*HHSG 6- Chiếc Ghe Dừa (Truyện Ngắn) Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn (Sài Gòn- VN)

 

Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn

 

 

Chiếc Ghe Dừa

    

                       

Mặt trời sắp khuất sau mấy ngọn tre cuối xóm, vài tia nắng vàng vọt còn xót lại Len lỏi chiếu rọi lên Vách lá nhà bà Năm Vàng. Ngồi trên chiếc võng được treo trên hai cây cột nhà phía trước hàng ba, bà Năm miệng nhóp nhép nhai trầu, mắt thì nhìn bâng quơ về phía chân trời xa thẳm dường như không khí cuối năm gợi cho bà nhung nhớ điều gì, rồi đột nhiên tiếng con Mỹ vang lên khiến bà quay về thực tại:

  -Má nè! Làm gì mà ngó trời ngó đất mông lung quá vậy má, rồi à chắc má nhớ tía con rồi phải hông?

 Nghe con Mỹ nhắc đến ông chồng của mình khiến cho bà càng buồn thêm trong lòng, ông Năm đã không giữ trọn lời hứa với bà, lúc còn sanh thời ông thường thủ thỉ mà bà Năm còn nhớ như in:

 -"Má mầy yên chí đi, tui ở với má mầy đến răng long đầu bạc mà".

 Để chống chế và che giấu cái cảm xúc trong lòng mình mà con Mỹ nó vừa nhận biết, bà Năm cất tiếng cười giòn rồi bà nói với con Mỹ:

 - Hứ còn lâu à con, tía bây ổng ương ngạnh thấy mồ tổ, tao với ổng khắc khẩu lắm thì mần gì mà nhớ với nhung bây ơi! Nhưng nói nào ngay tao chỉ tội cho tía bây thôi, ai đời ổng đang  khỏe mạnh vậy đó mà tự dưng ổng "đi" một cái ngọt xớt hà.

 Bà Năm cố kìm nước mắt khi nó sắp tràn ra nơi khóe, con Mỹ nhìn thấy được điều này, nó nói như trách cứ bà Năm:

 -Cũng tại má không chứ ai, tía hiền khô hà, vậy mà tối ngày má cứ càm ràm hết chuyện này tới chuyện nọ làm cho tía phải buồn phiền, giờ tía mất rồi má mới hối hận.

 Nghe con Mỹ lên án mình quá mạng, trong thâm tâm bà thấy con mình nói đúng nhưng bà cũng cố chứng minh không phải mọi việc là do lỗi nơi bà:

 - Con kia, mầy theo phía tía mầy dữ rồi đa, đồng ý tao có "câu mâu" với tía bây đôi chút thôi, nhưng ổng cũng có phần lỗi chớ bộ, nhiều khi tao góp ý với ổng này nọ ổng không nghe mà ổng "cho qua phà" hết, vậy đó thử hỏi sao tao không bực bội.

 Dường như không muốn nhắc lại việc đã qua nữa, bà Năm lái câu chuyện qua hướng khác:

 -Mỹ nè, chuyện tình cảm của bây với thằng Trường tới đâu rồi, mèn ơi chuyện trăm năm mà cái thằng đó cứ ầu ơ ví dầu riết coi không được rồi đó nghen bây.

 Nói đến đây bà Năm chợt thở dài thườn thượt, chợt nhớ  ra điều gì, bà đứng dậy đến bên cái bàn vói tay lấy cái thiệp mời đám cưới của con Mén với thằng Châu mới gởi đến cho mình hôm qua, lướt nhìn sơ qua cái thiệp cưới lần nữa rồi bà Năm lên tiếng:

 - Nè Mỹ, bây coi Thằng Châu với con Mén tụi nó tìm hiểu được có nhiêu lâu đâu, (dậy) mà có thiệp hồng mời khắp nơi rồi nè, thiệt là chị Tám má của con Mén cũng có Phước, thằng Châu rể của chỉ nó giỏi giang mà lại hiền như cục bột, ai như thằng Trường của bây nó cứ (cà rịch cà tang) hoài biết chừng nào má có cháu ngoại để ẵm để bồng đây bây.

 Nghe má mình nói vậy con Mỹ nó cũng xốn xang trong lòng, vì Mỹ cũng thường hỏi dò ý với Trường chuyện hôn nhân của hai đứa, hết lần này đến lần khác thằng Trường đưa ra nhiều lý do, nào là nó chưa có sự nghiệp trong tay, nào là thằng Xuân anh Hai của nó chưa lấy vợ, nó mà xung phong lấy vợ trước thì sợ bên nội bên ngoại xúm lại quở cho, vì làm như vậy sợ lỡ duyên của anh mình, có hôm hai đứa đang ngồi tâm sự bên đầu cầu khỉ, con Mỹ bực dọc trách móc:

 -Cha chả cái điệu hẹn lần hẹn lựa kiểu này tui nghi lắm rồi nha, ông "Câu rê" để coi có em nào "láng" hơn tui ông mới chịu lấy (dợ) phải hông?

 Trường nhà ta ú ớ trong bụng rồi mới đưa ra câu trấn an con Mỹ:

 -Thôi đi cô Hai, cái tật giỏi đoán mò, coi kỹ lại đi ở cái xứ này có ai sắc nước hương trời bằng cô Mỹ con bà Năm Vàng đâu, thôi ráng đi, cuối năm này nhà anh thu hoạch ba cái lúa má với mấy đìa cá, nếu trúng thì mần đám cưới rình rang luôn chịu chưa.

 Con Mỹ chưa kịp tận hưởng ngất ngây với viễn cảnh của thằng Trường vẽ ra, nó đã bị Trường ôm vào lòng hôn như mưa khiến Mỹ quên đi những lời thằng Trường hứa đủ điều với nó. 

Mỹ đang miên man suy nghĩ về những lời mật ngọt mà Trường cứ rót vào tai mình hàng ngày, bổng nó giật mình khi nghe tiếng bà Năm Vàng hỏi:

 -Má đang nói chuyện (dới) bây mà bây thả hồn đi đâu nãy giờ (dậy) con kia.

Hơi bối rối bởi Mỹ đang phân tâm vì một bên là lời hứa của Trường, một bên lời bà Năm đang thúc hối, hai trạng thái này nó cứ đan xen trong đầu khiến cho Mỹ đôi lúc chán nản, nó muốn buông xuôi cứ "mặc cho con tạo xoay vần đến đâu".

  Mỹ đáp lời bà Năm:

- Má ráng chờ con vài hôm, để anh Trường đi công chuyện trên Sài gòn (dìa) rồi con sẽ cho má biết.

 Nói xong con Mỹ chạy u ra phía sau nhà nó khóc rấm rứt, đến bên cái lu nước mua nó lấy cán gáo múc đầy những gáo nước mưa xối lên người như để trút đi bao chuyện bực mình mà nó đang vương mang trong lòng vì chuyện tình cảm của Trường và nó.

                          ***

  Thằng Phát con ông Hai Kéo ở bên kia con mương sát ranh đất nhà  bà Năm Vàng, từ bấy lâu nay khi thấy con Mỹ trổ mã ngày càng đẹp ra  khiến nó xao xuyến trong lòng mỗi khi diện nó kiến với cô nàng, chả bù cách đây gần chục năm, lúc mấy đứa còn chơi chung trong các trò chơi ở trong thôn xóm, Phát nhớ nhất lúc chơi trò chơi "Nhà chòi", con Mận, con Hà rồi thằng Tí , thằng Thiên xúi nó lấy con Mỹ làm vợ, thằng Phát nghe đám bạn gán ghép cho nó với con Mỹ nó càm ràm:

-Thôi tụi bây ơi, tao nghe ông Mười nói câu : "Nhất gái lớn hai, nhì trai lớn một", lấy (dợ) thì nếu lớn tuổi hơn mình phải hơn hai tuổi, mà con Mỹ nó lớn hơn tao ba tuổi lận, tao hổng chịu lấy nó làm (dợ) đâu.

 Sau buổi chơi nhà chòi này, thằng Phát tâm sự với thằng Thiên :

 -Chèn ơi, tụi bây xúi tao lấy con Mỹ làm (dợ) sao được, nó đâu có đẹp hơn nữa tao nghe đồn con Mỹ nó ham ăn thấy tía luôn, (dìa) ở (dới) nó chắc gây lộn suốt ngày luôn sao ?

 Thằng Thiên lên gân cổ cãi lại với Phát :

-Thôi đi ông ơi! đúng là ông "có mắt không có tròng", con người ta có duyên ngầm mà ông chê, lớn lên chút xíu bà Năm bả gả cho người khác rồi ông thèm chảy nước miếng thì còn lâu mới có nghe ông.

 Thằng Phát cố bảo vệ cái suy nghĩ của mình, nó bèn chất vấn thằng Thiên:

 - Ông nói con Mỹ có duyên ngầm là duyên gì, sao ông biết hay quá (dậy), mai ông ra chợ quận lấy bộ bài cào đi theo làm thầy bói được rồi.

 Thằng Thiên lúc này nó lên mặt ta đây, nó nói cho thằng Phát biết:

 - Ông không thấy con Mỹ có cái răng khểnh hả, rồi nước da bánh mật nữa, con gái mà được (dậy) nó khỏe mạnh lắm, tui nghe bà Tám Cồ má của thằng Năm Búa khen con Mỹ dữ lắm nghe, bả ước ao sau này Năm Búa có (dợ) như con Mỹ là bả cưng thấu trời luôn, khỏi sợ má chồng con dâu xích mích gì ráo.

Thằng Thiên vừa dứt lời, Phát chêm vô liền:

-Cái mốc xì họ, con Mỹ nó sao bằng con Ngân con của bà Sáu Chịu, con Ngân da trắng như trứng gà luộc, nói chuyện nhỏ nhẹ nghe đê mê lắm, so hai đứa (dới) nhau như một trời một (dựt).

 Vậy đó, kể từ khi gia đình con Ngân bán đất cát ruộng vườn để chuyển ra phố thị sinh sống, không còn người trong mộng của mình để thương để nhớ khiến thằng Phát nó nhớ lại lời thằng Thiên nói về con Mỹ, lúc này để lấp vào khoảng trống trong tâm hồn của mình nên Phát đã thầm thương trộm nhớ cô bạn chơi nhà chòi bị mình phụ rẫy ngày nào...

                         ***

 Từ hôm được tía cho đi theo ghe chở Dừa bỏ mối trên chợ quận, Trường thích thú vô cùng vì ở đây đối với nó cái gì cũng lạ lẫm, đám con trai con gái ngoài chợ ăn mặc đẹp bởi màu sắc tao nhả bắt mắt, nhìn lại mình quanh năm suốt tháng quần áo bằng vải thô với một màu đen u buồn, thấy đám trẻ ăn cây cà rem lạnh bốc khói, nó kêu tía mua cho bằng được...

  Vài năm sau một lần nọ Khi ông Tư tía của thằng Trường giao hết ghe Dừa cho vựa xong, ông neo ghe lại bên mé nhà sàn cất de ra khỏi bờ sông một ít, ông Tư cất tiếng kêu ai đó trên căn nhà này:

 -Quơ Bảy Hổ ơi có nhà không anh, tui có mấy con Cua bự "tổ bà chảng" nè, lên (mần) (dài) xị nghe anh Bảy.

 Từ phía trong có tiếng người đàn ông nói Vọng ra:

-Cha chả ngon dữ đa, anh Tư đem lên đây đi tui hấp nước dừa tụi mình nhậu "thuyền chìm tại bến" luôn nghe anh Tư.

  Ông Bảy Hổ thả cái cầu thang bằng gỗ xuống chí mí mặt nước sông, hai cha con thằng Trường theo đó mà lên trên sàn nhà, thấy Trường ông Bảy Hổ chép miệng khen:

 -Chèn ơi, cái thằng này Là thằng Trường con anh phải không? Tui không ngờ nó đẹp trai như tài tử (Cine')  người Pháp, cái tay đó tên Long Long gì đó tui quên phức rồi.

 Chợt như có luồng điện xẹt vào đầu cho ông nhớ lại cuộn phim nào đó của điện ảnh Pháp đã chiếu ở rạp chớp bóng gần dinh Quận trưởng, ông Bảy Hổ nói:

-Chèn ơi, có (dậy) mà (hông) nhớ nữa, cha tài tử đó là "Ai len đờ long", chả đóng hay lắm luôn đó anh Tư.

 Tía của Trường nhanh nhẩu đáp:

- Nó đó anh, tui đem nó theo để nó nhìn mặt tía (dợ) tương lai đó mà.

 Nghe tía mình nói chuyện với ông khách lần đầu mình mới gặp, nghe hai ông già đối đáp có đề cập tới việc hứa hôn sui gia với nhau, Trường chới với vì bấy lâu nay nó với con Mỹ thương nhau thật lòng, hai đứa hẹn hò bí mật nên gia đình ông Tư chưa biết Ất Giáp gì, riêng Bà Năm Vàng biết được chuyện hai trẻ thương nhau do tình cờ, số là đêm nọ sau buổi hẹn hò với Trường, con Mỹ  đêm nằm ngủ nó mơ thấy điều gì đó, nó cười khúc khích trong giấc mơ khiến bà Năm Vàng nghe được, bà Năm lay con Mỹ thức dậy bà gặng hỏi:

-Bây mơ gặp cái giống gì mà cười dữ thần ôn (dậy)?, bây (mần) tao mất ngủ luôn rồi nè, đâu kể cho má nghe coi con.

  Con Mỹ với đôi mắt vẫn nhắm nghiền, nó nói trong vô thức:

-Anh Trường ảnh rủ rê con bơi xuồng qua xóm trên Cồn chơi, bên đó có mấy nhà vườn trồng cây kiểng đẹp lắm.

 Nghe con Mỹ nói đến thằng con trai tên Trường nào đó đòi dẫn con mình đi chơi xa, bà Năm điếng hồn bà gọi giật ngược con Mỹ dậy.

 Ngơ ngác không hiểu tại sao bà Năm phá giấc ngủ của mình,  nó vừa dinh mắt vừa cằn nhằn:

 -Má ơi ngày (mơi) nhiều công (diệc) lắm, má kêu kiểu này sao con sống cho nổi đây má?

Bà Năm "đớp" con Mỹ liền:

-Trường là thằng nào, con cái nhà ai, tía má nó tên gì, ở đâu bây mau cho má biết coi.

 Nghe bà Năm cật vấn mình như vậy, con Mỹ sợ điếng hồn vì nó không ngờ tại sao bà Năm biết chuyện này, trong lòng nó nghi ngờ thằng Phát "thèo lẽo" với má nó chứ chẳng ai vô đây, bởi gần đây tự dưng thằng Phát có cái nhìn đắm đuối với mình nên Mỹ trút hết sự nghi ngờ lần này cho Phát, nó nghĩ Phát nhà ta đang "cà nanh" với tình yêu của Trường đang vun đắp cho mình, nhưng để chắc ăn nó nói theo kiểu chặn đầu:

- Ông Phát bên kia mương méc (dới) má phải không, con phải hỏi tội ổng mới được, người đâu khó ưa, tự dưng xía (dô) chuyện của người khác chi (dậy).

 Bà Năm cười gằn giọng :

-Thôi đi bây, đừng đỗ thừa thằng Phát tội nó, bây khai ra chứ ai "trồng khoai đất này".

 Con Mỹ rống cổ lên cãi lại:

-Chèn ơi, chuyện này con nói hồi nào đâu, má có nhớ lộn không?

  Bà Năm Vàng kể lại ngọn ngành câu chuyện tại sao bà biết vụ nó với Trường hò hẹn cùng nhau, bà cũng lên tiếng giải oan cho thằng Phát:

 - Cái thằng Phát nó là đàn ông mà con, nó đàng hoàng lắm làm gì có chuyện đi "thóc mách" (dậy) đâu con....

 Trở lại chuyện Trường cùng tía đang trong căn nhà ông Bảy Hổ, nó khẽ gật đầu chào ông Bảy khi nghe ông ta đề cập mình giống "Al len đờ long" nào đó, nó nghe ông Bảy mô tả mình giống tài tử chớp bóng thì nó khoái chí tử, nó nghĩ thầm chuyến này về nó sẽ khoe với con Mỹ rằng nó cũng "có giá" vô cùng.

 Trường đang đứng tần ngần cạnh lan can nơi căn nhà de ra ngoài mé sông của ông Bảy, bởi hai ông già kéo nhau xuống bếp làm món "cua um nước dừa" để một mình nó ở đây, đang sớ rớ chẳng biết làm việc gì, bổng Trường nghe tiếng mái chèo khua nước rồi nghe tiếng vật chạm mạnh vào những cây cừ phía dưới sàn nhà, Trường đưa mắt nhìn xuống cầu thang gỗ nơi nó bước lên khi nãy nó thấy hai "bóng hồng" đang neo chiếc  xuồng rồi trèo lên bậc cầu thang gỗ để lên nhà, thằng Trường nhìn chằm chằm vào hai thiếu nữ mà không thốt nên lời, hai cô gái thật xinh đẹp, hai nàng ăn mặc và hình thức bên ngoài giống nhau như hai giọt nước, cũng chẳng cần làm nhà tướng số thì Trường cũng đoán được đây là hai cô gái sinh đôi, thấy một anh chàng lạ hoắc đang ngồi trong nhà mình, Dung và Hạnh chẳng biết xưng hô thế nào, khi chạm mặt nhau hai cô chỉ gật nhẹ đầu chào Trường rồi nhanh chóng đi vô nhà phía bên trong.

  Ngồi phía ngoài tuy gió dưới sông thổi lùa lên mát rượi, vậy mà Trường cảm thấy nóng ran trong người, chẳng phải vì bị ảnh hưởng do thời tiết mà đích thị Trường nhà ta bị hai cô "Tiên nữ" mới xuất hiện hốt hồn anh ta rồi, bối rối trong lòng nó hỏi vọng vô nhà :

 -Tía ơi, mần gì đó có cần con phụ không, ở đây có mình ên chán quá tía.

 Giọng ông Bảy Hổ vang lên trả lời thay cho ông Tư:

 - Ờ vậy cũng phải đa, xuống đây phụ ông Bảy với tía bây đi rồi dọn ra ăn luôn một thể.

 Chỉ chờ có bấy nhiêu thôi Trường lật đật đi xuống phía sau nhà để phụ với hai ông già, tuy nói là phía sau nhà nhưng kỳ thực lại là mặt trước  căn nhà của ông Bảy, Trường nhìn ra phía con lộ trước nhà người đi lại đông đúc, có lẽ họ trong xóm làng quanh đây ra chợ mua bán hàng ngày, ông Bảy nói với Trường khi ông chỉ tay về phía hai cô gái nó gặp khi nãy:

 -Ông Bảy giới thiệu cho anh em bây biết mặt nhau nghe, con Hạnh và con Dung là hai đứa sinh đôi con của ông đó, tội nghiệp bà Bảy mất sớm nên ông cực khổ lắm mới nuôi hai đứa đến bi giờ đó đa.

Lúc này Hạnh và Dung lại nhìn sang Trường rồi gật đầu chào lần nữa, Trường tưởng rằng ông Bảy sẽ giới thiệu tên nó cho ai cô nàng kia nhưng chờ mãi nó không thấy ông Bảy lên tiếng, Trường đâu biết rằng khi hai cô vào trong nhà ông đã thông báo cho hai cô con gái rượu của mình hai người khách là ai rồi, nên có chờ đến" Tết Công gô" thì chẳng bao giờ Trường được nghe lời giới thiệu này, đang thắc mắc việc này thì nó nghe ông Bảy thúc hối:

-Xong rồi, a lê hấp mỗi người một tay dọn lên nhà sàn vừa ăn vừa hóng mát luôn...

 Cuộc nhậu của hai ông bạn tri âm tri kỷ vừa tàn thì mặt trời cũng vừa xế bóng, tía con thằng Trường bịn rịn chia tay với ông Bảy với Dung và Hạnh, lò dò bước xuống cầu thang gỗ để lên ghe lui gót về nhà, thấy tía mình mặt đỏ như gấc bước chân hơi lạng quạng thằng Trường nói:

-Tía không khỏe thì tía vô trong nằm nghỉ đi, để con chạy máy cho, tía say rượu rồi coi chừng lủi vô ghe khác là tiêu đời nghe tía.

 Dường như tiếng thằng Trường nhắc ông rất có lý, hơn nữa do quá chén đầu óc không còn tỉnh táo nên ông đành giao lái cho Trường, nhưng ông cũng thòng một câu:

- Mà mầy có biết đường (dề) nhà không, lạng quạng mầy chạy một lèo ra sông Tiền là "tiêu tán đường" luôn nghe ông con.

 Trường vui mừng khi thấy tía mình chịu nhượng bộ, nó nói liền:

-Chèn ơi, con coi quê quê (dậy) chứ thông minh nghe tía, con đi một lần chỗ nào kể cả trên bờ dưới nước là con thuộc lòng luôn, ở đó mà lạc với lõng.

 Ông Tư "đế" cho nó một câu như đánh đố:

 - Còn ví như đường trên trời bây đi có biết đường nào (dìa) không, bí rồi chứ gì, khà khà khà.

Nghe tía nói giỡn chơi như vậy,Trường "tấp" theo luôn:

-Ớ ở trên trời chừng nào tới phiên con "cầm lái" được hả tía, (dụ) đó có mấy ông Phi công lo rồi tía ơi.

 Chập tối thì ghe của tía con Trường cũng vừa cặp vào con kinh trước nhà, chưa kịp chống cái sào để neo chiếc ghe lại thì tía con thằng Trường nghe tiếng bà Tư rầy rà trên bờ kinh vọng xuống.

-Mèn ơi sao tía con bây (dìa) trễ dẫu (dậy) , ở nhà tao phập phồng lo muốn chết hà, có chuyện gì hông Trường.

 Ông Tư lúc này cũng đã tỉnh rượu ông lên tiếng:

-Có cái giống gì mà bà làm phát ớn hè, tui thả xong mớ dừa cho vựa Hai Cua, tiền bạc xong xuôi nó tặng cho mấy con Cua bự tui chực nhớ đến anh Bảy ghé ảnh lai rai bàn chuyện tương lai cho thằng Trường đó mà .

 Nghe chồng nói vậy bà Tư cũng mừng vì chuyến đi suôn sẻ, hơn nữa ghé lại thăm bạn bè "nối khố" của chồng mình thì bà cũng an tâm..

                          ***

  Thấp thỏm chờ Trường cả Tuần mà vẫn chưa có tin tức gì, Mỹ lấy làm khó chịu trong lòng, nó cứ đi ra đi vào khiến bà Năm cũng ái náy, bà khuyên :

 -Thôi kệ nó con, bữa nào nó (dìa) cũng được mà, chờ nó bao lâu rồi hôm nay chờ thêm chút nữa có chết thằng Tây nào đâu mà bây lo.

                     ***

 Ông Tư cứ cho Trường tháp tùng riết theo những chuyến chở dừa, lần nào ông cũng lấy cớ cho Trường gặp con Hạnh, lâu ngày "lửa gần rơm" chuyện gì đến cũng phải đến, khi tình cảm của hai đứa chín mùi thì thằng Trường đúng là kẻ "thấy trăng quên đèn", dần dà tình cảm nó dành cho Mỹ cũng nhợt nhạt theo ngày tháng.

                         ***

  Vừa từ Sài gòn về tới, chẳng cần tắm rửa thay đồ Trường nhanh chóng đến nhà của Mỹ, Trường đặt quà mua tặng cho bà Năm và Mỹ lên trên bàn, nó lí nhí nói với bà Năm:

 -Con xin phép bác Năm cho con với em Mỹ ra ngoài có chút chuyện con muốn nói.

 Bà Năm Vàng vui vẻ chấp thuận, bà nói:

 - Ừ thì hai đứa cứ nói chuyện đi, bác đâu có cấm cản gì hai đứa đâu.

 Ngồi bên chiếc cầu khỉ nơi hai đứa từng hẹn hò, con Mỹ nó có linh cảm dường như hôm nay nó sẽ gặp Trường lần cuối, vì trực giác đã xúi cho nó cảm nhận được điều sắp xãy ra với hai đứa, với đôi mắt đượm buồn con Mỹ hỏi bâng quơ:

 -Anh đi Sài gòn (dui) không?

Thằng Trường nó cũng buồn không kém, với một chút ngại ngần hiện lên khuôn mặt nó không trả lời câu hỏi con Mỹ mà nó hỏi ngược lại:

-Em thấy anh có thật lòng thương em không?

- Tại sao hôm nay anh hỏi em câu này

-  Anh có nỗi khổ tâm anh sẽ kể hết cho em nghe để em thấu hiểu lòng anh.

 Mỹ như đang chạm phải dòng điện, nó giật bắn người vì nó linh cảm ngày chia tay của hai đứa đã thành hiện thực, nó đẫy nhẹ thằng Trường qua một bên rồi nghe Trường nói huyên thuyên, vừa thanh minh vừa tạ tội với người yêu, nó thú nhận vì tía nó đã cùng ông Bảy hứa hôn nhau từ trước, nó đành nhắm mắt chọn con Hạnh làm hôn thê trong ngày cưới của nó sắp tới cho dù trong lòng nó không muốn, nó sợ cãi lời tía má mình chẳng những làm cho họ buồn sanh bịnh thì nguy mà còn mang tội bất hiếu.

 Đất trời như sụp đỗ dưới chân, con Mỹ khóc ngất như chưa bao giờ được khóc, nó giận dỗi xô thằng Trường té bò càng rồi bất ngờ nó lao mình xuống dòng kinh để tự vẫn, mọi chuyện xãy ra nhanh chóng thằng Trường quá bất ngờ trở tay không kịp, nhưng bất chợt từ phía bên kia con kinh một người nhảy xuống nhanh chóng dìu con Mỹ lên bờ, dường như biết được mọi chuyện như người trong cuộc, thằng Phát nó theo dõi cặp tình nhân này từ lúc đầu nên khi thấy cớ sự nó liền ra tay làm "Anh Hùng cứu mỹ nhân", thấy mình không còn lý do gì có mặt nơi này thằng Trường lủi thủi trở gót quay về như tên bại tướng nơi chiến trường.

 Thằng Phát bồng con Mỹ khi hai đứa quần áo còn ướt sũng, nó chạy u về nhà con Mỹ, thấy con gái mình trong tình trạng thê thảm này bà Năm cũng đoán được phần nào câu chuyện, trao con Mỹ lại cho bà Năm thằng Phát lặng lẽ ra về.

                          ***

  Đưa tô cháo cá cho Mỹ, bà Năm nói :

- Nè ăn đi con, má mới nấu đó, con ăn cho lại sức, con dại quá thằng Trường nó tệ quá thì thôi con nông nổi làm khổ thân mình chứ ai, à quên nữa sáng này má tính ra chợ xóm trên mua cho bây con cá lóc nấu cháo giải cảm, ai dè mới ra ngõ gặp thằng Phát nó lù lù xuất hiện, nó cho má con cá Lóc đen trui trũi luôn, cái thằng con trai vậy mà nó tinh tế ghê nhe bây, tao coi mòi nó quý con lắm, thôi nếu nó chịu bước tới thì con đừng làm nó thất vọng nghe con, thằng Phát coi (dậy) mà nó có tình lắm con.

 Bà Năm nói đến đây bà thấy nghèn nghẹn trong lòng, con Mỹ cũng tâm trạng như má mình, bổng chốc trong miền ký ức nó lóe lên câu chuyện chơi nhà chòi ngày xưa. 

                        ***

Thằng Phát hôn lên môi cô dâu trong ngày cưới, cái đám bạn thời "xây lố cố" như thằng Tí, thằng Thiên, con Mận con Hà đều tham dự, khi thấy hai đứa âu yếm hôn nhau thì thằng Thiên chạy đến nói nhỏ cho con Mỹ và thằng Phát nghe:

 -Ê ông Phát, hồi đó tui nghe ông nói ông Mười kêu là lấy vợ chồng "Nhất gái lớn hai nhì trai lớn một", (dậy) mà hôm nay dám hôn (dà) ôm gái lớn hơn ba nhe.

 Thằng Phát co giò đạp nhẹ chân thằng thiên vì cái tội dám chọc quê mình, thằng Thiên làm bộ đau đớn la lên:

 -Bác Năm ơi thằng rể bác nó ăn hiếp con nè.

 Bà Năm cười thật tươi bà nói:

- Kệ tha cho nó hôm nay đi con, mơi mốt con "Trả thù" còn kịp mà.

 Bà con tham dự đám cưới nghe màn tấu hài bất đắc dĩ này họ cười ùa theo, lúc này con Mỹ thấy khóe mắt mình ươn ướt vì quá đỗi hạnh phúc.

 

Hai Hùng Sài Gòn

  Chiều Chủ nhật.16.9.2018

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền