*MVL 1- Ước Nguyện Của Người Tử Tù (Truyện Ngắn ) Nhà Văn Mai Viên Long (VN)

 

Nhà Văn Mai Viên Long

 

 

ƯỚC NGUYỆN CỦA NGƯỜI TỬ TÙ

 

 

     Sáng nay Công được chuyển sang phòng biệt giam khác nhưng cùng khu nhà của trại. Nhìn thoáng, anh biết phòng nầy chật hơn phòng giam cũ mỗi chiều khoảng gần một mét. Công ngồi xuống trên chiếc giường-bệ-xi-măng sát bên phải vách phòng, đưa mắt nhìn một vòng căn phòng lờ mờ ánh sáng. Bên kia cũng có một bệ-xi-măng” tương tự, có lẽ sẽ dành cho một người nào đó nữa. Đây là phòng giam cho những tử tù vừa qua vòng sơ thẩm của mọi tội phạm, từ hình sự đến chính trị. Qua chiếc cửa sổ duy nhất bằng vài thanh sắt ấp chiến lược ghép lại, mỗi cây cách nhau gần một gang tay, Công có thể nhìn thấy một khoảng sân nhỏ, hay một mảnh bầu trời xa trên cao. Không gian và thời gian của những con người ở đây đang thu hẹp lại. Cuộc đời vốn ngắn ngủi nhưng với họ thì không hề có ngày mai nữa.

Vài ngày sau, người quản trại mở cửa, đẩy vào phòng Công một người đàn ông trạc năm, sáu mươi, chỉ cho ông ta chiếc giường-xi-măng đối diện Công đang nằm. Công thầm nghĩ, lại có thêm bạn, đỡ buồn. Anh ngồi dậy – chào người đàn ông: “Anh phạm tội gì mà “chui” vào đến tận phòng nầy vậy?”

– Vượt biên. Còn chú mầy?

Giọng nói lơ lớ, không rõ của gã, làm Công nhận ra ngay gã là một “Ba Tàu”. Trông gã hơi ngớ ngẩn, hiền từ. Công nhếch môi, cười: “Chống nhà nước. Tử hình!”

Sống chung được gần tuần lễ, một buổi sáng – khoảng 3 giờ, gã thức dậy sớm như mọi ngày, nhưng lại bước sang giường của Công ngồi, nói tỉnh bơ: “Tôi thấy Đức Quan Âm ngồi trên đầu giường anh, đưa tay vuốt trán anh. Anh không chết đâu!”

Công khẽ cười: “Tội chống nhà nước, phản động của tôi như vậy, đã thành án sơ thẩm tử hình, sao lại không chết được? Ông nói nghe lạ quá!”

Gã chỉ nói thêm một câu: “Không chết, không chết đâu!’ rồi sang giường của mình, nằm im lặng, chờ mở cửa để đi làm công việc vệ sinh hằng ngày. Hai cái bô to đã đầy phân và nước tiểu cả ngày hôm trước còn để ở góc phòng, đang bốc mùi.

Lời nói đơn giản, thoáng qua của người bạn tù “Ba Tàu’ như có một mãnh lực vô hình, rất bất ngờ và tự nhiên, cứ ám ảnh Công mãi từ buổi sáng sớm hôm ấy. Suốt ngày đêm, ngoài lúc ngồi nhẩm học thêm các trang của quyển tự điển Anh văn “The Vest Pocket Dictionary” của vợ gởi vào cho, theo đề nghị của anh – Công thường nằm yên, thầm nguyện cùng Mẹ Quan Âm nếu cứu cho anh sống, cho anh làm được chút gì cho gia đình, cho người thân và mọi người chung quanh, thì anh vô cùng tạ ơn; nếu không, xin Mẹ Quan Âm cho anh được chết sớm.

Khoảng một tuần sau nữa, người bạn tù “Ba Tàu” chung phòng được tha – Công chia vui với anh: “Tôi tặng anh chiếc áo mới này do chính tay vợ tôi may, để làm kỷ niệm. Tôi không mặc nó lâu được đâu”. Người bạn tù đỡ lấy chiếc áo đã được Công xếp ngay ngắn – “Này, cảm ơn cậu, cảm ơn…” Công cười: “Nhưng anh nhớ cho tôi gởi một lá thư về cho vợ con tôi nhé?” – “Được rồi!”. Công viết vội cho vợ vài dòng thăm hỏi, báo tin sức khỏe, nhưng cốt yếu là viết cho hai con đang ở nước ngoài với người dì nuôi dưỡng, từ sau ngày anh bị bắt giam. Anh dặn dò hai con chăm lo học hành, khuyên đừng chơi bời lêu lõng theo đua đòi ở xứ người mà hư hỏng. Gắng tự học thêm được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu, vì sự học bao giờ cũng cần, không bao giờ hết. Xếp vội thư lại, trao cho người bạn tù – Công dặn thêm: “Khi anh đến chợ gặp vợ tôi, anh nên mặc chiếc áo nầy, cô ấy sẽ biết chính là thư của tôi, nhé!” – “Được rồi, được rồi!” – “Chúc anh về với gia đình bình an, hạnh phúc!”

* * *

Công đã nằm chờ ở “khung” tử hình của vòng sơ thẩm gần một năm, đến vòng chung thẩm, Công vẫn bị xử y án. Nghĩa là chết! Khi có phán quyết của tòa, Công và số anh em chung trại, cùng án tử hình, được di chuyển sang khám Chí Hòa, chờ ngày thi hành án lệnh. Biết mình đã nhận cái chết trong tay, nhưng Công vẫn ngày đêm âm thầm khấn nguyện cùng “Mẹ Quan Âm” như đã từng tha thiết tin tưởng bấy lâu. Mỗi ngày qua, là một ngày sống với sự cầu nguyện. Công cảm thấy, sau mỗi lần lắng lòng, khẩn thiết thành tâm nguyện cầu, anh được an ổn hơn, Niềm tin ngày càng sáng hơn. Dường như sau mỗi lần cầu nguyện, Công như thấy được chút tia sáng le lói chiếu rọi vào trái tim khô héo, lạnh lẽo của mình. Lời nguyện cầu như một vị thuốc mầu nhiệm, đã khiến anh vượt qua bao ám ảnh của cái chết, nỗi đau buồn, và thất vọng, dằn vặt thúc giục anh từng giờ. Đồng thời, Công nhận ra rằng, anh còn sống, còn hít thở, còn nhìn thấy đời sống chung quanh, chính là nhờ vào sự cầu nguyện. Một lần, trong lúc thầm khấn, Công đã ước nguyện cùng Mẹ Quan Âm, khi được trở về anh sẽ xây dựng một ngôi chùa, để được gần gũi, ngưỡng vọng, và cúng dường chư Phật. Anh nguyện sẽ trao lại ngôi chùa cho một vị Thầy có đạo hạnh, có nhân duyên với chùa trông coi, để vị ấy trợ duyên lâu dài cho những người muốn tu học, muốn đi vào con đường lành, an vui sau nầy.

Một buổi sáng chủ nhật, Công được người quản trại đến mở cửa, gọi tên: “Anh được phép ra gặp người nhà!”. Công mặc vội áo quần, theo ngưởi quản trại ra khu tiếp tân. Vợ anh, đứa con trai út lên tám tuổi, và người anh cả trên sáu mươi của Công vẫn thường được đến thăm anh, bất thường như vậy, đôi lần trong năm, khi anh còn ở khu trại biệt giam sơ thẩm trước đây.

Đứng cách xa vợ con, và người anh khoảng một mét, Công đăm đăm nhìn con, cố ý không nhìn vợ. Anh không muốn để nàng thấy rõ nỗi đau buồn, gầy xanh hiện rõ trong mắt anh. Anh khẽ cười, trả lời to, rõ ràng những lời hỏi thăm của vợ và con về tình trạng sức khỏe; rồi dặn dò vợ lo chăm sóc con và bản thân, yên tâm chờ anh. Khác với vài lần trước, người anh chỉ nghe, nhìn, và cúi đầu – như cố che dấu những giọt nước mắt chực rơi xuống.

Hết giờ thăm, Công đứng yên, nhìn theo, đưa tay vẫy chào tiễn vợ con và anh đang lững thững từng bước trên con đường hẹp dẫn ra cổng trại. Công đứng đó, nhìn dáng người anh đi xiêu vẹo, như chực ngã, mà nghe lòng quặn thắt. Đứa con trai tám tuổi, không cầm tay mẹ như mọi lần, mà đi thụt lùi, mặt hướng nhìn anh, như cố thu hút hình ảnh của anh lần cuối, với gương mặt đẫm nước mắt tiếc nhớ.

Công quay vội trở về phòng, thoáng nghĩ rằng, đây có lẽ là lần thăm cuối cùng của gia đình dành cho anh. Giọng nói gắng gượng, ngập ngừng của vợ, sự im lặng của người anh, và nhất là đứa con trai quay nhìn khi chia tay như một lần vĩnh biệt. Anh nói với người quản trại đang đi theo sau: “Anh cho tôi mượn cây bút và tờ giấy…”

– Anh định làm gì?

– Tôi làm gì, anh đọc sẽ biết rõ thôi.

Một lát sau người quản trại mang đến phòng giam cho anh cây bút nguyên tử và tờ giấy manh. Công cảm ơn và kê giấy trên giường – bắt đầu viết: “Đơn tình nguyện xin đi bắn”.

* * *

Gần ba tuần nay, khu trại biệt giam phạm nhân nhận án tử hình quen dần với “thời khóa biểu” dành cho họ: Sau 4 giờ sáng thứ 5 nếu không bị mở cửa gọi tên ra đi, thì sẽ sống tiếp được đến sáng thứ 7. Sau 4 giờ sáng thứ 7, không bị gọi tên, sẽ được sống cho đến thứ 5 tuần sau. Phòng của Công đã hai lần được mở cửa gọi tên vào 4 giờ sáng thứ 5 và thứ 7. Lúc bắt tay tiễn người bạn ra cửa – Công đã có lần nói: “Anh vui vẻ đi trước nhé, anh em sẽ theo sau!” Có người đùa: “Nhớ đăng ký cho tôi một hộ khẩu ở dưới đó nhé!” Có người vừa nghe gọi tên qua cửa sổ, đã ngã quỵ, hay đái đầy quần.

Một lần, đúng 4 giờ sáng thứ 7, người quản trại trẻ đi ngang qua cửa sổ, nói lớn: “Anh Công chuẩn bị!” Công quay nhờ người bạn nằm phía trong lấy giúp thau nước, khăn lông, để anh rửa mặt trước khi ra đi. Công làm công việc chuần bị cho mình nhanh chóng, như đã sắp đặt trước từ lâu.

Vài phút sau, người quản trại trẻ lách cách mở cửa, nhưng đến gọi tên người đang nằm phía bên kia, không nhắc đến tên Công. Hôm sau, gặp lại người quản trại trẻ ấy – Công quát lên: “Anh là con gì? Có phải là con người không? Anh đùa giỡn được trên nỗi đau đớn, trên cái chết của người khác như vậy sao?” – Người quản trại vội vàng cầm tay Công – giọng run run: “Xin anh tha lỗi! Tôi biết lỗi rồi! Anh bỏ qua cho…”

Khoảng một tuần lễ sau khi Công nhờ chuyển “Đơn tình nguyện xin đi bắn”, một nhân viên của viện Kiểm sát thành phố, đã đến tận phòng gặp Công. Nhìn anh từ đầu đến chân, ông hỏi: “Nhân viên trại đã đối xử với anh thế nào, mà anh xin tình nguyện đi chết sớm vậy?”

– Thưa, họ vẫn cư xử bình thường với anh em.

– Vậy sao anh không thích sống, muốn chết sớm?

– Tôi không muốn được sống một ngày, mà để vợ con, người thân phải đau buồn lo lắng thêm một ngày. Tôi thà chết sớm để cho người thân chỉ đau khổ một lần, được yên.

– Anh đừng nên nghĩ vậy – ông an ủi, ai cũng cần sự sống, anh nên sống.

Sau buổi sáng bị gọi tên “hụt” – nhất là sau buổi găp người của viện Kiểm sát, hằng ngày Công thầm đọc bài nguyện cầu cho riêng mình:

“Cầu xin Đức mẹ Quan Âm

Dìu con tránh khỏi lỗi lầm thế nhân

Cho con đi trọn đường trần

Tai qua nạn khỏi, thân tâm an toàn

Con cầu xin Mẹ cho con

Chung lo việc nghĩa, vuông tròn trả xong

Quê nhà vui bước thong dong

Ơn sâu ghi tạc một lòng chẳng quên.

Con dâng lên Mẹ báo đền

Trọn niềm tôn kính – tạ ơn Mẹ hiền!”

* * *

Công nhận được lệnh ân xá án tử hình, chuyển về trại cải tạo lao động. Mười lăm năm sau, qua nhiều đợt được xét ân xá, miễn giảm mức án chung thân, anh được trả về lại với gia đình. Ước nguyện xây một ngôi chùa vẫn còn là một ước vọng mà Công ngày đêm đang nỗ lực thực hiện.

 

Tháng 6.2018

MANG VIÊN LONG

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền