*CT 24- Từ Phim “HAI MẪU ĐẤT” Đến Bài Thơ Của ZULU DC (Lời Bình) Nhà Thơ Châu Thạch (Đà Nẵng- VN)

 

Nhà Thơ Châu Thạch

 

 

Tác Giả Zu Lu DC

 

 

TỪ PHIM “HAI MẪU ĐẤT” ĐẾN BÀI THƠ CỦA  ZULU DC

                                                                         

                 

BONJOUR VIETNAM'S GOLF PARK

                        

Đưa tay lên, Anh chờ ngọn gió

 Đồng cỏ xanh, Anh tưỡng mạ non

Sân golf ơi – Nếu ruộng đất còn

 Lúa mơn mởn, nhởn nhơ thời con gái

Mùa Xuân về,gió Xuân ái ngại

Lúa căng đầy nhựa sống tuổi hai mươi

Đất nước mừng những cây lúa mang thai

Lúa bẽn lẽn giả từ thời con gái

Chào mùa Xuân, đón chào bông lúa mới

Anh hân hoan bên núm sữa căng đầy

Lòng Anh theo ngọn gió hây hây

Đây hạt lúa, kết tinh của Trời Đất

Anh van vái những Vong linh đã khuất

Còn nhận ra đất nước Việt Nam không

Xưa kia, đây vốn là những cánh đồng

Có bia mộ - những Bát nhang thờ Tiên Tổ

Bao nhiêu rồi những nông dân nghèo khổ

Bám ruộng bám đồng rạo rực niềm vui

Nay sân golf chiếm ruộng đất rồi

Dẫm chân trần mà thấm đau niềm tủi nhục.

 

                      Zulu DC

 

Bình Luận: Châu Thạch

 

Khoản 60 năm trước, tại các rạp chiếu bóng miền Nam ViệT Nam, có một cuốn phim của Ấn Độ đã làm rơi nước mắt khán giả hơi nhiều. Đó là phim Hai Mẫu Đất. Phim kể chuyện một nông dân bị lấy hai mẫu đất trồng lúa của mình để đưa vào khu nhà máy, phục vụ cho nền công nghiệp phát triển của Ấn Độ thời bấy giờ. Lúc đó tôi còn nhỏ quá, xem phim không sâu nhiệm gì mấy, nhưng hình ảnh người nông dân đứng bên ngoài, nhìn đất mình qua hàng rào B40 với đôi mắt đau buồn đã ám ảnh tôi suốt một đời mỗi khi nhớ lại cuốn phim kia. Hôm nay tình cờ đọc bài thơ của ZuLu DC, hình ảnh người nông dân trong phim ngày ấy, với tất cả thảm thương bộc lộ trên đôi mắt lại hiện ra trong tôi. 

Tôi liên nghĩ đến những người nông dân Việt nam đã mất đất vì các khu công nghiệp hiện lên, vì các sân golf cần cho giới quý tộc mới, chắc chắn sẽ gây đau khổ cho họ, không khác chi người nông dân Ấn Độ 60 năm vể trước.

Tìm hiểu trên mạng ta biết: “Từ con số 1 cách đây gần một thế kỷ, đên nay, Việt Nam đã có khoảng 58 sân golf trải khắp 24 tỉnh thành, chiếm khoảng 9,27 nghìn ha”. “Trong 5 năm trở lại đây. Đất nông nghiệp bị thu hồi để triển khai các dự án sân golf nói riêng và các khu đô thị nói chung đã tác động đến đời sống của hơn 600.000 hộ gia đình với gần 1 triệu lao động và 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp. Trung bình mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội việc làm của 13 lao động ở nông thôn”. Một cử tri nhà nông đã nói với chủ tịch quốc hội VN như sau:“Sân golf chạy đến đâu đất nông nghiệp mất đến đó. Người dân không thể lấy công trình, nhà hàng, khách sạn để mà ăn”

Trong khuôn khổ bài  nầy, tôi chỉ xin  viết cảm nhận của mình, về bài thơ của ZuLU DC, một bài thơ thổn thức cho người nông dân mất đất vì sân golf. Vào khổ đầu của bài thơ, ta thấy ngay một phút tâm thần hoang tưởng của người nông dân, anh nhìn đồng có xanh mà tưởng mạ non mình vừa cấy xuống:

 

Đưa tay lên, Anh chờ ngọn gió

 Đồng cỏ xanh, Anh tưỡng mạ non

Sân golf ơi – Nếu ruộng đất còn

 Lúa mơn mởn, nhởn nhơ thời con gái

 

Rồi từ cái phút chốc hoang tưởng đó, người nông dân mơ lại một giấc mơ vàng son của cái thời ruộng còn của mình và lúa do mình chắm bón:

 

Mùa Xuân về,gió Xuân ái ngại

Lúa căng đầy nhựa sống tuổi hai mươi

Đất nước mừng những cây lúa mang thai

Lúa bẽn lẽn giả từ thời con gái

Chào mùa Xuân, đón chào bông lúa mới

Anh hân hoan bên núm sữa căng đầy

Lòng Anh theo ngọn gió hây hây

Đây hạt lúa, kết tinh của Trời Đất

 

Hai khổ thơ thất là bình dị, ai đọc cũng hiểu. Thế nhưng nói như Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời phải có một tấm lòng”. Có tấm lòng để làm gì? Theo tôi tấm lòng để viết hai khổ thơ nầy và để thổn thức với hai khổ thơ nầy cũng đáng quý lắm rồi. Bởi vì từ hai khổ thơ nầy, người có tâm lòng sẽ đồng cảm với tấm lòng của tác giả, mộng mơ quay về một ký ức tốt đẹp nay đã trở thành bọt bễ, xót xa cùng với những thân phận bị hà hiếp giữa cuộc đời nầy.

Tác giả dùng những cụm từ “đầy nhựa sống tuổi hai mươi”, “cây lúa mang thai”, “núm sửa căng đầy” để nhân cách hóa cây lúa thành người, hình tượng hóa mạch sống của lúa như mạch sống của người, làm cho người đọc cảm nhận đầy đủ sự hân hoan khi đồng lúa còn tươi tốt, khi đồng lúa chưa vụt mất khỏi tay người nông dân yêu dấu.

Mùa xuân cũng được đề cập đến trong hai khổ thơ nầy. Đó không chỉ là mùa lúa trổ bông mà còn mang ẩn dụ về một mùa xuân trong đời sống của người nông dân khi đất đang còn của họ và lúa do họ gieo trồng.

Qua khổ thơ thứ tư, nhà thơ đã đưa tâm linh vào trong những cánh đồng đã mất:

 

Anh van vái những Vong linh đã khuất

Còn nhận ra đất nước Việt Nam không

Xưa kia, đây vốn là những cánh đồng

Có bia mộ - những Bát nhang thờ tiên tổ

 

Người nông dân trong thơ đã van vái vong linh đã ở cùng bia mộ, bát nhang trên cánh đồng nầy năm xưa. Những vong linh đó. Những bia mộ đó, những bát nhang thờ tiên tổ đó chính là linh hồn của cánh đồng. Đọc thơ ta biết bia mộ chắc chắn không còn, bát nhang chắc chắn không còn, và vong linh thì đã vất vưởng trôi dạt phương nào rồi. Khổ thơ không nói sự tàn phá, không đề cập đến sự chết nhưng cho ta liên nghĩ một sự sống có linh hồn bị hủy diệt trên những cánh đồng nầy, để thay vào đó những đồng cỏ xanh tươi nhưng chỉ là những sân golf không có linh hồn.

Ở khổ thơ cuối, ZuLu DC mới thở dài và than một lời than rất nhẹ. Thế nhưng ta nghe trong lời than đó sự sướt mướt của ngàn vạn nông dân. Đọc khổ thơ nầy, đôi mắt người nông dân Ấn Độ trong phim Hai Mẫu đất năm xưa lại hiện ra trước mắt tôi, nó nhẩn nhục làm sao! nó xa vắng làm sao! và nó thê thiết làm sao!. Đôi mắt ấy ngày nay đã hóa thành hàng ngàn hàng vạn suốt 24 tỉnh thành trên đất nước ta:

 

Bao nhiêu rồi những nông dân nghèo khổ

Bám ruộng bám đồng rạo rực niềm vui

Nay sân golf chiếm ruộng đất rồi

Dẫm chân trần mà thấm đau niềm tủi nhục.

 

Toàn bộ bài thơ không hằn học, không nặng nề, không quá khích,  thế nhưng thơ đà làm hiển hiện trong lòng ta những bất công của xã hôi, những phẩn uất của người nông dân thấp cổ bé miệng, và gieo vào lòng mỗi chúng ta một niềm đau khó tả hết. Tất nhiên đất nước phát triển thì sân golf phải có, và những mãnh đời đau khổ vì nó không nhiều cũng ít. Mong rằng những bài thơ như bài thơ nầy sẽ đánh động lương tri bậc quyền thế, để giảm thiểu tối đa những gì đem đến hệ lụy cho người nông dân tay lấm chân bùn, chỉ mong sống an lành trên mãnh đất ngàn đời của cha ông mình để lại./.

 

 Châu Thạch

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền