*LQH 6- Khi Người Ta Còn Trẻ (Bút Ký) Tác Giả Lý Quang Hoàn (Florida- USA)

 

Tác Giả Lý Quang Hoàn

 

 

KHI NGƯỜI TA CÒN TRẺ

 

          Ngày còn trẻ tôi vướng phải rất nhiều tật xấu, chẳng hạn như hay đi chơi khuya, la cà các quán bar nốc rượu mạnh, tán dóc với bọn bạn vừa trai vừa gái, sau đó cả bọn kéo ra " Dốc sương mù " * làm thêm vài chai bia và một cái lẩu cá hú rồi ngất nga ngất ngưỡng tìm đường về nhà. Mấy đứa bạn luôn luôn đòi chở về nhưng tôi lại thích lang thang trên đường khuya một mình.

Dạo ấy ba tôi là người rất nghiêm khắc và ông không thể nào chấp nhận có một đứa con hoang đàng chi địa như tôi. Vì vậy mỗi buổi tối sau bữa cơm ông gầm gừ nhìn tôi và nói, " Nhớ về sớm, còn khuya quá thì xéo mẹ mày đi đâu cho khuất mắt. Tao không có cái loại con trời đánh như mi." Nhưng ông nói thì nói và tôi đi thì vẫn đi.

Những ngày sau đó, ông mua một sợi dây xích sai anh người làm vườn khoá cổng chính ( vì nhà tôi nằm giữa một khu vườn rộng, cổng chính với hàng rào khá cao phía trên được gia cố thêm dây kẽm gai nên không cách nào leo tường vào được ). Ông giao chìa khoá cho anh làm vườn và cấm tuyệt đối không được mở cửa cho tôi vào khi đi chơi khuya về. Khoảng sân vườn cũng khá xa, nếu tôi hét to lên để kêu anh ta mở cửa chắc chắn tiếng kêu sẽ đánh thức ba tôi dậy và cơn thịnh nộ của ông sẽ trút xuống đầu tôi, thằng con mất dạy như ông thường chửi tôi.

Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được một diệu kế. Tôi mua một sợi dây thừng khá dài và lấy lòng anh người làm, giúi cho anh một cây Basto và ít tiền cà phê. Ngược lại, mỗi đêm sau khi khoá cổng và đợi cho ba tôi đi ngủ, anh cột sợi dây thừng vào cổ chân mình rồi kéo dài ra tận cổng, thế là từ đấy mỗi đêm tôi tha hồ đi chơi khuya và khi trở về nhà lẻn vào phòng mình một cách an toàn mà ba tôi không hề biết, bởi chỉ cần giật sợi dây thừng đánh thức anh làm vườn ra mở cổng thế là xong.

Sự việc diễn ra khá lâu, ba tôi không hề hay biết và ông nghĩ chắc thằng con trời đánh đã tu tâm dưỡng tánh vì mỗi buổi sáng ông đều vào phòng tôi kiểm tra thì thấy sách vở luôn luôn nằm ngổn ngang trên bàn học trong khi tôi ngủ như chết. Một hôm ông vào kiểm tra cùng mẹ tôi. Tôi làm bộ như đang ngủ say nhưng vẫn vễnh tai và mở hi hí mắt xem ông bà làm gì. Nghe ông nói với mẹ tôi: 

- Bà thấy không nhờ tôi nghiêm khắc nên dạo ni thằng Ba thay đổi nhiều, không đi chơi khuya lại còn biết thức khuya ôn bài nên giờ ngủ say không muốn dậy nữa.

Nhưng quả thật trời bất dung gian, một hôm hình như khó ngủ ông thức dậy lúc nửa đêm và đi dạo trong vườn bị vấp sợi dây thừng, thế là mọi chuyện đổ bể. Anh làm vườn khăn gói ra đi, còn tôi ăn một trận đòn nên thân. Sau đó tôi được gửi vào một trường dòng dù gia đình tôi không theo công giáo, nhưng nhờ sự quen biết của ba tôi nên các cha đã nhận.

Các bạn không biết đâu, kỷ luật trong trường dòng thì khỏi phải nói, rất nghiêm khắc. Chúng tôi, ngoài các môn học phổ thông ra, chúng tôi còn phải học thêm tiếng La tinh. Môn học quả thực khó trời kêu, rồi học sử dụng một số nhạc cụ như mandoline, guitar, saxo, clarinette, violon. Quả thật tôi là loại dùi đục chấm mắm tôm nên không học được món nào cho ra hồn. Bị phạt cấm túc liên tục, lại còn bị đuổi ra làm vườn.

Rồi tánh nào tật đó. Tôi tập họp được một nhóm gồm năm đứa, học thì lười nhưng chơi thì giỏi, bày mưu tính kế qua mặt các cha để đêm đến trốn ra ngoài đi chơi khuya, nhảy nhót, nhậu nhẹt. Tôi cũng quên không kể cho các bạn là tôi quen hai đứa bạn gái con nhà giàu cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi, bị gửi vào trường ma soeur cũng nội trú. Tôi đã bắt liên lạc được với tụi nó.

Như kế hoạch đã định, cứ mỗi đêm trước giờ ngủ, cha giám thị đi kiểm danh một lần. Chúng tôi đợi cho xong giờ kiểm tra bèn lấy cái gối ôm đặt lên giường rồi trùm mềm lại giống như một người đang ngủ và nằm dưới gầm giường. Xong giờ kiểm tra, từng đứa, từng đứa bò ra khỏi phòng, leo rào, mò đến trường các sơ nơi mấy đứa bạn nữ đang nội trú. Bịt tay lên miệng và sau vài tiếng huýt gió ra ám hiệu, rồi từng đứa, bịch.. bịch. Thế là cuộc vui bắt đầu cho đến một hôm, bọn tôi leo rào về lại trường. Từng đứa một nhảy xuống. Bất ngờ một đóm sáng từ một chiếc đèn pin loé lên...  trên tay cha giám thị!

Thế là sáng hôm sau chúng tôi theo cha giám thị đến bệnh viện thành phố khám, thử máu, xem có đứa nào bị mắc bệnh xã hội hay không. Về lại trường, khi vừa xuống xe đã thấy cha mẹ tôi và những phụ huynh khác được mời đến để kể tội và nhận mấy thằng ác ôn chúng tôi về vì các cha không nhận cho nội trú nữa.

Rồi dòng đời vẫn trôi mặc kệ chuyện quái quỷ gì xảy ra.

 

Tôi đã trải qua nhiều cuộc tình vụn vặt với nhiều người con gái. Quen, biết, yêu, thất tình, rồi lại yêu.

Một ngày tôi chợt nhận ra là mình đã già theo tháng năm. Nhưng vẫn không thể nào thay đổi được những thói quen đã hằn sâu trong tôi suốt một thời tuổi trẻ.

Tôi vẫn sống độc thân, đã gia nhập quân đội lang thang trên các chiến trường Tây nguyên Pleiku, Kontum, Buôn mê thuột, Quảng trị, Thừa Thiên Huế... Cũng vẫn thói nào tật nấy, sống sót sau các trận đánh trở về phố, cũng lại nhậu nhẹt, qua đêm với các cô gái ở Xóm Thượng**, để rồi những ngày hôm sau lại lê la ở một xó rừng hay góc núi. Cuộc sống không biết đâu là bờ là bến.

Thế rồi biến cố 1975 đã đưa đẩy cuộc đời tôi qua một ngã rẽ khác. Như bao người lính bị kẹt lại, tôi đã phải đi cải tạo. Những ngày tháng gian khổ lại tiếp tục. Tôi và một số anh em sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính gồm nhiều binh chủng bị chuyển qua nhiều trại tù khác nhau như căn cứ La sơn, vùng sơn lam chướng khí Nam Đông, Khe Tre. Số sĩ quan còn lại bị lùa về tận Buôn Hồ. Ở đây chưa được 6 tháng lại bị chuyển về Trại Ái Tử *** cách quốc lộ 1 hơn 20 Km đến Trà Liên, nơi có căn cứ Phượng Hoàng cũ của VNCH, một thời lẫy lừng của Tiểu đoàn 6 TQLC.

Sau này họ đã sát nhập trại nữ phục hồi nhân phẩm Tây lộc Huế vào phân trại 1 bao gồm đủ mọi thành phần, từ gái làng chơi đến nghiện ngập, trộm cắp, mà họ gọi chung bằng một cái tên là " Tệ nạn xã hội ".

Những lần chuyển trại này là khởi đầu cho những chuyện tình ướt át đẫm màu tiểu thuyết. Họ đã gỡ gạc nhau chỉ với vài ba tảng đường đen, gói thuốc lào, cân đậu phọng. Nhưng cũng có những mối tình sống chết với nhau bằng những cuộc trốn trại dẫn đến những cái chết thương tâm bên bờ suối góc rừng vì đói khát hoặc sốt rét. Nghĩ cho cùng con tim cũng có những lý lẽ riêng của nó, bởi vì cuộc đời càng khốn khổ và tuyệt vọng bao nhiêu thì người ta càng dễ dàng tìm đến với nhau bấy nhiêu.

Tôi cũng là nhân vật chính trong một chuyện tình trong những chuyện tình đó. Thôi cũng đành nhắm mắt đưa chân. Bởi khi càng gần gủi với nỗi tuyệt vọng, những con người tuyệt vọng luôn tìm cách đến với nhau hơn cả về bản năng lẫn tinh thần.

Tôi đã sống những ngày như thế đó. Từ một cậu ấm với vòng tay bảo bọc của gia đình, muốn gì được nấy, muốn gì làm nấy bất kể lời khuyên răn của cha mẹ, gia đình cho đến khi trở thành người lính, rồi một tên tù cải tạo.

Quả là đúng thật, bởi khi người ta còn trẻ, người ta chỉ muốn làm theo bất cứ điều gì mình thích và không cần suy nghĩ rằng có nên làm hay không.

 

Bây giờ ngồi đây trong một quán cà phê xa lạ, trong một thành phố xa lạ, một đất nước cách xa đất nước tôi nửa vòng trái đất, tôi đã không còn được nghe tiếng chửi mắng la rầy của ba mẹ tôi nữa. Những ngày mưa tầm tã như hôm nay hòa nhập tâm hồn với tiếng nhạc pha lẫn tiếng mưa rơi và bùi ngùi hồi tưởng về những ngày qua trong quá khứ với sự tiếc nuối khôn cùng.

Con người ta là như vậy. Khi mất đi những người thân yêu thì cũng là lúc chúng ta nhớ về họ khôn nguôi.

Bây giờ khi về già mới thấy được những sai lầm của mình trong suốt một thời tuổi trẻ.

Và ngày tháng đã trôi qua một cách chóng vánh. Những ngày tháng lặn lội mưu sinh ở xứ người. Những ngày như hôm nay, ngồi một mình trong một góc quán cà phê vắng, ký ức tôi lại hiện về như một cuốn phim quay chậm. Những hình ảnh của một thời quá khứ lại hiện lên mãnh liệt hơn bao giờ.

 

Buổi sáng đã trôi qua nhẹ nhàng trong nỗi buồn mang vóc dáng một loài thú tránh đông. Cuộc sống tôi cũng không dễ dàng hơn chút nào. Mỗi ngày tôi lại phải đối diện với chính mình và thấy thương mình nhiều hơn. Một cuộc đời không bằng phẳng và xuôn xẻ như những cuộc đời khác.

Tôi đã sống lặng lẽ trong nỗi niềm mình như một "đớn xót tự đày" nhìn đời bằng con mắt của một kẻ thất bại.

Mỗi ngày trong tôi mơ hồ với niềm hy vọng về một phép màu nào đó. Ngày tháng lịm dần, lịm dần như bóng hoàng hôn khuất dần sau rặng núi xa.

Trước mặt tôi là dòng sông đời ảo diệu. Tôi đã không biết mình còn kỳ vọng vào một điều gì nữa đây. Và cuộc sống tôi đã không êm ả như tôi đã từng mong đợi. Dòng sống ấy đã có lúc êm ả và hiền hoà như bóng dáng mẹ hiền năm xưa, luôn vỗ về ủi an ủi tôi suốt những năm tháng suy sụp sau những năm tháng cải tạo. Có những thời điểm tôi đã sống mà như đã chết. Mẹ đã vực tôi dậy rót thêm cho tôi những nghị lực với sự phi thường của một bà mẹ tần tảo nuôi dưỡng bầy con thành người trong suốt giai đoạn mà trần gian cũng giống như địa ngục. Tôi đã thành người vào những năm tháng ấy. Những năm tháng mà mẹ tôi đã phải bán dần bán mòn từng chiếc áo dài của thời con gái để nuôi chúng tôi đầy đủ với những bữa ăn ngô sắn.

Tôi lúc ấy sau những năm tháng bị vắt kiệt sức khoẻ trong suốt thời gian cải tạo, là anh cả trong một gia đình mà bố bị thất lạc không một tin tức. Mẹ tôi đã quần quật với chiếc xe đạp Peugeot, vật duy nhất còn lại của giai đoạn sung túc mà bà đã bằng mọi cách để giữ lại. Mỗi buổi chiều tôi nhận thêm chân giữ xe đạp từ 4g chiều cho đến nửa đêm khi mà những kẻ thừa tiền mứa bạc ăn nhậu cho đến say khướt,  nồng nặc mùi bia rượu ngả nghiêng trong bóng đêm.

Dạo ấy hầu như cả đất nước này chìm trong sự thống khổ của cơn sốt gạo. Mỗi ngày tôi đưa tay ra nhận những đồng bạc lẻ, những đĩa lòng heo, những mẩu bánh mì thừa, để rồi cả gia dình tám người xúm xít xung quanh một rổ khoai mì luộc được mua bằng những đồng bạc lẻ giữ xe và những đồ ăn thừa thải được cửa hàng ăn uống quốc doanh vứt đi. Và để nuôi đủ bầy con, mẹ tôi và em gái tôi, một cô giáo bị sa thải, đã phải lê la góc phố với mảnh bố vuông vức khá rộng đủ để bày những món hàng lạc-soon, những vật dụng cũ kỹ trong nhà từ những bộ quần áo cũ, chiếc cà vạt, đôi giày, cái đồng hồ quả quít mà hai mặt gương là hình ảnh của bố mẹ tôi trong ngày cưới, thậm chí cả những chiếc áo dài cưới của mẹ tôi ngày bà còn trẻ.

 

Cuộc đời tôi lại tiếp tục chìm sâu trong một bi kịch hôn nhân không lối thoát.

Dạo ấy tôi trở về như một kẻ chiến bại sau những năm tháng tù tội. Sau khi bị hất khỏi chân giữ xe đạp để dành cho con cháu của nhân viên cửa hàng, tôi đã phải tìm cách tự tồn tại cho bản thân mình và gia đình mình như đạp xe xích lô, xin vào làm chân cắt sặt cho HTX mành trúc mặt mây xuất khẩu đi Liên xô. Rồi phu hồ, làm cho HTX lò vôi, lặn xuống biển đục đá san hô, về chẻ đá, vô lò, ra lò, sàng vôi và mỗi ngày phải chịu đựng những câu nói rất đời thường của những công nhân nữ và nam cùng một HTX. Vào những ngày giáp tết thì đánh bóng lư đồng, chân đèn. Nói chung làm bất cứ việc gì để có tiền dù chỉ vài đồng tiền công ít ỏi như một cách tồn tại cho qua những ngày thiếu ăn.

Tâm hồn tôi tràn đầy thương tích cũng giống như đôi bàn tay với những ngón tay vàng ngày xưa đã từng được mệnh danh là H guitar vì thế mỗi lần ôm đàn muốn tấu lại những tấu khúc xưa tràn đầy chất lãng mạn thì bây giờ chỉ là những âm thanh khô khốc, vô hồn. Ôi ! Tôi đã đánh mất tôi hay cuộc đời đã đưa tôi đi quá xa giữa cõi mộng và cõi thực

Rồi như một lực hút vô hình tôi quen biết người ấy lúc còn là một ông giáo xóa nạn mù chữ ở một huyện miền núi, làm bạn với cây guitar và những cung bậc cổ điển. Chúng tôi đã có những đồng cảm trong tâm hồn. Cô ấy là một cô gái cành vàng lá ngọc đã cảm thông cho cảnh ngộ của đời tôi. Gặp nhau, cà phê, âm nhạc, hát hò sau những giờ khắc mệt mỏi với công việc và cùng mong tìm một chỗ dựa cho tâm hồn nhau sau những đau thương và mất mát..

Mọi việc chỉ mới là khởi đầu và con đường phía trước còn dài. Tôi chỉ muốn chia sẻ phần nào niềm vui tôi cùng người ấy bởi vì tôi luôn nghĩ yêu thương một người nào đó chính là yêu thương chính mình.

Nhưng lúc khởi đầu cũng chính là lúc mất đi. Người ấy đã ra đi mãi mãi với một căn bệnh hiểm nghèo. Biết nói sao ngoài nỗi ngậm ngùi. Ngày đưa người ấy đi xa, tôi đã tưởng như mình đã chết.

Và nếu như :

Nếu chia tay là mãi mãi 

Xin một lần rồi mãi chia xa

( thơ Byron German )

Từ dạo ấy,

Một ngày như mọi ngày,  đi về một mình tôi... ****

 

Lý quang Hoàn

________

Ghi chú :

* Dốc Sương Mù : góc Hai Bà Trưng và nhà hát lớn Sài gòn bây giờ.

** Xóm Thượng: một tên gọi của xóm bình khang ở BMT, cao nguyên trung phần VN.

 *** Một số địa danh và ý được trích dẫn từ Trại cải tạo Ái tử, Bình điền của Phạm văn Tiền. 

**** Nhạc Trịnh Công Sơn.

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền