*SC 11- Gò Trăng (Truyện Ngắn) Tác Giả Sông Cửu (CA- USA)

 

Tác Giả Sông Cửu

 

 

 Gò Trăng

 

1

 

 

Đêm cuối năm, tại một đô nhỏ sát biên giới phía Nam nước Mỹ giáp Mexico, xứ sở bộ phim "Người Giàu Cũng Khóc" là quê hương thứ hai của anh chị Bảy Đậm. Tính cái xuân nầy nữa là mười sáu năm trời xa quê.

Đêm 30 tết âm lịch, anh Bảy lom khom dọn bàn ra sân ngồi uống rượu một mình. Anh mỉm cười ôn lại chuyện đời. Ối cha; Ba chìm bảy nổi vô số cái linh đinh… Bỗng dưng anh cảm thấy buồn buồn nên gọi vợ:

- Em ơi! Gần giao thừa rồi, ra uống với tui vài ly đi… Bà lúc nào cũng lu bu…

Chị Bảy bưng ra một dĩa tôm khô củ kiệu trộn lỗ tai heo luộc để lên chiếc bàn con, kế chai rượu Đại Hàn… nhìn chồng cười:

- Hỏng lu bu làm sao có món ăn quê hương mà ông đòi… Cần gì tui, nói đi?

- Nè, hồi mấy năm tui vô tù cải tạo, ở nhà bà làm "vệ tinh" cho người ta. Vệ tinh là cái giống gì vậy?

Bảy Đậm hỏi giọng thắc mắc… Chị Bảy nhìn chồng ngạc nhiên:

- Ủa? Sao bữa nay điều tra lý lịch tui vậy?

- Hong. Tui muốn biết nhiệm vụ "vệ tinh" của bà thôi. Còn mọi việc khác cho qua… khỏi truy cứu. 

Anh Bảy nheo mắt nhìn vợ giã lã:

- Bà thấy tui nói giọng giống mấy cha  quản giáo áo vàng chưa?

Chị Bảy cười cười:

- Giống lắm… Phải họ nhốt thêm khoảng 10 năm nữa giống y chang…

Anh Bảy giẫy nẩy:

- Thôi thôi… Tết nhứt đừng nói… xui xẻo nghen bà…

Chị Bảy ngồi xuống chiếc ghế đối diện anh Bảy, nói như kể lể:

- Ông nhắc làm tui nhớ lại mà phát kinh. Khi mấy ông vào tù hết ráo, chị em tụi tui ở nhà bị bầm dập từng ngày, đâu ai được sống yên thân. Tuần nào cũng bị tập trung lên Công An phường nghe chửi bới "chánh trị." Lão Thắng, công an phường , có mấy nhiêu nói hoài,  chị em nghe riết ai cũng thuộc lòng: "A! Hậu quả những kẻ ham ôm đít Mỹ của chồng con em các bà là vậy đó… sáng mắt ra chưa? Biểu đăng ký đi kinh tế mới, cách mạng khoan hồng cho về… cũng ngoan cố hỏng chịu. Cho chồng con mấy bà cải tạo rục xương là đáng lắm…"

Bảy Đậm cười khà khà xua tay bảo vợ:

- Thôi thôi… chuyện dài… biết rồi… nói mãi… Ngày tư ngày tết quên đi… nói tui nghe chuyện "vệ tinh" thôi.

Chị Bảy kéo kế ngồi đối diện với anh Bảy, thở dài rồi nói giọng kể lể:

- Hỏng nhờ con Lệ, công nhân xí nghiệp may "Việt Thắng" giúp đỡ, tui làm sao có thêm chút ít tiền lo cho tụi nhỏ và thăm nuôi ông lúc ngặt nghèo hồi mấy năm khổ đó…

Anh Bảy gật gật đầu gợi thêm:

- Ừa, Phải cô thợ may mà em giới thiệu ngày anh mới ra tù lại thăm, em nói cổ là người cùng quê với mình đó hong?

- Đúng rồi. Nghe nói nó là công nhân tiên tiến gì đó… được kết nạp đảng viên rồi…

Anh Bảy Đậm cầm ly rượu ực một cái rồi nheo mắt nhìn chị Bảy nói giọng mỉa mai:

- Đảng lớn bỏ tù chồng bà mút mùa… Đảng nhỏ ở nhà giúp bà búa sua… "Đạo đức cách mệnh"… quá héng?

- Cái ông nầy… quơ đũa cả nắm… Con Lệ nó thương em thiệt đó. Không phải đảng viên làm sao nó lãnh đồ xuất khẩu đem về nhà cho em may được. Em làm "vệ tinh" lén cho con Lệ thôi. Mình gia đình ngụy, xí nghiệp họ đâu có cho lãnh đồ đem về nhà may…

- Biết rồi mà. Tui đùa thôi. Mía sâu có đốt chớ…

Anh Bảy tỏ vẻ bâng khuâng:

- Không biết hiện giờ cô Lệ sống thế nào há? Dù gì, cổ cũng là bạn tốt của mình.

- Ừa… Hồi mình đi, nó đến thăm, nó nói riêng với em là nó đang mang thai. Tụi đảng ở xí nghiệp biểu cổ khai cha đứa nhỏ ra để, nhưng nó nhất định không nói. Nó bảo tại nó muốn vậy chứ không phải tại cha đứa nhỏ. Họ đòi khai trừ khỏi đảng, nó nói khai thì khai chứ… Em bảo nó nói đại ra đi… bị khai trừ mất việc làm sao sống…

Anh Bảy gật đầu tiếp lời vợ:

- Ừa, bỏ đảng chắc là bị đuổi việc ngay… Bà khuyên vậy rồi cổ tính sao?

- Con nhỏ nầy cứng đầu lắm anh ơi… Nó bảo: "Anh chị đi được là em mừng rồi. Em quơ quào kiếm sống nuôi con. Mười mấy năm thôi, con em lớn, mẹ con em hủ hỉ với nhau… Tình mẹ con máu thịt mới bền… Chứ thứ tình đồng chí bây giờ mà nhằm nhò gì. Mình như trái chanh, còn nước thì họ xài, hết nước là họ liệng liền, hỏng thương tiếc gì đâu… Chứ còn con mình, là máu thịt mình, đâu có đứa nào bỏ mẹ nó đành đâu chị… Nó nói thẳng với bí thư chi bộ xí nghiệp may Việt Thắng của nó vậy đó! Thấy nó khóc, em cũng khóc theo… Em định nói với anh mình dành dụm gởi tiếp nó chút ít khi sinh nở… Nhưng mấy lần gọi phone về không nghe nó bắt. Gọi hỏi thăm chị hai Dậu mới biết, sinh con xong, bị cho thôi việc, nên nó về quê ở Bà Rịa rùi! Tội nghiệp nó quá… Em mà về Sài Gòn thế nào em cũng rủ anh đi tìm thăm nó. Mười năm trời anh bị cải tạo, kỳ nào thăm nuôi, nó cũng nhín nhúc phụ thêm để em mua quà mang đi thăm anh…

Suốt đêm giao thừa năm nay, anh Bảy Đậm cứ nằm trằn trọc không ngủ được. Câu chuyện cũ xảy ra hơn mười mấy năm rồi mà anh cảm thấy như vừa mới  hôm qua…

 

2

 

   Lúc anh Bảy ra tù cải tạo về đến nhà năm đó, còn vài tuần nữa là đến tết nguyên đán. Đêm nào chị Bảy cũng thức may tới gần sáng. Anh Bảy nóng ruột cự nự biểu chị chừa thời gian ngủ nghỉ. Chị nói em phải ráng may dứt hết ba cái đồ "vệ tinh" người ta mới cho mình lãnh tiền chớ anh… Ý chị là cố làm cho có tiền kha khá đưa anh xài tết vui cùng bạn bè cho vơi bớt mặc cảm bởi nỗi buồn tù tội cải tạo mới về. Còn anh thì thương vợ còng lưng đêm ngày vì chồng vì con. Thế đấy, chỉ vì yêu thương nhau thôi mà đâm ra cãi vả, buồn vui, mặc anh cằn nhằn chị cứ phớt lờ, ngồi may suốt!

Sáng hôm đó, nhìn vợ cứ ngồi ép mình vào bàn máy may,… Anh Bảy chịu hết nổi, quảy túi định lên công an phường xin giấy tạm vắng đi về quê. Anh ghé quán cà phê lề đường ngồi uống. Mới hừng đông, hàng quán còn vắng khách, anh Bảy hớp một ngụm cà phê bốc mùi bắp rang, anh lắc đầu suy nghĩ lang bang… Một cô gái sà tới chỗ chiếc bàn nhỏ mà anh đang ngồi hỏi giọng thân mật:

- Làm gì ra quán sớm vậy, bộ cự nự với bà xã rồi hả?

Chẳng thèm ngó lên nhìn mặt coi ai hỏi. Anh Bảy uể oải đáp:

- Mới bắt đầu "chiến tranh lạnh" thôi, chưa ảnh hưởng gì nhiều đến hòa bình thế giới!

Cô gái mỉm cười khuyên:

- Thôi, bữa nay về quê chơi với em một chuyến đi. Xả hơi cho bớt căng… "Chiến tranh nóng" mà xảy ra là khổ cho mấy đứa nhỏ đó đa…

Nghe nói, anh Bảy nghĩ chắc là con "gà móng đỏ" nào đây rủ đi bán "vốn tự có." đây.  Mới sáng mà gõ cửa bị lộn chỗ rồi, nên anh đáp xuôi xị:

- Xe hết xăng rồi, đâu có uống nước lã chạy bộ nổi…

Cô gái bật cười:

- Em bao hết. Đừng lo. Mới lãnh lương…

Anh Bảy giật mình. Vậy cô nầy đâu phải gái ăn sương. Anh ngước lên nhìn mặt người đàn bà ngồi chung băng ghế kế mình. Ô! Té ra là người thợ may xí nghiệp Việt Thắng mà bà xã mình làm "vệ tinh" bấy lâu.

Anh nói giả lả:

- Tui chưa xin giấy tạm trú tạm vắng làm sao mà đi…

- Đi với em đừng lo. Em nói anh là chồng em, không ai hỏi giấy tờ anh gì đâu. Cả ấp Gò Trăng đâu có ai lạ gì em. Anh yên tâm.

Bảy Đậm nhíu mày suy nghĩ. Vậy là cô ta chưa có chồng, mượn mình đóng trò để lừa thiên hạ dưới quê chắc… Bà xã nói cô ta là đảng viên, còn mình là phó thường dân gốc ngụy… Chơi thì chơi, sợ gì…

- Anh ngại à? Đám giỗ má em, mỗi năm có một lần, anh về chơi với em đi… em lo hết cho.

Bị thúc hối, Bảy Đậm nổi hứng gật đầu:

- OK. Cô nói gì thì nói, tui đóng kịch dở lắm đó.

- Được rồi. Anh cứ làm thinh gật đầu cười cười thôi… Nè giờ anh làm ơn xách dùm em cái túi nầy để lát nữa mình ghé thị xã Phước Tuy mua một ít đồ đem về cúng má em.

Cô ta cố tình nghiêng chiếc cặp cho Bảy Đậm thấy xấp bạc căng cứng mới lãnh… nằm trong đó để anh yên lòng.

Đáp chuyến xe nhất Sài Gòn về Vũng Tàu, người đàn bà dẫn Bảy Đậm người chồng "bất đắc dĩ" chen lấn ra ngồi ở băng sau. Chú lơ xe mừng rỡ, nhìn cô ta hỏi giọng thân mật:

- Chị Ba về Gò Trăng đám giỗ cô Hai hả? Ai đây? Anh Ba phải hôn?

- Ừa! Năm rồi kẹt công tác, năm nay ảnh mới tranh thủ dìa đó.

Chị ta xoay qua nói với Bảy Đậm:

- Cậu Chiến, em cô cậu với em.

Cô ta cũng quay lại nói với Chiến:

- Đây là anh Ba cậu, kỹ sư sở điện lực thành phố…

Bảy Đậm vói bắt tay chú lơ xe:

- Chào em, hân hạnh biết cậu…

Rồi anh lại tiếp tục cười cười suy nghĩ… Cán bộ bên "Cách Mạng" người nào cũng nói láo y như nói thiệt (!)

Xuống bến xe Bà Rịa, cô vợ hờ dắt tay Bảy Đậm đi song đôi vào chợ Phước Tuy. Cô kề tai anh Bảy nói khẽ:

- Ở đây có nhiều người biết mặt em lắm, anh "đóng trò" khéo chút nhen… Giờ anh phụ em mua ít đồ về cúng má há…

Bảy Đậm nhẹ gật đầu, quảy chiếc ba lô theo bên "người vợ hờ." Cô ta mua đủ thứ, nào thịt ba rọi, bắp cải, củ hành tàu đủ mọi thứ lỉnh kỉnh… và sau cùng là "kết" bia 33, hai người è ạch mang xuống bến đò máy chở về đám giỗ "má vợ" ở ấp Gò Trăng. (Gò Trăng tức ấp Gò Găng của xã đảo Long Sơn, Huyện Tân Thành  thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

 

Đò vừa cập bến, một bà xồn xồn tuổi độ hơn sáu mươi ơi ới gọi lớn:

- Lệ! (tên vợ hờ Bảy Đậm) dì Tư đây nè… Dữ hôn, sao lại về chuyến đò trưa, trễ vậy? Tao đợi bây từ chuyến đò sáng đó… Có "thẳng" dìa hong?

Lệ bước lên mũi tàu, nhảy xuống bãi chạy ồ lên lộ ôm lấy bà dì líu lo mừng rỡ:

- Có dì… ảnh kìa! (chỉ Bảy Đậm còn đứng dưới mũi đò) Tụi con ghé thị xã mua đồ cúng má nên trễ chuyến nhất dì ơi! Dượng khỏe hong?

- Cọp vật ổng cũng hỏng chết nữa. Ổng đòi theo ra đón bây, nhưng tao bắt ổng ở nhà coi chừng nồi bánh ich mới chín tới… hì hì!

Nhìn Bảy Đậm è ạch rinh đồ lên bờ, dì Tư cười toe toét:

- Dữ ác hôn, nó cứ hẹn lần hẹn lựa mấy năm nay mới chịu dẫn chồng dìa thăm quê. Sao hỏng đợi tao theo má mầy rồi hãy dẫn nó dìa… Con với cái…

Nghe mối tình yêu thương của dì thay mẹ dồn hết qua cho cháu, làm Lệ ứa nước mắt… nhưng cô cố giữ vẻ tự nhiên cười đùa:

- Dì còn khỏe chán, đừng nói chuyện bi quan… má giao con cho dì… làm sao má cho dì bỏ con!

Dì Tư mắng yêu con cháu mà mắt thì liếc nhìn thằng cháu rể giả:

- Cái con nầy… chuyện gì nó nói cũng qua hết… Con làm chồng mà hiền quá coi chừng nó quay con như dế đa!

Bảy Đậm cũng chỉ cười cười… Ở ấp Gò Trăng xã Long Sơn nầy một số gia đình còn xài nước giếng. Vừa về đến nhà, Lệ vào lấy xà bông dắt Bảy Đậm ra chỉ bờ giếng bảo:

- Anh tắm đi cho khỏe, thay đồ rồi vô lai rai với dượng Tư. Mai chánh giỗ mới có khách… Giờ Em vào phụ nấu với dì Tư hén.

Anh Bảy gật gật đầu rồi xách gàu lại giếng múc nước xối tắm xả mệt từ sáng đến giờ.

Thấy cô “vợ giả” đóng trò vui vẻ anh Bảy bỗng nhớ đến chị Bảy; người vợ thật, thủy chung của anh. Giờ nầy chắc lo lắng, không biết bữa nay chồng đi đâu…Tự nhiên anh muốn trở về ngay Sài Gòn… nhưng giờ nầy làm gì có chuyến đò nào vào đất liền mà về.

Tắm xong, anh ngồi trên thành giếng, nhìn vầng trăng mười sáu treo lơ lửng ngoài bìa rừng xã đảo… Lắng nghe tiếng sóng thì thào từ biển đông vọng về,  Bảy Đậm cảm thấy trong lòng nao nao. Lệ bước lại ngồi kế bên anh nói giọng cảm thông:

- Nhớ nhà hả? Thôi, vui vẻ với em đêm nay đi. Sáng mai em đưa về Sài Gòn sớm mà. Em nói với dì em, anh bận "trực ban" không ở lại được. Cơm dọn rồi, anh vào ăn… để dượng Tư chờ.

Anh Bảy lại cười cười rồi mang túi quần áo theo Lệ vào nhà. Vừa đi Lệ vừa kể sơ về ngôi nhà ngói cũ kỹ nầy cho anh chồng hờ mình biết thêm: 

- Nhà nầy là của ngoại cho ba má em. Khi má ba em không còn thì dì dượng em về ở đây với em từ khi hòa bình tới giờ.

Anh Bảy lại gật gật đầu mỉm cười:

 

- Vậy nhà nầy… chính là nhà của cô?

- Dạ, nhưng lúc nào em cũng coi như của dì dượng em. Dì dượng là cha mẹ em mà…

Bảy Đậm gật đầu tỏ ý tán thành:

- OK! Cô hiếu thảo được như vậy là hiếm lắm đó. Thời buổi Việt Nam mình bây giờ, tình nghĩa tính bằng tiền bạc của cải không cô ơi…

Lệ nhìn thẳng vào mặt Bảy Đậm cười thành tiếng:

- Dữ ác. Dù làm chồng "hờ" cũng phải ráng bộn lời nhiều tiếng dùm chút chớ… Như vậy được đó! Sáng giờ chưa nhập vai hả?

Bảy Đậm lại cười cười phân bua:

- Từ đầu tui đã nói với cô… Tui đóng kịch dở lắm mà!

- Thì em làm đạo diễn nhắc tuồng cho anh đó… Lát vào nhà đừng kêu em bằng "cô" nhen. Lộ tẩy hết đó!

Thấy Lệ vô tới sân, dượng Tư bước ra cửa ngoắc anh Bảy:

- Vô đây cháu. Mình nhâm nhi trước, dì cháu nó hâm đồ ăn rồi lên sau.

Trên chiếc bàn tròn cũ kỹ để giữa nhà, đồ ăn dọn ra lỉnh kỉnh đủ thứ. Dượng Tư kéo ghế ngồi xuống, thân mật nói:

- Khui bia đi con… Có bây tao uống cho vui. Chứ thứ nầy uống lạt lẽo lắm. Tao uống đế quen rồi.

Anh Bảy bật nắp một lon bia, rót ra ly cho ông Tư, còn anh khui để trong lon cho phần mình. Dì Tư và Lệ cũng bê cái lẩu thập cẩm lên tới ngồi vào bàn. Lệ khoát tay cười nói với anh chồng hờ:

- Dì cháu em không biết uống đâu, "mình" đừng khui thêm…

Bảy Đậm lỏn lẻn cười cười rồi nâng bia lên mời ông Tư:

- Con mời bác…

Ông Tư cầm ly bia đưa lên đụng vào lon Bảy Đậm rồi cười khà, nói giọng trách móc:

- Gọi bằng dượng chớ sao lại gọi bác bây… Vợ mầy ngồi đây nhen!

- Xin lỗi, con quên… Mời dượng.

Tiếp tục, người cạn ly, kẻ cạn lon. Riêng Bảy Đậm sáng giờ chỉ ăn có 1 ổ bánh mì lúc xe ghé chợ Long Thành để mua thịt rừng… nên vô mới mấy lon là nói năng lè nhè. Thấy Lệ gắp thức ăn bỏ vào chén anh và ông Tư đủ thứ… Anh Bảy đưa tay cản lại:

- Thôi, bỏ cho dì dượng đi… đừng bỏ cho tui nữa. Anh xoay qua ông Tư đưa lon bia lên:

- Vô đi dượng, "chăm" phần "chăm" nhen… nhen…

Anh lè nhè thêm:

- Sao bây giờ người ta thích "gắp bỏ" quá. Con chưa quen nên ít dùng…

- Ừ! Tao cũng đâu có thích…

Ông Tư nói tiếp: 

- Tới đám tiệc, hễ ngồi vào bàn là họ gắp bỏ mình vung chén… ăn muốn ngộp thở luôn… Dì cháu con Lệ cũng bị nhiễm cái tục lệ nầy lâu lắm rồi…

Bà Tư nguých ông Tư rồi cười nói:

- Hứ! Ông ăn, cho thằng nhỏ nó ăn với… Ngồi uống hoài làm sao nó ăn?

Ông Tư nhìn dì Tư nói đùa với giọng mỉa mai:

- Bà làm như tui là công an hình sự hỏng bằng. Tui cấm không cho nó ăn hồi nào?

Bảy Đậm nhìn bà Tư và Lệ với vẻ biết lỗi rồi nói xen vào một câu cầu hòa:

- Xin lỗi dì!… Dượng cháu con đùa thôi, chứ cái mốt "gắp bỏ" thời giờ cũng là văn hóa “đỉnh cao” đó dì…

Bà Tư cười cười nhìn Bảy Đậm lắc đầu:

- Tụi con làm cán bộ kỹ sư thì thấy vậy thôi. Theo dì biết, phần đông dân Miền Nam mình, người ta hỏng có thích đâu. Đũa người nào nấy ăn, gắp bỏ lung tung thấy gớm!

Rượu vào thì lời ra, chê khen đủ thứ… Ông Tư hả hê với thằng cháu rể "kỹ sư" điện lực thành phố. Bảy Đậm chịu hết nổi bèn nói cùng ông Tư:

- Xin phép dượng con không uống nữa…

Ông Tư nhìn anh Bảy gật đầu thông cảm:

- Ừ, Tao cũng không uống nổi nữa. Thứ bia nầy ực nhiều cũng quây mòng mòng chứ bây… Thôi, con qua bên ghế tràng kỷ ngồi, dượng đi rửa mặt chút rồi vô mình uống trà.

Anh Bảy qua ghế, rót hai tách trà, ngồi đợi ông Tư. Phần thì đi suốt ngày mệt, phần uống hơi nhiều bia nên Bảy Đậm gục đầu xuống cạnh bàn ngủ thiếp. Ông Tư vào tới nhìn thấy bèn gọi cháu gái:

- Lệ ơi! Dìu chồng con vô phòng ngủ đi. Nó xỉn rồi… cái thằng, coi khỏe vậy mà tửu lượng hơi yếu nhen.

Lệ từ nhà dưới chạy lên, đến bên kéo tay Bảy Đậm choàng lên vai đi vào phòng trong. Cô vừa đi vừa phân bua cùng ông Tư.

- Ảnh đâu biết uống rượu. Nay gặp dượng vui ảnh uống mới xỉn đó chớ!

Ông Tư tỏ vẻ cảm thông:

- Tội nghiệp hong! Cán bộ ông nào ông nấy uống như hủ chìm. Sao nó dở vậy? Thôi, con vô bỏ mùng cho nó ngủ đi.

Nhìn Lệ dìu "chồng" vào phòng, ông bà Tư ngó nhau gật đầu cười. Thấy Lệ trở ra phụ dọn dẹp dì Tư gặng hỏi:

- Nè! Mấy năm rồi mà sao tụi bây hỏng có con? Bày đặt "kế hoạch" hả? 

Lệ biết dì muốn Lệ sinh con để dì có cháu ẵm bồng… Dì thương Lệ như thương đứa con máu thịt do mình đẻ ra… Cho nên việc nói dối với dì Lệ đã có chồng, Lệ cảm thấy mình tệ bạc với người mẹ thứ hai của mình không biết chừng nào! Lệ cố thỏ thẻ cùng dì bằng những lời nói dối tiếp theo:

- Tụi con còn công tác… sanh con rồi làm sao lo cho nó!?

- Đem về tao nuôi!

Dì Tư thở ra nói như trách móc:

- Biết lắm mà. Nghe nói từ ngày "giải phóng" tới giờ, hết kế hoạch đến phá thai, sanh con rồi đem vứt bỏ… Ối, tội lắm nghen bây!

Nghe tấm lòng yêu thương chân thật của người dì, Lệ chảy nước mắt. Ông Tư lườm bà Tư:

- Cái bà nầy, chuyện ta bà thế thái mà cũng nói làm tụi nhỏ nó buồn. Con vào ngủ đi, nghe làm gì chuyện lẩmcẩm của bả…

Lệ vòng tay âu yếm ôm dì Tư, rồi nói giọng lý lắc:

- Dì hứa rồi nhen, năm tới con có cháu mang về ngoại nuôi đó.

Bà Tư tỏ vẻ vui mừng cười toe toét:

-                    Ừ! Mấy đứa tao cũng nuôi hết…

Ánh trăng mười sáu chen qua khung cửa chiếu vào phòng của Lệ. Cô thay đồ ngủ xong, rón rén bước lại vén mùng lên ngắm anh chồng hờ đang kê tay gối đầu ngủ say. Cô kéo mền đắp cho anh, nâng đầu anh để trên chiếc gối. Lần đầu trong đời, cô vuốt mái tóc người đàn ông và cúi xuống hôn lên vầng trán cao cao thật ngọt ngào đắm đuối… Bảy Đậm giật mình tỉnh giấc, anh chống tay ngồi lên nhìn Lệ ấp úng:

- Ô! Xin lỗi cô… Sao tui ngủ đây?

Lệ quàng tay qua vai Bảy Đậm đặt nằm trên chiếc gối trở lại và bạo dạnhôn vào đôi mắt anh rồi thì thầm những lời chân tình:

- Đây là phòng em. Anh ngủ thiệt với em đêm nay đi. Dì Tư em nói rồi. Có cháu mang về dì nuôi mà…

Lệ nằm xuống và kéo Bảy Đậm ngả đầu vào ngực mình, rồi thủ thỉ bên tai anh:

- Cho em một đứa con đi anh. Anh cùng gia đình sắp xuất ngoại rồi… Tiếc với em làm gì!?

Nghe những lời tha thiết của Lệ, Bảy Đậm cảm thấy lòng mình bỗng nhiên xao động. Rõ ràng là Lệ  muốn có một đứa con với anh. Cô tự nguyện một cách thật thà chứ nào có ý gạt gẫm gì anh đâu. Thấy Lệ muốn khóc… anh Bảy cảm thấy xót thương tấm lòng chân chất của cô gái Sài Gòn mình, một người đàn bà cùng quê Vũng Tàu với anh! Anh đỡ Lệ ngồi vào lòng và đặt lên đôi môi cô một chiếc hôn thật sâu với lời thì thầm chân tình:

- Anh yêu em!

Hai vợ chồng "hờ" ôm ghì lấy nhau, họ hòa lòng theo tiếng sóng từ bên kia biển Vũng Tàu rì rào vỗ vào đảo cát Gò Trăng!

 

Mùa Xuân 2019

Sông Cửu

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền