*TMG 7- Kỷ Niệm Về Bài Thơ Tặng Thầy Của Trò Phạm Thị Diệu Thúy (Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ TẶNG THẦY CỦA TRÒ PHẠM THỊ DIỆU THÚY 

     

         Trong số hàng nghìn học trò học tôi, nhiều em có năng khiếu văn, thơ. Em Đoàn Văn Mật, học Thư viện khóa 3 (2000 – 2002), hiện công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã thành nhà thơ. Năm 2008 tôi nhận được tập thơ đầu tay em gửi tặng. Đó là tập thơ “Giữa hai chiều thời gian”, trong đó có những câu rất ấn tượng như “Cạnh chiếc bình không hoa / Thấy có ngàn hương tỏa”.

          Em Trần Minh Tiến khóa Thư viện 6 tặng tôi một bài thơ rất hay, lấy tên là “Bài thơ không vần kính tặng thầy Trần Mỹ Giống”, cùng tập bản thảo thơ gần trăm bài… Tôi cứ tự trách mình không cẩn thận và rất tiếc tập bản thảo bị thất lạc trong lúc người thu dọn thuê vận chuyền về nhà khi tôi nghỉ hưu.

           Trong số thơ văn học trò tặng, có bài thơ của một em học trò rất đặc biệt. Lúc bấy giờ là khoảng chín giờ tối 30 Tết năm 2004, trời lạnh và mưa lâm thâm. Đột nhiên xuất hiện trước cửa nhà tôi một cô bé gầy gầy, hai tay ôm bức tranh sơn mài gói trong giấy báo. Cô gái không nói, chỉ cúi đầu chào tôi. Tôi dắt em vào nhà, thăm hỏi thân mặt. Em nhẹ nhàng mở gói giấy chỉ vào bức tranh và tờ giấy đánh máy dán bên phải phía dưới, miệng nói không rõ lời, dáng vẻ rất xúc động. Nhìn tờ giấy dán trên bức tranh tôi thấy đó là một bài thơ đề tặng tôi. Tôi vừa đọc bài thơ, vừa cố nén cảm xúc dâng trào trong ngực, lên mắt.

            Cô gái ấy là em Phạm Thị Diệu Thúy, học sinh Thư viện khóa 4 năm 2002 – 2004 Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nam Định. Những ngày đầu lên lớp, tôi chú ý đến cô bé cứ nhìn tôi không chớp mắt suốt buổi. Khi đối thoại với học trò, tôi chỉ định cô bé trả lời. Cô bé đứng dậy, mặt tái đi, miệng ú ớ như sắp khóc. Linh tính cho tôi biết em này có gì đặc biệt đây. Tôi vội vẫy tay ra hiệu cho em ngồi xuống, rồi làm như không có chuyện gì, tôi tiếp tục giảng bài. Giờ nghỉ, tôi hỏi lớp trưởng thì được biết: Em Thúy bị tật câm điếc bẩm sinh, nhưng rất ham học. Tôi đề nghị lớp bố trí em ngồi bàn đầu. Khi giảng bài, những phần quan trọng, tôi nói chậm, rành rọt, cố thể hiện khẩu hình thật rõ ràng, mắt thường xuyên giao lưu với Thúy, trong lòng luôn cảm nghĩ mình đang nói với đứa con gái nhỏ yêu thương…   Thường khi nghỉ giữa giờ, tôi chuyện trò với Thúy. Thúy nhìn miệng tôi để đoán hiểu tôi nói gì và dùng động tác giao lưu là chính. Bài học có chỗ nào chưa rõ, Thúy viết ra giấy hỏi tôi. Tôi trả lời tỉ mỉ, còn viết ra giấy cho em đọc. Cuối khóa, Thúy đỗ tốt nghiệp loại khá. Sau đó em còn thi đỗ và theo học khóa Đại học Thư viện tại chức do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mở tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nam Định.

            Bài thơ cùng bức tranh sơn mài em Thúy tặng là kỷ vật quý giá đối với tôi. Bài thơ đó như sau:

        VIẾT TRƯỚC NGÀY XA TRƯỜNG

   

                              Kính tặng thầy Trần Mỹ Giống

Thầy chẳng đòi hỏi những gì được mất

Những gì cho và nhận ở lớp trò

Cần mẫn chở chuyến đò tới đích

Sang sông rồi con gửi lại vần thơ.

Con viết vần thơ trong ngày xa cách

Nước mắt con rơi trên trang giấy chữ nhòa

Tìm chẳng thấy lời hay tứ đẹp

Chỉ tấm lòng trò nhỏ trước khi xa.

                                             Phạm Thị Diệu Thúy

                              Lớp Thư viện 4 khóa 2002 – 2004

  Tái bút:

             Mãi mãi con không bao giờ quên thầy – một người thầy đã hết lòng quan tâm giúp đỡ và để lại cho con ấn tượng sâu sắc. Năm học vừa qua nếu con có điều gì để thầy buồn thì xin thầy bỏ qua cho con…

                                              (Tối 30 Tết Giáp Thân 2004)

             Bài thơ giản dị, không cầu kì, thuộc loại thơ thoại. Nhưng tôi rất trân trọng bởi nó là tấm tình chân thực của cô học trò nhỏ, lại là một học trò đặc biệt. Tôi muốn nói với em: “Diệu Thúy ơi! Thầy cũng không bao giờ quên hình ảnh của em. Cảm ơn em đã đem lại cho thầy niềm hạnh phúc và tự hào về lớp trò của mình. Chúc em hạnh phúc và may mắn trong cuộc sống”.

 

                                        Trần Mỹ Giống

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền