máy tìm tòi, rồi in ra, đưa cho tôi một bảng danh sách. Hơn hai mươi cái tên Trần Thị Anh Thư, có cái kèm ngày sinh, cái kèm tên chồng tên con, cái trống trơn. Nhưng chẳng có cột nào đúng với người đã di tản một mình, sinh ngày mười chín tháng hai. Tôi lặng người trên ghế. ‘‘Thằng Luân nó ác lắm, nó còn kẹt ở Pleiku thì nó cứ để con Thư ở nhà với bác. Nó sai thằng bạn về hối con Thư đi trước, trong lúc bụng mang dạ chửa. Tưởng nó đi máy bay, ai ngờ thằng đó trở về, nói đã đưa con Thư lên tàu một mình. Yên ơi, thằng Luân nó biết mà, con Thư sợ tàu thủy như sợ chết. Chỉ nội như thế, nó sống sao nổi cho tới lúc cập bờ’’. Tôi thẫn thờ bước ra khỏi cánh cửa có hình chữ thập đỏ như máu. Ngồi xuống một băng ghế trong công viên đối diện, cố nhớ từng nét khuôn mặt chị Thư. Từ năm rời quê hương, tôi chẳng thư từ với chị bao nhiêu. Có một lần được tin chị bệnh nặng vì sẩy thai đứa con đầu lòng, tôi đã vào một quán cà-phê ngồi đó thật lâu, những gì đã cố quên thức dậy vật vã. Hình ảnh Luân trở về rõ ràng như mới đó. Lại nghĩ tới đêm năm nào, muốn khóc, rồi bất chợt cười khan. Ừ, nếu anh chàng ...con nhà giàu đêm ấy sành sõi hơn, không hoảng hồn đến ngớ ngẩn thì biết đâu, sau khi đã để anh ta ‘‘yêu’’, mình ở lại quê nhà. Biết đâu bây giờ cũng vượt biên, và biệt tích như chị Thư trong biển rộng. Còn Luân? Tôi ngẩn người, rồi vội vàng nhìn quanh tìm kiếm. Luân mặc áo khoác dài đang quay lưng đi ra cửa công viên. Không, chị Thư đã là quá khứ, tôi chẳng thể mất Luân thêm lần nữa. Mới đây thôi mà, chàng vừa ở bên tôi. Không. Ở trong tôi. Cùng một hơi thở, quấn quít đôi môi ngọn lưỡi, cộng hưởng tận cùng những cảm giác thịt xương. Tôi đứng vụt dậy khỏi băng ghế, hấp tấp đuổi theo. Vướng chân, ngã sấp trên lớp lá vàng, còn kịp rút ruột gọi tên Luân.

 

*

Ánh sáng lọt vào căn phòng dịu dàng như từ thung lũng đưa lên, chứ không phải từ trời rọi xuống. Dịu dàng như cặp mắt người đàn ông đang khòm lưng ngồi bên mép giường. Bàn tay thô cứng đập nhẹ lên tay tôi thò ra khỏi tấm chăn, vỗ về. Tôi gượng ngồi dậy, hoang mang.

- Từ từ, cô...cô...chưa khỏe hẳn.

Tôi nuốt nước bọt, cổ họng đắng ngắt. Người đàn ông đứng lên:

- Tôi đã...đã gọi xuống thị trấn tìm bác sĩ, ổng...ổng sắp lên. Ngày lễ thật khó.

Hai chữ thị trấn làm tôi giật mình nhớ lại. Tôi quay nhìn khắp nơi:

- Anh...anh ấy đâu?

Ông ta như chợt nhớ ra, gục gặc đầu, quay về cuối chân giường. Trên chiếc quần len và áo ấm của tôi vất ngang ngửa, có một tờ giấy gấp.

- Trưa nay đem...đem củi lò sưởi lên cho cô, tôi...tôi...thấy nó kẹt dưới cửa. Cô...cô về...chẳng thấy sao?

Tôi không trả lời, run run cầm bức điện tín trong tay nhưng tự nhiên rã rời chẳng mở. Người đàn ông nhìn tôi ái ngại, rồi đi ra, nhẹ nhàng khép cánh cửa. Ðầu nhức bưng bưng, tim đập ồn ào trong lồng ngực. Gượng bước khỏi giường, ngạc nhiên thấy mình trong chiếc sơ-mi màu huyết dụ. Tôi đi chầm chậm tới khung cửa lớn. Chếch bên kia, chiếc xe đậu lệch lạc ngang con dốc lên nhà, như thể tôi đã vội vàng bỏ nó. Cảnh vật lênh đênh lao đao trước mắt. Rừng thông, thung lũng lấp lánh tinh thể tuyết dưới mặt trời mùa đông đã ngả. Chiều từ từ lan lấp không gian. Tôi bóc bức điện tín, hai dòng chữ tiếng Việt không bỏ dấu: ‘‘Me anh benh bat ngo, phai vao nha thuong. Yen hay ve gap, anh doi’’.

Bỏ tờ giấy trên bàn phấn, tôi mở cửa ra phòng ăn. Trên bàn phủ tấm khăn đã cố ý chọn màu, những chiếc ly cùng đĩa ăn, dao muỗng vẫn sắp đặt ngay ngắn, rỗng lạnh đến trơ trẽn. Ngoảnh về phiá phòng khách, người thiếu phụ vẫn đấy. Ðôi môi nhếch lên một nửa nụ cười. Trong lò sưởi khúc củi mới cho vào đang bén lửa. Lại là sự quan tâm của người đàn ông ấy. Không hiểu ông ta đâu rồi, chẳng lẽ mới đó đã bỏ về dưới thung lũng. Chẳng lẽ ông ta bỏ mặc, không biết rằng tôi còn vật vờ đau đớn giữa một thứ mộng và thực cứ sấn sổ muốn phân thân. Chai rượu vang mở sẵn chờ Luân tự bao giờ. Tôi rót đầy hai ly óng đỏ, đến trước lò sưởi ngồi xuống chiếc ghế nệm đối diện với thiếu phụ, gác chân lên cái bàn thấp. Nào, mời bà. Không à? Bà đã uống bao nhiêu rượu cùng tôi và Luân đêm qua, sao bây giờ từ chối? À, vâng, tôi đã tỉnh, và tôi biết chứ. Nhưng dù sao bà cũng đã cùng tôi nhập cuộc, nên đừng dè bĩu những đam mê đưa tôi vào cơn mộng hoang đường. Phải, chỉ là thúc đẩy của tiềm thức và ước mơ đành đoạn dài mấy mươi năm. Hoá ra, tôi đã yêu Luân, đáp trả chàng mộng mị cuồng vũ đêm rồi bằng chính kinh nghiệm thân xác gom thu từ những mối tình đã đi qua, cho đến bây giờ.

Hai con chim ác là ngoài vườn chợt toác ra tiếng kêu xé tai như đang đuổi rượt cay cú. Nhưng khi tôi đứng lên ra cạnh cửa sổ, lại bắt gặp hai cặp cánh đen khoang trắng ủ ấp nhau dưới cành lá xanh của cây nguyệt quế. Thoáng bóng áo da của ngưới đàn ông đang quay lưng đi bọc về ngõ trước. Hoá ra ông ta còn đấy. Tôi dựa người vào tấm màn cửa, thấm lạnh, hai tay vò vạt áo chiếc sơ-mi đàn ông thõng xuống trên cặp chân trần. Nao nao hướng về cánh cửa vân vân hoa kính, đứng đó và chờ đợi. Cuối cùng, người đàn ông đã mở cửa bước vào, trên vai vương dăm chiếc lá khô sót lại giữ mùa thu. Chợt nhận ra tôi đang chăm chắm nhìn, ông ta sững lại, hai tay đẩy đóng cánh cửa sau lưng dừng hẳn, bất động. Rót thêm rượu vào ly, tôi bưng cả hai đến trước ông. Trong cốt rượu rưng nồng, tôi thấy người đàn ông đang cố kềm hơi thở trước mặt không còn thấp gù như tôi tưởng. Ánh mắt mới đây hiền hòa đã long lên xanh hút loài mèo. Rồi đôi môi cũng ướt trơn rượu ngọt kia từ từ cúi xuống. Nơi chiếc cổ rạm nâu ấy toát ra một thứ mùi nồng quen quen, của chiếc sơ-mi màu huyết dụ. Tôi rùng mình khi hai bàn tay sạm sát còn lạnh khí trời bám chặt vào da thịt hai bên sống lưng, như muốn nhấc bổng tôi lên hay đẩy tôi ngã xoài xuống sàn gỗ. Nhưng rồi một cảm giác mới đầu bồng bềnh như nước sông bỗng biến thành cuồn cuộn nổi dâng từ đầu gối, cuốn miết qua đùi, bụng, lên tới bầu ngực rần rần. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Người đàn ông gù dịu dàng này bỗng lốc lên trở thành cơn bão, tôi còn cố ghì hai vạt áo chống đỡ, nhưng bất lực. Gió lồng lộng quật xuống cả khu rừng mà lâu nay tôi dấu mình trong đó đợi Luân. Cây cối đổ tung, tan hoang theo dòng nước mê cuồng. Ðược rồi, hãy trôi đi, trôi đi dòng sông. Phải cuồng nộ lên, chảy xiết đi cho tức tốc ào ra tới biển. Phải phá tan, đập cho vỡ tung những con đê và ghềnh thác dựng lên sừng sững trong tôi từ năm mười sáu ấy. Chúng đã đồng lõa với những mê muội ám ảnh đầu đời để chặn đứng không cho dòng sông tôi được ca hát, được rộn rạo với nhịp nước reo vui của tâm cảm, càng không được hân hoan tiếp nhận sự thăng hoa đến ngập tràn trên thể xác. Tôi thả mình băng băng giải thoát, trào tuôn đến tận cùng, gặp biển mênh mông.

Khi tôi tỉnh dậy trên chiếc ghế dài, chiều đã xuống thật sâu. Sao trong đêm ngoài trời và trên cây thông bên lò sưởi cùng nhau nhấp nháy. Tôi vẫn mặc nguyên tấm áo thẫm màu nhàu nát, trên người đã được ông ta cần thận đắp cho mảnh chăn cừu mềm ấm. Hai cái ly đọng vài giọt đáy còn đợi trên chiếc bàn thấp. Tôi nhỏm dậy cầm chai rượu gần cạn rót nốt. Người thiếu phụ trên lò sưởi hình như vừa khép đôi môi, ánh mắt bây giờ có vẻ dò hỏi lẫn chút phật lòng.

- Ðừng uống nữa. Cô hãy ngủ đi cho khỏe, rồi sửa soạn về thành phố.

- Về làm gì?

- Quên à, Luân đợi cô dưới đó.

- Không. Tôi sẽ ở lại đây với bà cho đến đêm cuối năm. Ồ, bà nghe thấy chứ, chuông nhà thờ báo hiệu khóa lễ ngày Chúa giáng sinh. Hãy cạn ly đi. Rồi tôi mặc áo xuống đó cầu nguyện cho chị tôi.

- Còn Luân?

- Luân ư? Biết đâu chừng, tôi cũng sẽ như chị Thư, chìm trong biển mù quá khứ.

 

Mai Ninh

N. ĂMVC

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền