*VCL 23- Chuyện Đời (Truyện Ngắn) Nhà Văn Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

                                                                                

 

                                                         CHUYỆN ĐỜI

 

    Thuyết ngồi thừ người trên thềm đá của ngôi miếu bỏ hoang, miếu cổ nằm gọn bên sườn đồi trọc, cây cối khô gầy, đá nhiều hơn đất, thiếu dinh dưỡng lại thêm khí hậu khắc nghiệt quanh năm ở quê nhà; nơi Thuyết sinh ra và lớn lên ở đây. Chưa xong lớp 12 thì tình thế thay đổi hẳn, thay luôn cuộc đời Thuyết. Hôm nay hắn ngồi độc như thế để tính đường tương lai mà tương lai thì mờ mịt. Nghĩ mà thương cảnh nhà, cảnh đời, căn nhà cũ xưa ông chú cai quản làm nơi thờ phượng. Nhà nằm cạnh xóm chợ, cạnh quán cầy của Tư Búa.

Đầu thập niên 80 cả nước đi vào con đường kinh tế ‘bao cấp’ khốn đốn lắm. Tư Búa nhìn con Đốm da bọc xương, lông lá trùi từ đầu tới đuôi, đi chậm rãi bên đống rác, rác không xông mùi tanh, Đốm đưa mũi khịt lấy lệ, lầm lủi bước đi. Tư Búa chả buồn để tâm đến Đốm như ngày xưa, cảnh chợ èo ọp cho nên Búa dẹp cái tiệm cờ-tây từ dạo đó và đi tìm cái nghề khác; vẩy máu nhưng đở công hơn. Nói cho ngay cái nghề tiết canh cầy, băm sả, lá mơ trước đây Búa hái ra tiền, mua một bán mười, nhưng nay thì thôi; người và vật teo như con mắm làm ăn cái nổi gì. Chó đâu còn nhiều mà nghĩ đến chuyện mở quán hạ-cờ-tây. Đói cho nên chủ mượn con vật trung thành ra ăn cái đã, hạ hồi phân giải. Đời chó thật là khốn nạn! Nhìn người và vật lâm hoàn cảnh bế tắc khắp nơi; trông thê thảm và não nề.

Thuyết liều ra đi kiếm sống. Đi cọp chuyến tàu xuyên Việt vô Nam, nghe đồn sầm uất và phồn vinh hơn những nơi khác. Thuyết thử thời vận ra đi. Tạm trú nhà anh họ. Thuyết đi suốt ngày. Dưới mắt người anh họ, Thuyết quá ‘mỏng’ từ thể xác đến tinh thần, lực lưỡng đâu mà đấu tranh với cái thời buổi nầy. Thuyết làm đủ nghề, đổ rác, bưng vát, xúc, đổ; bửa có, bửa không. Buồn lắm khi lê cái thân tàn về nhà ông anh họ ngủ nhờ cho qua ngày đoạn tháng, lúc đầu ông anh bực lắm nhưng khổ chung cho nên cũng cần có nhau những khi tối lửa, tắt đèn còn hơn không. Có nhiều đêm Thuyết về khuya, chẳng ai biết Thuyết làm cái nghề gì về đêm như thế.

Thả mình ngồi trên chiếc ghế con ở một tiệm nước bên đường, ngọn đèn quán yếu không đủ sáng cho một khoảnh tối mịt mùng sương gió nơi đây.

-  Mầy ra coi thằng chả muốn gì ? Phượng nói.

- Thôi; chị ra tiếp đi, em thấy cái tướng thằng nầy không phải dân chơi. Mỏng mảnh, yếu xìu. Hường nói.

Bỗng thấy Tuyết Linh bạn đồng nghiệp với Phượng và Hường  xông xáo bước vào quán, miệng cười nói bô bô. Hất đầu hỏi dăm ba chuyện, nhìn quán vắng khách chơi, Tuyết Linh buồn lây. Ngồi xuống ghế, lấy gương ra soi, điểm lại môi son. Bên ngoài cảnh vật thu nhỏ lại, dân đi hái hoa đêm mấy hôm nay thấy cũng ít ỏi so với mấy tháng trước. Hường mở ‘cặc-xét’, tiếng ca cải lương bung ra nghe réo rắt. Phượng lắng nghe lời ca ai oán mà lệ chảy.

- Thôi mầy ơi; tắt dùm tao. Phượng nói.

 Gần cả tiếng chả thấy khách chơi lai vãng. Chị Hai Thới đi vô, đi ra coi bộ nóng ruột, chị la, hét vô cớ với mấy đứa con gái làm ăn chung với chị. Chỉ vỏn vẹn thằng khách cà chớn ngồi lì đòn với tách cà phê tối. Chị Hai Thới bực bội nhưng biết kêu ai. Cái thời đói, tới thằng khách cũng đói. Ngao ngán sự đời.

Nhiều đêm như thế Thuyết, Linh gần như ưu ái với nhau mà ai cũng nhận ra sự gần gũi của hai đứa.

- Anh ngồi chơi. Em đi công chuyện với già nầy. Chắc chừng tiếng đồng hồ em trở lại. Tuyết Linh nói.

Thuyết quen lối sống như thế từ khi si tình và yêu Tuyết Linh cho nên không có chi lạ trong cuộc tình, họ nương vào nhau để sống giữa cái thời bao cấp nầy.  

 

Có nhiều buổi Thuyết ngồi từ đầu hôm đến khuya để cùng về chòi trọ  của Tuyết Linh trong hẻm chợ Vườn Chuối. Chủ nhân chòi trọ là bà Khấu. sống chết ở trong chợ hơn ba mươi mấy năm nay. Tuyết Linh ở đó như con gái bà. Thỉnh thoảng Thuyết đến ngủ ở đây với Tuyết Linh, hai đứa ngủ chung trên mấy thùng đạn ‘cặc-bin’. Họ cảm thấy hạnh phúc vì sự cảm thông sâu đậm và nhìn vào tình yêu là điểm tựa cuộc đời, vượt mọi trở ngại khó khăn để đạt mục đích. Thuyết cho đây là dịp may khi bỏ xứ ra đi, vừa có cuộc sống độc lập lại vừa có tình yêu chân thật giữa cái buổi hỗn mang, bon chen nầy. Sáu tháng sống gần nhau, chưa bao giờ cáu ó; dù rằng có bửa đói bửa no nhưng vẫn nở nụ cười đồng tình bên nhau.

Hôm nay đến quán nước chị Hai Thới đón Tuyết Linh về, Thuyết mặt mày tươi vui trông vẻ bồn chồn, đưa mắt tìm Tuyết Linh.

- Anh kiếm được việc làm rồi, lương hậu. Thuyết nói.

- Việc gì mà lương hậu. Tuyết Linh nói.

- Phu bến tàu. Anh không muốn Linh đi làm nghề nầy nữa. Thuyết nói.

 

Mười năm sau; Thuyết và Tuyết Linh sống với nhau ở một vùng đất tân lập. Họ có 2 con một trai, một gái. Thuyết và Tuyết Linh nhìn nhau mỉm cười thỏa mãn, họ cảm thấy đời không còn chật hẹp như trước đây, nhờ đổi mới đôi phần.

Thuyết vẫn roi roi, vẫn ‘mỏng’ nhưng chắc và khoẻ lắm. Tuyết Linh dày dặn, trông mặn mà, đôi gò má khi nào cũng ửng hồng với nước da ‘bần quân’ hấp dẫn.

- Em pha cà phê anh uống nhé! Tuyết Linh nói.

Thuyết sung sướng vồ lấy nàng hôn chùn chụt vào má, vào môi người tình năm nào. Cả hai nằm nán trên giường tận hưởng phút giây hạnh phúc cho thật dài lâu.

Mặt trời đã lên khỏi mái tranh, khóm lá, như mở màn một đời sống mới ./.

 

VÕ CÔNG LIÊM  (ca.ab. yyc. tiết sương giáng 10/2011)     

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền