*VCL 22- Bỗng Nhiên Trời Lại Sáng (Truyện Ngắn) Nhà Văn Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

 

TRANH VẼ: “Người Đàn bà Trầm lặng /The Quiet lady” Khổ 13” X 25” Trên giấy cứng. Acrylics+ Acrylic ink+ House paint. Vẽ bằng tay, gai khươi ốc, muỗng, nĩa, đũa tre. Vcl#  1842016.

 

                                         NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẦM LẶNG / THE QUIET LADY

                 

 BỖNG NHIÊN TRỜI LẠI SÁNG

 

    1. Tu viện Dòng Tên xây dựng thời Pháp thuộc, nghe đâu từ đầu năm 1911 xây bằng đá, cốt sắt trông đồ sộ. Tu viện nằm sâu trong rừng bao bọc bởi hàng thông già, cây cỏ um tùm, xa xa một vài ngọn đồi trọc nhô lên giữa da trời xanh lơ lơ làm cho cảnh vật thêm đìu hiu và lạ lẫm. Tu viện nằm riêng một cõi, ít người lui tới, mặt tiền hướng ra biển, tọa trên một vuông đất rộng giữa hai lằn biên Quảng Nam và Thừa Thiên. Sau hiệp định Giơ-Neo; Pháp rút lui vào năm 1955 được bề trên giao cho cha Mùi cai quản. Họ đạo tập trung dưới thung lũng cạnh bờ biển, phần đông là dân chài, đâu chừng chưa tới năm mươi hộ gia đình. Dân cư sống rãi rác dưới những mái nhà lá đơn sơ, xiêu vẹo. Lên thăm viện đường đi dốc vách có khi phải đánh xe vào thăm viện và bới một ít khô cá, khô mực, mắm muối để cha Mùi dùng độ bữa. Dần dà tình ‘cha con’ trở nên thân quen và gần gũi. Phụng dưỡng tu viện không lâu thì cha Mùi qua đời vào đầu năm 1960. Viện trống không và vắng bóng thế gian. Ai xui; lọt tai cậu Cẩn, thời đó cậu quyền cao, chức trọng, hét ra lửa nên chi nói tới đâu trên dưới chấp hành nghiêm chỉnh, không dám nhúc nhích với lại tánh khí cậu nóng nảy. Cậu Cẩn gởi văn thư yêu cầu sở tài chánh Huế cấp ngân sách cho việc sửa chửa tu viện.

Ít tháng sau có chiếu chỉ của tòa Tổng Giám Mục chuyển giao tu viện cho Xơ-Mari Nguyễn thị Thới đứng ra điều hành; đi theo Xơ-Mari có dì Phúc và dì Hạnh cùng đến nhận nhiệm sở. Điều hành và sắp xếp viện tu học thì Xơ-Mari lên phẩm mẹ Bề Trên (lúc đó bà Thới đã tới tuổi sáu mươi ngoài). Xơ-Mari có lệnh cho thu nhận nữ tu ở hai tỉnh và một vài nơi về tu tập và chăm sóc bệnh nhân phong cùi ở dưới làng Lăng Cô (thuộc tỉnh Quảng Nam).Tu viện thiết kế theo lối kiến trúc miền Nam nước Pháp; trông bề thế và kiên cố. Cửa lớn viện làm bằng gỗ qúy, chạm trổ hoa văn theo kiểu cổ tích trông oai nghiêm và trang trọng; suốt ngày đêm cửa đóng then cài như chận chướng ngại vật xâm phạm; biến tu viện thành dòng tu kín.

 

2. Sau mười lăm năm tu viện đã phục chức hơn ba mươi nữ tu xuất viện đi phục vụ một số bệnh viện, trường học và nhà thờ trong nước. Xơ-Mari Thới giờ già hơn trước nhưng còn minh mẫn; tu sinh coi chị Bề Trên như mẹ của mình. Trên dưới răm rắp một khuôn theo phép đạo; tách ra hai thế giới bên trong và bên ngoài. Ngoài việc tu tập các chị lao động việc trồng trọt để có thêm lương thực xanh. Họ quên đi cảnh giới, sống âm thầm và chịu đựng trong cô đơn, tiếp cận rộng rãi với bốn mùa thiên nhiên hoặc hứng chịu những ngọn gió xoáy từ biển tát lên ào ạt tợ như muốn đánh sập cửa viện để tuôn vào phòng riêng của mấy nữ tu. Nữ tu sợ cảnh này; sợ gió uy hiếp mà thương tổn đến thể xác và tinh thần. Chạm phải tội tư tưởng. Ở đó chỉ có sự bạo dạng của rừng và núi đá gầm lên để chống trả một định mệnh đã chôn vùi và lãng quên; để rồi tu viện cũng như người tu chỉ còn cách cúi đầu lặng đứng giữa thế gian này…mà thở dài.

Đứng trong bếp lửa than hồng của một sáng đầu đông; mẹ Bề Trên cho gọi nữ tu An na Lê thị Nầy lên chánh phòng. Thả đôi đũa bếp xuống, vội vã lau mặt, vuốt tóc, khoát áo dòng tu đến gặp mẹ. Nữ tu hồi hộp sợ vấp phải điều gì hoặc chờ lệnh sai bảo. Xơ-An na nhẹ tay đẩy cửa vào chánh phòng. Gương mặt hiền như nai tơ, mỉm cười cúi đầu chào. Lặng đứng! -Con ngồi xuống. Mẹ Bề Trên nói. Chị An na ấp úng muốn nói điều gì, nhưng mẹ Bề Trên đã tiếp lời: -Tôi nhận được thư gởi từ người thân của con xin được phép cho về quê để mai táng hài cốt thân sinh con ở Quảng Trị. Chị An na tỏ ra ngạc nhiên về điều này, vì; hơn hai mươi mấy năm qua chưa một lần nghe về lai lịch cha mẹ mình, giờ lại nghe đi dời hài cốt. -Thưa mẹ có thật như vậy không? Chị An na nói. Mẹ Bề Trên mỉm cười âu yếm tỏ ra thông cảm ý nghĩ lạ của chị An na. Nhưng cả hai trầm tĩnh trong giây lát; gương mặt chị An na trở lại bình thường, đầu cúi xuống và lắng nghe. -Đây điạ chỉ và tên người muốn gặp con. Cứ việc đi bao giờ xong chuyện rồi hãy về, công việc không có gì quan trọng để con phải ngại. Lo thu xếp mà lên đường. Mẹ Bề Trên nói.

 

3. Chuyến tàu lửa đến Huế đúng mười hai giờ trưa. Chị An na ngủ lại đêm ở Dòng Chúa Cứu Thế. Sáng hôm sau đáp xe đò đi Quảng Điền gặp người thân. -Bà có phải bà Thắm. Lê thị Thắm? Chị An na nói. -Xơ Nầy phải không? Thắm nói. Họ ngồi bên nhau và tâm sự nguồn cơn tại sao có cuộc gặp hôm nay. Trong căn nhà xưa cổ, mái ngói, vách vôi, mục rữa xuống cấp, sinh khí ủ dột phản phất mùi rượu và thuốc lá.  Cảnh sống của bà Thắm không mấy lành mạnh. Phong cách hiện ra nét phóng đảng, liều lĩnh tuồng như bất mãn đời. Tuổi chừng năm muơi nhưng trông bốn mươi kém cho nên bề ngoài còn phấn son, loè nhèo. -Mời nước. Bà Thắm nói. Xơ-Nầy ngồi lặng yên ít nói, nghe tới đâu ngúc đầu tới đó không thắc mắc hay nghi ngờ gì cả. Thái độ dịu dàng của nữ tu có phần thu hút người đối diện. Bà Thắm không còn ngại ngùng nói huỵch toẹt đời mình cho Xơ-Nầy nghe. Những gì bà Thắm nói ra như lời xưng tội trước Chúa. Đôi mắt an ủi của chị An na là một thương cảm cho những kẻ đau khổ. Bà Thắm cầm tay Xơ-Nầy với đôi mắt buồn: “Năm 1972 tôi cứu cô ra khỏi lằn bom lửa; người chết như rơm rạ dọc đường cái. Cuộc chiến bùng nỗ dữ dội, tôi và mọi người chạy nhưng không biết chạy về đâu. Dọc bên hào rãnh người chết ngập, tôi nghe tiếng trẻ con khóc ơi ới, một đứa bé chừng như ba, bốn tuổi nằm dưới bụng mẹ đầy máu, bên cạnh người đàn ông cũng đầy máu; chết tiệt. Tôi kéo đứa trẻ ra khỏi tay mẹ, ôm vào người tiếp tục chạy cho tới khi đến một thị xã gần đó…Đứa trẻ khóc miết vì nhớ cha mẹ và đói. Tôi; lúc ấy 17 tuổi và cha mẹ tôi cũng chết trong cuộc chiến. Tôi chăm sóc cô được một tháng thì gởi cô vào viện mồ côi. Với tên thường gọi (do tôi đặc) Lê thị Nầy. Tìm hiểu ra cô đã được dòng tu nhận lãnh và cho tới nay được 28 năm mới gặp lại nhau”.Tôi nghĩ cô sẽ không đến vì mọi thứ đã đổi thay. Với Xơ-Nầy khi ra khỏi tu viện như chim sổ lồng, tất cả xa lạ, ngoài những gì đã nghĩ; mọi thứ hấp dẫn và lôi cuốn. Gió từ đâu thổi tới bung ngược áo dòng của Xơ-Nầy, lạnh dưới đôi chân. Nữ tu giữ lại thế quân bình và chậm rãi bước đi; tiếp cận cảnh đời tự nhiên tâm hồn rộng mở sau hơn hai mươi năm sống trong tu viện. Tự nhiên nữ tu cảm thấy phơi phới tâm hồn. Trời ở ngoài đời xuống chậm và huyên náo.Càng huyên náo càng lắm chuyện. Xơ-Nầy qùi lạy làm dấu thánh trước khi lên giường ngủ. Bên kia căn buồng bà Thắm còn rì rào, có tiếng đàn ông và khói thuốc len qua buồng của Xơ-Nầy; rồi lại nghe tiếng cười khúc khích, bỡn cợt. Lạ vô cùng! Xơ-Nầy bịt tai, nhắm mắt, nhốt trí óc lại để đừng phạm tội với nước Trời.

 

4. Chuyến xe đò đi Quảng Trị chật ních cá hộp, phần đông là dân buôn bán. Hàng ghế đầu dành cho khách đi ‘độc cước’ không gồng không gánh. Ngồi bên cạnh nữ tu là chàng thanh niên dường như ba mươi ngoài, tác phong nghệ sĩ, bởi; có mang theo cây đàn. Ép mình trong tư thế khiêm nhường và tránh né. Xơ-Nầy cảm thấy áy náy vì đụng phải người đàn ông, mà xưa nay nhìn bằng đôi mắt qua loa cho có nhìn chớ chả có ấn tượng. Bên cạnh Xơ-Nầy bà Thắm ngậm điếu thuốc thơm phì phào, mắt lim dim như nhớ về cảnh xưa. -Bà có chắc là ông già chôn người chết thời đó còn sống không? Xơ-Nầy nói. -Tôi nắm cả rồi. Đừng lo cứ theo tôi. Bà Thắm nói. Xe chạy mệt mỏi với dặm đường. Thanh niên đưa kẹo ho mời nữ tu và nói bâng quơ vài câu chuyện ngoài lề. Nữ tu mỉm cười, nhìn qua khung cửa xe, gió bụi bay lung tung. Hình như cái dịu dàng đó lôi cuốn chàng nghệ sĩ hay là chàng muốn tỏ tài nghệ ngón đàn độc chiêu của mình cho nữ tu biết? Chàng thanh niên nói, nữ tu nghe và mỉm cười. Xơ đến bến nào? Chàng nghệ sĩ nói. Xơ-Nầy không trả lời mặc cho xe lắc lư. -Chắc không xa Hiền Lương. Bà Thắm nói. Xe đổ bến thì trời nhá nhem tối. Bà Thắm và Xơ-Nầy ngủ lại khách sạn. Khách sạn lúc này đông khách, đại đa số đến dự kỷ niệm ba năm thành lập khách sạn (1997/2000) có mời một số văn nghệ sĩ tăm tiếng đến trình diễn. Bà Thắm đưa áo dài, giày cao gót, môi son cho Xơ-Nầy. -Mặc vào đi! Đêm vui có ăn uống và văn nghệ, đờn ca, nhảy múa, ăn vận cho dễ ngó thì hơn. Không nhẽ đến đó mặc đồ dòng. Bà Thắm nói. Tiếng nhạc dội từ dưới lên.Tiếng nhạc ít nghe nhưng khi nghe thì lại giựt đôi chân, mình mẩy rung rung. Xơ-Nầy cố đuổi mấy thứ đó ra khỏi người. Không thay đồ mặc nguyên áo dòng. Bên ngoài trời tối sậm chỉ nghe tiếng còi xe ầm vang đủ để hình dung không có luật giao thông. Khách đến dự đông ngập, không còn thấy chỗ trống cho một bàn ăn. Trước cửa phòng ăn bà Thắm phục trang loè loẹt, đi giày cao, phấn son, xịt nước hoa nội hóa phản ra từ người; đứng bên cạnh là nữ tu, với chiếc áo dòng màu vỏ trứng sáo, trông không hòa điệu nhưng nhờ có nụ cười hiền hòa mà làm cho nữ tu có nét đẹp khác người. Họ ngồi trong một góc chật hẹp. Nhạc ào ạt vung vãi, dội tiếng rền vang át cả tiếng người. Không xa một người đàn ông đầu hói, ngậm vố thượng du mỉm cười đưa tình. Thắm đáp lại bằng mắt. Trên bục diễn chàng thanh niên nhận ra nữ tu ngồi cạnh trên chuyến xe đò Huế/Quảng Trị cùng về chiều nay. Âm nhạc, muỗng nĩa trộn vào nhau nghe rát. Trên sàn nhảy bà Thắm ôm người đàn ông đầu hói vai kề vai, lả lướt nhảy vũ điệu xì-lô trông tình tứ. Bà Thắm ném nụ cười thân ái đến Xơ-Nầy. Cuộc diễn thưa dần gần nửa đêm. Bà Thắm không về phòng cùng với Xơ-Nầy. Trở lại phòng ăn uống ngồi đợi bà Thắm. Giữa lúc này người thanh niên với cây đàn sà tới chào đón niềm nở. Xơ-Nầy cúi đầu mỉm cười không nói. Đêm chuẩn bị đi ngủ. Hơi gió se lạnh thổi nhẹ vào những màn mỏng giăng ở cửa. Cả hai ngồi trong thế bị động cũng khá lâu. Không biết họ có trao đổi gì không. Chỉ nghe tiếng đàn phổ nhẹ bên tai nữ tu.Tóc người nghệ sĩ đổ xuống trên cây đàn…

 

5. Tới Hiền Lương bà Thắm tìm gặp ông Triệu, người đã chôn tập thể một số tử thi mùa hè đỏ lửa 1972. Ông Triệu tuổi ngoài tám mươi sức khoẻ kém, thường nằm viện. Ông kể rõ điạ điểm nơi chôn nhưng khó mà nhận ra hài cốt ai là người thân của mình trong mồ chôn chung. Cả hai tuyệt vọng lủi thủi đi về. Xơ-Nầy qùi gối làm dấu thánh cầu nguyện bên cạnh hố chôn. Bà Thắm đi cùng với phu mộ ở một khoảng xa. Trời xám đặc như muốn mưa, xung quanh là rừng cây khô chỉ thấy một vài con quạ đen đậu trên cành chờ mồi. Ngày sau; cả hai trở lại Quảng Điền. Xơ-Nầy thu xếp để về tu viện vào chuyến tàu cuối. Đường hướng lên tu viện trời ngả chiều, gió từ biển luồn vào áo dòng chị An na, chị cảm thấy lạnh cơ thể, bụng đói bước đi dốc ngược người bạc phơ và mệt nhọc sau hơn mười ngày trở về quê cũ. Đứng trước cửa tu viện chị An na thở phào nhẹ nhõm, ngước nhìn trời đêm như thầm nhủ điều gì.

Chưa tới một tuần ở tu viện Xơ-Nầy nhận hung tin: ‘O Thắm đã tự sát.Về gấp’.Trở lại Quảng Điền tìm gặp Hoàng Thái người nghệ sĩ với cây đàn để trợ giúp những việc khó trước mắt. Thái tỏ ra vui mừng khi gặp lại Xơ-Nầy. Chàng tưởng là biền biệt nghìn trùng, nhưng; gặp nhau giữa thiên đường và điạ ngục là hạnh ngộ. Tìm hiểu nguyên nhân cái chết của bà Thắm chỉ có cơ quan biết thực giả của vụ án; theo đời truyền khẩu thì Thắm vô bưng sau năm 1972 và làm việc nhà nước cho tới nay; không chồng, không con nhưng lại lắm tình yêu và nhiều thứ bon chen hơn thiệt. Thư di chúc đề: ‘Căn hộ này thuộc Xơ-An na Lê Thị Nầy làm sở hữu chủ’ Xơ-Nầy không vui khi nhận việc thừa kế. Vì; đây không phải là phần gia sản dành cho mình. Xơ-Nầy và Thắm chỉ là người dân nước lã. Qúi nhau ở cái tình bà Thắm cứu sống đời mình. Đem tâm tình phơi mở với Thái. Quyết định cuối cùng của Xơ-Nầy hiến bất động sản cho dân Quảng Điền làm chỗ trú cho người nghèo và tật nguyền. Cả hai không xem trọng việc để lại hồi môn. Họ trao đổi suốt đêm. Đêm lôi cuốn vào mộng ảo, âm vang nhạc khúc đêm cuối cùng ở Quảng Trị là một gợi nhớ, một kỷ niệm chôn giấu. Quên hết để sống thực. Đêm ở khách sạn; Xơ-Nầy ăn vận bình thường, trang phục những gì bà Thắm để lại, những bước nhảy trong vòng tay là cả một ao ước được sống lại một lần. Chính thời điểm đó đã đánh thức linh hồn Xơ-Nầy bằng một khám phá mới; mới hơn cả sự thật. Họ hẹn nhau ở tiệm ăn khách sạn; mượn đây như đã một lần gặp gỡ. Hôm nay; trong không khí này nhớ lại những gì họ đã nói trong mắt, trong tim. -Cô thích nhảy không? Thái nói. -Tôi chưa bao giờ biết nhảy. Xơ-Nầy nói. -Tôi bày cho. Thái nói. Đêm hôm ấy Xơ-Nầy nhấp rượu đỏ. Hình như rượu đã ngấm vào người và Xơ-Nầy mất kiểm soát…Họ đưa nhau về thì trời đã qua đêm. Sáng sớm Xơ-Nầy mặc lại áo dòng và nhẹ bước rời khỏi khách sạn. Nửa giờ sau Thái còn trên giường ngủ, cong vòng như con chuột chết khô trong hủ nếp. Trời bỗng nhiên rực sáng. Xung quanh không một bóng người, cảnh vật êm đềm, nhẹ nhàng ở một thị trấn miền xa.

 

Sáu tháng sau Chị-An na Nầy nhận lễ thệ nguyện tấn phong trong hàng ngũ giáo sĩ. Và; làm việc với mẹ Bề Trên Ma ri Nguyễn thị Thới cho tới khi mẹ Bề Trên qua đời. Tu viện không có gì thay đổi. Mãi sau năm 1975 tu viện đặc dưới sự quản lý nhà nước. Xơ-Nầy được chính quyền và tòa Tổng Giám Mục đề bạt làm tổng giám thị tu viện dưới quyền mẹ Bề Trên Xơ-Ma Đờ Len Đặng Thị Phúc. 30 tháng 4 năm 2000 sanh nhật Xơ-Nầy ở tuổi ba mươi mốt. Một chặn đường tu và sống của dì phước Lê thị Nầy ./.

 

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc / ch.pek 4/2016)

 

* LTG: Tên, tuổi nhân vật và địa dư trong truyện là hư-cấu. Trùng hợp là chuyện ngẫu nhiên ngoài ý muốn.

-Giơ-Neo ( tức Geneva/Genève) thuộc Thụy Sĩ. Nơi họp hội nghị chia đôi đất nước Việtnam ở vĩ tuyến 17; năm 1954.

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền