*HTT 1- Tâm Tình Cùng Con Của Mẹ Tuyết (Tùy Bút) Nhà Văn Hoàng Thi Tuyết (VN)

 

Tâm Tình Cùng Con Của M Tuyết 

 

         Mỗi lần mẹ mở album ảnh gia đình ra, hình ảnh đầu tiên dán vào mắt mẹ là nụ cười của ba con thật rạng ngời, thật tinh khôi, thật duyên dáng, thật thánh thiện hiền hòa.

Và đằng sau những nụ cười  đó, mẹ tìm thấy niềm hạnh phúc vô bờ của cuộc sống, niềm tự hào và nơi nương náu kỷ niệm buồn vui của một thời xa xăm, mà năm tháng không hề xóa nhòa dấu vết trong tâm trí mẹ.

Mẹ giữ mãi ba nụ cười đáng yêu đó cho riêng mình như một kho báu không thể sánh so với tiền, với vàng luôn vô thường của cõi trần gian này.

Ba nụ cười đó là sự hoán đổi tình yêu của đôi tâm hồn, là hơi thở sự sống, là đắng chát, oan nghiệt lẫn ngọt bùi trong đời sống hôn nhân.

Các con là khối gia tài khổng lồ vô giá, cũng như bây giờ các con đang ôm giữ vào lòng những đứa con do các con sinh ra, rồi thấy quanh mình tất cả chỉ là hư vô nếu không có chúng.

Lòng cha lòng mẹ bao la, phát xuất từ một tình yêu thương vô bờ bến, không điều kiện, đôi khi u mê mà không hiểu tại sao và tại sao??!!

Thật vậy, nếu không có tình cảm thiêng liêng ngự trị trong tâm hồn của người cha người mẹ thì những công việc mưu sinh cho sự sống còn của mái ấm chắc chắn không nở hoa.

Đọc bài "Chặt Mía, Tìm Cơm" của Nhà thơ Tình Andy Nguyên sau biến cố lịch sử 1975, mẹ bắt gặp hình ảnh ba mẹ của các con trong đó cho dù không ai giống ai, nhưng mẫu số chung vẫn là tìm cơm cho cuộc sống hiện tại, không rõ tương lai thế nào của cái thời “bao cấp”đó!!!

Ôi! Nhớ lại mà kinh hoàng và tự nhủ: sao hay vậy? sao giỏi vậy? sao có thể đưa các con vượt cạn một cách ngoạn mục đến thế! Giữa những săm soi hạ cấp, những thù ghét bẩn thỉu, những oan nghiệt từ không thành có, từ trắng qua đen, từ lành qua rách, từ rách vừa qua rách tươm, từ no đến đói, từ khô đến khát đắng khàn cổ! Chao ôi cuộc đời dâu bể kể mấy cho vừa!

Mẹ đến với ba các con do sự chấp nhận số phận.

Mẹ cứ ngỡ được đuổi từ Bệnh Viện Hội An lên làm y tế tại Công Trình Đại Thúy Nông Phú Ninh, Tam Kỳ - nơi đìu hiu hút gió, nơi có chim cuốc lẻ bạn gọi đàn từng đêm, có côn trùng ỉ ôi cho thân phận đám dân y tế lưu dung như mẹ với lý lịch “nhớp” bị tiễn đưa nhẹ nhàng khỏi ánh sáng phố phường thân thuộc để lên núi rừng hưởng thiếu thốn trăm bề mà không một lời tiếc nuối; mẹ tạm nghĩ đó là một hình phạt đích đáng dành cho một thai phụ mang tội kết hôn với một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Nào hay còn bao trấn áp về mặt tinh thần đằng sau đó! Gần sinh bé Na, mẹ được gọi lên phòng thủ trưởng đặt trong một lán tranh, bốn bề là phên tre, nhìn xuyên thấu đến tận ngọn núi đằng xa tại xã Khánh Thọ, để gặp một ông cán bộ phòng Tổ Chức, sở Y Tế Quảng Nam - Đà Nẵng lên tận nơi thẩm tra lại lý lịch. Ông cán bộ hỏi, mẹ đáp xong xuôi; ông cán bộ tặng cho mẹ - một thai phụ - câu nói “ngọt ngào”:“Theo quyết định của chúng tôi, xét thấy đồng chí đang có thai lớn gần sinh, nên khoan hồng, cho ở lại, sau khi sinh thì sẽ cho thôi việc!!"

Các con biết thời đó làm việc cho Nhà Nước được quyền lợi như thế nào không? Với một xuất gạo 08 kg cộng các thứ độn theo như sắn, khoai, bobo, mẹ phải nuôi con trong bụng, thêm ba của con thất nghiệp sau khi từ trại cải tạo về, đi theo để “chăm sóc” vợ giữa cảnh núi rừng “đèo heo hút gió”.

Vậy mà cái quyết định như búa bổ vào đầu; mẹ đứng lên nhận tờ quyết định, mà phải nắm tay vào thành ghế cho khỏi té xuống giữa cái nền đất gồ ghề của lán trại hôm đó; mẹ choáng bởi sự “khoan hồng”độc địa dành cho một phụ nữ đang bụng mang dạ chửa, sáng sáng phải nhịn bữa để đủ ăn tạm cả tháng cho hai vợ chồng và đứa con trong bụng.

Trước đó không lâu, mẹ đã bị động thai; người ta bảo có chồng và mang thai ở tập thể trong những lán trại mà bộ đội bàn giao lại làm ảnh hưởng??? Mẹ đành xin ra nhà dân ở nhờ, tốt phước ba mẹ gặp may mắn có bà Lạc, già lắm rồi, chắc cũng ngoài 70, sống côi cút một mình, cưu mang.

 Nhà lụp xụp dột nát, nhỏ xíu như trong truyện cổ tích, giữa nhà có chiếc quan tài sơ sài màu đỏ mà người con trai đi tập kết về mua phòng sẵn cho bà, rồi lại đi ra Bắc.

Ba và mẹ nằm ngay giữa nhà, trên nền đất láng nhưng không phẳng phiu. Mẹ nằm sát cái quan tài, ba nằm ngoài mép, bảo vệ mẹ vì sợ trong đêm bà cụ dậy đi “việc cần”, lom khom giẫm phải bụng mẹ, gây nguy cơ không an toàn cho hai mẹ con mình.

Tuy nhiên, phòng “vỏ dưa đạp phải vỏ dừa”! Một sáng, mẹ đi làm bị trễ vì không nghe tiếng kẻng của hai chú bộ đội báo thức như thường lệ. Các con ơi! Giờ giấc chỉ trông cậy vào tiếng kẻng; chiếc đồng hồ - gia bảo của ba mẹ -  bán rồi. Mẹ băng qua đám ruộng sau hè nhà bà cụ; vì vội vàng đạp trên đất cày lên từng mảng, mẹ trượt chân té; chao ơi, nhổm dậy, mẹ tiếp tục đi cho kịp giờ, nào hay vô đến lán, bụng mẹ bắt đầu quặn đau; mẹ khai với bác sĩ là vừa bị té, bịnh xá cho đi Bệnh Viện Tam Kỳ. Mẹ nằm bệnh viện gần một tháng để giữ con lại; phước mấy đời nên bây giờ ngày ngày mẹ vẫn lặng ngắm nụ cười duyên dáng của con đó!

Bà Lạc ơi! Giá chi bà còn sống đến hôm nay, chúng con có thể tìm đến, đền ơn đáp nghĩa phần nào. Thôi thì sống khôn thác thiêng, bà chứng cho lòng tưởng nhớ của chúng con từ nơi chốn xa xôi này nhé!

Thế rồi lực sinh tồn bừng dậy; trước ngày con chào đời, ba con cả gan viết thư trình bày với BS Hoàng Thao, Trưởng Ty Y tế Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ; trong nội dung thư, ba con nói :"Đưa một thai phụ lên công tác chốn này đã là một hình phạt chưa đủ hay sao, mà trong lúc vợ tôi đang bụng mang dạ chửa, lại giáng thêm một chấn thương về mặt tâm lý vv...". May sao người mang họ Hoàng đó còn chút tình người và lòng nhân ái, ông viết một lá thư tay, gửi cho ba con với lời lẽ chân thành độ lượng, mẹ còn lưu giữ lá thư đây! Ông trấn an ba mẹ bằng cách hứa vẫn cho mẹ tiếp tục công tác trong ngành y  v.v… và sai ông cán bộ hôm trước mang lên gặp ba mẹ lần hai...

Đọc thư xong, dù trời nắng chang chang, mẹ bỗng cảm thấy mát dịu như mùa thu tới, các con ơi!

Và con gái đầu lòng Nguyễn Hoàng Phương Thư (bé Na) của ba mẹ cất tiếng khóc chào đời tại Khoa Sản Bệnh Viện Hội An vào giữa mùa Đông năm xưa ấy trong túng thiếu vật chất nhưng no tròn tình yêu mến của đại gia đình nội ngoại.và bằng hữu đồng nghiệp thân thương; tình yêu mến ấy tồn tại cho đến ngày hôm nay đó, các con ạ!

Mẹ tạm dừng, nếu có thể, mẹ tâm tình với các con tiếp nhé!

Bên thềm nắng chiều nhẹ vương trên mấy cành lá chuẩn bị thay màu; mùa Thu đang tới và “tổ chim sẻ” chúng ta lại ríu rít yêu thương ngọt ngào như thuở hàn vi chưa xa lắm, các con yêu dấu của ba mẹ nhé !

 

                                                                    Hoàng Thy Tuyết

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền