*PĐN 10- Trao Đổi Về "Bài Thơ " Đồng Dao Cho Người Lớn "Phần 1 " (Bình Thơ) Nhà Thơ Phạm Đức Nhì (USA)

 

Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

 

  TRAO ĐỔI VỀ “BÀI THƠ” ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN

 

                                        (Phần 1)

 

Sau khi đăng bài viết Về “Bài Thơ” Đồng Dao Cho Người Lớn của tôi trên trang web văn học Vũ Nho Ninh Bình, bác Vũ Nho (PGS/ TS) - chủ trang web - đã vìết một bình luận ngay dưới bài viết.

 

Nếu độc giả chưa đọc bài Về “Bài Thơ” Đồng Dao Cho Người Lớn có thể đọc theo link sau đây:

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/07/ve-bai-tho-ong-dao-cho-nguoi-lon.html

 

Bình Luận Của Bác Vũ Nho:

 

Đây là ý kiến cá nhân của tác giả Phạm Đức Nhì!

 

Về định nghĩa thể loại thì Nguyễn Trọng Tạo gọi đây là đồng dao (Đồng là trẻ em, dao là bài hát không thành chương khúc. Đồng dao là bài hát trẻ con) Nhưng ở đây là đồng dao cho người lớn. Nguyễn Trọng Tạo chỉ "mượn" hình thức đồng dao thôi. Cũng không nên căn cứ vào tuyên bố của tác giả để quyết rằng đồng dao là một loại VÈ như Phạm Đức Nhì đã làm. Cũng không thể nói rằng VÈ thì kém THƠ. Vè là một thể loại văn học dân gian. Một bài VÈ Hay thì quý gấp nhiều lần một bài THƠ Dở. Đó là điều không thể phản bác.

 

Nhưng "Đồng dao cho người lớn" có phải là VÈ không thì câu chuyện không đơn giản. Những bài đồng dao, hay vè, yếu tố cá nhân, cái tôi của tác giả hầu như khá mờ nhạt. Ngay cả khi kể vè : "Ve vẻ vè ve, lặng nghe tôi kể... thì cái "tôi" ấy cũng không có nét riêng. Thường thì dân gian bắt đầu : "Ve vẻ vè ve, cái về thằng Nhác...".

 

Bài “đồng dao cho người lớn” thể hiện CÁI TÔI của tác giả rất rõ. Chỉ hai câu đầu thôi, đã thấy cảm xúc mạnh mẽ của tác giả về sự SỐNG Và CHẾT. Tại sao anh Nhì lại thấy rằng những dòng này "không có tâm hồn và cảm xúc" nhỉ? Đó là chuyện riêng của anh. Riêng câu nhận xét của chị KIm Phương rằng bài đó "khô" cho nên hoài nghi không biết có phải thơ không thì...thật là phiến diện. Có thơ trữ tình, có thơ trí tuệ, có thơ văn xuôi...sao cứ phải "ướt" hay "không khô" mới là THƠ?

 

Chẳng ai được giao trách nhiệm canh giữ vườn thơ cả. Là thơ hay không thơ là do người đọc cảm nhận. Là THƠ hay hoặc THƠ dở cũng do cách đánh giá riêng của mỗi người. Cứ việc bàn luận. Nhưng chớ nghĩ rằng mọi người sao... lơ mơ thế, chỉ có ý kiến mình là đúng đắn thôi. Tôi muốn nhắn anh Phạm Đức Nhì mấy lời và dù khác ý kiến của anh, tôi vẫn tôn trọng đưa bài viết này!

 

 

Phạm Đức Nhì:

 

 

Kính bác Vũ Nho, 

 

Tôi đã đọc bình luận của bác dưới bài viết và thấy rằng nhìn nhận và đánh giá của bác và tôi về bài ĐDCNL của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, quả thật, có khác nhau. Xin phép được làm rõ vài điểm trong bình luận của bác.

1/ Xét về mặt hình thức, ĐDCNL có phải là Vè không? 

Theo Đỗ Trọng Khơi, “Đồng Dao của Nguyễn Trọng Tạo viết ở nhịp 8 chữ nhưng soi chẻ rạch ròi vẫn thấy cái dư khí của hồn bốn chữ dân gian”. Tôi đồng ý với anh ở điểm này. Cho nên ĐDCNL – đúng như cái tựa của nó – là một bài đồng dao (biến thể). Mà đồng dao, theo đoạn trích trong Wikipedia Tiếng Việt ở trong bài viết của tôi, là một loại vè. Chính vì thế, theo tôi, khi chọn cái tựa ấy, về mặt hình thức, tác giả đã vô tình tự xếp loại nó là vè. 

Tuy nhiên, để khỏi lầm trường hợp mà theo bác, “Nguyễn Trọng Tạo chỉ ‘mượn’ hình thức đồng dao thôi” nên tôi phải nhìn vào nội dung. Nếu nó có cảm xúc từ cái tôi riêng tư của tác giả thì đúng là một bài thơ mượn hình thức đồng dao. Nếu nó tuyệt nhiên không có một tý ty cảm xúc của “cái tôi riêng tư” thì trong trường hợp này, vì đã có hình thức đồng dao, nó sẽ là bài Vè. Tôi sẽ bàn về điểm này ở phần số 4.

2/ Cũng không thể nói rằng VÈ thì kém THƠ. Vè là một thể loại văn học dân gian. Một bài VÈ Hay thì quý gấp nhiều lần một bài THƠ Dở. Đó là điều không thể phản bác. 

Thưa bác Vũ Nho, 

Tôi đã gặp một y tá già, giầu kinh nghiệm lại mát tay nên chạy rong chữa bệnh cho bà con trong thôn xóm được nhiều người thích. Có người phát biểu: “Y tá mà như ông M. thì còn hơn mấy anh bác sĩ mới ra trường”. Nói thì nói thế chứ đi vào thực tế thì y tá và bác sĩ ở hai đẳng cấp khác nhau, cao thấp cách nhau một trời một vực. Chẳng ai là y tá mà dám coi mình ngang hàng với bác sĩ. Làm thế người ta cười chết. Phòng tổ chức của một đơn vị y tế cũng không dám bổ nhiệm một y tá vào cương vị của bác sĩ. Làm thế là sai luật, trái nguyên tắc.

Vè với Thơ cũng thế. Vè là Vè, Thơ là Thơ. Hai loại ở hai đẳng cấp riêng biệt, cao thấp khác nhau. Tôi có thằng bạn nói đùa về thơ một thằng bạn khác “Thơ của mày cứ như Vè ấy”. Thằng làm thơ coi đó là điều sỉ nhục, và hai đứa giận nhau rất lâu. Hồi mới bập bẹ làm thơ, thầy giáo môn Việt Văn của tôi thường nhắc “Khéo đấy! Coi chừng thơ thành vè thì tổ làm trò cười cho thiên hạ.”

Vì thế tôi cho rằng y tá có kinh nghiệm cách mấy cũng cũng không thể vỗ ngực coi mình ngang hàng với bác sĩ; và Vè rõ ràng không thể cùng đẳng cấp với Thơ.

3/ Bác Vũ Nho viết: “Những bài đồng dao, hay vè, yếu tố cá nhân, cái tôi của tác giả hầu như khá mờ nhạt”. 

Theo tôi, nếu đúng là đồng dao thì cái tôi riêng tư của tác giả không phải là “hầu như khá mờ nhạt” mà hoàn toàn vắng bóng. Bởi chỉ cần một tý tẹo teo cái tôi riêng tư thì nó đã không còn là vè nữa mà được nâng cấp thành thơ. 

 

4/ Bài đồng dao cho người lớn thể hiện CÁI TÔI của tác giả rất rõ. Chỉ hai câu đầu thôi, đã thấy cảm xúc mạnh mẽ của tác giả về sự SỐNG Và CHẾT. 

Trong câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 

“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi” 

chữ “tôi” nằm sờ sờ ra đó nên rất dễ hiểu lầm là “cái tôi” của tác giả đã có mặt trong câu thơ. 

Có hai điểm cần lưu ý trong “câu thơ” này: 

     a/ Cụm từ “Có cánh rừng chết” nói chung chung, không cụ thể, không nói rõ “cánh đồng chết” nào nên chỉ là một hình tượng đã lôi ra từ trong ký ức, là sản phẩm của lý trí chứ không phải cảnh thơ. Nếu có một đoạn trước đó nói về “cánh rừng chết” và ở đây dùng cụm từ “Cánh rừng chết ấy” thì chúng ta đã có cảnh thơ. Thí dụ như đoạn thơ dưới đây: 

Cánh rừng sát bên Xóm Đạo

sau những đợt mưa bom, mưa pháo

đã thành cánh rừng chết

với người đời

nhưng trong tôi

vẫn tươi mát một màu xanh.

“Cánh rừng chết” đã là cảnh thơ nên 2 câu thơ cuối:

nhưng trong tôi

vẫn tươi mát một màu xanh

đã là tâm tình của cái tôi riêng tư (tác giả), ít nhiều đã có cảm xúc và đã xứng đáng được gọi là thơ. (Hay dở chưa bàn đến). 

     b/ Sự xuất hiện của chữ “Có” đã khiến chữ “tôi” trở thành nhân vật trong “câu kể” của tác giả chứ không phải chính tác giả - người đang sáng tác thơ. Thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo ở đây phải đóng 2 vai. Một, là nhân vật “tôi” trong “câu kể”, đã xuất hiện trong quá khứ và đã trốn trong ký ức, giờ bị lôi ra trình làng. Hai, là người bằng xương bằng thịt đang ngồi cầm bút làm thơ. 

Kết quả là câu “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi” chỉ là hình tượng được lội ra từ ký ức, không có cái tôi riêng tư của tác giả dự phần nên không có cảm xúc và không phải là thơ. 

Bài ĐDCNL chỉ có câu đầu dễ hiểu lầm là thơ, còn lại những câu khác đều là những “câu kể” phát xuất từ bề mặt ý thức, rất dễ nhận ra. Sau khi đã chấp nhận phần giải thích lý do tại sao câu đầu không phải là thơ, độc giả có thể tự kết luận cả bài không phải là thơ. ĐDCNL có hình thức là đồng dao - một loại Vè – nên nó là một bài Vè.

5/ Riêng câu nhận xét của chị KIm Phương rằng bài đó "khô" cho nên hoài nghi không biết có phải thơ không thì...thật là phiến diện. Có thơ trữ tình, có thơ trí tuệ, có thơ văn xuôi...sao cứ phải "ướt" hay "không khô" mới là THƠ? 

Thưa bác Vũ Nho, 

Theo tôi hiểu, chị Kim Phượng nói “khô” với nghĩa không có tý cảm xúc riêng tư nào của tác giả. Thơ trữ tình thì không nói làm gì, còn thơ trí tuệ, thơ văn xuôi hay thơ … gì gì nữa cũng phải có cảm xúc riêng tư của tác giả thì mới gọi là thơ. Chứ “khô queo” thì nếu không là vè thì cũng là thứ dị chủng, khác loại với thơ. 

 

6/ Bàn thêm về câu thơ “sinh tình”

ĐÀN BÀ 

Có hai loại đàn bà 

loại chính chuyên chung thủy với chồng 

Loại không lấy chồng

suốt đời đến với đàn ông 

chỉ để thỏa mãn nhu cầu xác thịt 

tìm vui trong chốc lát.

Sáu câu trên chỉ là cách nhìn của tác giả về đàn bà, đến từ bề mặt ý thức, chưa phải là thơ. Nhưng chỉ cần thêm câu sau đây:

Tôi thích loại đàn bà thứ hai 

thì đã có cảm xúc, tình đã xuất hiện, cả bài đã trở thành thơ. Câu “Tôi thích loại đàn bà thứ hai” là câu thơ sinh tình. 

Bài ĐDCNL, tôi trộm nghĩ, do cấu trúc của đồng dao “không thành chương khúc” nên khó đưa vào một câu thơ sinh tình thích hợp. 

Kết Luận 

Với tôi, trang web Vũ Nho Ninh Bình của bác là một trang văn học đứng đắn. Tôi rất thích câu chào “Đây là quán tha hồ muôn khách đến!” Cám ơn bác đã cho tôi hân hạnh có một số bài được đăng ở đấy. Phần cuối của bình luận về bài viết bác đã nhắn “dù khác ý kiến với anh tôi vẫn tôn trọng đưa bài viết này”. Đó là thái độ người lớn, công tâm trong giao lưu văn học. 

Với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, tôi một lòng kính trọng ở tài năng và uy tín của ông. Mặc dù chưa trực tiếp trò chuyện, tôi đã “gặp” ông nhiều lần trong những Ngày Thơ Nguyên Tiêu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhận xét về tính thơ của bài ĐDCNL của ông tôi đâu dám giỡn chơi. Tôi đã tra cứu, vận dụng kiến thức của mình về thơ ca và viết rất cẩn trọng. 

Bình luận của bác đã cho tôi cơ hội nhìn lại bài viết của mình một cách kỹ càng hơn để trả lời những chất vấn của bác. Tôi tin ở những điều mình viết, nhưng với đề tài liên quan đến lý thuyết thơ, ai dám chắc là mình không sai sót? Ai dám chắc là mình được sự đồng thuận của mọi người? Tôi sẵn sàng đón nhận những phê bình, góp ý của bác và của những độc giả khác. 

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn bác. 

 

(Xin đón xem tiếp Phần 2)

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền