*TMG 15- Bài Giới Thiệu Sách "Hương Rừng " Của Cố Nhà Thơ Trương Xương (Nhà Văn Trần Mỹ Giống Nam Định- VN)

 

Nhà Văn Trần Mỹ Giống

 

 

BÀI GIỚI THIỆU SÁCH

“HƯƠNG RỪNG” CỦA TRƯƠNG XƯƠNG

 

Số phận bài viết này:

 

Viết xong bài giới thiệu tập thơ Hương rừng, tôi đem nộp tạp chí Văn Nhân. Ông Tổng biên tập mới nhìn tên bài viết đã từ chối thẳng thừng: “Ông Trương Xương đang phản ứng giải thưởng 5 năm của hội, không thể đăng bài này được”. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa thương hại con người đã ngồi nhầm ghế mình không xứng. Sau khi bácTrương Xương qua đời, tôi lại đem bài nộp Văn Nhân, hy vọng nghĩa tử là nghĩa tận, tạp chí sẽ đăng, nhưng ông Tổng biên tập vẫn kiên quyết từ chối..

        Hơn năm sau, nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật (Ninh Bình) biết số phận bài viết của tôi đã giới thiệu với người phụ trách tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Giáp Tết năm ấy, tôi nhận được điện thoại của cán bộ Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình đặt vấn đề đăng bài của tôi. Nhờ vậy mà bài viết của tôi còn lưu đến hôm nay để tưởng nhớ về nhà thơ Trương Xương mà tôi rất kính trọng.  

         Nhớ hôm sang thắp hương cho nhà thơ Trương Xương, chị Xương buồn bã: “Người chết rồi, chẳng còn gì nữa, chết là hết chú ạ…”  

         Nhà thơ Trương Xương đi xa đã chín năm. Hôm nay tôi đăng bài này để chứng minh rằng: Nhà thơ Trương Xương chết chưa phải là hết, bởi nhà thơ vẫn sống trong lòng đồng nghiệp, bạn đọc!

 

TRƯƠNG XƯƠNG - HỒN THƠ VẪN NGÁT HƯƠNG RỪNG  

(Hương rừng: Thơ / Trương Xương. – H.: Hội Nhà văn, 2005)

                                                                    Trần Mỹ Giống

 

           Trương Xương là một trong số không nhiều các tác giả thơ ở Nam Định được bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Thơ Trương Xương không cầu kỳ, không ồn ào mà cứ lặng lẽ toả hương từ chính tấm lòng, cốt cách của một nhà giáo lâu năm và tâm hồn nghệ sĩ thực thụ. Thơ cho trẻ em với tấm lòng thương yêu chan chứa, thơ trữ tình cho người lớn chân chất, mộc mạc, giản dị, đằm thắm là hai mảng chính trong sáng tác của ông. Ông đã gặt hái được những thành công ở cả thơ cho trẻ em và thơ trữ tình.

           Trương Xương sinh ngày 6 – 3 – 1937 tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, trú tại 28N Ô17 phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ông từng được chọn đi học ở Khu học xá Trung Quốc, về công tác trong ngành giáo dục tỉnh Hà Nam. Sau đó ông lại được cử đi học Khoa Tâm lý giáo dục và Khoa Hoá Trường đại học Sư phạm Hà Nội rồi về công tác tại Khoa Đào tạo giáo viên cấp II của trường đặt ở Phủ Lý. Từ năm 1976 ông chuyển về công tác tại Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định.

            Ông có thơ in báo từ năm 1960, một số tác phẩm được tuyển chọn in trong sách giáo khoa tiếng Việt, được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định từ năm 1983, Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2000.

            Tập thơ in sớm nhất của ông là Bầu trời vắng tiếng chim (Nxb. Thanh niên, 1989) vừa ra đời đã được bạn đọc nhiệt tình đón nhận và được Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao Giải thưởng. Từ đó đến khi qua đời, ông không ngừng tích luỹ vốn sống, miệt mài sáng tác, cống hiến cho đời nhiều tập thơ có giá trị như: Bắc lên ngọn gió (Nxb. Kim Đồng, 1992), Quê núi (Nxb. Văn học, 1994), Hoa trái vườn em (Nxb. Thanh niên, 1999), Nhành xuân (Nxb. Hội Nhà văn, 2006), Mắt bão (Hội Nhà văn, 2010)…

            Một số Giải thưởng thơ Trương Xương được tặng đã phần nào khẳng định giá trị thơ ông: Giải thưởng thơ Báo Người giáo viên nhân dân 1990, Giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam 1991, Giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi của Uỷ ban CSBVTE và Hội Nhà văn Việt Nam 1997, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến 1990 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến 1995 của UBND tỉnh Nam Hà, Giải thưởng thơ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1999…

            Hương rừng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2005), tập thơ thứ năm của Trương Xương tràn trề cảm xúc, tình cảm yêu nước, yêu cảnh vật quê hương, yêu người, thể hiện tấm lòng trung hiếu của một nhà giáo, nhà thơ suốt một đời gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và văn học nghệ thuật. Trong Hương rừng, địa danh của đất nước thường được nhắc đến bằng tấm lòng trải rộng của nhà thơ, từ Đồng Văn, Cổng Trời, sông Vân, núi Cốc, Kim Liên đến Mê Công, Trường Sa, Tháp Mười… Nhưng có lẽ nhiều hơn và sâu nặng hơn là tấm lòng nhà thơ dành cho Nam Định, quê hương thứ hai của ông. Đề tài về Nam Định, những tên đất, tên sông, tên người Nam Định thường xuyên xuất hiện trong tập thơ, toát ra tình cảm thiết tha của tác giả.

 

              Người từng lên ngọn sông Đào

  Xuống mom sông Vị hay vào hàng Nâu

              Bây giờ câu lục ở đâu

  Để câu bát đợi bên cầu Đò Quan.

                                  (Tìm người mang dải lưng xanh)

 

           Sông Đào, sông Vị, hàng Nâu, đò Quan là những cái tên quen thuộc của Nam Định được nhắc đến trong bài thơ hết sức tự nhiên, giản dị, chân thành, gieo vào lòng người đọc cảm giác lâng lâng, man mác, ngọt ngào nghĩa tình với quê hương Nam Định. Chỉ đọc một lần tôi đã thuộc, dường như những lời thơ của tác giả đã đi vào gan ruột của mình.  

            Nhớ lần nhà thơ Trường Xương điện thoại cho tôi: “Tôi cứ băn khoăn chưa thật vừa ý với câu “Để câu bát đợi bên cầu Đò Quan” nên tôi viết ra một vài câu khác thay thế câu này, ông nghe góp ý cho tôi nên chọn câu nào nhé”. Rồi ông đọc liền hai ba câu thơ sửa lại… Tôi trả lời ông:“Theo em, bác không nên sửa câu thơ đó nữa, vì câu đó đã đi vào lòng bạn đọc rồi”… Ông bảo: “Ông nói vậy thì tôi yên tâm, không sửa nữa”.

           Cả cuộc đời sống xa quê, trong ông luôn canh cánh nỗi niềm nhớ về quê mẹ Ninh Bình:

 

           Ngày đi thổn thức đầu đình

  Mắt long lanh thế cho mình vấn vương

           Ngọt bùi cay đắng chín phương

  Vẫn canh cánh một nẻo đường sông Vân

                                                   (Trở lại sông Vân)

 

            Trước việc chia tỉnh, Trương Xương nặng một nỗi niềm với “nỗi lòng ngổn ngang” giằng níu tình cảm giữa người đi và người ở:

 

            Đi Hồng Phú, nhớ Đò Quan

  Mấy mươi năm một giang san Nam Hà.

                                             (Nỗi niềm chia tỉnh)

 

           Tình yêu của Trương Xương trong Hương rừng nhiều hơn cả là yêu người. Đọc Hương rừng, chúng ta bắt gặp một Trương Xương không chỉ yêu thương con trẻ (thơ cho thiếu nhi được coi là sở trường của ông) như trong một số tập thơ cho trẻ em trước đó, mà còn là tâm hồn đa cảm, hồn hậu yêu thương con người, từ những người nổi tiếng như Lê – nin, Trần Hưng Đạo, nhà thơ Đoàn Văn Cừ, bà Tú đến người thầy giáo cũ, ông Dần (một người có công với cách mạng), người nuôi ong, bác sĩ… Bài thơMẹ của ông đã nói hộ mỗi chúng ta tình yêu vô hạn đối với người mẹ đã khuất của mình:

 

            Mệnh trời – mẹ đã đi xa

  Cõi thăm thẳm với hồn cha vĩnh hằng

           Mịt mùng chín ngọn suối băng

  Đêm triền miên lạnh không trăng không đèn.

 

           Qua thơ, Trương Xương không chỉ thể hiện lòng thành kính, ngợi ca những danh nhân đất nước (Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hồ Chí Minh…) mà còn phát hiện ra những vẻ đẹp thuần khiết ở những người lao động. Ông hiểu người nuôi ong “mấy mươi năm đội nắng mưa, cùng ong đi suốt những mùa hoa tươi” để “làm nên giọt mật sáng trong” cho đời, trong vị ngọt của mật “còn có muôn giọt đắng trong đời con ong” – người nuôi ong.

          Một lần Trường Xương bị bệnh thập tử nhất sinh được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, ông cảm kích gọi bác sĩ là “người trồng cây hạnh phúc”. Ông phát hiện ra người bác sĩ không chỉ đẹp “tà áo trắng – lương y như từ mẫu” cứu người bệnh mà còn đẹp về nhân cách, về những hành động cao cả rộng lớn hơn là góp phần đấu tranh vun trồng hạnh phúc cho mọi người:

 

          Chẳng cầu mong bia đá tượng đồng

          Chỉ thầm lặng vun trồng cây hạnh phúc

          Giữa đời thường khơi trong gạn đục

          Bình dị khiêm nhường – người thầy thuốc của nhân dân!

 

          Tình yêu thương con người của Trương Xương còn dành cho cả “người dưng” tình cờ gặp trên một chuyến xe. “Nép nhường nhau nửa chỗ thôi” mà rồi “bâng khuâng…”, mà để lại nhớ nhung đến ngẩn ngơ khi “người về… đột ngột xe vơi”. Cái khoảnh khắc xao động – cảm xúc đẹp khi gặp một người không quen ấy hẳn ai cũng gặp ít là một lần trong đời. Trương Xương đã ghi lại cái cảm xúc đẹp ấy bằng những câu lục bát mượt mà, giản dị, tinh tế, lay động tâm hồn người đọc.

           Thơ Trương Xương không cách tân hình thức cầu kỳ. Cái mới trong thơ Trương Xương ở chính cảm xúc trẻ trung, chân thật và ở cách diễn đạt trong sáng, tứ thơ, hình ảnh sáng tạo (“Nỗi gian truân đời mẹ / Như khắc vào hương quê”, “Chùm hoa thơm níu sao rơi / Mắt em với ánh sao trời lung linh” ). Sở trường của Trương Xương trong Hương rừng là thể thơ lục bát. Những câu lục bát nhuần nhị, mượt mà, giàu nhạc điệu, sử dụng tiểu đối khá khéo léo có khá nhiều trong Hương rừng, đem lại cho người đọc cảm xúc thẩm mỹ dạt dào:

 

        - Ngỡ mình đứng trước đại dương

  Mắt xao xuyến mắt, lòng vương vấn lòng.

        - Thân quen đường xuống Vĩnh Yên

  Nẻo sang Thác Bạc, lối lên Thạch Bàn.

        - Thương ngọn đèn, xót mảnh trăng

  Người quen mà lại chẳng bằng người dưng.

        - Tài thao lược, sách nhu cương

  Có đường tiêu diệt, sau đường răn đe.

 

         Đầu năm 2009 Trương Xương hỏi tôi Hương rừng của ông thế nào, tôi nói rằng bút lực trong Hương rừng của ông không hề giảm sút. Vậy mà tháng tư năm đó ông phải vào viện rồi đột ngột về trời, để lại cho bạn văn, bạn đọc niềm tiếc thương vô hạn. Cho đến những ngày cuối cùng, ông vẫn đau đáu những suy tư đóng góp ý kiến xây dựng Hội Văn học Nghệ thuật địa phương.

           Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu có tên tuổi mến mộ thơ ông và công nhận tâm và tài của ông như Nhà thơ Đoàn Văn Cừ, Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt… thể hiện qua những bút tích thơ ca đề tặng ông. Bài Ngày xuân còn mãi của Nhà thơ Đoàn Văn Cừ tặng Trương Xương tuy ngắn mà hàm chứa bao ý tình khắc hoạ chân dung Trương Xương thật rõ nét, đã thể hiện tấm lòng người đọc yêu quý nhà thơ:

 

            Óc tim rèn giũa chuốt mài

  Đúc thành châu ngọc tặng người tri âm

            Ngai vàng bệ ngọc phù vân

  Văn chương trung hiếu ngàn xuân mãi còn!

  

            Chắc hẳn thơ Trương Xương còn âm vang mãi trong lòng bạn đọc.

 

                       Trần Mỹ Giống

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. –  Số Tết 2011

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền