*TMG 14- Có Đúng Nguyễn Hữu Tiến Là Tác Giả Cờ Đỏ Sao Vàng (Quốc Kỳ) ?

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

 

CÓ ĐÚNG NGUYỄN HỮU TIẾN LÀ

TÁC GIẢ CỜ ĐỎ SAO VÀNG (QUỐC KỲ)?

 

(Phản biện bài “Người để lại dấu son trong lịch sử” của Đỗ Phú Nhuận trên Văn Nhân số 117 năm 2018)

 

 

        Chín năm trước, bài “Ai là tác giả của lá Quốc kỳ?” của Đỗ Phú Nhuận được đăng trên Hồn Việt (số 29 tháng 11 năm 2009) khẳng định Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ. Ngay sau đó, Hồn Việt (số 30 tháng 12 năm 2009) có bài phản biện “Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả Quốc Kỳ” của Lê Ánh Đào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả Quốc kỳ.

        Nay Văn Nhân đăng bài của Đỗ Phú Nhuận cũng với nội dung tương tự như bài đăng trên Hồn Việt chín năm trước, khẳng định Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ) mà không có chứng cứ nào mới thuyết phục. Chúng tôi xin nêu một số ý khiến để bạn đọc rộng đường dư luận.

 

1- Căn cứ chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ của Đỗ Phú Nhuận không đủ sức thuyết phục:

 

Hai cuốn sách để tác giả căn cứ vào đó chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ gồm:

- Nguyễn Hữu Tiến: Truyện / Sơn Tùng. - H.: Thanh Niên, 1981. (Tấc giả Đỗ Phú Nhuận ghi năm xuất bản 1991).

- Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên thời kỳ 1930 – 1945 do Huyện ủy Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xuất bản tháng 8/1996.

 

        1.1- Về cuốn truyện Nguyễn Hữu Tiến của Sơn Tùng: 

 

        Đây là tác phẩm văn học, tác giả có quyền hư cấu (bịa). Sơn Tùng cũng từng thừa nhận mình không có chứng cứ, mà chỉ là hư cấu trong khi xây dựng nhân vật Nguyễn Hữu Tiến. Tác giả không chỉ sáng tạo nhân vật vẽ cờ Tổ quốc mà còn sáng tác cả thơ thay cho nhân vật…

        Trong phóng sự tư liệu nhiều kỳ “Nền cộng hòa 49 ngày” do báo Tuổi Trẻ thực hiện tháng 11/2006, tác giả Bùi Thanh đã phỏng vấn trực tiếp nhà văn Sơn Tùng căn cứ vào đâu mà ông “sáng tác” việc Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ. Tác giả Sơn Tùng đã không nêu được bất kỳ cứ liệu xác đáng nào. Sơn Tùng nói: “Tôi yêu con người này và viết về con người này. Còn sự thật lịch sử như thế nào, tôi nghĩ các nhà khoa học cứ tiếp tục làm rõ”!(1)

Rõ ràng, Sơn Tùng đã thừa nhận chi tiết Nguyễn Hữu Tiến vẽ cờ Tổ quốc trong truyện của mình không có căn cứ mà chỉ là hư cấu.

 

1.2- Về cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên thời kỳ 1930 – 1945.

 

Cuốn sách của huyện ủy Duy Tiên nêu ra vấn đề đồng chí Nguyễn Hữu Tiến vẽ cờ Tổ quốc, cũng không đưa ra được căn cứ xác đáng nào chứng mình cho điều đó.

        Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin trình Thủ tướng công nhận đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ Tổ quốc.(2) 

        Công văn Bộ Văn hóa - Thông tin trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã khẳng định: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ lá cờ Tổ quốc”.(3) 

        Như vậy, về mặt nhà nước, cơ quan chuyên môn cao nhất là Bộ Văn hóa - Thông tin đã khẳng định không có cơ sở xác nhận đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ.

  Tác giả Đỗ Phú Nhuận căn cứ vào hai cuốn sách trên để khẳng định Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ là không thuyết phục và không đảm bảo cơ sở khoa học.

 

 2- Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả quốc kỳ.

 

        Bài phản biện của Lê Ánh Đào trên Hồn Việt số 30 năm 2009 có đủ nhân chứng, vật chứng và cơ sở lý luận vững chắc. Chúng tôi xin được trích nêu tóm tắt một số cơ sở trong bài viết này cùng những tài liệu phản biện khác chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả Quốc kỳ:

 

        2.1- Công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ do Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Trung ương thực hiện cùng với cuộc hội thảo do Hội đồng tổ chức tại T.78 (TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 12/2000.

        Hội thảo khoa học Mỹ Tho - Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương tổ chức tại Mỹ Tho tháng 11/2005.

Cả 2 công trình trên đều phủ định quan điểm Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng.

Cuốn Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ (LSKNNK). - H.: Chính trị quốc gia, 2001  (Tái bản năm 2005) của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Trung ương về lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ và Kỷ yếu Hội thảo khoa học Mỹ Tho - Từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 (KYHTKHMT) do Tỉnh ủy Tiền Giang và Viện Lịch sử Đảng TW xuất bản tháng 11/2005 là những nguồn tư liệu mang tính khoa học, có độ tin cậy cao, đặc biệt cuốn LSKNNK là công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá xuất sắc.

Như vậy, về mặt Đảng, cơ quan chuyên môn cao nhất là Viện nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương cũng đã khẳng định không có cơ sở xác nhận đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ.

 

        2.2- Cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng

 

Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Tân Hương (Mỹ Tho) diễn ra từ ngày 21 đến ngày 27/7/1940 chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam kỳ đã thông qua vấn đề sử dụng cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa: “Đồng chí Trần Văn Thời- Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu đi họp hội nghị tháng 7.1940 của Xứ ở Tân Hương (Mỹ Tho), trở về phổ biến tại hội nghị cán bộ của tỉnh là trong cuộc nổi dậy sắp tới ta dùng cờ đỏ sao vàng... Đồng chí Trần Văn Sớm, lúc đó là Bí thư Quận ủy Giá Rai có được nghe phổ biến như vậy trong cuộc họp này. Đồng chí Trần Văn Sớm hiện là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Biên soạn công trình Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ.”(4) 

        “Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 7 năm 1940 ở Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có nghị quyết về hình thức của chính quyền, Quốc kỳ, khẩu hiệu, chính sách đối với các tầng lớp nhân dân. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng 5 cánh.”(5) 

Cờ đỏ sao vàng do Đảng bộ Mỹ Tho đề xuất tại Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương đã được khẳng định: “Hội nghị Xứ ủy tháng 7 ở Tân Hương đã chấp nhận phác thảo lá cờ Mặt trận do Tỉnh ủy Mỹ Tho đề nghị.”(6) 

“Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ Tho là sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho trong thực tiễn phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam… Xuất hiện trước tiên ở Mỹ Tho, cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hòa bình, hữu nghị, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam. Sức sáng tạo cách mạng đó thuộc về Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho - Gò Công.”(7) 

 

        2.3 - Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không liên quan việc đề xuất cờ đỏ sao vàng.

 

        2.3.1- Tại Hội nghị Xứ ủy ở Tân Hương (Mỹ Tho), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn kiêm Xứ ủy viên và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (Phụ trách cơ quan in ấn của Xứ ủy tại Chợ Lớn) không đến dự. 3 ngày sau Hội nghị Tân Hương (30/7/1940) hai đồng chí này bị bắt tại cùng một địa điểm ở  Chợ Lớn.(8)    

        2.3.2- Danh mục tài liệu, tang vật do địch liệt kê trong vụ bắt Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến ngày 30/7/1940 hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 Thành phố Hồ Chí Minh có 74 loại gồm sách, truyền đơn, tài liệu in, tài liệu viết tay, dụng cụ in ấn – không có loại tài liệu, vật dụng, dụng cụ nào liên quan đến việc vẽ, in hay viết về cờ đỏ sao vàng mặc dù có nhiều tài liệu có nội dung liên quan đến khởi nghĩa.(9) 

        2.3.3- “Nhân chứng sống” là đồng chí Nguyễn Văn Cung – tham gia trong Hội đồng biên soạn Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ đã cung cấp việc đồng chí cùng bị giam chung một cabanon với đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trước khi địch đưa đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ra xử tử. “Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đoán biết địch sẽ xử tử đồng chí. Đồng chí dạy tôi lý luận, kể cho tôi biết nhiều chuyện. Tôi chưa hề nghe đồng chí nói về việc đồng chí là người vẽ sáng tạo lá cờ đỏ sao vàng.” (10) 

        Đồng chí Nguyễn Văn Cung kể lại sau cuộc khởi nghĩa nổ ra, có đồng chí bị bắt lên phòng tra tấn đã nhìn thấy cờ đỏ sao vàng bị địch bắt được về kể lại nhưng cũng không thấy đồng chí Nguyễn Hữu Tiến nói gì. “Đồng chí Nguyễn Văn Cung coi đồng chí Nguyễn Hữu Tiến như bậc thầy cách mạng của mình… Đồng chí Nguyễn Văn Cung cho rằng nếu đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người sáng tác đầu tiên về lá cờ chắc chắn đồng chí sẽ kể cho nghe về suy nghĩ trong khi vẽ ra lá cờ đó như thế nào.”(11) 

   

Kết luận:

 

        - Chi tiết đồng chí Nguyễn Hữu Tiến vẽ cờ Tổ quốc trong truyện Nguyễn Hữu Tiến của Sơn Tùng là hư cấu dùng trong tác phẩm văn học. Những bài báo, sách sau này viết Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ cờ Tổ quốc đã lấy nguồn từ cuốn truyện Nguyễn Hữu Tiến của Sơn Tùng mà không đưa ra được căn cứ xác đáng nào.

- Cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho khởi xướng và phác thảo, đã được Xứ ủy Nam Kỳ chấp nhận trong Hội nghị tháng 7 - 1940 ở Tân Hương. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không phải là tác giả Quốc kỳ.

- Bài “Người để lại dấu son trong lịch sử” của Đỗ Phú Nhuận khẳng định đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ không đủ sức thuyết phục và không có cơ sở khoa học.

  

        Trần Mỹ Giống (sưu tầm tổng hợp)

 

….…………….

 

Chú thích:

         (1) Báo Tuổi Trẻ ngày 22/11/2006 – Bài 4.

         (2) Tờ trình số 207/TT – UB ngày 21/2/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam gửi Bộ Văn hóa - Thông tin.

(3) Công văn số 1393/VHTT- BTCM ngày 18/4/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin do Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu ký phúc đáp Tờ trình số 207/TT – UB ngày 21/2/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.

         (4) LSKNNK. - Sđd. - Tr. 104.

         (5) KYHTKHMT. - Sđd. - Tổng luận Hội thảo. - Tr. 230.

         (6) KYHTKHMT. - Sđd. - Sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 23-11-1940 ở Mỹ Tho / Lê Minh Đức (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Tiền Giang). -  Tr. 97.

(7) KYHTKHMT. - Sđd. -  Những đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong phong trào giải phóng dân tộc (1939 – 1945) /  Ts. Nguyễn Thanh Tâm (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng). - Tr. 127 - 128.

         (8) LSKNNK. - Sđd.- Tr. 95.

KYHTKHMT. - Sđd. - Tổng luận hội thảo. –  Tr. 53.

         (9) LSKNNK. -  Sđd. -  Tr. 95. - và Phụ lục Bản kiểm kê tài liệu. - Tr. 709 – 712.

         (10) Công văn số 1393/VHTT- BTCM ngày 18/4/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin

         (11) KYHTKHMT. - Sđd. -  Những đóng góp to lớn của nhân dân và Đảng bộ Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ / Trần Giang (Đồng chí Trần Giang chính là Chủ nhiệm công trình LSKNNK). -  Tr. 54.

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền