*PL 1- Ngày Xuân Lại Nhớ Ông Đồ (Truyện Ngắn) Tác Giả Phong Lưu

             

NGÀY XUÂN, LẠI NHỚ ÔNG ĐỒ…                                 

 

 

 

Một trong những bài thơ hay nhất của văn học Việt Nam, là bài Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên. Sự nổi tiếng của bài thơ này đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ, khiến mỗi lúc Xuân về là người ta lại nhớ đến:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?.

Vũ Đình Liên (1936 – báo Tinh Hoa)

 

Bài thơ ngắn, bố cục chặt chẽ, kể về câu chuyện của một Ông Đồ, là hiện thân, là quá khứ vàng son của một nền Nho học trong ngày tàn sụp đổ. Lời thơ man mác buồn, tự nhiên, trôi chảy. Nếu được bình chọn, thì có thể đây là bài thơ được nhiều người biết nhất, nhiều người thuộc nhất tại Việt Nam.

Vũ Đình Liên là một người bình dị dễ gần, có tâm hồn đa cảm, ngay từ buổi đầu làm thơ ông đã tự nhận mình là nhà thơ của những người lao khổ.

Sáng mồng một Tết, ông gói đôi bánh chưng ra bến tàu bến xe ăn Tết cùng với những người thân tàn ma dại, tứ cố vô thân. Ông ăn uống kham khổ, mặc áo vải thô, đi bộ… dành tiền để tặng cho những người nghèo khó. Tiền thưởng từ danh hiệu nhà giáo nhân dân, ông san sẻ cho sinh viên nghèo. Một chiếc áo dạ con trai vừa biếu, ông tặng ngay cho người bạn…

Ông sinh năm 1913, bài thơ Ông Đồ được viết vào năm 1936 lúc ông 23 tuổi, ông là một trong những người còn kịp nhìn thấy các Ông Đồ thực sự. Tấm lòng yêu thương người tài hoa thất cơ lỡ vận, xót thương người cùng khổ của ông, trong một lúc xuất thần đã tạo nên danh tác Ông Đồ. Nếu không có bài thơ này, Vũ Đình Liên cũng sẽ chìm nghỉm như bao nhiêu người làm thơ tầm thường khác.

Ông Đồ là một bài thơ hay nhất và buồn nhất về mùa Xuân. Ẩn sau cái buồn của Ông Đồ, là cái buồn sâu kín, câm lặng của cả một thế hệ cuối cùng của Nho học trong thời kỳ tàn lụi.

° ° °

SỰ SUY TÀN CỦA NHO HỌC.

Từ bao đời nay, người Việt mượn chữ viết của người Trung Hoa, và thứ chữ đó được sử dụng chính thức trong tất cả mọi trường hợp từ trong nước cho đến ngoài nước. Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng về văn hóa, tập tục của người láng giềng phương Bắc, cũng ngộ nhận rằng văn minh Trung Hoa là ưu việt nhất.

Cho đến khi chiến tranh Pháp – Việt xảy ra từ năm 1858 đến năm1884, nước Pháp thắng trận với sức mạnh quân sự vượt trội, người Pháp xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Đại Nam và thiết lập bộ máy cai trị, bắt đầu thời kỳ Pháp thuộc trong lịch sử Việt Nam. Cũng từ đây mà người Việt biết đến có một nền văn minh mới của Tây Phương, hoàn toàn đối lập với nền văn minh Trung Hoa trước đó.

Từ thế kỷ 17, trước khi người Pháp xâm lược, các giáo sĩ phương Tây đã đến Việt Nam để truyền bá Thiên Chúa Giáo, do chữ Nôm và chữ Hán cực kỳ khó học nên các giáo sĩ tìm cách học tiếng Việt bằng âm mẫu tự Latinh. Cha Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo dòng Tên và là một nhà ngôn ngữ học, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại. Tác phẩm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, tên tiếng Việt là Tự điển Việt-Bồ-La xuất bản tại Roma năm 1651, đã hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh.

Như vậy, trước khi Việt Nam bị Pháp đô hộ, thứ chữ Việt do các giáo sĩ phương Tây sáng tạo đã có lịch sử 200 năm phát triển.

Trong thời gian đầu, loại chữ này chỉ được phổ biến giữa các nhà truyền giáo ở Việt Nam và một số ít giáo dân người Việt, được gọi là Tây Quốc Ngữ (có nghĩa là văn tự tiếng Pháp).

Năm 1865 tờ Gia Định Báo đã ra mắt tại Sài Gòn, cộng tác với tờ báo là hai ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của) đã chính thức bỏ chữ Tây, chỉ còn là Quốc Ngữ để mặc định đó là tiếng Việt của người Việt.

Năm 1866, nhà văn học giả Trương Vĩnh Ký ra mắt tác phẩm „Chuyện Đời Xưa“, sau đó Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản sáng tác văn chương, đẩy mạnh việc truyền bá chữ Quốc Ngữ cho người Việt, họ là những nhà văn tiên phong sau nầy về các địa hạt: báo chí, dịch truyện tàu, viết tiểu thuyết và ngay cả phong trào thơ mới cũng bắt đầu từ miền đất Nam Kỳ.

Nhưng phải đến khi nhà cầm quyền Pháp ban hành các Nghị Định, đánh dấu thời điểm chữ Quốc Ngữ được sử dụng chính thức tại miền Nam, thì chữ Quốc Ngữ mới lần hồi thay thế chữ Hán, chữ Nôm trước đó.

Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký Nghị Định bắt buộc dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.

Ngày 6 Tháng 4 năm 1878 Thống đốc Nam Kỳ Lafont đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc Ngữ.

Ngày 1 Tháng 1 năm 1879 chính quyền Pháp đưa chữ Quốc Ngữ vào ngành giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ. Để khuyến khích việc truyền bá chữ Quốc Ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ giảm hoặc miễn thuế thân, miễn sưu dịch cho các thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ Quốc Ngữ.

Năm 1910, giao cho Nha Học Chính giảng dạy chữ Quốc Ngữ ở Bắc Kỳ.

Thời kỳ này chữ Quốc Ngữ đã phổ biến mạnh. Năm 1915, kỳ thi Hương tại Nam Định được coi như kỳ thi Nho học cuối cùng ở Bắc Kỳ. Năm 1918 kết thúc các kỳ thi Hương ở Trung Kỳ, Năm 1919 kết thúc lần thi Hội cuối cùng. Chữ Quốc Ngữ từ đó trở thành diễn đạt duy nhất của người Việt, chữ Nho và chữ Nôm lui dần vào quá khứ.

Từ những năm đầu của thế kỷ 20, Tú Xương đã than:

Cái học nhà nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi…

***

Nào có ra gì cái chữ nho

Ông nghè ông cống cũng nằm co

Chi bằng đi học làm thầy phán

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

***

Nghe nói khoa này sắp đổi thi

Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!

Dẫu không bia đá còn bia miệng

Vứt bút lông đi, giắt bút chì.

 

 

ÔNG ĐỒ CỦA THỜI HOÀNG KIM NHO HỌC.

 

Ông Đồ trong sự học ngày xưa, là người đã thi qua 3 kỳ thi (tam trường) và đỗ Tú Tài, ở cấp này nếu muốn được nhà nước phong kiến bổ làm quan, phải học thêm để thi lên cấp cao hơn, là thi (tứ trường) để được học vị Cử Nhân, phải có Cử Nhân mới được thi Hội, sau thi Hội là thi Đình. Học vị cao nhất là Tiến Sĩ (có 3 hạng Tiến Sĩ).

Ông Đồ có thể mưu sinh bằng nghề dạy học. Thầy Đồ là một tầng lớp rất được người dân kính trọng, bởi quan niệm xưa là thầy dạy chữ thánh hiền. Thầy giỏi thì môn sinh khắp nơi kéo đến học, ngày lễ ngày tết phải đến thăm hỏi, mang quà biếu thầy, dân gian có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy.”

Thời xưa, trong những ngày cuối năm thiên hạ đua nhau đi sắm tết, một trong những thứ cần thiết nhất chính là câu liễn, câu đối chữ Nho để dán trước cửa, trong nhà. Người ta tìm đến các Ông Đồ để xin chữ. Ông Đồ là người cho chữ, chứ không phải là người bán chữ. Chữ của thánh hiền ai mà dám bán? Người xin chữ phải khăn áo chỉnh tề đến nhà thầy, sắm một chút lễ vật tùy theo gia cảnh của người xin chữ.

Người xin chữ cầu mong điều gì thì xin chữ đó, cầu tài lộc phú quý thì xin chữ Tài chữ Lộc, chữ Phú chữ Quý, cầu con cái xin chữ Phúc, cầu sức khỏe sống lâu xin chữ Thọ v.v…

Các câu liễn đối tết thì đại khái như:

Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Tân niên hạnh phúc bình an tiến

Xuân nhật vinh hoa phú quý lai

An khang phú quý thái thái bình

Bách lão bá niên trường trường thọ

Đa phúc đa thọ đa phú quý

Đắc tài đắc lộc đắc nhân tâm

Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ

Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên.

Nhờ những khoản thu nhập do dạy học, cho chữ ngày Tết, viết thuê… nên cuộc sống của Ông Đồ xưa dẫu có nghèo thì cũng tạm đủ sống, vẫn còn trông vào sự đỗ đạt để ra làm quan, đổi đời trong một tương lai…

Khí tiết của nhà Nho và sự trọng vọng của xã hội, đã làm nên sự tôn nghiêm của Ông Đồ “chữ thánh hiền chỉ có thể CHO mà không thể BÁN”. Ôi!.. cái thời hoàng kim xa xưa ấy,

Ông Đồ đâu phiêu linh cơ khổ đến phải đi bán chữ giữa chợ đời!!.

° ° °

 

 

ÔNG ĐỒ CỦA THỜI NHO HỌC LỤI TÀN…

 

Đó là Ông Đồ mà Vũ Đình Liên nhìn thấy, đặc tả trong bài thơ.

Từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, Ông Đồ không còn đường nào để tiến thân, mọi dự tính tương lai đều bị sụp đổ tan thành mây khói, chữ Nho không còn được trọng, chữ Quốc Ngữ ngày một mạnh thêm. Số lượng sáng tác của chữ Quốc Ngữ và người đi học chữ Quốc Ngữ càng lúc càng nhiều.

Năm 1934 tờ Nam Phong Tạp Chí đóng cửa. Nam Phong là tạp chí được viết bằng hai loại chữ, chữ Quốc Ngữ và chữ Hán, dung hòa giữa cái cũ và cái mới trên con đường hòa nhập văn hóa Á – Âu. Vậy là hết, thành trì Hán học cuối cùng này cũng sụp đổ theo với tạp chí Nam Phong…

Ông Đồ mất dần học trò rồi đến chỗ không còn ai theo học, gia cảnh bần hàn khiến Ông Đồ không còn cách nào khác hơn phải mang chữ ra chợ bán, trong những ngày cuối năm từ 22 đến tận 30 tết.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

Lúc Vũ Đình Liên nhìn thấy Ông Đồ bán chữ còn được đắt hàng, thì đã là sự thê thảm lắm rồi, bởi như thế còn đâu là khí tiết của kẻ sĩ? Ông Đồ dẫu biết việc làm đó không giữ được thanh cao của người đọc sách, nhưng vì miếng cơm manh áo phải muối mặt mà làm, mong kiếm được chút tiền trong những ngày cuối năm để phụ giúp vợ con lo cho 3 ngày tết.

Rồi… chút tiền mọn ấy cũng không có được lâu:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Đọc những câu này thật cảm thấy bàng hoàng, não lòng thương cho nghịch cảnh, cho số phận hẩm hiu của người thầy dạy học. Có lẽ mấy năm rồi chỉ lác đác được vài người mua chữ… “giấy đỏ buồn không thắm” tức là giấy cũ, giấy còn sót lại từ mấy năm qua, Ông Đồ nghèo biết lấy đâu ra tiền để mua giấy mới? Mực thì mài sẳn, nhưng không viết được cho ai chữ nào nên đọng lại trong nghiên, giống như nỗi lo lắng buồn rầu của Ông đọng lại trong lòng.

Người ta thản nhiên đi qua đi lại, nhưng không ai chú ý đến ông. Sự muốn góp mặt của ông với đời bằng đôi ba chữ thánh hiền gắn liền với phong tục cổ xưa, cũng không còn ai cần đến. Ông đã bị đào thải, bị hất ra rìa, ngồi đó một mình bơ vơ bên lề xã hội. Còn trông thấy ông, có lẽ chỉ là chiếc lá vàng héo hắt rơi trên giấy, mưa bụi bay bay ngoài kia, và một Vũ Đình Liên lặng lẽ quan sát, thương cảm âm thầm…

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?.

Hoa đào năm nay vẫn nở đúng kỳ, nhưng Ông Đồ xưa thì không còn đến phố. Ông đã về lòng đất lạnh, hay buồn bã ngồi bó gối ở một góc vườn thưa, hoặc trong một mái tranh nghèo xác xơ nào đó, để nhớ về một thời sách đèn thịnh trị, nhớ đám học trò, nhớ người xin chữ… Ông Đồ, người đại diện cuối cùng cho cả một nền Nho học cũ, thực sự đã trôi dạt về đâu?.

 

Phong Lưu 13-02-2018.

 

Theo TiengQueHuong

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền