*VCL 1- Chuyện Lan Man (Tùy Bút) ̣Nhà Văn Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

 

Chuyện Lan Man

 

Những ngày áp tết là những ngày buồn; buồn ở đây nhiều nguyên cớ khác nhau, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, bởi; nó mang tính chất đấu tranh trong cuộc sống, nào phải chạy gạo, nào tết nhứt quà cáp, nào phải thế này, nào phải thế nọ…hoặc có khi đen đỏ, bán buôn cuối năm hoạnh tài thì mơ có tết dài dài để có lời chúc tụng như ý. Cho nên chi nghe tết đến lòng đã xôn xao; tuổi trẻ đợi ngày ấy cho cảnăm để khoe tài, khoe sắc. Cái sự duy nhất còn lại của người cao tuổi thì ta buồn ta tìm nơi vắng vẻ là nơi chốn để tâm niệm, những khi như thế họ mong có một hạnh phúc riêng mình, nghĩa là hoàn toàn tự do không một ai ‘đếm xiả’ đến để được tĩnh tâm; một số người già không theo chủ nghĩa thiền nhưng họ đã thiền bất luận khi nào, những lúc như thế họ tự vấn lấy mình cho một ‘tất niên’ cuối năm mà trong Thiền Phật giáo gọi nó là vô niệm nghe qua nghịch lý nhưng xét ra hợp lý, hợp tình như thể tự giác, giác tha. Ai trong đời cũng cần sự tĩnh lặng trong ngày ít nhất cũng dăm mươi phút hay nhiều lúc cả tiếng đồng hồ; đó là phút tự do cho mình. Ngữ ngôn trong thơ của thi sĩ Du Tử Lê tác giả dùng chữ ‘hạnh phúc tôi’ nghe bình thường nhưng trong cái bình thường là tha thiết được có tự do. Cái đó chính là nỗi niềm ham sống, ham tự do của Alexander Solzhenitsyn trong tác phẩm ‘Một ngày trong đời của IvanDenisovich’ (One Day in the Life of Ivan Denisovich) mà con người muốn thoát ly ra khỏi bốn bức tường của túp lều lý tưởng; nhưng rồi chỉ có hạnh phúc tôi là duy nhất. Thành ra gọi tết là đầu, đầu năm,có lẽ; suy tư quá nặng mà đưa tới cái đầu bị ‘tai biến mạch máu não’. Cụm từ này phát sinh sau 1975 mà giờ đây được coi như từ ngữ bệnh lý dành cho y khoa điều nghiêng chửa trị. Chớ trước đây mấy khi màn ghe cái từ cách miệng như thế. Trở lại từ ngữ ‘vô-niệm’ là khi nhập định chính là lúc chúng ta quên đi chính mình, quên đi thời gian đang vận hành, quên tất cả để niệm cho ra lẽ đạo và hành, dẫu trong trầmtư là cái sự vô thỉ, vô chung nghĩa là chẳng có chi; dù giữa phố thị đông người có thể trầm tư bên tách càphê, hay coi đó là bản chất tự nhiên, nhưng; nhìn chung đều là thứ trầm mặc. Tết trầm tư là dáng điệu của kẻ đa tình, tết hồn nhiên là tết trẻ thơ. Tết già là tết lắng đọng tâm tư để thấy mình sống trọn nghĩa nhân sinh và nhìn quảng đường trước mặt như chặn đường đã xong từ khi có tết đầu, đến tết cuối… Và giờ đây; trời còn của mùa đông, một vùng mây xám vật vờ ngoài ô cửa, khoảng cách giữa đông và xuân đâu chừng có ‘gang tay’ thế mà đời gọi là lập xuân. Ở những vùng Bắc Mỹ hoa lá cành còn đang ngủ, ngoại trừ mấy rặng thông già thì bốn mùa vẫn xanh tươi nhờ thân, lá tích trữ lương thực cho nên khoẻ và ‘đông-ke’* mùa đông. Những thứ cây, cỏ khác có sống dậy chăng thì đó chỉ là mơ thôi! Chỗ tôi ở; một sáng chủ nhật nằm trong căn gác đìu hiu của căn phòng nhỏ dùng nơi làm việc ‘văn chương’;nhìn hiện vật chung quanh thầm nói với sách vở như kiểu đem tâm tình viết lịch sử của Nguyễn MạnhCôn, và coi đó là thú vui nhàn nhã tợ như: ‘…cụ Kép nguyện đem quảng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ qúy…’ (VBMT Nguyễn Tuân). Tôi ôm chén trà nóng, trà đậm nước mànghĩ đến người bạn phương xa gởi làm quà tết. Hương trà thơm, chạnh lòng nhớ nước đau lòng conquốc quốc một thuở nào. Cuốn lịch treo tường như nhắc nhở thời gian không dừng lại mà chỉ có thời gian vô tận số của sát-na là tồn lưu, cõi thời gian đó nhà Phật cho là không dứt được; một hiện hữu tại thế. Nói sát-na nhớ câu thơ của thi sĩ HXSơn: ‘con đường đi là một sát-na buồn / đời sống hôm nay đã chưng nhiều dị biệt’ (Viễn phố 1988). Vậy thì sát-na buồn là tình buồn của người thi nhân chưng ra nhiều dị biệt với thời gian (?). Cho nên chi tôi thèm có một cái gì cho đở nhớ giữa lúc này đang là mùa đông, hai bên vệ đường tuyết trắng còn đậu lại chưa muốn đi (tan) hay chờ có ngọn Chinook-wind* mới chịu trả mùa xuân về cho thế gian đón tết…đó là luật thừa trừ của thiên nhiên. Chắc chắn ở tuổi tôi và các bạn vong niên đồng cảm cùng tôi chia sẻ cái thời gian vô tận đó để hưởng cái hạnh phúc tôi làm nền cho lý lẽ còn sống sót. Nói tới chuyện sống sót trên cõi đời là hiếm; vì như thế này: -thọ ở tuổi bảy mươi là thọ, hơn một chút là quá-đát (expired) chớ làm chi có chuyện thượng thọ, đại thọ; tới tuổi tám mươi không ai gọi là đại thượng thọ mà chỉ gọi nôm na là thiên liễu cho tới vua quan sĩ tứ cũng phải bái chào.Vì chỗ đó; mà thường khi cuối năm người ta đi tìm người ‘sống sót’ và ‘rà’ xem ai trên đời được sống lâu để mừng tuổi. Nghe nói người ăn chay sống lâu hơn. Nhà nước Gia-Nã-Đại khuyến khích con-dân nên ăn rau trái thay vì ăn thịt kể cả tôm cá.(Nhật ăn cá, tàu hủ vẫn bổ khoẻ và sống lâu) thì may ra có một sức khoẻ trường tồn. Mới đây bên nước Phù Tang mừng tuổi ông cụ sống đến 116 tuổi phá kỷ lục thọ. Những kẻ khác không đuổi nổi thì hành lạc trước khi chết, còn thua hơn lợi danh là ảo là hư . Thi hào Nguyễn Du khuyên đời nên Hành lạc (trong Thanh Hiên thi tập). Người viết: ‘Nhân sinh vô bách tải/Hành lạc đương cập kỳ’(Không sống trăm tuổi / Gặp thì vui hưởng’). Không hưởng rồi cũng chết ! Nói đến chuyện sống chết nói không ngạ, đời nhiều lý sự, muôn hình vạn trạng, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Phải lắt léo mới gọi là đời. Thôi! rứa hay rứa cái đã. Tết cũng gần tới nơi rồi nhớ cụ-kị*mấy người thân và đồng bào Thừa Thiên Huế của Tết Mậu Thân chôn sấp dập ngửa đừng quá vui mà

quên thắp ba cây nhang nhớ tới nguời xưa; biết đâu trong đám xô xuống hố có người mình yêu.Vì rứamà ở Huế ăn tết buồn hơn ăn tết vui; dẫu là: vui là vui gượng kẻo là / ai tri âm đó mặn mà với ai (Kiều).Mà thiệt; cũng vì cái lưu luyến đó mà cứ một hai năm tôi thường có dịp về lại cảnh quê nhà và lưu đày của A. Camus coi có đúng tâm trạng trong tiểu thuyết hay không. Có hư cấu chăng phải thực mới vực được đạo bằng không coi như nói tào lao mà thôi. Và; tôi đang ‘lan man’; nghĩa là chuyện không ra chuyện của Anton Tchekhov (nhà văn Nga 1860-1904) tôi đã cố viết cho ra giả đò mà không được là vậy. Không chừng đưa tới ngột ngạt hay ná thở của ‘vous coupera le souffle’. Từ cái chỗ ná thở đã làm cho người ta hiểu nhầm dân Huế đểu hay nói phét (phách tấu) hay tại vì Huế nghèo muôn thuở cày lên sỏi đá mà mang tiếng chịu lời. Ngày nay Huế không còn nghèo mà giàu to, cứ về Thuận An xem thành phố xã hội nghĩa điạ. Nó hoành tráng vô cùng hơn cả đền tế trời Đàn Nam Giao; một thời hoành tráng đúng chữ nhà Nguyễn. Vang bóng một thời: Huế thơ, Huế mộng một chiều lang thang bên dòng Hương Giang. Sự đó mới là thứ lãng mạn Huế. Hoành tráng không còn nữa dẫu mấy mệ có sống thực đi nữa thì nó cũng đã mất chất rồi. Có đào, bới cũng không thấy. Ngay trong nước cũng đã ‘vietnamezation’ để trởthành ‘americazation’. Vậy thì tìm lại gì cho những ngày tết đến. Tôi đi tìm cái ‘hoành tráng trong mónăn’. Ở những nơi khác ăn uống hào phóng nhưng ở Huế ăn uống chế biến để làm sao cho vua trong nội lạ miệng mà ăn được cơm, sống khoẻ với cung phi mỹ nữ là biết điều. Thần dân cố đô thì khi nào cũng kiệm ước bởi; thâm nhập dân cá gỗ ở Thanh Nghệ Tịnh đưa vào, nhưng; cái hay của Huế là tạo cái nét đặc thù trong món ăn. Thí dụ: Vịt lộn phải ăn rau răm lá ngắn tròn thì nồng cay, thơm miệng và tiết ra‘dịch vị’ ở đầu lưỡi, ăn ngậm nghe . Lá dài ‘chơi’ cũng được nhưng trật gu-thợ-mộc, bởi; dài thì lép, lát ra, chất nồng của rau răm không còn đậm, nhai chung ‘thịt’ trứng nhão quẹt, tải ra thứ nước bọt từ những răng cấm, ăn hết ngon miệng.Thịt heo phay ba chỉ thái mỏng như lá lụa, sắp đều đặn trên dĩa sành hay dĩa đất, phải sành điệu sắp thì mặt thịt mới thơm để ăn kèm với tôm chua. Cơm hến, bún bò bi chừ xả láng để cho có mà gọi; ăn mấy món đó phải ‘múc’ vô cái đoại (đọi/tô) là đúng con nhà nghề, chơ múc tô nhựa là coi như đồ ‘dzỗm’. Nói bún bò Huế thì lấy mẫu mực Mụ Rớt làm thước đo: giò, móng,khoanh phải trắng da, nước lèo vàng rộm nhờ xán qua chút dầu tỏi, ruốc pha để bốc hơi mùi mắm, rau răm, tiêu hành ‘rải nhẹ’ cắt thịt bò phải mỏng, dính chút sợi mỡ (không mỏng, không dính vua ThànhThái sẽ chê nấu chưa tới). Nhớ cho: bún-bò-Huế không chơi huyết heo, không rau quế, rau húm, khôngbắp chuối, không pha phẩm màu đỏ chạch. Những thứ đó người ta gọi là chế ẩu. Không ra dáng Huế màtrở nên hùm-bà-lằn củ kiệu; cả nước đều thế chớ đừng nói Huế mà cho tội dân mắm ruốc. Huế ngẵng lắm và nghịch ghê mà nơi khác không có là vậy. Gái Huế cũng từ chỗ đó mà ra. Huế có cáilạ đời của nó; cho tới chưởi nhau: mụ-cô-bà-mi tưởng như tấu khúc của tiếng đàn cò hòa tiếng đàn tranh hợp cung du dương chi lạ. Chưởi kiểu Huế có nhiều chất liệu của nó trong cái chưởi. Nghe vui !Rượu nhậu ở Huế cũng như mọi nơi tùy cơ ứng biến.Cái thời mới vô, thời bao cấp nhậu nhẹt có phần eo hẹp, nhiều lúc trốn chui. trốn giủi; sợ ‘gai con mắt’ mấy ông kẹ. Tôi nhớ những năm sau một chín bảy nhăm, ông anh tôi ngẵng lấy cục đá cuội nhúng vô nước mắm ớt, chấm mút bữa nhậu đó thành công.Anh sống ngắn, chết bệnh thiếu dinh dưỡng, đời ‘đổ hô’ cho ông là ung thư cuốn họng; thật tào lao!.Vì rứa mà dễ bị chọc chưởi. Ở Thừa Thiên, huyện Phú Vang, làng An Tiên nổi tiếng chưởi, nổi tiếng chống vua của nhà họ Đoàn. Đến nay ít ai nhắc đến chỉ nhắc có rượu ngon nổi tiếng cố đô Huế. Cho nên chi Huế có nhiều tên gọi nghe kỳ cục và nhiều bút danh ngộ nghĩnh đọc lên nghe chướng vô cùng.Về Việt nam (Sàigòn, Huế, Hànội) ăn uống đúng thời thượng: quán cóc, hàng gánh là tuyệt cú mèo, nếu gặp phải mưa bay lất phất là đáo phụng đình hơn một chầu hát bội bà Tuần Ngả Giữa của Huế tôi ./.VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc. hai nhăm tháng chạp âm 30/1/2019)* Chinook-Wind: Gió ấm, từ Thái Bình Dương thổi xuống bờ phía Đông vào mùa đông làm tan tuyết.* Đông-ke: Don’t care= không màng tới.* Cụ-kỵ: Tiếng điạ phương ở Huế: ngày giỗ.

 

Võ Công Liêm

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền