*HHSG 7- Đi Bình Dương (Truyện Ngắn) Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn (Sài Gòn- Việt Nam)

 

Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn

 

 

Đi Bình Dương

           

 Đứng tần ngần nhìn bầy cá "Lòng Ròng" đang tung tăng bơi lội trong mương nước phía trước nhà,  bà Nhung ao ước sau này thằng Cu Lượm con của bà nó có được một mái ấm gia đình và sanh con đẻ cái đông vui như bầy cá Lòng Ròng này, cũng vì cái ý nghĩ trên, nên bà Nhung nói với ông Liêm chồng của bà đang ngồi uống trà ở cái bàn gần đó.

 -Anh Liêm nè, thằng Cu Lượm nó lấy (dợ) xong tui kêu tụi nó đẻ năm một cho tui, kệ nó con cháu đông đúc mới (dui) nhà (dui) cửa.

  Ông Liêm người đàn ông khỏe mạnh, ông thuộc về người "Vai u thịt bắp", tướng tá "dềnh dàng", gương mặt ông Liêm mới thoáng nhìn ai cũng tưởng ông ta là loại người hung dữ, nhưng thật ra ông hiền như cục bột, đôi lúc ông làm việc gì trái ý bà Nhung khiến bà la lên ỏm tỏi, lúc này ông không dám hó hé một câu, chẳng phải ông tôn thờ chủ nghĩa "Nhất vợ nhì trời" nhưng vì muốn gia đình êm ấm, vợ chồng mà "cắn đắng" với nhau hoài thì không hên trong công việc làm ăn hàng ngày,  bởi ông thuộc nằm lòng câu của cổ nhân đã dạy "Một câu nhịn chín câu lành", hôm nay nghe bà vợ mình ước ao hơi một việc hơi quá lố, ông nghĩ việc sinh đẻ là do tùy theo sức khỏe của hai đứa trẻ, rồi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, ông nói thầm:

 -"Cái bà Nhung này mắc cười quá, Cu Lượm chứ đâu phải gà vịt đâu mà muốn đẻ hồi nào thì đẻ".

 Ông lên tiếng trả lời với vợ mình:

-Thôi đi bà ơi, bà tào lao quá, có đẻ thì giỏi lắm (dài) đứa thôi, đẻ cho cố mạng lấy cái giống gì nuôi con, bà đừng nói (dới) tui "Trời sanh (doi) sanh cỏ" nghen bà.

 Nghe ông chồng có ý chống lại mình, bà Nhung nỗi cơn tam bành lên bà "quậy" lại ông Liêm liền:

- Ối xời, đúng là "Trời sanh (doi) sanh cỏ" đó ông ơi, trời sanh trời nuôi, chứ ông không thấy anh em bên ông cả bầy luôn đó hả, hơn chục có đầu luôn, (dậy) đó mà tía má ông đâu có bỏ ai đói đâu mà ông lo.

Ông Liêm cũng không vừa, ông "Phản pháo" lại tức thì:

-Chèn ơi, bà so sách như (dậy) đâu có đặng, xưa khác giờ khác bà ơi, hồi đó bà thấy Cá, Tép đầy đồng, ruộng lúa Cò bay thẳng cánh, muốn có Cá ăn chỉ cần lấy cái thúng ra xúc chừng (dài) cái thì ôi thôi lềnh khênh mặc sức mà ăn, bây giờ lội rã cặp giò giỏi lắm bắt được (dài) ba con là hay lắm rồi đó bà.

                                                 ***

 Sở dĩ ông bạo gan "trả treo"  với bà Nhung theo kiểu "Giận cá chém thớt" là do sáng nay có ông khách quen ở xóm dưới vô hớt tóc mở hàng, ông Liêm hăm hở lấy đồ nghề ra làm liền, trong khi hớt tóc cho ông khách này, ông Liêm phải vận dụng đầu óc, có bao nhiêu kiến thức ông đem ra làm "bà Tám" với ông khách, gặp phải ông khách thuộc hàng nhiều chuyện nên hai ông góp vào cho nhau những câu chuyện thời sự nóng bỏng ở làng quê thôn xóm, đến đoạn câu chuyện nào tâm đầu ý hợp hai ông cùng cười vui vẻ.

 Tưởng đâu ông khách mở hàng sẽ trả tiền công hớt tóc sòng phẳng, nào ngờ khi xong ông khách nọ đứng dậy và nói lí nhí vừa đủ cho ông Liêm nghe:

 -Thấy tía rồi anh Liêm ơi, tui còn hai chục ngàn bạc trong túi mới tối qua thôi, (dậy) mà nó rớt đâu mất tiêu rồi, thiệt khỗ cho thân tui !

 Nói đến đây ông khách kéo cái túi trống không ra cho ông Liêm xem, ngao ngán với tình huống trớ trêu này ông Liêm hỏi ông khách:

-(Dậy) rồi anh Bảy tính chừng nào anh gởi cho tui đây?

Với vẻ mặt bối rối, ông khách hứa hẹn:

-Thôi để sáng (mơi) tui gởi anh chục cái hột (dịt) coi như (quề dốn) nghen anh Liêm, nói nào ngay hổm (gài) tui bí tiền bạc quá, đang chờ con Mén trên Sài gòn gởi (dìa)chút đỉnh tiền cho gia đình, cho nên tới nay tui "héo queo" luôn "gồi" nè.

 Nghe ông khách than vãn hoàn cảnh gia đình quá chật vật, ông Liêm gật đầu để cho ông khách ra về, đợi cho khách đi khuất bóng, ông Liêm lấy tờ báo cũ ông cuộn lại như cây củi rồi lấy hột quẹt đốt, khi lửa cháy bùng lên ông Liêm bước ra cửa huơ huơ vòng vòng, khi tờ báo cháy còn lại một đoạn ngắn ông quăng  xuống đất rồi lấy hai tay nắm hai ống quần lên cao cho không bị bắt lửa, ông nhảy qua nhảy lại trên ngọn lửa ba lần, thằng Hai Nghé vừa đi ngang qua nó thấy ông Liêm có cử chỉ ngộ nghĩnh nó bèn cất tiếng hỏi:

 -Ông Ba (mần) gì giống (người Mọi) da đen múa quá (dậy).

 Hỏi xong câu nọ, thằng Hai Nghé cất tiếng cười khanh khách:

-Cái  thằng này mầy kêu người đồng bào thiểu số là (Mọi) là quấy lắm nghe chưa, (Mơi mốt) kêu bằng người dân tộc Miên, S'tiêng, Gia Rai gì đó, còn như không biết họ người gì thì nói họ là người dân tộc thôi nhe hôn, còn ông Ba làm như (dầy) thì thiên hạ kêu là "Đốt phong long" đó con.

 Thằng Hai Nghé thắc mắc hỏi tiếp: 

-Đốt phong long để (mần) chi (dậy) ông Ba.

 Đang còn ấm ức chuyện không hên lúc mở hàng mà nghe thằng nhóc hỏi tới tới, ông Liêm hơi bực mình ông xẵng giọng :

 -Chèn ơi, đi học không lo cứ "hỏi đon hỏi ren" hoài vậy "anh Hai", đốt để xả xui khi bị ế hàng hay gặp khách nặng bóng (día) mở hàng đó ông con ơi, rồi đó  hiểu chưa, a lê hấp lo đi học giùm tui đi, trễ giờ (dô) lớp bị cô (quánh) cho tét đít bây giờ.

 Nghe ông Liêm dẫn giải cặn kẽ thằng Hai Nghé mĩm cười nó lễ phép gật đầu chào kiếu từ ông Liêm rồi nhanh chân đi đến trường .

 Kê cái đồ hốt rác vô đám tro tàn trước cửa tiệm, ông Liêm lấy chổi quét và hốt sạch sẽ đám tro này, tính cẩn thận của ông là vậy, nếu như người khác thì chắc chẳmg ai bỏ công làm như vậy, họ sẽ để mặc cho "Thần gió" thổi bay tứ tán vào không khí, vì họ quan niệm chuyện có chút xíu có chết "Thằng Tây" nào đâu mà lo..

                                                    ***

  Đang chăm sóc con Gà nòi của mình phía sau vườn nhà, thằng Cu Lượm nghe tiếng kêu của tía mình vang lên từ phía trước nhà vọng vào:

 - Cu Lượm đâu, ra coi tiệm phụ tía để tao chạy lên Xã có chút chuyện coi bây.

  Vốn mê Gà, nó còn nấn ná chưa muốn rời xa con Gà  "Hường Tâm" của mình, thằng Cu Lượm trả lời:

- Sao tía không nói má coi chừng đỡ đi, con bận tay một chút.

 Có thể do tính chất công việc khá gấp gáp, lại nghe thằng con thoái thoát việc coi chừng cái tiệm, ông Liêm nỗi sùng lên rồi nói lớn tiếng:

- Má bây bả đi qua xóm bên cắt lúa phụ bác Tám Tàng rồi, mà bả coi tiệm rồi khách (dô) hớt tóc bả biết giống ôn gì đâu mà hớt chi họ,  cứ (dậy) riết là mất mối mần ăn luôn nghen bây, lẹ lên tía đi đó.

 Sau câu nó trên ông Liêm bỏ đi thẳng một nước chớ không thèm chờ thằng Lượm nữa, Cu Lượm nghe giọng tía có hơi gay gắt nó ớn trong bụng nên lật đật nhốt con Gà vô cái bội rồi đi lên nhà trên coi chừng cái tiệm cho tía .

  Chừng một lúc sau, cu Lượm thấy bà Hai Mẹo má của con Tuyền người yêu của nó đến tiệm và đang còn lấp ló ngoài cửa, bà dắt theo thằng Sơn em út của Tuyền, nhìn thấy hai má con họ được phản chiếu qua tấm kiếng trong tiệm, thằng Cu Lượm cũng đoán ra việc gì khi bà má vợ tương lai xuất hiện cùng thằng nhóc kia, lật đật đi nhanh ra ngoài, Lượm khoanh tay cúi đầu chào bà Hai Mẹo, tiện tay nó đẩy vai Sơn vô tiệm rồi nó cất tiếng mời:

 -Con mời bác Hai (dới) em Sơn (dô) nhà nghỉ chân uống nước.

Thấy  bà Hai Mẹo vui vẻ cất bước vô tiệm, sẳn trớn Cu Lượm nhà ta "kiếm điểm" luôn, nó nói:

-Chà chà tóc "Anh nhỏ này dài hung (gồi) nha bác Hai, sẳn tiệm chưa có khách để con hớt cho em luôn.

Chẳng cần biết có được bà Hai đồng ý hay không, Cu Lượm bồng thằng Sơn lên ghế ngồi, nó lấy đồ nghề ra trổ tài cho bà Hai "lé mắt" chơi, vì thời gian gần đây khi mùa túc cầu thế giới vừa bế mạc đội banh vô định Brazil đã trình diễn màn sút vô "gôn" của các đội đối phương thật hay, anh chàng Ronaldo mà báo chí trong nước họ gọi tắt là "Rô béo" đang là thần tượng của đám con nít vùng quê này, tụi nhóc con hùn tiền nhau mua những trái banh bằng nhựa rẻ tiền về đá với nhau trên đồng cỏ phía sau nghĩa địa của xóm, đứa nào cũng hớt tóc chấn trên đầu một vệt như mặt trăng lưỡi liềm trên đầu Ronaldo, khi cả đám ra sân quần thảo thì  hai mươi hai cầu thủ đều là bản sao của Ronaldo khiến thằng Ba Lém con ông sáu Thầy bùa la lên khi coi đám nhỏ đá banh với nhau:

 -Chèn ơi! Ronaldo ở đâu mà nhiều dữ thần ôn (dậy) mấy tụi bây ? Thấy mắc cười quá chừng luôn há..

Khi Lượm hớt xong bà Hai Mẹo há hốc miệng ngạc nhiên nhìn thằng con mình sao lạ lẫm quá, bởi mái tóc thằng Sơn giống y chang mái tóc của Ronaldo mà bà Hai Mẹo mới thấy lần đầu, bà lên tiếng hỏi:

 -Lượm à, bây hớt cho thằng nhỏ kiểu gì lạ hoắc lạ huơ (dậy), bác thấy kỳ kỳ sao á, kiểu này (dô) trường học mấy thầy cô quở trách chết luôn đó.

Thấy "Má vợ" chê kiểu tóc model này,  thằng Cu Lượm buồn buồn trong bụng, nó chống chế:

 - Kiểu này "Hot" nhất bi giờ đó bác Hai, con phải ra ngoài chợ Huyện tui bạn nó truyền nghề lại cho con đó, trên "Sè gòn" đang thịnh hành đó bác ơi.

Bà Hai Mẹo rầu rĩ bà nói :

 - Đành vậy, nhưng dưới quê mình mà hớt cái đầu như (dầy) (dìa) nhà bác trai ổng rầy chết, ổng khó giàn trời luôn bây ơi, thôi con hớt "cua" cho nó luôn đi lỡ (gồi) biết tính sao bi giờ.

 Bất đắc dĩ thằng Cu Lượm phải (dọn) lại cái đầu cho thằng Sơn, bà Hai Mẹo đưa tiền công cho Cu Lượm nhưng nó không dám lấy, cu Lượm cười hiền nói :

 - Tiền bạc chi bác Hai ơi, (dới) thằng Sơn con coi nó như em thôi, anh mà lấy tiền của em bà con biết được họ cười cho thúi đầu luôn...

                                                 ***

  Xóm Cầu Trắng hôm nay không khí bổng dưng rộn dịp hẳn lên, bởi cái tiệm hớt tóc của ông Liêm hôm nay được trang hoàng thật đẹp, họ treo đèn kết hoa cho ngày lễ Tân hôn cho thằng Cu Lượm, họ dựng rạp chiếm thêm một khoảng đất trên con lộ trước nhà, xe cộ qua lại có hơi chật chội nhưng đã thành lệ ở miền quê, nhà nào có đám cưới hỏi hoặc đám ma thì chuyện chựng rạp lấn ra đường lộ là chuyện hoàn toàn thông cảm được, bà con quan niệm đời người chỉ một lần nên chẳng ai khó dễ với ai bao giờ.

  Hai họ đang làm lễ cho Cu Lượm và con Tuyền nên duyên chồng vợ, khi ông Ngoại của bà Nhung đang chuẩn bị lên đôi đèn trước bàn thờ gia tiên, không khí thật căng thẳng hiện lên cả hai họ, bởi theo tục lệ từ xưa khi¿ lễ lên đôi đèn này rất quan trọng, nếu khi cắm vào chưng đèn mà bị đỗ ngã thì hạnh phía lứa đôi của cặp đôi kết hôn sớm muộn gì cũng chia lìa, nếu một trong hai cây đèn này bị tắt bất thình lình thì một trong hai người của lứa đôi này sẽ " ra đi thăm ông bà" trong thời gian không xa.

 Khi ông ngoại bà Nhung cắm xong hai cây đèn một cách hòan hảo ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, tưởng đâu mọi việc suôn sẻ trôi qua, bổng dưng mọi người nghe tiếng của con Sen con bà Tám Lu ở phố chợ la om sòm phía bên kia đường trước nhà bà Nhung:

- Ông Lượm đâu ra đây gặp tui liền đi, không ra tui quậy cho tới bến luôn, mẹ nó "ăn ở" (dới) tui cho đã rồi tính "Quất ngựa chúi" hả, con này chớ không phải con nào đâu mà chơi kiểu đó.

 Nghe ồn ào phía trước ông ngoại bà Nhung kêu ông Liêm:

-Bây ra dàn xếp cho yên (dụ) này đi, ai đời ngày (dui) của người ta mà tới quậy ai chịu đời cho thấu.

Công nhận ông Liêm tuy là thợ hớt tóc nhưng ông lại có khiếu ăn nói, không hiểu ông nói gì mà con Sen và đám tùy tùng của nó rút lui "êm ru bà rù" khiến hai họ phía bên trong hoàn hồn để tiếp tục cuộc vui cho hai trẻ...

                                            ***

 Thắm thoát mới đó mà con Tuyền đẻ cho bà Nhung hai đứa cháu ngoại, vui nhất là nếp tẻ đầy đủ, bà Nhung lúc chơi giỡn với hai đứa cháu của mình, bà nựng nịu hai đứa:

-"Tục tưng của bà mại nè, khiệt kình sao giống y thằng cha (dới) con gái mẹ bây dữ thần luôn nhe".

 Ông Liêm thì bù đầu với tiệm hớt tóc cùng thằng Cu Lượm, đúng là trời sanh trời nuôi vì từ lúc có hai đứa cháu ngoại trong nhà thì tự nhiên công chuyện hớt tóc thật đắc khách làm cho đời sống gia đình bà Nhung bắt đầu khá lên, bà Nhung thôi không còn vất vả đi cắt lúa mướn nữa, riêng con Tuyền thì ra chợ buôn bán có đồng ra đồng vô nên không khí trong nhà thật ấm cúm.

 Một sáng nọ khi ngồi uống cà phê với mấy ông bạn trong xóm, ông Liêm được con bé bán vé số mời:

-Mua Đồng nai đi ông ba, sáng mua chiều say, ông mà mua Sông bé thì sáng mua chiều xé , ông mua giùm con đi đài nào cũng được. 

 Nghe con bé bán vé số rao hàng với cái giọng tiếu lâm, ông Liêm sửa lưng nó liền:

- Bây rao tầm bậy tầm bạ có ngày Sông bé kiện bây ra tòa đó nghen bây, cho ông Ba hai vé Sông bé, hai vé Đồng nai đi.

 Đang móc tiền trả cho con bé bán vé số, ông Liêm nghe bàn bên cạnh họ nói chuyện mà ông nghe lóm được:

-Chèn ơi, bể lớn lắm, mấy tỉ bạc lận, tham thì thâm thôi, ai đời góp tiền cho com mẹ đó chi mẻ ôm hết dông mất tiêu luôn.

 Thì ra họ bàn bạc việc bể hụi lớn ở phố chợ nơi con Tuyền dâu của mình buôn bán, nghe thì nghe vậy thôi ông Liêm cũng chẳng bận tâm vì nó chẳng dính líu gì đến gia đình

mình.

 Buổi cơm chiều hôm ấy, không khí trong nhà ông Liêm không còn vui như mọi hôm, con Tuyền dâu của ông nó đang ủ rũ bên cạnh thằng Lượm, cơm nước nó chẳng màng đụng đến, tối đến đang ngồi uống trà một mình ngoài sân, ông Liêm thấy con Tuyền nó đến và kéo ghế ngồi đối diện với ông Liêm, ngạc nhiên ông hỏi:

- Sao chưa ngủ hả, bây tao thấy hình như có chuyện gì phải hông (dậy), nói thiệt cho tía nghe coi:

 Với cử chỉ buồn bã, con Tuyền thỏ thẻ :

- Tía ơi! Con lỡ dại chơi  hụi bị giật hết ráo tiền rồi, thấy lời nhiều quá con ham nên mượn của mấy người quen, bây giờ tới ngày góp mà không có họ cho xã hội đen tới đòi chém con, chắc con bỏ xứ ra đi quá tía.

 Không ngờ đứa con dâu của mình rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, thương cho con dâu một nhưng ông thương hai đứa cháu ngoại gấp mười, bản năng của người cha có trách nhiệm, ông Liêm khẻ hỏi :

- Bi giờ bây tính sao, liệu tía giúp được gì, tía nhức đầu lắm rồi.

Như vớ được cái phao lúc chìm tàu nơi biển khơi,con Tuyền sáng mắt và nói liền :

- Con cần hai trăm triệu trả cho họ mới yên thân tía ơi, hay tía cho con mượn giấy tờ nhà con cầm đỡ, rồi con sẽ chuộc lại cho tía sau nha tía, cứu con một lần đi tía.

                                      ***

  Suy đi nghĩ lại suốt đêm khiến ông Liêm mệt nhoài, cuối cùng ông lén bà Nhung đem giấy tờ nhà cho con Tuyền để cầm lấy tiền trả nợ, chiều tối vẫn chưa thấy con Tuyền về, cả nhà bấn loạn  đứng ngồi không yên, nhất là ông Liêm ông như đang bị lửa thiêu đốt trong lòng, vì giấy tờ nhà đã theo con Tuyền mất dạng, ông mường tượng ra cảnh bà Nhung làm tình làm tội mình bởi a tòng với con dâu trong việc nợ nần...

             

    Trong công trường xây dựng ở Bình Dương, ông Liêm co ro trong cái láng trại dành cho công nhân, bên hộp cơm bình dân ông nuốt vội cho đầy bụng để sống qua ngày, cơm nước xong ông ra ngồi bên cái ống cống nhìn về hướng xa xa nơi ông đã một thời sanh sống, nhớ nhà quá ông lấy điện thoại ra bấm số gọi về nhà, bên kia đầu dây tiếng thằng Lượm vang lên:

-Ai kêu đó.

Giọng run run ông Liêm thì thào:

-Tía nè, nhà sao rồi bây?

Thằng Lượm khóc như mưa, nó nói:

-Tía đang ở đâu, tía bỏ đi rồi tụi xã hội đen tới quậy quá chừng, con Tuyền nó mượn nợ ấp lẫm hà tía ơi, nó trốn theo tình nhân luôn rồi, tía đứng tên thiếu nợ thay nó mần chi bây giờ trốn chui trốn nhủi như (dầy).

-Trời con Tuyền sao nó bất nhơn dữ (dậy) bây, tía thương nó nên tía mần ngang, giờ tía mới thấy mình thiệt dại.

Thằng Cu Lượm an ủi :

-Lỡ rồi tía ơi, thôi tía ráng ở bụi một thời gian đi, con tìm cách trả nợ cho họ rồi tía (dìa) nha tía.

-Tía nghe bây rồi, đừng cho má bây biết tía ở đây nha gởi lời thăm má bây (dới) hai đứa nhỏ nhe...

  Trời bắt đầu mưa như trút nước, ông Liêm lật đật chui vào láng trại, nước mắt ông chảy dài, ông buồn nhưng không hối hận vì thấy người thân sắp "Chết" mà không cứu sao đành, còn chuyện con dâu ông theo người khác ông quan niệm ắc là do duyên số, ông nhớ lại ông ngoại bà Nhung lên đôi đèn trong ngày cưới thật hoàn hảo vậy mà gia đình nó tại sao lại tan đàn sẻ nghé như vậy..

 Từ khi ông Liêm trốn nợ khỏi cái đất Cầu Trắng, thì dân cư ở đây họ hay nói chơi với nhau khi ai đó tự dưng lâu ngày không thấy mặt mày đâu hết bằng câu sau :

 Ối trời, tụi nó đi Bình Dương hết rồi.....

 

                    Viết xong  22.9.2018 lúc21h05

 

Hai Hùng Sài Gòn

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền